ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/BC-UBND |
Hà Giang, ngày 12 tháng 01 năm 2016 |
Thực hiện công văn số 374-CV/BCĐTB ngày 30/12/2015 của Ban chỉ đạo Tây Bắc về việc phối hợp chuẩn bị tổ chức Hội thảo thu hút khách du lịch vào vùng Tây Bắc, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang báo cáo Thực trạng và giải pháp thu hút khách du lịch, phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020, như sau:
1. Thuận lợi
Là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của tổ quốc, Hà Giang có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển du lịch. Phía Tây Bắc giáp Trung Quốc - thị trường lớn của du lịch Việt Nam, đồng thời là điểm kết nối quan trọng của vòng cung du lịch Đông Tây Bắc. Cùng với xu thế phát triển và tính tất yếu của việc liên kết có quy mô cấp vùng, trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều nội dung hợp tác phát nhằm khai thác, phát huy thế mạnh của mỗi tỉnh trên cơ sở những đặc điểm tương đồng trong lịch sử, văn hóa và tiềm năng tài nguyên du lịch thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực.
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh, sự giúp đỡ của các Bộ ban, ngành Trung ương, sự tham gia phối hợp, tích cực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp. Những năm qua hoạt động Du lịch tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả khá nổi bật, xác định được phát triển du lịch theo hướng bền vững; công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm, liên kết phát triển du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch... được đổi mới cả về hình thức và nội dung Thu hút đông đảo du khách đến với Hà Giang nói chung và CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng.
2. Khó khăn
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Du lịch Hà Giang còn nhiều hạn chế và bất cập; hoạt động du lịch còn chủ yếu dựa vào tự nhiên; kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, phát triển nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, thiếu bền vững; thiếu sự đầu tư trọng điểm và đồng bộ, số lượng dự án đã triển khai và đi vào hoạt động còn ít, hiệu quả chưa cao;
Sản phẩm chưa đa dạng, phong phú, chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng chưa đáp ứng nhu cầu, kém tính cạnh tranh, việc liên kết phát triển du lịch chưa được quan tâm,... Bên cạnh đó công tác quảng bá và xúc tiến du lịch còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong đầu tư phát triển du lịch. Cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu trong phát triển lĩnh vực du lịch...
II. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2015
1. Về công tác lãnh, chỉ đạo
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV (Nhiệm kỳ 2010 - 2015), về xây dựng Chương trình "Phát triển Văn hóa gắn với du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, địa chất, tâm linh”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 62-CTr/TU ngày 29/3/2013 về phát triển Văn hóa gắn với Du lịch, giai đoạn 2013 - 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 26/7/2013 để triển khai thực hiện chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo các cấp, các ngành gắn công tác phát triển du lịch với việc khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là định hướng chỉ đạo kịp thời nhằm gắn kết công tác phát triển các sản phẩm du lịch với việc khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Tỉnh đã tạo cơ chế thu hút đầu tư như: Ưu tiên hỗ trợ hạ tầng (điện, đường), đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để các hộ dân đầu tư phát triển du lịch cộng đồng (theo Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND; Quyết định số 2748/2012/QĐ-UBND). Hiện tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích đẩy mạnh, thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
2. Về mạng lưới du lịch
- Về hoạt động kinh doanh dịch vụ từ khách du lịch: Năm 2015 lượng khách du lịch đến với Hà Giang ước đạt 762.622 lượt người;([1])
- Về lữ hành: Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và 5 công ty kinh doanh lữ hành nội địa. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lữ hành đang từng bước phát huy có hiệu quả về quảng bá hình ảnh của du lịch Hà Giang đến với các thị trường đối tác;
- Về cơ sở lưu trú du lịch: Cơ sở vật chất chuyên ngành du lịch dịch vụ bước đầu phát triển([2])
- Về nguồn nhân lực du lịch: lực lượng lao động làm việc trong ngành du lịch ít, số người được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp thấp, số lao động phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu công việc do chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ hạn chế([3])
3. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch trong những năm qua còn hạn chế so với tiềm năng du lịch của tỉnh. Tính đến hết năm 2015 số vốn đăng ký và nguồn đã và đang đầu tư vào du lịch mới đạt trên 1.500 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách nhà nước đối với một số công trình bảo tồn văn hóa, phát triển hạ tầng du lịch, còn lại do các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng, làng VHDL cộng đồng,...
Nhìn chung tiến độ và nguồn vốn đầu tư còn chậm, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ các dự án chưa đồng bộ, cơ chế chính sách chưa kịp thời dẫn tới nhiều dự án không phát huy được giá trị tiềm năng. Bên cạnh đó còn có sự chủ quan chưa đánh giá nhu cầu thị trường, chưa gắn kết với các doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở dịch vụ trong khai thác dẫn tới một số dự án đầu tư không hiệu quả.
Nguồn xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng du lịch những năm qua đã được tăng cường nhờ những chủ trương và cơ chế ưu đãi hỗ trợ kịp thời, thu hút sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, cá nhân (chiếm tới 70% tổng số vốn).
4. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch
Các ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá với nhiều hình thức phong phú, đa dạng hóa các kênh thông tin, gắn kết chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương và Trung ương. Bên cạnh đó, ngành VH, TT&DL đã tích cực chủ động xây dựng chương trình xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng các ấn phẩm quảng bá du lịch, tham gia nhiều chương trình hội chợ du lịch của khu vực, các địa phương và hội chợ quốc tế trong nước, gắn với các sự kiện, hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả.
III. XÂY DỰNG SẢN PHẨM DU LỊCH LIÊN VÙNG THU HÚT KHÁCH DU LỊCH ĐẾN HÀ GIANG VÀ VÙNG TÂY BẮC
Có thể khẳng định, khối hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh TBMR được hình thành trên cơ sở những đặc điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử và tiềm năng thế mạnh của từng địa phương nhằm tạo nên một thương hiệu du lịch chung cho khu vực. Trải qua 5 năm thực hiện khung chương trình hợp tác, ngày 18/6/2010 đã mang lại những hiệu quả thiết thực góp phần vào sự thúc đẩy phát triển du lịch của vùng và từng địa phương. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, tỉnh Hà Giang đã chủ động phối hợp tổ chức được nhiều hoạt động, chủ động đề xuất các giải pháp thực hiện cho phù hợp và nâng cao hơn nữa hiệu quả trong quá trình hợp tác.
1. Về công tác Quy hoạch xây dựng sản phẩm du lịch
Công tác lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn đã được chú trọng, qua đó là căn cứ để các tỉnh xây dựng và thực thi kế hoạch hợp tác phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, trong đó sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương mang tính đặc thù, có yếu tố khác biệt tại mỗi điểm đến, có tính cạnh tranh cao so với các điểm đến và vùng, miền khác nhằm hấp dẫn thị trường khách du lịch quốc tế, nội địa.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang([4]). Đã xác định đầu tư định hướng phát triển các sản phẩm đặc thù có thế mạnh trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên với các nội dung cụ thể như sau:
- Du lịch địa chất: Phát triển du lịch tham quan, nghiên cứu, hoạt động khoa học, giáo dục tại Khu du lịch CVĐCTCCNĐ Đồng Văn. Xây dựng khu du lịch cao nguyên đá thành sản phẩm đặc trưng làm tiền đề định vị thương hiệu du lịch cho tỉnh Hà Giang;
- Du lịch văn hóa: Tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, các công trình kinh tế xã hội,...;
- Du lịch sinh thái: Tham quan cảnh quan, nghiên cứu, thể thao, du lịch mạo hiểm, khám phá;
- Du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe;
- Du lịch cộng đồng gắn với các bản dân tộc;
- Du lịch vui chơi giải trí cuối tuần;
- Du lịch thương mại cửa khẩu biên giới;
- Du lịch văn hóa tâm linh;
- Du lịch MICE (Hội nghị, hội thảo, hội chợ,...).
Bên cạnh đó phát triển sản phẩm hàng hóa như: Hàng thủ công truyền thống gắn với các bản dân tộc; các đặc sản tự nhiên và ẩm thực; dược liệu. Quy hoạch các vùng chuyên canh về cây, hoa,... để góp phần hấp dẫn khách du lịch và tăng khả năng chi tiêu của khách. Trong năm 2015 đã bước đầu đưa sản phẩm du lịch nông nghiệp vào thử nghiệm thành công, thông qua tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ nhất.
Đối với công tác quy hoạch phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 về Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 30/5/2014 về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030; Hiện nay đang hoàn thiện “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn” đến 2020, tầm nhìn 2030” trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý II/2016.
2. Xây dựng các sản phẩm, tài nguyên du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc
Vùng Tây Bắc và Hà Giang có nhiều lợi thế về tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng; Du lịch sinh thái; Du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng; Du lịch nghỉ dưỡng; Du lịch mạo hiểm leo núi... là cơ sở để phát triển thành những sản phẩm du lịch đặc thù có tính liên vùng và cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ, phần lớn tài nguyên du lịch ở Hà Giang vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác. Qua điều tra thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh, có trên 410 điểm sản phẩm du lịch nổi trội và được phân loại như sau:
- Về danh thắng, cảnh quan tự nhiên: Hà Giang có nhiều khu vực có giá trị về cảnh quan đẹp đã và đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút khai thác du lịch([5])
- Về du lịch tâm linh: Hà Giang có hệ thống các cơ sở tín ngưỡng như Đình, Đền, Chùa của Hà Giang chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc gắn với văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đồng bào địa phương ([6]) ... Thời gian qua các cơ sở tín ngưỡng này đã và đang được đầu tư trùng tu, tôn tạo để phát triển và khai thác loại hình du lịch tâm linh một cách có hiệu quả thu hút được một lượng khách du lịch đáng kể...
- Về hang, động: Hà Giang có rất nhiều hang động có thể đưa vào khai thác du lịch ([7]). Tuy nhiên đến nay hầu hết các hang động đều chưa có sự đầu tư, hệ thống cơ sở hạ tầng đường, điện đều chưa có nên chưa phát huy được hiệu quả. Đến nay mới có hang Lùng Khúy (Quản Bạ) là đã được đầu tư và đưa vào khai thác du lịch.
