Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 57/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 57/2003/TT-BTC NGÀY 13 THÁNG 6 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ THANH TOÁN HÀNG HOÁ VÀ DỊCH VỤ TRẢ NỢ CHO LIÊN BANG NGA THAY THẾ CHO THÔNG TƯ SỐ 10/2001/TT-BTC NGÀY 30/1/2001 CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về xử lý nợ của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên bang Nga và Nghị định thư giữa Chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về cơ chế trả nợ ký ngày 13/9/2000 (dưới đây gọi tắt là Hiệp định và Nghị định thư).
Căn cứ vào tình hình thực tế triển khai cơ chế thanh toán hàng hoá và dịch vụ trả nợ Liên bang Nga đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và qui định tại Thông tư số 10/2001/TT-BTC ngày 30/1/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế thanh toán hàng hoá và dịch vụ trả nợ cho Liên bang Nga.
Bộ Tài chính hướng dẫn lại cơ chế thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) trả nợ cho Liên bang Nga theo Hiệp định và Nghị định thư như sau:

I. CƠ CHẾ TRẢ NỢ CHO LIÊN BANG NGA:

1. Hàng năm, vào hai kỳ trả nợ theo Hiệp định (15/1 và 15/7) Bộ Tài chính sẽ chuyển tiền vào Tài khoản trả nợ mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) để làm nguồn thanh toán cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá (hoặc dịch vụ) trả nợ cho Liên bang Nga.

Thể thức hạch toán Tài khoản trả nợ nói trên do Bộ Tài chính và Vietcombank thoả thuận.

2. Căn cứ vào lịch trả nợ qui định tại Hiệp định, hàng năm phía Liên bang Nga sẽ tổ chức các đợt lựa chọn và thông báo cho phía Việt Nam tên các tổ chức Nga được uỷ quyền nhập khẩu hàng hoá (hoặc dịch vụ) từ Việt Nam trong năm đó, đợt thông báo cuối cùng không chậm hơn 1/11 hàng năm.

3. Trong khuôn khổ kim ngạch trả nợ đã được phía Liên bang Nga thông báo, các tổ chức được uỷ quyền của Liên bang Nga được tự do lựa chọn mặt hàng, dịch vụ và đối tác là các doanh nghiệp Việt Nam (thuộc mọi thành phần kinh tế) để ký kết các hợp đồng xuất khẩu hàng hoá (hoặc dịch vụ) trả nợ (dưới đây gọi tắt là hợp đồng ngoại) phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế, luật pháp Việt Nam và Liên bang Nga. Giá cả đối với hàng hoá (hoặc dịch vụ) được xác định theo giá quốc tế tính bằng Đô la Mỹ và theo các điều kiện thương mại thông thường.

Các tổ chức Nga được uỷ quyền có thể tái xuất hoặc uỷ thác cho các đối tác Việt Nam tái xuất hàng hoá đã mua sang nước thứ ba. Việc uỷ thác này phải được xác lập bằng phụ lục hợp đồng ngoại hoặc các thoả thuận uỷ thác hợp pháp giữa 2 bên.

Trong các hợp đồng ngoại cần có điều khoản xác định việc xuất khẩu hàng hoá (hoặc dịch vụ) để trả nợ của Việt Nam cho Liên bang Nga theo Hiệp định và Nghị định thư.

4. Tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia vào việc xuất khẩu hàng hoá (hoặc cung cấp dịch vụ) để trả nợ cho Liên bang Nga như các giao dịch thương mại thông thường.

5. Việc thanh toán các hàng hoá (hoặc dịch vụ) của Việt Nam đã cung cấp để trả nợ được thực hiện trên cơ sở các Thư tín dụng không huỷ ngang (Irrevocable Letter of Credit - L/C) do Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô mở qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam theo các hợp đồng ngoại và phù hợp với các qui định của Các qui tắc thống nhất về thông lệ và thực hành tín dụng chứng từ bản số 500 - UCP 500.

Thời hạn giao hàng, cung cấp dịch vụ thuộc nghĩa vụ trả nợ hàng năm trong các hợp đồng ngoại không muộn hơn 30/6 của năm kế tiếp, không phụ thuộc vào thời điểm ký kết hợp đồng ngoại (trừ trường hợp được phía Nga xác nhận gia hạn). Quá thời hạn trên, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng ngoại và ký Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ với Bộ Tài chính nhưng không thực hiện được việc giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ sẽ phải chịu phạt theo qui định tại mục II.3 của Thông tư này.

6. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá (hoặc dịch vụ) trả nợ cho Liên bang Nga sẽ được hưởng mọi qui định về chế độ khuyến khích xuất khẩu như đối với hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu theo phương thức thương mại thông thường.

