Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ NỘI VỤ-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/TTLN

Hà Nội , ngày 25 tháng 1 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH

CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO, BỘ NỘI VỤ - TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 01-TTLN NGÀY 25 THÁNG 1 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN XỬ LÝ HÌNH SỰ CÁC HÀNH VI SẢN XUẤT, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN VÀ ĐỐT PHÁO NỔ

Chỉ thị 406-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo ban hành ngày 8-8-1994 và có hiệu lực từ ngày 1-1-1995, Nghị định số 02-CP của Chính phủ có quy định cấm kinh doanh các loại pháo nổ, pháo do nước ngoài sản xuất ban hành ngày 5-1-1995, có hiệu lực từ ngày 1-7-1995. Để nghiêm chỉnh chấp hành các Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Toà án nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn như sau:

A- VỀ VIỆC ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ ĐỂ XỬ LÝ CÁC HÀNH VI ĐỐT PHÁO NỔ

I- CÁC KHÁI NIỆM PHÁO NỔ VÀ ĐỐT PHÁO NỔ

Pháo nổ là loại sản phẩm bên trong có chứa thuốc pháo khi có ngoại lực tác động thì gây ra tiếng nổ.

Đốt pháo nổ quy định trong Thông tư này bao gồm: Đốt, ném, đập hoặc dùng bất cứ hình thức nào khác gây nổ pháo.

II- VỀ VIỆC XỬ LÝ

1. Người nào đốt pháo nổ có một trong các tình tiết sau đây sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo khoản 1 Điều 198 Bộ Luật Hình sự.

a) Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người...;

b) Đốt pháo với số lượng tương đương 1kg trở lên đối với pháo thành phẩm, hoặc tương đương 0,1kg trở lên với thuốc pháo;

c) Đốt pháo ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo mang theo xe đang chạy;

d) Đốt pháo gây thiệt hại sức khoẻ, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;

e) Đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ mà còn vi phạm.

2. Người nào đốt pháo nổ có một trong các tình tiết sau đây sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 198 Bộ Luật Hình sự.

a) Đã bị kết án về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo khoản 1 mục II phần A Thông tư này;

b) Lôi kéo kích động trẻ em hoặc lôi kéo kích động nhiều người cùng đốt pháo;

c) Hành hung người can thiệp, bảo vệ trật tự công cộng;

d) Đốt pháo với số lượng tương đương 5 kg trở lên đối với pháo thành phẩm, hoặc tương đương 0,5kg thuốc pháo trở lên đối với các loại khác có chứa thuốc pháo.

3. Nếu đốt pháo nổ gây hậu quả nghiêm trọng như: Gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 198 Bộ Luật Hình sự, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh quy định trong Bộ Luật Hình sự tương xứng với hậu quả nghiêm trọng do hành vi đốt pháo gây ra. Ví dụ nếu đốt pháo nổ gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ người khác đến mức phải xử lý hình sự, thì vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 198 Bộ Luật Hình sự, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác" theo Điều 109 Bộ Luật Hình sự.

B- VỀ VIỆC ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ ĐỂ XỬ LÝ CÁC HÀNH VI SẢN XUẤT, VẬN CHUYỂN, TÀNG TRỮ, MUA BÁN THUỐC PHÁO, PHÁO NỔ VÀ CÁC LOẠI PHÁO DO NƯỚC NGOÀI SẢN XUẤT

I- KHÁI NIỆM THUỐC PHÁO

Thuốc pháo là chất có khả năng gây lên 1 phản ứng hoá học nhanh mạnh, toả nhiệt, sinh khí và tạo ra tiếng nổ.

II- VỀ TỘI DANH

1. Người nào có hành vi sản xuất pháo nổ, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ chất cháy" theo Điều 96 Bộ Luật Hình sự.

2. Người nào có hành vi mua bán các loại pháo nổ, hoặc có hành vi tàng trữ, vận chuyển với mục đích buôn bán ở trong nước các loại pháo nổ, các loại pháo do nước ngoài sản xuất, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Buôn bán hàng cấm" theo Điều 166 Bộ Luật Hình sự.

3. Người nào có hành vi mua bán, vận chuyển qua biên giới các loại pháo nổ, các loại pháo do người nước ngoài sản xuất, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới" theo Điều 97 Bộ Luật Hình sự.

