BỘ
KHOA HỌC VÀ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2011/TT-BKHCN |
Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2011 |
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học
và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22
tháng 10 năm 2003 của Chỉnh phủ về thành lập Quỹ phát triển khoa học và công
nghệ quốc gia;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý và sử dụng Quỹ bảo lãnh
vay vốn cho dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp
nhỏ và vừa như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo lãnh vay vốn cho dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ bảo lãnh vay vốn).
2. Đối tượng áp dụng
a) Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (Quỹ PTKHCNQG).
b) Các tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại.
c) Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
d) Các tổ chức dịch vụ tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (TCDV TK&HQNL).
đ) Các tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện Thông tư này.
1. Quỹ bảo lãnh vay vốn được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Quỹ PTKHCNQG quản lý và sử dụng.
2. Hoạt động của Quỹ bảo lãnh vay vốn không vì mục tiêu lợi nhuận, được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. DNNVV là doanh nghiệp được qui định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV.
2. TCDV TK&HQNL là tổ chức có chức năng tư vấn và/hoặc kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ năng lượng và chuyển giao công nghệ.
3. Bên bảo lãnh là ngân hàng thương mại được Quỹ PTKHCNQG uỷ thác quản lý Quỹ bảo lãnh vay vốn theo thoả thuận giữa hai bên.
4. Bên được bảo lãnh vay vốn là DNNVV hoặc TCDV TK&HQNL.
5. Bên nhận bảo lãnh là các tổ chức tài chính/ngân hàng thương mại cho vay hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
6. Chứng thư bảo lãnh là cam kết bằng văn bản của Bên bảo lãnh với Bên nhận bảo lãnh về việc Bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Bên được bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh không trả hoặc trả không đầy đủ và đúng hạn nợ vay theo cam kết với Bên nhận bảo lãnh.
7. Hợp đồng bảo lãnh vay vốn là thoả thuận bằng văn bản được ký giữa Bên bảo lãnh và Bên được bảo lãnh về việc Bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Bên được bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh không trả hoặc trả không đầy đủ và đúng hạn nợ vay theo cam kết với Bên nhận bảo lãnh.
8. Dự án đầu tư sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Dự án SDNL TK&HQ) là dự án đầu tư thực hiện các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn đảm bảo nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống.
Điều 4. Nguồn vốn của Quỹ bảo lãnh vay vốn
Nguồn vốn của Quỹ bảo lãnh vay vốn bao gồm:
1. Một triệu sáu trăm chín mươi chín ngàn chín trăm chín mươi mốt đô la Mỹ (1.699.991 USD) (số ngoại tệ này sẽ được chuyển sang đồng Việt Nam theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng ủy thác tại thời điểm bàn giao) từ Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” do Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ.
2. Nguồn vốn huy động, tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có).
3. Nguồn thu hồi nợ và xử lý nợ sau khi trừ chi phí xử lý nợ đối với các khoản phát sinh trả nợ thay.
4. Vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh vay vốn (nếu có).
Điều 5. Sử dụng vốn của Quỹ bảo lãnh vay vốn
1. Đảm bảo cho khoản bảo lãnh vay vốn.
2. Trả nợ thay theo hợp đồng bảo lãnh vay vốn đã ký.
3. Chi cho các hoạt động quản lý Quỹ bảo lãnh vay vốn.
Điều 6. Đối tượng được bảo lãnh vay vốn
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
Điều 7. Phạm vi bảo lãnh vay vốn
1. Bên bảo lãnh vay vốn có thể bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của DNNVV, TCDV TK&HQNL vay vốn tại ngân hàng thương mại/tổ chức tài chính nhưng không quá 70% tổng mức vốn đầu tư dự án sau khi trừ đi phần vốn lưu động của dự án.
2. Bên bảo lãnh chỉ bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ gốc của Bên được bảo lãnh tại ngân hàng thương mại/tổ chức tài chính.
