Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 64/BC-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2012

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2012

Kính gửi: Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Năm 2012, mặc dù trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước còn gặp nhiều khó khăn, cả nước tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, cắt giảm chi tiêu công, nhưng mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội vẫn được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư và chỉ đạo thực hiện.

Căn cứ Nghị quyết số 13/2011/QH13 ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội khóa XIII về việc phê chuẩn danh mục các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2011 - 2015; Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2012 - 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan xây dựng nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 để trình phê duyệt, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn các huyện nghèo, chỉ đạo thực hiện các chính sách giảm nghèo năm 2012, kết quả cụ thể xin báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. Tình hình thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020

Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 (Nghị quyết 80), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện các công việc như sau:

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 12/6/2012 về việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 (Quyết định số 705).

Trên cơ sở Quyết định số 705, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các Bộ, ngành về Dự thảo quy chế hoạt động Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo, dự kiến phân công các thành viên ban theo dõi, chỉ đạo các địa phương, trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện, trình Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành Quyết định chính thức.

- Xây dựng Khung kế hoạch thực hiện Nghị quyết 80, đã trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt (Tờ trình số 24/TTr-LĐTBXH ngày 3/4/2012).

- Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tiến hành rà soát, đánh giá chính sách, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách giảm nghèo, tổng hợp vào Khung kế hoạch thực hiện Nghị quyết 80, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ có Chương trình mục tiêu quốc gia đã tiến hành xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, lồng ghép các mục tiêu giảm nghèo, các ưu tiên vào các Chương trình mục tiêu quốc gia khác theo Nghị quyết 80. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định xong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

1. Về thực hiện các chính sách giảm nghèo

Trên cơ sở khung nghị quyết 80/NQ-CP, các chính sách giảm nghèo vẫn tiếp tục được bố trí kinh phí để thực hiện như: chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo; Chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; Chính sách đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với lao động trên địa bàn các huyện nghèo; chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn và khuyến nông lâm ngư; Chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo...

Các chính sách giảm nghèo đã tiếp tục phát huy tác dụng, hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo.

2. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2012

Tuy Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 chưa được phê duyệt, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện trên cơ sở dự kiến khung Chương trình giảm nghèo đang trình Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

Tổng vốn bố trí cho Chương trình giảm nghèo năm 2012 là 5.062,2 tỷ đồng, trong đó:

a. Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo bố trí 2.673 tỷ đồng, trong đó:

- Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo: 2.400 tỷ đồng

- Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo 273 tỷ đồng;

b. Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn đặc biệt khó khăn bố trí 2.263,2 tỷ đồng;

c. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo: 46 tỷ đồng;

d. Dự án nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, đánh giá: 80 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 6/2012, các địa phương mới được thông báo kế hoạch và giao dự toán kinh phí, vì vậy việc triển khai thực hiện các nội dung bị chậm nhiều so với tiến độ kế hoạch đề ra.

3. Tình hình thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP

3.1. Phân bổ kinh phí: Ngân sách trung ương phân bổ cho các huyện nghèo năm 2012 là trên 3.000 tỷ đồng (trong đó kinh phí sự nghiệp: 650 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển là 2.400 tỷ đồng).

Đến nay các tỉnh đã cơ bản phân bố hết số kinh phí trên cho các huyện nghèo và đã giải ngân được khoảng 35% nguồn kinh phí trung ương phân bổ.

3.2. Hỗ trợ của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các Doanh nghiệp

Năm 2012: Dự kiến các doanh nghiệp cam kết tài trợ trên 300 tỷ đồng cho các huyện nghèo, giảm nhiều so với các năm trước.

3.3. Chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo

Trong 6 tháng đầu năm 2012 đã có gần 200 Phó Chủ tịch xã được tăng cường cho các xã thuộc huyện nghèo Chương trình 30a.

3.4. Chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả thôn, bản, xã và huyện

Nguồn vốn trung ương cấp cho huyện nghèo đã được bố trí, đầu tư trên 110 công trình giao thông, 90 công trình thủy lợi quy mô cấp huyện và liên xã; 70 công trình đường liên xã; hơn 30 công trình trường, lớp học; trên 80 công trình đường liên thôn, bản; 60 công trình thủy lợi nhỏ và một số công trình hạ tầng khác...

