BỘ
CÔNG AN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-BCA |
Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ, BẢO TÀNG TRUYỀN THỐNG CÔNG AN NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Những năm qua, công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống Công an nhân dân được Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy và thủ trưởng Công an các cấp quan tâm chỉ đạo, đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo thực tiễn và xây dựng, phát triển lý luận Công an nhân dân; phục vụ công tác chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, niềm tin, lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống Công an nhân dân đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Kết quả nghiên cứu, biên soạn, tổng kết lịch sử; công tác bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của hệ thống bảo tàng, khu di tích, phòng truyền thống chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hạn chế, bất cập trên chủ yếu là do cấp ủy và lãnh đạo Công an một số đơn vị, địa phương nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của công tác này, nên thiếu sự quan tâm, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện; tổ chức bộ máy làm công tác nghiên cứu lịch sử và bảo tàng Công an nhân dân chưa phù hợp với tính chất, nhiệm vụ chuyên sâu; đội ngũ cán bộ chuyên trách còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn; kinh phí, cơ sở vật chất - kỹ thuật dành cho hoạt động nghiên cứu lịch sử và bảo tàng truyền thống, tuy đã được quan tâm, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Từ nay đến 2015 và những năm tiếp theo, công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân có những điều kiện thuận lợi mới, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, yêu cầu nghiên cứu, tổng kết lịch sử góp phần xây dựng, phát triển lý luận và giáo dục truyền thống Công an nhân dân đặt ra ngày càng cao. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống Công an nhân dân giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những công tác trọng tâm sau:
1. Quán triệt cho cán bộ, chiến sỹ nhận thức đúng công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử và giáo dục truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của công tác Công an; phải thường xuyên quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt đối với công tác này.
2. Tổ chức tốt việc nghiên cứu biên soạn lịch sử Công an nhân dân. Khẩn trương hoàn thành và nghiệm thu các công trình nghiên cứu, biên soạn, tổng kết lịch sử theo Chỉ thị số 05/CT-BCA, ngày 10/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an và các quyết định của lãnh đạo Bộ Công an về công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử Công an nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu biên soạn và xuất bản Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam các thời kỳ và Lịch sử An ninh các khu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; các công trình nghiên cứu lịch sử tư tưởng, nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Tổ chức tổng kết, đánh giá đầy đủ, khoa học về lịch sử 65 năm (1945 - 2010) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng bộ Công an Trung ương.
Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai nghiên cứu biên soạn lịch sử các giai đoạn trên cơ sở Lịch sử biên niên và Sơ thảo lịch sử đã hoàn thành; chỉ đạo các phòng, ban, quận, huyện trực thuộc biên soạn Lịch sử truyền thống của Công an các đơn vị, địa phương mình.
3. Cần tập trung tổng kết lịch sử những vụ án, chuyên đề lớn về an ninh, trật tự để rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử; đồng thời bám sát các vấn đề cơ bản, cấp bách về an ninh, trật tự trong thời kỳ đổi mới để triển khai tổng kết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo thực tiễn và xây dựng, phát triển lý luận Công an nhân dân; trọng tâm là công trình khoa học Tổng kết lịch sử Công an nhân dân trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).
Cùng với việc tham gia tổng kết lịch sử theo kế hoạch và yêu cầu của Bộ, căn cứ thực tiễn công tác, chiến đấu, Công an các đơn vị, địa phương lựa chọn, đề xuất những vấn đề cần tổng kết, báo cáo lãnh đạo Bộ (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân) để triển khai thực hiện.
4. Tiếp tục thực hiện Đề án quy hoạch Bảo tàng Công an nhân dân đến năm 2020; tăng cường công tác bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của hệ thống bảo tàng, khu di tích Công an nhân dân và phòng truyền thống của Công an các đơn vị, địa phương để phục vụ công tác chính trị - tư tưởng, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ, học viên các trường và các tầng lớp nhân dân. Đổi mới nội dung, mở rộng không gian trưng bày của Bảo tàng Công an nhân dân đảm bảo thực hiện chức năng bảo tàng đầu ngành và hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn đối với hệ thống bảo tàng, khu di tích, nhà truyền thống trong toàn ngành Công an.
5. Chú trọng công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền và vận dụng kết quả nghiên cứu, tổng kết lịch sử Công an nhân dân. Phát huy giá trị của những ấn phẩm lịch sử đã được xuất bản, những công trình tổng kết lịch sử đã được nghiệm thu; có kế hoạch vận dụng trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy và trong công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng ở các đơn vị, địa phương. Đổi mới nội dung tờ Thông tin Nghiên cứu Lịch sử Công an; có kế hoạch nghiên cứu, xây dựng Đề án nâng cấp tờ Thông tin này thành Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Công an nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác nghiên cứu, phát triển lý luận, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử Công an nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và học tập môn học Lịch sử Công an nhân dân ở các trường Công an, bảo đảm thời lượng, thống nhất chương trình, giáo trình cho các bậc học; thường xuyên quan tâm cập nhật kết quả nghiên cứu mới từ các công trình nghiên cứu biên soạn, tổng kết và các ấn phẩm lịch sử Công an nhân dân.
6. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất kiện toàn tổ chức Viện Lịch sử Công an đảm bảo phù hợp với vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nghiên cứu khoa học lịch sử đầu ngành của Bộ Công an; bố trí đủ cán bộ làm công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm công tác thực tiễn, trung thực, tận tụy, khách quan và trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao; có kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ kế tiếp có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay và những năm tiếp theo.
Ổn định tổ chức đội Nghiên cứu Khoa học lịch sử thuộc Văn phòng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tham mưu các Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, để đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn, trực tiếp nghiên cứu lịch sử Công an các đơn vị, địa phương. Nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với cán bộ làm công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử, khuyến khích số cán bộ đã kinh nghiệm qua thực tiễn, có khả năng nghiên cứu, tổng kết tăng cường cho Viện Lịch sử Công an và các đội nghiên cứu lịch sử Công an các đơn vị, địa phương.
7. Đẩy mạnh quan hệ phối hợp về công tác nghiên cứu lịch sử Công an với các cơ quan nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học lịch sử của Đảng, Nhà nước và các ngành; mở rộng quan hệ trao đổi, học tập kinh nghiệm với các nước phục vụ công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử và bảo tàng truyền thống; xây dựng Khoa học Lịch sử Công an phát triển thành một chuyên ngành của khoa học lịch sử.
8. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân phối hợp với Cục Tài chính nghiên cứu, đề xuất, phân bổ hợp lý và tăng kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học lịch sử Công an; chỉ đạo từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin tư liệu lịch sử Công an và đáp ứng yêu cầu về cung cấp, cập nhật thông tin của lực lượng Công an phục vụ nghiên cứu, tổng kết lịch sử.
9. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ và có kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này.
Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân giúp lãnh đạo Bộ theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị; định kỳ tổng hợp tình hình báo cáo lãnh đạo Bộ.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo Bộ (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân) để có hướng dẫn, chỉ đạo).
Nơi nhận: |
BỘ
TRƯỞNG |
Chỉ thị 14/CT-BCA năm 2011 về nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống Công an nhân dân giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Công an ban hành
Số hiệu: | 14/CT-BCA |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Công An |
Người ký: | Trần Đại Quang |
Ngày ban hành: | 04/11/2011 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 14/CT-BCA năm 2011 về nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống Công an nhân dân giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Công an ban hành
Chưa có Video