NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2234/QĐ-NHNN |
Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2009 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 07/2006/NĐ-CP ngày 10/01/2006 của Chính phủ về chế độ tài
chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý tài chính của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.THỐNG
ĐỐC |
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2234/QĐ-NHNN Ngày 25 tháng 9 năm 2009 của
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Điều 1. Quy chế này quy định nội dung quản lý, sử dụng các loại vốn, quỹ, tài sản, thu nhập và chi phí của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng Quy chế này, bao gồm: Vụ Tài chính - Kế toán, Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản trị, Cục Công nghệ Tin học, Chi cục Công nghệ tin học, Cục Phát hành và kho quỹ, Chi cục Phát hành và kho quỹ, Sở giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước (không bao gồm các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ), sau đây gọi chung là các đơn vị.
Điều 3. Các đơn vị phải thực hiện thu đúng, thu đủ các nguồn thu; sử dụng các nguồn vốn, quỹ, tài sản và kinh phí đúng mục đích, hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của chế độ tài chính hiện hành.
Điều 4. Thủ trưởng các đơn vị phải thường xuyên chỉ đạo, tổ chức tự kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản, kinh phí tại đơn vị; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tài chính của đơn vị mình.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, QUỸ VÀ TÀI SẢN
Mục 1. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN VÀ QUỸ
Điều 5. Nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn và quỹ
1. Các loại vốn, quỹ của Ngân hàng Nhà nước được quản lý thống nhất và hạch toán tập trung tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương.
2. Ngân hàng Nhà nước thực hiện công khai việc sử dụng vốn đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản cố định.
3. Việc sử dụng vốn để đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản cố định (bao gồm cả việc đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ công tác đấu thầu tín phiếu kho bạc và trái phiếu Chính phủ) phải căn cứ vào kế hoạch đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản cố định hàng năm được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
4. Các quỹ của Ngân hàng Nhà nước: Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; Khoản dự phòng rủi ro được quản lý và sử dụng theo quy chế riêng do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính ban hành.
5. Mọi giao dịch phát sinh bằng ngoại tệ và đánh giá lại số dư các tài khoản ngoại tệ, các tài khoản có nguồn gốc ngoại tệ trong năm và xử lý hạch toán chênh lệch do đánh giá lại giá trị VND của số dư ngoại tệ, vàng thuộc Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước cuối năm thực hiện theo đúng quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
1. Vốn pháp định: Mức vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước là 5.000.000.000.000 đồng (năm ngàn tỷ đồng) thuộc nguồn vốn Nhà nước.
a) Vốn pháp định được hình thành từ các nguồn vốn sau:
- Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp;
- Vốn đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản cố định.
- Nguồn vốn được bổ sung:
+ Vốn Ngân sách Nhà nước cấp (nếu có);
+ Khoản trích từ chi phí bằng 12% trên nguyên giá tài sản cố định bình quân hàng năm;
+ Chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của Nhà nước;
+ Nguồn vốn khác.
b) Vốn pháp định được sử dụng để đầu tư và xây dựng trụ sở làm việc, các công trình phụ trợ khác; mua sắm tài sản cố định và các mục đích khác theo quy định của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.
2. Tiền phát hành vào lưu thông.
3. Các khoản tiền gửi của các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước.
4. Các khoản chênh lệch tỷ giá, chênh lệch giá do đánh giá lại ngoại tệ, vàng, bạc và tài sản.
5. Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia: Được hình thành trên cơ sở trích 10% chênh lệch thu chi hàng năm của Ngân hàng Nhà nước.
6. Khoản dự phòng rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ Ngân hàng: Được hình thành trên cơ sở trích 10% chênh lệch thu chi chưa bao gồm khoản dự phòng rủi ro.
7. Các khoản viện trợ hoặc vay của nước ngoài, tổ chức quốc tế qua các dự án.
8. Các loại vốn và quỹ khác được quản lý và hạch toán theo chế độ tài chính hiện hành.
Mục 2. MUA SẮM, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN CỐ ĐỊNH
Điều 7. Phương thức mua sắm tài sản cố định:
1. Phương thức mua sắm tài sản tập trung:
a) Tài sản cố định mua sắm tập trung tại Ngân hàng Nhà nước bao gồm các tài sản cố định có số lượng mua sắm nhiều, tổng giá trị mua sắm lớn và có yêu cầu được trang bị đồng bộ, hiện đại trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, cụ thể:
- Trang thiết bị tin học;
- Máy móc, thiết bị an toàn kho quỹ, bao gồm:
Xe ô tô chuyên dùng chở tiền; hệ thống giám định tiền; hệ thống máy huỷ tiền và hệ thống máy kiểm đếm phân loại đa chức năng.
- Tài sản cố định khác: Ô tô phục vụ công tác loại từ 4 đến 16 chỗ ngồi có số lượng mua sắm bằng hoặc lớn hơn 10 chiếc/lần mua sắm.
b) Đơn vị được giao làm chủ đầu tư và tổ chức mua sắm tài sản cố định theo phương thức tập trung:
- Cục Công nghệ tin học: Tổ chức mua sắm thiết bị tin học.
- Cục Phát hành và kho quỹ: Tổ chức mua sắm máy móc thiết bị an toàn kho quỹ.
- Cục Quản trị: Tổ chức mua sắm tài sản cố định khác.
Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo về số lượng, chủng loại tài sản cần mua sắm tập trung cho đơn vị tổ chức mua sắm tài sản theo phương thức tập trung sau khi được Thống đốc phê duyệt kế hoạch mua sắm tài sản hàng năm.
2. Phương thức mua sắm tài sản phi tập trung (đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản thực hiện mua sắm):
a) Đối với các loại tài sản không thuộc đối tượng mua sắm tập trung quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, các đơn vị tổ chức mua sắm theo đúng các quy định hiện hành.
b) Trường hợp các loại tài sản thuộc đối tượng mua sắm tập trung quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này nhưng cần trang bị gấp để bổ sung hoặc thay thế tài sản hiện có, các đơn vị có nhu cầu được tổ chức mua sắm theo quy định hiện hành sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
3. Nhiệm vụ của đơn vị tổ chức mua sắm tài sản theo phương thức tập trung:
a) Phối hợp với Vụ Tài chính - Kế toán tổng hợp và thẩm định kế hoạch mua sắm tài sản cố định quy định tại Điểm a Khoản 1 nêu trên.
b) Tổ chức thẩm định tài sản có yêu cầu kỹ thuật cao, hiện đại, trang bị đồng bộ trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước trước khi trình Thống đốc phê duyệt dự toán theo đúng quy định về tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước.
Tài sản có yêu cầu kỹ thuật cao là những tài sản không thông dụng, không sẵn có trên thị trường, được thiết kế và sản xuất trên cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến theo yêu cầu sử dụng của khách hàng.
Cơ quan thẩm định: Là cơ quan có năng lực chuyên môn có liên quan tới vấn đề kỹ thuật cần thẩm định, không tham gia vào việc lập kế hoạch và phương án mua sắm tài sản.
Nội dung xin ý kiến thẩm định gồm: Phương án công nghệ (lựa chọn công nghệ) và quy mô mua sắm (có phù hợp với nhu cầu, mục tiêu đầu tư đã được Thống đốc NHNN phê duyệt và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; Các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sử dụng tài sản; các khuyến nghị khác (nếu có).
c) Tổ chức mua sắm tài sản cố định theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm tài sản.
d) Tổ chức nghiệm thu, bàn giao tài sản và hồ sơ tài liệu liên quan đến tài sản mua sắm cho đơn vị Ngân hàng Nhà nước sử dụng.
e) Trước ngày 30/11 hàng năm, lập Báo cáo đánh giá về tiến độ, chất lượng và hiệu quả của tài sản mua sắm theo phương thức tập trung trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Điều 8. Lập dự toán mua sắm tài sản cố định:
Trên cơ sở kế hoạch mua sắm tài sản cố định đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và thông báo, các đơn vị rà soát lại nhu cầu mua sắm đối với từng loại tài sản đã được thông báo, chỉ lập dự toán mua sắm đối với tài sản cố định thật sự cần thiết. Đồng thời, nêu rõ loại tài sản cố định cần mua sắm, địa điểm lắp đặt, mã hiệu, các cấu hình kỹ thuật chủ yếu, xuất xứ (trừ thiết bị tin học) kèm các báo giá theo quy định gửi bộ phận chức năng thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức mua sắm.
Riêng dự toán mua sắm trang thiết bị tin học (trong trường hợp được Thống đốc cho phép các đơn vị tự mua sắm), các đơn vị lập dự toán mua sắm theo cấu hình kỹ thuật do Cục Công nghệ tin học hướng dẫn hoặc tương đương cấu hình kỹ thuật do Cục Công nghệ tin học đã mua sắm tại thời điểm gần nhất.
Điều 9. Tổ chức thực hiện mua sắm tài sản cố định:
1. Các đơn vị phải thành lập Hội đồng mua sắm tài sản đối với các gói thầu mua sắm tài sản thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá trị dưới 100 triệu đồng/lần mua sắm.
Hội đồng mua sắm tài sản do Thủ trưởng đơn vị thành lập, thành phần gồm: Đại diện lãnh đạo đơn vị làm Chủ tịch hội đồng; các thành viên là đại diện Kế toán, Kiểm toán (nếu có), cán bộ kỹ thuật (nếu có) và hành chính quản trị.
Hội đồng mua sắm có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ trưởng đơn vị lựa chọn chất lượng, giá cả tài sản mua sắm trong phạm vi dự toán được duyệt và thực hiện việc mua sắm, nghiệm thu và chuyển giao tài liệu liên quan đến mua sắm tài sản cho bộ phận Kế toán đơn vị lập hồ sơ quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đối với các gói thầu mua sắm tài sản cố định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 100 triệu đồng/lần mua sắm, các đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về đấu thầu mua sắm tài sản.
Khi ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa cần nêu cụ thể về điều kiện thanh toán. Theo đó, các đơn vị được phép tạm ứng thanh toán tối đa 85% tổng giá trị hợp đồng của gói thầu, số còn lại sẽ được thanh toán ngay sau khi quyết toán được duyệt.
3. Đơn vị tiền tệ trong hợp đồng mua sắm tài sản cố định là đồng Việt Nam (trừ trường hợp ký hợp đồng mua sắm với nhà cung cấp nước ngoài). Tỷ giá quy đổi ra đồng Việt Nam là tỷ giá bán ra do Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam công bố tại thời điểm ký hợp đồng (áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu).
4. Các đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tài sản theo phương thức tập trung được tạm ứng tiền tại Vụ Tài chính - Kế toán để thanh toán cho nhà cung cấp theo thoả thuận được ghi trong hợp đồng mua bán.
5. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu mua sắm thực hiện theo quy định t¹i Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đấu thầu hiện hành.
Điều 10. Thời gian thực hiện mua sắm tài sản cố định:
1. Đối với gói thầu mua sắm tài sản cố định có giá trị dưới 100 triệu đồng/lần mua sắm: Trong phạm vi tối đa 40 ngày làm việc kể từ khi nhận được phê duyệt dự toán mua sắm tài sản cố định, các đơn vị phải hoàn thành việc mua sắm và lập hồ sơ quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đối với gói thầu mua sắm tài sản cố định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 100 triệu đồng/lần mua sắm: Trong phạm vi tối đa 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được phê duyệt dự toán mua sắm tài sản cố định, các đơn vị phải lập Kế hoạch đấu thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo về đấu thầu mua sắm tài sản cố định.
3. Quá thời gian quy định nêu trên, các đơn vị chưa triển khai thực hiện việc mua sắm tài sản cố định đối với gói thầu có giá trị dưới 100 triệu đồng và chưa lập Kế hoạch đấu thầu đối với gói thầu có giá trị bằng hoặc lớn hơn 100 triệu đồng thì thông báo phê duyệt dự toán mua sắm tài sản cố định hết hiệu lực và coi như đơn vị không có nhu cầu mua sắm.
Điều 11. Nghiệm thu bàn giao, thanh lý hợp đồng và hạch toán nhập tài sản:
1. Sau khi hoàn thành việc mua sắm tài sản cố định, Hội đồng mua sắm tài sản hoặc Hội đồng nghiệm thu tài sản (đối với gói thầu mua sắm có giá trị bằng hoặc lớn hơn 100 triệu đồng) tổ chức nghiệm thu làm cơ sở cho việc thanh lý hợp đồng.
