Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 195/KH-UBND

Bạc Liêu, ngày 17 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỐI HỢP VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05/4/2016;

Căn cứ Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/ 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em;

Căn cứ Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC- BCA- BQP-BLĐTBXH ngày 18/02/2022 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi;

Căn cứ Quy chế phối hợp số 2236/QCPH-LĐTBXH-GDĐT-YT-CA ngày 16/6/2023 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác phối hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH

1. Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các Sở, Ban, Ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố đối với công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, nhất là việc can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp.

2. Bảo đảm chỉ đạo thống nhất của các Sở, Ban, Ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện công tác này.

II. YÊU CẦU

I. Về nguyên tắc phối hợp

a) Bảo đảm thống nhất, kịp thời, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của môi cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.

b) Chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả; không ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ, hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

c) Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì; cơ quan, đơn vị phối hợp và tổ chức, cá nhân trong việc đề xuất, triển khai các hoạt động phối hợp.

d) Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo quy định của pháp luật.

đ) Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

2. Về hình thức phối hợp

a) Trao đổi trực tiếp, trao đổi bằng văn bản hoặc các hình thức phù hợp (điện thoại, tin nhắn, thư điện tử...), tổ chức các cuộc họp liên ngành theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị chủ trì; cơ quan, đơn vị phối hợp.

b) Tổ chức các đoàn liên ngành để thực hiện việc bảo vệ, hỗ trợ, can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp, giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

c) Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

d) Các hình thức phối hợp khác do các cơ quan, đơn vị thống nhất thực hiện.

III. NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP

1. Xây dựng các chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

a) Xây dựng các chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em thuộc phạm vi quản lý của từng cơ quan, đơn vị.

b) Tham gia ý kiến đối với dự thảo các chương trình, kế hoạch, báo cáo rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, tổng kết thi hành pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung phối hợp theo đề nghị góp ý của các cơ quan, đơn vị.

2. Truyền thông nâng cao nhận thức

a) Thực hiện công tác truyền thông nâng cao nhận thức, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp, chuyển đổi số công tác truyền thông; định hướng dư luận và cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; biên soạn tờ rơi, xây dựng phóng sự, video clip, chuyên trang, chuyên mục, tài liệu, cẩm nang, sách hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và đăng tải, cập nhật trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; chia sẻ các sản phẩm, tài liệu truyền thông (trong đó, có sản phẩm, tài liệu truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia - số 111) để phục vụ cho việc tuyên truyền trên các phương tiện, ấn phẩm truyền thông hoặc tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

b) Phối hợp tổ chức hoặc cử đại biểu tham dự các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

c) Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, trực tuyến, truyền thông tại cộng đồng, đặc biệt hướng đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục ở khu vực vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em tự kỷ, trẻ em sông trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.

3. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, các ngành và mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em

a) Tổ chức tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em thuộc ngành về những kiến thức chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ và các kỹ năng, tình huống có thể xảy ra trong quá trình bảo vệ, hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.

b) Nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, các ngành và mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em về kỹ năng làm việc thân thiện, phát hiện, thông báo, hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

4. Tiếp nhận và xử lý thông tin

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin về hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

b) Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục hướng dẫn cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh và gia đình học sinh trong cơ sở giáo dục thực hiện trách nhiệm thông báo khi phát hiện hoặc có thông tin về hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cho một trong các cơ quan sau: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, cơ quan Công an các cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Đồng thời, phối hợp khi được yêu cầu việc kiểm tra tính xác thực về hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, tình trạng mất an toàn, mức độ gây tổn hại đối với trẻ em.

c) Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có trách nhiệm thông báo ngay cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) hoặc cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp hoặc cơ quan Công an các cấp hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc; cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, cơ quan Công an các cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú để thực hiện việc kiểm tra tính xác thực về hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, tình trạng mất an toàn, mức độ gây tổn hại đối với trẻ em khi được yêu cầu.

d) Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tiếp nhận, xác minh tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ xâm hại trẻ em theo trình tự, quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp cần trao đổi thông tin kịp thời, Công an đơn vị, địa phương thông báo cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cùng cấp để phối hợp các hoạt động hỗ trợ, can thiệp theo quy định.

5. Hỗ trợ, can thiệp trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Lao động

- Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp xã, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chủ trì, trực tiếp thực hiện một số hoạt động hỗ trợ, can thiệp theo quy định của Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

b) Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cấp quản lý giáo dục tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trở lại trường học, đồng thời thực hiện công tác bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, tư vấn tâm lý, công tác xã hội, kịp thời phối hợp hỗ trợ, can thiệp khi cần thiết.

c) Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận, khám và điều trị kịp thời cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; cung cấp hoặc hỗ trợ, kết nối các dịch vụ tư vấn, tham vấn, điều trị tâm lý, giúp đỡ trẻ em ổn định, phục hồi về tinh thần; lưu giữ hồ sơ bệnh án của trẻ em phục vụ công tác giám định theo quy định.

d) Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thực hiện biện pháp bảo vệ trẻ em bị xâm hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo quy định pháp luật trong quá trình được can thiệp, hỗ trợ.

