ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 182/BC-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 10 năm 2014 |
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII kỳ họp thứ hai thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân ở các cấp nhằm góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật PCBLGĐ), Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả thực hiện như sau:
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.
Thành phố có diện tích tự nhiên 2.095,01 km2; tổ chức hành chính gồm 19 quận, 5 huyện, 322 phường - xã, thị trấn, 1.985 khu phố, ấp. Dân số hiện nay là 7.939.752 người (trong đó, nam giới là 3.805.287 người, chiếm 47,92%; nữ giới là 4.134.465 người, chiếm 52,07%); tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị là 82,36%, sống ở nông thôn là 17,63% [1]. Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ tăng cơ học dân số trong biên độ trên dưới 20‰/năm, tỷ lệ tăng tự nhiên dân số trong biên độ trên dưới 10‰/năm; trung bình mỗi năm tăng hơn 200.000 người. Về hộ gia đình và gia đình, Thành phố có 1.824.822 hộ, trong đó: 1.509.930 hộ tại thành thị và 314.892 hộ tại nông thôn, bình quân 3,93 người/hộ [2]; tăng trung bình hàng năm khoảng 100.000 hộ gia đình (lý do: tăng cơ học dân số, kết hôn lập gia đình, tách hộ...), số hộ gia đình và gia đình cũng có giảm đi nhưng không nhiều (do ly hôn vào khoảng 8.500 đến 10.500 cặp vợ chồng ly hôn, chuyển đi...).
Thành phố có truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, không ngừng phát triển một cách toàn diện; trong đó về văn hóa, xã hội có bước tiến tích cực; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao; chính sách xã hội được quan tâm thực hiện có hiệu quả, hộ nghèo giảm rõ rệt; số hộ gia đình được công nhận đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa” tăng lên hàng năm, chất lượng phong trào ngày một nâng cao.
Tháng 7 năm 2009, công tác thu thập chỉ số đánh giá phòng, chống bạo lực gia đình của Thành phố bắt đầu triển khai, thông tin số liệu thu thập được cho thấy tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình 6 tháng cuối năm 2009 là 0,0054% và cả năm 2010 là 0,0068%[3]; trong đó tỷ lệ nạn nhân là nữ chiếm đến trên 90%; bạo lực gia đình có ở các tầng lớp dân cư, số vụ việc xảy ra ở các huyện ngoại thành cao hơn các quận nội thành, nơi đông người dân nhập cư lưu trú; nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực gia đình là do rượu, kinh tế khó khăn, mặc cảm tâm lý xấu hổ dẫn đến bạo lực kéo dài, từ các gia đình có tệ nạn xã hội,... Tại thời điểm này, nhận thức khá phổ biến trong xã hội và kể cả trong đội ngũ cán bộ ở địa phương về bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà nên công tác tập trung là phải truyền thông nâng cao nhận thức, tạo thái độ can thiệp tích cực và chuyển đổi hành vi phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước và nhân dân trên địa bàn; triển khai thực hiện các giải pháp can thiệp bạo lực gia đình ở cộng đồng, tập huấn nghiệp vụ phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ ở các cấp; giới thiệu những kinh nghiệm hay trong thực tiễn về can thiệp, xử lý chưa nhiều, nhất là phát hiện và can thiệp sớm, thực hiện hoà giải, tư vấn về gia đình ở cơ sở.
II. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình:
Đầu năm 2008, khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 19 tháng 12 năm 2005 của Thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình”, Thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai tuyên truyền, quán triệt Luật trong các cơ quan nhà nước các cấp và tuyên truyền phổ biến cho nhân dân, chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân quận - huyện tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể:
a) Các văn bản chỉ đạo đã ban hành:
1/ Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008, trong đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được xác định là một trong những quy định pháp luật phải được tập trung tuyên truyền, phổ biến;
2/ Quyết định số 34/2009/QĐ-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại Quy chế này đã nêu nhiệm vụ “Tổ chức, triển khai các hoạt động thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình và các văn bản khác có liên quan đến công tác gia đình” cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
3/ Quyết định 2603/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó đã phân công cho 5/15 Sở, ban, ngành, đoàn thể chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu triển khai thực hiện 8/65 nội dung hoạt động cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình;
4/ Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về số lượng, chức danh và chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn; trong đó quy định 01 chức danh cán bộ không chuyên trách Văn hóa Thông tin - Thể dục thể thao và Gia đình;
5/ Quyết định số 4249/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Chương trình thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2020, trong đó 01 mục tiêu, 02 chỉ tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình;
6/ Quyết định 30/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về điều chỉnh mức phụ cấp theo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn.
Trên cơ sở Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các Nghị định của Chính phủ; Chương trình hành động của Thành ủy, Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; hàng năm, các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và Ủy ban nhân dân quận - huyện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình và đề ra các giải pháp tham gia phát triển gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong phạm vi lĩnh vực của Ngành, đối tượng vận động và địa bàn quản lý. Riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hơn 350 văn bản hướng dẫn tổ chức, triển khai các hoạt động thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong hệ thống Ngành, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và Ủy ban nhân dân quận - huyện triển khai thực hiện hoạt động, công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
b) Kinh phí thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình được bố trí trong ngân sách thường xuyên của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm, ở cấp quận - huyện phân bổ vào kinh phí của Phòng Văn hóa và Thông tin, ở phường - xã, thị trấn do Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn chi trong ngân sách được cấp hàng năm, từ năm 2012 bắt đầu thực hiện theo Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cơ sở, Công đoàn và chính quyền quận - huyện, phường - xã, thị trấn trong chức năng và thẩm quyền vận động các tổ chức xã hội trong, ngoài nước và quốc tế hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí triển khai thực hiện ở một số cơ sở những mô hình tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động thể nghiệm về can thiệp trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình.
Bám sát mục đích và yêu cầu nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình là nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xoá bỏ bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Các Sở, ban ngành, đoàn thể Thành phố và quận - huyện đã có nhiều hoạt động cụ thể thực hiện tuyên truyền trong những năm qua như sau:
a) Sở Tư pháp:
- Là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố, Sở đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố trong Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các năm tiếp theo.
- Chủ động triển khai nhiều công tác như chủ trì, phối hợp biên soạn, phát hành 55.500 đơn vị tài liệu tuyên truyền (tờ gấp “Phòng, chống bạo lực gia đình”, tờ gấp “Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình”, cuốn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình); tổ chức tập huấn tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho lực lượng báo cáo viên pháp luật cấp thành phố, quận - huyện; thực hiện tuyên truyền cho 20.000 lượt người dân, phối hợp thực hiện tập huấn cho 2.000 người là thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới các cấp.
- Phối hợp với Hội Nông dân Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố tổ chức các hội thi cho lực lượng hội viên Hội Nông dân, Đoàn viên Công đoàn, công nhân viên chức lao động, sinh viên, học sinh tham gia tìm hiểu pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình và các Bộ Luật có liên quan như: Bộ Luật Dân sự, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình; trong đó, cuộc thi tìm hiểu pháp luật chủ đề “Công nhân lao động Thành phố với pháp luật” được Đài Truyền hình Thành phố phát sóng có sự tham gia các đội thi từ 54 công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố. Phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố, Đài tiếng nói nhân dân Thành phố truyền tải nội dung pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình trên các chương trình pháp luật của Đài.
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Hàng năm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều hình thức; tổ chức, hướng dẫn tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ của các ngành, đoàn thể các cấp và những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể:
- Tham mưu đưa nội dung trách nhiệm của gia đình, cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình vào 6 trong số các Tiêu chuẩn văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh ở giai đoạn 2011 - 2015 và 2012-2015 [4]. Việc bổ sung các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào tiêu chí văn hóa đã góp phần nâng cao chất lượng hộ gia đình văn hóa và đơn vị văn hóa trên địa bàn Thành phố.
