Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UBND

Kon Tum, ngày 27 tháng 12 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ NĂM 2025 VUI TƯƠI, LÀNH MẠNH, AN TOÀN, TIẾT KIỆM

Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công văn số 1519-CV/TU ngày 23 tháng 12 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025;

Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho người dân đón năm mới 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (gọi tắt là các đơn vị, địa phương) tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, cụ thể như sau:

I. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trước, trong, sau Tết và bình ổn giá cả, thị trường

1. Các đơn vị, địa phương:

- Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, thành lập và giải thể doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên, tiếp cận vốn, chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm, tăng hàng hóa cung ứng ra thị trường; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch trực Tết, kế hoạch sản xuất, kinh doanh bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa ra thị trường với chất lượng tốt, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, đến trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; triển khai tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết. Đối với các huyện biên giới, cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng phòng chống buôn lậu trong dịp Tết.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương tăng cường tuyên truyền để Nhân dân biết và tham gia mua hàng bình ổn giá, tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

2. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

- Theo dõi sát, nắm chắc tình hình thị trường, chủ động phối hợp với các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá bất hợp lý. Phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, có kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, cung ứng liên tục, đầy đủ cho thị trường với giá hợp lý.

- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các lực lượng chức năng thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ,... chú trọng các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, các kho hàng, điểm tập kết hàng hóa...

- Phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh điện, xăng dầu có phương án bảo đảm nguồn cung năng lượng như điện, xăng dầu trên địa bàn tỉnh giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, tuyệt đối không để thiếu hụt trong mọi tình huống; tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động cung ứng điện, kinh doanh xăng dầu để góp phần ổn định thị trường, phục vụ cho Nhân dân; kiểm tra, giám sát việc cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, không để thiếu điện trong mọi tình huống.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình khuyến mại trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ, kịp thời chính sách bình ổn thị trường hàng hóa; kiểm soát thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và theo chỉ đạo của Bộ Tài chính; đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

- Theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh những vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá.

- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các cơ quan liên quan tập trung kiểm tra, thanh tra chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, nợ công, tài sản công; rà soát, cắt giảm hoặc tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ hàng từ nguồn dự trữ quốc gia (nếu cần), không để người dân bị thiếu ăn trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.

4. Đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh:

- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động kế hoạch huy động, cân đối nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng.

- Tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tổ chức tốt các dịch vụ ngoại hối, thu, đổi ngoại tệ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán bảo đảm thanh khoản, cung ứng các dịch vụ thanh toán thông suốt, ổn định, an toàn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng cao trước, trong dịp Tết Nguyên đán; thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025; chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, nhất là rét đậm, rét hại, sương muối,... xây dựng các kịch bản và chuẩn bị vật tư, trang thiết bị cây trồng, con giống... phục vụ sản xuất, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh, thiên tai xảy ra để bảo đảm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

- Phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá, nhất là gạo, thịt lợn và các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

- Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, hồ chứa; vận hành hợp lý, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, có kế hoạch bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân và nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất, thủy điện. Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau Tết, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

6. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương: Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Đồng thời, kiểm soát, ngăn ngừa hàng hóa sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường không đáp ứng về đo lường, chất lượng, có nguy cơ gây hại đến sức khỏe cộng đồng, môi trường góp phần bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

7. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh: Động viên các doanh nghiệp chủ động huy động nguồn vốn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, vận động và đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc tham gia bình ổn thị trường, giá cả và bảo đảm an sinh xã hội.

II. Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết kịp thời chế độ cho các đối tượng chính sách, bảo vệ sức khỏe, chăm lo đời sống tinh thần cho Nhân dân

1. Các đơn vị, địa phương:

- Chủ động xây dựng kế hoạch đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm; cử cán bộ tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng kế hoạch trực, gác trong thời gian trước và trong dịp Tết Nguyên đán; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia hỗ trợ cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng gắn với các hoạt động vui xuân, đón Tết, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tin tưởng, tự hào trong toàn xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến hết năm 2025.

- Phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc, chủ động, tích cực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm... bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết.

- Tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong ngày Tết, nhất là ở biên giới, vùng khó khăn, địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm trang trọng, thiết thực, tránh phô trương, hình thức.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

- Tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của Nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn[1] để kịp thời quan tâm chăm lo, hỗ trợ phù hợp, đảm bảo tất cả người dân được đón Tết vui vẻ, đầm ấm. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.

- Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh (nếu có). Thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định. Thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán.

- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các địa phương: Tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bảo đảm tất cả các trẻ em đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm cho người dân; hướng dẫn bảo vệ trẻ em khỏi các sản phẩm và hoạt động văn hóa, thông tin, giải trí, đồ chơi độc hại, tệ nạn cờ bạc. Tăng cường công tác truyền thông về bình đẳng giới và các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

3. Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

- Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm lo đến các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, đồng bào tại các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thông tin, báo cáo kịp thời các vụ việc phát sinh trong lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là tình hình thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, thiếu đói dịp giáp hạt, các điểm nóng về an ninh trật tự trước, trong và sau Tết.

4. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

- Tăng cường các biện pháp phòng, chống Sởi, Sốt xuất huyết; các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông Xuân và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi có khả năng xâm nhập vào nước ta; chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây, bùng phát; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vắc xin, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

- Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, thực hiện ứng trực 24/24 giờ. Chủ động các phương án sẵn sàng nhân lực, đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị…; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.

- Tăng cường thực hiện công tác giám sát nguy cơ, phòng ngừa và ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin, cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh phục vụ Nhân dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nhất là các thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông Xuân (Sốt xuất huyết, cúm A, Sởi,...). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; rà soát, hậu kiểm để xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc, không để xảy ra tình trạng găm hàng đẩy giá thuốc lên cao trái quy định.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

- Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao bảo đảm Nhân dân được đón Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, quản lý lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, mê tín dị đoan. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng kế hoạch, chủ động chuẩn bị các điều kiện để phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán; niêm yết công khai giá dịch vụ; triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm.

- Đối với các các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân: khẩn trương tham mưu các nội dung liên quan để tổ chức Lễ hội đón giao thừa mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025 đảm bảo theo Kế hoạch số 4556/KH-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh; căn cứ chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để chủ trì, phối hợp với các đơn vị và địa phương liên quan tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội theo quy định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

- Bảo đảm tuyệt đối an toàn mạng lưới thông tin liên lạc, thông suốt đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết. Tăng cường triển khai hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh; theo dõi, giám sát, phát hiện xử lý sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin mạng, dấu hiệu tấn công mạng, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

- Phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong quá trình cung ứng dịch vụ; đồng thời, chỉ đạo rà soát, sắp xếp các bộ phận sản xuất khoa học, hợp lý nhằm bảo đảm kịp thời lưu thoát thư, gói, kiện hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thất lạc, ứ đọng, mất mát gây phát sinh khiếu nại của khách hàng, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

- Phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin kịp thời các chủ trương chính sách của Nhà nước; tăng cường thông tin, tuyên truyền về các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân, không khí vui xuân, đón Tết của Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, giá cả, thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả, an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường công tác đưa tin về hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân và các thành tựu của tỉnh, của đất nước.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương: Tăng cường kiểm soát, giám sát chặt các dự án, cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; có biện pháp ứng phó kịp thời đối với các sự cố môi trường phát sinh; thu gom và xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, tuyệt đối không để ùn ứ rác thải.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng tránh các tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn, nhất là trên không gian mạng; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng pháo.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện nghiêm việc phân công trực và bảo vệ cơ quan, trường học trong dịp nghỉ Tết, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng bảo đảm an toàn tuyệt đối về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phòng, chống cháy nổ; quan tâm, hỗ trợ, tổ chức chu đáo việc đón Tết đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn; có giải pháp bảo đảm kế hoạch nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn có Kế hoạch tổ chức cho sinh viên về quê đón Tết an toàn; bảo đảm an ninh, an toàn tại các ký túc xá cho sinh viên ở lại trong dịp Tết; có phương án hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết; xây dựng kế hoạch học tập sau Tết phù hợp, đảm bảo chất lượng đào tạo…

9. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương: Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ hạ tầng đô thị thiết yếu trên địa bàn (nước sạch, thu gom xử lý rác thải, chiếu sáng đô thị...), không để ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, đặc biệt là trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.

10. Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh:

- Thông tin đầy đủ, kịp thời về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hoạt động thăm hỏi, chăm lo, chúc Tết, sự chia sẻ của cộng đồng dành cho các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức và niềm vui của người dân được dọn về nhà mới được xây dựng trong chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

- Cập nhật kịp thời thông tin thị trường, giá hàng hóa, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong dịp Tết; công tác quản lý thị trường, các biện pháp bảo đảm an ninh, công tác phòng, chống cháy nổ trong các ngày trước, trong và sau Tết; kịp thời phát bản tin thông báo diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống; tăng cường bản tin giao thông trong các ngày trước, trong và sau Tết; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái thù địch; tuyên truyền an toàn giao thông, phát các thông điệp về an toàn giao thông Tết; tuyên truyền các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, các thành tựu của đất nước và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội trong dịp Tết..

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Thực hiện nghiêm các hoạt động trợ giúp xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đảm bảo không để người dân bị đói, bị rét trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, thực hiện tốt công tác chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi tại địa phương.

- Căn cứ vào tình hình thực tiễn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) về việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không sử dụng ngân sách nhà nước và chỉ thực hiện khi được cấp có thẩm quyền đồng ý.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống, tổng kết năm, gặp mặt, hội nghị, Tết trồng cây,... thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục tập quán.

12. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Đề nghị các đơn vị cung cấp các dịch vụ hạ tầng đô thị thiết yếu (cung cấp nước sạch, thu gom xử lý rác thải, chiếu sáng đô thị...) đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ, bảo đảm thuận lợi, không để ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, đặc biệt là trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.

III. Đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ

1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tăng cường công tác tuần tra, cảnh giác, bố trí lực lượng, phương tiện bảo vệ các mục tiêu trọng yếu quân sự, quốc phòng; kiểm tra công tác quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ trong cơ quan, doanh nghiệp; chủ động thu thập, nắm, báo cáo tình hình, nhất là những nơi có điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Bảo đảm kịp thời thông tin liên lạc, cơ yếu cho các nhiệm vụ.

- Trên cơ sở báo cáo của các địa phương về việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương theo đúng quy định.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng; chủ động nắm chắc tình hình biên giới; tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu; kiên quyết ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, cửa khẩu, đường mòn lối mở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

3. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

- Có phương án, kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện bảo vệ an toàn tuyệt đối các hoạt động, các mục tiêu, các địa bàn và công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Chủ động nắm chắc tình hình liên quan đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong - ngoài; bảo đảm an ninh thông tin; giữ vững an ninh nội địa, bảo đảm an ninh trong công dân, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện phức tạp, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự; tăng cường các biện pháp phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép.

- Tổ chức tấn công, trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, gây án đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy; phát hiện và xử lý nghiêm các loại tệ nạn xã hội. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn không để diễn ra tình trạng đốt pháo nổ trái phép diễn ra phức tạp trong dịp Tết.

- Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có phương án hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là liên quan đến sử dụng rượu, bia, chất cấm khi điều khiển phương tiện giao thông. Tăng cường rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy; chủ động sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn. Bảo đảm an ninh, an toàn các cơ sở giam, giữ; thực hiện các chế độ, chính sách với phạm nhân trong dịp Tết.

4. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tiếp tục kiểm tra, kiểm soát, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

5. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

- Tăng cường công tác điều tiết, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân chậm về quê ăn Tết do không có phương tiện vận chuyển; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải theo quy định; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trước, trong và sau dịp Tết, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, các sản phẩm, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc. Thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người, tăng giá vé trái quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn.

- Xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục kịp thời các tuyến đường bị hư hỏng mặt đường; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho người dân đi lại trong dịp Tết.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về kế hoạch phục vụ vận tải Tết; thông báo công khai về Kế hoạch công tác phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân và số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải có liên quan để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của hành khách và người dân.

6. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương: Tổ chức tốt việc tiếp công dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, tồn đọng kéo dài; tuyên truyền, vận động và có biện pháp phù hợp không để công dân của tỉnh khiếu nại, tố cáo tập trung lưu trú ở Hà Nội trong những ngày Tết Nguyên đán.

7. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

- Tăng cường tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định về văn hóa công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục tập quán tốt đẹp; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi về tâm linh tại các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; không để các đối tượng lợi dụng, tuyên truyền, kích động tụ tập đông người, gây phức tạp về an ninh trật tự.

IV. Về triển khai nhiệm vụ năm 2025

1. Các đơn vị, địa phương

- Hoàn thành việc tổng kết công tác năm 2024 trong tháng 12 năm 2024 để tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2025 ngay từ đầu năm và chăm lo Tết cho Nhân dân. Gửi Báo cáo tổng kết về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 02 tháng 01 năm 2025.

- Tăng cường công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực; thực hiện nghiêm việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của tỉnh thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi...; không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; không tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cán bộ lãnh đạo các cấp chỉ được dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công.

- Tăng cường quán triệt, chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết công việc, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Tăng cường công tác phân tích, dự báo, kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp, kiểm soát lạm phát nhất là vào thời điểm cuối năm.

- Tổ chức, phân công trực, kịp thời xử lý, giải quyết hiệu quả mọi công việc, tình huống phát sinh; thực hiện nghiêm chế độ thông tin thông suốt trong thời gian trước, trong, sau Tết và trở lại làm việc ngay sau khi kết thúc thời gian nghỉ Tết.

2. Thủ trưởng các đơn vị, địa phương chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo và trực Tết để bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ tháng đầu năm 2025; nhất là thực hiện đúng tiến độ việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tăng tốc, bứt phá, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 (được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 02 tháng 12 năm 2024 của Tỉnh ủy "về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2025", Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025 và Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

V. Tổ chức thực hiện

1. Các đơn vị, địa phương:

- Quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Công văn số 1519-CV/TU ngày 23 tháng 12 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức Tết năm 2025 tại địa phương, đơn vị[2].

- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này; đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp Nhân dân, bảo đảm mọi người dân đón Tết vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

- Phân công trực lãnh đạo, trực địa bàn, trực bảo vệ cơ quan, đơn vị 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Tết (khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền). Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm lập danh sách lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh trực Tết gửi đến Văn phòng Chính phủ (khi có yêu cầu).

- Thường xuyên nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các công việc đột xuất trong những ngày nghỉ Tết, kịp thời báo cáo những vấn đề nổi cộm phát sinh (nếu có) thuộc ngành, lĩnh vực địa bàn quản lý gửi Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh để tổng hợp báo cáo kịp thời cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường phối hợp giám sát để tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 thật chu đáo, tiết kiệm.

Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo cáo);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (báo cáo);
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (phối hợp);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các doanh nghiệp thuộc tỉnh;
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP, các phòng, đơn vị trực thuộc;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Kon Tum;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH.TK.

CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Tuấn

 

 



[1] Hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm...

[2] Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công văn số 362-CV/TU ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" và các chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức Tết năm 2025;…

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2024 tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu: 18/CT-UBND
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
Người ký: Lê Ngọc Tuấn
Ngày ban hành: 27/12/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [6]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2024 tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do tỉnh Kon Tum ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…