BAN CHỈ ĐẠO
138/CP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142/KH-BCĐ |
Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2016 |
TỔ CHỨC THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC VỀ TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Thực hiện Hiệp định song phương giữa Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người (sau đây gọi tắt là Hiệp định) và Kế hoạch phối hợp thực hiện Hiệp định giai đoạn 2016 - 2020 được hai bên thông qua ngày 26/4/2016, tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc; Ban Chỉ đạo 138/CP ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định giai đoạn 2016 - 2020 với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Tổ chức quán triệt và chỉ đạo triển khai sâu rộng trong các Bộ, ngành, địa phương nhất là các địa phương có đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc về nội dung Hiệp định, các hoạt động ưu tiên phối hợp thực hiện Hiệp định giai đoạn 2016 - 2020, nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các hoạt động hợp tác với phía Trung Quốc về phòng, chống mua bán người.
- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung Hiệp định, trọng tâm là Kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định giai giữa Hai nước giai đoạn 2016 - 2020, nhằm giảm tội phạm mua bán người và phối hợp thực hiện công tác giải cứu, bảo vệ và hồi hương an toàn cho nạn nhân.
- Hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam với các cơ quan chức năng Trung Quốc trong phòng, chống mua bán người.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM
1. Công tác chỉ đạo triển khai
- Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) với vai trò là Cơ quan chủ trì thực hiện Hiệp định:
+ Tham mưu Ban Chỉ đạo 138/CP kiện toàn Nhóm công tác liên ngành thực hiện Hiệp định.
+ Phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương, nhất là các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng Trung Quốc trong tổ chức triển khai thực hiện Hiệp định và Kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định giai giữa Hai nước giai đoạn 2016 - 2020.
+ Hoàn thiện cơ chế trao đổi thông tin nhằm giải quyết có hiệu quả các vụ việc mua bán người liên quan đến 02 nước.
- Các Bộ, ngành và địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc sử dụng có hiệu quả đường dây nóng, văn phòng sỹ quan liên lạc, cơ chế 03 cấp của Bộ đội Biên phòng, duy trì giao ban định kỳ hoặc đột xuất, tổ chức trao đổi đoàn các cấp nhằm trao đổi thông tin, điều tra các vụ án, đường dây băng nhóm tội phạm, truy bắt, trao trả đối tượng và giải cứu, bảo vệ, hồi hương nạn nhân.
2. Công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng thời lượng đưa tin, bài phóng sự, phim, ảnh... về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa nguy cơ bị mua bán; xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là ở các địa bàn trọng điểm về mua bán người.
- Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ, ngành, địa phương có liên quan, nhất là khu vực biên giới 02 nước đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống mua bán người thông qua các hoạt động:
+ Tổ chức tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thảo, phát hành các pa nô, áp phích, tờ rơi... để người dân nâng cao cảnh giác, tự ứng phó khi có nguy cơ bị mua bán.
+ Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình chuyên sâu hoặc lồng ghép về phòng, chống mua bán người.
+ Soạn thảo và đưa vào sử dụng tài liệu truyền thông chung bằng tiếng dân tộc phù hợp với từng đối tượng, tùng địa bàn dân tộc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
+ Tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép phòng; chống mua bán người với phòng, chống di cư tự do, tổ chức cho nhân dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thời vụ. Trao đổi, phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức chiến dịch truyền thông chung về phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
- Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng các cấp phối hợp với chính quyền, đoàn thể các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân khu vực địa bàn biên giới giáp Trung Quốc chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người.
- Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, Công an các địa phương chỉ đạo lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, kiện toàn các Ban Chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể quần chúng và xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người.
- Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân... đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống mua bán người với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
3. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người
- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị chức năng, Công an các địa phương, các đồn biên phòng, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc:
+ Thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành điều tra cơ bản, kết hợp tuần tra, kiểm soát biên giới, xác lập hồ sơ tuyến, địa bàn trọng điểm, dựng các đường dây, băng nhóm, đối tượng hoạt động mua bán người, đối tượng “cò mồi”, môi giới, thường xuyên qua lại biên giới nghi vấn hoạt động mua bán người và đưa người di cư trái phép để có kế hoạch và biện pháp đấu tranh ngăn chặn.
+ Tiếp nhận, xử lý kịp thời các nguồn tin báo, tố giác tội phạm, tiến hành điều tra, khám phá các vụ án, đường dây phạm tội, truy bắt đối tượng, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán.
+ Phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc duy trì giao ban, trao đổi đoàn các cấp, sử dụng đường dây nóng, văn phòng sĩ quan liên lạc trong việc trao đổi thông tin tội phạm. Đối với những vụ án mua bán người nghiêm trọng 02 Bên có thể cử Tổ công tác sang hỗ trợ, bên cử sẽ phối hợp với bên tiếp nhận điều tra, hiệp đồng tác chiến truy bắt đối tượng phạm tội.
