ỦY BAN QUỐC GIA |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 156/HD-UBQG |
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2004 |
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ
Ngày 15/7/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/TTg về tăng cường hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay thế Chỉ thị 646/TTg ngày 07/11/1994. Mục đích và yêu cầu của việc tăng cường hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ là nhằm:
- Quán triệt và nâng cao hơn nữa quan điểm giới, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp về vấn đề bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển đất nước.
- Tạo dựng cơ chế hoạt động hiệu quả để tiến hành lồng ghép các vấn đề giới trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách.
- Tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ thực hiện các quyền cơ bản của mình và tham gia đầy đủ, bình đẳng vào mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Tăng cường hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp. Củng cố bộ máy tổ chức hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ theo hướng gọn nhẹ, thiết thực và hiệu quả.
Để giúp các cấp, các ngành triển khai đúng yêu cầu Chỉ thị và mục đích nêu trên, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (UBQG) hướng dẫn chi tiết một số vấn đề liên quan tới tổ chức và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ như sau:
1. NHIỆM VỤ HOẠT ĐỘNG VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ:
Hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ của các ngành, địa phương, đơn vị bao gồm 5 nhiệm vụ sau đây:
- Quán triệt và thực hiện đầy đủ quan điểm bình đẳng giới.
- Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động (KHHĐ) vì sự tiến bộ cửa phụ nữ.
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tình hình thực hiện chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước đối với phụ nữ trong ngành, địa phương, đơn vị.
- Tuyên truyền và phổ biến kịp thời chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước đối với phụ nữ và Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).
- Xây dựng và duy trì có hiệu quả bộ máy hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
2. TỔ CHỨC BỘ MÁY VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ:
2.1. Đối với các Bộ, ngành và Cơ quan Trung ương:
2.1.1. Thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng,
- Văn phòng Quốc hội.
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,
- Tòa án nhân dân tối cao,
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể.
(sau đây gọi chung là các bộ ngành)
a) Thành phần của Ban: Ban có từ 9 đến 12 ủy viên với các thành phần sau:
- Trưởng ban: 01 đồng chí Thứ trưởng hoặc phó Thủ trưởng cơ quan.
- Phó ban: đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Cán bộ hoặc tương đương.
- Ủy viên: đại diện lãnh đạo của các vụ, bộ phận chuyên môn do Bộ trưởng, Thủ trưởng quyết định danh sách:
• Kế hoạch.
• Văn phòng.
• Tài chính.
• Đào tạo.
• Ban nữ công.
• Một số vụ chuyên môn liên quan đến vấn đề giới/phụ nữ: chính sách, thống kê, pháp chế, thông tin-tuyên truyền, nghiên cứu...
• Một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc
- Thường trực Ban là chuyên viên của Vụ Tổ chức - Cán bộ hoặc tương đương, Văn phòng, Ban nữ công.
Tùy thuộc quy mô, tính chất của bộ ngành để bố trí các ủy viên là đại diện lãnh đạo các vụ, bộ phận chuyên môn cũng như: bộ phận thường trực cho phù hợp, đảm bảo bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả.
b) Nhiệm vụ của Ban:
- Tham mưu cho Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng trong việc đưa vấn đề giới vào các lĩnh vực hoạt động chuyên môn cũng như quá trình xây dựng, thực hiện các chính sách kế hoạch, chương trình và dự án của bộ ngành.
- Tham mưu cho Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng trong việc xây dựng và triển khai thực hiện KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ; đánh giá kết quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, đưa vào nội dung tổng kết hàng năm và định kỳ của bộ ngành.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ toàn ngành về luật pháp, chính sách đối với phụ nữ, Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), về bình đẳng giới.
- Là đầu mối đôn đốc và kiểm tra tình hình thực hiện luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ và KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ; việc lồng ghép giới vào hoạt động chuyên môn; tình hình tổ chức và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở bộ ngành.
- Xây dựng Quy chế hoạt động của Ban, trong đó quy định rõ lề lối làm việc và trách nhiệm của từng ủy viên. Duy trì, củng cố, phát triển bộ máy và hướng dẫn hoạt động đối với các Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các đơn vị trực thuộc.
