ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/CT-UB-NCVX |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 12 năm 1997 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG NGƯỜI LANG THANG XIN ĂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Vừa qua, thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, bại liệt, người già tàn tật, người bị bệnh phong, tâm thần, người nghèo khó tại các trung tâm, các cơ sở xã hội và tại địa bàn dân cư. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thành phố, người lang thang ăn xin ước tính có đến gần 10.000 người. Đây là vấn đề xã hội cần được xem xét giải quyết.
Người lang thang xin ăn nói trên bao gồm nhiều thành phần, lứa tuổi, hoàn cảnh… khác nhau. Bộ phận lớn vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vì thiên tai, hoạn nạn… Một số không ít vì bệnh tật, già yếu, không nơi nương tựa. Nhưng cũng có một bộ phận xem đây là một nghề để kiếm sống thậm chí tổ chức xúi giục người khác xin ăn cho mình bất chấp đạo lý, luật pháp. Cho dù lý do nào thì tình trạng người lang thang xin ăn đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến cuộc sống và an ninh trật tự thành phố.
Để giải quyết vấn đề có tính bức xúc và nhạy cảm này, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố có chỉ đạo như sau:
1. Ủy ban nhân dân các cấp, các ban ngành đoàn thể, mặt trận, các cơ quan thông tin đại chúng xem đây là vấn đề xã hội cần được quan tâm giải quyết với nhiều biện pháp đồng bộ.
Vấn đề cần được thống nhất là : xã hội chúng ta không chấp nhận xin ăn là một nghề để kiếm sống và lên án một số người đã sử dụng những kiểu hành nghề phi đạo đức, bất chấp luật pháp. Người dân thành phố sẽ tiếp tục phát huy nghĩa cử nhân ái, tấm lòng vì con người, tiếp tục giúp người nghèo khó sao cho đúng người, đúng chỗ, góp phần làm cho thành phố văn minh, trật tự an toàn hơn.
2. Giao cho ngành Lao động-Thương binh và xã hội có trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các cơ sở xã hội trên địa bàn. Trên cơ sở điều tra nắm đối tượng, xây dựng đề án, kế hoạch xử lý vấn đề người lang thang xin ăn. Xây dựng những đội công tác xã hội, tổ chức lực lượng cán sự xã hội, có chế độ chính sách và có chương trình huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng này. Cho phép chuyển Trạm tiếp nhận thành Trung tâm xã hội và lập thêm một số cơ sở xã hội, quán cơm xã hội để tiếp cận giúp đỡ người lang thang ăn xin hiện nay.
3. Trước mắt, hướng xử lý các đối tượng lang thang xin ăn như sau:
- Số người bị bịnh phong: Sở Lao động-Thương binh và xã hội phối hợp với Sở Y tế đưa về trại phong Bến Sắn (thuộc Sở Y tế) để điều trị.
- Số người già yếu, tật nguyền: Còn nơi nương tựa thì đưa về gia đình, không nơi nương tựa thì đưa vào Trung tâm xã hội (thuộc Sở Lao động-Thương binh và xã hội).
- Trẻ em ăn xin không nơi nương tựa hoặc bị ngược đãi: Tùy theo lứa tuổi đưa vào các trung tâm (thuộc Sở Lao động-Thương binh và xã hội).
- Số người còn sức lao động: Sở Lao động-Thương binh và xã hội có biện pháp giúp đỡ việc làm tại địa phương hoặc vận động đi kinh tế mới.
- Số người vi phạm pháp luật (tổ chức hành hạ, xúi giục người khác hoặc trẻ em xin ăn cho mình), Sở Lao động-Thương binh và xã hội cùng với các ngành, đoàn thể lập hồ sơ để đưa ra xử lý theo pháp luật.
4. Các địa phương, phường xã có người xin ăn cư trú cần quản lý và có biện pháp giúp đỡ về nghề nghiệp, việc làm, đời sống.
5. Thành lập Quỹ bảo trợ xã hội để người dân thành phố, người trong nước và nước ngoài thông qua Quỹ này góp phần giúp đỡ người nghèo, người cơ nhỡ. Quỹ Bảo trợ xã hội thành phố sẽ cùng với các báo, đài, các đoàn thể, các tổ chức xã hội chuyển đến các trung tâm, các cơ sở xã hội và các phường xã tận nơi người nghèo khó thật sự đang cần được giúp đỡ nhằm hạn chế người lang thang xin ăn trên đường phố.
6. Từ nay đến Tết nguyên đán và trong năm 1998 – năm thành phố kỷ niệm 300 năm Sàigòn - thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các quận huyện nhất là các quận trung tâm (Quận 1, Quận 3…) cần có kế hoạch phối hợp với các ngành thành phố xử lý có hiệu quả vấn đề này.
Ban Chỉ đạo 814 của thành phố sẽ theo dõi chỉ đạo vấn đề người lang thang ăn xin trên địa bàn thành phố và Sở Lao động-Thương binh và xã hội thành phố được phân công là cơ quan Thường trực.
Trong quá trình xử lý cần lưu ý: Đây là vấn đề con người, bộ phận lớn là người nghèo, cần tìm hiểu từng hoàn cảnh để có biện pháp xử lý thích hợp. Biện pháp chủ yếu là giúp đỡ về kinh tế, khơi dậy lòng tự trọng để họ trở về với cộng đồng tìm cách kiếm sống tích cực hơn, ổn định hơn.
Sau Tết, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tổ chức sơ kết một bước những nội dung chỉ đạo nói trên. Những vấn đề liên quan đến các tỉnh và Trung ương, thành phố sẽ xem xét đề xuất và kiến nghị.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 44/CT-UB-NCVX năm 1997 về việc giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 44/CT-UB-NCVX |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký: | Phạm Phương Thảo |
Ngày ban hành: | 11/12/1997 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 44/CT-UB-NCVX năm 1997 về việc giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chưa có Video