Hội đồng bàn giao tài sản trên cơ sở biên bản nghiệm thu tài sản và lập biên bản bàn giao tài sản cho đơn vị sử dụng theo quy định. Trong biên bản nghiệm thu và giao nhận, yêu cầu ghi rõ số lượng, đơn giá (theo hợp đồng, chưa bao gồm các chi phí phân bổ trong trường hợp chưa tập hợp được chi phí tại thời điểm bàn giao đưa vào sử dụng), thành tiền (bằng tiền đồng Việt Nam). Trường hợp các đơn vị tổ chức mua sắm tài sản là hàng hoá nhập khẩu trực tiếp thì ghi rõ số tiền bằng ngoại tệ và tỷ giá tại thời điểm mua ngoại tệ để thanh toán.
2. Đối với tài sản được mua sắm tập trung và lắp đặt cho các đơn vị, trong phạm vi tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị bán hoàn thành việc lắp đặt và bàn giao tài sản theo hợp đồng đã cam kết, đơn vị tổ chức mua sắm tài sản tập trung phải hoàn thành việc nghiệm thu và bàn giao cho các đơn vị sử dụng.
3. Đối với các tài sản cố định khác do các đơn vị tổ chức mua sắm, trong phạm vi tối đa 20 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị bán bàn giao tài sản theo hợp đồng đã cam kết, đơn vị phải hoàn thành việc bàn giao cho các đơn vị sử dụng.
4. Các đơn vị phải kiểm tra, kiểm soát hồ sơ của tài sản cố định (gồm hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ kế toán) đảm bảo hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu và lưu trữ theo đúng quy định của chế độ lưu trữ chứng từ hiện hành.
5. Căn cứ biên bản nghiệm thu bàn giao, các đơn vị hạch toán nhập tài sản (hoặc tạm nhập) để trích khấu hao tài sản theo quy định.
Điều 12. Quyết toán mua sắm tài sản cố định:
Ngay sau khi hoàn thành việc mua sắm tài sản cố định và thanh lý hợp đồng, các đơn vị gửi hồ sơ quyết toán về bộ phận chức năng để thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ để thanh toán số tiền còn lại (theo giá trị hợp đồng) cho bên cung cấp hàng hóa.
1. Hồ sơ quyết toán gồm có:
- Công văn đề nghị duyệt quyết toán của đơn vị;
- Quyết định thành lập Hội đồng mua sắm hoặc Tổ chuyên gia đấu thầu (đối với tài sản phải tổ chức đấu thầu);
- Thông báo duyệt dự toán của cấp có thẩm quyền;
- Hồ sơ đấu thầu hoặc báo giá theo qui định;
- Hợp đồng mua, bán.
- Biên bản nghiệm thu giữa người mua và người bán;
- Biên bản bàn giao tài sản cho người (đơn vị) sử dụng;
- Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (đối với tài sản nhập khẩu từ nước ngoài); chứng nhận chất lượng hàng hoá;
- Hóa đơn tài chính;
- Biên bản thanh lý hợp đồng;
- Phiếu bảo hành, hồ sơ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng (nếu có)
- Các tài liệu có liên quan khác.
2. Thời gian gửi quyết toán:
a) Đối với các hợp đồng mua bán tài sản cố định thông dụng, sẵn có trên thị trường, có giá gói thầu dưới 100 triệu đồng/lần mua sắm: Thời gian lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị ký biên bản nghiệm thu bàn giao tài sản và thanh lý hợp đồng.
b) Đối với các hợp đồng mua bán tài sản cố định có giá trị gói thầu bằng hoặc lớn hơn 100 triệu đồng/lần mua sắm: Thời gian gửi quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa 15 ngày làm việc (đối với gói thầu thực hiện mua sắm tập trung là 30 ngày làm việc) kể từ ngày đơn vị ký biên bản nghiệm thu bàn giao tài sản và thanh lý hợp đồng.
3. Xử lý đối với các hồ sơ quyết toán không hợp lệ:
Đối với tài sản cố định đã thực hiện mua sắm và gửi hồ sơ quyết toán, nhưng sau khi kiểm tra hồ sơ quyết toán không đủ điều kiện để duyệt quyết toán thì hồ sơ quyết toán bị từ chối phê duyệt. Trong trường hợp lỗi do bên bán thì đơn vị phải yêu cầu bên bán thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về hợp đồng. Trường hợp lỗi do đơn vị (bên mua) thì Thủ trưởng đơn vị phải xem xét quy trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 17 Quy chế này.
Điều 13. Báo cáo đánh giá về tình hình mua sắm tài sản cố định (tiến độ, chất lượng và hiệu quả):
Hàng năm, cùng với việc lập kế hoạch mua sắm tài sản cố định cho năm sau, các đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tài sản cố định theo phương thức tập trung báo cáo đánh giá tình hình mua sắm tài sản bao gồm: Tiến độ thực hiện, chất lượng và hiệu quả tài sản cố định được mua sắm theo kế hoạch được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt gửi Vụ Tài chính - Kế toán để tổng hợp báo cáo trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tình hình thực hiện kế hoạch mua sắm tài sản cố định toàn hệ thống.
Điều 14. Kiểm tra thực hiện công tác mua sắm tài sản cố định:
Định kỳ theo chương trình công tác hoặc đột xuất, Vụ Kiểm toán nội bộ thực hiện kiểm tra việc tổ chức mua sắm tài sản tại các đơn vị Ngân hàng Nhà nước nhằm tránh tổn thất vốn, đảm bảo hiệu quả sử dụng tài sản cố định.
Điều 15. Quản lý và sử dụng tài sản cố định đã mua sắm
1. Nâng cấp tài sản cố định:
a) Đối với tài sản cố định là công trình xây dựng: Nâng cấp là việc xây dựng thêm một hoặc một số hạng mục công trình bổ sung thêm vào công trình xây dựng hiện có, làm tăng thêm diện tích sử dụng hoặc tăng tuổi thọ của công trình so với thiết kế ban đầu. Khi cần nâng cấp các loại tài sản cố định này, các đơn vị phải thực hiện theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
b) Đối với tài sản cố định là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải: Nâng cấp là việc bổ sung thêm một hoặc một số bộ phận làm cho tài sản cố định có thêm tính năng tác dụng mới (tính năng tác dụng mới phải là tính năng tác dụng chính của tài sản cố định) hoặc nâng cao năng lực hoạt động của tài sản cố định, kéo dài tuổi thọ của tài sản cố định so với thiết kế ban đầu. Khi cần tiến hành nâng cấp, các đơn vị phải có công văn đề nghị cho phép nâng cấp tài sản cố định, ghi rõ hiện trạng tài sản cố định cần nâng cấp (nguyên giá tài sản cố định, giá trị đã trích khấu hao, giá trị còn lại, số năm đã sử dụng, số lần đã sửa chữa bảo dưỡng), lý do nâng cấp và lập dự toán số tiền nâng cấp trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Khi có nhu cầu nâng cấp tài sản cố định là máy móc thiết bị, các đơn vị lập kế hoạch như mua sắm tài sản cố định.Trong trường hợp đột xuất, đơn vị lập tờ trình Thống đốc NHNN xem xét phê duyệt bổ sung Kế hoạch.
Giá trị nâng cấp tài sản cố định được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản cố định và được ghi tăng nguyên giá tài sản cố định.
2. Bảo trì và sửa chữa tài sản cố định:
Bao gồm hoạt động duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa vừa và nhỏ, sửa chữa lớn tài sản cố định.
a) Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa vừa và nhỏ (sửa chữa thường xuyên) tài sản cố định nhằm chống sự xuống cấp, bảo đảm tài sản hoạt động tốt, có độ tin cậy cao trong sử dụng.
Đối với kinh phí chi sửa chữa thường xuyên được Ngân hàng Nhà nước thông báo phê duyệt trong kế hoạch chi phí quản lý giao khoán hàng năm: Các đơn vị chỉ được sử dụng để sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, điện, nước, sửa chữa nhỏ hàng rào, cống thoát nước, sửa chữa thường xuyên khác trụ sở làm việc và các công trình phụ trợ khác.
Đối với việc sửa chữa thường xuyên TSCĐ có giá trị ≥ 200 triệu đồng/lần sửa chữa phải được Ngân hàng nhà nước phê duyệt trước khi thực hiện.
Đối với việc sửa chữa thường xuyên tài sản có giá trị < 200 triệu đồng/lần sửa chữa nhưng việc sửa chữa làm thay đổi cơ bản kiến trúc và kết cấu công trình, các đơn vị phải lập thiết kế, dự toán trình Thống đốc phê duyệt trước khi thực hiện.
b) Sửa chữa lớn tài sản cố định:
Hàng năm, các đơn vị lập kế hoạch gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tài chính - Kế toán ) về sửa chữa lớn tài sản nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động bình thường của tài sản. Kế hoạch phải ghi rõ: Hiện trạng tài sản (giá trị nguyên giá, giá trị đã khấu hao, giá trị còn lại, số năm đã sử dụng; số lần đã sửa chữa bảo dưỡng, ý kiến thẩm định của cơ quan chức năng (nếu có), lý do sửa chữa và dự kiến kinh phí sửa chữa lớn gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tài chính - Kế toán ) để tổng hợp trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, phê duyệt.
Việc sửa chữa lớn trụ sở làm việc phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, không sửa chữa chắp vá, tùy tiện làm ảnh hưởng đến kết cấu và thời gian sử dụng của công trình. Đối với công trình hết niên hạn sử dụng phải được đơn vị chức năng kiểm định chất lượng công trình, có kết quả kiểm định đảm bảo công trình tiếp tục sử dụng trước khi lập kế hoạch sửa chữa lớn trụ sở làm việc.
c) Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, theo dõi quá trình bảo trì, sửa chữa tài sản, đảm bảo chi tiêu tiết kiệm, đúng thiết kế và dự toán được duyệt, đảm bảo chất lượng.
d) Khi hoàn thành việc bảo trì, sửa chữa tài sản, đơn vị phải lập quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời phải rà soát lại các hồ sơ chứng từ có liên quan đến việc bảo trì, sửa chữa tài sản và lưu trữ theo đúng quy định của chế độ lưu trữ chứng từ hiện hành.
3. Thanh lý tài sản cố định:
a) Các đơn vị được thanh lý tài sản cố định trong những trường hợp sau:
- Tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị và không thể tiếp tục sử dụng.
- Tài sản cố định không có nhu cầu sử dụng mà không thể điều chuyển cho đơn vị khác.
- Tài sản cố định bị hỏng không thể sửa chữa để sử dụng được hoặc nếu sửa chữa để sử dụng thì chi phí sửa chữa và giá trị còn lại tính cho thời gian còn lại lớn hơn chi phí thuê tài sản trong thời gian tương ứng.
- Nhà, công trình kiến trúc phải phá dỡ để thực hiện dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
b) Khi cần thanh lý tài sản cố định, các đơn vị phải có văn bản đề nghị thanh lý, ghi rõ hiện trạng tài sản cố định và lý do thanh lý gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt; Thanh lý thiết bị tin học (đối với máy chủ, hệ thống mạng và phần mềm phải có ý kiến của Cục Công nghệ tin học) phải huỷ bỏ đĩa cứng, xoá hết dữ liệu lưu trữ, cấu hình thiết bị lưu trữ ở các bộ nhớ trước khi bán thanh lý (kèm theo biên bản xử lý dữ liệu); thanh lý phương tiện vận tải phải có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành (Sở Giao thông công chính). Các đơn vị chỉ được thanh lý tài sản cố định sau khi đề nghị thanh lý tài sản cố định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Khi thanh lý tài sản cố định, các đơn vị phải thành lập Hội đồng thanh lý tài sản cố định, các thành phần bắt buộc của Hội đồng gồm: Đại diện Lãnh đạo đơn vị, trưởng phòng kế toán, kiểm toán viên trưởng (đối với các đơn vị có bộ phận kiểm toán), trưởng phòng hành chính quản trị, cán bộ kỹ thuật (nếu có). Hội đồng thanh lý tài sản cố định có nhiệm vụ xác định hiện trạng tài sản và tổ chức bán thanh lý tài sản cố định theo quy định.
d) Hình thức thanh lý tài sản bao gồm: Bán, phá dỡ, tiêu huỷ.