II. CÁC QUI ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THANH TOÁN HÀNG HOÁ (HOẶC DỊCH VỤ) XUẤT KHẨU TRẢ NỢ CHO LIÊN BANG NGA

1. Ký kết Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ với Bộ Tài chính:

Sau khi phía Nga thông báo chính thức tổ chức Nga được uỷ quyền, các doanh nghiệp Việt Nam cần xuất trình cho Bộ Tài chính các Hợp đồng ngoại và phụ lục (nếu có). Căn cứ vào các Hợp đồng ngoại và các phụ lục và Thông báo xác nhận của Tổ chức Nga được uỷ quyền về Hợp đồng ngoại trả nợ Liên bang Nga đã ký với doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính tiến hành ký Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ Liên bang Nga với doanh nghiệp Việt Nam đã ký các Hợp đồng nói trên (theo mẫu tại Phụ lục đính kèm Thông tư này). Các Hợp đồng ngoại và các phụ lục (nếu có) chỉ được coi là hợp lệ nếu được ký và xuất trình cho Bộ Tài chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký.

Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không trực tiếp xuất khẩu cần xuất trình thêm các Hợp đồng uỷ thác hoặc liên kết xuất khẩu trong nước cho Bộ Tài chính khi ký Hợp đồng thanh toán.

Các Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ được ký kết theo thứ tự thời gian đăng ký Hợp đồng ngoại của các doanh nghiệp, cho đến khi tổng giá trị các Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ trong năm bằng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Việt Nam trong năm đó.

2. Thủ tục thanh toán:

Ngay sau khi giao hàng hoá (hoặc dịch vụ) trả nợ, các doanh nghiệp cần xuất trình bộ chứng từ thanh toán theo đúng qui định tại L/C, Hợp đồng ngoại cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để kiểm tra và gửi chứng từ cho Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô làm thủ tục trừ nợ. Để đảm bảo trả nợ bằng hàng hoá của Việt Nam, các doanh nghiệp phải gửi cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của hàng hoá do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Danh mục mặt hàng hoặc nhóm hàng, tên doanh nghiệp xuất khẩu trả nợ của Việt Nam (doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và/hoặc doanh nghiệp nhận uỷ thác, liên kết xuất khẩu trả nợ) ghi trên Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) phải phù hợp với danh mục mặt hàng hoặc nhóm hàng và tên doanh nghiệp nêu trong L/C, Hợp đồng ngoại hoặc Hợp đồng uỷ thác/liên kết xuất khẩu (nếu có) và được đăng ký trong Hợp đồng thanh toán với Bộ Tài chính. Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) chỉ được coi là phù hợp nếu được lập kể từ ngày Hợp đồng ngoại được ký kết.

Sau khi được Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô trừ nợ và doanh nghiệp Việt Nam xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) đầy đủ và phù hợp, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thông báo cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) bằng văn bản để thanh toán cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ thanh toán toàn bộ trị giá hàng hoá (hoặc dịch vụ) đã thực hiện bằng đồng Việt Nam. Tỷ giá thanh toán là tỷ giá mua vào VNĐ/USD (bằng chuyển khoản) do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam công bố vào ngày Bộ Tài chính làm thủ tục thanh toán cho doanh nghiệp Việt Nam.

3. Trách nhiệm của doanh nghiệp:

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trả nợ chịu trách nhiệm đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng ngoại với các tổ chức được uỷ quyền của Liên bang Nga theo các qui định cụ thể tại mục I trên, các qui định hiện hành của luật pháp Việt Nam và thông lệ thương mại thương mại quốc tế.

Doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc trả nợ bằng hàng hoá (hoặc dịch vụ) theo các qui định về thương mại thông thường do Bộ Thương mại hướng dẫn, bảo đảm chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga.

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất hàng trả nợ tự chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hợp đồng ngoại ký với đối tác được uỷ quyền của Liên bang Nga (bao gồm cả các hợp đồng tái xuất sang nước thứ 3 nếu hai bên có thoả thuận) bộ chứng từ thanh toán và bộ chứng từ xuất khẩu (bao gồm cả các C/O) theo quy định của luật pháp Việt Nam và thông lệ thương mại quốc tế.

Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không trực tiếp xuất hàng trả nợ mà uỷ thác hoặc liên kết xuất khẩu cho một doanh nghiệp khác, thì phải xuất trình các hợp đồng uỷ thác hoặc liên kết xuất khẩu cùng với bộ chứng từ xuất khẩu cho Ngân hàng ngoại thương Việt Nam để kiểm tra và phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của việc uỷ thác/liên kết này.

Trong Hợp đồng ngoại được ký kết, cần xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia. Các doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) mọi vấn đề phát sinh có thể dẫn đến việc không thực hiện được hợp đồng ngoại cũng như mọi vi phạm (nếu có) từ phía đối tác Nga được uỷ quyền.

Nếu hợp đồng ngoại đã ký nhưng không thực hiện được do lỗi của doanh nghiệp Việt Nam (như giao hàng chậm, không đúng qui cách, kém chất lượng...) thì ngoài các nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng ngoại hoặc phán quyết của trọng tài, doanh nghiệp phải nộp vào Bộ Tài chính một khoản phạt bằng 2% trị giá Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ đã ký nhưng không thực hiện được để bù đắp việc Việt Nam phải trả lãi phạt cho Liên bang Nga theo Hiệp định.

