Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

CÔNG ƯỚC UNIDROIT

VỀ DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ BỊ ĐÁNH CẮP HOẶC BUÔN BÁN TRÁI PHÉP RA NƯỚC NGOÀI 1

(Rome, 24 tháng 5 năm 1995)

CÁC NƯỚC THAM GIA KÍ KẾT CÔNG ƯỚC NÀY,

HỌP MẶT tại Rome theo lời mời của Chính phủ nước Cộng hoà Ý từ ngày 7 đến 24 tháng 6 năm 1995 nhằm tham dự Hội nghị ngoại giao để thông qua Dự thảo Công ước quốc tế Unidroit về việc trả lại các di sản văn hóa vật thể bị đánh cắp hoặc buôn bán trái phép ra nước ngoài;

NHẬN THỨC được tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa và trao đổi văn hóa nhằm tạo ra sự hiểu biết giữa các quốc gia, và sự thiết yếu của việc truyền bá văn hóa vì sự phồn vinh của nhân loại và tiến bộ của xã hội loài người;

QUAN TÂM SÂU SẮC tới nạn buôn bán trái phép các di sản văn hóa vật thể và những thiệt hại to lớn do việc buôn bán trên gây ra đối với bản thân các vật thể và di sản văn hóa của quốc gia, bộ tộc, bản địa đó hoặc các cộng đồng khác, cũng như đối với di sản văn hóa nhân loại, và cụ thể là quan tâm tới nạn đánh cắp vật thể tại các khu vực khảo cổ dẫn tới việc mất đi những tư liệu không thể phục hồi trong lĩnh vực khảo cổ, lịch sử và khoa học;

QUYẾT TÂM góp sức chống lại nạn buôn bán trái phép các di sản văn hóa vật thể một cách hiệu quả bằng biện pháp quan trọng là thiết lập các quy định pháp lí chung, tối thiểu đối với việc khôi phục và trả lại các di sản văn hoá vật thể giữa các nước tham gia kí kết Công ước, với mục tiêu không ngừng bảo tồn và bảo vệ các di sản văn hóa vì lợi ích của tất cả các bên;

NHẤN MẠNH RẰNG Công ước này nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục và hoàn trả các di sản văn hóa vật thể, và rằng quy định về những chế tài bất kì, như đền bù, cần thiết cho việc khôi phục và hoàn trả các vật thể ở một số nước một cách hiệu quả, không có nghĩa là những chế tài này sẽ được thông qua tại các nước khác;

KHẲNG ĐỊNH RẰNG việc áp dụng các quy định trong Công ước này trong tương lai trong mọi trường hợp đều không được coi là sự chấp thuận hay mang tính ràng buộc về mặt pháp lí đối với các giao dịch trái phép bất kì diễn ra trước khi Công ước này có hiệu lực;

THỐNG NHẤT RẰNG Công ước này không phải là giải pháp cho vấn nạn buôn bán di sản văn hoá vật thể trái phép, nhưng nó là bước đầu của quá trình tăng cường hợp tác quốc tế về văn hóa và giữ một vai trò phù hợp đối với hoạt động thương mại hợp pháp và đối với các thỏa thuận về trao đổi văn hoá giữa các quốc gia;

THỪA NHẬN RẰNG việc áp dụng Công ước này nên đi kèm với biện pháp hữu hiệu khác trong việc bảo vệ di sản văn hóa vật thể, chẳng hạn như phát triển và sử dụng các bản ghi chép, bảo vệ các khu vực khảo cổ và hợp tác trong lĩnh vực kĩ thuật;

THỪA NHẬN RẰNG việc bảo vệ các di sản văn hóa là trách nhiệm của nhiều bên liên quan, cụ thể là các nước tham gia kí kết Công ước UNESCO 1970 về hạn chế hoạt động buôn lậu và xây dựng các quy tắc đạo đức trong khu vực kinh tế tư nhân,

ĐÃ NHẤT TRÍ như sau:

CHƯƠNG I

PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ GIẢI NGHĨA

Điều 1

Công ước này áp dụng cho những yêu cầu quốc tế đối với:

(a) việc khôi phục các di sản văn hóa vật thể bị đánh cắp;

(b) việc trả lại các di sản văn hóa vật thể bị đưa ra khỏi lãnh thổ của một nước kí kết, trái với quy định của pháp luật nước đó liên quan đến buôn bán các di sản văn hóa vật thể ra nước ngoài, nhằm mục đích bảo vệ di sản văn hóa của nước đó (dưới đây gọi là “di sản văn hóa vật thể bị buôn bán trái phép ra nước ngoài”).