- Đối với tài sản thanh lý theo phương thức bán đấu giá (tài sản khi thanh lý phải bán đấu giá thực hiện theo quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước), đơn vị tổ chức bán đấu giá hoặc thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá được phép hoạt động theo quy định của pháp luật thực hiện bán tài sản thanh lý theo phương thức bán đấu giá công khai. Nếu tại nơi có tài sản thanh lý không có tổ chức bán đấu giá hoặc có nhưng các tổ chức này từ chối việc tổ chức bán đấu giá thì Hội đồng thanh lý tài sản của đơn vị tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
- Đối với tài sản thanh lý theo hình thức phá dỡ, tiêu huỷ thì đơn vị thực hiện phá dỡ, tiêu huỷ tài sản nhưng phải thu hồi vật liệu (nếu có) để tổ chức bán công khai. Đối với trường hợp thanh lý nhà cửa, công trình kiến trúc để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình mới: Đơn vị thực hiện phá dỡ theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng.
e) Các trường hợp sau đây được thanh lý theo hình thức bán chỉ định:
- Tài sản Nhà nước đã hết giá trị còn lại theo sổ kế toán. Riêng tài sản là nhà và tài sản khác gắn liền với đất, phương tiện vận tải, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/ 01 đơn vị tài sản phải đánh giá lại, nếu giá trị còn lại theo đánh giá lại dưới 50 triệu đồng/ 01 đơn vị tài sản.
- Tài sản thanh lý theo hình thức bán đấu giá nhưng đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản nhà nước và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.
g) Sau khi thanh lý tài sản cố định, các đơn vị phải lập "Biên bản thanh lý tài sản cố định" và gửi Báo cáo kết quả thanh lý tài sản cố định về Vụ Tài chính - Kế toán.
h) Số tiền thu được từ thanh lý tài sản cố định được hạch toán vào tài khoản thu khác; Chi phí về thanh lý tài sản cố định và giá trị còn lại của tài sản chưa khấu hao hết giá trị được hạch toán vào tài khoản chi khác quy định trong hệ thống tài khoản kế toán của Ngân hàng Nhà nước tại đơn vị.
4. Điều chuyển và nhượng bán tài sản cố định:
a) Việc điều chuyển tài sản cố định giữa các đơn vị Ngân hàng Nhà nước được thực hiện theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
b) Việc điều chuyển tài sản cố định, nhượng bán tài sản cố định là nhà cửa, vật kiến trúc cho các tổ chức ngoài Ngân hàng Nhà nước được thực hiện sau khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng Chính phủ (tuỳ theo giá trị của tài sản). Các tài sản cố định khác (trừ nhà cửa, vật kiến trúc) được nhượng bán cho các tổ chức ngoài Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Các đơn vị hạch toán điều chuyển, nhượng bán tài sản cố định theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
c) Khi điều chuyển, đơn vị giao và đơn vị nhận tài sản phải tổ chức Hội đồng giao nhận tài sản, gồm đại diện của cả hai bên. Hội đồng có nhiệm vụ xác định số lượng, giá trị (nguyên giá, giá trị đã khấu hao, giá trị còn lại), hiện trạng của tài sản bàn giao, các hồ sơ, chứng từ có liên quan và lập "Biên bản giao nhận tài sản". Biên bản giao nhận được lập thành 3 bản, mỗi bên lưu một bản và gửi một bản về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tài chính - Kế toán).
d) Số tiền thu được từ nhượng bán tài sản cố định là nhà cửa, vật kiến trúc, chi phí nhượng bán và giá trị còn lại của tài sản cố định nhượng bán (nếu có) cho các tổ chức ngoài Ngân hàng Nhà nước các đơn vị hạch toán theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
e) Số tiền thu được từ nhượng bán các tài sản cố định khác các đơn vị hạch toán vào thu nhập; Chi về nhượng bán các tài sản cố định khác và giá trị còn lại của các tài sản cố định khác chưa khấu hao hết giá trị các đơn vị hạch toán vào tài khoản chi khác quy định trong hệ thống tài khoản kế toán của Ngân hàng Nhà nước tại đơn vị.
5. Kiểm kê tài sản cố định:
a) Các đơn vị thực hiện kiểm kê tài sản cố định tại đơn vị trước khi lập báo cáo tài chính năm. Trong một số trường hợp đơn vị phải tổ chức kiểm kê đột xuất khi có thay đổi về người quản lý tài sản hoặc khi xảy ra thiên tai hoặc các sự kiện bất thường khác làm ảnh hưởng đến tài sản của đơn vị.
b) Khi kiểm kê, đơn vị phải thành lập Hội đồng kiểm kê, thành phần bắt buộc của Hội đồng gồm: Đại diện lãnh đạo đơn vị, trưởng phòng kế toán, trưởng phòng hành chính quản trị, kiểm toán viên trưởng (đối với các đơn vị có bộ phận kiểm toán) và cán bộ kỹ thuật (nếu cần thiết). Hội đồng kiểm kê chịu trách nhiệm tổ chức quá trình kiểm kê chặt chẽ, chịu trách nhiệm về kết quả kiểm kê và lập “Biên bản kiểm kê tài sản theo mẫu quy định”.
c) Khi thực hiện kiểm kê, đơn vị phải kiểm kê về số lượng, chất lượng và chủng loại tài sản cố định, so sánh với số liệu trên sổ kế toán để phát hiện các trường hợp tài sản thừa, thiếu, mất phẩm chất, phân loại tài sản không cần sử dụng và kiến nghị xử lý (đề nghị điều chuyển, nhượng bán hoặc thanh lý).
d) Căn cứ vào kết quả kiểm kê các đơn vị phải rà soát lại sổ kế toán, nếu do ghi sổ nhầm thì phải điều chỉnh lại sổ kế toán, đồng thời, phải điều chỉnh lại các khoản chi phí có liên quan. Trường hợp không phải do ghi sổ nhầm thì xử lý:
- Đối với tài sản cố định phát hiện thừa: Đơn vị phải tìm chủ sở hữu của tài sản đó và trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Nếu không tìm được chủ sở hữu thì các đơn vị phải có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước để xem xét, hướng dẫn xử lý.
- Đối với tài sản cố định phát hiện thiếu, hỏng, giảm chất lượng thì xử lý như trường hợp tổn thất tài sản quy định tại Điều 17 Quy chế này.
e) Căn cứ vào biên bản kiểm kê, các đơn vị lập và gửi báo cáo kết quả kiểm kê về Ngân hàng Nhà nước theo đúng quy định của chế độ báo cáo hiện hành.
6. Đánh giá lại giá trị tài sản cố định:
a) Ngân hàng Nhà nước thực hiện đánh giá lại giá trị tài sản cố định trong các trường hợp sau:
- Kiểm kê đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Nhượng bán cho các tổ chức ngoài Ngân hàng Nhà nước.
b) Các đơn vị chỉ đánh giá lại giá trị tài sản cố định khi có văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc đánh giá lại tài sản.
c) Khi đánh giá lại giá trị tài sản cố định, đơn vị phải thành lập Hội đồng đánh giá lại tài sản cố định, thành phần bắt buộc của Hội đồng gồm có: Đại diện lãnh đạo đơn vị, trưởng phòng kế toán, trưởng phòng hành chính quản trị, kiểm toán viên trưởng (đối với các đơn vị có bộ phận kiểm toán), cán bộ kỹ thuật (nếu có). Sau khi đánh giá lại giá trị tài sản cố định, Hội đồng phải lập "Biên bản đánh giá lại tài sản cố định" làm cơ sở hạch toán điều chỉnh giá trị tài sản trên sổ kế toán và gửi về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tài chính - Kế toán).
d) Các khoản chênh lệch tăng, giảm do đánh giá lại tài sản cố định được hạch toán tăng, giảm vốn pháp định.
Điều 16. Thuê tài sản cố định:
Các đơn vị được thuê tài sản cố định phục vụ nhu cầu hoạt động của đơn vị.
a) Khi cần thuê tài sản cố định là nhà cửa làm trụ sở, kho tàng, nhà công vụ, các đơn vị phải có văn bản trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt trước khi thực hiện (ghi rõ tài sản cố định cần thuê, mục đích thuê, thời gian thuê, giá thuê).
b) Khi thuê tài sản, đơn vị phải ký hợp đồng thuê tài sản. Các tài sản cố định đi thuê không được trích khấu hao.
Chi phí về thuê tài sản cố định được hạch toán vào chi phí tại đơn vị.
Điều 17. Xử lý tổn thất tài sản, mua sắm và sử dụng tài sản lãng phí, vượt tiêu chuẩn, định mức quy định
1. Tài sản được coi là tổn thất, mua sắm và sử dụng tài sản lãng phí, vượt tiêu chuẩn, định mức quy định, trong những trường hợp sau:
a) Tài sản mua sắm, nghiệm thu không phù hợp với Hợp đồng đã ký.
b) Tài sản bị mất, hỏng, không đảm bảo chất lượng trong quá trình sử dụng hoặc bảo quản.
c) Tài sản do Thủ trưởng đơn vị quyết định việc mua sắm không phù hợp với nhu cầu sử dụng, vượt tiêu chuẩn, định mức so với quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (gây lãng phí vốn).
2. Khi phát hiện tài sản bị tổn thất, gây lãng phí vốn các đơn vị phải lập ngay Biên bản để làm căn cứ xử lý (do cá nhân, tập thể hay nguyên nhân khách quan).
3. Trách nhiệm bồi thường: trên cơ sở biên bản xử lý tổn thất, lãng phí vốn, hồ sơ quyết toán mua sắm tài sản không đúng quy định, cá nhân hoặc tập thể bị quy trách nhiệm phải thực hiện bồi thường theo quy định hiện hành của Pháp lệnh cán bộ, công chức; Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
4. Khi xử lý tổn thất tài sản, mua sắm và sử dụng tài sản lãng phí, vượt tiêu chuẩn, định mức quy định, đơn vị phải thành lập Hội đồng xử lý tổn thất, thành phần Hội đồng gồm có: Đại diện lãnh đạo đơn vị, trưởng phòng kế toán, trưởng phòng hành chính quản trị, kiểm toán viên trưởng (đối với đơn vị có bộ phận kiểm toán).
Mục 3. MUA SẮM, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÔNG CỤ LAO ĐỘNG VÀ VẬT LIỆU
Điều 18. Lập kế hoạch và tổ chức mua sắm
1. Kế hoạch mua sắm công cụ lao động và vật liệu: Các đơn vị lập dự toán chung trong kế hoạch chi phí quản lý hàng năm đề nghị được giao khoán.
2. Nguồn mua sắm công cụ lao động và vật liệu của đơn vị nằm trong tổng chi phí quản lý được Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tài chính - Kế toán) thông báo giao khoán cho đơn vị được phép chi tiêu hàng năm. Các đơn vị chỉ được chi mua sắm công cụ lao động và vật liệu theo tiêu chuẩn, định mức và trong phạm vi tổng mức chi phí quản lý giao khoán cho đơn vị.
3. Tổ chức mua sắm công cụ lao động và vật liệu:
a) Căn cứ thông báo về chỉ tiêu giao khoán của Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm công cụ lao động, vật liệu tại đơn vị, đảm bảo hợp lý, hài hòa với tổng thể trụ sở, phòng làm việc.
b) Khi hoàn thành việc mua sắm công cụ lao động, vật liệu, các đơn vị phải làm các thủ tục sau:
- Tổ chức Ban kiểm nhận (đối với công cụ lao động, vật liệu không phải là vật rẻ tiền mau hỏng), gồm: Đại diện lãnh đạo đơn vị hoặc người được uỷ quyền, kế toán, hành chính, quản trị, kiểm toán (đối với đơn vị có bộ phận kiểm toán nội bộ) để kiểm nhận về số lượng, chất lượng, giá trị, chủng loại của công cụ lao động, vật liệu mua về.
+ Đối với công cụ lao động, vật liệu các đơn vị lập “Biên bản kiểm nhận công cụ lao động; Biên bản kiểm nhận vật liệu” cho từng lần mua sắm công cụ lao động, vật liệu.
+ Trường hợp phát hiện công cụ lao động và vật liệu mua không đúng quy định, các đơn vị lập biên bản để làm căn cứ xử lý.
Trường hợp nhập công cụ lao động, vật liệu với quy mô lớn hoặc có tính chất lý, hoá phức tạp hoặc vật tư quý hiếm thì Ban kiểm nhận làm thủ tục kiểm nghiệm và lập Biên bản kiểm nghiệm công cụ lao động, vật liệu.
- Làm thủ tục nhập kho hoặc bàn giao cho đơn vị hoặc cá nhân sử dụng.