- Biên soạn, in ấn, phát hành 310.200 đơn vị tài liệu có nội dung thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình (gồm 50.000 quyển tài liệu “Giao tiếp ứng xử văn hóa trong đời sống gia đình” và 250.000 tờ gấp “Giao tiếp ứng xử văn hóa trong đời sống gia đình và cộng đồng”, 1.000 quyển “Tuyển tập ca khúc cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài gia đình”, 1.200 quyển “Giúp cha mẹ nuôi dạy con tốt”, 5.000 quyển “Tiêu chuẩn văn hóa (giai đoạn 2012-2015)”, 3.000 quyển “Sổ tay tuyên truyền văn hóa nông thôn mới”). Phát hành chuyển giao cho cơ sở gần 2100 đơn vị tài liệu (sách, đĩa) tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, giáo dục đời sống gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hành (144 quyển Hỏi đáp về giới và pháp luật về Bình đẳng giới, 120 quyển Hỏi đáp về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, 240 tờ gấp Bình đẳng giới trong gia đình, 240 tờ gấp Xử phạt hành chính trong bình đẳng, các tài liệu băng hình khác...). Từ các tài liệu băng đĩa nguồn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chuyển thành tập tin vi tính phổ biến cho cơ sở sử dụng tuyên truyền; đưa các tài liệu, thông tin tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình trên chuyên mục Gia đình, Trang Thông tin điện tử của Sở.
- Công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình được các đơn vị Văn hóa và Thông tin quận - huyện chủ trì, phối hợp thực hiện ở cơ sở; đã tổ chức được 20.141 cuộc tuyên truyền, cho 699.019 lượt người; tuyên truyền cổ động trực quan: 743 lần phát thanh lưu động, 7.700 lần phát thanh cố định, 5.257 băng rôn, 1.376 pa nô, 480 áp phích; phát hành 210.361 quyển tài liệu; 649.778 tờ rơi, tờ gấp; đưa thông tin, tài liệu về phòng, chống bạo lực gia đình lên tờ tin, bản tin phát hành 88.458 bản.
c) Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố:
Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố chỉ đạo các cấp Hội triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể: Thành Hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan và quận - huyện tổ chức nhiều loại lớp tập huấn cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ, hội viên phụ nữ về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các Luật khác có liên quan như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, tổng số đã thực hiện là 2.665 lớp, với 1.209.856 tham dự viên.
Các cấp Hội có nhiều kinh nghiệm trong tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện lồng ghép nội dung thông tin, tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình với các nội dung tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, năng lực người phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam thông qua các đề án truyền thông, các phong trào, cuộc vận động của Hội như: Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày Phụ nữ và Pháp luật, tổng cộng đã tổ chức 65.376 cuộc, có 6.026.514 lượt người dự; xây dựng 241 Câu lạc bộ, tổ, nhóm, điểm tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình, với 1.370 thành viên.
Báo Phụ nữ Thành phố giới thiệu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên chuyên mục Pháp luật, phối hợp Văn phòng Trợ giúp pháp lý số 6 tổ chức phổ biến, tư vấn pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và có liên quan cho 3.800 lượt người trong 18 buổi “Ngày Phụ nữ và pháp luật”. Xây dựng đường dây nóng tiếp nhận hàng ngàn cuộc gọi thông tin về các trường hợp bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục nhờ trợ giúp và tư vấn. Nhà Văn hóa Phụ nữ Thành phố tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về pháp luật, tâm lý, kỹ năng sống liên quan đến xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
d) Công An Thành phố:
Chỉ đạo công tác triển khai quán triệt đến toàn bộ cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an Thành phố các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và có liên quan. Xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động công tác gia đình hàng năm; thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác gia đình trong Ngành; phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các cuộc sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt khu phố, tổ dân phố và các nhóm hộ tự quản.
Cấp cơ sở, Công an phường - xã, thị trấn phối hợp với các đoàn thể thực hiện 568.580 cuộc họp với 15.258.659 lượt người tham dự, phát hành tờ bướm tuyên truyền một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định 110/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.
đ) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong Ngành và các đơn vị trực thuộc thực hiện tuyên truyền lồng ghép pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình với Luật Bình đẳng giới, trong đó có chú trọng đến bình đẳng giới trong gia đình trong hoạt động tuyên truyền thường xuyên hàng năm và trong các đợt hội thi lớn triển khai ở các cấp. Hội thi tìm hiểu pháp luật về Bình đẳng giới với chủ đề “Công dân Thành phố Hồ Chí Minh với Bình đẳng giới” có 36/58 đơn vị tham gia với gần 20 lượt người dự thi (nam chiếm trên 45%), Thành phố phát động hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu chính sách pháp luật về bình đẳng giới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với hơn 6.000 lượt người viết bài dự thi (nam chiếm gần 40%), cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về bình đẳng giới năm 2013 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện, có 19.817 người tham dự.
Trang Blog binhdanggioi tại địa chỉ http://vn.360plus.yahoo.com/binhdanggioi/, trang facebook.com/binhdanggioitphcm... truyền tải nhiều thông tin, tư liệu về phòng, chống bạo lực gia đình có gần 5.000 lượt truy cập. Biên soạn, in ấn nhiều tài liệu liên quan đến bình đẳng giới và gia đình; phát hành gần 14.950 đơn vị tài liệu về bình đẳng giới, trong đó có nội dung bình đẳng giới trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Biên soạn tài liệu tập huấn và các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới, giúp cơ sở thực hiện tuyên truyền với nhiều hình thức linh hoạt và phong phú, nâng cao nhận thức bình đẳng giới và kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình. Kết cấu nội dung học phần về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong gia đình trong chương trình của 331 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho gần 18.098 lượt tham dự viên là cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ toàn thành và 09 khoá đào tạo báo cáo viên nguồn lĩnh vực này cho 1.250 lượt tham dự viên.
e) Sở Thông tin và Truyền thông:
Triển khai và chỉ đạo trong giao ban hàng tuần đối với lãnh đạo các cơ quan báo, đài thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Các báo Người Lao động, Sài Gòn Giải phóng, Tuổi Trẻ, Công An, Giáo dục, Pháp luật, Phụ nữ, Người cao tuổi, Báo Tin Mới, EVA, Báo Mới Pháp luật Việt Nam... thường xuyên đăng tin bài tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể: Báo Pháp luật thực hiện hàng trăm tin bài về thực trạng bạo lực, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Báo Phụ nữ tổ chức nhiều chuyên mục phong phú, hấp dẫn để tuyên truyền định hướng kỹ năng sống, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo với các đề tài “Giải pháp thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Kỹ năng tự bảo vệ”, “Xây dựng mái ấm không bạo lực”, “Tiếng nói người trong cuộc”, “Xây dựng hiệu quả địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”... Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2013, có 25 tin bài viết về đề tài này trong số báo lưu chiểu nộp về Sở.
g) Tòa án nhân dân Thành phố:
Chỉ đạo các Chánh toà các Tòa chuyên trách, Trưởng các Bộ phận, Chánh án các Tòa án nhân 24 Quận - Huyện thực hiện quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức trong ngành Tòa án các văn bản pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình với 1.159 lượt cán bộ, công chức tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký trong công tác giải quyết án có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình; phổ biến, tuyên truyền đến quần chúng nhân dân thông qua xét xử tại chỗ, lưu động, thực hiện các phiên tòa giả định, phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố truyền hình thực tế một số phiên tòa các vụ án hình sự về bạo lực gia đình.
h) Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố:
Chỉ đạo, triển khai quán triệt thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong toàn Ngành về nội dung và phạm vi Luật điều chỉnh để thực hiện; chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, cán bộ, Kiểm sát viên tăng cường công tác kiểm sát các vụ án có liên quan đến các hành vi bạo lực gia đình, thụ lý, giải quyết các tố giác, tin báo liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, hạn chế bỏ lọt tội phạm, để xử lý đúng quy định của pháp luật.
i) Liên đoàn Lao động Thành phố:
Chỉ đạo Ban Tuyên giáo, Trung tâm Tư vấn pháp luật, Chương trình Công nhân Công đoàn, Báo Người Lao động, Ban nữ công Công đoàn các cấp triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trong 5 năm qua, 100% công đoàn cấp trên cơ sở và 70% công đoàn cơ sở đã tổ chức tuyên truyền học tập quán triệt về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Công đoàn các cấp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và nội dung, thông tin tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình với 16.050 cuộc, cho hơn 830.420 lượt công đoàn viên, người lao động.
k) Hội Nông dân:
Các cấp Hội Nông dân của Thành phố đã chủ động thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng nhằm góp phần nâng cao nhận thức các thành viên trong gia đình các nông dân, làm giảm dần tình trạng bạo lực gia đình. Tập trung tuyên truyền ở 58 điểm là các Câu lạc bộ Nông dân với môi trường, Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, Câu lạc bộ Gia đình Nông dân văn hóa. Phối hợp với các ngành, đoàn thể khác như Y tế (Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), Phụ nữ..., thực hiện tuyên truyền về các nội dung pháp luật có liên quan đến gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình như Pháp lệnh Dân số, Luật Dân sự, Luật Phòng chống ma túy, Pháp lệnh phòng chống mại dâm cho các chi hội, tổ hội, Câu lạc bộ khuyến nông... trên 2.800 cuộc, với 21.450 lượt cán bộ, hội viên, thành viên gia đình nông dân. Hội Nông dân phổ biến thông tin về kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc trên Đặc san định kỳ đến các Chi hội, giúp tổ chức sinh hoạt với hội viên. Truyền tải những nội dung giáo dục, khuyến khích vai trò nam giới chia sẻ việc gia đình với phụ nữ, nâng cao sự tự tin của giới nữ qua các hội thi tìm hiểu kiến thức cho hội viên nông dân. Các hoạt động dạy nghề, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, vay vốn cho gia đình nông dân cũng được chú trọng như một giải pháp hiệu quả cho phòng, chống bạo lực gia đình.
l) Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
Chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục về hôn nhân, gia đình cho thanh niên; tuyên truyền, giáo dục về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn; thực hiện tốt Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Thông qua các chiến dịch tình nguyện, các phiên tòa giả định, các đội hình thanh niên tình nguyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên và nhân dân, các cơ sở Đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn về hôn nhân, gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Liên hoan “Người con hiếu thảo” được duy trì thường xuyên ở cấp thành và cơ sở. Đây là mô hình do Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tổ chức, bắt đầu từ năm 1995 và qua gần 20 năm đã có 125.905 gương điển hình “Người con hiếu thảo” được tuyên dương, góp phần xây dựng nền tảng gia đình tự nguyện, bình đẳng, hạnh phúc.
Nhìn chung, từ năm 2008 và tiếp các năm sau, hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình đã được các Sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp tập trung tổ chức thực hiện quán triệt trong lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình dần thay đổi, tạo những chuyển biến đáng kể về thái độ và nhận thức trong toàn xã hội; huy động được các lực lượng ở cộng đồng tham gia vào công tác này. Hiệu quả của tuyên truyền biểu hiện qua tình hình nạn nhân, gia đình tiếp cận báo tin cho cơ quan thẩm quyền địa phương, nhờ sự trợ giúp của các lực lượng phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng ngày nhiều hơn; các mô hình can thiệp bạo lực gia đình ở cộng đồng từng bước phát triển về số lượng, chất lượng; thông tin tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên báo chí ngày càng có xu hướng tích cực kêu gọi, hướng dẫn cộng đồng tham gia phòng, chống bạo lực, các báo đã phát hiện sớm các vụ việc bạo lực gia đình, nối kết can thiệp, trợ giúp kịp thời cho nạn nhân, gia đình, tác động nâng cao trách nhiệm và hành động phòng, chống bạo lực gia đình của lãnh đạo chính quyền, cán bộ một số phường - xã, thị trấn.
3. Về kiện toàn bộ máy chỉ đạo, cán bộ chuyên trách về phòng, chống bạo lực gia đình:
a) Theo kết quả khảo sát tháng 12 năm 2009, số cán bộ phụ trách công tác gia đình ở 322 phường - xã, thị trấn của Thành phố là 328 người, nhưng trong đó chỉ có 22 người (6,7%) chính thức làm công tác gia đình; 306 người khác kiêm nhiệm công tác gia đình. Số lượng đầu việc của mỗi người được giao trong đó có công tác gia đình: làm 2 việc là 167 người (51%), làm 3 việc là 69 người (trên 25%), làm 4 việc là 92 người (trên 28%).
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2010 quy định số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách phường - xã, thị trấn đã tạo điều kiện cho Ủy ban nhân phường - xã, thị trấn sắp xếp hợp lý hơn cán bộ phụ trách công tác gia đình; tuy nhiên, phổ biến vẫn là theo cách kiêm nhiệm, rất ít đơn vị thực hiện bố trí nhân sự đúng theo chức danh cán bộ không chuyên trách văn hóa thông tin - thể dục thể thao - gia đình. Kết quả khảo sát khác vào tháng 11 năm 2010, cấp Thành phố có 3 cán bộ, chuyên viên trực tiếp làm công tác gia đình, 48 người ở quận - huyện là nhân sự của Phòng Văn hóa và Thông tin (01 cán bộ, 01 chuyên viên) nhưng đồng thời cũng đảm đương nhiều nội dung công việc khác, ở 322 phường, xã, thị trấn có 326 người[5].
Hiện nay, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình thuộc Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được bố trí ở 3 cấp (Thành phố, quận - huyện, phường - xã) là 373 người. Tổ Nghiệp vụ công tác gia đình, Phòng Văn hóa - Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 03 người đều là nữ; tiếp tục duy trì được ở Phòng Văn hóa và Thông tin quận - huyện là 48 người, trong đó có 01 Lãnh đạo phụ trách và 01 Cán bộ chuyên trách; tất cả phường - xã, thị trấn đều có nhân sự với tổng số 322 người, gồm cả cán bộ không chuyên trách công tác Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao và Gia đình và cán bộ khác kiêm nhiệm công tác gia đình. Nhân sự phụ trách công tác gia đình ở quận - huyện, phường - xã, thị trấn biến động hàng năm.
b) Từ năm 2009, Thành phố triển khai thực hiện Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008 - 2010 và từ năm 2011 là nhân rộng Mô hình theo hướng ứng dụng các nội dung Mô hình vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp phường - xã. Các tổ chức, nhân sự đã được thành lập theo Mô hình như sau:
Thành phố và quận - huyện đã chọn 25 đơn vị phường - xã, thị trấn làm điểm triển khai toàn diện các nội dung Mô hình để rút kinh nghiệm chỉ đạo điểm; song song đó triển khai ứng dụng nội dung Mô hình ở cả 297 phường - xã, thị trấn còn lại. Đến cuối năm 2013, 100% phường - xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố đều có Ban Chỉ đạo Phòng, chống bạo lực gia đình với tổng số trên 3.000 thành viên[6]. Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng ở 1.976 khu phố - ấp; các tổ chức quần chúng tham gia vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình là 1.313 nhóm, đạt tỷ lệ 66,44 %; 1.704 tổ tư vấn tham gia công tác tư vấn về gia đình ở cơ sở, có 1.190 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, trong đó có 82 địa chỉ do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận - huyện xây dựng, với 245 thành viên, chỉ có 03 địa chỉ có điều kiện tạm lánh (đạt 0,25%); huy động 8.425 tổ hòa giải cơ sở tham gia vào công tác hòa giải các vụ việc tranh chấp mâu thuẫn giữa các thành viên gia đình; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp đưa 2.746 câu lạc bộ gia đình tham gia vào hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.
c) Hàng năm, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình và lực lượng ở cộng đồng và lực lượng tuyên truyền viên cơ sở được tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng can thiệp bạo lực gia đình (tư vấn, hòa giải), kỹ năng truyền thông. Một số quận, huyện tổ chức các buổi tập huấn võ thuật tự vệ ứng dụng cho lực lượng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Trong 5 năm, Thành phố đã tổ chức 3.228 lớp tập huấn, với 198.944 lượt tham dự viên, trong đó có gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ Công an của 24 quận - huyện.
