VIỆN KIỂM
SÁT NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/HD-VKSTC |
Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2017 |
HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ NĂM 2017
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân và Kế hoạch công tác trọng tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2017; Trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2017 và phương châm « Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả ». Để hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, đề nghị VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung thực hiện các nội dung sau :
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, nhiệm vụ đối với công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trong toàn Ngành. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự nhằm góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
2. Yêu cầu
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp nhằm hoàn thành tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2017.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát, kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm; kiên quyết kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục và chấm dứt vi phạm.
Thường xuyên rà soát, định kỳ kiểm tra, đánh giá và báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả; bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội và hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá công tác nghiệp vụ của Ngành.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Tổ chức tập huấn toàn Ngành hướng dẫn kỹ năng phát hiện vi phạm theo quy định mới của pháp luật, việc thi hành các quy định mới của luật có lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam và người chấp hành án hình sự và triển khai thực hiện Quy chế sửa đổi về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi có hiệu lực thi hành.
2. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trong toàn Ngành; trong đó, mỗi cấp kiểm sát chủ động lựa chọn biện pháp trọng tâm mang tính đột phá, tạo chuyển biến rõ rệt trong những lĩnh vực còn hạn chế. Tăng cường các biện pháp bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam; thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự tuân thủ theo đúng pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
VKSND cấp tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội và các chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Tiếp tục tập trung phát hiện vi phạm trong công tác quản lý dẫn đến tình trạng mang vật cấm vào cơ sở giam giữ, vi phạm kỷ luật, phạm tội mới, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù; các vi phạm trong việc xét miễn, việc đề nghị hoãn, tạm đình chỉ thi hành án để ban hành kiến nghị, kháng nghị và bảo đảm các đề nghị về xét miễn, hoãn, tạm đình chỉ thi hành án của VKS đều được chấp nhận.
3. Quản lý chặt chẽ tình hình chấp hành pháp luật và kết quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; kịp thời phát hiện, xác định nguyên nhân, điều kiện và kiên quyết kháng nghị, kiến nghị yêu cầu cơ quan hữu quan khắc phục vi phạm, nhất là các vi phạm pháp luật phổ biến, kéo dài, xâm phạm đến quyền của người bị giam giữ không bị luật hạn chế hoặc tước bỏ. Rà soát, phát hiện, tổng hợp báo cáo các vướng mắc, bất cập trong thi hành các đạo luật để tham mưu đề xuất, sửa đổi, bổ sung. Tăng cường ban hành Thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả các kiến nghị, kháng nghị bảo đảm được cơ quan hữu quan chấp nhận đạt 100%; phúc tra 100% số kháng nghị, kiến nghị đã ban hành.
4. Triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; các Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và VKS với các cơ quan tư pháp đóng tại địa phương; các Thông tư hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về thực hiện tha tù trước hạn có điều kiện, quy định quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ sở giam giữ khi có hiệu lực thi hành.
III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Đối với công tác kiểm sát
1.1. Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam
- Nắm chắc tình hình chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; kiểm sát chặt chẽ về thủ tục pháp luật nhất là việc thông báo sắp hết thời hạn, kiến nghị quá hạn tạm giam, quyết định tạm giữ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và việc tăng, giảm số lượng người bị tạm giữ, tạm giam trong các giai đoạn tố tụng, nhằm đảm bảo việc tạm giữ, tạm giam theo đúng các quy định của pháp luật;
Phối hợp chặt chẽ với các khâu công tác nghiệp vụ trong ngành, với VKSND cấp cao để theo dõi các trường hợp VKS quyết định không phê chuẩn, quyết định không gia hạn, các trường hợp thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam… nhằm bảo đảm các quyết định tố tụng phải được thực hiện.
- Kiểm sát chặt chẽ công tác quản lý giam giữ nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam trốn, chết do đánh nhau, tự sát, phạm tội mới, vi phạm kỷ luật...tại nơi giam giữ, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục. Kịp thời phát hiện, trả tự do cho người bị giam giữ không có căn cứ và trái pháp luật.
Khi tiến hành trực tiếp kiểm sát cần chú ý kiểm sát việc phân loại giam giữ để kịp thời phát hiện, yêu cầu chấm dứt việc giam chung người trong cùng vụ án, khắc phục việc giam chung người chưa thành niên với người thành niên...và bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam.
Kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, đặc biệt chú ý đến các quy định mới của pháp luật quy định về chế độ được gặp thân nhân trong thời gian bị tạm giữ, gia hạn tạm giữ, tạm giam, gia hạn tạm giam; chế độ đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ và người bị kết án tử hình nhằm đảm bảo các quyền không bị luật tước bỏ đối với người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện nghiêm túc.
- Thực hiện nghiêm túc văn bản số 2307/VKSTC-V8 ngày 16/6/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao hướng dẫn về việc thực hiện một số nội dung liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam.