3.5. Kế hoạch sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.

Các Bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách đã có kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP cho phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết trong giai đoạn đến năm 2015 gồm: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng để việc thực hiện cho 07 huyện nghèo theo Quyết định 615/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí theo Nghị quyết 30a; rà soát lại cơ sở dạy nghề, đề xuất với Chính phủ biện pháp để thực hiện có hiệu quả việc dạy nghề cho lao động nông thôn; nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung các định mức thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch sửa đổi Thông tư liên tịch số 10/2009/TTLT-BKH-BTC ngày 30 tháng 10 năm 2009 quy định lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình 30a; Bộ Xây dựng nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp xóa nhà tạm cho hộ nghèo tại khu vực nông thôn giai đoạn 2011-2015, Nghị định về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, Nghị định về phát triển nhà ở cho thuê (biểu tổng hợp kèm theo).

Việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách trên nhằm giải quyết cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP hiện nay.

Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế và Bộ Giáo dục-Đào tạo vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, riêng biệt việc triển khai chính sách của ngành trên địa bàn huyện nghèo đã gây lúng túng cho các địa phương trong việc triển khai chính sách y tế, giáo dục.

II. Tình hình triển khai thực hiện Chương trình 135

1. Thực hiện năm 2011

Theo quyết định số 2138/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân sách Trung ương bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình 135-II năm 2011 là 3.214.492 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư là 2.263.200 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 951.292 triệu đồng.

Ủy ban Dân tộc đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh phân khai nguồn vốn theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT.

Tính đến tháng 6/2012 các địa phương đã hoàn thành phân bố, giao kế hoạch cho các huyện, xã để tổ chức thực hiện. Tổng kinh phí giải ngân chỉ đạt 630 tỷ đồng, bằng 19,6% kế hoạch giao, tập trung chủ yếu vào xây dựng các công trình hạ tầng; đối với hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo, hiện nay các địa phương đang lập kế hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện.

2. Thực hiện năm 2012

Theo Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2012 -2015 (Quyết định 2406), giai đoạn 2012-2015 chỉ còn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hợp phần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi của Chương trình 135 giai đoạn II được thiết kế thành 01 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đối với các nội dung còn lại thuộc Chương trình 135-II, Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xem xét, nếu cần thiết sẽ ban hành thực hiện trong giai đoạn tới.

Tháng 5 năm 2012, Ngân sách Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu là: 2.263.200 triệu đồng (Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015).

Tuy vốn đã được thông báo đến các địa phương nhưng do Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 chưa được phê duyệt nên các cơ quan Trung ương chưa có căn cứ pháp lý để hướng dẫn thực hiện dự án.

III. Tình hình triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

Năm 2012, Ngân sách Trung ương bố trí 273 tỷ đồng cho 273 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành tiêu chí xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2012-2015 (Quyết định số 587/QĐ-LĐTBXH ngày 15/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Đồng thời hướng dẫn các tỉnh rà soát xã theo tiêu chí mới để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, bắt đầu hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng từ năm 2013.

Hiện nay, chưa có hướng dẫn mới về cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện dự án do Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo chưa được phê duyệt. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện được mục tiêu của chương trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn tạm thời cho các tỉnh thực hiện theo cơ chế quản lý và sử dụng vốn giai đoạn 2006-2010.

IV. Khó khăn, vướng mắc chung và Kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương

1. Khó khăn, vướng mắc

- Do Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 chưa được phê duyệt nên chưa có căn cứ để hướng dẫn địa phương thực hiện Chương trình.

- Khung kế hoạch thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên các Bộ, ngành cũng chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể trong việc rà soát, đánh giá chính sách, nghiên cứu đề xuất chính sách mới phục vụ công tác giảm nghèo.

- Các địa phương phản ánh hiện nay hộ cận nghèo, hộ dân tuy không thuộc diện nghèo nhưng có 1-2 con theo học đại học rất khó khăn, cần có chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi; người cao tuổi còn khả năng lao động, người nhiễm HIV nghèo cần được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống; Mức hỗ trợ của nhà nước cho hộ nghèo đối với một số chính sách còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu như chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, chính sách tín dụng ưu đãi; Một số đối tượng đã được hỗ trợ về nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, gia đình chính sách đã được triển khai trước đây tuy nhiên do mức hỗ trợ thấp, nên hiện nay một số nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg đối tượng này lại không thuộc diện hỗ trợ trực tiếp, điều này đã gây khó khăn cho địa phương trong việc giải thích chính sách với các gia đình chính sách, người có công và đồng bào dân tộc thiểu số.

