VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/HD-VKSTC |
Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2024 |
HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC, VỤ ÁN XÂM PHẠM TRẬT TỰ XÃ HỘI DÙNG THỦ ĐOẠN SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, PHẠM TỘI CÓ TỔ CHỨC, XUYÊN QUỐC GIA
Trong những năm vừa qua, Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia. Kết quả đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế sự gia tăng loại tội phạm này. Tuy nhiên dự báo trong những năm tiếp theo tình hình loại tội phạm này sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề cho xã hội. Các dạng tội phạm phi truyền thống với nhiều phương thức phạm tội mới ngày càng gia tăng. Bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, thông qua mạng viễn thông các đối tượng phạm tội bàn bạc, phân công nhau cùng thực hiện khi gây án, thông qua mạng viễn thông thực hiện các hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản mà không cần trực tiếp gặp bị hại. Khi bị phát hiện thì sử dụng công nghệ cao để xoá dấu vết, tiêu huỷ chứng cứ nhằm trốn tránh pháp luật.
Nhóm tội phạm dùng thủ đoạn mới xuất hiện, đã hình thành ổ nhóm tổ chức phạm tội, núp dưới danh nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh cho vay tài chính và thu hồi nợ để thực hiện các hoạt động tín dụng đen. Các hành vi sử dụng công nghệ cao để cướp, cưỡng đoạt tài sản, xâm hại tình dục, mại dâm, mua bán người, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; nhóm tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản và xâm nhập, mua bán trái phép thông tin, tài khoản của cá nhân có chiều hướng ngày càng gia tăng với tính chất đặc biệt nghiêm trọng
Tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia tiếp tục gia tăng và diễn biến ngày phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Xuất hiện và ngày càng gia tăng nhiều nhóm tổ chức tội phạm có sự câu kết giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài, dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, thuê máy chủ ở ngoài thực hiện các hành vi tổ chức đánh bạc với tính chất sát phạt đặc biệt lớn, thực hiện các hành vi thông qua mạng viễn thông tiếp cận bị hại, đưa ra thông tin gian dối, kêu gọi đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, sàn vàng, ngoại tệ, lôi kéo để các cá nhân đăng nhập tài khoản... để chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý là tại các tuyến biên giới phía nam xuất hiện và gia tăng số lượng lớn nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để phát tán vi rút độc hại, truy cập bất hợp pháp vào mạng viễn thông, mạng nội bộ, các webside để lấy cắp, phá hoại, mua bán trái phép dữ liệu hoặc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Xuất hiện nhóm tội phạm ở khu vực biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia hoạt động dùng thủ đoạn rất tinh vi xảo quyệt, sử dụng công nghệ cao hình thành đường dây mua bán người, chiếm đoạt trẻ em, trục lợi, lừa đảo từ việc môi giới hôn, nhân, xuất khẩu lao động để cưỡng bức lao động, buôn bán nô lệ tình dục, lừa bán bán làm vợ, đẻ thuê, lấy nội tạng... gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu tranh và phòng ngừa đối với loại tội phạm này.
Trước những khó khăn thách thức nêu trên, để nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia trong giai đoạn mới, Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 20/4/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường hoạt động công tố trong giải quyết các vụ án hình sự nói chung, các vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia nói riêng. Đồng thời chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, đối với các vụ việc, vụ án liên quan đến công nghệ cao:
Trong giai đoạn khởi tố, điều tra lưu ý quan tâm một số nội dung sau:
- Tiếp cận nguồn tin sớm, bảo đảm tính khách quan trong mọi hoạt động thu thập chứng cứ của CQĐT. Nghiên cứu kĩ các tài liệu ban đầu, chủ động nắm bắt phương thức, thủ đoạn phạm tội để kịp thời đề ra yêu cầu xác minh, tập trung làm rõ đặc điểm hình thành, vận hành và tồn tại của dữ liệu điện tử; tập trung phối hợp với CQĐT truy nguyên dòng tiền được chuyển từ tài khoản của người bị hại; phối hợp bắt giữ đối tượng, khai thác lời khai ban đầu để làm rõ phương thức phạm tội, xác định số lượng người phạm tội.