III- VỀ SỐ LƯỢNG VẬT PHẠM PHÁP ĐỂ LÀM CĂN CỨ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ THEO CÁC KHOẢN CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

1. Người nào sản xuất, mua bán vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, pháo nổ với số lượng sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của các điều: Điều 96, Điều 97, Điều 166 Bộ Luật Hình sự:

a) Thuốc pháo từ 1kg đến 15kg.

b) Pháo nổ trong nước sản xuất và các loại pháo do nước ngoài sản xuất; từ 2kg đến 30kg.

2. Người nào sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, pháo nổ... với số lượng sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của các điều: Điều 96, Điều 97, Điều 166 Bộ Luật Hình sự:

a) Thuốc pháo từ trên 15kg đến 75kg;

b) Pháo nổ sản xuất trong nước, các loại pháo do nước ngoài sản xuất từ trên 30kg đến 90kg.

3. Người nào sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, pháo nổ với số lượng sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 của các điều: Điều 96, Điều 97, Điều 166 Bộ Luật Hình sự:

a) Thuốc pháo từ trên 75kg;

b) Pháo nổ sản xuất trong nước, các loại pháo do nước ngoài sản xuất trên 90kg.

4. Người nào sản xuất, mua bán vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, pháo nổ sản xuất trong nước, pháo do nước ngoài sản xuất mà số lượng chưa đến mức hướng dẫn tại điểm 1 mục III Thông tư này, nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của các điều: Điều 96, Điều 97, Điều 166 Bộ Luật Hình sự.

a) Đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

5. Một người cùng một lúc phạm nhiều tội quy định tại một trong các điều: Điều 96, Điều 97, Điều 166 Bộ Luật Hình sự hoặc cùng một lúc phạm nhiều tội quy định tại nhiều điều luật khác nhau (vừa phạm tội quy định tại Điều 96, vừa phạm tội quy định tại Điều 97 hoặc cả 3 Điều 96, 97, 166 Bộ Luật Hình sự) thì phải bị xét xử với mức hình phạt cao của khung hình phạt quy định cho mỗi tội.

6. Các trường hợp chủ hàng thuê chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vận chuyển thuốc pháo, pháo nổ sản xuất trong nước, các loại pháo là do nước ngoài sản xuất thì áp dụng Thông tư này để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng.

7. Trong mọi trường hợp, thuốc pháo, pháo nổ sản xuất trong nước, các loại pháo do nước ngoài sản xuất và nguyên liệu, dụng cụ để sản xuất thuốc pháo, pháo nổ... phải bị tịch thu.

Đối với vật phạm pháp là các loại pháo phải tổ chức tiêu huỷ ngay. Khi tiêu huỷ phải có đại diện Viện kiểm sát tham dự và cùng ký biên bản tiêu huỷ.

C- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án các cấp cần phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử để xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi phạm tội.

Ở các địa phương cần chọn một số vụ đưa vào diện án điểm, áp dụng Thông tư 01-TTLN ngày 15-10-1994 của Liên ngành để điều tra nhanh, truy tố, xét xử lưu động nhằm đề cao tác dụng giáo dục, ngăn chặn. Đồng thời các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phối hợp tốt với các cơ quan Nhà nước khác, các tổ chức chính trị, xã hội... nhằm thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương của Chính phủ về vấn đề này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các địa phương cần báo cáo lên các cơ quan cấp trên để có hướng dẫn kịp thời.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Những hướng dẫn trước đây trái với hướng dẫn tại Thông tư này đều bãi bỏ.

 

Lê Thế Tiệm

(Đã ký)

Nguyễn Thị Tuyết

(Đã ký)

Trịnh Hồng Dương

(Đã ký)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư liên ngành 01/TTLN năm 1996 hướng dẫn xử lý hình sự các hành vi sản xuất, mua bán và đốt pháo nổ do Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ - Toà án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu: 01/TTLN
Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký: Lê Thế Tiệm, Nguyễn Thị Tuyết, Trịnh Hồng Dương
Ngày ban hành: 25/01/1996
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư liên ngành 01/TTLN năm 1996 hướng dẫn xử lý hình sự các hành vi sản xuất, mua bán và đốt pháo nổ do Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ - Toà án nhân dân tối cao ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…