Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 251/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 06 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC ĐƯỢC GHI DANH VÀO DANH SÁCH CỦA UNESCO, ĐƯỢC ĐƯA VÀO DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

Căn cứ văn bản số 2189/BVHTTDL-DSVH ngày 02/6/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng và phê duyệt dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục Quốc gia trên địa bàn tỉnh, thành phố;

Căn cứ danh mục Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được ghi danh của UNESCO, được ghi danh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo các Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch số: 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2012 về Nghệ thuật trình diễn dân gian Ca trù, số 4205/QĐ-BVHTTDL ngày 19/12/2014 về Tập quán xã hội và tín ngưỡng kéo song, số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30/1/2018 về Lễ hội truyền thống đền Ngự Dội, số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018 về Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soọng cô của người Sán Dìu, số 4581/QĐ-SVHTTDL ngày 20/12/2019 về nghệ thuật trình diễn dân gian hát trống quân Đức Bác, số 176/QĐ-BVHTTDL ngày 16/01/2020 về Tập quán xã hội và tín ngưỡng tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, số 1735/QĐ-BVHTTDL ngày 27/05/2021 về lễ hội truyền thống Lễ hội xã Đại Đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại văn bản số 3094/BVHTTDL-DSVH ngày 26/8/2021, về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch Bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh được ghi danh vào danh sách của UNESCO, được vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Bảo vệ, trao truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc sắc của các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào danh sách của UNESCO, được công nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và sự chủ động tích cực của người dân, cộng đồng trong công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

- Trao truyền tri thức, kỹ năng, nghi lễ thực hành đang đứng trước nguy cơ mai một cho thế hệ kế tiếp nhằm duy trì, bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị di sản văn hóa; bảo vệ di sản, đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa làm cho di sản lan tỏa trong xu thế giao lưu và hội nhập.

- Khuyến khích tính sáng tạo và lòng tự tôn trong các cộng đồng và cá nhân với những kỹ năng truyền đạt và tổ chức việc thực hành di sản việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể; Tôn vinh các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống tốt đẹp. Góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc.

- Tôn vinh di sản văn hóa và các nghệ nhân nắm giữ di sản, làm cơ sở để lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

- Tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm và bảo vệ, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa các dân tộc của tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Yêu cầu

- Nhằm cụ thể hóa, thực hiện một cách hữu hiệu các nhiệm vụ giải pháp, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Vĩnh Phúc.

- Di sản được giới thiệu, quảng bá đầy đủ giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ.

- Tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân, tích cực tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

- Tôn trọng các giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống và phát triển các giá trị đó, nghiêm cấm thực hành sai lệch hoặc lợi dụng di sản văn hóa để trục lợi cá nhân.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi

Bao hàm cả không gian văn hóa, môi trường tồn tại của di sản; Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể gắn với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững.

Thông qua các nghi thức trong lễ hội cổ truyền, các loại hình tín ngưỡng, diễn xướng dân gian (trò diễn, diễn xướng, lễ tục, trò chơi dân gian...) liên quan.

2. Đối tượng

Tập trung vào 07 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, gồm:

(1). Ca trù (loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian): Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong hồ sơ Hát ca trù của người Việt đã được ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO;

(2). Kéo song Hương Canh (loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng): Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong hồ sơ Nghi lễ và trò chơi Kéo co đã được ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO;

(3). Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên (loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng): Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt (trong hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO);

(4). Lễ hội Đền Ngự Dội (loại hình Lễ hội truyền thống): Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

(5). Hát trống quân Đức Bác (loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian): Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

(6). Hát soọng cô của người Sán Dìu (loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian): Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

(7). Lễ hội xã Đại Đồng (loại hình Lễ hội truyền thống): Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

III. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP

1. Đầu tư bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di sản vật thể gắn với di sản văn hóa phi vật thể:

