Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/VBHN-NHNN

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2024

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CÁC TỶ LỆ BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÀI CHÍNH VI MÔ

Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 03 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô[1].

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1.[2] Thông tư này quy định hạn chế, tỷ lệ bảo đảm an toàn (sau đây gọi là tỷ lệ bảo đảm an toàn) trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, bao gồm:

a) Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;

b) Tỷ lệ về khả năng chi trả;

c) Việc cấp tín dụng đối với người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Căn cứ kết quả giám sát, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) đối với tổ chức tài chính vi mô, trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tài chính vi mô thực hiện tỷ lệ bảo đảm an toàn chặt chẽ hơn so với các mức quy định tại Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Tổ chức tài chính vi mô hoạt động tại Việt Nam;

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Dư nợ cho vay bao gồm toàn bộ dư nợ cho vay trong hạn và dư nợ cho vay quá hạn của tổ chức tài chính vi mô.

2. Lợi nhuận không chia là phần lợi nhuận chưa phân phối, được xác định sau khi báo cáo tài chính năm được kiểm toán độc lập và được Hội đồng thành viên, chủ sở hữu tổ chức tài chính vi mô quyết định giữ lại nhằm mục đích bổ sung vốn cho tổ chức tài chính vi mô.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu

1. Tổ chức tài chính vi mô phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 10%.

2. Tỷ lệ an toàn vốn được xác định bằng công thức sau đây:

Tỷ lệ an toàn vốn =

Vốn tự có

x    100 (%)

Tổng tài sản “Có” rủi ro

Trong đó:

- Vốn tự có được xác định theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

- Tổng tài sản “Có” rủi ro là tổng giá trị các tài sản “Có” được xác định theo mức độ rủi ro quy định tại Điều 6 Thông tư này.

3. Cách xác định cụ thể tỷ lệ an toàn vốn theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Vốn tự có

1. Vốn tự có của tổ chức tài chính vi mô được xác định bằng Vốn cấp 1 cộng Vốn cấp 2 và trừ đi Khoản phải trừ khỏi vốn tự có tại thời điểm xác định vốn tự có.

2. Vốn cấp 1 bao gồm:

a) Vốn điều lệ;

b) Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ;

c) Quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ;

d) Lợi nhuận không chia;

đ) Vốn của các tổ chức, cá nhân tài trợ không hoàn lại cho tổ chức tài chính vi mô.

e)[3] Quỹ dự phòng tài chính.

3. Vốn cấp 2 bao gồm:

a) 50% chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của pháp luật;

b)[4] (được bãi bỏ);

c) Dự phòng chung, tối đa bằng 1,25% tổng tài sản “Có” rủi ro;

d) Các khoản nợ của tổ chức tài chính vi mô thỏa mãn những điều kiện sau:

(i) Có kỳ hạn ban đầu tối thiểu trên 10 năm;

(ii) Không được bảo đảm bằng tài sản của chính tổ chức tài chính vi mô;

(iii) Tổ chức tài chính vi mô không được trả nợ trước thời gian đáo hạn;

(iv) Tổ chức tài chính vi mô được ngừng trả lãi và chuyển lãi lũy kế sang năm tiếp theo nếu việc trả lãi dẫn đến kết quả kinh doanh trong năm bị lỗ;

(v) Trong trường hợp tổ chức tài chính vi mô giải thể hoặc phá sản, chủ nợ chỉ được thanh toán sau khi tổ chức tài chính vi mô đã thanh toán cho tất cả các chủ nợ khác;

(vi) Việc điều chỉnh tăng lãi suất chỉ được thực hiện sau 05 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng và chỉ được điều chỉnh một lần trong suốt thời hạn của khoản nợ.

4. Giới hạn khi xác định Vốn cấp 2:

a) Tổng giá trị Vốn cấp 2 được tính vào vốn tự có tối đa bằng 100% giá trị Vốn cấp 1;

b) Tổng giá trị các khoản nợ quy định tại điểm d khoản 3 Điều này được tính vào Vốn cấp 2 tối đa bằng 50% giá trị Vốn cấp 1;

c) Bắt đầu từ năm thứ năm trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày tương ứng với ngày ký kết hợp đồng, phần giá trị các khoản nợ quy định tại điểm d khoản 3 Điều này được tính vào Vốn cấp 2 theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này sẽ phải khấu trừ mỗi năm 20% giá trị.