Thời gian qua, đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác gia đình đã được bố trí ở cả 3 cấp. Riêng ở cấp phường, xã, cán bộ phụ trách công tác gia đình hàng năm đều có biến động, thay đổi; trong số 322 cán bộ cũng kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, nhiệm vụ công tác gia đình không là chính, chỉ là kiêm thêm. Chế độ chính sách cho cán bộ không chuyên trách Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao và Gia đình ở phường - xã, thị trấn chưa thực sự động viên; các lực lượng quần chúng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình không có chế độ bồi dưỡng, cho đến cuối năm 2011 mới có phần kinh phí tối đa 2 triệu đồng/khu phố, ấp[7] với nhiều nội dung mà trong đó có thể chi cho hoạt động hòa giải và mô hình phòng, chống bạo lực gia đình từ ngân sách phường - xã, thị trấn, nhưng cho đến nay sự chuyển động thực hiện phần trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp phường, xã theo Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL cũng còn gặp nhiều khó khăn.
4. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình:
Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình, các giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình được triển khai thực hiện góp phần vào kết quả ngăn ngừa bạo lực gia đình khá tốt. Cụ thể:
a) Về hòa giải ở cơ sở: thực hiện theo các Điều 13, 14, 15 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các cấp cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn về trách nhiệm của gia đình, dòng họ, cơ quan, tổ chức trong hòa giải phòng chống bạo lực gia đình. Đề cao vai trò của gia đình, dòng họ, chủ động hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong khuôn khổ gia đình.
Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp thực hiện các hoạt động truyền thông vận động sâu rộng chủ trương này ở cộng đồng dân cư, về quy định công nhận hòa giải viên, thành lập các Tổ hòa giải cơ sở; hàng năm kiện toàn nhân sự và tổ chức, tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Tính đến quí III năm 2014, Thành phố có 8.425 tổ hòa giải cơ sở do Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn công nhận, quản lý có trách nhiệm, hiệu quả công tác hòa giải về gia đình, trong 5 năm đã thực hiện 813 vụ hòa giải về bạo lực gia đình, chiếm trên 50% tổng số vụ bạo lực gia đình, góp phần kéo giảm số vụ và số nạn nhân bạo lực gia đình. Các cấp Hội Phụ nữ xây dựng lực lượng hòa giải viên ở các Chi hội, Tổ hội do đó đã tiếp cận sớm khi có mâu thuẫn, tranh chấp của gia đình ở cộng đồng, kịp thời tham gia hòa giải hàng ngàn trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình.
b) Công tác tư vấn về gia đình ở cơ sở: thực hiện Khoản 3 Điều 16 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, hàng năm, Ban Chỉ đạo Phòng, chống bạo lực gia đình phường - xã, thị trấn thực hiện việc lập danh sách các đối tượng cần được tư vấn về gia đình ở cơ sở và phân công cho các Tổ tư vấn theo dõi, hỗ trợ. Đến nay, 100% phường - xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố đều có Tổ tư vấn; vai trò của các cấp Hội Phụ nữ rất chủ động trong tham gia xây dựng phát triển loại hình tổ tư vấn cộng đồng để hỗ trợ những vấn đề gia đình, xã hội liên quan đến hội viên và giới nữ, trong đó nhiều nhất là các vấn đề về bạo lực gia đình. Hiện nay, Tổ tư vấn cộng đồng của các Chi hội Phụ nữ có 1.531 tổ/1.704 tổ tư vấn toàn Thành phố, chiếm 89,8%. Ngoài ra, có 1.313 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình ở khu phố, ấp tham gia vào can thiệp sớm, tư vấn về gia đình ở cơ sở. Việc nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn cộng đồng, tư vấn viên phòng, chống bạo lực gia đình được các đơn vị như Phòng Văn hóa và Thông tin, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận - huyện chú trọng tổ chức hàng năm thông qua các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề, toạ đàm.
c) Tổ chức góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư: Thực hiện Điều 17 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Điều 7 Nghị định 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ, định kỳ hàng năm phổ biến hướng dẫn cho đội ngũ Trưởng ban Điều hành khu phố, ấp, Tổ trưởng Tổ dân phố/Tổ nhân dân về thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình tổ chức thực hiện góp ý phê bình trong cộng đồng đối với người gây bạo lực từ 16 tuổi trở lên được tổ chức hòa giải khi tái diễn hành vi bạo lực gia đình giữa 2 lần không quá 12 tháng. Qua đó, các Khu phố, Ấp trên địa bàn Thành phố đã thực hiện hơn 300 cuộc góp ý phê bình trong cộng đồng đối với người gây bạo lực tái diễn lần thứ 2.
d) Một số giải pháp khác: Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố chỉ đạo và hướng dẫn các cấp Hội đa dạng hóa các mô hình sinh hoạt phụ nữ thông qua hình thức câu lạc bộ, đội nhóm để phòng ngừa bạo lực gia đình tại cộng đồng; nghiên cứu, thực hiện Đề án “Những giải pháp góp phần nâng cao hiệu lực thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh” song song với việc xây dựng “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”, “Câu lạc bộ gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội”; xây dựng mô hình “Tổ tư vấn cộng đồng” tại Chi hội Phụ nữ khu phố, ấp; triển khai và đưa vào hoạt động “Đường dây nóng trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình” của Báo Phụ nữ Thành phố để phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời tiến hành các hoạt động trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình.
5. Kết quả kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình:
a) Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân quận, huyện đã tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể:
100% quận, huyện đều triển khai kế hoạch công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Nhìn chung, nội dung kế hoạch công tác phòng, chống bạo lực gia đình của 24 quận, huyện có trọng tâm, có giao trách nhiệm cho từng ban, ngành, đoàn thể thực hiện trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình như triển khai xây dựng và ứng dụng các nội dung Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở phường - xã, thị trấn. Hầu hết các phường - xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố có kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình, bố trí nhân sự làm công tác gia đình; phối hợp với các đơn vị chức năng, các đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ lãnh đạo, đội ngũ cán bộ công chức và người dân trên địa bàn.
Tổ chức kiểm tra đối với từng cấp quận, huyện, phường, xã về thực hiện Quyết định 238/2009/QĐ-BVHTTDL ngày 20 tháng 01 năm 2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành tạm thời bộ chỉ số đánh giá phòng chống bạo lực gia đình và Thông tư 23/2011/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định thu thập, xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Qua kiểm tra cho thấy các phường - xã, thị trấn đã thực hiện tốt việc tổ chức ghi chép, lưu trữ sổ sách, thu thập và báo cáo số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình ở các cấp.
Năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập; qua đó, định kỳ hàng năm, các Sở có liên quan và Ủy ban nhân dân quận - huyện tăng cường rà soát, đánh giá kết quả thực hiện của cấp phường - xã về công tác lập kế hoạch hoạt động, chi kinh phí từ ngân sách theo quy định để đảm bảo cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình, chú trọng kinh phí hoạt động cho khu phố, ấp và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.
Tổ chức kiểm tra việc thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình (theo khoản 3, Điều 16, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình) tại Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn về công tác lập danh sách để quản lý, tổ chức tư vấn, hỗ trợ ngăn ngừa bạo lực gia đình đối với 4 nhóm đối tượng cần được tư vấn về gia đình ở cơ sở.
b) Các đơn vị Sở ngành, đoàn thể cấp Thành phố được phân công nhiệm vụ theo quy định tại chương IV Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như: Sở Tư pháp, Công An Thành phố, Sở Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố, Toà án nhân dân Thành phố đã có những hoạt động kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình trong hệ thống Ngành nhằm duy trì thực hiện tốt trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình theo Luật định.
6. Tình hình bạo lực gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xử lý vi phạm:
Công tác thu thập, xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai ở Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 7 năm 2009 đến nay. Số liệu được tổ chức thu thập từ phường - xã, thị trấn gồm các vụ việc bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện. Bên cạnh đó còn có nhiều nguồn số liệu khác như: số vụ án thụ lý, xét xử ở Tòa án nhân dân các cấp; số nạn nhân bạo lực gia đình là bệnh nhân ở các bệnh viện do Sở Y tế thống kê trong báo cáo tai nạn thương tích (bạo lực xã hội và bạo lực gia đình); Số liệu về vụ việc, người gây bạo lực và nạn nhân bạo lực gia đình do Công an xử lý. Cho đến nay, các số liệu vẫn theo tiêu chí của từng ngành, chưa có sự thống nhất chung (từ cấp Bộ) nên chưa tạo được sự đồng nhất trong nhận định đánh giá về tình hình bạo lực gia đình, tuy nhiên các số liệu thu thập được cũng phản ánh được thực trạng địa phương về vấn đề này và sự nỗ lực thực hiện trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình của các ngành, đoàn thể có liên quan:
a) Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ tháng 7 năm 2009 đến cuối năm 2013 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện được 1.604 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, chia ra các hình thức: bạo lực thân thể chiếm 59,1%, bạo lực tinh thần chiếm 32,8%, bạo lực kinh tế chiếm 7%, bạo lực tình dục chiếm 1,1%. Số vụ bạo lực tình dục chiếm tỷ lệ thấp nhưng lại rất nhạy cảm, khó phát hiện, thương tích khó nhận diện nên nạn nhân và gia đình thường dấu giếm không tố giác. Nạn nhân bạo lực gia đình là nữ chiếm đến 88,9%, hầu hết là ở độ tuổi lao động. Nạn nhân ở độ tuổi trẻ em chiếm 8,2%.
Kết quả của tổ chức thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố những năm qua, nhất là tập trung cho các giải pháp can thiệp ở cộng đồng nên số vụ việc xảy ra và số nạn nhân bạo lực gia đình giảm nhanh qua các năm[8].
b) Công an Thành phố đã thực hiện xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự 420 vụ bạo lực gia đình với 434 người vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (có 431 nạn nhân). Đã ra Quyết định xử phạt hành chính đối với người gây bạo lực trong 340 vụ, lập hồ sơ theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về quy định chi tiết ban hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với nhiều trường hợp tái diễn hành vi bạo lực gia đình; thực hiện xử lý hình sự 80 vụ bạo lực gia đình.
c) Viện kiểm sát nhân dân Thành phố thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự như sau:
Đã thụ lý kiểm sát điều ứa 144 vụ việc bạo lực gia đình hoặc liên quan đến bạo lực gia đình trong 144 vụ với 146 bị can. Trong đó đã truy tố 116 vụ với 120 bị can; đình chỉ 04 vụ với 04 bị can (Cơ quan điều tra đình chỉ 03 vụ với 03 bị can theo Điều 13 Bộ Luật Hình sự và Khoản 2 Điều 107 Bộ Luật Tố tụng hình sự; Viện Kiểm sát đình chỉ 01 vụ với 01 bị can theo Khoản 7 Điều 107 Bộ Luật Tố tụng Hình sự); tạm đình chỉ 02 vụ (theo Điều 60 Bộ Luật Tố tụng Hình sự); chuyển đi nơi khác (truy tố theo thẩm quyền) 01 vụ với 01 bị can; hủy bỏ quyết định khởi tố 01 bị can (do thiếu căn cứ).
Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử: 112 vụ với 116 bị cáo, truy tố đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, không có trường hợp nào Tòa tuyên không phạm tội. Thực hiện xét xử lưu động 02 vụ với 02 bị cáo[9]. Tại thời điểm lập báo cáo còn tồn lại 16 vụ với 20 bị can (tại Cơ quan điều tra là 10 vụ với 12 bị can; tại Toà án còn 06 vụ với 08 bị can).
Phân tích 144 vụ án hình sự với 146 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn Thành phố do Viện kiểm sát nhân dân Thành phố thụ lý thì phần lớn phạm các tội Giết người (Điều 93 Bộ Luật Hình sự), Cố ý gây thương tích (Điều 104, 105, 106 Bộ Luật Hình sự). Các vụ án Hiếp dâm trẻ em (Điều 112 Bộ luật Hình sự) chiếm số lượng ít, 03 vụ với 03 bị can nhưng tạo nỗi nhức nhối đau xót cho gia đình và xã hội. Các vụ án trộm cắp, hủy hoại tài sản, hành hạ, làm nhục người khác chiếm số lượng ít nhưng cũng biểu thị sự suy đồi trong đạo đức, lối sống ở một số gia đình.
d) Tòa án nhân dân cấp Thành phố và 24 quận - huyện đã tổ chức xét xử 2.426 vụ án về bạo lực gia đình và có liên quan đến bạo lực gia đình. Nhìn chung, số vụ án tăng dần theo từng năm (phụ lục kèm theo). Thông qua công tác xét xử đã phản ánh tình trạng bạo lực gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau và nạn nhân bị bạo lực phần lớn là phụ nữ. Nhiều vụ việc bạo lực gia đình kéo dài, hậu quả nghiêm trọng trước khi đưa đến tòa án cho thấy những khó khăn về tâm lý, sự trăn trở của người trong cuộc, có cả những trường hợp do thiếu hiểu biết pháp luật. Hoạt động truyền thông đã làm thay đổi nhận thức cá nhân, đặc biệt đối với nạn nhân bạo lực gia đình, biết đến quyền của mình được pháp luật bảo vệ, là lý do nhiều vụ việc đưa đến Toà án xét xử, trong đó rất nhiều vụ án xử ly dị do nguyên nhân bạo lực gia đình.
Các Sở, ngành, đoàn thể cấp Thành phố và Ủy ban nhân dân 24 quận - huyện có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở từng cấp. Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, các đơn vị cấp quận - huyện phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và triển khai đến cấp phường - xã.
Từ năm 2009, Sở Y tế, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Công an Thành phố đã phối hợp cung cấp thông tin, số liệu tuyên truyền, quán triệt đến đội ngũ cán bộ công chức về trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thực hiện nối kết cung cấp thông tin, số liệu về phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể:
a) Sở Y tế đã có hoạt động quán triệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám, chữa bệnh: Bệnh viện Thành phố, Bệnh viện quận - huyện, Bệnh viện và Phòng khám tư nhân, Trạm Y tế phường - xã. Đã tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn về hướng dẫn chăm sóc y tế đối với nạn nhân bạo lực giới cho 10 Bệnh viện đa khoa Thành phố, 09 Bệnh viện chuyên khoa Thành phố, 23 bệnh viện quận - huyện, 07 Bệnh viện ngoài công lập.