- Kiểm sát chặt chẽ việc thu giữ phương tiện, dữ liệu điện tử, bảo đảm tính nguyên vẹn của các thiết bị điện tử và dữ liệu điện tử, phải kiểm sát chặt chẽ việc ghi nhận, thu giữ, niêm phong, bảo quản, mở niêm phong các phương tiện điện tử. Lưu ý yêu cầu thu giữ các phương tiện được ngụy trang (như USB dưới dạng của một chiếc móc chìa khoá hoặc đồ chơi...); yêu cầu ngay lập tức ngắt kết nối mạng của thiết bị chứa dữ liệu điện tử để tránh bị xoá dữ liệu từ xa đồng thời không được tắt (shutdown) theo trình tự mà ngắt nguồn cung cấp điện trực tiếp cho thân máy (CPU) hoặc máy tính (đối với máy tính xách tay). Yêu cầu CQĐT ghi lại địa chỉ IP của từng thiết bị để phục vụ việc thu thập thông tin về địa điểm, hoạt động và danh tính của các đối tượng; yêu cầu CQĐT kiểm tra ngay địa chỉ ID các tài khoản mạng xã hội của bị hại để truy xuất các đường link xác định máy chủ; đối với các thiết bị có mã bảo vệ, mật khẩu cần yêu cầu Điều tra viên khai thác mật khẩu của thiết bị ghi lại vào biên bản thu giữ để phục vụ cho việc khai thác dữ liệu. Đối với tiền mã hóa, cần phối hợp với CQĐT thu giữ, có thể thực hiện bằng cách chuyển số lượng tiền mã hoá vào một tài khoản do CQĐT lập ra và niêm phong theo quy định hoặc chuyển vào thiết bị lưu trữ tiền mã hoá chuyên dụng để tránh việc tẩu tán.
- Yêu cầu CQĐT nhanh chóng thực hiện sao chép dữ liệu, lưu ý các dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng mạng internet, cần nhanh chóng truy cập để khai thác tài khoản quản lý (admin) và tải dữ liệu vào thiết bị chống ghi (read only) nhằm bảo đảm tính nguyên trạng và toàn vẹn của dữ liệu điện tử. Sau khi sao lưu cần in các tài liệu đã trích xuất, việc thu thập dữ liệu phải có người chứng kiến, lập biên bản và xác nhận của những người liên quan.
- Phối hợp chặt chẽ với CQĐT xác nhận việc đăng nhập vào mạng máy tính, mạng viễn thông của đối tượng. Khi cần thiết vừa cho đối tượng thực hiện lại hành vi đăng nhập và vừa hỏi vừa ghi chép, ghi hình; trường hợp CQĐT đã dò tìm được máy chủ ở Việt Nam và động viên đối tượng phạm tội đầu thú, khẩn trương phối hợp với CQĐT hỏi và tổ chức ngay cho đối tượng thực hiện lại các thao tác đột nhập vào các phương tiện điện tử, trang mạng điện tử để xác định chính xác người đầu thú có phải là người thực hiện hành vi phạm tội hay không.
- Kiểm sát chặt chẽ quyết định trưng cầu giám định và kết luận giám định. Phối hợp với CQĐT đưa ra yêu cầu giám định về các nội dung, đồ vật, chứng cứ cụ thể liên quan đến hành vi phạm tội để tổ chức giám định tập trung ưu tiên trích xuất, lọc, kết luận nhằm tránh phải kéo dài thời gian chờ kết luận giám định. Trường hợp nếu việc giám định dữ liệu chuyên sâu để phát hiện các phần mềm, dữ liệu đã được ẩn, mã hoá gây tốn kém thời gian ảnh hưởng đến tiến độ xét phê chuẩn khởi tố bị can và thời hạn điều tra thì Viện kiểm sát cần phối hợp với CQĐT trích xuất nóng nội dung từ các thiết bị (nhất là đối với các dữ liệu đơn giản như lịch sử chuyển khoản tiền, tiền mã hoá, nội dung tin nhắn qua mạng xã hội như Facebook, Messenger, WhatsApp...) rồi in ra cho các đối tượng ký xác nhận để làm căn cứ xét phê chuẩn khởi tố bị can.