Điều 2

Theo Công ước này, các di sản văn hóa vật thể là các vật thể, vì lí do tôn giáo hoặc không phải lí do tôn giáo, có ý nghĩa quan trọng đối với khoa học khảo cổ, tiền sử, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật hoặc khoa học và nằm trong danh mục các vật thể được liệt kê ở Phụ lục của Công ước này.

CHƯƠNG II

KHÔI PHỤC CÁC DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ BỊ ĐÁNH CẮP

Điều 3

1. Người sở hữu một di sản văn hoá vật thể bị đánh cắp phải trả lại di sản đó.

2. Theo Công ước này, một di sản văn hóa vật thể đã được khai quật hợp pháp hay bất hợp pháp, nhưng nếu bị chiếm giữ một cách bất hợp pháp sẽ được coi là bị đánh cắp, theo quy định của pháp luật nước nơi tiến hành khai quật.

3. Bất kì yêu cầu khôi phục nào cũng phải được đưa ra trong khoảng thời gian 3 năm kể từ thời điểm người yêu cầu biết được vị trí của di sản văn hóa vật thể đó và xác định được người sở hữu vật thể đó, và trong mọi trường hợp phải đưa ra yêu cầu trong khoảng thời gian 50 năm kể từ thời điểm vật thể đó bị đánh cắp.

4. Tuy nhiên, yêu cầu khôi phục một di sản văn hóa vật thể vốn là một phần không thể tách rời của một đài tưởng niệm hoặc một khu khảo cổ đã được xác định, hoặc thuộc về một bộ sưu tập công cộng, sẽ không bị giới hạn về mặt thời gian ngoại trừ khoảng thời gian 3 năm kể từ khi người yêu cầu biết được vị trí của vật thể đó và xác định được người sở hữu.

5. Không phụ thuộc vào quy định tại điều khoản nói trên, một nước bất kì tham gia kí kết Công ước này có thể tuyên bố rằng yêu cầu khôi phục vật thể văn hóa bị giới hạn trong khoảng thời gian là 75 năm hoặc lâu hơn tùy theo quy định của pháp luật nước đó. Giới hạn thời gian này cũng áp dụng đối với yêu cầu của một nước thành viên kí kết khác đối với việc khôi phục một di sản văn hóa vật thể bị đưa ra khỏi một đài tưởng niệm, một khu khảo cổ hoặc một bộ sưu tập công cộng ở nước kí kết đã đưa ra tuyên bố trên.

6. Tuyên bố đề cập tại khoản trên phải được đưa ra tại thời điểm kí, phê chuẩn, chấp thuận, hoặc gia nhập.

7. Theo Công ước này, “bộ sưu tập công cộng” bao gồm nhóm các di sản văn hóa vật thể được kiểm kê hoặc nhận dạng được sở hữu bởi:

(a) một nước tham gia kí kết Công ước;

(b) một cơ quan có thẩm quyền khu vực hoặc địa phương của nước tham gia kí kết Công ước;

(c) một tổ chức tôn giáo ở một nước tham gia kí kết Công ước; hoặc

(d) một tổ chức hoạt động chủ yếu vì mục đích văn hóa, giáo dục hoặc khoa học ở một nước tham gia kí kết Công ước và được chính phủ nước đó công nhận là hoạt động vì lợi ích xã hội.

