ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
07/CT-UB |
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 02 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO TRỒNG CÂY GÂY
RỪNG NĂM 1990 NHÂN KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Năm 1990 là năm cả nước tổ chức
kỷ niệm trọng thể 100 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu; Bác Hồ là người đầu
tiên khởi xướng tổ chức “Tết trồng cây” nay đã tròn 30 năm (1959-1989). Riêng
thành phố Hồ Chí Minh, sau gần 15 năm thực hiện Tết trồng cây đã trồng được
91,1 triệu cây phân tán và gần 26.000 ha rừng tập trung các loại ; trong đó
riêng năm 1989 đã trồng được 5,1 triệu cây phân tán đạt 102% kế hoạch/năm và
970 ha rừng tập trung đạt 161,66%/KH năm; phong trào trồng cây gây rừng ở thành
phố ngày càng phát triển mạnh mẽ, được mọi thành phần kinh tế tham gia, đem lại
hiệu quả kinh tế thiết thực cho các đơn vị, quận, huyện và những người trồng
cây gây rừng, nghề rừng đang trở thành ngành kinh tế hàng hóa của các nông lâm
trường, các đơn vị, xí nghiệp, công ty, tập thể và cá nhân trồng rừng. Tiêu
biểu cho phong trào là huyện Củ Chi, Hóc Môn, Duyên Hải, Bình Chánh… Các nông
trường Nhị Xuân, An Phú, Phạm Văn Hai v.v… nhiều gia đình tham gia sản xuất cây
giống và trồng rừng ở xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh… Ngoài ra còn có các đơn vị
quân đội, giáo dục, thanh niên, mặt trận, phụ nữ… đã tham gia tích cực có hiệu
quả trong phong trào trồng cây gây rừng phủ xanh đất hoang trống ở thành phố.
Kết quả năm 1989 gần 15 đơn vị
và nhiều cá nhân tiêu biểu, có thành tích đáng được biểu dương khen thưởng; bên
cạnh đó vẫn còn một số thiếu sót, tồn tại mà ngành chưa khắc phục được.
- Công tác trồng, chăm sóc, nhất
là quản lý bảo vệ rừng chưa có kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện chặt chẽ.
Rừng trồng tập trung ở Củ Chi, Duyên hải vẫn còn bị chặt phá. Quy mô và tính
chất chặt phá ngày càng lớn, phạm vi ngày càng rộng lớn hơn. Cây trồng phân tán
ở một số nơi chưa chăm sóc bảo quản tốt, cây chết chưa trồng dặm kịp thời, một
số đoạn đường còn bị chặt phá tùy tiện. Việc xử lý không kịp thời và chưa
nghiêm minh đúng luật pháp.
- Công tác quy hoạch lâm nghiệp
ở thành phố và các phương án điều chế rừng trồng tập trung ở các huyện, đặc
biệt là ở rừng đước Duyên Hải làm chậm, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo sản xuất
kinh doanh và quản lý bảo vệ rừng.
- Việc tuyên truyền, hướng dẫn
kỹ thuật về nhân giống mới, trồng, chăm sóc, tỉa thưa… trong nhân dân chưa sâu
rộng, chỉ mới làm được ở các đơn vị quốc doanh.
- Tình hình khó khăn về vốn, lãi
suất cao, Nhà nước chưa có chủ trương đầu tư ngân sách cho trồng rừng, quản lý
bảo vệ rừng… đã làm ảnh hưởng đến tốc độ phủ xanh của thành phố.
Năm 1990 là năm cả nước kỷ niệm
trọng thể 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời kỷ niệm 30 năm
(1959-1989) ngày Bác Hồ khởi xướng “Tết trồng cây” và tổng kết 15 năm trồng cây
gây rừng ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Với ý nghĩa trên, Ủy ban
nhân dân thành phố chỉ thị cho các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, các
đơn vị sản xuất nông lâm nghiệp cần tập trung thực hiện những công việc sau đây
:
1/ Đối với nhiệm vụ kinh tế - xã
hội năm 1990, Ủy ban nhân dân thành phố giao cho ngành lâm nghiệp chỉ đạo trồng
500 ha rừng tập trung, 5 triệu cây phân tán. Sở có trách nhiệm cùng với quận
huyện, ban ngành bàn bạc với cơ sở phân bố chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng cho các
đơn vị, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về kinh phí, vật tư, kỹ thuật
để bước vào thời vụ triển khai trồng được ngay và có kế hoạch chuẩn bị chu đáo
để triển khai trồng cây phân tán, dứt điểm ở một số xã, ấp hoặc quận, huyện
điểm.
2/ Ngành lâm nghiệp và các quận
huyện, ban ngành có liên quan cần tổ chức chỉ đạo các đơn vị tổng kết, đánh giá
phong trào trồng cây gây rừng năm 1989; đồng thời ngành lâm nghiệp có trách
nhiệm tổ chức mở hội nghị tổng kết 15 năm trồng cây gây rừng của thành phố vào
dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu.