(1). Đầu tư xây dựng khu thực hành xướng hát Trống quân Đức Bác, xã Đức Bác, huyện Sông Lô;

(2). Đầu tư phục hồi đình làng Đức Bác xã Đức Bác, huyện Sông Lô;

(3). Xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia đối với đền Ngự Dội gắn với lễ hội đền Ngự Dội;

(4). Đầu tư tôn tạo sân kéo song Hương Canh;

(5). Tu bổ, tôn tạo các di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên trên địa bàn tỉnh;

(6). Đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích nơi diễn ra Lễ hội xã Đại Đồng;

(7). Tu bổ, tôn tạo, phục hồi một số di tích có hát cửa đình, một trong những hình thức diễn xướng của di sản Ca trù;

(8). Đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc Sán Dìu phục vụ Hát Soọng cô.

2. Mở các lớp truyền dạy, tổ chức thực hành di sản tại các địa phương có di sản cần bảo vệ

2.1. Tổ chức các lớp truyền dạy đối với 03 di sản loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian: Ca trù, Hát Soọng cô, Hát trống quân Đức Bác

(1). Lớp truyền dạy di sản ca trù: 01 lớp/năm

- Nội dung truyền dạy: Các làn điệu diễn xướng ca trù, hát cửa đình, hát nhà trò (hát ở đình, đền, miếu); hát cửa quyền (hát ở trong cung phủ); hát nhà tơ (hát ở tư gia, dinh quan); hát ả đào, hát cô đầu (hát ở các ca quán); truyền dạy thực hành cơ bản ba loại nhạc cụ sử dụng trong ca trù là trống trầu; đàn đáy; phách. Thực hành kỹ năng diễn xướng ca trù trên sân khấu.

- Đối tượng tham gia: Các Câu lạc bộ ca trù trên địa bàn tỉnh.

- Người truyền dạy: Nghệ nhân ưu tú loại hình nghệ thuật ca trù; câu lạc bộ Ca trù của Trung tâm Văn hóa tỉnh và các tuyên truyền viên.

- Địa điểm truyền dạy: Các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian truyền dạy: Bắt đầu từ năm 2022.

- Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: UBND các huyện, thành phố.

(2). Lớp truyền dạy di sản hát soọng cô: 01 lớp/năm

- Nội dung truyền dạy: Các làn điệu giao duyên, hát đố, hát đối đáp; hát Cọc (hát Coóng); hát Ru (hát Ếnh); hát đón khách, mời trầu; hát nghênh tiếp (Soọng Cô Lán Xả)... dựa trên thang âm ngũ cung theo giọng ví, kể lể, giai điệu dàn trải, nhịp điệu chậm và ca từ theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt và thơ lục bát; hướng dẫn kỹ năng biểu diễn và dàn dựng nghệ thuật trình diễn trên sân khấu.

- Đối tượng tham gia: Các Câu lạc bộ hát Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu; Học sinh các trường tiểu học ở các địa phương có di sản: huyện Tam Đảo, huyện Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên, huyện Lập Thạch.

- Người truyền dạy: Các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể - loại hình hát Soọng cô của tỉnh Vĩnh Phúc; Các tuyên truyền viên của tỉnh.

- Địa điểm truyền dạy: Các thiết chế văn hóa; các trường Tiểu học tại địa phương có di sản văn hóa: Huyện Tam Đảo, huyện Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên, huyện Lập Thạch.

- Thời gian truyền dạy: Bắt đầu từ năm 2022.

- Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố nơi có di sản văn hóa; các nghệ nhân.

(3). Lớp truyền dạy di sản hát Trống quân Đức Bác: 02 lớp/năm

- Nội dung truyền dạy: Các làn điệu hát thờ và hát giao duyên Trống quân Đức Bác: Giáo trống; giáo pháo; ghơ nhang; thiết trầu; hò bên Sông Lô - Kép Đức Bác gọi đào Phù Ninh; nở hoa; xin hoa; mó cá; Trống quân Đức Bác... thực hành diễn xướng giao duyên; tái hiện hội hát Trống quân Đức Bác.

