ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 133/KH-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 19 tháng 8 năm 2022 |
Căn cứ Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 833/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình);
Căn cứ Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 10);
Căn cứ Quyết định số 193/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 89/TTr-SLĐTBXH ngày 05/8/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 như sau:
I. Mục đích, yêu cầu, phạm vi giám sát, đánh giá
1. Mục đích
a) Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp trên địa bàn tỉnh; qua đó, đề xuất các giải pháp và kiến nghị trong tổ chức thực hiện và theo dõi việc thực hiện kiến nghị đã đề xuất cấp thẩm quyền xử lý.
b) Xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể so với quyết định đầu tư hoặc tiêu chuẩn đánh giá quy định của nhà nước tại một thời điểm nhất định.
2. Yêu cầu
Giám sát, đánh giá đảm bảo tính khách quan, rõ ràng, đầy đủ theo đúng nội dung, phương pháp, các bước trong công tác giám sát, đánh giá; thông tin, số liệu giám sát, đánh giá đảm bảo khách quan, đầy đủ theo biểu, mẫu quy định.
3. Phạm vi
Kế hoạch này thực hiện giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025.
1. Giám sát
a) Đối tượng giám sát
Giám sát tại các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện); một số xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã); một số thôn, tổ dân phố (gọi chung là thôn); các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ Chương trình; cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình; cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan trong thực hiện nội dung thuộc Chương trình.
b) Phương pháp giám sát
- Thu thập các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của địa phương về thực hiện Chương trình; báo cáo giám sát, đánh giá và các tài liệu liên quan.
- Khảo sát kiểm tra thực địa.
- Tham vấn cán bộ xã, thôn gồm: Cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, thành viên Ban Quản lý, Ban Phát triển thôn các Chương trình mục tiêu quốc gia địa bàn cấp xã; thôn.
- Tham vấn các đối tượng thụ hưởng để đánh giá mức độ tiếp cận và thụ hưởng Chương trình.
c) Các bước giám sát
- Thông báo cho Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện về kế hoạch giám sát.
- Thu thập thông tin về chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình.
- Chọn ngẫu nhiên xã, thôn để giám sát thực tế.
- Tiến hành nội dung giám sát theo kế hoạch.
d) Nội dung giám sát
- Công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 và hằng năm.
- Nội dung theo dõi: Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của UBND cấp huyện, đơn vị chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình theo quy định; tình hình thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc Chương trình; tiến độ thực hiện các mục tiêu của chương trình; thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, giải ngân; khó khăn, vướng mắc, phát sinh chính ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình và kết quả xử lý; việc chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan chủ quản Chương trình, chủ trì dự án thành phần; báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
- Nội dung kiểm tra: Việc quản lý thực hiện Chương trình của UBND cấp huyện, cấp xã và việc quản lý thực hiện dự án, tiểu dự án thành phần của cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình; việc chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan; việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách, dự án giảm nghèo và các nội dung khác có liên quan.
- Phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và các chính sách, dự án giảm nghèo. Đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững phù hợp.
- Tình hình thực hiện những kiến nghị của lần giám sát trước (nếu có).
- Việc tổ chức thực hiện các dự án thuộc Chương trình
đ) Thành phần và nhiệm vụ giám sát
- Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn giám sát; tham gia cùng với Đoàn là Lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan thuộc Sở; chịu trách nhiệm giám sát về những nội dung liên quan đến nhiệm vụ được giao chủ trì dự án, tiểu dự án (Dự án 1; Dự án 2; Dự án 4; Tiểu dự án 1 của Dự án 6; Dự án 7) và nhiệm vụ là cơ quan thường trực Chương trình;
- Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thành viên Đoàn kiểm tra; chịu trách nhiệm giám sát nội dung liên quan về nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 1; Tiểu dự án 1, 2 của Dự án 4;
- Đại diện Sở Tài chính: Thành viên Đoàn kiểm tra; chịu trách nhiệm giám sát nội dung liên quan về nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình;
- Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thành viên Đoàn giám sát; chịu trách nhiệm giám sát hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 3 và phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giám sát nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Dự án 2;
- Đại diện Sở Y tế: Thành viên Đoàn giám sát; chịu trách nhiệm giám sát nội dung cải thiện dinh dưỡng thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3;
- Đại diện Sở Xây dựng: Thành viên Đoàn giám sát; chịu trách nhiệm giám sát nội dung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Dự án 5;
- Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông: Thành viên Đoàn giám sát; chịu trách nhiệm kiểm tra nội dung Giảm nghèo về thông tin thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 6; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giám sát nội dung truyền thông về giảm nghèo đa chiều thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 6.
e) Thời gian, địa điểm giám sát
- Thời gian: Giám sát định kỳ hằng năm, mỗi năm giám sát 02 đợt, cụ thể:
+ Dự kiến đợt 1: Tháng 6, 7: Giám sát tại 07 huyện và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
+ Dự kiến đợt 2: Tháng 10, 11: Giám sát 06 huyện, thị xã, thành phố còn lại.