8. Ngoài ra, một yêu cầu đối với việc khôi phục một di sản văn hóa vật thể quan trọng mang tính thần thánh hoặc cộng đồng đang được một bộ tộc hoặc một cộng đồng bản xứ tại một nước kí kết sở hữu hoặc sử dụng như một phần của nghi lễ truyền thống, phải tuân theo giới hạn thời gian áp dụng đối với các vật thể trong bộ sưu tập công.

Điều 4

1. Người sở hữu một di sản văn hóa vật thể khi được yêu cầu trả lại vật thể đó, tại thời điểm hoàn trả, có quyền được nhận một khoản bồi thường công bằng và hợp lí nếu người đó hoàn toàn không biết hoặc vì một lí do hợp lí nào đó có thể không biết rằng vật thể đó bị đánh cắp và có thể chứng minh rằng do sự say mê khi mua vật thể đó.

2. Không phụ thuộc vào quyền của người sở hữu được bồi thường theo điều khoản nêu trên, nỗ lực hợp lí được đưa ra để buộc một người chuyển giao vật thể đó cho người sở hữu, hoặc người chuyển nhượng bất kì trước đó, phải trả thanh toán khoản tiền bồi thường phù hợp với luật pháp của nước đưa ra yêu cầu khôi phục vật thể.

3. Việc thanh toán khoản bồi thường cho chủ sở hữu vật thể từ người yêu cầu khôi phục, khi được yêu cầu, không làm ảnh hưởng tới quyền của người yêu cầu để thu hồi khoản bồi thường từ một người bất kì khác.

4. Để xác định liệu người sở hữu hiện tại có sự say mê hay không, phải xem xét tất cả các trường hợp liên quan đến việc có được vật thể, bao gồm đặc điểm của các bên liên quan, giá cả, đồng thời phải xem xét liệu người sở hữu có tra cứu bản ghi chép về các di sản văn hóa vật thể bị đánh cắp, cùng với những thông tin và tài liệu liên quan khác có được, hoặc liệu người sở hữu có tham khảo ý kiến của các cơ quan hữu quan hoặc tiến hành một biện pháp bất kì khác mà một người bình thường sẽ làm khi gặp phải những trường hợp này.

5. Người hiện sở hữu di sản văn hóa vật thể cũng chỉ được hưởng những quyền lợi như người nhận được di sản đó dưới hình thức thừa kế hoặc cho biếu.

CHƯƠNG III

HOÀN TRẢ CÁC DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ BỊ BUÔN BÁN TRÁI PHÉP

Điều 5

1. Nước kí kết có thể yêu cầu tòa án hoặc một cơ quan có thẩm quyền của một nước kí kết khác yêu cầu hoàn trả một di sản văn hóa vật thể bị bán trái phép ra khỏi lãnh thổ của nước đưa ra yêu cầu.

2. Một di sản văn hoá vật thể sẽ được coi là bị buôn bán trái phép ra nước ngoài nếu, vật thể đó được xuất tạm thời ra khỏi lãnh thổ của nước yêu cầu vì mục đích trưng bày, nghiên cứu hoặc phục chế theo giấy phép phù hợp với pháp luật của nước đó trong lĩnh vực xuất khẩu vì mục đích bảo tồn di sản văn hoá nhưng không được nhập trở lại theo các điều khoản trong giấy phép xuất khẩu.

3. Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền tại một nước nêu trên sẽ yêu cầu việc hoàn trả một vật thể bị buôn bán trái phép ra nước ngoài nếu nước yêu cầu chứng minh được rằng việc đưa vật thể đó ra khỏi lãnh thổ của nước đó làm ảnh hưởng tới một hoặc một số lợi ích sau:

(a) việc bảo tồn vật chất của vật thể đó hoặc các tài liệu liên quan đến vật thể đó:

(b) tính toàn vẹn của một vật thể có nhiều bộ phận hợp thành;

(c) việc bảo tồn thông tin liên quan đến các lĩnh vực như khoa học hoặc lịch sử;

(d) việc sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của một bộ tộc hoặc cộng đồng bản xứ;

hoặc chứng minh được rằng vật thể đó đóng một vai trò quan trọng trong di sản văn hóa của quốc gia yêu cầu hoàn trả vật thể.

