BỘ
VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/2008/CT-BVHTTDL |
Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2008 |
Trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước về hoạt động bảo tàng trên cả nước đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân và tuyên truyền, quảng bá những nét đặc sắc về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Tuy vậy, công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các bảo tàng và sưu tập tư nhân còn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng xã hội và chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa hoạt động bảo tàng. Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương, các cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tiềm năng phát triển của các bảo tàng và sưu tập tư nhân đối với quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tàng; việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích sự ra đời và phát triển của các bảo tàng và sưu tập tư nhân còn thiếu đồng bộ, kém hiệu quả.
Để tiếp tục thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các bảo tàng và sưu tập tư nhân, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg, ngày 23 tháng 6 năm 2005, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt các vấn đề sau đây:
Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quán triệt sâu sắc và đầy đủ mục tiêu, quan điểm về phát triển các bảo tàng và sưu tập tư nhân:
1. Về mục tiêu
a) Phát huy tiềm năng trí tuệ, tâm huyết, cơ sở vật chất của các tổ chức và cá nhân để cùng với Nhà nước đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xã hội hóa các hoạt động bảo tàng.
b) Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập và mở rộng hoạt động của bảo tàng và sưu tập tư nhân.
c) Tạo sự đa dạng của các sản phẩm văn hóa - du lịch, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển hoạt động du lịch.
2. Về quan điểm
a) Đảm bảo quyền sở hữu của chủ sở hữu di sản văn hóa đi đôi với việc đề cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa; thực hiện chính sách công bằng xã hội về đóng góp, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
b) Đề cao trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân để phát triển hệ thống bảo tàng và sưu tập tư nhân.
c) Phát triển các bảo tàng và sưu tập tư nhân cần có bước đi thích hợp với từng địa phương; ưu tiên, khuyến khích phát triển các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở các đô thị, các trung tâm văn hóa - du lịch.
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phát triển mạng lưới bảo tàng và sưu tập tư nhân; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thành lập và tổ chức hoạt động có hiệu quả các bảo tàng và sưu tập tư nhân.
2. Tập trung xây dựng để Bộ trưởng ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự ra đời, phát triển của các bảo tàng và sưu tập tư nhân.
3. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nhằm giúp các tổ chức, cá nhân có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thành lập và tổ chức các hoạt động của bảo tàng và sưu tập tư nhân.
4. Điều tra, nghiên cứu tình hình thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân, được ban hành theo Quyết định số 09/2004/QĐ-BVHTT, ngày 24 tháng 2 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (sau đây gọi tắt là Quy chế tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân), đồng thời khảo sát, nghiên cứu một số mô hình bảo tàng tư nhân để xác định và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập, tổ chức hoạt động của các bảo tàng và sưu tập tư nhân; tạo điều kiện để chủ sở hữu các bảo tàng và sưu tập tư nhân có thể khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa mà họ đang sở hữu.
1. Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm
a) Tổ chức nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm xác lập cơ chế, chính sách phù hợp, thúc đẩy sự ra đời và phát triển các bảo tàng và sưu tập tư nhân.
b) Phối hợp với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân ở các địa phương, đồng thời tiến hành nghiên cứu một số mô hình bảo tàng tư nhân để xác định và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập, tổ chức hoạt động của các bảo tàng và sưu tập tư nhân.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị chức năng trực thuộc Sở đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai kế hoạch đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại Thông tư số 07/2004/TT-BVHTT, ngày 19 tháng 2 năm 2004, của Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; phối hợp với Hội đồng giám định cổ vật của Bộ và Hội đồng khoa học của các bảo tàng quốc gia hướng dẫn và giúp đỡ các địa phương trong quá trình thẩm định giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân.
d) Phối hợp với các cơ sở đào tạo có liên quan trực thuộc Bộ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
2. Các bảo tàng trực thuộc Bộ có trách nhiệm
a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện thực tế của từng bảo tàng, tích cực phối hợp, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ để các bảo tàng và sưu tập tư nhân có đối tượng, nội dung hoạt động phù hợp với đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng mình sớm được thành lập, hoạt động có hiệu quả.
b) Xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp với chủ sở hữu các bảo tàng và sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày các sưu tập có nội dung phù hợp với đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng mình tại địa điểm thích hợp.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm
a) Chủ động tham mưu, đề xuất cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ban, ngành hữu quan của địa phương kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc (về đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện sản xuất, kinh doanh...), tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các bảo tàng và sưu tập tư nhân.
b) Tổ chức xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện việc đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cho chủ sở hữu các bảo tàng và sưu tập tư nhân; tập trung đầu tư kinh phí, cán bộ có đủ năng lực cho việc triển khai đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để giúp các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thành lập và tổ chức hoạt động của bảo tàng và sưu tập tư nhân theo quy định của pháp luật.
c) Chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc Sở và các bảo tàng tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời chủ động, tích cực hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các bảo tàng và sưu tập tư nhân thuộc địa bàn.
d) Chỉ đạo và tạo điều kiện cho bảo tàng trực thuộc Sở thường xuyên phối hợp tổ chức trưng bày tại bảo tàng các sưu tập của bảo tàng và sưu tập tư nhân. Trong trường hợp các bảo tàng trực thuộc Sở được đầu tư xây dựng mới hoặc chỉnh lý, nâng cấp nội dung trưng bày, cần chỉ đạo việc thiết kế để có một không gian hợp lý dành cho trưng bày chuyên đề ngắn hạn và triển lãm, đảm bảo cho bảo tàng có điều kiện sẵn sàng tiếp nhận, phối hợp tổ chức trưng bày sưu tập của các bảo tàng và sưu tập tư nhân trên địa bàn.
đ) Chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch thuộc tỉnh, thành phố và tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch có hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố đưa các bảo tàng và sưu tập tư nhân trở thành những điểm thuộc các tuyến du lịch.
4. Các cơ quan báo chí của ngành có trách nhiệm
Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, định hướng và quy hoạch của ngành về phát triển mạng lưới bảo tàng và sưu tập tư nhân; phát hiện, biểu dương kịp thời các bảo tàng và sưu tập tư nhân hoạt động có hiệu quả, có nhiều đóng góp cho ngành và xã hội.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
BỘ
TRƯỞNG |
Chỉ thị 84/2008/CT-BVHTTDL về tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo nhằm thúc đẩy sự ra đời, phát triển của các bảo tàng và sưu tập tư nhân do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Số hiệu: | 84/2008/CT-BVHTTDL |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch |
Người ký: | Hoàng Tuấn Anh |
Ngày ban hành: | 03/11/2008 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 84/2008/CT-BVHTTDL về tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo nhằm thúc đẩy sự ra đời, phát triển của các bảo tàng và sưu tập tư nhân do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Chưa có Video