Điều 19. Phân loại công cụ lao động và vật liệu đã mua sắm
1. Phân loại công cụ lao động: Công cụ lao động tại các đơn vị Ngân hàng Nhà nước chủ yếu gồm các loại chính sau:
a) Thiết bị tin học: máy PC, máy in, máy quét, modem, UPS, phần mềm máy tính không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định;
b) Phương tiện làm việc: Bàn, ghế, quạt, tủ, xe (xe đẩy, xe nâng), hòm, kệ, giường, máy tính bỏ túi, ti vi, tủ lạnh, máy điều hoà, máy điện thoại, máy ảnh, máy đếm tiền, máy phát hiện tiền giả, ổn áp, biến thế, dụng cụ cân, đo, dụng cụ y tế, máy sấy tay, bình nóng lạnh, quạt thông gió, máy hút bụi, hút ẩm, máy khoan, máy cắt, máy đục, máy đóng chứng từ, máy huỷ tài liệu, công cụ hỗ trợ bảo vệ (súng bắn đạn hơi cay, roi điện ...).
c) Thiết bị âm thanh: Âm ly, Micro, loa.
d) Các dụng cụ, thiết bị, đồ đạc khác không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định (có thể phân loại chi tiết theo thực tế phát sinh).
Các đơn vị căn cứ vào hướng dẫn nêu trên và tình hình thực tế tại đơn vị để phân loại công cụ lao động tại đơn vị cho phù hợp với yêu cầu quản lý. Đối với các loại công cụ lao động có số lượng ít, tương đối giống nhau về chức năng, công dụng, không cần thiết phải theo dõi riêng từng loại thì có thể gộp chung vào một loại. Đối với các công cụ lao động cùng công dụng chung nhưng công dụng cụ thể hoặc chủng loại có khác nhau, nếu số lượng nhiều hoặc giá cả chênh lệch lớn thì có thể phân loại chi tiết hơn.
Các loại tài sản có giá trị thấp, mau hỏng như: dụng cụ nhà khách (chăn, màn, chiếu, ga, gối...), dụng cụ làm vệ sinh; dụng cụ nhà bếp; đồng hồ treo tường, thiết bị lắp đặt bổ sung vào tài sản khác hoặc cấp phát cho cá nhân sử dụng; dụng cụ trang trí (phông màn, rèm cửa, tranh tượng, thảm, lọ hoa, chậu cảnh, gương soi) ... thì không hạch toán vào công cụ lao động mà hạch toán vào vật liệu.
2. Phân loại vật liệu:
a) Giấy trắng đặc biệt: là các loại giấy chuyên dùng để in tiền và các sản phẩm đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.
b) Giấy tờ in quan trọng (còn gọi là ấn chỉ quan trọng): là các loại giấy tờ in để thực hiện các nghiệp vụ phát hành tiền, thanh toán, ngân quỹ như lệnh điều chuyển, các loại séc, tín phiếu, trái phiếu chưa đưa ra sử dụng.
c) Giấy tờ in thông thường: là các loại giấy tờ in không thuộc giấy trắng đặc biệt, giấy tờ in quan trọng.
d) Vật liệu văn phòng: là các loại vật liệu dùng cho công tác văn phòng (ví dụ: bút, túi đựng hồ sơ, cặp).
e) Phụ tùng thay thế: là các loại phụ tùng dự trữ để thay thế cho máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải.
g) Xăng, dầu và các loại nhiên liệu khác.
h) Công cụ lao động chưa dùng: Các loại công cụ lao động chưa xuất dùng (còn đang bảo quản trong kho) cũng được coi như một loại vật liệu để thuận tiện cho việc kiểm kê và theo dõi.
i) Vật liệu khác: bao gồm các loại vật liệu không thuộc các nhóm trên.
Đối với các loại phế liệu thu hồi từ quá trình sử dụng chưa thanh lý hoặc sử dụng vào các nhu cầu khác của đơn vị (nếu có) các đơn vị cũng phân loại vào "Vật liệu khác" và mở sổ theo dõi chặt chẽ.
Để quản lý chặt chẽ các loại vật liệu, các đơn vị phân loại vật liệu chi tiết theo từng vật liệu (ví dụ: giấy tờ in quan trọng cần phân loại riêng: séc, lệnh phát hành).
Điều 20. Xác định giá trị vật liệu, công cụ lao động mua vào
1. Giá trị vật liệu, công cụ lao động mua vào: là giá mua ghi trên hoá đơn của người bán, trừ đi các khoản chiết khấu, giảm giá (nếu có), cộng với các chi phí hợp lệ có liên quan đến vật liệu, công cụ lao động mua vào (ví dụ: chi phí vận chuyển, bảo quản) có đầy đủ chứng từ hợp lệ.
Trường hợp chi phí mua, bảo quản liên quan đến nhiều loại vật liệu, công cụ lao động, các đơn vị phải phân bổ cho từng loại vật liệu, công cụ lao động, trường hợp không thể phân bổ được cho từng loại thì thủ trưởng đơn vị xem xét và phê duyệt, cho phép ghi trực tiếp các khoản chi này vào chi phí.
2. Trường hợp vật liệu sau khi nhập kho phải xuất kho để gia công chế biến cho phù hợp với mục đích sử dụng thì giá trị vật liệu nhập kho từ gia công chế biến là giá trị vật liệu xuất kho cộng với các chi phí có liên quan đến việc gia công chế biến vật liệu, bao gồm cả chi phí vận chuyển, bảo quản (nếu có).
Điều 21. Xác định giá trị công cụ lao động và vật liệu phân bổ vào chi phí.
1. Đối với công cụ lao động: các đơn vị phân bổ toàn bộ giá trị công cụ lao động vào chi phí khi đưa ra sử dụng.
2. Đối với vật liệu: các đơn vị ghi vào chi phí giá trị vật liệu thực tế xuất dùng. Đối với giá trị vật liệu xuất kho, đơn vị phải xác định phương pháp tính giá thực tế vật liệu xuất kho thích hợp (giá nhập kho thực tế của vật liệu hoặc giá bình quân).
Điều 22. Sửa chữa công cụ lao động
1. Thủ trưởng các đơn vị quyết định việc sửa chữa, duyệt dự toán và quyết toán việc sửa chữa công cụ lao động tại đơn vị. Việc sửa chữa công cụ lao động phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, có đầy đủ chứng từ hợp lệ.
2. Chi phí sửa chữa công cụ lao động được ghi vào chi bảo trì, sửa chữa tài sản trong phạm vi dự toán được duyệt.
Điều 23. Thanh lý công cụ lao động, vật liệu
1. Các đơn vị được thanh lý công cụ lao động, vật liệu bị hỏng không sửa chữa được, các loại vật liệu tồn kho lâu ngày bị hỏng hoặc không sử dụng, không cần thiết phải tiếp tục dự trữ.
2. Thủ trưởng đơn vị quyết định việc thanh lý công cụ lao động, vật liệu tại đơn vị mình.
3. Khi thanh lý công cụ lao động, vật liệu đơn vị phải thành lập Hội đồng thanh lý công cụ lao động và lập "Biên bản thanh lý công cụ lao động" như trường hợp thanh lý tài sản cố định.
4. Số tiền thu về thanh lý công cụ lao động hạch toán vào các khoản thu khác tại đơn vị. Chi phí thanh lý công cụ lao động hạch toán vào chi phí khác tại đơn vị.
Điều 24. Thuê công cụ lao động
1. Thủ trưởng đơn vị quyết định việc thuê công cụ lao động tại đơn vị. Khi thuê công cụ lao động, các đơn vị phải lập hợp đồng thuê công cụ lao động.
2. Chi phí thuê công cụ lao động được ghi vào các khoản chi khác tại đơn vị.
Điều 25. Kiểm kê công cụ lao động, vật liệu
Các đơn vị thực hiện kiểm kê công cụ lao động, vật liệu (vật liệu trong kho) tương tự như kiểm kê tài sản cố định (về thời gian và nội dung kiểm kê). Trường hợp kiểm kê vật liệu, thành phần Hội đồng kiểm kê bao gồm cả thủ kho vật liệu. Đối với công cụ lao động, vật liệu phát hiện thừa mà không tìm được chủ sở hữu thì thủ trưởng đơn vị được phép quyết định ghi nhập tài sản và tăng thu nghiệp vụ tại đơn vị. Trường hợp công cụ lao động, vật liệu phát hiện thiếu, hỏng, giảm phẩm chất ... thì xử lý theo quy định tại Điều 17 Quy chế này.
Mục 1. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ THU NHẬP VÀ CHI PHÍ
Điều 26. Nguyên tắc quản lý thu nhập.
1. Các khoản thu của Ngân hàng Nhà nước được hạch toán theo nguyên tắc kế toán dồn tích; Các khoản thu bằng ngoại tệ được thực hiện thông qua nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ để chuyển đổi ra đồng Việt Nam (VND) theo tỷ giá thống nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh để hạch toán vào các tài khoản thu nhập.
Cuối năm, số dư Có các tài khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, chênh lệch giá vàng, chênh lệch đánh giá lại công cụ phái sinh tiền tệ (do đánh giá lại số dư ngoại tệ, vàng thuộc Quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước và Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng) không hạch toán vào thu nhập mà hạch toán vào tài khoản đánh giá lại ngoại tệ, vàng.
2. Các đơn vị phải tính và thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định và hạch toán đúng tính chất các tài khoản thu nhập.
3. Các khoản thu từ hoạt động tiền gửi, cấp tín dụng và đầu tư là số lãi phải thu trong kỳ được xác định theo nguyên tắc sau:
a) Các đơn vị hạch toán vào thu nhập số lãi phải thu trong kỳ của các khoản tiền gửi, đầu tư và các khoản cho vay trong hạn.
b) Đối với số lãi phải thu của các khoản cho vay đã quá hạn thì không hạch toán vào thu nhập, các đơn vị theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.
c) Đối với số lãi phải thu của các khoản cho vay trong hạn đã hạch toán thu nhập nhưng đến kỳ thanh toán khách hàng không trả đúng hạn (hoặc chưa đến kỳ thanh toán lãi nhưng khoản cho vay tương ứng bị chuyển quá hạn) các đơn vị hạch toán vào chi phí để giảm thu và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.
4. Thu do chênh lệch giá bán lớn hơn giá mua bình quân trong kỳ ngoại tệ thuộc Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước (không bao gồm chênh lệch về giá trị ghi sổ khi trích ngoại tệ để chi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các khoản điều chuyển giữa 2 quỹ và chênh lệch về giá trị ghi sổ của khoản lãi và phí bằng ngoại tệ).
5. Đối với thu nhập từ hoạt động còn lại: là toàn bộ số tiền cung ứng dịch vụ được khách hàng chấp nhận thanh toán, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
6. Các đơn vị không được tự ý miễn giảm các khoản thu. Nghiêm cấm việc để các khoản thu ngoài sổ kế toán, giữ lại các khoản thu để lập quỹ trái phép dưới mọi hình thức.
Điều 27. Nguyên tắc quản lý chi phí
1. Các khoản chi của Ngân hàng Nhà nước được hạch toán theo nguyên tắc kế toán dồn tích; Các khoản chi bằng ngoại tệ được thực hiện thông qua nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ để chuyển đổi ra đồng Việt Nam (VND) theo tỷ giá thống nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh để hạch toán vào các tài khoản chi phí.
Cuối năm, số dư Nợ các tài khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, chênh lệch giá vàng, chênh lệch đánh giá lại công cụ phái sinh tiền tệ (do đánh giá lại số dư ngoại tệ, vàng thuộc Quỹ bình ổn tỷ giá và vàng) không hạch toán vào chi phí mà hạch toán vào tài khoản đánh giá lại ngoại tệ, vàng.
2. Các khoản chi hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ Ngân hàng (các khoản chi không thuộc phạm vi giao khoán theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Các đơn vị được chi trên cơ sở nhu cầu thực tế phát sinh phục vụ hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ theo các quy định hiện hành của Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước.
3. Các khoản chi phí quản lý thực hiện theo cơ chế khoán của Bộ Tài chính:
Ngân hàng Nhà nước thực hiện cơ chế khoán chi phí quản lý theo quy định của Bộ Tài chính. Các đơn vị thực hiện khoán chi phí quản lý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trong phạm vi tổng chi phí quản lý được Ngân hàng Nhà nước giao khoán trong năm, các đơn vị được điều hoà giữa các khoản chi để bảo đảm hoạt động của đơn vị trên cơ sở chi tiêu đúng chế độ, định mức quy định của Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước. Tuỳ theo yêu cầu quản lý, hàng năm Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo khoản chi không được điều hoà.
4. Các khoản chi từ nguồn kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp hoặc do các nguồn kinh phí khác đài thọ được hạch toán theo dõi riêng theo quy định và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
5. Chi do chênh lệch giá bán nhỏ hơn giá mua bình quân trong kỳ ngoại tệ thuộc Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước và các khoản chi khác liên quan đến mua bán ngoại tệ thuộc Quỹ (không bao gồm chênh lệch về giá trị ghi sổ khi trích ngoại tệ để chi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các khoản điều chuyển giữa 2 quỹ và chênh lệch về giá trị ghi sổ của khoản lãi và phí bằng ngoại tệ).