4. Bất kì yêu cầu nào theo quy định tại Khoản 1 của Điều này phải bao gồm hoặc đi kèm với những thông tin thực tế hoặc pháp lí có thể hỗ trợ tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Chính phủ xem xét quyết định liệu yêu cầu đó có thỏa mãn những quy định nêu tại Khoản 1 đến 3 của Điều này hay không.

5. Bất kì yêu cầu hoàn trả di sản văn hóa vật thể nào cũng phải được đưa ra trong khoảng thời gian 3 năm kể từ thời điểm nước đưa ra yêu cầu biết địa điểm của vật thể và xác minh được người hiện đang sở hữu vật thể đó, và trong mọi trường hợp là 50 năm kể từ ngày vật thể đó bị bán ra nước ngoài hoặc kể từ ngày đáng lẽ vật thể đó phải được trả lại theo quy định của giấy phép xuất khẩu tại Khoản 2 Điều này.

Điều 6

1. Người nắm giữ một di sản văn hóa vật thể có được vật thể đó sau khi nó bị buôn bán trái phép ra nước ngoài có quyền được nhận một khoản bồi thường công bằng và hợp lí từ nước đưa ra yêu cầu hoàn trả, với điều kiện người đó hoàn toàn không biết hoặc vì một lí do nào đó khi nắm giữ vật thể này không biết rằng nó đã bị buôn bán trái phép ra nước ngoài.

2. Để xác minh liệu người sở hữu một di sản văn hóa vật thể không biết hoặc vì một lí do nào đó không biết rằng vật thể đó đã bị buôn bán trái phép ra nước ngoài, phải xem xét tất cả các trường hợp liên quan đến việc thu mua vật thể, kể cả việc không có giấy chứng nhận xuất khẩu theo quy định của pháp luật của nước yêu cầu.

3. Thay vì nhận tiền bồi thường và trong quá trình thỏa thuận với nước yêu cầu, người sở hữu di sản văn hóa vật thể được yêu cầu hoàn trả vật thể đó cho nước yêu cầu có thể quyết định:

(a) tiếp tục nắm quyền sở hữu đối với vật thể đó; hoặc

(b) chuyển nhượng quyền sở hữu thông qua mua bán hoặc cho biếu một người hiện đang cư trú tại nước yêu cầu với điều kiện người đó có thể đưa ra những đảm bảo cần thiết.

5. Người sở hữu di sản văn hóa vật thể sẽ không được hưởng ưu đãi hơn (có vị trí thuận lợi hơn) những người nhận được di sản đó dưới hình thức thừa kế hoặc cho biếu.

Điều 7

1. Các quy định tại Chương này sẽ không được áp dụng nếu:

(a) việc buôn bán một di sản văn hóa vật thể ra nước ngoài không bị coi là bất hợp pháp tại thời điểm yêu cầu hoàn trả được đưa ra; hoặc

(b) di sản văn hóa vật thể đó được bán ra nước ngoài khi người tạo ra vật thể đó vẫn còn sống hoặc trong khoảng thời gian 50 năm sau khi người đó chết.

2. Không phụ thuộc vào quy định tại Mục (b) của điều khoản trên, các quy định tại Chương này sẽ được áp dụng nếu một di sản văn hóa vật thể do một thành viên hoặc các thành viên của một bộ tộc hoặc một cộng đồng người bản xứ làm ra để phục vụ nghi lễ truyền thống của bộ tộc hoặc cộng đồng và di sản đó phải được trả lại cho bộ tộc hoặc cộng đồng đó.

CHƯƠNG IV

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 8

1. Yêu cầu khôi phục theo Chương II và yêu cầu hoàn trả theo Chương III phải được đưa ra tại tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác của một nước kí kết nơi mà có di sản văn hóa vật thể, và tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền tại các nước thành viên khác có quyền xét xử theo các quy định hiện hành của các nước này.

