ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 113/KH-UBND |
Đà Nẵng, ngày 11 tháng 6 năm 2021 |
Nhằm triển khai có hiệu quả Đề án thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an” đến năm 2025, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu Chương trình “Không có người lang thang xin ăn” trên địa bàn thành phố, với các nội dung cụ thể như sau:
1. Mục đích
Nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, kiểm soát, từng bước ngăn chặn và xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội hướng đến xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh.
2. Yêu cầu
Việc triển khai thực hiện phải được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên từ thành phố đến cơ sở. Vừa chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động, thuyết phục; vừa đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm; đồng thời, quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện cho các trường hợp thật sự khó khăn để ổn định cuộc sống.
1. Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao sự đồng thuận của toàn xã hội về chủ trương ngăn chặn, xử lý người lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng.
2. Tăng cường kiểm tra, xử lý; không để xảy ra tình trạng lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng trên địa bàn thành phố, đảm bảo 100% thông tin phản ánh qua số điện thoại đường dây nóng được tiếp nhận xử lý kịp thời; 100% người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố được phát hiện đưa về địa phương, gia đình quản lý hoặc đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở y tế để chăm sóc, nuôi dưỡng.
3. Đảm bảo trên 90% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát gắn áp phích tuyên truyền và ký cam kết với chính quyền địa phương không để xảy ra tình trạng xin ăn, bán hàng rong kết hợp với xin ăn tại cơ sở; các cơ sở thờ tự của tôn giáo vận động các đạo hữu, tín đồ không cho tiền, hiện vật người lang thang, xin ăn trước và trong khuôn viên cơ sở thờ tự.
4. Lồng ghép vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế của địa phương nhằm hỗ trợ sinh kế, phương tiện làm ăn, tạo việc làm ổn định cuộc sống cho người lang thang, xin ăn có hộ khẩu tại địa phương, có sức khỏe, có khả năng lao động.
5. Tổ chức khảo sát, quản lý chặt chẽ các đối tượng đánh giày, bán vé số, bán hàng rong trên địa bàn, có biện pháp xử lý tình hạng đeo bám chèo kéo khách, xin ăn biến tướng trong nhóm đối tượng này.
6. Tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm đối với các hành vi chăn dắt, lợi dụng, lôi kéo và ép buộc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để xin ăn, xin ăn biến tướng.
1. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện
a) Hằng năm, các đơn vị, địa phương có kế hoạch triển khai thực hiện; lồng ghép vào Nghị quyết, chương trình hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền để chỉ đạo thống nhất, huy động cả hệ thống chính trị và mọi người dân tham gia.
b) Tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định, các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo thực thi có hiệu quả công tác ngăn chặn, xử lý người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố.
c) Nâng cao vai trò quản lý địa bàn; đưa nội dung ngăn chặn, xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn trở thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm về an ninh trật tự, an toàn xã hội tại đơn vị, địa phương.
d) Nghiên cứu sử dụng hệ thống camera để cung cấp, phối hợp xử lý hành vi lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách du lịch.
đ) Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, đồng thời chỉ ra những tồn tại hạn chế và phê bình các đơn vị, cá nhân chưa tích cực tham gia, để tình trạng người lang thang, xin ăn kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mỹ quan đô thị tại địa bàn quản lý.
2. Công tác tuyên truyền, giáo dục
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, coi trọng tuyên truyền trên phương tiện truyền thông, chú trọng cổ động trực quan, tổ chức gặp mặt gia đình và đối tượng để động viên họ chấp hành các quy định của thành phố. Tiến hành thành lập các nhóm tình nguyện đến các địa bàn trọng điểm, khu nhà trọ để tuyên truyền và thông qua các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố vận động toàn dân tích cực hưởng ứng, chấp hành nghiêm chủ trương của thành phố; kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp có nguy cơ bị lạm dụng, bị xâm hại và bị ngược đãi.
