NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 259-QĐ/NH6 |
Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 1994 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ VỀ NHẬN BẢO QUẢN TÀI SẢN QUÝ HIẾM"
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam công bố tại lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước số
37-LCT/HĐNN8, ngày 24-5-1990;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn
và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Phát hành và kho quý,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành theo quyết định này "Quy chế về nhận bảo quản tài sản quý hiếm".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ Phát hành và kho quý; Các Thủ trưởng Vụ, Cục có liên quan của Ngân hàng Nhà nước Trung ương; Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố; Tổng giám đốc các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển; Tổng công ty vàng bạc đá quý Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy chế ban hành theo Quyết định này.
|
Cao Sĩ Kiêm (Đã ký) |
VỀ NHẬN BẢO QUẢN TÀI SẢN QUÝ HIẾM
(Ban hành theo Quyết định số 259/QĐ/NH6 ngày 22-10-1994 của Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước)
Điều 1. Tài sản quý hiếm nói trong quy chế này là các loại vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ trang sức. (bằng vàng, bạc, kim khí quý, đá quý...); các loại chứng từ có giá như: cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu...
Điều 2. Các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Tổng công ty Vàng bạc đá quý Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Ngân hàng), nơi có điều kiện về kho tàng, phương tiện bảo quản, năng lực quản lý tốt, bảo đảm an toàn tài sản cho khách hàng và cho bản thân Ngân hàng đều được làm dịch vụ bảo quản tài sản quý hiếm.
Điều 3. Ngân hàng nhận bảo quản tài sản quý hiếm được thu phí bảo quản của khách hàng theo quy định tại Điều 22 Quy chế này và theo hướng dẫn của Tổng giám đốc Ngân hàng.
Điều 4. Mọi tổ chức cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài (gọi tắt là khách hàng) khi chấp thuận đầy đủ các quy định của quy chế này và nội quy giao dịch của Ngân hàng đều có thể gửi Ngân hàng bảo quản tài sản quý hiếm thuộc sở hữu hợp pháp của mình.
Điều 5. Tài sản của khách hàng gửi Ngân hàng được bảo đảm an toàn tuyệt đối về số lượng, trọng lượng và hình dáng... theo biên bản giao nhận giữa hai bên; việc gửi vào lấy ra thuận tiện và được giữ bí mật.
Điều 6. Ngân hàng đủ điều kiện để làm dịch vụ bảo quản tài sản quý hiếm quy định ở Điều 2 là Ngân hàng đảm bảo các yêu cầu sau:
- Kho tàng: Kho được xây dựng và gia cố chắc chắn, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Phải bố trí được các gian kho riêng hay các khu riêng biệt trong các gian kho để làm dịch vụ bảo quản tài sản quý hiếm.
- Phương tiện bảo quản: Phải có két, tủ sắt... riêng biệt, có khoá chắc chắn, đảm bảo an toàn. Các hộp chứa đựng tài sản của khách hàng được làm bằng tôn hoặc sắt theo tiêu chuẩn, kích cỡ thống nhất và có khoá tốt.
Điều 7. Ngân hàng không nhận bảo quản các tài sản:
+ Không phải loại tài sản quý hiếm đã quy định ở Điều 1;
+ Luật pháp cấm mua, bán, chuyển nhượng;
+ Tài sản yêu cầu điều kiện cất giữ, bảo quản đặc biệt.
Điều 8. Dịch vụ bảo quản tài sản quý hiếm, do khách hàng và Ngân hàng cùng ký. Nội dung hợp đồng bảo quản tài sản quý hiếm phải có đủ các yếu tố sau:
- Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, telex, fax, số chứng minh nhân dân của khách hàng.
- Họ tên người đại diện Ngân hàng nhận bảo quản.
- Tên, mác, mã số, ký hiệu, số lượng, trọng lượng, đặc điểm tài sản bảo quản và các loại giấy tờ kèm theo. Số hộp bảo quản tài sản.
- Thời gian bảo quản.
- Mức, hình thức và định kỳ thanh toán phí bảo quản.
- Trách nhiệm của mỗi bên. Xác định trách nhiệm trong các trường hợp tài sản nhận bảo quản bị hư hỏng hoặc bị mất mát.
- Các điều khoản cam kết khác.
Điều 9. Nếu khách hàng là một tổ chức, thủ trưởng đơn vị có thể uỷ quyền cho người khác ký hợp đồng. Giấy uỷ quyền phải ghi họ tên, số chứng minh nhân dân của người được uỷ quyền, có dấu và chữ ký của thủ trưởng đơn vị.
Việc thay đổi hoặc huỷ bỏ nửa chừng hợp đồng bảo quản tài sản quý hiếm phải được bên tham gia hợp đồng thoả thuận bằng văn bản.