- Việc lập danh sách người nghèo cấp thẻ BHYT còn nhiều sai sót về thông tin cá nhân; báo cáo tăng giảm không kịp thời dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu đối tượng gây thất thoát ngân sách nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu là chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu chung về các nhóm đối tượng để cấp thẻ bảo hiểm y tế, mặt khác do tình trạng quá tải công việc ở cấp xã, trong khi cán bộ làm công tác giảm nghèo vừa thiếu và trình độ còn hạn chế, mà chủ yếu lại là cán bộ kiêm nhiệm, không có phụ cấp hoặc phụ cấp thấp.

- Về việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục phức tạp; nhiều người nghèo không có khả năng cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (5%).

- Hiện nay nhiều nơi đất rừng đang do các lâm trường quản lý, người dân sống trong khu vực không có đất sản xuất, không được giao khoán bảo vệ rừng... nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Các địa phương kiến nghị Chính phủ cần cơ cấu lại hệ thống các lâm trường, quy hoạch lại sản xuất, thay đổi cơ chế, đảm bảo cho người dân ở rừng phải sống được bằng nghề rừng; Rút bớt đất của các lâm trường giao cho dân quản lý.

- Về chính sách miễn giảm học phí, chi phí học tập theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc do việc xét duyệt hồ sơ, thủ tục cấp phát tiền hỗ trợ học phí, chính quyền địa phương thường làm chậm; không kịp để các em có tiền nộp học phí cho nhà trường, gia đình phải đi vay mượn để nộp, rất lúng túng và bị động. Một số em không vay được tiền đóng học phí đã phải bỏ học. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 49, Thông tư liên tịch số 29 và lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành liên quan.

- Việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo chưa hợp lý, số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng thủ tục cấp, thanh quyết toán lại làm mất nhiều thời gian của cả người dân và cán bộ cơ sở, cần nghiên cứu lại.

- Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ xã, thôn nhiều nơi còn yếu, không đủ năng lực triển khai các chính sách trên địa bàn. Các địa phương thiếu nguồn cán bộ đủ trình độ, năng lực và tâm huyết để tăng cường cho xã.

- Chất lượng đào tạo nghề thấp, đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm; đào tạo nghề chưa tính đến việc thu hút lao động vào các doanh nghiệp và các ngành nghề phi nông nghiệp.

2. Kiến nghị, đề xuất của các địa phương

- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Khung kế hoạch thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 để các Bộ, ngành triển khai thực hiện công tác giảm nghèo theo sự phân công. Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 để có căn cứ hướng dẫn triển khai thực hiện công tác giảm nghèo tại các địa phương, đặc biệt là cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí các dự án thuộc chương trình giảm nghèo.

- Xem xét kiến nghị của một số địa phương về việc bổ sung huyện nghèo được hưởng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a, hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xin ý kiến các Bộ, ngành về việc bổ sung 24 huyện có tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 từ 50% trở lên theo chuẩn nghèo mới được hưởng một số cơ chế, chính sách của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

- Bố trí kinh phí đủ và kịp thời để các địa phương chủ động thực hiện kế hoạch đã đề ra, đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững.

- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn kịp thời, chi tiết trong việc tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo cụ thể như: sửa đổi, bổ sung chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 49 và Thông tư liên tịch số 29, theo hướng bổ sung đối tượng được hưởng chính sách, hướng dẫn chi tiết ngành nghề độc hại, xác định xã biên giới biển...; Nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành chính sách cho hộ cận nghèo và một số đối tượng khác được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; Chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng người nghèo, người có công, gia đình chính sách đã được hỗ trợ trước đây nhưng có mức hỗ trợ thấp nên nhà ở vẫn còn tạm bợ hoặc đã xuống cấp nghiêm trọng.

- Đề nghị có chính sách huy động cán bộ các đoàn thể ở xã (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh) kiêm nhiệm thêm chức năng cán bộ chuyên trách về công tác giảm nghèo ở cấp xã.

- Đề nghị bố trí kinh phí hỗ trợ cho công tác xác định tổng thể đối tượng, lập danh sách, theo dõi, quản lý đối tượng được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.

3. Kiến nghị, đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Về các chính sách giảm nghèo đối với hộ cận nghèo:

+ Tiếp tục thực hiện hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế với mức hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ; vay vốn tín dụng ưu đãi học sinh, sinh viên hộ gia đình có thu nhập bằng 150% chuẩn hộ nghèo (bao gồm cả hộ cận nghèo).

+ Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách cho hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức lãi suất cao gấp 1,3 lần lãi suất cho vay đối với hộ nghèo để tiến thoát nghèo bền vững.