b) Vận động các cơ sở kinh doanh ăn uống, các địa điểm vui chơi giải trí, du lịch, các cơ sở thờ tự của Tôn giáo thực hiện cam kết với chính quyền địa phương không để xảy ra tình trạng xin ăn, bán hàng rong kết hợp với xin ăn tại cơ sở, duy trì và tiếp tục lắp đặt các biển cấm hành vi xin ăn và xin ăn biến tướng, cấm bán hàng rong chèo kéo khách tại các tuyến đường chính và địa điểm công cộng.
c) Tổ chức các đợt cao điểm ra quân tuyên truyền nhân các dịp lễ, tết, các ngày hội, các sự kiện trọng đại của thành phố... để tăng cường nâng cao ý thức của dân.
a) Triển khai lồng ghép nội dung Kế hoạch này vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là chương trình giảm nghèo, chương trình tạo việc làm, dạy nghề, có nhà ở, có nếp sống văn minh đô thị... nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lang thang, xin ăn có việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần ngăn chặn, phát sinh tình trạng người lang thang, xin ăn.
b) Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ giúp xã hội; quan tâm hỗ trợ khó khăn đột xuất, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên kịp thời đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi...
c) Thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần; hỗ trợ, tạo điều kiện trẻ em khuyết tật được tham gia giáo dục hòa nhập để hạn chế trẻ em lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng. Vận động những đối tượng trong độ tuổi lao động, còn sức lao động tham gia các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm để ổn định cuộc sống.
a) Tăng cường công tác quản lý hành chính về an ninh trật tự, đặc biệt là quản lý, kiểm tra, tạm trú, lưu trú đối với những đối tượng từ nơi khác đến, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý, không để nảy sinh người lang thang, xin ăn, các đối tượng chăn dắt, lợi dụng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong, xin ăn, xin ăn biến tướng.
b) Thường xuyên nắm tình hình đối tượng từ các tỉnh, thành phố khác đến ở nhà thuê, đi đánh giày, bán hàng rong, bán vé số để có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở kịp thời, ngăn chặn không để nảy sinh tình trạng xin ăn biến tướng.
a) Duy trì việc tiếp nhận xử lý thông tin qua đường dây nóng 02363.550.550 và kết nối thông tin với tổng đài 0236.1022 Đà Nẵng, ứng dụng Góp ý để phục vụ việc tiếp nhận, đảm bảo xử lý kịp thời người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xin ăn biến tướng trên các tuyến đường, khu vực trọng điểm.
b) Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Thường trực xử lý người lang thang xin ăn cấp thành phố và cấp quận huyện, phường xã trong việc tiếp nhận thông tin phản ánh và phối hợp xử lý kịp thời.
c) Tổ chức điều tra và áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi thực hiện xin ăn, xin ăn biến tướng.
d) Tập trung bắt buộc vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng đối với các đối tượng dẫn dắt, mang theo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong, xin ăn, xin ăn biến tướng.
đ) Đầu tư các trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
a) Đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng và Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần để đáp ứng nhu cầu chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng.
b) Xây dựng quy trình quản lý, giáo dục, tổ chức lao động sản xuất áp dụng cho các đối tượng còn sức lao động tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
c) Các ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố; công tác phân loại, chăm sóc, nuôi dưỡng và đưa đối tượng về hòa nhập cộng đồng.
d) Phối hợp với các địa phương khác để đưa đối tượng ngoài thành phố về lại nơi cư trú.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Là cơ quan thường trực, giúp UBND thành phố triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch tại các đơn vị, địa phương.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát các khu vực, tuyến đường trọng điểm.
c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định về công tác tập trung người lang thang, xin ăn vào các cơ sở bảo trợ xã hội.
d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ công tác xử lý người lang thang, xin ăn; báo cáo UBND thành phố để trình Hội đồng nhân dân thành phố.