Điều 8. Giới hạn bảo lãnh vay vốn
1. Mức bảo lãnh vay vốn cho một dự án SDNL TK&HQ tối đa 3 tỷ đồng và/hoặc cho Bên được bảo lãnh tối đa 4,5 tỷ đồng.
2. Bội số bảo lãnh vay vốn của Quỹ bảo lãnh vay vốn không vượt quá 2 lần so với vốn khả dụng hiện có và có thể được điều chỉnh cho phù hợp với mức độ rủi ro của các dự án SDNL TK&HQ theo từng thời kỳ.
Điều 9. Điều kiện cấp bảo lãnh vay vốn
1. Có Dự án SDNL TK&HQ được Quỹ PTKHCNQG chấp thuận tính khả thi về kinh tế-kỹ thuật và được Bên nhận bảo lãnh chấp thuận cho vay.
2. Bên được bảo lãnh có vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư dự án SDNL TK&HQ tối thiểu là 30% tổng vốn đầu tư dự án.
3. Có tài sản bảo đảm cho khoản bảo lãnh vay vốn:
a) Tài sản hình thành từ vốn vay, và/hoặc
b) Các tài sản khác của Bên được bảo lãnh hoặc của Bên thứ ba.
4. Ngoài các điều kiện quy định tại Khoản 1, 2, 3 của Điều này, Bên được bảo lãnh phải đáp ứng các điều kiện khác của Bên bảo lãnh.
Điều 10. Thời hạn bảo lãnh vay vốn
Thời hạn bảo lãnh vay vốn tương ứng với thời hạn cho vay của Bên nhận bảo lãnh và không vượt quá thời hạn thu hồi vốn để đầu tư tài sản cố định. Thời hạn bảo lãnh có thể được gia hạn theo sự thay đổi thời hạn vay vốn, nhưng tối đa không được vượt quá 1/3 thời hạn bảo lãnh ban đầu của khoản vay.
1. Mức phí bảo lãnh tối đa bằng 0,8%/năm tính trên số tiền được bảo lãnh. Việc thu phí phù hợp với thời gian bảo lãnh được thoả thuận trong hợp đồng bảo lãnh vay vốn. Bên bảo lãnh được quyền quyết định miễn, giảm phí bảo lãnh trong trường hợp Bên được bảo lãnh gặp rủi ro bất khả kháng.
2. Trong trường hợp Bên được bảo lãnh chậm thanh toán phí bảo lãnh cho Bên bảo lãnh, mức phí bảo lãnh chậm trả được tính bằng tổng số phí đến kỳ trả cộng với khoản lãi được tính bằng 150% lãi suất cho vay thực hiện dự án tính trên số phí chậm trả và thời gian chậm trả.
Điều 12. Hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn
1. Giấy đề nghị bảo lãnh vay vốn của DNNVV hoặc TCDVTK&HQNL.
2. Các tài liệu chứng minh Bên đề nghị bảo lãnh đủ điều kiện được bảo lãnh theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này.
3. Các tài liệu khác theo quy định của Bên bảo lãnh.
Điều 13. Quy trình bảo lãnh vay vốn
1. Khi phát sinh nhu cầu bảo lãnh vay vốn cho dự án SDNL TK&HQ, Bên đề nghị bảo lãnh gửi hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn đến Quỹ PTKHCNQG.
2. Chậm nhất 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Quỹ PTKHCNQG và Bên bảo lãnh sẽ tiến hành thẩm định khía cạnh kỹ thuật và tài chính của dự án và khách hàng. Trường hợp chấp thuận, Quỹ PTKHCNQG có văn bản thông báo cho Bên đề nghị bảo lãnh vay vốn và Bên bảo lãnh. Trường hợp không chấp thuận bảo lãnh, Quỹ PTKHCNQG thông báo cho Bên đề nghị bảo lãnh và giải thích rõ lý do không chấp thuận.
