ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 02 năm 1980 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO VỆ PHỤC VỤ CUỘC VẬN ĐỘNG CẢI TẠO NÔNG NGHIỆP
Để quán triệt tinh thần Nghị quyết 9, thực hiện Chỉ thị 42/CT-UB và Chỉ thị 44/CT của Thành ủy nhằm bảo vệ vững chắc cho công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ngoại thành, xây dựng mới tập đoàn, hợp tác xã theo phương châm tích cực và vững chắc, tạo sự đoàn kết nhất trí, duy trì tốt an ninh chính trị và trật tự xã hội ở khu vực nông thôn. Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ thị cho chánh quyền các cấp, các ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác bảo vệ phục vụ cải tạo nông nghiệp trên các mặt sau:
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, chánh sách của Đảng và pháp luật Nhà nước: làm quán triệt từ trong cấp ủy Đảng, đảng viên, cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước ra đến tập đoàn, hợp tác xã và tận bà con nông dân lao động, tập trung vào các vấn đề: cải tạo và sản xuất nông nghiệp, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phát huy cho được vai trò làm chủ tập thể của nông dân lao động để tự giác chấp hành và góp phần giám sát việc chấp hành các chánh sách, chế độ, pháp luật Nhà nước. Qua đó hạn chế các phản ứng tiêu cực của nông dân trên con đường hợp tác hóa, tránh được sự lợi dụng, lôi kéo gây rối của bọn phản động.
2. Xóa bỏ triệt để các hình thức bóc lột của phú nông, tư sản nông thôn: Dự kiến trước phản ứng giai cấp để có kế hoạch xử lý kịp thời và ngăn chặn được sự bóc lột trỗi dậy để tranh giành ruộng đất của tập đoàn, hợp tác xã và bà con nông dân lao động hoặc phá hoại sức kéo, máy móc, gây tai hại cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp.
3. Kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng: Phải kịp thời phát hiện những tổ chức chống phá cách mạng, chống phá trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp mới nhen nhóm lên, cũng như các luận điệu chống phá chủ trương, chánh sách của Đảng và Nhà nước thông qua các hình thức: rỉ tai, tung tin đồn nhảm gây hoang mang hoặc trực tiếp kích động quần chúng, đả kích cán bộ nhiệt tình, nông dân tích cực, tung khẩu hiệu chống đối, truyền đơn, thơ nặc danh, hăm dọa, …
4. Ngăn ngừa và giải quyết có hiệu quả các loại tội phạm hình sự: trộm cắp, cờ bạc, đánh “số đề”, rượu chè be bét gây mất trật tự xã hội. Chú ý các hành động mang tính chất phá hoại sản xuất: lấn ranh đất trái phép, tùy tiện đào ao, lên liếp, lập vườn trên đất canh tác, phá các công trình thủy lợi, điện, nước, đắp đập ngăn bờ làm ảnh hưởng sản xuất chung, phá hoại kinh tế: đầu cơ, tích trữ, buôn lậu, …
5. Tăng cường bảo vệ tài sản của Nhà nước, tập thể (tập đoàn, hợp tác xã) và bà con nông dân lao đông: tập trung chống tham ô, ăn cắp ở các khâu vật tư nông nghiệp (phân, xăng, thuốc…), máy móc, lương thực.
6. Tăng cường xây dựng và bảo vệ đội ngũ cán bộ cơ sở trong đó có lực lượng Công an xã, ấp và lực lượng bảo vệ trong các hợp tác xã và các tập đoàn. Kiên quyết khắc phục nhanh chóng mặt quan liêu, cửa quyền, ức hiếp quần chúng, hối lộ, tham ô của cán bộ, đảng viên, nhân viên huyện, xã, tập đoàn, hợp tác xã, tạo điều kiện phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nông dân lao động. Phát động đấu tranh có hiệu quả trước tiên trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công nhân viên, ban quản lý tập đoàn, hợp tác xã. Qua đó thanh lọc và có kế hoạch tăng cường, bảo vệ tốt đội ngũ cán bộ cơ sở.
7. Biện pháp thực hiện:
a) Phải gắn chặt công tác bảo vệ cải tạo nông nghiệp với phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp: vấn đề mấu chốt là các ban, ngành liên quan từ thành, huyện, quận đến xã, phường phải nắm vững và quán triệt cao chủ trương, chánh sách cải tạo nông nghiệp của Đảng và Nhà nước trên các mặt: mục đích, ý nghĩa, bước đi, hình thức, nguyên tắc, quy mô, điều kiện, chánh sách, phương châm xây dựng tập đoàn, hợp tác xã.
+ Dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy tại chỗ, chánh quyền các cấp đóng vai trò tổ chức chỉ đạo, phối hợp các ban , ngành thực hiện các nhiệm vụ trên.
+ Ngành trực tiếp làm tham mưu cho cấp ủy và Ủy ban Nhân dân các cấp là Ban cải tạo nông nghiệp và lực lượng công an.
b) Trên cơ sở nắm vững chủ trương, chánh sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, phải đi sâu, nắm chặt tình hình: Qua đó phân loại đối tượng, thành phần, thống kê, phân tích nghiên cứu có hệ thống các vụ, việc, các hiện tượng diễn biến phức tạp để có kế hoạch biện pháp xử lý thỏa đáng và kịp thời. Cần lưu ý: việc xác định đối tượng, thành phần phải xem xét kỹ, nhất thiết phải thông qua cấp ủy địa phương và tham khảo ý kiến của quần chúng tốt.
+ Đối với loại phản cách mạng, các tổ chức chống phá hợp tác hóa nông nghiệp thì kiên quyết trấn áp bằng nhiều hình thức kể cả việc đưa ra quần chúng đấu tranh phê phán; tập trung cải tạo lao động và xử lý bằng luật pháp.
+ Đối với thành phần bóc lột, kiên quyết xóa phần bóc lột theo chánh sách (quyết định số 188-CP ngày 25-9-1978 và quyết định 318-CP ngày 14-12-1978 của Hội đồng Chánh phủ).
+ Đối với các loại tội phạm hình sự, căn cứ vào mức độ vi phạm mà xử lý theo pháp luật hiện hành.
+ Đối với các phản ứng tiêu cực của nông dân lao động, cấp ủy và chánh quyền địa phương phải kiểm tra việc thực hiện các chánh sách của Đảng và Nhà nước đối với bà con ra sao? Sai, đúng chỗ nào? Để khắc phục thiếu sót kịp thời và giáo dục bà con nông dân uốn nắn mặt sai với phương châm, kiên quyết thuyết phục, giáo dục cho bà con nhận rõ, phấn khởi đi vào làm ăn tập thể. Những phần tử quá lạc hậu nên đưa ra quần chúng góp ý xây dựng, phê phán tư tưởng và hành động sai có lý có tình.
+ Mọi biện pháp xử lý phải làm nhanh chóng và kịp thời thông báo kết quả ra quần chúng để có tác dụng giáo dục chung.
c) Công tác bảo vệ tài sản của Nhà nước, tập thể và của nông dân lao động:
+ Xây dựng cho được chế độ, nội quy bảo vệ tài sản ở từng tập đoàn, hợp tác xã và các đơn vị vật tư nông nghiệp, kho tàng và các cơ quan quản lý.
+ Tập đoàn, hợp tác xã phải thực hiện tốt chế độ 5 công khai, trong đó hết sức chú ý đến chế độ công khai vật tư, tiền vốn. Các cấp ủy, Ủy ban phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chế độ công khai và có biện pháp giải quyết kịp thời. Đi đôi việc xử lý các hành động tham ô, ăn cắp bằng biện pháp hành chánh, cần thực hiện dần chế độ trách nhiệm vật chất đối với từng cá nhân và tổ chức.
d) Tăng cường phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tấn công chánh trị và cải tạo tại chỗ các loại đối tượng, phải gắn nội dung phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác phát động quần chúng tấn công chánh trị, cải tạo chỗ các loại đối tượng vào công cuộc vận động cải tạo và sản xuất nông nghiệp tại từng địa phương, từng tập đoàn, hợp tác xã. Đồng thời phải gắn chặt và tiến hành đồng bộ với việc thực hiện Chỉ thị 44 của Thành ủy ở vùng nông thôn ngoại thành.
- Cần phát hiện và phát huy gương người tốt việc tốt để động viên khen thưởng kịp thời, đồng thời quan tâm bồi dưỡng, xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt cho phong trào, đặc biệt là đảm bảo trong ban chấp hành của mỗi đoàn thể, mỗi ban quản lý tập đoàn, quản trị hợp tác xã phải lựa chọn phân công một đồng chí đảng viên hoặc đoàn viên tốt, tích cực làm ủy viên chuyên lo công tác bảo vệ, có kế hoạch bồi dưỡng để các đồng chí này phát huy vai trò, hoàn thành tôt nhiệm vụ.