- Chủ trì hướng dẫn và giám sát hoạt động lồng ghép giới vào các lĩnh vực hoạt động theo hệ thống ngành dọc của bộ ngành và các đơn vị trực thuộc. Thực hiện các hoạt động phối hợp và kế hoạch công tác theo hướng dẫn của UBQG.
- Tổ chức khảo sát đánh giá tác động giới (tác dụng, ảnh hưởng tới phụ nữ va nam giới) của các chính sách do bộ ngành ban hành cũng như tình hình phụ nữ ở bộ ngành làm căn cứ cho việc tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục bất bình đẳng giới và tăng cường năng lực cho phụ nữ.
- Là đầu mối cung cấp và cập nhật thông tin về hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ của bộ ngành.
2.1.2. Đối với các đơn vị trực thuộc bộ ngành trung ương: thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Tổng cục, Cục, Viện, Trường ... (sau đây gọi chung là đơn vị).
a) Thành phần của Ban: Ban có từ 5 -7 ủy viên với các thành phần sau:
- Trưởng ban: đại diện lãnh đạo đơn vị.
- Phó ban: đại diện lãnh đạo Phòng Tổ chức- Cán bộ hoặc tương đương.
- Ủy viên: đại diện lãnh đạo của các phòng, ban do Thủ trưởng đơn vị quyết định danh sách:
• Kế hoạch.
• Văn phòng.
• Tài chính.
• Nữ công.
- Thường trực Ban: 01 chuyên viên của Phòng Tổ chức-Cán bộ.
Tùy thuộc quy mô, tính chất của đơn vị để bố trí các ủy viên là đại diện lãnh đạo của các phòng, ban chuyên môn và cán bộ thường trực cho phù hợp, đảm bảo bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả.
b) Nhiệm vụ của Ban:
- Tham mưu cho lãnh đạo đưa vấn đề giới vào việc xây dựng, thực hiện các chính sách, kế hoạch, chương trình và dự án của đơn vị; xây dựng và triển khai thực hiện KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ; hàng năm đánh giá kết quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và đưa vào nội dung tổng kết của đơn vị.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, CNV về luật pháp, chính sách đối với phụ nữ, về Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), bình đẳng giới.
- Là đầu mối đôn đốc và kiểm tra tình hình thực hiện luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ tại đơn vị.
- Xây dựng Quy chế hoạt động của Ban, trong đó quy định rõ lề lối làm việc và trách nhiệm của từng ủy viên. Kịp thời kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên.
- Triển khai các hoạt động theo hướng dẫn của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ bộ ngành chủ quản. Xây dựng chương trình công tác hàng năm, bao gồm cả hoạt động cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu của KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ.
2.1.3. Đối với các vụ chuyên môn hoặc các đơn vị có quy mô nhỏ thì cử 01 cán bộ đầu mối về giới tại đơn vị. Cán bộ này có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo đưa vấn đề giới vào quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch, chương trình và dự án về lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Là đầu mối triển khai các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ theo sự chỉ đạo của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ bộ ngành chủ quản.
- Định kỳ báo cáo; đánh giá tình hình lồng ghép giới của đơn vị với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ bộ ngành chủ quản.
Xin lưu ý rằng một số vụ chuyên môn mặc dù số lượng cán bộ không đông nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa vấn đề giới vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách, đề xuất các chính sách đặc thù cho phụ nữ. Vì vậy, cần cử cán bộ đầu mối giới có đủ năng lực tham mưu cho lãnh đạo.
2.1.4. Đối với các doanh nghiệp: Thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ.
a) Thành phần của Ban: Ban có từ 5 -7 ủy viên với các thành phần sau:
- Trưởng ban: 01 Phó Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp.
- Phó ban: đại diện lãnh đạo Phòng Tổ chức - Nhân sự;
- Ủy viên: đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn do Giám đốc doanh nghiệp quyết định danh sách:
• Kế hoạch.
• Văn phòng.
• Lao động- Tiền lương.
• Tài chính- kế toán.
• Nữ công.
- Thường trực Ban: 01 chuyên viên Phòng Tổ chức - Nhân sự.