5. Khoản phải trừ khỏi vốn tự có bao gồm:

a) Lỗ lũy kế;

b) 100% chênh lệch giảm do đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Tài sản “Có” rủi ro

Tài sản “Có” của tổ chức tài chính vi mô được phân nhóm theo các mức độ rủi ro như sau:

1. Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 0% bao gồm:

a) Tiền mặt;

b)[5] Số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tài chính vi mô mở tại Ngân hàng Nhà nước;

c) Dư nợ cho vay có bảo đảm toàn bộ bằng tiền gửi (tiền gửi tự nguyện, tiết kiệm bắt buộc) tại chính tổ chức tài chính vi mô;

d) Dư nợ cho vay được bảo đảm toàn bộ bằng giấy tờ có giá do Chính phủ phát hành;

đ)[6] (được bãi bỏ).

2. Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 20% bao gồm:

a)[7] Tiền gửi của tổ chức tài chính vi mô tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ tiền gửi tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 9 Điều 174 Luật Các tổ chức tín dụng;

b) Dư nợ cho vay được bảo đảm toàn bộ bằng tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;

c) Dư nợ cho vay được bảo đảm toàn bộ bằng giấy tờ có giá do tổ chức tài chính nhà nước, tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam phát hành.

3. Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 50% bao gồm:

a) Dư nợ cho vay được bảo đảm bằng nhà ở, quyền sử dụng đất, nhà ở gắn với quyền sử dụng đất của bên vay tại tổ chức tài chính vi mô;

b) Dư nợ cho vay được bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn tại chính tổ chức tài chính vi mô.

4.[8] Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 100% bao gồm:

a) Dư nợ cho vay đối với khách hàng, không bao gồm dư nợ cho vay được phân vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 0%; 20% và 50%;

b) Toàn bộ tài sản “Có” khác, không bao gồm các tài sản “Có” được phân vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 0%; 20% và 50%.

Điều 7. Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản và việc cấp tín dụng đối với người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại tổ chức tài chính vi mô[9]

1. Căn cứ quy định tại Thông tư này, các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và thực tế hoạt động, Hội đồng thành viên của tổ chức tài chính vi mô phải ban hành quy định nội bộ về quản lý thanh khoản theo quy định tại khoản 2 Điều này; rà soát, sửa đổi, bổ sung định kỳ ít nhất một năm một lần nhằm quản lý hiệu quả, kịp thời khả năng thanh khoản của tổ chức tài chính vi mô.

2. Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:

a) Phân công cán bộ theo dõi việc bảo đảm khả năng chi trả của tổ chức tài chính vi mô;

b) Phương án thực hiện chi trả tiền gửi (tiền gửi tự nguyện và tiết kiệm bắt buộc) trong trường hợp không đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả;

c) Các quy định về quản lý ngân quỹ, thu, chi, nguồn vốn hằng ngày và các quy định về việc nắm giữ các giấy tờ có giá dễ chuyển đổi thành tiền;

d) Thủ tục và giới hạn quản lý thanh khoản.

3. Tổ chức tài chính vi mô phải sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ cho phù hợp với khoản 2 Điều này trước ngày 31 tháng 12 năm 2024.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ về quản lý thanh khoản, tổ chức tài chính vi mô phải gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện quy định nội bộ về quản lý thanh khoản cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng). Trường hợp quy định nội bộ sửa đổi, bổ sung, thay thế, tổ chức tài chính vi mô gửi văn bản báo cáo những nội dung sửa đổi, bổ sung kèm quy định nội bộ.