1.2. Kiểm sát thi hành án hình sự
- Kiểm sát chặt chẽ việc ra quyết định thi hành án, đảm bảo đúng thời hạn luật định, kịp thời phát hiện các quyết định thi hành án hình sự còn sai sót, các trường hợp chậm ra quyết định thi hành án, chậm áp giải, chậm ra quyết định truy nã; Kiểm sát 100% hồ sơ bị án bị phạt tù đang tại ngoại, không tự nguyện thi hành án. Thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm, bảo đảm các bản án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành theo đúng quy định.
- Trong kiểm sát thi hành án phạt tù: Thực hiện đủ các cuộc kiểm sát định kỳ, tăng cường kiểm sát đột xuất, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm sát trực tiếp. Tập trung phát hiện vi phạm trong công tác quản lý giam giữ dẫn đến việc phạm nhân mang vật cấm vào nơi giam, vi phạm kỷ luật, phạm tội mới; các trường hợp trốn, chết do đánh nhau, tự sát; đặc biệt là những vi phạm, tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự của người chấp hành án; xác định nguyên nhân, điều kiện để kiến nghị, kháng nghị khắc phục và chấm dứt vi phạm. Bảo đảm các hành vi vi phạm của người chấp hành án phạt tù phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân, cần chú trọng kiểm sát việc thực hiện chế độ lao động và học tập của phạm nhân, đặc biệt lưu ý những vi phạm từ việc bố trí phạm nhân lao động tại các khu sản xuất xa trung tâm, lao động vào các ngày nghỉ, lao động trong thời gian được học tập và việc phân phối, sử dụng kết quả lao động của phạm nhân, việc bán hàng căng tin.
Phối hợp chặt chẽ với Tòa án và Cơ quan thi hành án hình sự để quản lý, theo dõi chặt chẽ số người bị kết án phạt tù chưa thi hành án, số được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cư trú tại địa phương trốn ngoài xã hội và kết quả truy bắt. Kiểm sát 100% hồ sơ đề nghị và tham gia 100% các phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước hạn có điều kiện, kịp thời phát hiện những vi phạm trong việc xét giảm thời hạn, tha tù trước hạn, miễn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án phạt tù; bảo đảm 100% các trường hợp Viện kiểm sát xét miễn, đề nghị hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đều được chấp nhận. Chú ý tập trung phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, đề nghị miễn chấp hành án phạt tù cho người đang chấp hành án theo Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội.
- Trong kiểm sát thi hành án hình sự ngoài hình phạt tù: Nắm chắc số liệu người bị kết án tử hình và kết quả giải quyết ở các giai đoạn tố tụng, số bị án có đủ điều kiện nhưng Tòa án chậm ra quyết định thi hành án và chậm tổ chức thi hành; chú trọng kiểm sát về trình tự, thủ tục, hồ sơ thi hành án và hoãn thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật; hàng tháng phối hợp cơ quan Công an, Tòa án ở địa phương rà soát, đối chiếu lập danh sách người bị kết án tử hình báo cáo về VKSND tối cao để tổng hợp chung.
Tiếp tục thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, tăng cường kiểm sát thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, án phạt quản chế, cấm cư trú tại địa phương (đối với cấp huyện, trực tiếp kiểm sát UBND cấp xã đạt từ 20% trở lên). Tập trung kiểm sát 100% hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và việc phối hợp rà soát, đề nghị miễn chấp hành án hình sự ngoài hình phạt tù theo Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội .
- Thực hiện tốt nhiệm vụ mới được giao theo Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 39/QĐ-VKSTC ngày 08/4/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao, thường xuyên tiến hành kiểm sát và định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo kết quả kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc áp dụng trình tự, thủ tục xem xét quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án nhân dân.
2. Đối với công tác tham mưu, hướng dẫn, tổng kết thực tiễn và xây dựng Ngành
2.1. Kịp thời tham mưu Lãnh đạo có biện pháp tác động, kiên quyết kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm pháp luật đã được phát hiện, đồng thời theo dõi việc tiếp thu, thực hiện các nội dung kháng nghị, kiến nghị đã ban hành nhằm đánh giá hiệu lực, hiệu quả đạt được thông qua công tác kiểm sát.
2.2. Tập trung nghiên cứu, tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện tốt các quy định mới của pháp luật sau khi các đạo luật mới có hiệu lực thi hành, chú trọng những nội dung sửa đổi, bổ sung của Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự và các Thông tư liên quan, hướng dẫn thực hiện công tác phối hợp giữa VKS với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ sở giam giữ…
- VKSND cấp tỉnh chủ động triển khai, hướng dẫn VKSND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Quá trình thực hiện nếu phát hiện những quy định còn đang bất cập, khó thực hiện đề nghị báo cáo lên cấp trên để có hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời. Thường xuyên rà soát, phát hiện, tổng hợp những vướng mắc, kịp thời báo cáo về VKSND tối cao để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi.