4. Trách nhiệm của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam:

- Tiếp nhận và kiểm tra bộ chứng từ thanh toán của doanh nghiệp phù hợp với thể thức thanh toán Thư tín dụng và Thoả ước Ngân hàng đã ký; Gửi bộ chứng từ này cho Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô để làm thủ tục thanh toán theo đề nghị của các doanh nghiệp có Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ ký với Bộ Tài chính.

- Kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) do các doanh nghiệp xuất trình theo quy định tại điều II.2 trên. Thời hạn kiểm tra không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận xuất xứ.

- Gửi Thông báo về việc đã ghi Nợ Tài khoản trả nợ của Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) sau khi doanh nghiệp đã xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ đầy đủ và phù hợp để Bộ Tài chính thanh toán cho doanh nghiệp Việt Nam.

- Chuyển tiền thanh toán kịp thời cho doanh nghiệp từ Tài khoản trả nợ Liên bang Nga theo Uỷ nhiệm chi của Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) và chỉ định của doanh nghiệp.

- Trường hợp Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chuyển tiền chậm thì phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp theo luật pháp hiện hành.

5. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam về việc ghi nợ Tài khoản trả nợ của Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô, Bộ Tài chính thanh toán bằng đồng Việt Nam toàn bộ trị giá được phía Nga trừ nợ cho doanh nghiệp Việt Nam vào tài khoản do doanh nghiệp Việt Nam chỉ định.

Trường hợp Bộ Tài chính chuyển tiền trả cho doanh nghiệp Việt Nam chậm thì phải đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp theo luật pháp hiện hành.

III. HIỆU LỰC THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế cho Thông tư số 10/2001/TT-BTC ngày 30/1/2001 hướng dẫn cơ chế thanh toán hàng hoá và dịch vụ trả nợ cho Liên bang Nga.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan và doanh nghiệp có liên quan cần phản ánh cho Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết.

 

 

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)

 

 

PHỤ LỤC

(Mẫu kèm theo Thông tư số 57/2003/TT-BTC ngày 13/6/2003)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG THANH TOÁN HÀNG HOÁ (HOẶC DỊCH VỤ) XUẤT KHẨU TRẢ NỢ LIÊN BANG NGA

Số ĐK:……......……/LBN/(năm)
Ngày:……………………………

Căn cứ vào kế hoạch trả nợ nước ngoài cho Liên bang Nga năm ...…

Căn cứ đề nghị đăng ký của (tên doanh nghiệp đăng ký trả nợ) tại Công văn số … ngày................... kèm theo Hợp đồng ngoại số....................... ngày ............. ký giữa: (ghi tên doanh nghiệp đăng ký trả nợ và tổ chức Nga được uỷ quyền nhận nợ)...

Kèm theo: (ghi tên các tài liệu liên quan đến việc trả nợ như:

+ Số và ngày mở Thư tín dụng của Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô;

+ Bản sao phụ lục hợp đồng ngoại hoặc bản sao các văn bản thoả thuận uỷ thác khác (đã được Thủ trưởng đơn vị xác nhận Sao y bản chính) giữa doanh nghiệp đăng ký trả nợ và tổ chức Nga được uỷ quyền nhận nợ về việc uỷ thác xuất khẩu sang nước thứ 3 (nếu có)

+ ..........)

Bộ Tài chính đồng ý ký Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ với (ghi tên doanh nghiệp đăng ký trả nợ)..........................................

Theo các điều khoản và điều kiện cụ thể dưới đây:

1. Mặt hàng (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ:........................................................

2. Trị giá Hợp đồng:..............................................................................................

3.Thời hạn giao hàng cuối cùng:...........................................................................

+ Gia hạn (Lần 1) .................................................................................................

+ Gia hạn (Lần 2) .................................................................................................

4. Tài khoản của doanh nghiệp số: .......................................................................

tại Ngân hàng:.......................................................................................................

Hợp đồng thanh toán này được ký thành 4 bản, mỗi Bên giữ 2 bản.

Hai bên cam kết thực hiện Hợp đồng thanh toán này theo đúng như hướng dẫn tại Thông tư số 57/2003/TT-BTC ngày 13/6/2003 của Bộ Tài chính.

Đại diện doanh nghiệp
(Giám đốc hoặc Phó giám đốc)
(ký tên và đóng dấu)

đại diện bộ tài chính
(Vụ trưởng hoặc Phó Vụ trưởng
Vụ Tài chính đối ngoại )
(ký tên và đóng dấu)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư 57/2003/TT-BTC thay thế Thông tư 10/2001/TT-BTC hướng dẫn cơ chế thanh toán hàng hoá và dịch vụ trả nợ cho Liên bang Nga do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu: 57/2003/TT-BTC
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính
Người ký: Lê Thị Băng Tâm
Ngày ban hành: 13/06/2003
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [1]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư 57/2003/TT-BTC thay thế Thông tư 10/2001/TT-BTC hướng dẫn cơ chế thanh toán hàng hoá và dịch vụ trả nợ cho Liên bang Nga do Bộ Tài chính ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [2]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [1]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…