- Đối tượng tham gia: Các Câu lạc bộ hát Trống quân; Học sinh, người dân trên địa bàn huyện Sông Lô.

- Người truyền dạy: Các nghệ nhân hát trống quân Đức Bác; các nghệ nhân dân gian; các tuyên truyền viên của tỉnh.

- Địa điểm truyền dạy: Các thiết chế văn hóa; các trường học trên địa bàn huyện Sông Lô.

- Thời gian truyền dạy: Bắt đầu từ năm 2022

- Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Sông Lô; các nghệ nhân.

2.2. Tổ chức hoạt động thực hành di sản văn hóa kết hợp với tổ chức lễ hội tại địa phương đối với loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng

(1). Thực hành di sản văn hóa Kéo song (kéo co) kết hợp với Lễ hội đình Hương Canh.

- Nội dung thực hành: Các nghi thức lễ hội và thực hành di sản kéo co; kịch bản tổ chức lễ hội và trò chơi kéo song

- Đối tượng thực hành: Cộng đồng dân cư thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, các tổ chức cá nhân liên quan.

- Đơn vị thực hiện: UBND huyện Bình Xuyên, UBND thị trấn Hương Canh

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Thời gian: Mỗi năm thực hiện 01 lần trong dịp tổ chức Lễ hội tại địa phương, thời gian bắt đầu từ năm 2022.

- Địa điểm thực hành: Tại địa phương nơi có di sản văn hóa: cụm đình Hương Canh (di tích quốc gia), sân kéo co - thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, các di tích khác có liên quan.

(2). Thực hành di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ mẫu Tây Thiên kết hợp tổ chức Lễ hội Tây Thiên hàng năm

- Nội dung thực hành: Các nghi lễ, nghi thức thực hành tín ngưỡng; kịch bản tổ chức lễ hội Tây Thiên

- Đối tượng thực hành: Cộng đồng dân cư huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, các tổ chức cá nhân liên quan.

- Đơn vị thực hiện: UBND huyện Tam Đảo, UBND xã Đạo Trù

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Thời gian: Mỗi năm thực hiện 01 lần cùng dịp tổ chức Lễ hội Tây Thiên, thời gian bắt đầu từ năm 2022.

- Địa điểm thực hành: Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo (di tích quốc gia đặc biệt), các di tích, địa điểm có liên quan khác.

(3). Thực hành di sản văn hóa Lễ hội Đền Ngự Dội

- Nội dung thực hành: Các công tác chuẩn bị, tổ chức lễ hội, các nghi thức tế lễ, rước nước, các hoạt động khác trong lễ hội; kịch bản tổ chức lễ hội đền Ngự Dội

- Đối tượng thực hành: Cộng đồng dân cư xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, các tổ chức cá nhân liên quan.

- Đơn vị thực hiện: UBND huyện Vĩnh Tường, UBND xã Vĩnh Ninh

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Thời gian: Mỗi năm thực hiện 01 lần cùng dịp tổ chức Lễ hội Đền Ngự Dội, thời gian bắt đầu từ năm 2022.

- Địa điểm thực hành: Tại địa phương nơi có di sản văn hóa, đền Dội (di tích cấp tỉnh) - xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, các di tích, địa điểm có liên quan.

(4). Thực hành di sản văn hóa Lễ hội xã Đại Đồng

- Nội dung thực hành: Các công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực, tổ chức lễ hội, các nghi thức tế lễ, rước kiệu, trò diễn, các hoạt động khác trong lễ hội; kịch bản tổ chức lễ hội xã Đại Đồng

- Đối tượng thực hành: Cộng đồng dân cư xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, các tổ chức cá nhân liên quan.