Trong 5 năm qua, Sở Y tế ghi nhận từ 31 Bệnh viện công lập thuộc Sở có 2.013 bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình. Tuy nhiên, công tác ghi phiếu sàng lọc để xác định bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình cũng gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân từ chối cung cấp thông tin, thông báo nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khoẻ có vấn đề phải nhập viện điều trị; và cũng chưa có phần mềm tin học để theo dõi tách được số liệu và thông tin của nạn nhân là người dân Thành phố, vì các Bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh còn tiếp nhận, điều trị bệnh nhân từ các tỉnh/thành khác chuyển đến.
Số ca mắc, chết do bạo lực gia đình và bạo lực xã hội trong báo cáo thống kê tai nạn thương tích của Sở Y tế Thành phố cũng chưa thể tách riêng được số liệu người bị tai nạn thương tích do bạo lực gia đình.
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố phối hợp hướng dẫn tuyên truyền vận động xây dựng địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; thành lập các nhóm phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an Thành phố về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện lồng ghép tập huấn về bạo lực giới, phòng chống bạo lực gia đình, triển khai công tác tư vấn, tham vấn cho lực lượng cán bộ làm công tác bình đẳng giới và trẻ em cấp quận - huyện, phường - xã.
c) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công đoàn Viên chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Hội Người cao tuổi Thành phố và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng chương trình công tác liên tịch về công tác gia đình, trong đó có nội dung công tác phòng, chống bạo lực gia đình kể từ đầu năm 2013. Theo đó các đơn vị cấp quận - huyện cũng đã triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện các nội dung công tác liên tịch ở cấp mình.
1. Mặt được:
Qua 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, bố trí cán bộ phụ trách công tác gia đình ở cả 3 cấp. Tổ chức triển khai các giải pháp can thiệp bạo lực gia đình ở cộng đồng qua các đơn vị làm điểm Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và ứng dụng nội dung Mô hình vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở 100% phường, xã, thị trấn huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình ở khu phố - ấp.
Công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được các ngành, các cấp triển khai thực hiện quyết liệt ngay khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo; hoạt động phổ biến tuyên truyền pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì thường xuyên, tập trung vào các địa bàn trọng điểm và lồng ghép hiệu quả trong tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nhờ đó đã làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức và nhân dân trên địa bàn về phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình từ hoạt động phòng ngừa, hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân đến xử lý hành vi bạo lực gia đình, trong đó các biện pháp ngăn ngừa, can thiệp tại cộng đồng được đề cao và thực hiện khá tốt.
Với những nỗ lực chung của Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn, những tranh chấp mâu thuẫn giữa thành viên gia đình được phát hiện can thiệp sớm, ngăn ngừa dẫn đến bạo lực gia đình và giảm thiểu tác hại. Số vụ việc bạo lực gia đình phát hiện được giảm nhanh qua từng năm. Bên cạnh đó, số vụ án Hôn nhân và gia đình do Toà án nhân dân quận, huyện xét xử có tăng dần qua các năm cũng là sự biểu thị cho nhận thức tiến bộ của nhân dân về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo pháp luật thay vì chịu đựng, kéo dài tình trạng bạo lực gia đình và thể hiện nhận thức chung đã dần thay đổi về bạo lực gia đình không còn là việc riêng tư, mà cần phải khai báo để xử lý theo pháp luật.
Hầu hết các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp xác định được trách nhiệm và công tác phòng, chống bạo lực gia đình thể hiện qua các chương trình, kế hoạch liên tịch công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, xác định trách nhiệm tổ chức thực hiện phòng chống bạo lực gia đình theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của ngành, đơn vị, ở từng cấp, động viên được lực lượng tham gia công tác như Ban điều hành khu phố - ấp, Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, Tư vấn viên, hòa giải viên ở cơ sở, các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, Ban chủ nhiệm các loại hình câu lạc bộ gia đình.
Kinh phí dành cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở các cấp theo Thông tư số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã được triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố, tạo điều kiện cho các cấp có kinh phí triển khai hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Tồn tại, hạn chế:
Công tác tập huấn, tuyên truyền về Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố đã được tập trung thực hiện quyết liệt, đầu tư chuyển tải hết sức phong phú, đa dạng nhưng cũng còn những tồn tại, hạn chế như sau:
- Một số đơn vị thiếu quan tâm, chưa thực hiện tốt trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình, chưa chú trọng việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình, cũng như triển khai các giải pháp can thiệp, xử lý bạo lực gia đình mà chỉ chuyển động khi địa phương, đơn vị xảy ra vụ việc bạo lực gia đình có hậu quả nghiêm trọng hoặc báo chí đưa tin thì mới xử lý hậu quả, nhưng lực lượng cán bộ thiếu kiến thức, kỹ năng nên bộc lộ lúng túng trong quy trình xử lý, khiến một số vụ việc bạo lực gia đình kéo dài, không xử lý theo pháp luật, đôi khi giấu giếm vì thành tích thi đua của địa phương, đơn vị, khiến nạn nhân bạo lực gia đình bỏ cuộc, tự cam chịu.
- Nhiều địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình nhưng không thường xuyên hoạt động. Chế độ thông tin báo cáo về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình cơ bản đã thực hiện được nhưng nhiều đơn vị còn thường xuyên chậm tiến độ; thông tin, số liệu trong các báo cáo của một số đơn vị có lúc chưa chính xác, thiếu độ tin cậy.
- Một số phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố thực hiện chưa thật tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn nhằm ngăn ngừa bạo lực gia đình, chỉ thực hiện tuyên truyền khi địa bàn đã có vụ việc bạo lực gia đình cộm nổi, kéo dài, có hậu quả nghiêm trọng hoặc khi vụ việc bạo lực gia đình được báo chí đăng tải thông tin.
- Một số cán bộ phụ trách công tác gia đình ở quận, huyện có thay đổi mới, chưa nắm chắc nghiệp vụ, kiêm nhiệm nhiều đầu công việc nên ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu phòng, chống bạo lực gia đình ở một số đơn vị qua các năm. Nhân sự phụ trách công tác gia đình ở phường - xã, thị trấn cũng thường xuyên biến động, thay đổi nên có ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai, tổ chức hoạt động, dẫn đến chất lượng hoạt động công tác phòng, chống bạo lực gia đình một số nơi chưa hiệu quả.
- Thông tin, số liệu phòng, chống bạo lực gia đình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thu thập theo trách nhiệm Luật định và chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, Thành phố cũng thực hiện thu thập thông tin số liệu liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình từ một số ngành khác (Y tế, Công an, Tòa án), nhưng do chưa có sự thống nhất chung từ cấp Bộ nên thông tin, số liệu còn chồng chéo, chưa minh bạch vì mỗi ngành đều có tiêu chí nội dung riêng nên số liệu thu thập được chưa thật hữu dụng cho yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này ở các cấp.
- Kinh phí cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở các phường - xã, thị trấn đang còn nhiều khó khăn, nhiều nơi vẫn chưa làm rõ được nội dung hoạt động và kinh phí do năng lực cán bộ trong tham mưu kế hoạch và dự toán kinh phí hàng năm.
1. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ tiêu thống kê phòng, chống bạo lực gia đình cấp quốc gia để làm cơ sở cho Bộ ngành chức năng quy định nội dung chỉ tiêu thống kê phòng, chống bạo lực gia đình ở các cấp nhằm phục vụ cho quản lý nhà nước ở các cấp về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành chương trình đào tạo gia đình học ở bậc đại học; xây dựng nội dung chương trình chuẩn về bồi dưỡng nghiệp vụ công tác gia đình cho cán bộ làm công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình ở các cấp.
3. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng nội dung cho đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình; tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình nêu tại Điều 12 Thông tư 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 3 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn, chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình. Đề ra nội dung sát hạch trình độ chuyên môn cho nhân viên tư vấn, nhân viên làm việc ở các cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức huấn luyện đội ngũ giảng viên nguồn cho toàn quốc và cấp tỉnh để triển khai thực hiện tốt công tác đào lại, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho các địa phương.
1. Kiến nghị với Hội đồng nhân dân Thành phố về việc tổ chức lực lượng cộng tác viên công tác gia đình ở khu phố nhằm góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện thu thập thông tin, số liệu về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
2. Tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ cơ quan nhà nước, các đoàn thể và nhân dân trên địa bàn Thành phố nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, góp phần giảm bạo lực gia đình, giảm số nạn nhân, giảm thiểu tác hại do bạo lực gia đình gây ra.
3. Triển khai thực hiện Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020
4. Đẩy nhanh tiến độ triển khai cho các đơn vị phường - xã, thị trấn ứng dụng toàn diện nội dung Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình để tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Xây dựng, tổ chức lực lượng giảng viên nguồn cho Thành phố, nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn làm công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình để chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lĩnh vực gia đình của địa phương.
6. Các Sở ngành có liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện kiểm tra kết quả triển khai thực hiện Thông tư số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập ở các địa phương, đơn vị để Thông tư thực sự đi vào đời sống, các đơn vị xây dựng được nguồn kinh phí, nhất là cấp phường - xã để tiến tới đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương và từng đơn vị./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
SỐ LIỆU BÁO CÁO SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN LUẬT
PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
(Đính kèm Báo cáo số 182/BC-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân
dân Thành phố)
Phụ lục 1: Công tác tập huấn, tuyên truyền (theo Điều 10 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình):
a) Tập huấn, tuyên truyền:
Nội dung |
Năm |
Kết quả thực hiện |
|||||||||||
Cấp Thành phố |
Cấp quận - huyện |
Cấp phường - xã |
|||||||||||
Tập huấn |
Tuyên truyền |
Tập huấn |
Tuyên truyền |
Tập huấn |
Tuyên truyền |
||||||||
Lớp |
Lượt tham dự viên |
Cuộc |
Lượt người dự |
Lớp |
Lượt tham dự viên |
Cuộc |
Lượt người dự |
Lớp |
Lượt tham dự viên |
Cuộc |
Lượt người dự |
||
1. Chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên gia đình. 2. Truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. 3. Tác hại của bạo lực gia đình. 4. Biện pháp mô hình, kinh nghiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình. 5. Kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hóa. 6. Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình. |
2009 |
5 |
375 |
1 |
1.000 |
97 |
13.000 |
279 |
14.206 |
579 |
15.428 |
11.935 |
283.821 |
2010 |
7 |
717 |
1 |
450 |
51 |
7.061 |
96 |
7.666 |
204 |
13.642 |
1.476 |
65.956 |
|
2011 |
2 |
96 |
1 |
350 |
39 |
5.351 |
25 |
3.695 |
1.203 |
60.438 |
2.658 |
128.351 |
|
2012 |
2 |
150 |
4 |
1.600 |
154 |
15.595 |
311 |
36.536 |
795 |
61.792 |
2.990 |
124.987 |
|
2013 |
1 |
325 |
1 |
325 |
132 |
12.668 |
132 |
12.668 |
1.058 |
66.667 |
1.882 |
114.740 |
|
Tổng |
7 |
1.663 |
8 |
3.725 |
473 |
53.675 |
843 |
74.771 |
3.839 |
217.967 |
20.941 |
717.855 |
b) Thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan:
Nội dung |
Năm |
Tổng |
|||||
2008 |
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
||
Phát thanh lưu động |
/ |
/ |
98 |
179 |
256 |
210 |
743 |
Phát thanh cố định |
/ |
521 |
901 |
2.415 |
2.083 |
1.780 |
7.700 |
Băng rôn |
113 |
180 |
221 |
599 |
1.607 |
2.537 |
5.257 |
Pano |
36 |
160 |
270 |
118 |
290 |
502 |
1.376 |
Áp phích |
/ |
4 |
8 |
381 |
55 |
32 |
480 |
Tài liệu tuyên truyền (quyển) |
/ |
20.000 |
26.000 |
/ |
160.612 |
3.749 |
210.361 |
Tờ rơi, tờ gấp |
1.488 |
49.500 |
194.184 |
42.398 |
113.072 |
249.136 |
649.778 |
Bản tin, tờ tin, bài viết |
/ |
/ |
73 |
505 |
36.096 |
51.784 |
88.458 |
Phụ lục 2. Số liệu về Phòng, chống bạo lực gia đình.
(Thu thập theo Thông tư 23/2011/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2011 về quy định thu thập, xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình và Quyết định 4249/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Chương trình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011- 2020)
1. Số vụ bạo lực gia đình:
Thời gian |
Tổng số vụ bạo lực gia đình |
Tỷ lệ giảm so với năm trước |
Hình thức bạo lực |
Nạn nhân bạo lực gia đình |
|||||||||||
BL thân thể |
BL tinh thần |
BL tình dục |
BL kinh tế |
Trong đó: |
|||||||||||
Tổng số nạn nhân |
Tỷ lệ giảm so với năm trước |
Tỷ lệ nạn nhân bị BLGĐ * |
Từ 60 tuổi trở lên |
Từ 16 đến 59 tuổi |
Dưới 16 tuổi |
||||||||||
|
Vụ |
% |
Vụ |
Người |
% |
% |
Nam |
Nữ |
Nam |
Nữ |
Nam |
Nữ |
|||
6 tháng cuối 2009 |
364 |
/ |
188 |
130 |
2 |
44 |
388 |
/ |
0,0054 |
9 |
30 |
20 |
310 |
6 |
13 |
2010 |
486 |
/ |
280 |
173 |
5 |
28 |
503 |
/ |
0,0068 |
9 |
57 |
23 |
376 |
12 |
26 |
2011 |
396 |
18,52 |
257 |
111 |
4 |
24 |
412 |
18,1 |
0,0054 |
7 |
35 |
27 |
309 |
13 |
21 |
2012 |
237 |
40,16 |
152 |
74 |
1 |
10 |
274 |
33,5 |
0,0035 |
6 |
30 |
24 |
182 |
16 |
16 |
2013 |
121 |
48,95 |
71 |
38 |
6 |
6 |
130 |
52,56 |
0,0016 |
3 |
3 |
6 |
101 |
9 |
8 |
Tổng |
1.604 |
/ |
948 |
526 |
18 |
112 |
/ |
/ |
/ |
34 |
155 |
100 |
1.278 |
56 |
84 |
* Giải thích:
- Công thức tính: Tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình (%) = Số nạn nhân BLGĐ được phát hiện/Tổng dân số X 100 (quy định tại điểm 3102. Quyết định 5139/QĐ-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.)
- Tổng dân số TP.HCM (theo Tổng cục Thống kê Việt Nam): Năm 2009 có 7.169.100 người; Năm 2010 có 7.378.000 người; Năm 2011 có 7.521.000 người; Năm 2012 có 7.750.900 người; Năm 2013 có 7.990.100 người.