6. Các đơn vị không được ghi vào chi phí những khoản chi sau đây:
a) Các khoản tiền phạt phải nộp Nhà nước hoặc phải trả cho khách hàng về những thiệt hại vật chất do nguyên nhân chủ quan của Ngân hàng Nhà nước gây ra trong quá trình thực hiện nghiệp vụ ngân hàng.
b) Các khoản chi đầu tư, mua sắm, cải tạo, nâng cấp tài sản cố định thuộc nguồn vốn đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản cố định. Các khoản chi cho xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng và trang thiết bị các tài sản phúc lợi như nhà ở, nhà nghỉ của cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước; Các khoản chi cho các công trình phúc lợi khác.
c) Các khoản chi ủng hộ địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ quan khác.
d) Các khoản chi thuộc các nguồn kinh phí khác đài thọ.
7. Các khoản chi phí và trích vào chi phí sau đây được hạch toán tại Vụ Tài chính - Kế toán:
a) Chi phí in, đúc tiền.
b) Chi phí in giấy tờ có giá và các phương tiện thanh toán thay tiền.
c) Chi trích lập quỹ đầu tư phát triển kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ Ngân hàng.
d) Chi trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ Ngân hàng.
e) Chi trích lập quỹ khen thưởng ngoài ngành để khen thưởng cho tập thể, cá nhân ngoài ngành có đóng góp xuất sắc cho hoạt động Ngân hàng.
g) Chi từ Quỹ dự phòng ổn định thu nhập.
h) Chi trợ cấp thêm ngoài chính sách chung cho những người tự nguyện về nghỉ chế độ trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại lao động theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
8. Mức giao khoán kinh phí được xem xét điều chỉnh trong một số trường hợp do nguyên nhân khách quan dẫn đến nguồn kinh phí giao khoán không đủ đảm bảo mức chi tối thiểu về tiền lương theo chế độ Nhà nước quy định và duy trì hoạt động của đơn vị, cụ thể:
a) Bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
b) Thiên tai, địch họa và các nguyên nhân khách quan khác.
Mục 2. NỘI DUNG CÁC KHOẢN THU NHẬP, CHI PHÍ
Điều 28. Các khoản thu nhập của Ngân hàng Nhà nước
1. Thu về nghiệp vụ tiền gửi, cấp tín dụng và đầu tư:
a) Thu lãi tiền gửi:
Các khoản lãi phải thu về tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước gửi tại các tổ chức tín dụng; thu lãi tiền gửi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước gửi tại nước ngoài.
b) Thu lãi cho vay:
Các khoản lãi phải thu về cho vay bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng ở trong nước, Ngân hàng liên doanh, Ngân hàng nước ngoài.
c) Thu lãi đầu tư chứng khoán; Thu chênh lệch giữa giá bán và giá trị ghi sổ của chứng khoán.
d) Thu khác về hoạt động tín dụng:
Các khoản thu ngoài các khoản thu nói trên về nghiệp vụ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
2. Thu về nghiệp vụ thị trường mở:
Thu về nghiệp vụ thị trường mở thông qua nghiệp vụ mua bán ngắn hạn các giấy tờ có giá do Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên thị trường tiền tệ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
3. Thu về hoạt động ngoại hối:
a) Thu về mua bán vàng:
Các khoản thu về hoạt động kinh doanh vàng như lãi về mua bán vàng, tiền hoa hồng bán vàng hộ nước ngoài.
b) Thu về mua bán ngoại tệ:
Các khoản thu về hoạt động kinh doanh ngoại tệ như lãi từ nghiệp vụ mua bán, chuyển đổi ngoại tệ trên thị trường trong và ngoài nước (chênh lệch giá bán lớn hơn giá mua).
c) Thu khác về giao dịch ngoại hối:
Các khoản thu ngoài các khoản thu nói trên về hoạt động ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.
4. Thu về dịch vụ Ngân hàng:
a) Thu dịch vụ thanh toán:
Các khoản thu dịch vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước đối với khách hàng.
b) Thu dịch vụ lưu ký chứng khoán.
c) Thu dịch vụ thông tin gồm các khoản thu về dịch vụ trao đổi thông tin về tiền tệ, tín dụng và các dịch vụ thông tin khác của Ngân hàng Nhà nước.
d) Các khoản thu dịch vụ khác:
Các khoản thu dịch vụ khác ngoài các khoản thu dịch vụ nói trên.
5. Thu phí và lệ phí:
Khoản thu từ việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho các tổ chức tín dụng, cấp giấy phép hoạt động ngoại hối, phí thẩm định, phí đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam áp dụng trong ngành Ngân hàng. Thu từ việc cấp giấy phép hoạt động thanh toán đối với các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác.
6. Các khoản thu khác:
Gồm các khoản thu ngoài các khoản thu nói trên của Ngân hàng Nhà nước như thu tiền nhượng bán, thanh lý tài sản cố định, thanh lý công cụ lao động và vật liệu, thu nợ đã xóa nay thu hồi được, thu tiền thừa quỹ, thu về tiêu hủy tiền, thu từ bán mẫu tiền, bán tiền lưu niệm, thu tiền bán hồ sơ mời thầu, thu từ dự án do các nước và các tổ chức quốc tế tài trợ trong lĩnh vực Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, các khoản thu khác.
Điều 29. Các khoản chi phí của Ngân hàng Nhà nước
1. Chi hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ Ngân hàng:
1.1. Chi trả lãi tiền gửi:
Là khoản lãi phải trả tiền gửi bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và pháp nhân nước ngoài.
1.2. Chi trả lãi tiền vay:
Là khoản lãi phải trả tiền vay nước ngoài và trả lãi tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đã phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
1.3. Chi nghiệp vụ thị trường mở:
Các khoản chi phí liên quan đến các giao dịch thông qua nghiệp vụ mua, bán ngắn hạn các giấy tờ có giá do Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên thị trường tiền tệ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
1.4. Chi về hoạt động ngoại hối:
Các khoản chi trực tiếp trong hoạt động mua bán vàng, ngoại tệ (kể cả thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, đóng gói, chế tác vàng, phí nhờ tiêu thụ ngoại tệ, phí dịch vụ thanh toán ngoại tệ), chênh lệch giữa giá mua và giá bán ngoại tệ, vàng và các chi phí khác về mua bán ngoại hối thuộc Quỹ bình ổn tỷ giá và vàng.
1.5. Chi về chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của chứng khoán (các giấy tờ có giá) với giá bán chứng khoán và các khoản chi khác liên quan đến mua bán chứng khoán.
1.6. Chi về hoạt động lưu ký chứng khoán.
1.7. Chi dịch vụ thanh toán, thông tin:
Các khoản chi trực tiếp về thực hiện dịch vụ thanh toán, thông tin như tiền điện, cước viễn thông và các khoản chi về bưu phí, điện báo, thuê kênh truyền tin trả cho cơ quan Bưu chính viễn thông và các nhà cung cấp khác (Swift, Reuters), chi mua vật liệu như thiết bị cấp chữ ký điện tử, giấy, mực in, ru băng máy tính để phục vụ cho nghiệp vụ thanh toán và thông tin.
Chi bảo trì Hệ thống thanh toán điện tử liên Ngân hàng và máy móc, thiết bị phục vụ nghiệp vụ thanh toán, thông tin.
Chi trả tiền điện, các khoản chi trực tiếp phục vụ Hệ thống kỹ thuật tin học Ngân hàng Nhà nước.
Chi mua dầu sử dụng máy phát điện phục vụ trực tiếp công tác thanh toán.
1.8. Chi phí in, đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành tiền, giấy tờ có giá:
a) Các khoản chi về vẽ mẫu tiền, chế bản mẫu tiền.
b) Chi thanh toán tiền mua sản phẩm đặc biệt (tiền).
c) Chi phí mua giấy in tiền và nguyên liệu để đúc tiền. Tiền gia công cho đơn vị in, đúc sản phẩm.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện phân bổ các khoản chi này vào chi phí phù hợp với lượng tiền mới đưa vào lưu thông.
d) Chi in ấn, phát hành áp phích, tờ rơi và đăng tải thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về phát hành và thu hồi tiền.
e) Chi tuyên truyền, quảng cáo về phát hành và thu hồi tiền.
g) Các chi phí liên quan đến in các giấy tờ có giá.
h) Các chi phí về giao nhận, vận chuyển, bảo quản tiền và giấy tờ có giá mới in trong quá trình vận chuyển về Kho tiền Trung ương.
1.9. Chi phí bốc xếp, giao nhận, vận chuyển, tuyển chọn, kiểm đếm, tiêu huỷ tiền, giấy tờ có giá:
a) Chi phí vận chuyển, bốc xếp tiền, giấy tờ có giá: Chi xăng dầu cho phương tiện vận chuyển. Chi thuê phương tiện vận chuyển, chi bốc xếp tại cảng, nhà ga, sân bay theo hợp đồng ký kết với bên cho thuê. Chi giao nhận, bốc xếp tiền tại kho của Ngân hàng Nhà nước.
Chi phí sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô chuyên dùng, chi phí kiểm định, khám xe định kỳ (bao gồm cả xe ô tô tải và xe ô tô hộ tống), xe nâng hàng và các phương tiện, máy móc thiết bị an toàn kho quỹ phục vụ bảo quản tiền và tiêu hủy tiền.
Chi mua phí bảo hiểm xe ôtô chuyên dùng, phí lưu kho, lưu bãi, phí mua điểm đỗ xe (xe ôtô tô tải và xe ôtô hộ tống).
b) Chi tuyển chọn, kiểm đếm, đóng bó, niêm phong tiền, gồm:
- Chi phí vật liệu tuyển chọn, kiểm đếm, phân loại và đóng bó tiền: Giá trị mua sắm vật liệu thực xuất dùng như bao bì, dây buộc, keo dán và các loại vật liệu khác phục vụ cho quá trình tuyển chọn, kiểm đếm, phân loại, đóng bó, niêm phong tiền.
- Chi trực tiếp cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tuyển chọn, kiểm đếm, đóng bó, niêm phong tiền theo định mức và mức chi bồi dưỡng tuyển chọn, kiểm đếm do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định (sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận).
c) Chi phí về tiêu huỷ tiền, bao gồm:
- Chi vật liệu cho công tác tiêu huỷ, chi bồi dưỡng cho cán bộ tham gia phục vụ công tác tiêu huỷ. Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ tham gia tiêu huỷ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận).
- Chi tiền công tác phí cho Hội đồng giám sát và Hội đồng tiêu hủy; Chi hỗ trợ cho cán bộ trưng tập làm công tác tiêu huỷ và giám sát tiêu hủy.
1.10. Chi bảo vệ tiền:
a) Chi hỗ trợ cho lực lượng công an, cán bộ Ngân hàng Nhà nước làm nhiệm vụ áp tải vận chuyển và giao tiền, giấy tờ có giá theo từng chuyến hàng ngoài tiền công tác phí theo chế độ quy định.
b) Chi mua sắm vật tư phương tiện phòng chống đột nhập, phòng cháy chữa cháy trong và ngoài kho tiền; Chi mua vật liệu chuyên dùng phục vụ công tác giám định tiền.
c) Chi cho việc phát hiện, kiểm tra, giám định tiền giả, tiền phá hoại.
d) Các khoản phụ cấp cho lực lượng canh gác, bảo vệ kho, áp tải tiền, vàng bạc, đá quý, giấy tờ có giá.
e) Chi phí đảo kho định kỳ và đột xuất.
g) Chi trả tiền điện, tiền nhiên liệu chạy máy phát điện sử dụng cho các thiết bị phục vụ hoạt động của kho tiền và các thiết bị bảo vệ kho tiền.
h) Chi phòng chống mối, mọt kho tiền.
i) Chi mua phí bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ trong kho tiền.
1.11. Các khoản chi khác về hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ Ngân hàng.
2. Các khoản chi phí quản lý thực hiện theo cơ chế khoán, gồm:
2.1. Chi cho cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước, nhân viên hợp đồng.
2.1.1. Chi lương và phụ cấp lương:
a) Chi lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định, tiền lương làm thêm giờ cho cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và những người làm hợp đồng theo hình thức không xác định thời hạn và hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên theo chế độ quy định đối với Ngân hàng Nhà nước.
b) Chi tiền công cho nhân viên hợp đồng ngắn hạn (dưới 12 tháng).
