Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 9 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ DỄ PHÁT SINH TỆ NẠN XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong những năm qua, các cấp, các ngành cùng với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đã nỗ lực triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 13/2012/CT-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn Thành phố, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa - xã hội, lành mạnh hóa đời sống của người dân Thành phố, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa như mong muốn, tình trạng hoạt động kinh doanh biến tướng, trá hình, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây ồn ào, tiềm ẩn tệ nạn xã hội về ma túy, cờ bạc, mại dâm, kích dục, khiêu dâm ngày càng diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh cố tình vi phạm pháp luật vì lợi nhuận; chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa đúng mức, chưa đồng bộ và chặt chẽ; vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chưa phát huy trong việc giám sát, tuyên truyền, giáo dục, vận động; quy định của pháp luật còn thiếu, chồng chéo, khó áp dụng trong thực tiễn; sự phân công, phối hợp chưa tốt trong công tác kiểm tra, xử lý, thực thi các quyết định xử lý đã có hiệu lực pháp luật và trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền địa phương còn nhiều yếu kém, một số nơi còn buông lỏng.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn Thành phố, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu:

1. Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện

a. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát, thống kê, báo cáo để quản lý thống nhất đối với cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm (việc kiểm tra, xử lý, thực hiện các quyết định xử phạt).

b. Định kỳ hàng năm rà soát, kiện toàn Đoàn Kiểm tra Liên ngành Văn hóa - Xã hội Thành phố (Đoàn 1); thành lập Bộ phận giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoạt động của Đoàn Kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội Thành phố (Đoàn 1); phối hợp với Công an Thành phố và các Sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội cấp Thành phố đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa dễ phát sinh tệ nạn xã hội.

c. Định kỳ 06 tháng hoặc đột xuất tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp đối với hoạt động của Lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội (Đoàn 1, Đội 1); hỗ trợ chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý cho Lực lượng kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện

a. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mại dâm trong xã hội, tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao như: Học sinh, sinh viên, người lao động chưa có việc làm, người lao động nhập cư, nhóm lao động di cư và nhân viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng để nâng cao nhận thức về tác hại của tệ nạn mại dâm, giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng và việc lây nhiễm HIV/AIDS.

b. Rà soát, thống kê các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn Thành phố; xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết lập hệ thống thông tin quản lý về tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lý.

c. Đình kỳ hàng năm rà soát, kiện toàn Đoàn Kiểm tra Liên ngành Văn hóa - Xã hội Thành phố (Đoàn 2); thành lập Bộ phận giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoạt động của Đoàn Kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội Thành phố (Đoàn 2); phối hợp với Công an Thành phố và các Sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội cấp Thành phố đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa dễ phát sinh tệ nạn xã hội về mại dâm.

d. Định kỳ 06 tháng hoặc đột xuất tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp đối với hoạt động của Lực lượng kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội (Đoàn 2, Đội 2); hỗ trợ chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý cho Lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

3. Công an Thành phố

a. Công an Thành phố tăng cường công tác nắm tình hình, sử dụng biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội về may túy, cờ bạc, mại dâm, kích dục, nhảy múa thoát y, khiêu dâm...trên địa bàn; chỉ đạo tăng cường công tác quản lý về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hoạt động biến tướng tập trung động người như quán bar, vũ trường, beer club, cà phê DJ, karaoke, xoa bóp (massage)...nhất là các cơ sở kinh doanh tại các tầng cao, sân thượng của các tòa nhà cao tầng có nguy cơ cháy, nổ cao. Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh không đảm bảo về điều kiện kinh doanh, vi phạm an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật.

b. Chỉ đạo các đơn vị phối hợp, hỗ trợ hoạt động của lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp trong trong tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động phức tạp về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội trên địa bàn.

4. Sở Công thương

Sở Công thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ quy định pháp luật hiện hành, xây dựng hoặc tham mưu đề xuất Bộ, ngành trung ương hướng dẫn các quy chuẩn về hoạt động quán bar club, beer club, vũ trường, cà phê DJ trên địa bàn Thành phố.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nghiêm Quyết định số 33/2016/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau đăng ký thành lập.

b. Phối hợp, hỗ trợ công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các cơ sở kinh doanh vi phạm trên địa bàn theo quy định pháp luật; tham mưu đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quy định chấn chỉnh tình trạng một địa chỉ có nhiều giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp đang có hiệu lực hoạt động, kinh doanh vi phạm pháp luật nhiều lần nhưng xin giấy chứng nhận kinh doanh mới để tiếp tục kinh doanh tại địa chỉ cũ, với ngành nghề cũ để trốn tránh thi hành các quyết định xử phạt.

6. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện

a. Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các giải pháp quản lý, kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện hành nghề massage, xông hơi, xoa bóp, y học cổ truyền, day ấn huyệt nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và kéo giảm tình trạng biến tướng, trá hình mại dâm, kích dục tại các loại hình kinh doanh này.

b. Kiến nghị, đề xuất, báo cáo với Bộ Y tế xem xét ban hành quy định pháp luật quản lý việc sử dụng, kinh doanh thuốc Shisha, bóng cười.

c. Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các giải pháp quản lý, kiểm tra, xử lý đối với hoạt động phòng, chống dịch, phòng chống tác hại của thuốc lá và phòng chống tác hại của rượu bia.

7. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phthông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội, nêu gương những việc tiêu biểu, làm tốt; phản bác các quan điểm sai trái làm băng hoại đạo đức truyền thống dân tộc. Đồng thời tiếp tục thông báo đường dây nóng của Thành phố và địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội về ma túy, cờ bạc, mại dâm, kích dục, khiêu dâm, nhảy múa thoát y, gây ồn ào trên địa bàn Thành phố nhằm phát huy hiệu quả trong việc tiếp nhận, kiểm tra, xử lý, đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội.

8. Sở Tài chính

Hàng năm, cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, căn cứ kế hoạch và yêu cầu nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao, các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị địa phương lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các chế độ, chính sách cho lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội theo quy định gửi cơ quan tài chính cùng cấp để thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các giải pháp quản lý, giám sát, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh casino trên địa bàn Thành phố.

9. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện

a. Tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về tiếng ồn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội; tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý về tiếng ồn cho các lực lượng thực thi kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội Thành phố.

b. Xử lý các hành vi vi phạm tiếng ồn theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ và các Nghị định khác có liên quan.

c. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các tiêu chuẩn, định mức, văn bản pháp luật để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn tình trạng gây ồn làm bức xúc trong nhân dân.

10. Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, lập danh sách các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch không đảm bảo điều kiện kinh doanh, hoạt động có dấu hiệu tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm kéo giảm tệ nạn xã hội.

11. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hàng năm kiện toàn Đoàn Kiểm tra Liên ngành Văn hóa - Xã hội Thành phố (Đoàn 1, Đoàn 2); hướng dẫn thống nhất Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện kiện toàn Đội Kiểm tra Liên ngành Văn hóa - Xã hội (Đội 1, Đội 2) và Tổ Kiểm tra Liên ngành phường, xã, thị trấn.

12. Cục thuế Thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các Chi cục thuế Thành phố Thủ Đức, quận, huyện cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của các tổ chức, cá nhân vi phạm để thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi có văn bản đề nghị của các cơ quan thường trực về hoạt động Lực lượng Kiểm tra Liên ngành Văn hóa - Xã hội theo Quy chế phối hợp tổ chức thực hiện cưỡng chế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 29/2018/QĐ-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

13. Cục quản lý thị trường Thành phố có trách nhiệm phối hợp lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội Thành phố trong việc kiểm tra, tạm giữ tang vật, phương tiện, xử lý vi phạm và hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, nhập lậu, khi lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội kiểm tra, phát hiện, đề nghị phối hợp.

14. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện

a. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội và nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở, người quản lý, người lao động trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy; thực hiện cam kết không vi phạm tệ nạn xã hội, vận động người cho thuê nhà không tiếp tục cho thuê nhà đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm liên quan đến tệ nạn xã hội, gây ô nhiễm tiếng ồn, mất an ninh trật tự. Đẩy mạnh vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác vi phạm pháp luật. Tập trung chỉ đạo triển khai chuyển hóa địa bàn trng điểm phức tp về ma túy, cờ bạc, mại dâm. 06 tháng hoặc 1 năm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, bộ phận có liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý cho lực lượng kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội cấp thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

b. Chủ động rà soát, lập danh sách quản lý đối với tất cả các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn quản lý; phối hợp với Sở, ngành liên quan thực hiện áp dụng công nghệ thông tin để quản lý thống nhất, đồng bộ trong công tác kiểm tra, xử lý, thi hành các quyết định xử phạt các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm; có ý kiến trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh đã bị xử lý, nhưng xin giấy phép khác tại địa chỉ và với ngành nghề đã bị xử lý vi phạm; thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau khi đăng ký thành lập.

c. Định kỳ hàng năm, kiện toàn lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội; chỉ đạo lực lượng Công an, lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội, kinh doanh gây ồn ào, hoạt động sau 24 giờ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn quản lý. Đồng thời giao Chủ tịch, Trưởng Công an phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ma túy, cờ bạc, mại dâm, kích dục, khiêu dâm, nhảy múa thoát ý, kinh doanh quá giờ, gây ồn ào tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý.

d. Thành lập Bộ phận chỉ đạo, giám sát, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội; sự phối hợp giữa liên ngành với Công an và các lực lượng chức năng.

e. Khen thưởng theo thẩm quyền, xem xét trách nhiệm các cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức tham gia lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội có thành tích hoặc vi phạm.

15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố và các Đoàn thể tuyên truyền, vận động thành viên thực hiện tốt các quy định về phòng, chống tệ nạn xã hội; không cho thuê mặt bằng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn, tích cực thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, xây dựng “phường lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm”, xây dựng “gia đình hạnh phúc”, cam kết không gây ồn, mất trật tự trên địa bàn dân cư nhằm xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

16. Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nghiêm Quyết định số 33/2016/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau đăng ký thành lập.

Tiến hành rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, phòng, chống tệ nạn xã hội, xác định, tổng hợp các nội dung quy định có sự mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; đề xuất, kiến nghị các nội dung cần điều chỉnh, hoặc bổ sung, sửa đổi các quy định quản lý nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước; bổ sung, điều chỉnh Quy chế phối hợp kiểm tra liên ngành văn hóa, thông tin, phòng, chống tệ nạn xã hội.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Chỉ thị số 13/2012/CT-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn Thành phố.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Hoan

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2021 về tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu: 13/CT-UBND
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký: Võ Văn Hoan
Ngày ban hành: 15/09/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [1]
Văn bản được dẫn chiếu - [4]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2021 về tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…