Tùy thuộc quy mô, tính chất của doanh nghiệp để bố trí các ủy viên là đại diện lãnh đạo của các phòng, ban chuyên môn và cán bộ thường trực Ban cho phù hợp, đảm bảo bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả.
b) Nhiệm vụ:
- Tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp đưa yếu tố giới vào công tác quản lý, đặc biệt là việc tuyển dụng, đào tạo và sử dụng, các điều kiện lao động và chính sách lao động nữ trong doanh nghiệp; xây dựng, triển khai và tổ chức thực hiện KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, CNV và người lao động về luật pháp, chính sách liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ, về Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), về bình đẳng giới...
- Đôn đốc và nắm tình hình thực hiện luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lao động nữ trong doanh nghiệp và tình hình thực hiện KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Đề xuất các biện pháp khắc phục kịp thời và có hiệu quả tình trạng bất bình đẳng, tình trạng vi phạm chế độ chính sách đối với phụ nữ.
2.2. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
2.2.1. Thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở cấp tỉnh thành:
a) Thành phần của Ban: Ban có từ 15-17 ủy viên với các thành phần sau:
- Trưởng ban: 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố
- Phó ban thường trực: đồng chí Giám đốc sở Kế hoạch- Đầu tư .
- Phó ban: đồng chí Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ.
- Ủy viên: Đại diện lãnh đạo của các sở, ngành do Chủ tịch UBND quyết định danh sách:
• Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.
• Sở Giáo dục - Đào tạo.
• Sở Y tế.
• Sở Nội vụ.
• Sở Tư pháp.
• Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn.
• Sở Tài chính.
• Văn phòng UBND.
• Ủy ban Dân số- Gia đình- Trẻ em.
• Cục Thống kê.
• Ban Tổ chức Tỉnh/Thành ủy.
• Liên đoàn Lao động
• Hội Nông dân.
• Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Thường trực và giúp việc cho Ban là chuyên viên của Văn phòng UBND, Sở Kế hoạch- Đầu tư và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố.
Tùy thuộc vào tình hình thực tế của mình, các tỉnh, thành phố cân nhắc trong việc bố trí các ủy viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành cũng như bộ phận thường trực, giúp việc cho phù hợp, đảm bảo bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả.
b) Nhiệm vụ:
- Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trong việc đưa vấn đề giới vào quá trình xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, các chính sách, chương trình và dự án tại địa phương; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ của tỉnh, thành phố.
- Tham mưu cho UBND trong việc đánh giá kết quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và đưa vào nội dung tổng kết tình hình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội hàng năm và định kỳ của tỉnh, thành phố.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân địa phương và luật pháp, chính sách đối với phụ nữ, về Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), về bình đẳng giới...
- Là đầu mối đôn đốc và kiểm tra tình hình thực hiện luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ; KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ; tình hình tổ chức và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các sở, ngành và quận, huyện, thị xã trực thuộc.
- Xây dựng Quy chế hoạt động của Ban, trong đó quy định rõ lề lối làm việc: và trách nhiệm của từng ủy viên. Duy trì, phát triển bộ máy và hướng dẫn hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ tại địa phương.
- Chủ trì hướng dẫn và giám sát hoạt động lồng ghép vấn đề giới trong hoạt động của các đơn vị trực thuộc. Thực hiện các hoạt động phối hợp và kế hoạch công tác theo hướng dẫn của UBQG.
- Định kỳ tổ chức khảo sát thực trạng bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ ở địa phương làm căn cứ cho việc tham mưu và đề xuất các giải pháp khắc phục bất bình đẳng giới và tăng cường năng lực cho phụ nữ.
- Là đầu mối cung cấp và cập nhật thông tin về hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ của địa phương.
2.2.2. Đối với các Sở, ngành: Thành lập Ban vì sự tiến phụ nữ ở các Sở, ngành.
a) Thành phần của Ban: Ban có từ 5-7 ủy viên với các thành phần sau:
- Trưởng ban: đại diện lãnh đạo Sở, ngành.
- Phó ban: đại diện lãnh đạo Phòng Tổ chức-Cán bộ hoặc tương đương.
- Ủy viên: đại diện lãnh đạo các phòng, ban do Giám đốc Sở, ngành quyết định danh sách:
• Kế hoạch.
• Văn phòng.
• Tài chính.
• Nữ công.
- Thường trực Ban là chuyên viên của Phòng Tổ chức- Cán bộ hoặc tương đương.