- Đơn vị thực hiện: UBND huyện Vĩnh Tường, UBND xã Đại Đồng

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Thời gian thực hiện: hàng năm trùng với thời gian tổ chức các hội lệ, lễ hội xã Đại Đồng, thời gian bắt đầu từ năm 2022.

- Địa điểm thực hành: Tại địa phương nơi có di sản văn hóa, các di tích đình Bích Đại, miếu Đồng Vệ, đình Đồng Vệ, các di tích có liên quan trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường.

3. Xây dựng 07 bộ phim tư liệu tuyên truyền, quảng bá về các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Những bộ phim này sẽ được trình chiếu và phát sóng truyền hình tỉnh, trung ương. Phim còn được nhân bản để phổ biến, quảng bá tới khách tham quan du lịch.

- Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Thời gian: Thực hiện từ năm 2022, mỗi năm 01 phim tư liệu về 01 di sản.

4. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá giá trị di sản văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc được ghi danh:

- Tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh về 07 di sản văn hóa (tính đến năm 2021) đã được công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, các danh sách của UNESCO. Thời gian: 03 lần trong cả giai đoạn, vào các năm: 2022, 2026, 2030.

- Biên soạn, xuất bản sách Danh mục di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian thực hiện năm 2022, số lượng 2.000 bản; tái bản, bổ sung các năm 2026, 2030 mỗi loại 2.000 bản.

- Xuất bản sách, đĩa ghi hình tư liệu về 07 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (mỗi năm 01 di sản).

- In tờ gấp quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mỗi năm 01 - 02 loại tờ gấp về 01 - 02 di sản, số lượng 10.000 bản/tờ gấp/01 di sản, thời gian thực hiện bắt đầu từ năm 2022.

- Xây dựng chương trình phối hợp với Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, quảng bá về di sản văn hóa Vĩnh Phúc.

- Xây dựng chuyên mục giới thiệu, quảng bá, cập nhật thông tin về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên các trang thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các huyện, thành phố có di sản được ghi danh.

5. Lựa chọn xây dựng Đề án Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” đối với một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh, theo lộ trình đề xuất UNESCO ghi danh, cụ thể:

- Hát trống quân Đức Bác (loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian): Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thời gian thực hiện năm 2022.

- Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên (loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng): Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thời gian thực hiện năm 2023.

- Lễ hội Đền Ngự Dội (loại hình Lễ hội truyền thống): Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thời gian thực hiện năm 2024.

6. Huy động sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và xã hội, tạo nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc đã được ghi danh.

- Tích cực vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích; kịp thời ngăn chặn các hoạt động tùy tiện trong tu bổ, tôn tạo di tích.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản hóa được thực hiện từ nguồn Ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa (nếu có).

1. Ngân sách tỉnh bố trí thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Nguồn vốn đầu tư công: Bố trí triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích gắn với di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được ghi danh vào danh sách của UNESCO, được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

- Nguồn ngân sách sự nghiệp, được giao trong sự nghiệp văn hóa cấp tỉnh hàng năm, để thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc theo nội dung kế hoạch này.

2. Ngân sách huyện, xã: Thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương theo phân cấp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị chủ trì triển khai thực hiện kế hoạch:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình chi tiết để thực hiện các nội dung của kế hoạch này. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về chất lượng, hiệu quả, tiến độ các nội dung triển khai thực hiện kế hoạch.

- Tham mưu đề xuất, việc phục dựng di tích đình làng Đức Bác; xây dựng khu diễn xướng liên quan đến không gian trình diễn trống quân Đức Bác gốc và các dự án gắn với di sản văn hóa phi vật thể theo kế hoạch.

- Tham mưu xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia đối với đền Ngự Dội gắn với lễ hội đền Ngự Dội; xây dựng Đề án “Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” đối với một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh theo kế hoạch.