- Hiện nay, chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên nghèo còn nhiều bất cập như: khó khăn trong việc xác định ngành nghề độc hại, xác định xã biên giới biển; thủ tục xác nhận học sinh, sinh viên từ trường và địa phương còn chưa thống nhất; đối tượng sinh viên nghèo chưa được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập.

Để thực hiện tốt chính sách giáo dục cho người nghèo trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tổ chức đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục cho người nghèo và sửa đổi chính sách theo hướng bổ sung đối tượng được hưởng chính sách (sinh viên thuộc hộ nghèo), hướng dẫn chi tiết ngành nghề độc hại, xác định xã biên giới biển...; bên cạnh đó, nghiên cứu phương thức hỗ trợ tiền mặt thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ như tín dụng, bưu điện...

- Về hỗ trợ y tế cho người nghèo: cần giữ quy định đồng chi trả của người nghèo (5%) để nâng cao tính trách nhiệm của người nghèo khi tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, ngày 01/03/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 về khám chữa bệnh cho người nghèo. Theo quy định tại Quyết định này, người nghèo sẽ được hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với phần người bệnh phải đồng chi trả từ 100.000 đồng trở lên. Bênh cạnh đó, những bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh có chi phí cao cũng được Quỹ khám chữa bệnh thanh toán một phần chi phí đối với người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế của Nhà nước từ 1 triệu đồng trở lên cho một đợt khám chữa, bệnh trong trường hợp không có bảo hiểm y tế, nếu có bảo hiểm y tế thì hỗ trợ với mức đồng chi trả từ 100.000 đồng trở lên.

- Tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở theo hướng nâng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng hỗ trợ (những hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác nhưng nay nhà ở đã hư hỏng dột nát hoặc bị mất nhà ở, nhà ở bị sập đổ, hư hỏng nặng do thiên tai gây ra).

- Kiến nghị, đề xuất về việc bổ sung các huyện hưởng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008:

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, tính đến đầu năm 2011 có 10 tỉnh đề nghị bổ sung 18 huyện trên địa bàn vào danh sách huyện nghèo hưởng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, bao gồm:

+ 06 tỉnh chưa có huyện nào nằm trong 62 huyện nghèo, đề nghị bổ sung mới 11 huyện (Hà Tĩnh đề nghị 02 huyện: Vũ Quang và Hương Khê; Thừa Thiên - Huế đề nghị 01 huyện là A Lưới; Gia Lai đề nghị 04 huyện: KBang, Kông Chro, Krông Pa và la Pa; Đắc Nông đề nghị 01 huyện: Đắk Glong; Phú Yên đề nghị 02 huyện: Sông Hinh và Đồng Xuân; Tiền Giang đề nghị 01 huyện là Tân Phú Đông)

+ Có 04 tỉnh đã có huyện nằm trong 62 huyện nghèo, nay đề nghị bổ sung thêm 7 huyện (Quảng Nam đề nghị bổ sung thêm 03 huyện: Nam Giang, Bắc Trà My và Nông Sơn; Quảng Bình đề nghị bổ sung 02 huyện là Lệ Thuỷ và Tuyên Hóa; Kon Tum đề nghị bổ sung 01 huyện là Đắk Glei; Điện Biên đề nghị bổ sung 01 huyện là Mường Chà)

Trong tổng số 18 huyện trên có 08 huyện, tại thời điểm cuối năm 2006 (thời điểm lấy tỷ lệ nghèo làm căn cứ xây dựng Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP) có tỷ lệ hộ nghèo từ 45% đến dưới 50%; 05 huyện từ 40% đến dưới 45%; 03 huyện từ 35% đến dưới 40% và có 02 huyện tỷ lệ nghèo dưới 35%. Nếu tính cả nước, tại thời điểm đó còn có tới 24 huyện tỷ lệ nghèo từ 45% đến dưới 50%.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 625/VPCP-KTTH ngày 27 tháng 01 năm 2010 và văn bản số 3239/VPCP-ĐP ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ về việc giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan đề xuất, bổ sung một số huyện nghèo được áp dụng cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Căn cứ vào tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo năm 2006, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, cơ quan nghiên cứu và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương đầu tư cho 07 huyện nghèo được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (Quyết định 615/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2011):

- Huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên;

- Huyện Vũ Quang và huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh;

- Huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam;

- Huyện Đắk Giong, tỉnh Đắk Nông;

- Huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang;

- Huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Trên cơ sở kết quả điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, một số tỉnh (Tuyên Quang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Nam, Phú Yên, Kon Tum, Đăk Lăk) tiếp tục có văn bản đề nghị Chính phủ bổ sung huyện được hưởng cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Bên cạnh đó cũng có một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 theo chuẩn nghèo tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 trên 50% nhưng tỉnh không đề nghị bổ sung vào Chương trình 30a như: huyện Tuần Giáo (Điện Biên); huyện Bát Xát, huyện Văn Bàn (Lào Cai).