- Về làng nghề truyền thống: Đến nay có hơn 30 làng nghề được tỉnh công nhận, cơ bản đã phát huy hiệu quả.(9)
- Về Làng văn hóa du lịch cộng đồng: Công tác phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, đem lại một diện mạo mới theo hướng tích cực(8). Sản phẩm du lịch cộng đồng Hà Giang tuy mới hình thành nhưng cũng đã có những hiệu quả bước đầu, hình thành nên chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc có thương hiệu như Sa Pa, Mai Châu, Mộc Châu. Tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể: việc lựa chọn, và đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, các hạng mục còn thiếu chọn lọc không đảm bảo điều kiện phục vụ, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, yếu tố văn hóa trong sản phẩm du lịch còn hạn chế,... hiện mới có thôn Thanh Sơn - Vị Xuyên, Thôn Nặm Đăm (Quản Bạ) hoàn thành tiêu chí thực hiện Tuyên bố Pan hou.
- Về sản phẩm chợ phiên vùng cao: định hướng phát triển phiên chợ vùng cao để khai thác thành các sản phẩm hấp dẫn đã được quan tâm chú trọng, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường, bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực và sản vật địa phương phục vụ du khách. Lồng ghép tổ chức các hoạt động sinh hoạt giao lưu văn hóa văn nghệ tại chợ phiên.(10)
- Về Lễ hội: Phát huy tốt một số lễ hội; Đẩy mạnh việc gắn với những hoạt động văn hóa như hát dân ca, dân vũ các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó một số ít là lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo như lễ hội Đền Mẫu (Tp Hà Giang), Cúng thần rừng (Đồng Văn) đây là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch lễ hội.
- Về di tích lịch sử cách mạng, khảo cổ, địa chất: Công tác đầu tư cho các công trình, phát triển các sản phẩm hỗ trợ tại điểm di sản di tích còn hạn chế, hệ thống dịch vụ, biển bảng chỉ dẫn và công tác khoanh vùng bảo vệ còn chưa đáp ứng nên đến nay mới chỉ có một số điểm đã khai thác hiệu quả.
- Về di tích cách mạng, công trình kiến trúc: các công trình đã và đang được đầu tư như: Nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, Đồn Cao (Đồng Văn); Căng Bắc Mê (Bắc Mê); Di tích cách mạng tiểu khu Trọng Con (Bắc Quang); Kỳ đài, quảng trường 26/3 (Tp Hà Giang); di tích Nàn Ma (Xín Mần).
- Về di tích khảo cổ: Một số di tích khảo cổ có giá trị được phát hiện gắn với các điểm hang động, và có tiềm năng về khai thác du lịch như hang Đán Cúm - Nà Trào, Bó Khiếu (Bắc Mê), Cán Tỷ (Quản Bạ). Đặc biệt là di tích bãi đá cổ Nấm Dẩn (Xín Mần).
- Về các di sản địa chất: công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã xác định được nhiều điểm di sản địa chất có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và mở ra loại hình, sản phẩm du lịch mới - du lịch địa chất. Đến nay đã xác định và khoanh vùng bảo vệ được trên 20 điểm di sản địa chất có thể đưa vào khai thác trong các chương trình du lịch.(11)
- Về khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí: Nhìn chung các khu, điểm du lịch vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh mà chủ yếu vừa đầu tư vừa khai thác chưa phát huy được hiệu quả khai thác do thiếu nguồn đầu tư và bất cập trong cơ chế quản lý. Khu du lịch sinh thái Trường Xuân, Thạch Lâm Viên, khu DLST tâm linh Núi Cấm (Tp Hà Giang); Pan Hou (Hoàng Su Phì); Nậm An, hồ Quang Minh (Bắc Quang), lòng hồ thủy điện Na Hang (Bắc Mê). Các dự án DLST suối khoáng nóng kết hợp nghỉ dưỡng như Quảng Nguyên (Xín Mần), Thanh Hà (Vị Xuyên).
- Về du lịch sinh thái, Vườn quốc gia, khu bảo tồn: Việc khai thác giá trị tài nguyên rừng mới chỉ dừng ở góc độ kinh tế lâm nghiệp chưa chú trọng đến việc đầu tư và phát triển du lịch, một số khu rừng nguyên sinh, rừng có cảnh quan, đa dạng sinh học hấp dẫn có tiềm năng để khai thác du lịch vẫn chưa có định hướng bảo vệ khai thác phục vụ du lịch. Hoạt động du lịch hiện nay mới chỉ có một số khai thác tại các khu vực rừng như rừng nguyên sinh đèo gió, khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh hay những khu rừng chè cổ thụ ở phía Tây Nam, thu hút được tương đối đông lượng khách chủ yếu là khách Âu theo các tuyến đi bộ dã ngoại, khám phá do các công ty lữ hành tổ chức, liên kết được với các tuyến du lịch dã ngoại từ khu vực Sa Pa? Bắc Hà tỉnh Lào Cai đến.