đ) Hướng dẫn các địa phương thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án của địa phương với việc hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp cho các đối tượng ổn định cuộc sống.
e) Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần xây dựng quy trình tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và đưa đối tượng về hòa nhập cộng đồng.
g) Chỉ đạo Tổ Xử lý thông tin người lang thang, xin ăn thành phố (Tổ 550 - trực thuộc Trung tâm Công tác xã hội) phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị, địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý tình trạng lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng trên địa bàn thành phố.
h) Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch định kỳ 06 tháng và hàng năm cho UBND thành phố và cấp thẩm quyền.
i) Tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng việc triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.
a) Chỉ đạo công an các quận, huyện; công an phường, xã trong công tác phối hợp xử lý người lang thang, xin ăn.
b) Tổ chức phát hiện, điều tra xử lý các đối tượng chăn dắt, xúi giục, lôi kéo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi và các đối tượng yếu thế khác xin ăn, xin ăn biến tướng.
c) Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra tạm trú, lưu trú trên địa bàn, nhất là số người từ các địa phương khác đến lợi dụng bán hàng rong kết hợp xin ăn, xin ăn biến tướng.
a) Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc thực hiện giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn khu dân cư; phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền nội dung Kế hoạch vào các dịp các ngày lễ lớn, lễ hội...
b) Chỉ đạo Ban quản lý Khu di tích, Ban tổ chức các lễ hội thực hiện tuyên truyền cho du khách không cho tiền, hiện vật người xin ăn; lồng ghép nội dung tuyên truyền Chương trình “Không có người lang thang xin ăn” vào các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, cá nhân phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố.
a) Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các đơn vị lữ hành, lưu trú, hướng dẫn viên, vận chuyển du lịch, khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền cho khách du lịch không cho tiền, hiện vật người xin ăn và phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự, môi trường du lịch.
b) Theo dõi, phối hợp với UBND các quận, huyện trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi đeo bám chèo kéo khách du lịch.
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và quy định pháp luật liên quan về quản lý cá nhân hoạt động thương mại. Chỉ đạo các ban quản lý chợ triển khai ký cam kết không để xảy ra tình trạng lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng tại các chợ thuộc Công ty Quản lý và phát triển các chợ quản lý.
b) Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện chỉ đạo các ban quản lý chợ tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý các đối tượng lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng tại khu vực chợ thuộc địa bàn quản lý.
c) Chủ trì, phối hợp Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND thành phố phê duyệt lắp đặt các biển cấm đánh giày, bán hàng rong, đeo bám chèo kéo khách, xin ăn tại các tuyến đường, khu vực trọng điểm trên cơ sở đề xuất của UBND các quận, huyện.
a) Triển khai kế hoạch quản lý chữa trị cho người tâm thần có hành vi nguy hiểm tại cộng đồng; chỉ đạo các bệnh viện, các Trung tâm y tế phối hợp hỗ trợ khám chữa bệnh cho người tâm thần và người lang thang, xin ăn đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
b) Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế kịp thời phát hiện đối tượng giả dạng bệnh nhân vào trong các khu vực bệnh viện, trung tâm y tế hoặc tụ tập trước cổng bệnh viện để xin ăn, bán hàng rong chèo kéo khách. Đồng thời, tiếp nhận, khám và điều trị cho người lang thang ốm yếu, suy kiệt và người tâm thần lang thang được cơ quan chức năng chuyển đến.
c) Chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần lập dự toán kinh phí điều trị người tâm thần thang lang được các cơ quan chức năng bàn giao Bệnh viện quản lý điều trị không có thẻ BHYT báo cáo Sở trình UBND thành phố bố trí kinh phí hàng năm theo quy định.
a) Chỉ đạo, theo dõi, quản lý và phát hiện những em học sinh có nguy cơ bỏ học để kịp thời có biện pháp động viên, giúp đỡ; làm tốt vai trò cầu nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh bỏ học, bỏ nhà đi lang thang.
b) Chỉ đạo các trường học trên địa bàn đưa vào chương trình ngoại khóa nội dung tuyên truyền về chủ trương không có người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tuyên truyền mục đích, ý nghĩa nội dung của Kế hoạch nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội hưởng ứng tham gia; thẩm định nội dung tuyên truyền theo chức năng nhiệm vụ được giao.
a) Hàng năm, trên cơ sở dự toán đề nghị của các sở, ngành, địa phương, căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, thành phố, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố phê duyệt và bố trí kinh phí để trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có các nội dung hoạt động của Kế hoạch và kinh phí hỗ trợ công tác tập trung, giải quyết các đối tượng xã hội trên địa bàn thành phố.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn các đơn vị, địa phương quản lý, sử dụng kinh phí có hiệu quả và quyết toán kinh phí theo quy định của Nhà nước.