2. Các biện pháp xử lý, can thiệp của địa phương, cộng đồng:
Hình thức xử lý |
Năm |
||||
6 tháng cuối 2009 |
2010 |
2011 |
2012 (có 02 vụ áp dụng cả 2 hình thức: góp ý, xử phạt) |
2013 (có 2 vụ sử dụng cả 2 biện pháp: góp ý và giáo dục; tư vấn tại cộng đồng và hoà giải) |
|
Số vụ tư vấn tại cộng đồng (TV không chuyên nghiệp) |
/ |
/ |
/ |
84 |
19 |
Số vụ đã hòa giải (có hồ sơ) |
163 |
356 |
233 |
86 |
11 |
Số vụ góp ý phê bình cộng đồng dân cư |
41 |
97 |
82 |
37 |
44 |
Số trường hợp bị áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc |
3 |
9 |
1 |
0 |
0 |
Số trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục |
0 |
0 |
0 |
14 |
5 |
Số trường hợp xử phạt hành chính |
83 |
77 |
101 |
15 |
33 |
Số trường hợp bị xử lý hình sự |
19 |
20 |
22 |
3 |
11 |
Tổng: |
309 |
559 |
439 |
239 |
123 |
3. Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình:
STT |
Nội dung |
Năm |
Ghi chú |
||||
6 tháng cuối 2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
|||
1 |
Số cơ sở tư vấn |
/ |
/ |
/ |
417 |
217 |
|
1.1 |
Số người gây bạo lực được tư vấn |
/ |
/ |
/ |
0 |
0 |
|
1.2 |
Số nạn nhân bị bạo lực gia đình được tư vấn |
/ |
/ |
/ |
3 |
0 |
|
2 |
Số cơ sở khám, chữa bệnh |
/ |
/ |
/ |
865 |
707 |
|
2.1 |
Số nạn nhân đến cơ sở khám, chữa bệnh |
/ |
/ |
/ |
8 |
14 |
|
3 |
Số cơ sở bảo trợ xã hội |
/ |
/ |
/ |
138 |
138 |
|
3.1 |
Số nạn nhân đến cơ sở bảo trợ xã hội |
/ |
/ |
/ |
0 |
2 |
|
4 |
Số cơ sở hỗ trợ nạn nhân |
/ |
/ |
/ |
0 |
0 |
|
4.1 |
Số nạn nhân đến cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ |
/ |
/ |
/ |
0 |
0 |
|
5 |
Số địa chỉ tin cậy ở cộng đồng |
587 |
459 |
752 |
923 |
1.190 |
|
5.1 |
Số nạn nhân đến địa chỉ tin cậy ở cộng đồng |
29 |
25 |
15 |
5 |
3 |
|
Phụ lục 3: Số liệu về số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa:
Năm |
Số hộ đăng ký |
Số hộ đạt |
Tỷ lệ đạt so với |
Ghi chú |
|
Số hộ đăng ký |
Tổng số hộ |
||||
2008 |
1.111.397 |
974.971 |
87,72% |
68,41% |
Tổng số 1.425.000 hộ gia đình (theo Cục Thống kê) |
2009 |
1.144.711 |
1.015.553 |
88,71% |
71,26% |
// |
2010 |
1.171.967 |
1.052.379 |
89,79% |
57,67% |
Tổng số 1.824.822 hộ gia đình (theo Cục Thống kê) |
2011 |
1.221.381 |
1.088.982 |
89,15% |
59,67% |
// |
2012 |
1.230.445 |
1.122.044 |
91,19% |
61,48% |
// |
2013 |
1.281.087 |
1.166.764 |
91,07% |
63,93% |
// |
Phụ lục 4: Số liệu án bạo lực gia đình:
Tòa án |
Năm |
Số vụ |
Ghi chú |
24 TAND quận huyện |
2008 |
288 |
|
24 TAND quận huyện |
2009 |
342 |
|
24 TAND quận huyện |
2010 |
443 |
|
24 TAND quận huyện |
2011 |
464 |
|
24 TAND quận huyện |
2012 |
557 |
|
24 TAND quận huyện |
2013 |
254 |
|
TAND TPHCM |
2007 - 2013 |
5 |
|
Tổng cộng |
2.426 |
|
Phụ lục 5: Kết quả thụ lý, giải quyết những vụ án hình sự về bạo lực gia đình:
Thụ lý kiểm tra điều tra |
Kết quả |
||||
Truy tố |
Đình chỉ |
Tạm đình chỉ |
Chuyển đi nơi khác |
Hủy bỏ quyết định khởi tố |
|
144 vụ/146 bị can |
116/120 bị can |
4 vụ/4 bị can |
2 vụ |
1 vụ/1 bị can |
1 bị can (do thiếu căn cứ) |
Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử |
111 vụ/115 bị cáo. Trong đó, án điểm xét xử lưu động 1 vụ/1 bị cáo |
[1] Nguồn: Niên giám thống kê năm 2013, Cục thống kê Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Nguồn: Tổng điều tra dân số ngày 01/4/2009.
[3] Chi tiết tại Phụ lục 2.
[4] Quyết định 2347/QĐ-UBND ngày 10/5/2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các Tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có 14 Tiêu chuẩn văn hóa; và Quyết định 4946/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các Tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2012 - 2015, trong đó có 12 Tiêu chuẩn văn hóa.
[5] Nguồn: Báo cáo số 5959/BC-SVHTTDL-VHGĐ ngày 31/12/2010 về thực trạng cán bộ làm công tác gia đình Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010.
[6] Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình cấp phường - xã có từ 7 đến 12 thành viên, gồm: Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn phụ trách công tác văn hóa - xã hội làm trưởng ban, các phó trưởng ban là lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ và công chức văn hóa - xã hội hoặc cán bộ phụ trách công tác gia đình; các thành viên khác trong Ban Chỉ đạo là cán bộ Tư pháp, lãnh đạo Công an, Trạm Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...
[7]7 Điểm b, khoản 8, điều 5 Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21/10/2011 của Bộ tài Chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập.
[8] Nguồn số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 6 tháng cuối năm 2009, tổng số 364 vụ (180 vụ bạo lực thể xác, 130 vụ bạo lực tinh thần, 02 vụ bạo lực tình dục, 44 vụ bạo lực kinh tế); Năm 2010, tổng số 486 vụ (280 vụ bạo lực thể xác, 173 vụ bạo lực tinh thần, 05 vụ bạo lực tình dục, 28 vụ bạo lực kinh tế); Năm 2011, tổng số 396 vụ (257 vụ bạo lực thể xác, 111 vụ bạo lực tinh thần, 04 vụ bạo lực tình dục, 24 vụ bạo lực kinh tế); Năm 2012, tổng số 237 vụ (152 vụ bạo lực thể xác, 74 vụ bạo lực tinh thần, 01 vụ bạo lực tình dục, 10 vụ bạo lực kinh tế); Năm 2013, tổng số 121 vụ (1 vụ bạo lực thể xác, 38 vụ bạo lực tinh thần, 06 vụ bạo lực tình dục, 06 vụ bạo lực kinh tế). Số liệu vừa nêu cho thấy mức giảm hàng năm trung bình từ 100 đến trên 150 vụ, tỷ lệ giảm năm 2011 so với năm 2010 là 18,52%, giảm năm 2012 so với năm 2011 là 40,16%, giảm năm 2013 so với năm 2012 là 48,95%.
[9] Ngày 28 tháng 02 năm 2010, Toà án nhân dân Quận Tân Bình tuyên phạt bị cáo Tạ Văn Thành 02 năm tù về tội “Hành hạ con” là cháu Tạ Thị Thu Thảo. Ngày 29 tháng 3 năm 2013, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt tử hình đối với bị cáo Dư Kim Liên về tội “giết người”, bị hại là chồng của bị cáo.
Báo cáo 182/BC-UBND năm 2014 về báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2008-năm 2013)
Số hiệu: | 182/BC-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Báo cáo |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký: | Hứa Ngọc Thuận |
Ngày ban hành: | 14/10/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Báo cáo 182/BC-UBND năm 2014 về báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2008-năm 2013)
Chưa có Video