2.3. Tiến hành kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với VKS cấp dưới, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng phát hiện vi phạm, việc ban hành kiến nghị, kháng nghị và các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát.
- Thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 20/HD-VKSTC-V4 ngày 15/3/2015 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kiểm sát việc thực hiện các kháng nghị, kiến nghị đã ban hành nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm sát. Cần lưu ý, khắc phục tình trạng một số VKS địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm sát dẫn đến chậm hoặc không phát hiện vi phạm, tội phạm, những thiếu sót sơ hở trong quản lý hoặc thiếu kiên quyết trong ban hành kháng nghị, kiến nghị.
2.4. Tăng cường công tác phối hợp giữa VKS hai cấp trong hoạt động trực tiếp kiểm sát trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự và nhà tạm giữ Công an cấp huyện, nhất là nơi để xảy ra vi phạm thường xuyên, kéo dài, chậm được khắc phục; những nơi hoạt động kiểm sát hiệu quả chưa cao, chậm phát hiện hoặc không phát hiện vi phạm.
Lưu ý: Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành và tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan, năm 2017, VKSND cấp tỉnh nơi có trại giam đóng tại địa phương sau khi ban hành Quyết định kiểm sát và kết thúc cuộc kiểm sát tiếp tục đồng gửi Quyết định và Kết luận trực tiếp kiểm sát trại giam về Tổng cục 8 và Vụ 8 để quản lý, theo dõi, nắm tình hình và phối hợp chỉ đạo.
2.5. Thực hiện thẩm quyền giải quyết 100% đơn khiếu nại, tố cáo trong thi hành tạm giữ, tạm giam khi Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành. Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự. Định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo kết quả giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về VKSND tối cao (Vụ 8) để theo dõi, tổng hợp và phối hợp chỉ đạo.
2.6. Chủ động đề ra các biện pháp quản lý chặt chẽ tình hình chấp hành pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, từ đó lựa chọn cách thức kiểm sát phù hợp với thực tế tình hình địa phương, đảm bảo thực hiện đúng, đủ, đạt chất lượng và chỉ tiêu nghiệp vụ theo Hệ thống Chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành và Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
2.7. Thực hiện nghiêm túc Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo, quản lý trong ngành Kiểm sát nhân dân, kịp thời báo cáo thỉnh thị các vướng mắc, báo cáo các nội dung vụ việc nghiêm trọng theo đúng quy định về VKS cấp trên để tổng hợp, theo dõi nắm tình hình và hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết. Định kỳ 6 tháng, 01 năm (tháng 4, tháng 10 hàng năm) VKSND cấp tỉnh báo cáo tình hình vi phạm pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự theo Hướng dẫn số 28/HD-VKSTC-V4 ngày 31/5/2013 của VKSND tối cao về quản lý và báo cáo tình hình vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Thường xuyên tổng hợp, báo cáo về VKSND tối cao (Vụ 8) những vi phạm phổ biến, kéo dài, chậm khắc phục của các cơ quan hữu quan trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự để kịp thời tham mưu cho Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị cơ quan hữu quan cấp trên chỉ đạo khắc phục.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ vào nhiệm vụ công tác của Ngành năm 2017, Hướng dẫn của VKSND tối cao và thực tế tình hình địa phương, đề nghị đồng chí Viện trưởng chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung:
1. Xây dựng Hướng dẫn công tác đối với VKSND cấp huyện; xây dựng Chương trình công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự năm 2017, chú ý phân công đối với từng chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thời gian hoàn thành và biện pháp tổ chức thực hiện, gửi (thay báo cáo) về VKSND tối cao (Vụ 8) trước ngày 30/01/2017.
2. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 379/QĐ-VKSTC ngày 13/7/2012, được bổ sung theo Quyết định số 122/QĐ-VKSTC ngày 28/3/2013 và Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
3. Kiện toàn đủ đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có năng lực làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự ở VKSND cấp tỉnh và cấp huyện.
4. Thời gian hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ xong trước ngày 30/11/2017.
Nhận được Hướng dẫn này, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Viện kiểm sát quân sự trung ương nghiên cứu, tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai công tác và thực hiện nhiệm vụ nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời báo cáo bằng văn bản về VKSND tối cao (Vụ 8) để hướng dẫn, chỉ đạo./.
Nơi
nhận: |
TL. VIỆN TRƯỞNG |
Hướng dẫn 04/HD-VKSTC công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2017 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu: | 04/HD-VKSTC |
---|---|
Loại văn bản: | Hướng dẫn |
Nơi ban hành: | Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Người ký: | Vũ Huy Thuận |
Ngày ban hành: | 10/01/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Hướng dẫn 04/HD-VKSTC công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2017 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Chưa có Video