3. Căn cứ văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh của Quỹ PTKHCNQG, Bên bảo lãnh gửi văn bản cho Bên nhận bảo lãnh để Bên nhận bảo lãnh có căn cứ ký hợp đồng tín dụng với khách hàng.
4. Sau khi có hợp đồng tín dụng giữa Bên nhận bảo lãnh và Bên được bảo lãnh, Bên bảo lãnh tiến hành ký hợp đồng bảo lãnh vay vốn và hợp đồng bảo đảm bảo lãnh với Bên được bảo lãnh; phát hành chứng thư bảo lãnh cho Bên nhận bảo lãnh.
5. Bên nhận bảo lãnh thực hiện cho vay đối với Bên được bảo lãnh theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ chế cho vay của ngân hàng thương mại đối với khách hàng.
Điều 14. Hợp đồng bảo lãnh vay vốn
1. Hợp đồng bảo lãnh bao gồm các nội dụng cơ bản sau:
a) Tên, địa chỉ của Bên bảo lãnh và Bên được bảo lãnh.
b) Địa điểm, thời điểm ký hợp đồng bảo lãnh vay vốn.
c) Số tiền, thời hạn hiệu lực và phí bảo lãnh vay vốn.
d) Mục đích, nội dung bảo lãnh vay vốn.
đ) Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
e) Biện pháp bảo đảm bảo lãnh, giá trị tài sản bảo đảm.
g) Quyền và nghĩa vụ của các bên.
h) Thỏa thuận về hoàn trả của Bên được bảo lãnh sau khi Bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
i) Thỏa thuận về giải quyết tranh chấp phát sinh.
k) Những thỏa thuận khác.
2. Trường hợp Bên nhận bảo lãnh và Bên được bảo lãnh muốn thay đổi điều khoản trong hợp đồng tín dụng có liên quan đến nội dung hợp đồng bảo lãnh thì phải được Bên bảo lãnh chấp thuận bằng văn bản. Hợp đồng bảo lãnh được sửa đổi bổ sung, gia hạn và huỷ bỏ khi các bên có liên quan thoả thuận.
Điều 15. Quy trình xử lý rủi ro
1. Chậm nhất 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Bên nhận bảo lãnh, Bên bảo lãnh xem xét và thỏa thuận với Bên nhận bảo lãnh về việc thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo đúng cam kết tại chứng thư bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh vay vốn đã ký.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo đúng cam kết, các Bên thực hiện như sau:
a) Bên bảo lãnh thông báo và đề nghị Quỹ PTKHCNQG thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay như đã cam kết.
b) Quỹ PTKHCNQG sử dụng nguồn vốn của Quỹ bảo lãnh vay vốn để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Bên được bảo lãnh.
c) Sau khi nhận được văn bản chấp thuận trả nợ thay của Quỹ PTKHCNQG, Bên bảo lãnh yêu cầu Bên được bảo lãnh nhận nợ bắt buộc đối với số tiền Bên bảo lãnh trả nợ thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với lãi suất bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn của ngân hàng thương mại (Bên bảo lãnh) tại thời điểm nhận nợ. Bên được bảo lãnh có trách nhiệm hoàn trả nợ vay bắt buộc (bao gồm gốc + lãi) cho Bên bảo lãnh.
d) Bên bảo lãnh thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, xử lý nợ xấu và xử lý rủi ro theo quy định của Bên bảo lãnh và pháp luật hoặc khởi kiện Bên được bảo lãnh ra Toà án.
Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của Quỹ PTKHCNQG
1. Quỹ PTKHCNQG có quyền
a) Uỷ thác cho Ngân hàng thương mại thực hiện các nghiệp vụ bảo lãnh, thu hồi và xử lý nợ và các nghiệp vụ khác trong việc quản lý Quỹ bảo lãnh vay vốn.
b) Yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến việc thẩm định bảo lãnh vay vốn và các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh.
c) Chấp nhận hoặc từ chối đề nghị bảo lãnh vay vốn, sửa đổi bổ sung, gia hạn hoặc huỷ bỏ bảo lãnh vay vốn cho Bên được bảo lãnh.
d) Thu phí hoặc uỷ thác thu phí bảo lãnh vay vốn theo quy định.
e) Yêu cầu Bên bảo lãnh có ý kiến với Bên nhận bảo lãnh chấm dứt cho vay và thu hồi nợ trước hạn nếu thấy Bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng bảo lãnh, vi phạm hợp đồng tín dụng hoặc vi phạm pháp luật.
g) Phối hợp với Bên bảo lãnh, Bên nhận bảo lãnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và tài sản hình thành từ vốn vay của Bên được bảo lãnh.
h) Từ chối thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay trong các trường hợp sau:
Bên nhận bảo lãnh không thực hiện kiểm tra, giám sát theo quy định của Bên bảo lãnh đối với việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay không đúng mục đích vay vốn ghi trong hợp đồng tín dụng của Bên được bảo lãnh.
Bên nhận bảo lãnh chưa thực hiện đầy đủ các nội dung tại chứng thư bảo lãnh.
2. Quỹ PTKHCNQG có nghĩa vụ
a) Thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay như đã thoả thuận với Bên bảo lãnh.
b) Thanh toán phí uỷ thác cho Ngân hàng thương mại được Quỹ PTKHCNQG uỷ thác theo Hợp đồng uỷ thác.
c) Báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu về kết quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh vay vốn cho các cơ quan có thẩm quyền.
Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của Bên bảo lãnh
1. Bên bảo lãnh có quyền:
a) Yêu cầu Bên được bảo lãnh cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến việc thẩm định bảo lãnh và các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh.
b) Phát hành chứng thư bảo lãnh, sửa đổi bổ sung, gia hạn hoặc huỷ bỏ chứng thư bảo lãnh sau khi có ý kiến bằng văn bản của Quỹ PTKHCNQG.
c) Yêu cầu Bên nhận bảo lãnh chấm dứt cho vay và thu hồi nợ trước hạn nếu thấy Bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng bảo lãnh, vi phạm hợp đồng tín dụng hoặc vi phạm pháp luật, báo cáo với Quỹ PTKHCNQG.
d) Phối hợp với Bên nhận bảo lãnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và tài sản hình thành từ vốn vay của Bên được bảo lãnh để đảm bảo sử dụng vốn và tài sản hình thành từ vốn vay đúng mục đích theo cam kết tại hợp đồng tín dụng.
đ) Từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong các trường hợp sau:
Bên nhận bảo lãnh không thực hiện kiểm tra, giám sát theo quy định của Bên bảo lãnh đối với việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay không đúng mục đích vay vốn ghi trong hợp đồng tín dụng của Bên được bảo lãnh.
Bên nhận bảo lãnh chưa thực hiện đầy đủ các nội dung tại chứng thư bảo lãnh.
e) Yêu cầu Bên được bảo lãnh nhận nợ bắt buộc và hoàn trả toàn bộ số tiền Quỹ PTKHCNQG đã trả thay (bao gồm cả gốc và lãi), xử lý tài sản bảo đảm bảo lãnh theo quy định.
g) Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi Bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ cam kết.
2. Bên bảo lãnh có nghĩa vụ:
a) Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo chứng thư bảo lãnh.
b) Hoàn trả đầy đủ tài sản bảo đảm và các giấy tờ có liên quan cho Bên được bảo lãnh khi tiến hành thanh lý hợp đồng bảo lãnh.
c) Chuyển giao quyền tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm cho Bên nhận bảo lãnh trong trường Bên bảo lãnh từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
d) Cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình bảo lãnh vay vốn cho Quỹ PTKHCNQG.
Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của Bên được bảo lãnh
1. Bên được bảo lãnh có quyền:
a) Đề nghị Bên bảo lãnh ký hợp đồng bảo lãnh, phát hành chứng thư bảo lãnh; sửa đổi bổ sung, gia hạn hoặc hủy bỏ bảo lãnh khi có sự thay đổi các điều khoản của hợp đồng tín dụng.
b) Yêu cầu Bên bảo lãnh thực hiện đúng cam kết bảo lãnh và các thỏa thuận trong hợp đồng bảo lãnh.
c) Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi các bên liên quan vi phạm nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng tín dụng, chứng thư bảo lãnh.
2. Bên được bảo lãnh có nghĩa vụ
a) Cung cấp đầy đủ, chính xác và trung thực các tài liệu và các thông tin theo yêu cầu của Quỹ PTKHCNQG, Bên bảo lãnh, Bên nhận bảo lãnh và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đã cung cấp.
b) Thực hiện đầy đủ và đúng hạn nghĩa vụ cam kết với Bên bảo lãnh và Bên nhận bảo lãnh.
c) Thanh toán đầy đủ và đúng hạn phí bảo lãnh.
d) Sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay được bảo lãnh đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả.
đ) Nhận nợ với Bên bảo lãnh và hoàn trả nợ cho Quỹ PTKHCNQG số tiền Quỹ PTKHCNQG đã trả thay bao gồm cả gốc, lãi phát sinh từ việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
e) Chịu sự kiểm tra, giám sát và báo cáo tình hình hoạt động có liên quan đến giao dịch bảo lãnh vay vốn cho Bên bảo lãnh, Bên nhận bảo lãnh.
g) Thực hiện việc trả nợ trước hạn cho Bên nhận bảo lãnh khi các bên có yêu cầu.
Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của Bên nhận bảo lãnh
1. Bên nhận bảo lãnh có quyền
a) Thực hiện quyền của tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng và các văn bản có liên quan.
b) Yêu cầu Bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ theo chứng thư bảo lãnh và các thỏa thuận khác có liên quan.
c) Yêu cầu Bên bảo lãnh chuyển giao quyền tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm bảo lãnh trong trường hợp Bên bảo lãnh từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
d) Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi các bên vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng.
đ) Thực hiện quyền khác theo thỏa thuận.
2. Bên nhận bảo lãnh có nghĩa vụ
a) Thực hiện các nghĩa vụ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng và các văn bản có liên quan.
b) Kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay, việc hoàn trả nợ vay của Bên được bảo lãnh để đảm bảo sử dụng vốn, tài sản hình thành từ vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ vay theo đúng cam kết tại hợp đồng tín dụng.
c) Cung cấp cho Bên bảo lãnh đầy đủ hồ sơ chứng minh việc giải ngân vốn vay; kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và tài sản hình thành từ vốn vay đối với Bên được bảo lãnh khi yêu cầu Bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
d) Cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện việc vay vốn có bảo lãnh cho Bên bảo lãnh và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN VÀ KIẾM TOÁN
1. Vốn hoạt động của Quỹ bảo lãnh vay vốn cho dự án SDNL TK&HQ phải được sử dụng đúng mục đích và tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.
2. Nguồn thu của Quỹ bảo lãnh vay vốn bao gồm các khoản như:
a) Lãi tiền gửi nguồn vốn của Quỹ bảo lãnh vay vốn tại Bên bảo lãnh.
b) Phí bảo lãnh vay vốn.
c) Lãi nhận nợ bắt buộc do Bên được bảo lãnh trả.
d) Các nguồn thu khác (nếu có).
3. Chi phí Quỹ bảo lãnh vay vốn, bao gồm:
a) Phí uỷ thác cho Bên bảo lãnh theo Hợp đồng uỷ thác ký giữa hai bên.
b) Chi trả lương và phụ cấp (nếu có) cho cán bộ tham gia thực hiện các hoạt động quản lý Quỹ bảo lãnh vay vốn.
c) Chi cho hoạt động quản lý (thẩm định, kiểm tra, giám sát, xử lý nợ, thông tin liên lạc....) và các hoạt động xúc tiến (thông tin tuyên truyền...) Quỹ bảo lãnh vay vốn.
d) Các khoản chi khác.