Điều 10. Sau khi ký hợp đồng, khách hàng và đại diện Ngân hàng phải cùng nhau lập biên bản giao nhận tài sản. Nội dung biên bản phải có đủ các yếu tố sau:
- Họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân của khách hàng hoặc của người được uỷ quyền.
- Họ tên người đại diện và các nhân viên xem xét đánh giá tài sản bảo quản phía Ngân hàng nhận bảo quản.
- Tên, số lượng, trọng lượng, hiện trạng bên ngoài (hình dạng, màu sắc...) của từng loại tài sản bảo quản.
Biên bản giao nhận được lập thành 4 bản, 1 bản khách hàng giữ, 1 bản lưu tại kế toán Ngân hàng, 1 bản thủ kho giữ và một bản cất giữ cùng với tài sản bảo quản tại kho Ngân hàng.
Điều 11. Niêm phong tài sản được thực hiện hai bước:
Bước 1: Khách hàng phải tự tay gói và niêm phong gói tài sản của mình, trước khi đưa vào trong hộp bảo quản của Ngân hàng với bản kê khai tài sản theo sự hướng dẫn và giám sát của Ngân hàng.
Bước 2: Ngân hàng hướng dẫn và chứng kiến khách hàng tự khoá (bằng khoá của khách hàng) và niêm phong bên ngoài hộp tài sản, giao hộp tài sản cho Ngân hàng bảo quản.
Các hộp tài sản, phải được đánh số đúng với số ghi trong hợp đồng.
Điều 12. Niêm phong được làm bằng các chất liệu giấy, nylon, nhựa thông (đóng si), chì (kẹp chì)... có đủ độ tin cậy. Niêm phong phải bảo đảm không bị mất, biến dạng các yếu tố ghi trên đó.
Ngân hàng phải thường xuyên kiểm tra niêm phong của các hộp bảo quản tài sản quý hiếm. Nếu có hiện tượng có thể làm mất dấu niêm phong phải có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời báo ngay cho khách hàng đến để giải quyết.
Điều 13. Hàng tháng, khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng cho kiểm tra hộp tài sản của mình. Trước khi kiểm tra, khách hàng phải xuất trình với ngân hàng hợp đồng và chứng minh thư nhân dân. Khách hàng kiểm tra hộp tài sản của mình tại phòng giao dịch. Khách hàng chỉ xem hộp và kiểm tra niêm phong, không được huỷ niêm phong ban đầu để niêm phong lại.
Điều 14. Khi cần lấy tài sản, khách hàng hoặc người được uỷ quyền phải xuất trình hợp đồng, biên bản giao nhận tài sản, giấy uỷ quyền (trường hợp nhận theo uỷ quyền) và giấy chứng minh nhân dân. Ngân hàng kiểm soát giấy tờ và làm thủ tục giao nhận tài sản giữa ngân hàng với khách hàng.
Sau khi thanh lý hợp đồng, trả lại tài sản cho khách hàng, ngân hàng phải thu hồi hợp đồng, biên bản giao nhận tài sản và những chứng từ liên quan để đưa vào lưu trữ theo chế độ hiện hành.
Điều 15. Trước khi mở hộp tài sản, khách hàng phải kiểm tra khoá và niêm phong bên ngoài hộp tài sản, nếu thấy có dấu vết khả nghi trên khoá và niêm phong hộp tài sản, khách hàng cần yêu cầu ngân hàng cùng mình lập biên bản. Nếu cần thiết khách hàng có thể mời cơ quan pháp luật giám định, trước khi khách hàng tự tay huỷ niêm phong, mở khoá hộp tài sản và kiểm tra tiếp niêm phong của gói tài sản bên trong hộp với sự chứng kiến của đại diện Ngân hàng.
Trường hợp bảo quản không tốt, ngân hàng để mất cả dấu niêm phong trên gói tài sản, ngân hàng và khách hàng phải tổ chức giám định trước khi khách hàng tự mở gói tài sản. Trường hợp này, ngân hàng tiến hành trao trả tài sản cho khách hàng trước sự chứng kiến của đại diện cơ quan pháp luật.
Điều 16. Trường hợp khách hàng cần lấy một phần tài sản (hoặc gửi thêm vào) cũng phải làm thủ tục lấy ra toàn bộ tài sản như quy định ở Điều 15, sau đó hai bên ký hợp đồng bảo quản tài sản mới.
Điều 17. Ngân hàng phải bảo quản an toàn tuyệt đối tài sản của khách hàng. Tài sản phải được giữ nguyên vẹn cho tới khi trả lại cho khách hàng.
Nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng tài sản của khách hàng, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Điều 18. Khách hàng phải chịu trách nhiệm về quyền sở hữu hợp pháp các tài sản gửi ngân hàng bảo quản, phải chấp hành đầy đủ các quy định trong Quy chế này và nội dung giao dịch cụ thể của ngân hàng.
Khách hàng có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, kịp thời phí bảo quản cho ngân hàng theo quy định.
Nếu nhận lại hộp tài sản vẫn còn nguyên vẹn khoá và niêm phong bên ngoài hộp tài sản, khách hàng phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số lượng, chất lượng tài sản đựng trong hộp sắt.
Điều 19. Trường hợp khách hàng làm mất hồ sơ gửi tài sản, phải báo cáo ngay cho ngân hàng bằng văn bản. Ngân hàng tạm ngừng mọi giao dịch liên quan đến hợp đồng này. Sau đó khách hàng phải trực đến trụ sở ngân hàng xuất trình giấy khai báo mất hồ sơ gửi tài sản có xác nhận của cơ quan công an hay chính quyền địa phương, giấy chứng minh nhân dân, giấy đề nghị thanh lý hợp đồng của chủ sở hữu tài sản và những giấy tờ liên quan khác nếu có.
Ngân hàng và khách hàng phải tiến hành thanh lý hợp đồng cũ và ký lại hợp đồng mới.
Mọi chi phí về thủ tục làm hợp đồng mới do khách hàng chịu.
Điều 20. Trường hợp khách hàng bị chết đột ngột, không để lại di chúc hoặc giấy uỷ quyền hợp pháp, thì ngân hàng trả lại tài sản cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.
Nếu khách hàng là người đang phải thi hành án nếu có điều khoản liên quan đến tài sản của khách hàng gửi tại ngân hàng.
Điều 21. Trường hợp khách hàng là một tổ chức khi thay đổi thủ trưởng đơn vị, cần báo ngay cho ngân hàng biết bằng các các văn bản đảm bảo tính pháp lý.
Điều 22. Về phí bảo quản tài sản quý hiếm:
- Mức phí bảo quản tài sản quý hiếm được xác định theo nguyên tắc bù đắp một phần khấu hao cơ bản kho tàng và phương tiện bảo quản, chi phí quản lý, ấn phẩm lập hồ sơ... Tuy nhiên:
+ Phí bảo quản 1 hộp tài sản trong một năm không vượt quá 0,5% (5 phần nghìn) giá trị tài sản và tối thiểu không dưới 200.000đ/1 hộp/1 năm.
+ Nếu không xác định được giá trị tài sản bảo quản, ngân hàng và khách hàng cùng thoả thuận một mức phí mà hai bên chấp nhận được.
Tổng giám đốc các Ngân hàng căn cứ quy định trên đây và thực tế kinh doanh để quy định mức thu hợp lý.
- Hình thức thanh toán: bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
- Khách hàng phải trả trước phí bảo quản tài sản, tính theo thời gian hay theo mỗi lần gửi.
- Trường hợp gửi quá hạn hợp đồng, ngoài phí bảo quản bình thường phải trả, khách hàng phải trả một khoản phạt lưu kho bằng mức lãi suất nợ quá hạn trên giá trị tài sản chậm nhận lại.
- Ngân hàng không hoàn lại phần phí bảo quản còn thừa do khách hàng yêu cầu thanh lý hợp đồng trước hạn.
Điều 23. Tổng giám đốc các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Tổng công ty Vàng bạc đá quý Việt Nam căn cứ quy chế này và xem xét điều kiện kho tàng, két tủ sắt của các đơn vị trực thuộc (trước mắt từ cấp tỉnh, thành phố trở lên) để quyết định làm cho dịch vụ bảo quản tài sản quý hiếm và hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Điều 24. Bộ phận kế toán và bộ phận kho quý của ngân hàng nơi nhận bảo quản tài sản quý hiếm phải mở sổ sách theo dõi các hộp tài sản của khách hàng, mở sổ nhật ký theo dõi từng lần giao dịch và thực hiện kiểm kê đối chiếu định kỳ như với kho tiền.
Điều 25. Ban quản lý kho quý của Ngân hàng chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc Ngân hàng, là đại diện ngân hàng trực tiếp giao dịch và nhận bảo quản tài sản của khách hàng.
Quyết định 259-QĐ/NH6 năm 1994 về Quy chế về nhận bảo quản tài sản quý hiếm do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
Số hiệu: | 259-QĐ/NH6 |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Ngân hàng Nhà nước |
Người ký: | Cao Sĩ Kiêm |
Ngày ban hành: | 22/10/1994 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 259-QĐ/NH6 năm 1994 về Quy chế về nhận bảo quản tài sản quý hiếm do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
Chưa có Video