Tùy thuộc vào tình hình thực tế của mình, các Sở, ngành cần cân nhắc, bố trí ủy viên là đại diện lãnh đạo các phòng, ban cũng như cán bộ thường trực cho phù hợp, đảm bảo bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả.
b) Nhiệm vụ của Ban:
- Tham mưu cho Giám đốc Sở; ngành trong việc đưa vấn đề giới vào quá trình xây dựng, thực hiện các chính sách, kế hoạch, chương trình và dự án của Sở, ngành; xây dựng và triển khai thực hiện KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ; đánh giá kết quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và đưa vào nội dung tổng kết hàng năm của Sở, ngành.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, CNV về luật pháp, chính sách đối với phụ nữ, về Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), về bình đẳng giới.
- Là đầu mối đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ tại Sở, ngành.
- Xây dựng Quy chế hoạt động của Ban, trong đó quy định rõ lề lối làm việc, trách nhiệm của từng ủy viên và duy trì hoạt động có hiệu quả.
- Triển khai các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ theo hướng dẫn của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, thành và thực hiện lồng ghép giới theo hướng dẫn của bộ chủ quản. Tổ chức nghiên cứu và đề xuất hướng khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới, vi phạm quyền lợi của phụ nữ trong lĩnh vực chuyên môn do Sở, ngành đảm trách.
2.2.3. Đối với cấp quận, huyện, thị xã: Thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các quận, huyện, thị xã.
a) Thành phần của Ban: Ban có từ 7-9 ủy viên gồm các thành phần sau:
- Trưởng ban: 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã.
- Phó ban: Trưởng Phòng Kế hoạch- Đầu tư.
- Ủy viên: là đại diện lãnh đạo của các phòng, ban, ngành và đoàn thể sau do Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã quyết định danh sách:
• Lao động- Thương binh và Xã hội.
• Giáo dục- Đào tạo.
• Y tế
• Tài chính.
• Tư pháp.
• Chi cục Thống kê.
• Tổ chức- Chính quyền.
• Hội Phụ nữ.
• Liên đoàn Lao động.
• Hội Nông dân.
• Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Thường trực Ban là chuyên viên của Văn phòng UBND và Hội phụ nữ quận, huyện, thị xã.
b) Nhiệm vụ của Ban:
- Tham mưu cho UBND trong việc đưa vấn đề giới vào quá trình xây dựng, thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách, chương trình và dự án tại địa phương; xây dựng, thực hiện KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ và đưa kết quả thực hiện vào nội dung tổng kết hàng năm của UBND quận, huyện, thị xã.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trên địa bàn về luật pháp, chính sách đối với phụ nữ, về Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), về bình đẳng giới.
- Phối hợp với các phòng ban chức năng tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ và KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ; tình hình tổ chức và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các xã, phường, thị trấn.
- Xây dựng Quy chế hoạt động của Ban, trong đó quy định rõ lề lối làm việc và trách nhiệm của từng ủy viên. Duy trì, phát triển bộ máy và hướng dẫn hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các xã, phường, thị trấn.
- Triển khai các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ theo hướng dẫn của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, thành phố.
- Định kỳ tổ chức khảo sát thực trạng bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ ở địa phương. Đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời và có hiệu quả tình trạng bất bình đẳng, vi phạm luật pháp, chính sách đối với phụ nữ.
2.2.4. Đối với cấp xã, phường, thị trấn: Thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các xã, phường, thị trấn.
a) Thành phần của Ban: Ban có từ 3-5 thành viên với các thành phần sau:
- Trưởng ban: 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
- Ủy viên: là các cán bộ do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định danh sách lựa chọn trong số các chức danh sau:
• Cán bộ tư pháp- hộ tịch.
• Cán bộ văn hóa- xã hội.
• Cán bộ địa chính- nhà đất.
• Chủ tịch Hội phụ nữ...
- Thường trực Ban là 01 cán bộ Văn phòng UBND.
b) Nhiệm vụ của Ban:
- Tham mưu cho UBND trong việc (lựa vấn đề giới vào việc thực hiện các các chính sách, kế hoạch, chương trình và dự án tại địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ và đưa kết quả thực hiện vào nội dung tổng kết công tác hàng năm của UBND xã, phường, thị trấn...
- Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân địa phương về luật pháp, chính sách đối với phụ nữ, về Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), về bình đẳng giới...