Hướng dẫn các cơ sở tôn giáo có nhu cầu thực hiện các hoạt động từ thiện, trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cần phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND phường, xã thống nhất địa điểm phù hợp để tổ chức trao tặng.
Triển khai lắp đặt các biển “Nghiêm cấm các hoạt động đánh giày, bán hàng rong, đeo bám chèo kéo khách, xin ăn” tại các tuyến đường đã được UBND thành phố phê duyệt.
12. Cổng Thông tin điện tử thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng và đề nghị Báo Đà Nẵng
Xây dựng các chương trình, chuyên mục để tuyên truyền về công tác giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn bằng các hình thức phù hợp, sát với tình hình của địa phương.
13. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các hội, đoàn thể
a) Hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội, đoàn thể các cấp phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch.
b) Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân phối hợp nắm bắt tình hình tại các khu dân cư và tuyến đường, khu vực công cộng của địa phương kịp thời phát hiện đối tượng lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng để thông báo cơ quan chức năng xử lý.
c) Các hội, đoàn thể tuyên truyền vận động, phân công, hỗ trợ giúp đỡ đoàn viên, hội viên khó khăn nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững; đặc biệt quan tâm giúp đỡ đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em con hộ nghèo và những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...ổn định đời sống nhằm ngăn ngừa nguy cơ phát sinh tình trạng lang thang, xin ăn tại địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
d) Các Hội: Hội Người mù, Hội Người khuyết tật tuyên truyền, vận động hội viên không bán hàng rong, không kết hợp bán hàng rong với xin ăn tại các tuyến đường, khu vực cấm, đặc biệt tại chợ trên địa bàn thành phố
a) Tổ chức ra quân tuyên truyền, thực hiện mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn”; vận động các cơ sở thờ tự của tôn giáo, các hộ kinh doanh, kinh doanh dịch vụ đăng ký cam kết không để xảy ra tình trạng thang lang, xin ăn tại cơ sở; đồng thời giữ an ninh trật tự tại các tuyến đường, khu vực trọng điểm, các cơ sở thờ tự... Tổ chức duy trì lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng trên địa bàn quản lý.
b) Có kế hoạch phối hợp các ban, ngành, hội đoàn thể để giúp đỡ học sinh thuộc các gia đình khó khăn, ngăn ngừa nguy cơ bị lợi dụng đi bán hàng rong.
c) Phối hợp với Sở Công Thương rà soát các tuyến đường trọng điểm để đề xuất UBND thành phố lắp đặt biển nghiêm cấm các hành vi đánh giày, bán hàng rong, đeo bám chèo kéo khách, xin ăn.
đ) Nghiên cứu, đề xuất biện pháp xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã ký cam kết nhưng vẫn để tình trạng lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng xảy ra tại cơ sở.
e) Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương kịp thời các tập thể và cá nhân làm tốt công tác xử lý người lang thang, xin ăn.
a) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, Trung tâm Điều dưỡng Người tâm thần tiếp nhận đối tượng là người của địa phương về quản lý.
b) Phối hợp với các lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn; tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự văn hóa đô thị.
c) Rà soát tình hình đời sống của những người có hoàn cảnh khó khăn đề ra giải pháp cụ thể, đồng thời lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội hỗ trợ kịp thời nhằm hạn chế người lợi dụng bán hàng rong kết hợp xin ăn, nhất là các em học sinh trong dịp nghỉ hè.
d) Chỉ đạo Thôn/Tổ Dân phố phối hợp với Ban công tác mặt trận gặp mặt số đối tượng đang tạm trú tại địa phương hành nghề: đánh giày, bán vé số, bán hàng rong để tuyên truyền, vận động họ cam kết không lợi dụng công việc đang làm kết hợp với xin ăn.
