UBND
TỈNH TUYÊN QUANG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 311/HDLN-LĐTBXH-YT |
Tuyên Quang, ngày 09 tháng 05 năm 2007 |
HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH
VỀ QUY TRÌNH LẬP THỦ TỤC HỒ SƠ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ CẤP TIỀN MUA PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP, DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
Thực hiện Thông tư liên tịch số 17/2006/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BYT
ngày 21/11/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Y
tế, hướng dẫn về chế độ chăm sóc sức khỏe đối với người có công với cách mạng
(sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 17/2006/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BYT);
Liên ngành Sở Lao động TB và XH và Sở Y tế hướng dẫn quy trình lập thủ tục hồ sơ
thực hiện chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và phục
hồi chức năng theo quy định tại phần III Thông tư liên tịch số
17/2006/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BYT, cụ thể như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG, CHẾ ĐỘ CẤP TIỀN MUA PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP, DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
1. Đối tượng
Đối tượng được cấp tiền mua phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình được quy định tại điểm 1, mục I; đối tượng được phục hồi chức năng theo quy định tại điểm 2, mục I, phần III của Thông tư số 17/2006/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BYT.
2. Chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng
2.1. Chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình
Tùy theo tình trạng thương tật hoặc bệnh tật, người có công với cách mạng theo quy định tại điểm 1 mục I phần III của Thông tư này được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình theo chỉ định của các cơ sở chỉnh hình phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh trở lên (gọi tắt là cơ sở y tế) như sau:
a) Chế độ đối với người bị cụt chân, cụt tay:
- Người bị cụt chân được cấp tiền để mua chân giả sử dụng trong ba năm (02 năm đối với người sống ở miền núi, vùng cao), mỗi năm được cấp 170.000 đồng để mua các vật phẩm phụ.
- Người bị cụt tay được cấp tiền để mua tay giả sử dụng trong 3 năm mỗi năm còn được cấp 60.000 đồng để mua vật phẩm phụ.
- Người bị mất cả bàn chân hoặc nửa bàn chân không có khả năng lắp chân giả, hoặc bị ngắn chân, bàn chân bị lệch vẹo được cấp tiền để mua một đôi giầy chỉnh hình hoặc một đôi dép chỉnh hình sử dụng trong 01 năm.
b) Người bị liệt:
- Người bị liệt nửa người, liệt 2 chi dưới, liệt hoàn toàn, người bị cụt 2 chân không còn khả năng tự di chuyển được cấp tiền mua xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế sử dụng trong 4 năm, ngoài ra còn được cấp thêm 300.000đ/năm để bảo trì phương tiện.
Riêng thương binh, bệnh binh bị liệt nửa người, liệt hoàn toàn được cấp thêm 1.000.000đ/năm để mua các đồ dùng phục vụ sinh hoạt.
Người bị liệt chân nhưng vẫn còn khả năng tự di chuyển được cấp tiền mua nẹp atten để sử dụng trong 02 năm; mỗi năm được cấp tiền mua 01 đôi giầy chỉnh hình hoặc 01 đôi dép chỉnh hình và cấp thêm 60.000đ/năm để mua các vật phẩm phụ;
c) Người bị cứng khớp gối được cấp 60.000 đồng/năm để mua nạng và các vật phẩm phụ.
d) Thương binh, bệnh binh bị điếc do thương tật, bệnh tật (căn cứ biên bản giám định y khoa và chỉ định của bệnh viện cấp tỉnh trở lên) mỗi năm được cấp 200.000 đồng để mua máy trợ thính.
e) Thương binh bị gãy răng, hỏng hàm do thương tật (căn cứ biên bản giám định y khoa và chỉ định của bệnh viện cấp tỉnh trở lên) được cấp tiền 5 năm 1 lần để làm răng giả, hàm giả với mức giá 1 triệu đồng/1 răng.
g) Thương binh, bệnh binh bị hỏng mắt do thương tật, bệnh tật (căn cứ biên bản giám định y khoa và chỉ định của bệnh viện cấp tỉnh trở lên) được Phòng Nội vụ - Lao động TB và XH thanh toán tiền lắp mắt giả theo chứng từ thực tế của cơ sở y tế nơi điều trị; ngoài ra còn được cấp 100.000đ/năm để mua kính râm, gậy dò đường.
h) Thương binh, bệnh binh bị thể tâm thần kích động được cấp thêm một khoản tiền là 1.000.000đ/năm để mua các đồ dùng phục vụ sinh hoạt (không trùng cấp khoản tiền này nếu đồng thời là thương binh, bệnh binh bị liệt nửa người, liệt hoàn toàn).
2.2. Chế độ phục hồi chức năng và thanh toán tiền lưu trú, tiền tàu xe khi đi làm dụng cụ chỉnh hình
a) Người có công với cách mạng theo quy định tại điểm 2 Mục I phần III của Thông tư này khi đi điều trị phục hồi chức năng theo chỉ định của cơ sở y tế được:
- Thanh toán tiền tàu, xe theo giá quy định của Nhà nước với phương tiện thông thường như xe khách, tàu hỏa, tàu thủy từ nơi cư trú đến cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng gần nhất đủ điều kiện về chuyên môn kỹ thuật.
- Hỗ trợ tiền ăn mức 30.000đồng/ngày trong thời gian điều trị, tập luyện tại cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng.