- Về Sản phẩm quà tặng lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ: hiện nay một số nghề thủ công truyền thống đã được khôi phục và sản xuất, tuy nhiên chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất các mặt hàng lưu niệm quà tặng du lịch đặc trưng của tỉnh, hiện mới có các mặt hàng nông sản (gạo, cam sành, hồng không hạt, lê, mận đào, thịt bò khô vùng cao); hàng dược liệu (tam thất, chè giảo cổ lam, mật ong bạc hà); các mặt hàng cây công nghiệp (chè, thảo quả) các thương hiệu rượu của các địa phương: Thổ cẩm và trang phục quần áo dân tộc; chè đóng hộp; chế tác khèn Mông; bánh kẹo, rượu từ hoa tam giác mạch; Các mặt hàng lưu niệm khác như tranh ảnh, vật phẩm, biểu tượng, quà tặng từ đá có gắn với hình ảnh du lịch của tỉnh Hà Giang cũng rất ít, sản phẩm quà tặng chưa được chú trọng phát triển.
- Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù gắn với du lịch nông nghiệp: Xác định du lịch nông nghiệp gắn với lợi thế cảnh quan đặc thù vùng công viên địa chất là sản phẩm quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh qua đó tạo cơ hội cho người dân được trực tiếp tham gia vào hoạt động phục vụ khai thác du lịch, tạo ra nguồn sinh kế mới. Tỉnh Hà Giang đã định hướng trong công tác chỉ đạo, quy hoạch vùng trồng Tam giác mạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giá trị, khuyến khích việc gieo trồng và sản xuất các sản phẩm từ Tam giác mạch bên cạnh việc tăng mức hưởng lợi từ hoạt động tham quan du lịch cho người dân.
IV. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH HÀ GIANG ĐẾN 2020
1. Mục tiêu
- Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế Văn hóa, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển Du lịch;
- Bảo tồn các Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc; chú trọng việc bảo tồn và phát huy các Lễ hội truyền thống, nghi lễ tín ngưỡng dân gian; các làn điệu dân ca, dân vũ; những nét sinh hoạt Văn hóa truyền thống; các làng nghề truyền thống; các Hội nghệ nhân dân gian,... để phục vụ cho Du lịch;
- Tập trung xây dựng các làng Văn hóa Du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới để phục vụ cho phát triển Du lịch;
- Tiếp tục đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử Văn hóa đã được Nhà nước và Tỉnh xếp hạng, đồng thời lập hồ sơ để đề nghị xếp hạng các di tích mới có giá trị về lịch sử, có điều kiện thuận lợi để thu hút du khách tới tham quan Du lịch;
- Tăng cường mọi nguồn lực triển khai quy hoạch phát triển Du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được phê duyệt, đồng thời xây dựng phương án khoanh vùng bảo vệ các di sản địa chất; Di sản Văn hóa vật thể, phi vật thể để phục vụ du lịch;
- Đẩy mạnh khai thác và đa dạng hóa sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa tại các khu vực lòng hồ thủy điện có tiềm năng, đặc biệt là lòng hồ thủy điện Na Hang - Tuyên Quang tại huyện Bắc Mê;
- Bổ sung xây dựng các điểm dừng chân, đài vọng cảnh trên một số tuyến, điểm du lịch có quần thể cảnh quan hấp dẫn, đa dạng hóa các mặt hàng lưu niệm, sản vật địa phương phục vụ khách tại các trung tâm thông tin du lịch, điểm dừng ...
- Có sự đầu tư thỏa đáng về kinh phí cho phát triển Văn hóa gắn với du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013 - 2020.
- Kêu gọi đầu tư, xây dựng các dự án phát triển du lịch; đặc biệt dự án khu du lịch dịch vụ, vui chơi giải trí cao cấp tại Thành phố Hà Giang....
2. Nhiệm vụ
2.1. Phát triển nguồn nhân lực du lịch
Phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch do các tổ chức phi chính phủ, dự án tài trợ. Bổ sung kiện toàn nguồn nhân lực có trình độ thực hiện công tác quản lý, hoạt động du lịch tại các địa phương.
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại chỗ có chất lượng cho các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các cty du lịch ... bằng việc liên kết đào tạo thông qua Hiệp hội du lịch, trường Cao đẳng nghề, các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong nước. Ưu tiên tổ chức các lớp đào tạo về các kỹ năng, kiến thức: Quy hoạch, quản lý nhà nước về du lịch; 7 kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn VTOT; Du lịch cộng đồng; Ngoại ngữ chuyên ngành du lịch...
2.2. Phát triển mạng lưới lữ hành, tuyến du lịch:
- Tạo cơ chế hỗ trợ phát triển mạng lưới lữ hành trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực hoạt động cho các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để khai thác tốt hơn thị trường khách. Tăng cường các hoạt động xúc tiến kết nối sản phẩm, tuyến điểm với các doanh nghiệp đến khai thác thị trường du lịch Hà Giang.
- Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, đẩy mạnh khai thác một số tuyến tuyến du lịch trong tuyến vòng cung Đông - Tây Bắc.
2.3. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú:
- Hỗ trợ và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ;
- Lập quy hoạch dịch vụ lưu trú du lịch và nhà hàng để đảm bảo sự phát triển bền vững hợp lý. Mục tiêu đến 2020 có 15% - 20% cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1 - 3 sao trở lên.