- Triển khai các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ theo hướng dẫn của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ quận, huyện, thị xã.
- Đôn đốc và nắm tình hình, thực hiện luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ tại địa phương. Đề xuất các biện pháp khắc phục kịp thời và có hiệu quả tình trạng bất bình đẳng, vi phạm chế độ chính sách đối với phụ nữ.
3. CÁC QUY ĐỊNH VỀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA BAN VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ:
3.1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các cấp là người ký quyết định thành lập hoặc kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ.
3.2. Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các cấp phê duyệt, trong đó phân công rõ nhiệm vụ của các ủy viên và định kỳ họp ít nhất 2 lần/năm.
3.3. Các mối quan hệ công tác:
- Với cấp ủy Đảng và lãnh đạo trong chỉ đạo các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Với UBQG và Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp trên trong định hướng công tác, báo cáo hoạt động.
- Với các bộ phận ngang cấp trong ngành, địa phương để phối hợp và giám sát hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Với các Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ khác để cùng trao đổi thông tin, kinh nghiệm công tác.
3.4. Điều kiện hoạt động:
- Ban được phép sử dụng con dấu của Bộ, ngành, cơ quan và UBND các cấp do lãnh đạo kiêm Trưởng ban ký.
- Các thành viên của Ban hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Các thành viên được nhận chế độ thù lao làm ngoài giờ thực hiện theo quy định tại Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Ban được cung cấp thông tin, tài liệu và các phương tiện công tác khác.
3.5. Kế hoạch công tác năm kèm theo dự toán kinh phí được Ban bàn bạc thống nhất và trình Bộ trưởng, Thủ trưởng, Chủ tịch: UBND các cấp phê duyệt trong đó bao gồm các hoạt động trọng tâm:
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu của KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Tuyên truyền, huấn luyện nhằm phổ biến, luật pháp, chính sách đối với phụ nữ, Chiến lược, KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ, Công ước CEDAW, kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới…
- Kiểm tra hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Tổ chức điều tra, khảo sát, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
- Hội nghị, hội thảo, sơ tổng kết, thi đua khen thưởng.
3.6. Kế hoạch kiểm tra cần được xây dựng và phổ biến sớm cho các đơn vị trực thuộc. Nội dung kiểm tra gồm 4 vấn đề chính: tình hình thực hiện luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ, tình hình thực hiện KHHĐ vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác lồng ghép giới và tình hình tổ chức hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Sau khi hoàn thành chương trình kiểm tra, Ban cần làm báo cáo kết quả kiểm tra bao gồm cả các kiến nghị gửi Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp trên để tổng hợp lên UBQG gửi Thủ tướng chính phủ.
3.7. Chế độ báo cáo:
- Báo cáo sơ và tổng kết tình hình hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ của bộ ngành, địa phương, đơn vị được tiến hành theo định kỳ 6 tháng và cuối năm.
- Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các bộ ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về UBQG: trước ngày 15/7 đối với báo cáo sơ kết 6 tháng và trước ngày 15/1 đối với báo cáo tổng kết năm. Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở đơn vị trực thuộc gửi báo cáo về đơn vị chủ quản để tổng hợp tình hình.
Để thực hiện thống nhất Chỉ thị 27/TTg ngày 15/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ trong toàn quốc, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trân trọng đề nghị các bộ ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng và các Ban Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước,
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Cơ quan Trung ương của các đoàn thể, doanh nghiệp:
- Căn cứ vào điều kiện thực tế để tiến hành củng cố bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ và triển khai hoạt động theo hướng dẫn nêu trên.
- Sau một năm triển khai kiện toàn bộ máy và hoạt động theo tinh thần Chỉ thị 27/TTg và hướng dẫn nêu trên, báo cáo bằng văn bản về UBQG để tổng hợp tình hình trình Thủ tướng Chính phủ.
|
TM. ỦY BAN QUỐC
GIA |
Hướng dẫn 156/HD-UBQG năm 2004 tổ chức hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ do Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ban hành
Số hiệu: | 156/HD-UBQG |
---|---|
Loại văn bản: | Hướng dẫn |
Nơi ban hành: | Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam |
Người ký: | Hà Thị Khiết |
Ngày ban hành: | 26/11/2004 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Hướng dẫn 156/HD-UBQG năm 2004 tổ chức hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ do Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ban hành
Chưa có Video