2. Các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại bất kì tòa án, một cơ quan có thẩm quyền khác, hoặc tại trọng tài.

3. Những biện pháp khẩn cấp tạm thời, bao gồm cả biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật nước kí kết nơi có di sản văn hóa vật thể có thể được áp dụng ngay cả khi yêu cầu khôi phục hoặc yêu cầu hoàn trả được đưa ra tại tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền tại một nước kí kết khác.

Điều 9

1. Không một điều khoản nào trong Công ước này có thể ngăn cấm một nước tham gia kí kết Công ước áp dụng các quy định mang tính thuận lợi hơn những quy định tại Công ước này liên quan đến việc khôi phục hoặc hoàn trả di sản văn hóa vật thể bị đánh cắp hoặc mua bán trái phép ra nước ngoài.

2. Không được giải thích Điều này theo cách tạo ra một nghĩa vụ công nhận hoặc thi hành quyết định của một tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của một nước kí kết khác mà không phù hợp với các quy định tại Công ước này.

Điều 10

1. Các quy định tại Chương II chỉ được áp dụng đối với di sản văn hóa vật thể bị đánh cắp sau khi Công ước này có hiệu lực tại nước nơi đưa ra yêu cầu, nếu:

(a) vật thể đó bị đánh cắp khỏi lãnh thổ của một nước kí kết Công ước sau khi Công ước này có hiệu lực tại nước đó; hoặc

(b) vật thể bị đánh cắp hiện đang được đặt tại một nước kí kết sau khi Công ước có hiệu lực tại nước này.

2. Các quy định tại Chương III chỉ được áp dụng đối với một di sản văn hóa vật thể bị buôn bán trái phép ra nước ngoài sau khi Công ước này có hiệu lực đối với cả nước đưa ra yêu cầu và nước được yêu cầu.

3. Trong mọi trường hợp, Công ước này không hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp đã xảy ra trước khi Công ước này có hiệu lực hoặc các giao dịch được loại trừ theo quy định tại Khoản (1) và (2) của Điều này, đồng thời Công ước này không hạn chế bất kì quyền nào của một nước hoặc một người nào đó yêu cầu những biện pháp ngoài phạm vi của Công ước liên quan đến việc khôi phục hoặc hoàn trả một di sản văn hóa vật thể bị đánh cắp hoặc mua bán trái phép ra nước ngoài trước khi Công ước này có hiệu lực.

CHƯƠNG V

CÁC QUY ĐỊNH CUỐI CÙNG

Điều 11

1. Công ước này được mở ra kí tại cuộc họp cuối cùng tại Hội nghị ngoại giao về việc thông qua Công ước sơ bộ Unidroit đối với vấn đề trả lại các di sản văn hóa vật thể bị đánh cắp hoặc buôn bán trái phép ra nước ngoài và sẽ tiếp tục được đưa ra kí kết tại Rome cho đến tháng 6 năm 1996.

2. Công ước này phải được các nước đã kí phê chuẩn, chấp thuận hoặc phê duyệt.

3. Tất cả các nước không phải là nước kí kết ban đầu của Công ước đều có thể gia nhập Công ước kể từ ngày Công ước được đưa ra kí kết.

4. Việc phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập phải được thể hiện bằng văn kiện chính thức gửi cho cơ quan lưu chiểu.

Điều 12

1. Công ước này có hiệu lực kể từ ngày đầu tiên của sáu tháng tiếp sau ngày gửi văn kiện thứ năm về phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập.

2. Đối với mỗi nước phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập Công ước này sau gửi văn kiện thứ 5 về phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập, Công ước này sẽ có hiệu lực đối với nước đó kể từ ngày đầu tiên của sáu tháng tiếp theo sau ngày sau ngày gửi văn kiện của nước đó về phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập.

Điều 13

1. Công ước này không ảnh hưởng tới bất kì văn kiện quốc tế nào mà một nước kí kết bất kì bị ràng buộc về mặt pháp lí và có chứa các điều khoản về các vấn đề mà Công ước này điều chỉnh, trừ trường hợp nước đó tuyên bố điều ngược lại.