6. Can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Lao động

- Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp xã, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã:

- Tiếp nhận thông tin, kết nối với cơ quan Công an để ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em xảy ra trên địa bàn; có biện pháp tiếp nhận, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp tại các cơ sở trợ giúp xã hội; phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp và lưu giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến tổn hại của trẻ em do bị bạo lực, xâm hại tình dục để hỗ trợ việc điều tra, xử lý, bảo vệ trẻ em.

- Đánh giá mức độ tổn hại và mức độ an toàn môi trường sống của trẻ em, xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt và triển khai thực hiện.

- Phối hợp với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) để được hướng dẫn, hỗ trợ việc can thiệp khẩn cấp và xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp (nếu thấy cần thiết).

b) Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cấp quản lý giáo dục:

- Thực hiện công tác sơ cứu, cấp cứu tại cơ sở giáo dục đối với học sinh bị bạo lực, xâm hại tình dục theo quy định.

- Phối hợp với gia đình học sinh và các bên liên quan để thực hiện việc bảo vệ trẻ em khẩn cấp, bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

c) Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

- Khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục theo quy định.

- Hướng dẫn việc thu thập bằng chứng, lưu giữ chứng cứ tổn hại của trẻ em do bị bạo lực, xâm hại tình dục phục vụ việc giám định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Lưu trữ hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

d) Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn công an các cấp:

- Tiếp nhận thông tin, triển khai việc ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em.

- Phối hợp với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nơi xảy ra vụ việc để thực hiện việc bảo vệ trẻ em khẩn cấp, bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

- Phối hợp với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) để hỗ trợ việc can thiệp khẩn cấp (nếu thấy cần thiết).

7. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

a) Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh Xã hội xây dựng Kế hoạch kiểm tra liên ngành việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố. Các Sở, Ban, Ngành còn lại có trách nhiệm cử thành viên tham gia các Đoàn kiểm tra khi có văn bản đề nghị của Sở chủ trì.

b) Các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này và định kỳ hàng năm, gửi báo cáo về đơn vị chủ trì. Trường hợp cần thiết, các cơ quan, đơn vị thống nhất kế hoạch kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề, thanh tra các nội dung trong Kế hoạch.

c) Căn cứ kết quả kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, các cơ quan, đơn vị cùng trao đổi, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị từ địa phương, các cơ quan, tổ chức và những phát sinh trong thực tiễn triển khai.

8. Trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục

a) Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp huyện sau khi thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì thông báo ngay cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi cư trú hoặc nơi xảy ra vụ việc xâm hại tình dục biết để phối hợp thực hiện ngay các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục theo quy định tại Khoản 2, Điều 6, Chương II của Thông tư Liên tịch số 01/2022/TTLT- VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/2/2022 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế; Công an tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp định kỳ hàng năm hoặc đột xuất.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo công tác phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo quy định.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ ngân sách nhà nước chi hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; từ các nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan, đơn vị trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai nội dung Kế hoạch; xử lý, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông tin, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong xử lý các vụ việc theo quy định tại Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

Hàng năm, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp) trước ngày 15/11.

2. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ các quy định và nội dung của Kế hoạch này triển khai:

- Ban hành Kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện; kịp thời thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực đảm bảo kịp thời hỗ trợ, can thiệp đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục; tăng cường truyền thông về đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ trẻ em.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời thông tin, báo cáo, phản ánh các vụ việc đột xuất liên quan đến các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc để xảy ra tình trạng không kịp thời báo cáo, can thiệp, hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương để xảy ra nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn quản lý mà không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý có hiệu quả.

- Xử lý, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông tin, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong xử lý các vụ việc theo quy định tại Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác phối hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, các cơ quan, đơn vị phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để xem xét chỉ đạo, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH;
- CT, PCT Duy;
- Thành viên Ban Điều hành Bảo vệ trẻ em tỉnh;
- CVP, PCVP Ghel;
- UBND các huyện, TX, TP;
- GĐ Trung tâm CB-TH;
- Lưu: VT, (H-KH29).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thanh Duy

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 195/KH-UBND năm 2023 triển khai công tác phối hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Số hiệu: 195/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
Người ký: Phan Thanh Duy
Ngày ban hành: 17/11/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [5]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 195/KH-UBND năm 2023 triển khai công tác phối hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…