- Trong quá trình chỉ đạo mỗi quận, huyện, phường, xã phải chọn một số điểm để tập trung chỉ đạo rút kinh nghiệm nhằm xây dựng và nhân điển hình, Ủy ban Nhân dân thành phố chọn xã Bình Mỹ huyện Củ Chi và xã Phước Long huyện Thủ Đức để tập trung chỉ đạo.
e) Nhanh chóng củng cố thêm ngành công an nhất là cấp huyện, xã: Tổ chức bộ phận chuyên trách để làm lực lượng nòng cốt cho công tác bảo vệ phục vụ cải tạo nông nghiệp về mặt tổ chức nội bộ ngành:
+ Các bộ phận bảo vệ chánh trị, bảo vệ kinh tế, bảo vệ nội bộ, cảnh sát hình sự cùng cấp phải phối hợp chặt chẽ nhau để thống nhất đánh giá, biện pháp và cách xử lý.
+ Tích cực dựa vào quần chúng xây dựng mạng lưới làm chỗ dựa cho công cuộc bảo vệ cải tạo nông nghiệp và giữ gìn trật tự trị an ở nông thôn.
8. Phân công và tổ chức thực hiện:
a) Cấp thành:
+ Ban Cải tạo nông nghiệp có nhiệm vụ giúp Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức, chỉ đạo phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ngoại thành. Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở công an, cấp ủy, chánh quyền địa phương và các đoàn thể để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên.
+ Sở Công an làm cơ quan tham mưu giúp Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác bảo vệ cải tạo nông nghiệp ngoại thành, có nhiệm vụ bồi dưỡng, hướng dẫn và chỉ đạo chặt chẽ nghiệp vụ chuyên môn cho các ngành các cấp dưới.
+ Các ngành thanh tra, Viện Kiểm sát nhân dân, kết hợp chặt chẽ với công an tập trung giải quyết kịp thời các đơn khiếu tố, điều tra xử lý các vi phạm để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
+ Ngành văn hóa thông tin phát thanh và truyền hình có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi trên đài, báo các chủ trương, chánh sách, pháp luật đến tận cơ sở và bà con nông dân, động viên quần chúng tích cực tham gia cải tạo và sản xuất nông nghiệp, đưa sinh khí mới vào sinh hoạt, đời sống hàng ngày ở nông thôn.
b) Cấp huyện, quận, phường, xã:
+ Chánh quyền phải trực tiếp tổ chức và chỉ đạo toàn diện, làm quán triệt cho từng xã, ấp, tập đoàn, hợp tác xã và nông dân lao động. Huy động lực lượng địa phương để giải quyết từng yêu cầu trong từng thời gian nhất định, chọn và chỉ đạo để rút kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.
+ Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ và tổ chức nông hội ở mỗi huyện, quận, xã, phường, có kế hoạch phối hợp chặt chẽ trong việc phát dộng, giáo dục đoàn viên, hội viên của mình tinh thần làm chủ tập thể, gương mẫu thực hiện chủ trương, chánh sách về cải tạo và bảo vệ công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp, mạnh dạn phát hiện và đấu tranh những biểu hiện tiêu cực, tham ô, trộm cắp, ức hiếp quần chúng và những biểu hiện chống đối cách mạng của các phần tử phản cách mạng và phần tử xấu.
+ Trước khi tiến hành triển khai, cấp ủy và Ủy ban Nhân dân huyện, xã phải tổ chức kiểm điểm, đánh giá đầy đủ tình hình, kết quả công tác bảo vệ phục vụ cải tạo nông nghiệp thời gian qua (1978 – 1979). Chọn điển hình tốt để phổ biến rút kinh nghiệm, có kế hoạch, biện pháp cụ thể để thực hiện chỉ thị này.
Sở Công an thành phố có kế hoạch cụ thể hướng dẫn các nơi tổ chức thực hiện và giúp Ủy ban Nhân dân thành phố theo dõi, kiểm tra, đôn đốc chung và riêng cho các điểm. Trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành cần đảm bảo chế độ thỉnh thị, báo cáo về Ủy ban Nhân dân thành phố và Sở Công an như quy định.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 06/CT-UB năm 1980 về việc đẩy mạnh công tác bảo vệ phục vụ cuộc vận động cải tạo nông nghiệp do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 06/CT-UB |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký: | Phan Minh Tánh |
Ngày ban hành: | 09/02/1980 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 06/CT-UB năm 1980 về việc đẩy mạnh công tác bảo vệ phục vụ cuộc vận động cải tạo nông nghiệp do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chưa có Video