2. Bất kì một nước kí kết nào có thể thỏa thuận với một hoặc nhiều nước kí kết khác với mục đích tăng cường việc áp dụng Công ước này dựa trên mối quan hệ song phương. Các nước này sau khi kí kết thỏa thuận này phải gửi một bản sao thoả thuận cho cơ quan lưu chiểu.

3. Trong quan hệ với nhau, các nước kí kết vốn là thành viên của các tổ chức hợp tác kinh tế hoặc các cơ quan mang tính khu vực có thể tuyên bố rằng họ sẽ áp dụng các quy định nội bộ của tổ chức hoặc cơ quan đó và do đó sẽ không áp dụng những quy định trong Công ước này có phạm vi áp dụng tương đồng với những quy định nội bộ của tổ chức hoặc cơ quan đó.

Điều 14

1. Nếu một nước kí kết có từ hai hay nhiều phần lãnh thổ trở lên, có hoặc không có hệ thống pháp luật khác nhau điều chỉnh các vấn đề liên quan đến Công ước này, thì tại thời điểm kí kết hoặc tại thời điểm gửi văn kiện về phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập, nước này có thể tuyên bố rằng Công ước này sẽ được áp dụng tại tất cả các phần lãnh thổ của nước mình hoặc chỉ được áp dụng tại một hoặc một vài phần lãnh thổ, và có thể bổ sung tuyên bố này bằng một tuyên bố khác vào một thời điểm bất kì.

2. Những tuyên bố này phải được thông báo cho cơ quan lưu trữ văn kiện và phải tuyên bố công khai tại những phần lãnh thổ áp dụng Công ước này.

3. Nếu Công ước này áp dụng với một hoặc một vài phần lãnh thổ chứ không phải toàn bộ phần lãnh thổ của một nước tham gia kí kết Công ước theo tuyên bố tại Điều này, thì khi đề cập đến:

(a) lãnh thổ của một nước tham gia kí kết Công ước tại Điều 1 phải được hiểu là đề cập đến lãnh thổ của một phần lãnh thổ của nước đó;

(b) một tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước tham gia kí kết Công ước hoặc của nước đang được nói đến phải được hiểu là đề cập đến tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền tại một phần lãnh thổ của nước đó;

(c) nước kí kết nơi di sản văn hóa vật thể hiện đang được đặt tại đó quy định tại Mục (1) Điều 8 phải được hiểu là đề cập đến phần lãnh thổ của nước đó nơi vật thể đang được đặt.;

(d) luật pháp của nước tham gia kí kết Công ước mà di sản văn hóa vật thể đang được đặt tại đó quy định tại khoản 3 Điều 8 phải được hiểu là đề cập đến luật pháp của phần lãnh thổ của nước đó nơi vật thể được đặt; và

(e) một nước tham gia kí kết Công ước quy định tại Điều 9 phải được hiểu là đề cập đến một phần lãnh thổ của nước đó.

(4) Nếu một nước tham gia kí kết Công ước không đưa ra tuyên bố theo Mục (1) Điều này, thì Công ước này sẽ được áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ của nước đó.

Điều 15

1. Các tuyên bố được đưa ra theo Công ước này tại thời điểm kí phải được khẳng định việc phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt.

2. Các tuyên bố và khẳng định tuyên bố phải được thể hiện dưới dạng văn bản và phải chính thức thông báo cho cơ quan lưu chiểu.

3. Một tuyên bố sẽ có hiệu lực đồng thời với thời điểm Công ước có hiệu lực đối với nước có liên quan. Tuy nhiên, nếu thông báo chính thức của một tuyên bố được gửi đến cho cơ quan lưu chiểu sau khi Công ước có hiệu lực thì thông báo đó sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của sáu tháng sau ngày kí thác văn kiện với cơ quan nhận kí thác.