đ) Hằng năm, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện chính sách xã hội cho đối tượng và nội dung hoạt động của Kế hoạch thuộc địa bàn quản lý theo phân cấp.
Kinh phí thực hiện được ngân sách bố trí hàng năm từ nguồn sự nghiệp đảm bảo xã hội cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các quận, huyện, xã, phường theo phân cấp; kinh phí lồng ghép của các chương trình, kế hoạch, đề án khác có liên quan khác (nếu có); nguồn viện trợ, huy động, đóng góp của các đơn vị, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện 06 tháng (15/6) và năm (30/11) về Chủ tịch UBND thành phố thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện mục tiêu Chương trình “Không có người lang thang xin ăn” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025. Đề nghị các sở, ngành, hội đoàn thể và UBND các địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình Chủ tịch UBND thành phố xem xét xử lý./.
|
CHỦ TỊCH |
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN
2021-2025
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Chủ
tịch UBND thành phố Đà Nẵng)
TT |
Nội dung |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
Thời gian hoàn thành |
Ghi chú |
1 |
Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 |
Sở Lao động -TB&XH |
Sở Du Lịch, Công an thành phố, các sở ngành, hội đoàn thể liên quan và UBND các quận, huyện |
Năm 2021 |
Kế hoạch |
2 |
Tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 16/1/2015 của UBND thành phố về quy định về việc đưa người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng vào cơ sở bảo trợ xã hội |
Sở Lao động -TB&XH |
Sở Tư pháp, Công an thành phố và các sở ngành liên quan |
Năm 2021 |
Quyết định |
3 |
Xây dựng chính sách hỗ trợ cho hoạt động xử lý người lang thang xin ăn trình HĐND thành phố |
Sở Lao động -TB&XH |
Sở Tài chính, các sở ngành liên quan và UBND các quận, huyện |
Năm 2022 |
Nghị quyết |
4 |
Xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức các đợt cao điểm toàn thành phố ra quân tuyên truyền, kiểm tra xử lý các hành vi xin ăn biến tướng, chèo kéo khách, dùng loa phóng ảnh hưởng đến an ninh trật tự vào các dịp lễ, tết, rằm... |
Sở Lao động -TB&XH |
Sở Du Lịch, Sở Văn hóa Thể thao, Công an thành phố, các sở ngành liên quan và UBND các quận, huyện |
Thường xuyên |
Kế hoạch |
5 |
Xây dựng các băng rôn, áp phích, tờ rơi tuyên truyền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chùa, các chợ, khu vực, tuyến đường trọng điểm |
Sở Lao động -TB&XH |
Sở Văn hóa Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các quận, huyện |
Thường xuyên |
Tờ rơi, Áp phích dán tại các đơn vị, địa phương, các cơ sở kinh doanh |
6 |
Xây dựng và triển khai Quy trình tiếp nhận, phân loại và xử lý cho về tái hòa nhập cộng đồng |
Sở Lao động -TB&XH |
UBND các quận, huyện |
Năm 2021-2025 |
Hướng dẫn |
7 |
Xây dựng và triển khai thực hiện quy trình quản lý đối tượng theo hình thức đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với các cơ sở bảo trợ xã hội |
Sở Lao động - TB&XH |
Các cơ sở bảo trợ xã hội |
Năm 2021- 2025 |
Hướng dẫn |
8 |
Tổ chức giao ban 6 tháng, hàng năm sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng kịp thời |
Sở Lao động -TB&XH |
UBND các quận, huyện |
Năm 2021- 2025 |
Hội nghị |
Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2021 thực hiện mục tiêu Chương trình “Không có người lang thang xin ăn” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025
Số hiệu: | 113/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng |
Người ký: | Lê Trung Chinh |
Ngày ban hành: | 11/06/2021 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2021 thực hiện mục tiêu Chương trình “Không có người lang thang xin ăn” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025
Chưa có Video