2.4. Phát triển thị trường khách du lịch:
- Về thị trường khách du lịch nội địa: thị trường mục từ Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng; Thị trường các tỉnh lân cận trong vùng Đông - Tây bắc; Thị trường các tỉnh Nam Bộ...
- Thị trường khách quốc tế: Phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đến Hà Giang từ các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh... và từ Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ như Thanh Thủy, hoặc qua các cặp tiểu ngạch. Tập trung ưu tiên phát triển thị trường truyền thống, khả năng chi tiêu cao: Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc... các thị trường trong mối liên hệ của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu GNN. Đẩy mạnh phát triển thị trường các nước Đông Bắc Á.
2.5. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù:
- Xây dựng các Làng văn hóa du lịch có chất lượng: Đảm bảo đúng tiến độ chương trình xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với nông thôn mới theo tinh thần tại Tuyên bố Panhou năm 2012, làm cơ sở để phát triển loại hình du lịch cộng đồng một cách đúng hướng, trọng tâm trọng điểm. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển một số làng có tiềm năng khai thác như Hạ Thành (Tp Hà Giang), Lũng Cẩm trên, Lô Lô chải. (Đồng Văn), My Bắc (Quang Bình), Nặm Đăm (Quản Bạ).
- Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa(12): bảo tồn và phát huy một số lễ hội đặc sắc của một số dân tộc có thể đưa vào khai thác hoạt động du lịch; Bảo tồn phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề, phát triển những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm có giá trị, có khả năng cung cấp phục vụ du lịch. Tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn thông qua hoạt động tham quan trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa; Xây dựng các chương trình du lịch chuyên đề về chợ phiên trong du lịch vùng cao;
Phát huy giá trị của di tích, đưa các di tích lịch sử trở thành điểm nhấn trong hoạt động khai thác du lịch. Tăng cường nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày bổ sung hiện vật tại các di tích; Tập trung đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng và phát triển các loại hình sản phẩm du lịch nhằm phát huy giá trị, khai thác hiệu quả phục vụ du lịch.
- Phát triển sản phẩm du lịch tâm linh, tín ngưỡng: Đầu tư tôn tạo nâng cấp các điểm tâm linh có giá trị, tiềm năng, đồng thời nâng cấp hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch tại điểm nhằm nâng cao hiệu quả khai thác trở thành điểm nhấn về du lịch tâm linh; Xúc tiến xây dựng đền "Mắt rồng" gắn với thờ Thái úy Việt Quốc công Lý thường Kiệt và Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ tại Lũng Cú)... đảm bảo phù hợp cả quy mô và tính nghệ thuật, kiến trúc để phục vụ du lịch.
- Phát triển sản phẩm du lịch, sinh thái gắn với các hoạt động khám phá, trải nghiệm.(13)
Khoanh định vùng bảo vệ, phát triển các tuyến du lịch trong khu vực bảo tồn thiên nhiên như Tây côn Lĩnh, Du già - Minh Sơn, rừng nguyên sinh Đèo gió... Lựa chọn vị trí địa điểm thích hợp, xây dựng, các điểm dừng chân, vọng cảnh và công trình phụ trợ trên các tuyến du lịch có cảnh quan hấp dẫn như: cụm cảnh quan danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cụm cảnh quan cao nguyên đá...
Chuẩn hóa mô hình du lịch nông nghiệp, tăng cường các hoạt động trải nghiệm theo mô hình 3 cùng (cùng ăn, cùng ở và cùng làm) gắn với di các hoạt động trải nghiệm cày và canh tác ngô trên nương đá, trên các sườn dốc đứng tại một số làng văn hóa du lịch cộng đồng trên công viên địa chất cao nguyên đá.
- Thu hút đầu tư tôn tạo để phát huy hiệu quả các Di sản danh lam thắng cảnh như: Ruộng bậc thang (Hoàng Su Phì); Núi đôi (Quản Bạ); Thác tiên, đèo gió (Xín Mần); cổng trời Mã Pì Lèng (Mèo Vạc); giữ gìn, bảo vệ và nhân rộng các giống hoa quý trên Cao nguyên đá; Khai thác các điểm Du lịch sinh thái như: Công viên nước Hà Phương; Núi cấm, Mỏ neo (TP Hà Giang); Đặc biệt Khu du lịch Suối khoáng Quảng ngần (Vị Xuyên)...
- Phát triển sản phẩm du lịch địa chất: đầu tư xây dựng 3 công viên chuyên đề theo các loại hình di sản đặc thù, gồm: Công viên khoa học địa chất tại khu vực huyện Mèo Vạc, Công viên Địa sinh thái tại khu vực huyện Yên Minh và huyện Quản Bạ. Quy hoạch đầu tư 4 trung tâm du lịch phục vụ phát triển kinh tế, du lịch gồm: Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử Đồng Văn; Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu Mèo Vạc; Trung tâm du lịch sinh thái đô thị xanh Yên Minh; Trung tâm du lịch vui chơi giải trí Quản Bạ, đa dạng hóa trong việc xây dựng sản phẩm du lịch địa chất đặc thù.
- Đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch: Các địa phương cần chủ động tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức và các dự án đầu tư cho vùng nông thôn để phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hàng lưu niệm; Phát triển các nghề thủ công trong gia đình để tiến tới hình thành các làng nghề, hợp tác xã thủ công, cơ sở sản xuất tập trung. Khôi phục kỹ thuật chế tác truyền thống, tạo ra các sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc. Sáng tạo các mẫu sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu thị trường, tính biểu trưng và tiện dụng của mặt hàng quà tặng, đồ lưu niệm du lịch.
2.6. Tăng cường xúc tiến, quảng bá:
- Đổi mới hình thức, hướng vào việc đa dạng hóa các kênh thông tin, gắn kết chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương và Trung ương.
- Tổ chức các sự kiện có tính chất thường niên và trọng điểm tạo thành điểm nhấn trong xúc tiến quảng bá du lịch như Lễ hội hoa tam giác mạch, Tuần lễ du lịch ruộng bậc thang...
2.7. Đẩy mạnh các chương trình hợp tác du lịch liên vùng và quốc tế:
- Tăng cường việc hợp tác với các tỉnh trong khu vực, 2 khối hợp tác 6 tỉnh Việt bắc và nhóm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Bên cạnh đó đẩy mạnh triển khai chương trình hợp tác với một số tỉnh thành lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, triển khai chương trình hợp tác với Cục du lịch Châu Văn Sơn, Cục du lịch Vân Nam - Trung Quốc theo biên bản đã được ký kết, theo biên bản đã được ký kết và khung kế hoạch hoạt động hàng năm;
- Tập trung triển khai các nội dung hợp tác phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh đưa chương trình hợp tác đi vào chiều sâu, thiết thực và có hiệu quả như: Hợp tác Xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch. Phối hợp tạo điều kiện tổ chức các chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước liên kết tuyến, xây dựng chương trình và sản phẩm du lịch. Hợp tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển nhân lực du lịch địa phương.
2.8. Triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt:
Đồng bộ các giải pháp thực hiện hoàn thành cơ bản Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến 2020 định hướng đến 2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030. Hoàn thiện và triển khai Quy hoạch chi tiết “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn”
3. Giải pháp thực hiện
3.1. Giải pháp về Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện:
- Đẩy mạnh công tác chỉ đạo quản lý đầu tư xây dựng, chống phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái (đặc biệt là khu vực cao nguyên đá Đồng Văn);
- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ Tỉnh đến xã, phường, thị trấn chỉ đạo sát sao, tuyên truyền vận động nhân dân phát huy nội lực, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ Di tích lịch sử, bảo vệ nguồn tài nguyên, thiên nhiên; đảm bảo công tác môi trường, an ninh, vệ sinh an toàn thực phẩm, ổn định giá cả thị trường... Tăng cường quản lý Nhà nước về các hoạt động Văn hóa, Du lịch; thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện uốn nắn và xử lý những sai phạm về hoạt động văn hóa, việc tu bổ tôn tạo các di sản Văn hóa, kinh doanh du lịch;
- Ngành Văn hóa, thể thao và Du lịch; các ngành liên quan tham mưu việc ban hành chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững”;
3.2. Giải pháp về tuyên truyền, quảng bá:
- Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, ứng xử thân thiện với môi trường, du khách; phát động phong trào “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”
- Xây dựng trang Web riêng để thông tin, quảng bá về Văn hóa các dân tộc Hà Giang để xúc tiến Du lịch;
- Triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng Panô tấm lớn tại các địa điểm, như sân bay, bến xe, điểm cầu Trì trục đường quốc lộ chính;
- Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá Du lịch; Thiết kế xuất bản các ấn phẩm quảng bá ngắn gọn, đủ thông tin, hình thức đẹp; khuyến khích các mô hình sự nghiệp có thu.
3.3. Giải pháp về vốn, cơ chế, chính sách:
Xây dựng hoàn thiện, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển Du lịch khoa học và có tính chiến lược lâu dài;
- Nghiên cứu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo nhanh, gọn, thông thoáng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư.
- Huy động, tranh thủ, kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ thông qua các dự án, hợp phần đầu tư cho phát triển du lịch Hà Giang;
- Ưu tiên về vốn vay, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, ưu tiên các dự án phát triển sản phẩm du lịch “xanh” thân thiện với môi trường. Khuyến khích đầu tư vào phát triển các loại hình vui chơi giải trí hiện đại, mạo hiểm, đặc thù;
- Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch để huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Tạo cơ chế thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, có chính sách khuyến khích đảm bảo an toàn về vốn cho người đầu tư và đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút được các nhà đầu tư;
3.4. Giải pháp về hợp tác liên vùng, xã hội hóa phát triển du lịch:
- Mở rộng giao lưu hợp tác về du lịch với các địa phương, khu vực và quốc tế bằng nhiều hình thức, nhất là đối với tỉnh Vân Nam Trung Quốc trong việc tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch vì sự phát triển du lịch chung của các địa phương, xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế. Cụ thể hóa các nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa 03 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang - Bắc Kạn với cục du lịch tỉnh Vân Nam - Trung quốc, về đẩy mạnh khai thác cụm du lịch lòng hồ thủy điện Na Hang tại Bắc Mê;
- Kêu gọi các thành phần kinh doanh, các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa về công tác phát triển du lịch, trọng tâm đầu tư phát triển các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các dịch vụ du lịch cao cấp tại các địa phương có tiềm năng lợi thế về phát triển du lịch;
- Hàng năm, cùng với việc bố trí ngân sách địa phương, cần năng động và tranh thủ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa, Du lịch; khuyến khích xã hội hóa để đầu tư, hoàn thiện và phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở; công trình Văn hóa, các dự án bảo tồn Văn hóa gắn với phát triển Du lịch.