- Địa điểm: Tại UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn được kiểm tra, giám sát (đi thực tế tại thôn và hộ gia đình); tại trụ sở của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
g) Kinh phí giám sát
Kinh phí giám sát được bố trí từ Dự án 7 - Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thuộc Chương trình.
2. Đánh giá
a) Nội dung đánh giá và các bước đánh giá thực hiện theo Mục II, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 10.
b) Báo cáo đánh giá thực hiện theo Mẫu số 02, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 10.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm:
a) Trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch giám sát hằng năm để thực hiện.
b) Trình Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Đoàn giám sát.
c) Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh tổ chức thực hiện giám sát Chương trình trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình theo quy định; đồng thời, tổng hợp, cập nhật báo cáo trên Hệ thống quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo hướng dẫn của Bộ, ngành trung ương.
d) Hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức triển khai thực hiện công tác, giám sát đánh giá Chương trình và triển khai giám sát, đánh giá các Dự án, Tiểu dự án, nội dung thành phần được giao nhiệm vụ chủ trì, thực hiện theo quy định.
đ) Hằng năm tổ chức giám sát, đánh giá các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần được giao nhiệm vụ chủ trì, thực hiện thực hiện đúng quy định.
2. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các thành viên khác (giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các đơn vị cử một số thành viên liên quan trong thực hiện chính sách, dự án giảm nghèo) của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, hằng năm cử cán bộ tham gia Đoàn giám sát và chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu, báo cáo kết quả giám sát thực hiện Chương trình; những kiến nghị, đề xuất của dự án, tiểu dự án được phân công phụ trách; sau thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt giám sát báo cáo kết quả cho Đoàn giám sát (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tổng hợp.
3. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Xây dựng: Ngoài việc tham gia Đoàn giám sát, chủ động thực hiện nhiệm vụ sau:
- Hằng năm tổ chức giám sát, đánh giá các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình được giao nhiệm vụ chủ trì, thực hiện đúng quy định.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát, đánh giá theo quy định gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp chung.
- Hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã triển khai giám sát, đánh giá các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần giao cho đơn vị chủ trì, thực hiện.
4. Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm:
Theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc sử dụng kinh phí thực hiện và các nhiệm vụ khác được giao trong Chương trình; báo cáo kết quả cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát, đánh giá Chương trình trên địa bàn theo quy định tại Thông tư số 10; tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát, đánh giá cho các sở là cơ quan chủ trì chủ dự án, tiểu dự án và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp chung, báo cáo UBND tỉnh và Bộ, ngành trung ương theo quy định; cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định và hướng dẫn của bộ, ngành trung ương.
- Chỉ đạo UBND cấp xã: Phê duyệt Kế hoạch, tổ chức giám sát, đánh giá theo quy định tại Thông tư số 10; giao công chức văn hóa - xã hội cấp xã làm công tác giảm nghèo giúp việc Ban quản lý cấp xã thực hiện; cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định và hướng dẫn của bộ, ngành trung ương.
6. Tổng hợp báo cáo: Các Sở và UBND cấp huyện có trách nhiệm báo cáo kết quả giám sát, đánh giá Chương trình về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương theo quy định, cụ thể:
- Báo cáo giám sát (định kỳ 6 tháng, hằng năm và đột xuất theo yêu cầu): Theo Mẫu số 01, Phụ lục II và biểu số 01, biểu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 10.
- Báo cáo kết quả đánh giá (theo kỳ đánh giá: Đầu kỳ, giữa kỳ, hằng năm và đột xuất theo yêu cầu): Mẫu số 02, Phụ lục II và các biểu số 01, biểu số 02, biểu số 03, biểu số 04, biểu số 05, biểu số 06, biểu số 07, biểu số 08, biểu số 09, biểu số 10, biểu số 11, biểu số 12, biểu số 13, biểu số 14, biểu số 15 ban hành kèm theo Thông tư số 10.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát và chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát việc thực hiện Chương trình theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để thống nhất giải quyết./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch 133/KH-UBND năm 2022 về giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025
Số hiệu: | 133/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Ngãi |
Người ký: | Võ Phiên |
Ngày ban hành: | 19/08/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 133/KH-UBND năm 2022 về giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025
Chưa có Video