2.1.2. Chi ăn trưa cho cán bộ, công chức và cán bộ chuyên trách công tác đoàn thể của Ngân hàng Nhà nước. Mức chi cho mỗi người hàng tháng không vượt quá mức tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức.
2.1.3. Chi trang phục giao dịch và bảo hộ lao động:
a) Chi trang phục giao dịch: Mức chi trang phục giao dịch hàng năm cho cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức là thanh tra, bảo vệ, cán bộ chuyên trách công tác đoàn thể của Ngân hàng Nhà nước) thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Trong phạm vi mức chi trang phục giao dịch, đối với các bộ phận cán bộ, công chức, viên chức bắt buộc phải mặc trang phục theo quy định thống nhất phù hợp với nhiệm vụ được giao thì từng bộ phận tổ chức may đo cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng.
b) Chi bảo hộ lao động (ngoài chế độ trang phục giao dịch): Gồm chi mua găng tay, quần áo bảo hộ, mũ, khẩu trang, khăn mặt, xà phòng... cho một số đối tượng theo chế độ quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
2.1.4. Chi bồi dưỡng độc hại:
Đối tượng và mức chi bồi dưỡng độc hại thực hiện theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
2.1.5. Chi khen thưởng và phúc lợi:
Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước được chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ công chức, viên chức theo định kỳ và đột xuất, mức chi bằng tổng quỹ tiền lương thực hiện trong năm (bao gồm cả tiền lương của cán bộ chuyên trách công tác đoàn thể của Ngân hàng nhà nước).
2.2. Các khoản chi để đóng góp theo lương:
Gồm các khoản chi nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn và các khoản đóng góp khác theo chế độ của Nhà nước quy định.
2.3. Chi công tác xã hội:
Gồm chi tiền tàu xe cho cán bộ, công chức, viên chức đi nghỉ phép hàng năm theo quy định; thanh toán tiền phép theo chế độ quy định và các khoản chi khác về công tác xã hội.
2.4. Chi hỗ trợ hoạt động của các đoàn thể của Ngân hàng Nhà nước:
Chi hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội (Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Ban Thanh tra nhân dân). Chi cho công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, văn hoá, hoạt động phong trào văn thể, hội thao, hội diễn.
2.5. Chi trợ cấp khó khăn, trợ cấp thôi việc:
Đối tượng chi và mức chi thực hiện theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
2.6. Chi hoạt động quản lý và công vụ:
2.6.1. Chi về vật liệu và giấy tờ in:
Chi mua sắm các loại vật liệu văn phòng, vật rẻ tiền mau hỏng, chi về các loại giấy tờ in, vật mang tin, chi xăng dầu và vật liệu khác phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (trừ giấy, mực in, vật mang tin, ru băng máy tính và các vật liệu khác phục vụ cho hoạt động thanh toán).
2.6.2. Chi bưu phí, điện thoại và viễn thông:
Các khoản chi về cước phí tem thư chuyển công văn, bưu phẩm và cước phí điện thoại (bao gồm cước phí của các máy điện thoại cố định, máy Fax, điện thoại di động theo chế độ quy định) và các thiết bị thông tin liên lạc khác. Khoản chi này không bao gồm chi phí viễn thông về mạng trả cho cơ quan Bưu điện khi thực hiện nghiệp vụ thanh toán, thông tin.
Đối tượng trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng, điện thoại di động và quy chế quản lý và sử dụng điện thoại các đơn vị thực hiện theo Quy chế của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
2.6.3. Chi về điện, nước, y tế, vệ sinh cơ quan, gồm:
a) Chi về tiền điện: Thanh toán tiền điện sử dụng tại trụ sở làm việc, nhà công vụ, kho tàng và các địa điểm làm việc khác phải thuê ngoài (không bao gồm tiền điện dùng cho các máy móc, thiết bị cho hoạt động của kho tiền và để bảo vệ kho tiền, khoản chi này hạch toán vào chi bảo vệ tiền).
b) Chi về tiền nước sử dụng tại trụ sở làm việc và nhà công vụ trả cho cơ quan kinh doanh nước.
c) Chi làm vệ sinh cơ quan (dụng cụ, phương tiện làm vệ sinh, thuê người làm vệ sinh tại trụ sở và nhà công vụ).
d) Chi y tế cơ quan:
- Chi mua thuốc phòng bệnh, chữa bệnh.
- Chi cho cơ sở y tế khám bệnh cho cán bộ, công chức, viên chức do cơ quan tổ chức.
- Chi về tổ chức vệ sinh phòng dịch.
- Chi tuyên truyền phổ biến về bảo vệ sức khoẻ cho cán bộ, công chức, viên chức.
2.6.4. Chi nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm các khoản chi sau
a)- Chi tổ chức các cuộc hội thảo khoa học.
b) Chi nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
c) Chi thuê dịch tài liệu nước ngoài.
d) Chi cho đề tài nghiên cứu khoa học.
e) Chi triển khai ứng dụng khoa học công nghệ Ngân hàng.
g) Chi cho các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiệp vụ.
h) Các khoản chi khác theo quy định của Nhà nước.
Các khoản chi trên phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chủ trương, nội dung, địa điểm tổ chức và kinh phí.
2.6.5. Chi công tác phí:
Chi công tác phí cho cán bộ, công chức, viên chức đi công tác trong nước (phụ cấp lưu trú, tiền vé tàu, xe, lệ phí đường, cầu, phà, sân bay, tiền gửi xe ô tô, cước hành lý phục vụ cho chuyến đi công tác, tiền thuê phòng ngủ theo chế độ quy định) và các khoản chi cho cán bộ, công chức, viên chức đi công tác nước ngoài thực hiện theo quy định của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.
2.6.6. Chi tổ chức hội nghị, tập huấn, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, gồm:
a) Chi phí tổ chức hội nghị:
Bao gồm hội nghị tổng kết định kỳ, hội nghị tổng kết chuyên đề, hội nghị tập huấn nghiệp vụ chuyên môn..., theo giấy triệu tập của Ngân hàng Nhà nước (do các Vụ, Cục tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước tổ chức theo kế hoạch được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nội dung, thời gian, địa điểm).
- Đơn vị đăng cai thực hiện tổ chức hội nghị phối hợp với đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị, (Vụ, Cục thuộc Ngân hàng Nhà nước) lập dự toán, quyết toán chi phí hội nghị. Thủ trưởng đơn vị đăng cai thực hiện tổ chức hội nghị phê duyệt dự toán, quyết toán và hạch toán tại đơn vị. Đối với các hội nghị do các Vụ, Cục thuộc Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Hà nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục Quản trị hoặc Vụ trưởng - Trưởng Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh phê duyệt dự toán, quyết toán. Các đơn vị gửi 01 bản báo cáo quyết toán về Vụ Kế toán - Tài chính kèm theo dự toán có xác nhận của đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị để xem xét trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ sung kinh phí cho đơn vị.
- Cán bộ, công chức, viên chức đi dự hội nghị được thanh toán tiền phụ cấp công tác phí và tiền thuê phòng ngủ theo chế độ quy định.
- Đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị chỉ liên hệ đặt thuê phòng ngủ cho cán bộ, công chức, viên chức tham dự hội nghị (nếu có nhu cầu) và chi phí tổ chức hội nghị (nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước).
b) Chi phí tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên môn:
- Chi phí tổ chức lớp học và hỗ trợ tiền ăn cho học viên (nếu có) đối với các lớp đào tạo theo kế hoạch được Thống đốc phê duyệt thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Trường bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng Nhà nước phải tính toán bố trí số lượng học viên lớp đào tạo phù hợp với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có tại các cơ sở đào tạo để hạn chế việc thuê chỗ ngủ và trang thiết bị giảng dạy.
- Cán bộ, công chức, viên chức tham dự lớp học được thanh toán tiền tàu, xe (lượt đi, lượt về, nghỉ lễ, nghỉ tết) tại đơn vị cử đi học.
c) Chi phí cho cán bộ, công chức, viên chức đi học các lớp nghiệp vụ chuyên môn (học trong nước) được Ngân hàng Nhà nước phân bổ chỉ tiêu đào tạo hàng năm như các lớp đào tạo học tại chức, học chuyển đổi, đào tạo sau đại học, đào tạo chính trị, quản lý hành chính và chuyên môn nghiệp vụ khác. Đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học được thanh toán các khoản sau đây nếu kết quả học tập đạt yêu cầu trở lên:
- Tiền học phí, tiền mua giáo trình của khóa học, lệ phí thi tuyển theo quy định của cơ sở đào tạo.
- Chi phí in ấn, đóng quyển khóa luận, luận văn, luận án lần cuối và bản tóm tắt luận văn, luận án gửi lấy ý kiến nhận xét theo chế độ quy định.
- Chi phí đi lại một lần cho một đợt học, nghỉ lễ, Tết theo chế độ quy định.
- Tiền thuê phòng ngủ (theo mức quy định đối với ký túc xá của trường cho sinh viên thuê ở tập thể). Các cơ sở đào tạo thuộc Ngân hàng Nhà nước có nhà công vụ hoặc nhà nghỉ bố trí được chỗ ở cho học viên thì không được thanh toán tiền thuê phòng ngủ.
d) Chi phí cho cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước được đào tạo, khảo sát ở nước ngoài và các đoàn của nước ngoài khảo sát tại Ngân hàng Nhà nước theo qui định của Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
2.6.7. Chi phí cho thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước:
Đây là khoản chi cho các đoàn đến thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại đơn vị, bao gồm chi phí mua vật liệu văn phòng và các chi phí khác phục vụ cho đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
2.6.8. Chi xuất bản tài liệu, tuyên truyền quảng cáo:
a) Các khoản chi về xuất bản sách, các bản tin hoạt động Ngân hàng, trang Website của Ngân hàng Nhà nước, xuất bản các văn bản thể lệ chế độ của Ngân hàng Nhà nước đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
b) Chi nhuận bút cho người viết bài.
c) Chi tiền thuê in thanh toán theo hợp đồng với các cơ sở in.
d) Chi phí cho các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, quảng cáo các văn bản thể lệ chế độ và hoạt động của Ngân hàng, các cuộc họp với cơ quan thông tin đại chúng, các khách hàng để phổ biến chủ trương chính sách và chế độ nghiệp vụ Ngân hàng.
2.6.9. Chi lễ tân, khánh tiết:
Gồm các khoản chi tiếp khách trong nước, tiếp khách Quốc tế tới làm việc ở đơn vị, chi tổ chức các buổi họp mặt nhân ngày lễ, ngày kỷ niệm (thành lập ngành, quân đội nhân dân, thương binh liệt sỹ, tết nguyên đán...).
2.6.10. Các khoản chi hoạt động quản lý và công vụ khác:
a) Chi mua tài liệu, sách báo: Chi mua tài liệu, sách báo để phục vụ cho việc nghiên cứu và cung cấp các thông tin cần thiết chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
b) Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước, khoản chi này phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt trước khi thực hiện. Định mức và mức chi thực hiện theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
c) Các khoản chi hoạt động quản lý và công vụ khác.
2.7. Các khoản chi khác: gồm các khoản chi chủ yếu sau:
- Chi nhượng bán, thanh lý tài sản;
- Giá trị còn lại của tài sản thanh lý, nhượng bán;
- Chi cho việc thu hồi các khoản nợ đã xóa;
- Khoản tổn thất sau khi đã bù đắp bằng các nguồn theo quy định hiện hành;
- Chi bảo quản hồ sơ, chứng từ, sổ kế toán và tài liệu;
- Chi bồi dưỡng quyết toán cuối năm; Chi bồi dưỡng kiểm kê tài sản cố định, công cụ lao động, vật liệu thời điểm 01/01, kiểm kê kho tiền trung ương thời điểm 01/01 và 01/7 hàng năm
- Chi về bảo hiểm tài sản;
- Chi tư vấn bảo trì tài sản;
- Chi nộp thuế, lệ phí: Phí lưu kho, lưu bãi, phí mua bảo hiểm và phí kiểm định định kỳ các phương tiện vận tải (trừ phương tiện vận tải phục vụ kho quỹ và các khoản thuế, phí khi mua sắm tài sản cố định phải hạch toán vào giá trị tài sản cố định theo quy định của pháp luật);
- Chi mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với cơ sở có yêu cầu mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
- Chi phí phòng cháy, chữa cháy, phòng chống lụt, bão, chi cho công tác tự vệ: như chi công tác an ninh quốc phòng, trực cơ động sẵn sàng chiến đấu, chi phí luyện tập, diễn tập hàng năm cho đội phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bão, lụt cho đội tự vệ của cơ quan hoặc thuê cơ quan chuyên môn huấn luyện.