5. Tổ chức tài chính vi mô thực hiện cấp tín dụng đối với đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng như sau:

a) Ban hành quy định nội bộ về việc cấp tín dụng cho người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại tổ chức tài chính vi mô đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng tài chính vi mô, các quy định của pháp luật có liên quan và gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện quy định nội bộ nêu trên cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng);

b) Cấp tín dụng cho người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại tổ chức tài chính vi mô theo quy định nội bộ đã được ban hành;

c) Báo cáo cho chủ sở hữu, thành viên góp vốn khi phát sinh khoản cấp tín dụng cho các đối tượng quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 135 Luật Các Tổ chức tín dụng;

d) Báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước các khoản cấp tín dụng cho các đối tượng quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 135 Luật Các Tổ chức tín dụng.

Điều 8. Tỷ lệ về khả năng chi trả, trường hợp tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng chi trả[10]

1. Tổ chức tài chính vi mô phải duy trì thường xuyên tỷ lệ về khả năng chi trả tối thiểu bằng 20%.

2. Tỷ lệ về khả năng chi trả được xác định bằng công thức sau đây:

A =

B

X 100 (%)

C

Trong đó:

A: là tỷ lệ về khả năng chi trả.

B: tiền mặt, số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tài chính vi mô mở tại Ngân hàng Nhà nước; tiền gửi của tổ chức tài chính vi mô tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (nếu có).

C: tổng số dư tiền gửi tự nguyện của khách hàng.

3. Cách xác định cụ thể tỷ lệ về khả năng chi trả theo hướng dẫn tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư này.

4. Tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả khi thiếu hụt tổng các khoản: tiền mặt, số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tài chính vi mô mở tại Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của tổ chức tài chính vi mô tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở mức 20% trở lên tại thời điểm tính toán tỷ lệ khả năng chi trả dẫn đến không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại Thông tư này trong thời gian 30 ngày liên tục.

5. Tổ chức tài chính vi mô mất khả năng chi trả khi không có khả năng thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ trong thời gian 01 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

6. Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất khả năng chi trả, tổ chức tài chính vi mô phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (nếu có).

Chương III

BÁO CÁO, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN

Điều 9. Báo cáo

Tổ chức tài chính vi mô báo cáo việc thực hiện quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo thống kê.

Điều 10.[11] (được bãi bỏ)

Điều 11. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng[12]

1. Thanh tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm của tổ chức tài chính vi mô trong việc thực hiện các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Thông tư này.

2. Tiếp nhận quy định nội bộ, văn bản sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ của tổ chức tài chính vi mô theo quy định tại Thông tư này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[13]

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2016 và thay thế Thông tư số 07/2009/TT-NHNN ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tài chính vi mô chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

 

PHỤ LỤC SỐ 01[14]

CÁCH XÁC ĐỊNH TỶ LỆ AN TOÀN VỐN

A. Vốn tự có để tính các tỷ lệ bảo đảm an toàn của tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) tại thời điểm 31/12/2023:

1. Vốn cấp 1:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Khoản mục

Số tiền

a- Vốn điều lệ (vốn đã được cấp, vốn đã góp)

106,5

b- Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ

33,8

c- Quỹ đầu tư phát triển

39

d- Lợi nhuận không chia

0,9

đ- Vốn của các tổ chức, cá nhân tài trợ không hoàn lại cho tổ chức tài chính vi mô

0

e- Quỹ dự phòng tài chính

23,5

Tổng cộng

203,7

2. Vốn cấp 2:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Khoản mục

Số tiền

Số tiền được tính vào vốn cấp 2

a- Giá trị chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của pháp luật

0,4

0,2(1)

b- Dự phòng chung

112

43,5

c- Các khoản nợ đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 Thông tư này

30

30(2)

Tổng cộng

 

73,7

Ghi chú:

(1) Giá trị chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của pháp luật được tính vào Vốn cấp 2 như sau: 0,2 x 50% = 0,1 (tỷ đồng).

(2) Tổng giá trị các khoản nợ quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 Thông tư này được tính vào Vốn cấp 2 là 30 (tỷ đồng), bằng 50% giá trị Vốn cấp 1 đáp ứng quy định tại điểm b khoản 4 Điều 5 Thông tư này.

3. Khoản phải trừ khỏi vốn tự có:

- Giá trị chênh lệch giảm do đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của pháp luật: 0 (tỷ đồng).

- Lỗ lũy kế: 0 (tỷ đồng).

