ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 09 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM ĐẢM BẢO AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở HỘ GIA ĐÌNH VÀ NHÀ Ở KẾT HỢP KINH DOANH, SẢN XUẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017 xảy ra trên 220 vụ cháy nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất làm 19 người chết, 20 người bị thương mà nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng thiết bị điện. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện chưa chặt chẽ, trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với đối tượng này chưa xác định rõ ràng nên chưa có giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Trước tình hình đó, ngày 31 tháng 5 năm 2017. Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, đề ra giải pháp và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn thành phố.
Nhằm nâng cao trách nhiệm và tăng cường các giải pháp phòng ngừa, kiềm chế số vụ cháy và hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra trong nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc những nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư, cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý. Chỉ đạo, phân công Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn phối hợp với các phòng, ban tổ chức thực hiện những biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy trên địa bàn quản lý.
Khẩn trương tiến hành công tác điều tra cơ bản, rà soát, nắm tình hình để xác định khu vực, địa bàn, tuyến đường, tuyến hẻm có nhiều hộ gia đình và hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao để tập trung triển khai thực hiện những giải pháp, phương án phòng ngừa, cũng như giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra cháy, nổ.
Phối hợp Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố triển khai những biện pháp ngăn chặn cháy lan đối với những khu vực tập trung nhiều nhà ở có cấu kiện xây dựng bằng vật liệu dễ cháy và hướng dẫn những nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất tạo những lối thoát nạn khẩn cấp, trang bị dụng cụ, thiết bị thoát nạn để dự phòng trong trường hợp xảy ra cháy, nổ: có phương án ứng cứu khi xảy ra cháy, nổ những hộ gia đình có người neo đơn lớn tuổi, người mất khả năng vận động.
Tổ chức tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của chủ hộ gia đình, cá nhân và phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy: tổ chức kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn, biện pháp, giải pháp phòng ngừa cháy, nổ trong việc sử dụng điện, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, điều kiện an toàn trong bố trí, sắp xếp hàng hóa, vật dụng tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất.
Trước khi cấp phép cho hộ gia đình hoạt động kinh doanh, sản xuất kết hợp với nhà ở phải tổ chức kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ gia đình thực hiện những điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy; trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu người cần thiết;.... Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép, xử lý nghiêm đối với các công trình quảng cáo vi phạm quy định nhằm đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, tổ chức thoát nạn, cứu người và phòng ngừa cháy lan, ngăn tụ khói khi xảy ra cháy.
Quan tâm củng cố, kiện toàn lực lượng dân phòng, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đồng thời bố trí nơi làm việc, chốt gác, đầu tư xây dựng bể dự trữ nước chữa cháy, lắp đặt trụ nước chữa cháy trong những khu dân cư hẻm sâu, thiếu nước và nghiên cứu trang bị các loại phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp (như: xe chữa cháy mi ni, máy bơm chữa cháy, cưa máy cầm tay, dụng cụ phá dỡ, thiết bị cắt kim loại, phá khóa, mặt nạ phòng độc,...) để kịp thời xử lý khi xảy ra cháy, nổ.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện quy chế phối hợp giữa các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, dân quân tự vệ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở khu dân cư. Phối hợp giữa các lực lượng này với lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở để huy động được lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia vào công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tăng cường công tác phối hợp, tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm chủ động ứng phó, thống nhất cơ chế lãnh đạo, chỉ huy điều hành và phân công nhiệm vụ để xử lý kịp thời, hiệu quả khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Hàng năm, tại mỗi khu dân cư (khu phố) phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ít nhất 01 lần.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện và xã, phường, thị trấn phải có trách nhiệm tham gia chỉ đạo tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả vụ cháy.
2. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố chịu trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành văn bản chỉ đạo trên lĩnh vực quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư. Có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện những biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất.
Phối hợp Sở Tư pháp, Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; tham mưu ban hành các kế hoạch điều tra cơ bản, kế hoạch tổng kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy để triển khai thực hiện trên toàn thành phố.
Chủ động thực hiện công tác rà soát các khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất và cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao nằm xen cài trong khu dân cư không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy đặc biệt là các đối tượng quy định tại Điều 63a Luật Phòng cháy và chữa cháy để tăng cường các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, ý thức, trách nhiệm về phòng ngừa cháy, nổ, những kỹ năng về chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong cộng đồng, đặc biệt là chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, người dân sinh sống trong các khu dân cư và học sinh, sinh viên.
Tập trung tham mưu, hướng dẫn xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân... để xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ (như: san chiết gas trái phép, sử dụng, chế tạo chất dễ cháy, nổ....).
Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu: duy trì công tác huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đội ngũ cán bộ, chiến sỹ: tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia ở khu dân cư ít nhất mỗi năm 01 lần.
Phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện Đề án Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố ngang tầm với các nước trong khu vực và Dự án Quy hoạch ngành phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 nhằm nâng cao năng lực của lực lượng phòng cháy chữa cháy và xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chính quy, tinh nhuệ và ngày càng hiện đại.
3. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong quá trình cấp phép, thi công xây dựng, cải tạo và sử dụng đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất: đặc biệt, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và thoát nạn theo các Quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành khi cấp phép xây dựng, cải tạo công trình. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng gây ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, gây cản trở thoát nạn.
Chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Ủy ban nhân dân các quận, huyện rà soát những nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất hiện hữu nằm trong diện quy hoạch giải tỏa hoặc chỉnh trang đô thị không đảm bảo yêu cầu về lối thoát nạn, thoát khói, xây dựng bằng vật liệu dễ cháy, lấn chiếm không gian, hành lang thoát nạn.... từ đó, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố có chủ trương, biện pháp tạm thời chấp thuận việc cải tạo, sửa chữa để hạn chế nguy cơ, thiệt hại do cháy, nổ.
4. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố nghiên cứu, rà soát những tồn tại bất cập, vướng mắc khi thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị, đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy đến mọi tầng lớp nhân dân.
5. Sở Công thương chủ trì triển khai thực hiện nghiêm quy định của Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện: trong đó, đặc biệt lưu ý kiện toàn đội ngũ Kiểm tra viên điện lực các cấp, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực của Sở Công thương và Kiểm tra viên điện lực của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra an toàn điện lực trong các khu dân cư.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh các loại dụng cụ, thiết bị bảo vệ, dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện,... lưu thông trên thị trường thành phố nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, gây nguy hiểm cho người sử dụng, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Phối hợp quận, huyện quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh các loại hóa chất có đặc tính nguy hiểm cháy, nổ cao, đặc biệt là kinh doanh bán lẻ, tàng trữ các loại hóa chất có nguy cơ cháy, nổ cao (tiền chất thuốc nổ, bình gas mi ni, xăng dầu…) trong khu dân cư để chủ động phòng ngừa cháy, nổ do sử dụng hoặc chế tạo thiết bị, vật liệu gây cháy, nổ.
6. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, định hướng thông tin cơ sở, thông tin điện tử nhằm đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Phối hợp Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức công tác thông tin liên lạc liên quan đến cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ và thông tin khẩn cấp khác trên địa bàn thành phố; ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử vào việc nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin báo cháy, phục vụ công tác chỉ huy, điều hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm nghiên cứu lồng ghép kiến thức và kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát nạn, cứu người vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học. Thường xuyên phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố tổ chức công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong các nhà trường, cơ sở giáo dục.
8. Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố và các cơ quan báo, đài khác có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy, nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa cháy, nổ, trang bị kỹ năng chữa cháy, thoát nạn, cứu người.... bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nghiên cứu nâng cao chất lượng, tăng thời lượng, tần suất các chuyên mục “Toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy”, VOV giao thông, xây dựng và đăng tải, phát sóng các chuyên mục, phóng sự, tiểu phẩm tuyên truyền, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, các mô hình, cách làm hay, hiệu quả về phòng cháy chữa cháy, những vi phạm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy,... vào những khung giờ vàng, thời điểm thuận lợi để người dân thuận tiện theo dõi.
9. Tổng công ty Điện lực thành phố có trách nhiệm tổ chức công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân những thông tin, kiến thức về sử dụng điện an toàn, phòng chống cháy, nổ: tổ chức thực hiện việc khảo sát, hướng dẫn, tư vấn sử dụng điện an toàn đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất tại các khu dân cư; tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất để hướng dẫn, đề xuất xử lý những vi phạm điều kiện an toàn về điện; tổ chức cải tạo, nâng cấp hệ thống, mạng lưới điện trong khu dân cư thuộc phạm vi quản lý của Tổng công ty.
Khi ký kết hợp đồng mua, bán điện với chủ hộ gia đình, người sử dụng điện, trong hợp đồng cần có điều khoản ràng buộc người sử dụng điện phải cam kết sử dụng điện an toàn, phòng chống cháy, nổ do điện để có căn cứ ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện khi người sử dụng vi phạm.
Phát động Đoàn Thanh niên Tổng công ty phối hợp với Đoàn Thanh niên Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố và các tổ chức đoàn thể ở địa phương hỗ trợ cải tạo, sửa chữa hệ thống điện trong nhà ở hộ gia đình thuộc diện chính sách, khó khăn.
10. Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân các quận, huyện rà soát, xây dựng bể nước dự trữ, lắp đặt mạng lưới trụ nước phục vụ chữa cháy trong những khu dân cư hẻm sâu, xe chữa cháy khó tiếp cận.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân tích cực tham gia những hoạt động phòng cháy chữa cháy, giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy ở địa phương.
Giao Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố theo dõi, kiểm tra, giám sát và tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện. Giao Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố theo dõi và đưa vào tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua, khen thưởng định kỳ đối với các cơ quan, đơn vị.
Yêu cầu Lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2017 về tăng cường trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu: | 12/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký: | Huỳnh Cách Mạng |
Ngày ban hành: | 11/09/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2017 về tăng cường trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Chưa có Video