- Kiểm sát chặt chẽ việc lấy lời khai của đối tượng tình nghi, tập trung xác định địa điểm, thời gian thực hiện tội phạm, loại thiết bị, phần mềm đã sử dụng có phù hợp với địa chỉ IP và các thông tin trong thiết bị đã được thu giữ không. Quan tâm việc thu thập lời khai của các đối tượng là chủ tài khoản ngân hàng nhận tiền từ tài khoản của bị hại chuyển đến; đấu tranh làm rõ thủ đoạn phạm tội, phân loại các đối tượng chủ mưu, cầm đầu và các đối tượng giúp sức, bao che nếu có.. để phân hóa trách nhiệm hình sự.
- Phối hợp chặt chẽ với Vụ 13 Viện KSND tối cao để đôn đốc cơ quan tư pháp nước ngoài cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh tội phạm, cập nhật tiến độ thu hồi tài sản do phạm tội mà có và các vấn đề có liên quan.
- Thận trọng trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng ở ngoài phạm tội; kiểm sát chặt chẽ việc xác minh, phong tỏa các tài khoản đã nhận tiền từ tài khoản của bị hại để ngăn chặn tài sản bị chuyển dịch; kiểm sát chặt chẽ việc kê biên tài sản, làm rõ nơi cất giấu, tẩu tán tài sản, đặc biệt các trường hợp tài sản phạm tội ở nước ngoài để thực hiện tương trợ tư pháp.
- Đối với vụ việc, vụ án phải tạm đình chỉ do chưa xác định được đối tượng, bị can cần phối hợp với Cơ quan điều tra thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ tránh thất lạc, mất mát hồ sơ và đồ vật, tài sản, vật chứng, khi phát hiện thông tin, tài liệu, tình tiết mới cần khẩn trương xác định rõ đối tượng để truy bắt, xử lý, kịp thời phục hồi điều tra để điều tra và xử lý theo pháp luật.
Trong giai đoạn truy tố vụ án, lưu ý quan tâm một số nội dung sau:
- Kiểm sát viên phải phúc tra lại các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, đánh giá chính xác, khách quan cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội.
- Trường hợp cần thiết để đánh giá tính khách quan đối với các chứng cứ do Cơ quan điều tra đã thu thập trong giai đoạn điều tra vụ án, Kiểm sát viên có thể trực tiếp hỏi cung bị can, ghi lời khai người làm chứng, người bị hại, trực tiếp xem xét các dấu vết, vật chứng trước khi truy tố vụ án.
- Đối với các vụ án có nhiều bị can và chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại, lưu ý quan tâm đánh giá toàn diện đầy đủ các chứng cứ buộc tội, gỡ tội tránh để oan sai, bỏ lọt tội phạm; xác định rõ vai trò, vị trí của các bị can và tính chất mức độ hành vi phạm tội gây ra khi hoàn thành cáo trạng truy tố đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Trong giai đoạn xét xử vụ án, lưu ý quan tâm một số nội dung sau:
- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết án; chủ động kiểm tra, thống kê lại các chứng cứ đã thu thập, đặc biệt là các chứng cứ điện tử; chuẩn bị đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, dự kiến các tình huống có thể xảy ra khi tranh luận, đối đáp với luật sư, người bào chữa để phục vụ hoạt động công tố tại phiên toà.
- Tại phiên toà Kiểm sát viên phải chủ động tham gia xét hỏi, quan tâm làm rõ các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội; sử dụng các chứng cứ trực tiếp, các chứng cứ điện tử đã thu giữ để đấu tranh với bị cáo chối tội; phải tranh luận đến cùng với các ý kiến của các luật sư. Lưu ý trong các vụ án liên quan đến công nghệ cao hầu hết các bị hại ở địa phương khác có thể vắng mặt tại phiên tòa. Vì vậy, cần phối hợp chặt chẽ với CQĐT trong hoạt động ủy thác điều tra để việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.