Ghi chú: Lỗ lũy kế được xác định tại thời điểm tính tỷ lệ an toàn vốn.

Vốn tự có = Vốn cấp 1 + Vốn cấp 2 - Khoản phải trừ khỏi vốn tự có

                    = 203,7 + 73,7 - 0 = 277,4 (tỷ đồng)

B. Tổng tài sản “Có” rủi ro

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Khoản mục

Giá trị sổ sách

Hệ số rủi ro

Giá trị tài sản “Có” rủi ro

1- Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 0%

 

 

 

a- Tiền mặt

30

0%

0

b- Số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tài chính vi mô mở tại Ngân hàng Nhà nước

0

0%

0

c- Dư nợ cho vay có bảo đảm toàn bộ bằng tiền gửi (tiền gửi tự nguyện, tiết kiệm bắt buộc) tại chính tổ chức tài chính vi mô

18

0%

0

d- Dư nợ cho vay được bảo đảm toàn bộ bằng giấy tờ có giá do Chính phủ phát hành

0

0%

0

2- Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 20%

 

 

 

a- Tiền gửi của tổ chức tài chính vi mô tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trừ tiền gửi tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 9 Điều 174 Luật các Tổ chức tín dụng;

24

20%

2,4

b- Dư nợ cho vay được bảo đảm toàn bộ bằng tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam

0

20%

0

c- Dư nợ cho vay được bảo đảm toàn bộ bằng giấy tờ có giá do tổ chức tài chính nhà nước, tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam phát hành

0

20%

0

3- Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 50%

 

 

 

a- Dư nợ cho vay được bảo đảm bằng nhà ở, quyền sử dụng đất, nhà ở gắn với quyền sử dụng đất của bên vay tại tổ chức tài chính vi mô

0

50%

0

b- Dư nợ cho vay được bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn tại chính tổ chức tài chính vi mô

30

50%

15

4- Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 100%

 

 

 

a- Dư nợ cho vay đối với khách hàng, không bao gồm dư nợ cho vay được phân vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 0%; 20% và 50%.

668

100%

668

b- Toàn bộ tài sản “Có” khác, không bao gồm các tài sản “Có” được phân vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 0%; 20% và 50%.

150

100%

150

Tổng cộng

 

 

835,4

C. Tỷ lệ an toàn vốn = (Vốn tự có/ Tổng tài sản “Có” rủi ro) x 100  = (277,4/835,4) x 100 = 33,2(%)

 

PHỤ LỤC SỐ 02[15]

CÁCH XÁC ĐỊNH TỶ LỆ VỀ KHẢ NĂNG CHI TRẢ

1. Tại thời điểm 31/12/2023, tình hình tiền mặt, số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tài chính vi mô mở tại Ngân hàng Nhà nước; tiền gửi của tổ chức tài chính vi mô tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổng số dư tiền gửi tự nguyện của khách hàng tổ chức tài chính vi mô như sau:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Khoản mục

Giá trị sổ sách

 I. Tử số (A)

15

 1. Tiền mặt

5,7

 2. Số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tài chính vi mô mở tại Ngân hàng Nhà nước

0

 3. Tiền gửi của tổ chức tài chính vi mô tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

9,3

 II. Mẫu số (B)

51

 Tổng số dư tiền gửi tự nguyện của khách hàng

51

2. Tỷ lệ về khả năng chi trả (C): C = (A/B) x 100

= (15/51) x 100 = 29,4 (%)

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đoàn Thái Sơn

 



[1] Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.”

[2] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

[3] Điểm này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

[4] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

[5] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

[6] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

[7] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

[8] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

[9] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

[10] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

[11] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

[12] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

[13] Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024 quy định như sau :

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tài chính vi mô, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 4. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.” 

[14] Phụ này được thay thế theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

[15] Phụ này được thay thế theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư số 24/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Văn bản hợp nhất 29/VBHN-NHNN năm 2024 hợp nhất Thông tư quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu: 29/VBHN-NHNN
Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký: Đoàn Thái Sơn
Ngày ban hành: 21/08/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [2]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Văn bản hợp nhất 29/VBHN-NHNN năm 2024 hợp nhất Thông tư quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…