3/ Toàn thành phố phát động
trồng cây gây rừng năm 1990 để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ, Sở Lâm
nghiệp cùng với quận huyện, ban ngành thành phố xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài
hạn trên cơ sở quy hoạch, xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh, quản lý
bảo vệ rừng cho từng loại rừng cụ thể ở các quận huyện. Qua đó tổ chức tuyên
truyền sâu rộng trong nhân dân để nhân dân ý thức đầy đủ trách nhiệm trong
phong trào trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, cũng như cây xanh của thành phố,
trước mắt cũng như lâu dài đưa phong trào đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả
kinh tế - xã hội rõ rệt, để đến năm 1995 hoàn thành căn bản công tác phủ xanh
đất hoang trống trên thành phố. Đồng thời phải nghiêm khắc xử lý kịp thời các
vụ việc chặt phá rừng đã và đang xảy ra.
4/ Ngành Lâm nghiệp có nhiệm vụ
làm tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng các chủ trương chính sách
về công tác trồng cây gây rừng nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế, nhân
dân tham gia bỏ vốn vào công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng của thành phố và
được hưởng đúng chính sách trồng rừng của thành phố và trung ương đã ban hành.
5/ Kiểm tra việc thực hiện công
tác giao đất, giao rừng cho những đơn vị, hộ dân những năm qua. Những diện tích
đã giao trước đây, các quận huyện, ban ngành, đơn vị, nông lâm trường, các lâm
viên, rừng lịch sử v.v… phải có luận chứng kinh tế kỹ thuật, hoặc phương án sản
xuất kinh doanh trồng và đầu tư mở rộng và phát triển diện tích rừng. Những đơn
vị nói trên hoặc hộ dân đã nhận đất mà không trồng rừng, sử dụng không theo quy
định sẽ bị thu hồi và giao các đơn vị, hộ dân khác.
6/ Về nguồn vốn :
- Nguồn vốn chủ yếu là vốn tự có
của các quận huyện, ban ngành, đơn vị, tập thể, gia đình, vốn vay ngân hàng,
vốn liên doanh, liên kết kinh tế… Riêng trồng, chăm sóc bảo vệ rừng ở Duyên Hải
được sử dụng tỷ lệ tiền thu bán lâm sản qua tỉa thưa để trồng và xây dựng vốn
rừng.
Theo chỉ đạo của Hội đồng Bộ
trưởng, kinh phí trồng cây gây rừng được sử dụng các nguồn vốn như sau : Sử
dụng toàn bộ quỹ nuôi rừng qua tiền kiểm thu lâm sản và thuế nuôi rừng năm 1990
và các năm trước đây còn lại. Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận cho Sở Lâm
nghiệp thành phố dùng vốn này để trồng cây gây rừng và quản lý bảo vệ rừng. Lập
kế hoạch, phương án trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt vốn ngân sách
thành phố và trung ương cấp theo kế hoạch hoặc nguồn vốn viện trợ của cơ quan
quốc tế (nếu có) sẽ bổ sung đầu tư thêm cho công tác trồng cây gây rừng.
7/ Về tổ chức thực hiện :
- Ngành Lâm nghiệp thành phố
chịu trách nhiệm phối hợp với các ban ngành Ủy ban Kế hoạch, Tài chánh, Ngân
hàng, Thống kê… các quận huyện, các đơn vị, đoàn thể, lực lượng vũ trang thành
phố triển khai ngay nội dung chỉ thị này thật đầy đủ, có hiệu quả, để lấy thành
tích kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu và 30 năm (1959-1989) ngày
Bác Hồ khởi xướng phát động toàn dân tham gia “Tết trồng cây”. Đồng thời hàng
tháng, quý tổ chức kiểm tra, báo cáo kết quả tiến độ thực hiện, những vướng mắc
về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời giải quyết.
- Các Sở Văn hóa thông tin, các
báo, đài phát thanh, truyền hình, Ban Thi đua khen thưởng thành phố có kế hoạch
đưa tin, biểu dương khen thưởng những cá nhân, tập thể đơn vị điển hình tiên
tiến trong phong trào thi đua trồng cây gây rừng, kết hợp với khuyến khích
thưởng vật chất để kích thích đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, bảo vệ
rừng ở thành phố đạt kết quả tốt. Đồng thời nghiêm khắc phê phán kịp thời, xử
lý đúng luật pháp những đơn vị, cá nhân, tập thể có hành vi phá hoại làm tổn
thất đến vốn rừng và cây xanh của thành phố.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 07/CT-UB năm 1990 về đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 07/CT-UB |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký: | Nguyễn Công Ái |
Ngày ban hành: | 23/02/1990 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 07/CT-UB năm 1990 về đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chưa có Video