Thứ hai, đối với các vụ việc, vụ án hình thành tổ chức tội phạm, xuyên quốc gia, cần lưu ý các vấn đề sau:
- Phối hợp chặt chẽ với CQĐT bảo đảm việc bắt giữ người nước ngoài phạm tội phải được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tránh để xảy ra tranh chấp liên quan đến địa điểm bắt giữ người nước ngoài phạm tội.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền điều tra rà soát các trường hợp công dân Việt Nam làm trung gian trong các loại tội phạm xuyên quốc gia (các đối tượng môi giới, chứa chấp, đưa, đón, chuyên chở, chuẩn bị giấy tờ, làm thuê theo chỉ đạo của các đối tượng nước ngoài...) đồng thời tăng cường kiểm sát ngay từ khi thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, nếu có căn cứ thì kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can, mở rộng điều tra đối với các đối tượng liên quan khác.
- Phối hợp với CQĐT thực hiện tốt công tác tiếp xúc lãnh sự, tạo điều kiện cho Đại diện của các cơ quan Ngoại giao của các nước có công dân bị bắt, tạm giữ, tạm giam thực hiện việc bảo hộ công dân của nước họ.
- Viện kiểm sát chủ động phối hợp với CQĐT kịp thời đề ra yêu cầu tương trợ tư pháp, không để xảy ra tình trạng đến khi sắp hết thời hạn điều tra mới lập hồ sơ làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án. Khi đề ra yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự đối với bị hại là người nước ngoài thì cần làm tốt công tác lập hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp để thu thập yêu cầu của họ và những vấn đề dân sự khác cần phải giải quyết. Đối với hoạt động thu thập thông tin nhân thân, xác minh lý lịch bị can là người nước ngoài nếu hết thời hạn điều tra, truy tố mà chưa nhận được kết quả tương trợ, cần phối hợp với CQĐT nghiên cứu sử dụng các biện pháp thu thập thông tin khác đã được liên ngành tư pháp trung ương thống nhất phù hợp với quy định tại Điều 86, điểm e khoản 1 Điều 87 và Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự như: Sử dụng hộ chiếu, thẻ căn cước hay giấy tờ, tài liệu khác để xác định nhân thân bị can; có văn bản đề nghị cơ quan Tổng lãnh sự, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam cung cấp, xác định tài liệu, thông tin về lý lịch bị can của bị can là công dân nước đó...
- Kịp thời đôn đốc Cơ quan điều tra thực hiện truy nã quốc tế, biệt các đối tượng lẩn trốn ở nước ngoài, cầm đầu các đường dây, băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia, hạn chế phát sinh đối tượng truy nã mới; tổ chức xác minh, truy bắt, bàn giao đối tượng tình nghi cho cảnh sát nước ngoài, xác minh thông tin người Việt Nam nghi mất tích ở nước ngoài, tiếp nhận và và xử lý các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, các yêu cầu của phía nước ngoài.
- Trong giai đoạn xét xử, chủ động phối hợp với Tòa án đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, xác định và lựa chọn những vụ án về tội phạm xuyên quốc gia nổi cộm, phức tạp làm án trọng điểm, xét xử điển hình rút kinh nghiệm, tổ chức phiên tòa trực tuyến, phiên tòa lưu động đối với những vụ án dư luận quan tâm.
- Tích cực phát hiện những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội nhất là quản lý biên giới, các hoạt động xuyên biên giới và quản lý an toàn thông tin mạng internet, mạng xã hội... để kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa đối với loại tội phạm này.
Trên cơ sở hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia, đề nghị Viện trưởng Viện KSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu chỉ đạo đơn vị tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về Viện KSND tối cao (Vụ 2) để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Viện KSND tối cao cho ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo./.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG |
Hướng dẫn 18/HD-VKSTC năm 2024 về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu: | 18/HD-VKSTC |
---|---|
Loại văn bản: | Hướng dẫn |
Nơi ban hành: | Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Người ký: | Lê Minh Long |
Ngày ban hành: | 12/09/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Hướng dẫn 18/HD-VKSTC năm 2024 về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Chưa có Video