Để có cơ sở tham mưu cho Chính phủ trong việc xử lý đề nghị bổ sung huyện được hưởng cơ chế, chính sách Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của một số tỉnh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xin ý kiến của các Bộ về việc xem xét bổ sung một số huyện được hưởng cơ chế, chính sách của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

- Đề nghị Phó Thủ tướng cho họp Ban Chỉ đạo vào nửa cuối tháng 8 để thảo luận, thống nhất hướng giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của các địa phương trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị nội dung, kế hoạch họp Ban Chỉ đạo trình Phó Thủ tướng quyết định/./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng;
- Lưu: VT, BTXH.

BỘ TRƯỞNG




Phạm Thị Hải Chuyền

 

KẾ HOẠCH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 30A THEO CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ TTG VŨ VĂN NINH TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 03 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 30A

TT

CƠ QUAN

NỘI DUNG

THỜI GIAN THỰC HIỆN, HOÀN THÀNH

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

ĐƠN VỊ PHỐI HỢP

I

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

 

 

 

 

1

 

Hoàn chỉnh Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015

Tháng 6/2012

Cục Bảo trợ xã hội

Các đơn vị, Bộ ngành có liên quan

2

 

Rà soát lại cơ sở dạy nghề, đề xuất với Chính phủ biện pháp để thực hiện có hiệu quả việc dạy nghề cho lao động nông thôn

Từ tháng 3-6/2012

Tổng cục Dạy nghề

Cục Bảo trợ xã hội

3

 

Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện cho 07 huyện nghèo theo Quyết định 615/QĐ-TTg các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí

Quý IV/2012

Cục Bảo trợ xã hội

Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ KH và ĐT...

4

 

Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung các định mức thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP

Quý IV/2012

Cục Bảo trợ xã hội

Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ KH và ĐT...

II

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

 

 

 

1

 

Xây dựng Thông tư sửa đổi bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất

Từ tháng 3-6/2012

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

Trung tâm khuyến nông quốc gia, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị có liên quan

2

 

Xây dựng sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng giai đoạn 2012-2015

Từ tháng 3-6/2012

Tổng cục Lâm nghiệp

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan

III

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

 

 

 

1

 

Sửa đổi Thông tư liên tịch 10/2009/TTLT-BKH-BTC quy định lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình 30a

Quý IV/2012-

Qúy I/2013

 

Bộ Tài chính

IV

Bộ Xây dựng

 

 

 

 

1

 

Giải pháp xóa nhà tạm cho hộ nghèo tại khu vực nông thôn giai đoạn 2011-2015

Tháng 7/2012

 

 

2

 

Sửa đổi Quyết định 67/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị

Quý IV/2012

 

 

3

 

Nghiên cứu xây dựng Nghị định về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

Quý IV/2012

 

 

4

 

Nghiên cứu xây dựng Nghị định về phát triển nhà ở cho thuê

Quý IV/2012

 

 

V

Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

 

 

 

 

 

Chưa có văn bản hướng dẫn riêng biệt, cụ thể việc thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP

 

 

 

VI

Bộ Y tế

 

 

 

 

 

 

Chưa có văn bản hướng dẫn riêng biệt, cụ thể việc thực hiện chính sách y tế theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP

 

 

 

VII

Ủy ban Dân tộc

 

 

 

 

 

 

Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg

Từ tháng 3-6/2012

Vụ Chính sách Dân tộc

Các đơn vị, Bộ ngành có liên quan

 

 

Cho vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định 32 và Quyết định 126 đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn

 

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Báo cáo 64/BC-LĐTBXH về tình hình triển khai chương trình giảm nghèo 6 tháng đầu năm 2012 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu: 64/BC-LĐTBXH
Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký: Phạm Thị Hải Chuyền
Ngày ban hành: 14/08/2012
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [16]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Báo cáo 64/BC-LĐTBXH về tình hình triển khai chương trình giảm nghèo 6 tháng đầu năm 2012 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…