4. Bất kì nước nào đưa ra tuyên bố theo Công ước này có thể rút lại tuyên bố vào bất kì thời điểm nào bằng việc gửi thông báo chính thức bằng văn bản đến cơ quan lưu chiểu. Việc rút lại lời tuyên bố sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của sáu tháng tiếp sau ngày gửi văn bản thông báo.

Điều 16

1. Tại thời điểm kí kết, phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập Công ước, mỗi nước kí kết Công ước phải tuyên bố rằng yêu cầu khôi phục hoặc yêu cầu hoàn trả di sản văn hóa vật thể do một nước đưa ra theo Điều 8 có thể để trình lên một hoặc nhiều nước đó theo thủ tục dưới đây:

(a) gửi trực tiếp cho tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước đưa ra tuyên bố;

(b) thông qua một hoặc một vài cơ quan được nước đó chỉ định nhận yêu cầu khôi phục hoặc hoàn trả và sau đó cơ quan này chuyển những yêu cầu trên cho tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước này;

(c) thông qua kênh ngoại giao hoặc lãnh sự.

2. Mỗi nước kí kết có thể chỉ định tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền ra lệnh khôi phục hoặc hoàn trả di sản văn hóa vật thể theo quy định tại Chương II và III.

3. Các tuyên bố tại khoản 1 và 2 Điều này có thể được sửa đổi tại một thời điểm bất kì thông qua một tuyên bố mới.

4. Các quy định từ Khoản 1 đến 3 của Điều này không ảnh hưởng tới các Hiệp định song phương và đa phương về tương trợ tư pháp đối với các vấn đề dân sự và thương mại xảy ra giữa các nước kí kết.

Điều 17

Mỗi nước tham gia kí kết Công ước, không muộn hơn sáu tháng kể từ ngày gửi văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập, phải cung cấp cho cơ quan nhận lưu chiểu những thông tin bằng văn bản viết theo một trong số các ngôn ngữ của Công ước liên quan đến các quy định điều chỉnh việc buôn bán di sản văn hóa ra nước ngoài. Những thông tin này phải được cập nhật thường xuyên một cách chính xác.

Điều 18

Không cho phép bảo lưu trừ những bảo lưu được phép theo quy định của Công ước này.

Điều 19

1. Công ước này có thể bị bãi bỏ hiệu lực đối với bất kì nước kí kết nào tại bất kì thời điểm nào sau ngày Công ước có hiệu lực tại nước đó, bằng việc gửi văn kiện tới cơ quan lưu chiểu.

2. Việc bãi bỏ Công ước sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của sáu tháng sau khi nước này gửi văn kiện bãi bỏ hiệu lực cho cơ quan nhận lưu chiểu. Nếu khoảng thời gian bãi bỏ có hiệu lực được xác định cụ thể trong văn kiện, văn kiện bãi bỏ sẽ có hiệu lực cho đến khi kết thúc khoảng thời gian gia hạn thêm sau khi văn kiện đó được gửi cho cơ quan lưu chiểu.

3. Không phụ thuộc vào việc bãi bỏ hiệu lực nêu trên, Công ước này vẫn áp dụng đối với yêu cầu khôi phục hoặc hoàn trả di sản văn hóa vật thể đệ trình trước ngày văn kiện bãi bỏ có hiệu lực.

Điều 20

Chủ tịch Viện Quốc tế về Thống nhất luật tư (viết tắt là Unidroit), định kì hoặc tại thời điểm bất kì, khi có yêu cầu của năm nước tham gia kí kết Công ước, có thể triệu tập một Ủy ban đặc biệt để xem xét tình hình thực tế áp dụng Công ước này.