Đề nghị Chính phủ, BCĐ Tây Bắc, Bộ Văn hóa thể thao du lịch, Tổng cục du lịch quan tâm hỗ trợ tỉnh trong việc kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch Hà Giang, cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ triển khai dự án quy hoạch du lịch khu vực công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định số: 310/QĐ-TTg ngày 7/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.
2. Hỗ trợ nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, các thiết chế văn hóa cơ sở cho tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển và khai thác du lịch. Trong đó trọng tâm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông (đoạn quốc lộ 4C) theo nội dung đã được duyệt tại Quy hoạch CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, phù hợp với tầm vóc của một công viên địa chất toàn cầu và khu du lịch quốc gia. Hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối giữa các tỉnh như Lào Cai (QL 279, Đoạn Bắc Hà - Xín Mần), Quốc lộ 34 Hà Giang - Cao Bằng.
3. Hỗ trợ công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin của Tổng cục Du lịch. Tạo điều kiện cho tỉnh Hà Giang được tham gia các chương trình, sự kiện xúc tiến du lịch lớn trong và ngoài nước.
4. Hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý ngành nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ.
5. Hỗ trợ mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát và đầu tư các dự án phát triển du lịch tại Hà Giang và khu vực Tây Bắc.
6. Tạo điều kiện, ưu tiên cho vùng Tây Bắc được hưởng một số cơ chế đặc thù trên các lĩnh vực như giao thông, cơ sở hạ tầng, đất đai, chính sách thuế, tài chính nhằm thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Trên đây là báo cáo Thực trạng và giải pháp thu hút khách du lịch Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang trân trọng báo cáo./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
[1] (Số liệu thống kê đến hết 30/11) tăng 8,9% so với kế hoạch năm và tăng 17,3% so với năm 2014. Lượng khách quốc tế ước đạt 145.789 lượt, tăng 21,4% so với năm 2014; khách nội địa đạt 616.833 lượt, tăng 16,3% so với năm 2014 và tăng 12,2% so với kế hoạch năm 2015. Doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch năm 2015 ước đạt 708 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 8,9% so với kế hoạch năm 2015.
[2] Trên toàn tỉnh có 150 cơ sở lưu trú với tổng số 2.176 phòng, trong đó có 01 khách sạn 3 sao, 09 khách sạn 2 sao, 25 khách sạn 1 sao, 115 nhà nghỉ du lịch. Công suất sử dụng phòng bình quân đạt 60 - 80 % (lễ hội Hoa tam giác mạch từ tháng 10 - 11 là 100%); Nhìn chung các cơ sở lưu trú tự đầu tư nâng cấp các trang thiết bị và chất lượng phục vụ đảm bảo theo tiêu chuẩn, có quy mô và đủ điều kiện đón khách;
[3] Tổng số lao động tỉnh đến nay là 1.227 người, trong đó: lao động trực tiếp 1.047 người, lao động gián tiếp 180 người.
[4] Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2003 - 2010 định hướng đến 2020 đã được phê duyệt, nhằm đáp ứng, phù hợp với tình hình phát triển du lịch Hà Giang, đặc biệt sau khi công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển du lịch tiến hành xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2030; UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1646/QĐ-UBND ngày 20/8/2014.
[5] Với các danh thắng như: Núi đôi - Cổng trời (Quản Bạ), Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn) Mã Pì Lèng (Mèo Vạc) Thác Tiên - Đèo gió (Xín Mần), ruộng bậc thang Hoàng Su Phì... và các cảnh quan hùng vĩ khác ở vùng cao nguyên đá, vùng núi đất phía tây, cảnh quan các khu vực lòng hồ như hồ Quang Minh, Nậm An (Bắc Quang), Hồ thủy điện Sông Chừng (Quang Bình), Thái An (Quản Bạ) và đặc biệt là vùng lòng hồ Na Hang tại Bắc Mê.
[6] Chùa Nậm Dầu, Sùng Khánh, Bình Lâm (Vị Xuyên), Đình Mường (Xín Mần), Đình Bản Chún (Quang Bình), Đền Mẫu, Đền Thác Con (Tp Hà Giang)...
[7] Như: hang Khố Mi, Lùng Khủy (Quản Bạ), hang Động Nguyệt, hang Rồng (Đồng Văn). Có những hang động vừa là di tích văn hóa, vừa là địa điểm khảo cổ học như các hang: Bó Khiếu, Đán Cúm, Nà Chảo (Bắc Mê)... đã được xếp hạng, một số hang động mới phát hiện cũng có giá trị cao trong khai thác du lịch như Nà Luông (Yên Minh), Thiên Thủy (Xín Mần), Đán Piỏng (Vị Xuyên).