- Chi hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước (không hưởng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước);
- Các khoản chi khác.
2.8. Chi bảo trì, sửa chữa tài sản:
Bảo trì tài sản nhằm phát hiện và sửa chữa kịp thời tài sản (bao gồm tài sản cố định và công cụ lao động), bảo trì tài sản gồm:
a) Duy tu, bảo dưỡng.
b) Sửa chữa vừa và nhỏ.
c) Sửa chữa lớn.
Đối với chi phí bảo trì, sửa chữa xe chuyên dùng chở tiền, xe ô tô hộ tống, xe nâng hàng và máy móc thiết bị an toàn kho quỹ, các đơn vị hạch toán vào Chi phí tuyển chọn, kiểm đếm, bảo quản, vận chuyển, tiêu huỷ tiền, giấy tờ có giá.
Bảo trì, sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ công tác thanh toán, các đơn vị hạch toán vào chi dịch vụ thanh toán thông tin.
2.9. Chi mua sắm công cụ lao động:
Các đơn vị tính toán để mua sắm các tài sản thực sự cần thiết đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước quy định và trong phạm vi tổng mức chi phí quản lý được giao khoán hàng năm.
2.10. Chi thuê tài sản:
Số tiền chi về thuê tài sản căn cứ vào hợp đồng thuê tài sản giữa bên cho thuê và đơn vị Ngân hàng Nhà nước. Các tài sản cố định đi thuê được hạch toán ngoại bảng (không trích khấu hao), tiền thuê được hạch toán vào chi về thuê tài sản tại đơn vị. Trường hợp trả tiền thuê tài sản một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần vào chi phí theo số năm sử dụng tài sản.
2.11. Chi bổ sung kinh phí khoán từ tiết kiệm chi phí được giao khoán
3. Các khoản chi phí quản lý không thực hiện theo cơ chế khoán:
3.1. Chi trích lập quỹ khen thưởng cho tập thể, cá nhân ngoài ngành có đóng góp xuất sắc cho hoạt động Ngân hàng; mức trích tối đa bằng 01 tháng lương thực hiện bình quân trong năm.
Khoản chi này được thực hiện theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
3.2. Chi tiền ăn trưa, trang phục giao dịch và chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, công chức Công đoàn Ngân hàng Việt Nam.
3.3. Chi khen thưởng cho đấu thầu tín phiếu kho bạc và trái phiếu Chính phủ.
3.4. Trích khấu hao cơ bản tài sản cố định:
a) Thực hiện theo quy định của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.
b) Những tài sản cố định không trích khấu hao gồm:
- Nhà ở;
- Tài sản cố định chưa đưa vào sử dụng;
- Tài sản cố định hình thành từ quỹ phúc lợi;
- Tài sản đã khấu hao hết nhưng vẫn đang sử dụng;
- Tài sản cố định đi thuê.
3.5. Chi đầu tư phát triển kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ Ngân hàng:
Nội dung chi đầu tư phát triển kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ Ngân hàng là khoản được ghi vào chi phí bằng 12% giá trị nguyên giá tài sản cố định bình quân hiện có trong năm để bổ sung vốn pháp định và được sử dụng để đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản cố định của Ngân hàng Nhà nước.
3.6. Chi lập khoản dự phòng rủi ro:
Vụ Tài chính - Kế toán trích lập khoản dự phòng rủi ro bằng 10% chênh lệch thu- chi chưa có khoản dự phòng rủi ro. Việc quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro thực hiện theo Quy chế của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Mục 3. CHÊNH LỆCH THU, CHI VÀ NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Điều 30. Kết thúc năm tài chính, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào chênh lệch thu nhập, chi phí phát sinh thực tế trong năm để xác định số bổ sung kinh phí khoán, phân phối và nộp Ngân sách Nhà nước, cụ thể như sau:
1. Xác định chênh lệch thu, chi thực tế:
Chênh lệch thu, chi thực tế |
= |
Tổng các khoản thu nhập (Điều 28) |
- |
Tổng các khoản chi phí (Điều 29) |
(1) |
2. Xác định số bổ sung kinh phí khoán từ chênh lệch thu chi:
Số bổ sung kinh phí khoán |
= |
Chênh lệch thu, chi thực tế |
x |
% được trích từ chênh lệch thu, chi để bổ sung kinh phí khoán |
(2) |
3. Xác định chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước để phân phối và nộp Ngân sách Nhà nước:
Chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước |
= |
Chênh lệch thu, chi thực tế |
- |
Số bổ sung kinh phí khoán |
(3) |
4. Chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước được phân phối theo trình tự sau:
a) Trích quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia bằng 10% chênh lệch thu chi.
b) Phần chênh lệch còn lại nộp Ngân sách Nhà nước. Việc nộp Ngân sách Nhà nước thực hiện tại Vụ Tài chính - Kế toán và thực hiện như sau:
- Hàng quý, Vụ Tài chính - Kế toán trích nộp Ngân sách Nhà nước theo hình thức tạm nộp bằng 70% số chênh lệch thu chi của quý. Việc tạm nộp thực hiện trong 10 ngày đầu của quý tiếp theo.
- Kết thúc năm tài chính, trong thời gian 10 ngày kể từ khi báo cáo quyết toán năm được Thống đốc phê duyệt, Vụ Tài chính - Kế toán nộp Ngân sách Nhà nước số chênh lệch thu chi còn lại theo số liệu quyết toán.
- Số chênh lệch thu chi tài chính năm phải nộp sẽ được xác định chính thức theo kết quả kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước. Trường hợp số đã nộp lớn hơn số phải nộp theo kết luận chính thức của Kiểm toán Nhà nước thì số chênh lệch nộp thừa sẽ được trừ vào số phải nộp của năm sau. Ngược lại, nếu số đã nộp nhỏ hơn số phải nộp thì Vụ Tài chính - Kế toán nộp tiếp số chênh lệch còn thiếu cho Ngân sách Nhà nước trong thời gian 10 ngày tiếp theo kể từ khi có kết luận chính thức của Kiểm toán Nhà nước.
5. Trường hợp kết quả tài chính năm của Ngân hàng Nhà nước bị lỗ (thu nhập không đủ bù đắp chi phí) do thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ - tín dụng - ngân hàng, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý.
Mục 4. LẬP VÀ GỬI BÁO CÁO VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
Điều 31. Tại Vụ Tài chính- Kế toán
1. Trước ngày 10 tháng 7 hàng năm, lập các kế hoạch năm sau trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư để tổng hợp kế hoạch thu, chi ngân sách hàng năm:
a) Kế hoạch thu nhập và chi phí;
b) Kế hoạch thu, chi của các đơn vị sự nghiệp hưởng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước.
c) Kế hoạch đầu tư xây dựng.
2. Trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, tổng hợp các kế hoạch của năm sau trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt:
a) Kế hoạch đầu tư xây dựng;
b) Kế hoạch sửa chữa lớn tài sản cố định;
c) Kế hoạch mua sắm tài sản cố định (gồm 3 loại: Thiết bị tin học, thiết bị an toàn kho quỹ và tài sản cố định khác);
3. Trước ngày 28 tháng 2 năm kế hoạch, tổng hợp phương án khoán chi phí quản lý trình Thống đốc ký gửi Bộ Tài chính.
- Lập kế hoạch phân bổ mức giao khoán chi phí quản lý cho các đơn vị (căn cứ mức giao khoán của Bộ Tài chính đối với Ngân hàng Nhà nước).
4. Kết thúc quý, năm tài chính, tổng hợp báo cáo thực hiện kế hoạch theo quy định.
Điều 32. Tại các đơn vị Ngân hàng Nhà nước
1. Trước ngày 30 tháng 10 hàng năm, các đơn vị lập các kế hoạch tài chính năm sau của đơn vị gửi Vụ Tài chính - Kế toán để tổng hợp trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và thông báo cho các đơn vị thực hiện, bao gồm:
a) Kế hoạch thu nhập, chi phí (Biểu số 01);
Kèm theo bản thuyết minh đầy đủ, chi tiết các chỉ tiêu về thu nhập, chi phí dự kiến thực hiện trong năm, số biên chế, lao động, giá trị nguyên giá tài sản cố định và công cụ lao động hiện có tại đơn vị. Giải trình cụ thể đối với từng chỉ tiêu giao khoán.
b) Kế hoạch đầu tư xây dựng;
c) Kế hoạch sửa chữa lớn tài sản cố định;
d) Kế hoạch trang bị phương tiện tin học (Biểu số 02);
e) Kế hoạch trang bị máy móc thiết bị an toàn kho quỹ (Biểu số 03);
g) Kế hoạch mua sắm tài sản cố định khác (Biểu số 04);
Đối với các Kế hoạch nêu tại điểm b và c khoản 1 Điều này, các đơn vị lập theo quy định về quản lý và thực hiện dự án đầu tư XDCB trong hệ thống NHNN.
2. Kết thúc tháng, quý và năm, ngoài các báo cáo tài chính gửi theo qui định, các đơn vị lập báo cáo thực hiện kế hoạch tài chính của đơn vị gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tài chính- Kế toán), gồm:
a) Báo cáo trích khấu hao tài sản cố định (quý);
b) Báo cáo kiểm kê tài sản cố định, công cụ lao động (năm);
Đối với Báo cáo nêu tại điểm a và b khoản 2 Điều này, các đơn vị lập theo Hướng dẫn lập và gửi báo cáo kế toán nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước;
c) Báo cáo thực hiện kế hoạch thu nhập, chi phí (quý, năm);
Mẫu Báo cáo quy định tại Chế độ báo cáo tài chính đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
d) Báo cáo về tăng, giảm tài sản cố định (năm) (Biểu số 05);
e) Báo cáo thực hiện chi lương, khen thưởng phúc lợi và tạm ứng bổ sung thu nhập (tháng, năm) (Biểu số 06).
3. Thời hạn gửi báo cáo được quy định như sau:
a) Báo cáo tháng gửi chậm nhất ngày 5 tháng kế tiếp.
b) Báo cáo quý gửi chậm nhất ngày 5 tháng đầu quý kế tiếp.
c) Báo cáo năm gửi chậm nhất ngày 10 tháng 01 năm kế tiếp.
1. Kế hoạch mua sắm tài sản cố định: Vào cuối quí III hàng năm, Vụ Tài chính - Kế toán tổng hợp trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh Kế hoạch theo đề nghị của các đơn vị hoặc theo tiến độ thực hiện của các đơn vị. Hồ sơ đề nghị phải nêu rõ lý do, đề xuất hướng xử lý.
2. Về điều chỉnh giao khoán chi phí quản lý: Vào cuối Quý III hàng năm, Vụ Tài chính - Kế toán trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh mức giao khoán chi phí quản lý theo đề nghị của các đơn vị.
Hồ sơ đề nghị điều chỉnh mức giao khoán phải nêu rõ: Chỉ tiêu được giao khoán; tình hình thực hiện mức giao khoán (chi tiết các khoản chi của chỉ tiêu đề nghị điều chỉnh); đánh giá, phân tích cụ thể từng chỉ tiêu đã thực hiện, các biện pháp đã áp dụng tại đơn vị để thực hiện mức giao khoán và xác định nguyên nhân dẫn đến mức giao khoán theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước không đáp ứng yêu cầu hoạt động; mức đề nghị bổ sung.
CÔNG KHAI QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN VÀ CHI PHÍ QUẢN LÝ
Điều 34. Nguyên tắc công khai:
Công khai các thông tin về các loại tài sản cố định (trừ tài sản cố định vô hình) được giao quản lý và sử dụng tại đơn vị kể cả các tài sản là hàng viện trợ, quà biếu, quà tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
Công khai việc phân bổ và sử dụng vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách và vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Ngân hàng Nhà nước;
Công khai việc phân bổ và sử dụng kinh phí khoán được Bộ Tài chính giao hàng năm tại các đơn vị Ngân hàng nhà nước.
Điều 35. Các nội dung công khai
1.Tại các đơn vị NHNN:
a) Dự toán, số lượng, chủng loại TSCĐ được duyệt mua sắm trong năm, hình thức tổ chức mua sắm, kết quả mua sắm.
b) Số lượng, giá trị TSCĐ (nguyên giá, giá trị còn lại) do cá nhân, tập thể được giao quản lý, sử dụng.
c) Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc của các đơn vị NHNN;
d) Báo cáo tình hình điều chuyển, thanh lý, nhượng bán TSCĐ.
e) Báo cáo về dự án đầu tư được duyệt (kế hoạch, mức vốn đầu tư, kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết toán vốn đầu tư theo niên độ hàng năm và quyết toán vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng cơ bản.
g) Báo cáo về quản lý và sử dụng tài sản được viện trợ, quà tặng, biếu, cho.
h) Dự toán, quyết toán kinh phí khoán được giao (kể cả phần điều chỉnh giảm hoặc bổ sung trong năm) theo từng nội dung chi.
2. Tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Tài chính - Kế toán)
a) Kế hoạch đầu tư XDCB và mua sắm TSCĐ hàng năm của NHNN đã được Thống đốc phê duyệt;
b) Báo cáo tổng hợp tình hình quản lý và sử dụng xe ôtô của các đơn vị NHNN;
c) Báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc của các đơn vị NHNN;
d) Báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản đối với tài sản có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản (theo 3 mục chính: trụ sở làm việc và các công trình gắn liền với đất; Phương tiện đi lại; tài sản cố định khác) của các đơn vị NHNN;
e) Báo cáo tổng hợp tình hình điều chuyển, thanh lý, nhượng bán TSCĐ.
g) Biểu tổng hợp phân bổ kinh phí khoán cho các đơn vị Ngân hàng Nhà nước đã được Thống đốc phê duyệt (kể cả phần điều chỉnh giảm hoặc bổ sung).
1. Các đơn vị NHNN:
a) Niêm yết công khai tại trụ sở làm việc;
b) Công bố trong hội nghị cán bộ, công chức của đơn vị.
c) Định kỳ báo cáo về NHNN để tổng hợp và báo cáo Bộ Tài chính.
2. Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Tài chính - Kế toán):
a) Đăng tải các báo cáo tổng hợp trên website NHNN
b) Gửi văn bản báo cáo Bộ Tài chính.
3. Mẫu biểu công khai:
Các đơn vị thực hiện theo văn bản hướng dẫn riêng của Ngân hàng Nhà nước.
1. Đối với công khai dự toán, số lượng, chủng loại tài sản cố định được duyệt mua sắm trong năm và hình thức tổ chức mua sắm, kết quả mua sắm: Các đơn vị thực hiện chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày việc mua sắm, trang bị tài sản cố định hoàn thành.
2. Đối với dự toán, quyết toán kinh phí khoán: Các đơn vị thực hiện chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước thông báo.
3. Đối với Báo cáo tình hình điều chuyển, thanh lý, nhượng bán TSCĐ: Các đơn vị gửi báo cáo chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
4. Đối với Báo cáo về dự án đầu tư xây dựng cơ bản (kế hoạch, mức vốn đầu tư, kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết toán vốn đầu tư theo niên độ hàng năm và quyết toán vốn đầu tư): Các đơn vị thực hiện chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt
5. Đối với Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định hàng năm; Biểu tổng hợp phân bổ kinh phí khoán cho các đơn vị NHNN: Thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày được Thống đốc NHNN phê duyệt.
6. Đối với các loại báo các khác: Thực hiện chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ THẨM QUYỀN XÉT DUYỆT VỀ TÀI CHÍNH
Điều 38. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
1. Phê duyệt kế hoạch năm của Ngân hàng Nhà nước về:
a) Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa tài sản cố định;
b) Kế hoạch mua sắm tài sản cố định, gồm:
- Kế hoạch trang bị phương tiện tin học;
- Kế hoạch trang bị máy móc thiết bị an toàn kho quỹ;
- Kế hoạch trang bị các tài sản cố định khác;
c) Phương án đề nghị giao khoán chi phí hoạt động gửi Bộ Tài chính;
d) Phân bổ mức giao khoán chi phí hoạt động cho các đơn vị Ngân hàng Nhà nước.
2. Phê duyệt báo cáo thực hiện kế hoạch thu chi tài chính năm của Ngân hàng Nhà nước.
3. Phê duyệt dự toán, quyết toán mua sắm tài sản là nhà cửa, xe ô tô (không phân biệt theo giá trị);
4. Phê duyệt dự toán, quyết toán mua sắm tài sản là tài sản cố định (trừ nhà cửa, xe ôtô), công cụ lao động, vật liệu, và dịch vụ có giá trị bằng hoặc lớn hơn 1.000 triệu đồng/lần mua sắm.
5. Phê duyệt dự toán, quyết toán bảo trì, sửa chữa tài sản cố định (nhà cửa và máy móc thiết bị) có giá trị bằng hoặc lớn hơn 1.000 triệu đồng/lần bảo trì, sửa chữa.
6. Phê duyệt thanh lý, điều chuyển, nhượng bán tài sản là nhà cửa, ô tô theo quy định; các tài sản khác có giá trị nguyên giá bằng hoặc lớn hơn 1.000 triệu đồng/lần thanh lý, điều chuyển, nhượng bán.
7. Phê duyệt thuê tài sản là trụ sở, kho tàng, nhà công vụ.
Điều 39. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
1. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phụ trách đơn vị:
Chỉ đạo đơn vị xây dựng kế hoạch mua sắm tài sản hàng năm trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
2. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phụ trách công tác kế toán tài chính:
a) Thực hiện phê duyệt các công việc qui định tại Điều 38 Quy chế này khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền.
b) Thực hiện các nội dung công việc được giao của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phụ trách đơn vị (nêu tại Khoản 1 Điều này).
c) Phê duyệt Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu đối với các gói thầu mua sắm tài sản là nhà cửa, xe ô tô.
d) Phê duyệt Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu đối với các gói thầu mua sắm tài sản là tài sản cố định (trừ nhà cửa, xe ô tô), công cụ lao động, vật liệu, và dịch vụ có giá trị bằng hoặc lớn hơn 1.000 triệu đồng/lần mua sắm do các đơn vị Ngân hàng Nhà nước thực hiện và đề nghị phê duyệt.
e) Phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu gói thầu bảo dưỡng, sửa chữa tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 1.000 triệu đồng/lần bảo trì, sửa chữa.
g) Giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch về hoạt động quản lý tài chính của hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
Điều 40. Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán :
1. Thông báo kế hoạch năm cho các đơn vị thực hiện sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt các kế hoạch nêu tại Khoản 1 Điều 38 Quy chế này.
2. Kiểm tra báo cáo thực hiện kế hoạch thu chi tài chính (năm) của các đơn vị Ngân hàng Nhà nước để thông báo cho các đơn vị chuyển chênh lệch thu, chi về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Tài chính - Kế toán).
3. Thẩm định và báo cáo Thống đốc kết quả thẩm định: Dự toán; Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu; Quyết toán đối với gói thầu mua sắm tài sản là nhà cửa, xe ô tô.
4. Thẩm định và báo cáo Thống đốc kết quả thẩm định: Dự toán; Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu; Quyết toán đối với gói thầu mua sắm tài sản là tài sản cố định (trừ nhà cửa, xe ô tô), công cụ lao động, vật liệu, và dịch vụ có giá trị bằng hoặc lớn hơn 1.000 triệu đồng/lần mua sắm.
5. Thẩm định và báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả thẩm định: Dự toán; kế hoạch đấu thầu; hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu và quyết toán đối với gói thầu bảo trì, sửa chữa tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 1.000 triệu đồng/lần bảo trì, sửa chữa.
6. Phê duyệt: Dự toán; kế hoạch đấu thầu và quyết toán mua sắm tài sản cố định (trừ nhà cửa và xe ô tô), công cụ lao động, vật liệu và dịch vụ có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 1.000 triệu đồng/lần mua sắm.
7. Phê duyệt dự toán, kế hoạch đấu thầu, quyết toán các công trình bảo trì, sửa chữa tài sản (nhà cửa, máy móc thiết bị) có giá trị từ 200 triệu đồng/lần bảo trì, sửa chữa đến dưới 1.000 triệu đồng/lần bảo trì, sửa chữa.
8. Phê duyệt điều chuyển các tài sản có nguyên giá dưới 1.000 triệu đồng/lần điều chuyển.
9. Phê duyệt thanh lý, nhượng bán tài sản cố định (trừ nhà cửa, xe ô tô) và các tài sản khác có giá trị nguyên giá từ 50 triệu đồng đến dưới 1.000 triệu đồng/lần thanh lý, nhượng bán.
10. Giúp Phó Thống đốc phụ trách thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc công tác mua sắm tài sản và quản lý tài chính của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 41. Thủ trưởng đơn vị (là chủ đầu tư tổ chức mua sắm và sửa chữa tài sản do đơn vị quản lý và sử dụng):
1. Lập kế hoạch đấu thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tổ chức thẩm định và phê duyệt: Hồ sơ mời thầu và kết quả đấu thầu đối với các gói thầu mua sắm tài sản (trừ nhà cửa và xe ô tô), công cụ lao động, vật liệu và dịch vụ có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 1.000 triệu đồng/lần mua sắm.
2. Tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán, kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu và quyết toán mua sắm tài sản (trừ nhà cửa, xe ô tô), công cụ lao động, vật liệu và dịch vụ có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng/lần mua sắm.
3. Tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán, kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu, quyết toán bảo trì, sửa chữa tài sản cố định có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng/lần bảo trì, sửa chữa (riêng Cục Quản trị và Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo hạn mức quy định về quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước).
Đối với các công trình sửa chữa có giá trị dưới 200 triệu đồng, nhưng việc sửa chữa làm thay đổi cơ bản kiến trúc và kết cấu của công trình, các đơn vị phải lập thiết kế, dự toán gửi Vụ Tài chính - Kế toán để xem xét trình Thống đốc NHNN phê duyệt và chỉ được thực hiện khi có văn bản thông báo của Ngân hàng Nhà nước.
4. Phê duyệt dự toán, kết quả lựa chọn nhà thầu và quyết toán mua sắm tài sản hoặc sửa chữa thường xuyên tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng/lần mua sắm, sửa chữa.
5. Phê duyệt thuê tài sản (trừ tài sản thuê là trụ sở, kho tàng, nhà công vụ).
6. Phê duyệt việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ (trừ nhà cửa, xe ô tô) có giá trị nguyên giá dưới 50 triệu đồng/lần thanh lý, nhượng bán.
Riêng Cục Quản trị thực hiện phê duyệt thanh lý, nhượng bán TSCĐ có giá trị nguyên giá dưới 200 triệu đồng/lần thanh lý, nhượng bán.
7. Phê duyệt thanh lý công cụ lao động tại đơn vị.
8. Sau khi hoàn thành việc mua sắm, sửa chữa tài sản, các đơn vị lập hồ sơ quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 42. Thời gian thẩm định, đánh giá và phê duyệt hồ sơ đấu thầu mua sắm tài sản.
1. Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày mở thầu đến khi trình duyệt kết quả đấu thầu lên người có thẩm quyền xem xét, quyết định;
2. Thời gian thẩm định: Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu không quá 20 ngày làm việc, kể từ khi đơn vị thẩm định nhận đủ hồ sơ theo quy định.
3. Thời gian phê duyệt: Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của đơn vị thẩm định.
Điều 43. Thời gian thẩm định và phê duyệt dự toán và quyết toán mua sắm tài sản.
1. Thời gian thẩm định và trình phê duyệt dự toán mua sắm tài sản không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định hoặc từ khi nhận được kết quả thẩm định giá.
2. Thời gian thẩm định và trình phê duyệt quyết toán mua sắm tài sản không quá 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Điều 44. Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
1. Về việc hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
2. Thực hiện quản lý tài chính đối với các đơn vị theo quy định của Pháp luật và quy định tại Quy chế này.
3. Thực hiện chức năng đầu mối thẩm định và trực tiếp thẩm định, tổng hợp Kế hoạch mua sắm tài sản cố định trình Thống đốc Ngân hàng nhà nước phê duyệt, đảm bảo việc trang bị tài sản theo đúng định mức, tiêu chuẩn, phù hợp với thực tế hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và yêu cầu quản lý của Nhà nước.
Điều 45. Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ có trách nhiệm thực hiện kiểm soát hoạt động và kiểm toán nội bộ công tác quản lý tài chính, tài sản của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Pháp luật và quy định tại Quy chế này.
Điều 46. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
1. Về việc đề xuất số lượng, chủng loại tài sản mua sắm, đảm bảo trang bị theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chất lượng, hiệu quả và tránh lãng phí.
2. Tổ chức thực hiện quản lý tài chính theo đúng quy định của Pháp luật và Quy chế này.
Quyết định 2234/QĐ-NHNN năm 2009 ban hành Quy chế quản lý tài chính của Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
Số hiệu: | 2234/QĐ-NHNN |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Ngân hàng Nhà nước |
Người ký: | Đặng Thanh Bình |
Ngày ban hành: | 25/09/2009 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 2234/QĐ-NHNN năm 2009 ban hành Quy chế quản lý tài chính của Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
Chưa có Video