VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 523/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2017 |
Ngày 16 tháng 10 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban chuyên gia tư vấn Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tham dự Hội nghị tại các Điểm cầu tỉnh, thành phố có lãnh đạo các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn đại biểu quốc hội, Đảng ủy khối cơ quan, Đảng ủy khối doanh nghiệp; Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh và các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Sau khi nghe Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017 và các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. Đánh giá kết quả 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
1. Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta. Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực đầu tư cải thiện đời sống của người nghèo, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách là đặc biệt quan trọng và được tích cực triển khai.
Trải qua 15 năm thực hiện, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân, tín dụng chính sách xã hội ngày càng phát triển lớn mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo. Đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 433.245 tỷ đồng; góp phần quan trọng vào việc giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 528 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động; trên 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập,...
Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa, trở thành kênh quan trọng và là kinh nghiệm quý báu trong triển khai chính sách giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn trong 15 năm qua.
2. Mặc dù tình hình kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương luôn ưu tiên dành nguồn lực để tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội, cơ bản đáp ứng tương đối đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung khai thác tốt các nguồn vốn từ thị trường được Nhà nước cấp bù lãi suất, vốn Nhà nước cấp để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, vốn ủy thác của các tổ chức, địa phương; đã chủ động thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Hoạt động tín dụng ngày càng hiệu quả, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên. Nợ quá hạn thấp, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,81% thể hiện ý thức, trách nhiệm trả nợ của người vay và chất lượng hoạt động, phẩm chất cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nhiều chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững đã được ban hành, thủ tục vay vốn được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
3. Nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian qua là luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng, các cấp, các ngành. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Các Bộ, ngành, địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Nhiều địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời, nâng cao trách nhiệm trong việc thực thi, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
4. Mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện, cấu trúc của hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua việc tham gia quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội đã gắn kết các công việc chuyên môn của ngành, của địa phương với việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, tham gia hoạch định các cơ chế, chính sách, thực hiện gắn kết trực tiếp, toàn diện hoạt động tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần quan trọng quyết định hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tham gia hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội vai trò, uy tín của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên ngày càng được nâng lên, gắn bó mật thiết với quần chúng, đoàn viên, hội viên. Mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được xây dựng rộng khắp và phát huy hiệu quả tích cực với 10.974 điểm giao dịch tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, 187.151 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại các thôn, bản, tạo nên hệ thống giao dịch thân thiện, gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư.
5. Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện hiệu quả phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội thông qua việc phân công trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách; thực hiện dân chủ, công khai hoạt động tín dụng chính sách trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội với vai trò vừa là người giám sát xã hội vừa làm ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách.
6. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã khắc phục các hạn chế của các chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm thiểu bất ổn xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và toàn thể cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội về sự nỗ lực phấn đấu, làm việc và những kết quả đạt được trong suốt 15 năm qua, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo hướng đến phát triển bền vững của đất nước.
II. Định hướng phát triển tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới
1. Ngân hàng Chính sách xã hội cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đội ngũ cán bộ làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người vay vốn.
2. Các Bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị; kịp thời chủ động xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển ổn định và bền vững.
3. Các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tín dụng chính sách xã hội:
a) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao có các giải pháp tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách: bố trí cấp đủ vốn điều lệ theo quy định, vốn đầu tư trung hạn, vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, vốn vay dài hạn, lãi suất thấp, vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh... để đảm bảo nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách.
b) Các Bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội thường xuyên nghiên cứu kiến nghị từ các địa phương và tình hình thực tế để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách tín dụng, đối tượng, mức cho vay...đảm bảo phù hợp với thực tế, khả năng của ngân sách Nhà nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn tín dụng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
4. Để thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đề nghị các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, hội, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyện không hoàn lại thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo lập đời sống.
5. Các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
a) Tiếp tục quan tâm bố trí vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đặc biệt là những địa phương chưa bố trí vốn ủy thác tương xứng với tiềm năng kinh tế của địa phương;
b) Tích cực hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội;
c) Thường xuyên rà soát, thống kê, xác nhận đúng các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn kịp thời;
d) Chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo bền vững.
6. Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa những công việc đã được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác, bảo đảm việc cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, cải thiện được đời sống và có nguồn trả nợ.
7. Các Bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu; có giải pháp tín dụng chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là đối với phụ nữ và thanh niên ở khu vực nông thôn, hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng khoa học, công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
8. Ngân hàng Chính sách xã hội phát huy những thành công, kinh nghiệm đã đạt được, tiếp tục đồng hành, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của người dân; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, thu nợ, bảo đảm giảm thiểu rủi ro; chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, phát huy tốt vai trò nhận ủy thác của các tổ chức chính trị-xã hội.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan và tổ chức liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Thông báo 523/TB-VPCP năm 2017 về kết luận Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002-2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 523/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Văn Tùng |
Ngày ban hành: | 07/11/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 523/TB-VPCP năm 2017 về kết luận Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002-2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video