Việc thanh toán tiền tàu xe, hỗ trợ tiền ăn được thực hiện đồng thời trong một lần thanh toán (phải có vé tàu, xe; xác nhận của cơ sở cung cấp dụng cụ chỉnh hình vào Sổ theo dõi).
b) Người có công với cách mạng theo quy định tại Mục I phần III của Thông tư này khi đi làm chân giả, tay giả, nẹp chỉnh hình, giày chỉnh hình, dép chỉnh hình, răng giả, mắt giả (gọi tắt là dụng cụ chỉnh hình) được hỗ trợ kinh phí mỗi niên hạn 2 lần, cụ thể như sau:
Thanh toán tiền tàu, xe theo giá quy định của Nhà nước với phương tiện thông thường như xe khách, tàu hỏa, tàu thủy từ nơi cư trú đến cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện về chuyên môn kỹ thuật cung cấp dụng cụ chỉnh hình.
Việc thanh toán tiền tàu xe, hỗ trợ tiền ăn được thực hiện đồng thời trong một lần thanh toán (phải có vé tàu, xe; xác nhận của cơ sở cung cấp dụng cụ chỉnh hình vào sổ theo dõi).
3. Quy trình lập thủ tục hồ sơ
3.1. Thủ tục hồ sơ gồm có
- Tờ khai đề nghị trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng (mẫu số 03 - CSSK) của đối tượng.
- Giấy chỉ định của Bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc cơ sở chỉnh hình phục hồi chức năng thuộc Bộ Lao động TB và XH về việc cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (theo Mẫu HDLN đính kèm).
3.2. Quy trình tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ
- UBND xã, phường, thị trấn tiếp nhận và xác nhận vào tờ kê khai của đối tượng gửi về Phòng Nội vụ - Lao động TB và XH các huyện, thị xã.
- Phòng Nội vụ - Lao động TB và XH tiếp nhận bản khai, phối hợp với Bệnh viện đa khoa tuyến huyện (Phòng Y tế thị xã) tổ chức khám kiểm tra thực tế tình trạng bệnh tật, thương tật của đối tượng giới thiệu về Bệnh viện đa khoa tỉnh khám để được chỉ định phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình.
Căn cứ kết quả khám giám định thương tật, bệnh tật của đối tượng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh ký giấy chỉ định cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình.
Sau khi có giấy chỉ định của Bệnh viện đa khoa tỉnh; Phòng Nội vụ - Lao động TB và XH các huyện, thị xã tổng hợp, có công văn đề nghị kèm danh sách (theo mẫu 04-CSSK) chuyển hồ sơ của đối tượng về Sở Lao động TB và XH để xem xét ra quyết định cấp sổ theo dõi cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho đối tượng.
Đối với các trường hợp là thương binh, bệnh binh đang thực hiện chế độ trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình. Sở Lao động TB và XH căn cứ vào danh sách và sổ theo dõi (cũ) thực hiện việc cấp đổi sổ mới cho đối tượng.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phòng Nội vụ - Lao động TB và XH có trách nhiệm tham mưu với UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan có liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn, thông báo rộng rãi chế độ chính sách về chăm sóc sức khỏe người có công theo quy định tại Thông tư số 17/2006/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BYT.
Phối hợp với UBND xã, thị trấn rà soát lập danh sách đối tượng có thương tật, bệnh tật phải sử dụng phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; hướng dẫn đối tượng lập thủ tục hồ sơ theo quy định. Cần chú ý đến các đối tượng mới là: Cán bộ Lão thành cách mạng; cán bộ Tiền khởi nghĩa; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp hàng tháng; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước”.
2. Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Phòng Y tế thị xã phối hợp với Phòng Nội vụ - Lao động TB và XH tổ chức khám, kiểm tra xác nhận tình trạng bệnh tật, thương tật của đối tượng, giới thiệu về Bệnh viện đa khoa tỉnh để khám và chỉ định cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình.
3. Bệnh viện đa khoa tỉnh có trách nhiệm giám định và cấp giấy chỉ định phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho đối tượng.
Hàng năm, Phòng Nội vụ - Lao động TB và XH lập danh sách đối tượng đến niên hạn gửi kèm công văn đề nghị cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (mẫu số 04-CSSK) cùng dự toán kinh phí gửi về Sở Lao động TB và XH trước ngày 30 tháng 4.
Yêu cầu Phòng Nội vụ - Lao động TB và XH; Bệnh viện đa khoa tỉnh; Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Phòng Y tế thị xã khẩn trương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Lao động TB và XH, Sở Y tế để được hướng dẫn giải quyết.
GIÁM
ĐỐC |
GIÁM
ĐỐC |
Nơi nhận:
|
Hướng dẫn 311/HDLN-LĐTBXH-YT về quy trình lập thủ tục hồ sơ thực hiện chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang ban hành
Số hiệu: | 311/HDLN-LĐTBXH-YT |
---|---|
Loại văn bản: | Hướng dẫn |
Nơi ban hành: | Tỉnh Tuyên Quang |
Người ký: | Mai Ngọc Châu, Lê Thị Dung |
Ngày ban hành: | 09/05/2007 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Hướng dẫn 311/HDLN-LĐTBXH-YT về quy trình lập thủ tục hồ sơ thực hiện chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang ban hành
Chưa có Video