Điều 21

1. Công ước này phải được gửi cho Chính phủ nước cộng hòa Ý.

2. Chính phủ nước Cộng hòa Ý phải:

(a) thông báo cho tất cả các nước tham gia kí kết hoặc tham gia Công ước này và Chủ tịch Viện Quốc tế về Thống nhất luật tư về:

i) nước mới tham gia kí kết Công ước hoặc kí thác văn kiện thông qua, chấp nhận, phê chuẩn hoặc gia nhập, cùng với ngày tháng của từng sự kiện;

ii) mỗi tuyên bố được đưa ra liên quan đến Công ước này;

iii) việc bãi bỏ một tuyên bố bất kì;

iv) ngày có hiệu lực của Công ước này;

v) những thỏa thuận nêu tại Điều 13;

vi) việc kí thác văn kiện bãi bỏ Công ước này cùng với ngày kí thác và ngày văn kiện kí thác có hiệu lực.

(b) gửi các bản sao có xác nhận của Công ước này cho tất cả các nước tham gia kí kết, cho tất cả các nước tham gia và cho Chủ tịch Viện Quốc tế về Thống nhất Luật Tư (viết tắt là Unidroit);

(c) thực hiện các chức năng thông thường khác của cơ quan nhận kí thác văn kiện.

ĐƯỢC CHỨNG THỰC bởi chữ kí bên dưới do đại diện hợp pháp của các nước tham gia kí kết Công ước này kí xác nhận.

SOẠN THẢO tại Rome, ngày 24 tháng 6 năm 1995, gồm các bản gốc bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, các bản này đều có giá trị như nhau.

 

PHỤ LỤC

(a) Các bộ sưu tập và các mẫu vật quý hiếm của thảm động-thực vật, khoáng sản và xác ướp, và các vật thể liên quan đến lĩnh vực cổ sinh vật học;

(b) tài sản mang tính lịch sử, bao gồm lịch sử khoa học công nghệ, lịch sử quân sự và xã hội, liên quan đến cuộc đời của các lãnh tụ, nhà tư tưởng, nhà khoa học và các nghệ sĩ và liên quan đến các sự kiện quan trọng của quốc gia;

(c) các sản vật trong các cuộc khai quật khảo cổ học (bao gồm các sản vật thông thường và bí mật) hoặc các cuộc khám phá khảo cổ học;

(d) vật thể thuộc các đài tưởng niệm nghệ thuật hoặc lịch sử hoặc các khu khảo cổ đã được chia nhỏ;

(e) cổ vật trên một trăm năm tuổi, chẳng hạn như chữ cổ khắc trên bia, tiền cổ và ấn dấu trạm khắc;

(f) các vật phẩm thuộc lĩnh vực dân tộc học;

(g) tài sản thuộc lĩnh vực nghệ thuật như:

i) các bức ảnh, bức họa và bức vẽ được thực hiện thủ công hoàn toàn không có hỗ trợ khác của công nghệ và bằng mọi chất liệu (trừ các thiết kế công nghiệp và các tác phẩm sản xuất theo phương thức công nghiệp được trang trí bằng tay);

ii) các tác phẩm nguyên bản trong nghệ thuật nặn tượng và điêu khắc bằng tất cả các chất liệu;

iii) các tác phẩm trạm trổ, in giấy và in thạch bản nguyên bản;

iv) bộ sưu tập nghệ thuật và thước phim nguyên bản bằng mọi chất liệu;

(h) những bản thảo và sách xuất bản đầu tiên hiếm, sách cổ, tài liệu và ấn phẩm thuộc lĩnh vực đặc biệt (lịch sử, nghệ thuật, khoa học, văn học...) đơn lẻ hoặc trong bộ sưu tập: bưu phí, tem từng chiếc đơn lẻ hoặc trong bộ sưu tập;

(j) văn thư lưu trữ, bao gồm những tài liệu về âm thanh, hình ảnh tĩnh và động;

(k) các vật dụng trên một trăm năm tuổi và các nhạc cụ cổ.

 



1 UNIDROIT Convention on Stolen or Illegally Exported Cultural Objects.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công ước UNIDROIT về tài sản văn hóa bị đánh cắp hay xuất khẩu trái phép

Số hiệu: Khongso
Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: ***
Người ký: ***
Ngày ban hành: 24/06/1995
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công ước UNIDROIT về tài sản văn hóa bị đánh cắp hay xuất khẩu trái phép

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…