+ Hàng năm, căn cứ tình hình nổi lên, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kỹ nội dung và phối hợp với cơ quan chức năng Trung Quốc triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người giữa Việt Nam với Trung Quốc trong thời gian 03 tháng.
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo ngành Kiểm sát, Tòa án các cấp phối hợp lực lượng Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người, điều tra mở rộng vụ án, lựa chọn án điểm xét xử công khai lưu động nhằm răn đe tội phạm và phát động phong trào quần chúng.
4. Công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
- Bộ Công an chỉ đạo Tổng cục An ninh (Cục Quản lý xuất, nhập cảnh) chủ trì tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và cơ quan chức năng Trung Quốc đàm phán, thống nhất Thỏa thuận về Tiêu chí xác định nạn nhân và Quy trình chuẩn trong phối hợp xác minh, xác định, trao trả nạn nhân bị mua bán và đề xuất lộ trình đàm phán, ký kết Thỏa thuận này.
- Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với Công an các địa phương biên giới chủ động, hợp tác chặt chẽ với lực lượng Công an Biên phòng Trung Quốc trong trao đổi thông tin, xác minh, xác định, giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân, tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới về phòng, chống di cư tự do và xuất, nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thời vụ.
- Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là nạn nhân bị mua bán; tăng cường hỗ trợ các cơ quan chức năng trong nước hợp tác với các cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm kịp thời điều tra các vụ án, triệt phá các đường dây mua bán người, phát hiện, giải cứu, hồi hương nạn nhân bị mua bán, liên quan đến Hai nước.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
+ Bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định chế độ chính sách hỗ trợ nạn nhân và các vấn đề có liên quan.
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan điều tra, khảo sát, thống kê số nạn nhân là người Việt Nam bị bán sang Trung Quốc (kể cả con của nạn nhân) trở về. Thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ, nhà tạm lánh và tại cộng đồng theo quy định của pháp luật.
+ Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chuyển tuyến cho nạn nhân bị mua bán, hình thành mạng lưới hỗ trợ nạn nhân và thực hiện quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
- Các địa phương biên giới, Ủy ban công tác liên hợp các tỉnh Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục triển khai có hiệu quả các thỏa thuận, quy chế phối hợp về chống di cư trái phép, tổ chức phòng, chống mua bán người, quản lý lao động phổ thông, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
a) Ở Trung ương:
- Căn cứ vào nội dung Hiệp định và Kế hoạch này, đề nghị các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo thực hiện theo ngành dọc của mình.
- Tổng cục Cảnh sát (Cục Tham mưu Cảnh sát) là cơ quan đầu mối, giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP: Chuẩn bị nội dung và phối hợp cơ quan chức năng Trung Quốc tổ chức các cuộc họp thường niên theo hình thức luân phiên hàng năm hoặc đột xuất nhằm đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định và bàn kế hoạch ưu tiên phối hợp trong thời gian tiếp theo.
b) Ở địa phương:
- Ban Chỉ đạo 138 địa phương căn cứ vào nội dung Hiệp định, Kế hoạch này và tình hình thực tế ở địa phương để tổ chức quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện đến cấp cơ sở.
- Các ban, ngành chức năng các cấp của địa phương, nhất là các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc tiếp tục duy trì giao ban, trao đổi đoàn các cấp; đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống mua bán người cho nhân dân dọc biên giới; thiết lập và duy trì đường dây nóng tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin tội phạm, phối hợp, hỗ trợ điều tra, bắt giữ tội phạm, giải cứu, tiếp nhận, nạn nhân theo quy định pháp luật.
2. Chế độ thông tin, báo cáo
Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương trong báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người định kỳ hàng quý, 6 tháng và 1 năm gửi Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP (Cục Tham mưu Cảnh sát, Bộ Công an) có nội dung kiểm điểm thực hiện Hiệp định và Kế hoạch này, để tập hợp báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP.
3. Kinh phí thực hiện
a) Kinh phí thực hiện Hiệp định, Kế hoạch này được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, được huy động từ Quỹ phòng, chống tội phạm, viện trợ quốc tế và huy động nguồn hợp pháp khác.
b) Căn cứ nhiệm vụ được giao theo quy định tại Hiệp định và Kế hoạch này, hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương lập dự toán chi ngân sách, bảo đảm các hoạt động của Kế hoạch và trình cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Giao Tổng cục Cảnh sát (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 138/CP) tham mưu giúp Ban Chỉ đạo 138/CP theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành liên quan và địa phương thực hiện tốt Kế hoạch này./.
Nơi nhận: |
KT. TRƯỞNG BAN |
Kế hoạch 142/KH-BCĐ năm 2016 tổ chức thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam - Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 do Ban Chỉ đạo 138/CP ban hành
Số hiệu: | 142/KH-BCĐ |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Ban Chỉ đạo 138/CP |
Người ký: | Lê Quý Vương |
Ngày ban hành: | 20/05/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 142/KH-BCĐ năm 2016 tổ chức thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam - Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 do Ban Chỉ đạo 138/CP ban hành
Chưa có Video