4. Mức chi, nội dung chi được thực hiện theo các quy định hiện hành.
1. Toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến vận hành Quỹ bảo lãnh vay vốn phải được mở sổ sách kế toán và hạch toán kế toán theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Năm tài chính của Quỹ bảo lãnh vay vốn cho các dự án SDNL TK&HQ từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.
3. Quỹ PTKHCNQG có trách nhiệm tổ chức hạch toán kế toán riêng đối với hoạt động của Quỹ bảo lãnh vay vốn và tổng hợp vào báo cáo quyết toán chung của đơn vị, báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan.
1. Hoạt động của Quỹ bảo lãnh vay vốn được kiểm toán hàng năm hoặc đột xuất cùng với Quỹ PTKHCNQG theo đúng quy định hiện hành đối với Quỹ PTKHCNQG.
2. Quỹ PTKHCNQG có trách nhiệm cung cấp đầy đủ dữ liệu, thông tin về hoạt động và sử dụng nguồn vốn của Quỹ bảo lãnh vay vốn cho cơ quan kiểm toán nhà nước.
GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ VÀ BÁO CÁO ĐỊNH KỲ
1. Giám sát định kỳ các hoạt động bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh vay vốn là trách nhiệm của Giám đốc Quỹ PTKHCNQG.
2. Báo cáo hoạt động bảo lãnh vay vốn được thực hiện hàng năm và là một phần nội dung báo cáo hoạt động của Quỹ PTKHCNQG.
Điều 24. Chế độ báo cáo định kỳ
1. Giám đốc Quỹ PTKHCNQG có trách nhiệm đánh giá kết quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh vay vốn, báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ liên quan.
2. Báo cáo gồm các nội dung như sau:
a) Đánh giá kết quả hoạt động của Quỹ trong giai đoạn báo cáo.
b) Những vấn đề và khó khăn gặp phải trong quá trình quản lý và vận hành Quỹ bảo lãnh vay vốn và nguyên nhân.
c) Kế hoạch hoạt động trong năm tiếp theo và kiến nghị.
Điều 25. Xử lý đối với các khoản bảo lãnh đã cấp trước ngày 30 tháng 6 năm 2011
1. Quỹ PTKHCNQG có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa và tiếp tục quản lý toàn bộ các khoản bảo lãnh vay vốn vẫn còn hiệu lực đã cấp trước ngày 30 tháng 6 năm 2011 trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” (PECSME) theo Biên bản bàn giao giữa Dự án PECSME, Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam và Quỹ PTKHCNQG.
2. Phí bảo lãnh tiếp tục thực hiện theo hợp đồng bảo lãnh đã ký.
3. Nguồn vốn trả nợ thay lấy từ nguồn vốn của Quỹ bảo lãnh vay vốn và được thực hiện theo “Thỏa thuận quản lý Chương trình Quỹ bảo lãnh vốn vay cho các dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lượng” và các văn bản sửa đổi Thoả thuận đã ký giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam” ngày 13 tháng 12 năm 2006 trong khuôn khổ Dự án PECSME.
Điều 26. Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành
1. Giám đốc Quỹ PTKHCNQG có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2011.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Thông tư 06/2011/TT-BKHCN quy định về quản lý và sử dụng quỹ bảo lãnh vay vốn cho dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Số hiệu: | 06/2011/TT-BKHCN |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ |
Người ký: | Nguyễn Quân |
Ngày ban hành: | 18/05/2011 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 06/2011/TT-BKHCN quy định về quản lý và sử dụng quỹ bảo lãnh vay vốn cho dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Chưa có Video