- Chủ trì phối hợp với UBND huyện, thành phố có các câu lạc bộ dân ca: hát Ca trù, hát soọng cô của dân tộc Sán Dìu, hát trống quân Đức Bác triển khai thực hiện nhiệm vụ truyền dạy, thực hành, tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ các câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với UBND các huyện thành phố nơi có di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh hoàn thiện kịch bản, phục dựng các Lễ hội truyền thống và tổ chức các hoạt động thực hành di sản theo kế hoạch này (Nghi lễ và trò chơi Kéo song, tín ngưỡng thờ mẫu Tây Thiên, Lễ hội Đền Ngự Dội, Lễ hội xã Đại Đồng).

- Chủ trì thực hiện làm phim tư liệu, xuất bản tài liệu, sách tuyên truyền, bảo tồn phát huy giá trị di sản.

- Chủ trì, phối hợp với Đài phát thanh Truyền hình tỉnh, báo Vĩnh Phúc và các cơ quan báo chí trung ương tổ chức công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu triển khai xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy trống quân Đức Bác trong Trường học và mở lớp truyền dạy cho giáo viên dạy âm nhạc để dạy hát Trống quân Đức Bác trong các trường học

- Tổ chức các hoạt động biểu diễn giao lưu, tham gia liên hoan, hội diễn toàn quốc để tuyên truyền quảng bá di sản; tổ chức đẩy mạnh công tác phục hồi các tập tục liên quan.

- Hằng năm, xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện. Thanh, quyết toán theo quy định hiện hành.

2. Sở Tài chính

Thẩm định dự toán kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt đảm bảo hoàn thành các nội dung công việc từ nguồn chi thường xuyên theo kế hoạch đề ra; hướng dẫn thanh quyết toán theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh cho việc đầu tư bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di sản vật thể gắn với di sản văn hóa phi vật thể.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong việc tiếp tục nghiên cứu triển khai xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy trống quân Đức Bác trong các trường tiểu học trên địa bàn huyện Sông Lô, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch lựa chọn và triệu tập giáo viên dự các lớp truyền dạy cho giáo viên dạy âm nhạc để dạy hát trống quân Đức Bác trong các trường học theo kế hoạch.

5. Sở Ngoại vụ: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động quảng bá, tuyên truyền đối với các đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh theo kế hoạch.

6. Sở Thông tin Truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc: Phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố nơi có di sản, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa Vĩnh Phúc, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đến đông đảo nhân dân trong và ngoài nước.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động thực hiện công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại địa phương.

- Tuyên truyền, phổ biến các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chỉ đạo công tác tuyên truyền tại địa phương.

- UBND các huyện thành phố nơi có di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh (hát Ca trù, hát soọng cô của dân tộc Sán Dìu, hát trống quân Đức Bác), chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND xã phường, thị trấn hướng dẫn các câu lạc triển khai thực hiện nhiệm vụ truyền dạy, thực hành các loại hình di sản trên địa bàn địa phương;

- UBND các huyện thành phố nơi có di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh (Nghi lễ và trò chơi Kéo song, tín ngưỡng thờ mẫu Tây Thiên, Lễ hội Đền Ngự Dội, Lễ hội xã Đại Đồng), phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động thực hành di sản theo nội dung kế hoạch này.

- Chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp theo phương thức xã hội hóa khác để thực hiện chương trình tại địa phương.

- Nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

8. Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội thuộc lĩnh vực di sản văn hóa căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều lệ hoạt động, chủ động, tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động hội viên tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được ghi danh vào danh sách của UNESCO, được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan nghiên cứu và tổ chức triển khai, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch;
- TTTU, TT. HĐND tỉnh;
- Cục DSVH (Bộ VHTTDL);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể ;
- UBND các huyện, thành phố
- CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, VX3.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Việt Văn

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 251/KH-UBND năm 2021 bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được ghi danh vào danh sách của UNESCO, được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu: 251/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký: Vũ Việt Văn
Ngày ban hành: 06/10/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [6]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 251/KH-UBND năm 2021 bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được ghi danh vào danh sách của UNESCO, được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…