9 Làng nghề như thêu dệt thổ cẩm tại Lủng tám (Quản Bạ), My Bắc (Quang Bình); Hồ Thầu (Hoàng Su Phì); sản xuất khèn Mông (Đồng Văn), nghề chạm bạc dân lộc Dao Cao Bồ (Vị Xuyên), nghề rèn đúc (Mèo Vạc). Khôi phục các làng nghề nấu rượu, chế biến chè và xây dựng trở thành thương hiệu như rượu Nàng Đôn (HSP), Thanh Vân (Quản Bạ), Xuân Giang (Quang Bình). Nàng Đôn (Hoàng Su Phì), Chè Khoa Độ (Bắc Quang). Phìn Hồ (Hoàng Su Phì), Khuổi My, Nà Thác (Tp Hà Giang).
8 Đến nay đã có 11 làng du lịch đã được triển khai xây dựng và ra mắt, hầu hết là các bản làng của dân tộc Dao, Tày nhưng chỉ có một số ít làng đã ra mắt là hoạt động hiệu quả như: Thôn Tha, thôn Tiến Thắng (Tp Hà Giang); Nậm An (Bắc Quang); thôn My Bắc, thôn Chang (Quang Bình); Lũng Cẩm Trên, Lô Lô Chải (Đồng Văn)...
10 Đầu tư mở rộng không gian chợ, quy hoạch thành các khu chức năng. Hiện hoạt động du lịch mới chỉ tập trung tại một số huyện vùng cao với những chợ nổi tiếng như chợ trung tâm huyện Đồng Văn, chợ Lũng Phìn, Xà Phìn, Phố Cáo huyện Đồng văn, Chợ trung tâm huyện Mèo Vạc, Cốc Pài (Xín Mần). Vinh Quang (Hoàng Su Phì) và một số chợ biên mậu như Phố Bảng (Đồng Văn), Bạch Đích (Yên Minh) Mốc 5 (Xín Mần)
11 Các điểm kiến tạo địa chất, cảnh quan thung lũng Tam Sơn (Quản Bạ), hẻm vực Mã Pì Lèng (Mèo Vạc); Tay cuộn Ma Lé (Đồng Văn), các cụm địa chất karst (các xtơ) hang động (Yên Minh), Các mặt trượt đứt gãy tầng địa chất, hóa thạch cổ sinh khác dọc trên các tuyến điểm du lịch trên cao nguyên đá Đồng Văn.
12 Lễ hội nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn xã Tân Bắc (Quang Bình), Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, lễ Quýnh Hẻng của người Dao xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì); Lễ cấp sắc, lễ cầu mùa dân tộc Dao xã Quản Bạ (Quản Bạ); Lễ cúng tổ tiên dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú, Lễ cúng thần rừng dân tộc Pu Péo xã Phố Là (Đồng Văn); Lễ cầu mưa người dân tộc Lô Lô thị trấn Mèo Vạc, Lễ hội Đình mường (Xín Mần); Lễ mời Nàng hai dân tộc Tày xã Yên Định (Bắc Mê); đặc biệt đối với lễ hội chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc); Đồng thời Quy hoạch phát triển có trọng điểm các lễ hội có tính đặc thù, giải trí và có sức hút cao để phát triển du lịch như: chọi bò (Mèo Vạc), chọi trâu (Vị Xuyên), chọi dê (HSP)
13 Đầu tư đưa vào khai thác một số hang động tiềm năng như Hang Nà Luông (Yên Minh), Lùng Khúy (Quản Bạ), Bó Lỷ (Bắc Mê), Pắc Thẳm (Quang Bình), một số hang động gắn với những sự tích, huyền thoại, lịch sử như hang Vần Chải - Đồng Văn; Phát triển các tuor Du lịch thể thao mạo hiểm như: Leo núi, xe đạp, xe máy địa hình; trải nghiệm tại một số đỉnh núi hùng vĩ, độc đáo trên cao nguyên đá như núi Tù sán (Đồng Văn) và Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thí (Hoàng Su Phì); kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch giải trí cao cấp Núi Mỏ Neo tại TP Hà Giang). Đẩy mạnh khai thác sản phẩm du lịch sinh thái khu vực lòng hồ, hồ thủy điện có tiềm; Đầu tư phát triển sản phẩm, hoàn thiện dịch vụ, hỗ trợ khai thác một số điểm tài nguyên du lịch sinh thái có giá trị Thác Thúy (Bắc Quang), Thác Tiên (Xín Mần), các mỏ suối khoáng có tiềm năng và giá trị khai thác cao như Thanh Hà (Vị Xuyên), Quảng Nguyên (Xín Mần), Tân Lập (Bắc Quang).
Báo cáo 13/BC-UBND năm 2016 về thực trạng và giải pháp thu hút khách du lịch, phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020
Số hiệu: | 13/BC-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Báo cáo |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Giang |
Người ký: | Trần Đức Quý |
Ngày ban hành: | 12/01/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Báo cáo 13/BC-UBND năm 2016 về thực trạng và giải pháp thu hút khách du lịch, phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020
Chưa có Video