ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1829/QĐ-UBND |
Hà Giang, ngày 20 tháng 9 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN CHI TRẢ CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt;
Căn cứ Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 10/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Hà Giang;
Căn cứ Công văn số 5234/LĐTBXH-TTTT ngày 23/12/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh xã hội tại Tờ trình số 106/TTr-LĐTBXH ngày 18 tháng 8 năm 2023,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Phương án thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Phương án chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
PHƯƠNG ÁN
THỰC HIỆN CHI TRẢ CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI KHÔNG DÙNG TIỀN
MẶT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Kèm theo Quyết định số 1830/QĐ-UBND ngày 20/9/2023 của UBND tỉnh Hà Giang)
Phần thứ nhất
THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHI TRẢ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
I. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI
1. Chính sách trợ giúp xã hội
Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội; đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Giang được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, tính đến tháng 7 năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 56.854 đối tượng đang hưởng chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, trong đó bao gồm:
- Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng: 575 đối tượng;
- Người thuộc diện không có nguồn nuôi dưỡng đủ 16 tuổi trở lên nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội: 134 đối tượng;
- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo: 04 đối tượng;
- Người đơn thân nghèo đang nuôi con: 2.326 đối tượng;
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người phụng dưỡng: 510 đối tượng;
- Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 3.568 đối tượng;
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng: 6.922 đối tượng;
- Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng: 14.869 đối tượng;
- Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 24.212 đối tượng;
- Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo: 44 đối tượng;
- Số người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em: 446 đối tượng;
- Số người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi: 18 đối tượng;
- Số người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng: 6 đối tượng;
- Số người đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng: 3.184 đối tượng;
- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi: 36 đối tượng.
Do đặc điểm của chế độ chính sách quy định, đối tượng trợ giúp xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng trên địa bàn tỉnh thường xuyên biến động rất mạnh, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em dưới 3 tuổi con hộ nghèo, hộ cận nghèo; bình quân hàng tháng thường xuyên biến động phát sinh mới và cắt giảm từ 2 đến 3 ngàn đối tượng và tập trung cư trú chủ yếu ở các huyện nghèo, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mức hưởng trợ cấp hàng tháng của các đối tượng bảo trợ xã hội rất thấp, bình quân 470.000, đồng/tháng/đối tượng (mức cao nhất là 1.140.000 đồng/tháng; mức thấp nhất là 380.000 đồng/tháng); thời gian hưởng không ổn định, có đối tượng được giải quyết hưởng trợ cấp xã hội với thời gian một vài tháng đã không còn đủ điều kiện hưởng theo quy định.
2. Chính sách hỗ trợ tiền điện
Thực hiện Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 và Quyết định số 60/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí hỗ trợ tiền điện cho gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; tính đến tháng 6 năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 90.630 hộ gia đình đang hưởng trợ cấp tiền điện, với mức trợ cấp tiền điện rất thấp và được điều chỉnh theo giá bán điện quy định; hiện tại mức hỗ trợ bằng 57.000 đồng/tháng/hộ; thời gian thực hiện chi trả trợ cấp tiền điện được thực hiện theo quý/lần.
II. CÔNG TÁC CHI TRẢ CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong đó có việc triển khai thực hiện chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng và trợ cấp tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội qua đơn vị cung cấp dịch vụ Bưu điện theo Quyết định 601/QĐ-UBND ngày 25/3/2021 của UBND tỉnh. Theo số liệu tổng hợp, thời điểm tháng 7 năm 2023, toàn tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp xã hội cho 56.854 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; chi trả tiền điện hàng quý cho 90.630 hộ gia đình nghèo, hộ chính sách xã hội. Việc chi trả trợ cấp qua đơn vị cung cấp dịch vụ đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp kịp thời và thuận lợi, đáp ứng nhu cầu giải quyết sinh hoạt hàng ngày của đối tượng trên địa bàn tỉnh; khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong việc quản lý và thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng; từng bước thực hiện cải cách hành chính công, tách việc chi trả trợ cấp xã hội ra khỏi lĩnh vực quản lý nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện chế độ chính sách trợ giúp gia đình hộ nghèo, hộ chính sách xã hội và các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; phù hợp với đặc điểm tình hình đối tượng và cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Đơn vị được tỉnh lựa chọn cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh là Bưu điện tỉnh Hà Giang (đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện cung cấp dịch vụ bưu chính công ích) với mạng lưới điểm chi trả rộng khắp đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; công tác quản lý, chi trả trợ cấp hàng tháng cơ bản được thực hiện kịp thời, thuận tiện, đúng đối tượng; đảm bảo các yêu cầu của cơ quan quản lý về chi đúng, chi đủ, chi kịp thời cho người hưởng, đáp ứng các tiêu chuẩn của một đơn vị cung cấp dịch vụ chi trả chuyên nghiệp, tiết kiệm về thời gian và chi phí đi lại của đối tượng, tạo thuận lợi cho các đối tượng khi nhận và sử dụng tiền trợ cấp xã hội. Đơn vị cung cấp dịch vụ đã cung cấp dịch vụ chi trả tại nhà cho một số trường hợp đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật, người ốm đau dài ngày... không đi lại được; Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19, đơn vị đã ứng trước kinh phí ở một số địa bàn để giúp cơ quan quản lý chi trả trợ cấp Covid-19 và trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng kịp thời, đảm bảo yêu cầu giãn cách trong tình hình cấp bách, góp phần ổn định đời sống đối tượng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, do số tiền trợ cấp thấp, việc chi trả trợ cấp cho đối tượng ở một số địa bàn chưa được dứt điểm theo tháng, phải chuyển sang tháng sau vì một số đối tượng không đến nhận trợ cấp theo lịch chi trả của đơn vị cung cấp dịch vụ.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHI TRẢ KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
1. Tổng hợp kết quả thực hiện thí điểm chi trả không dùng tiền mặt
Thực hiện Kế hoạch 304/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh Hà Giang về thực hiện chuyển đổi số tỉnh Hà Giang năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thí điểm chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn 04 xã, phường, thị trấn gồm: Thị trấn Việt Quang và xã Đức Xuân của huyện Bắc Quang; phường Nguyễn Trãi và xã Phương Thiện của thành phố Hà Giang, thời gian thực hiện thí điểm từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2023. Kết quả sau 03 tháng thực hiện thí điểm chi trả chính sách bảo trợ xã hội không dùng tiền mặt tại 04 xã, phường, thị trấn: Đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt là 947/1.095 đối tượng, đạt 86,4%, trong đó: xã Phương Thiện 168/184 đối tượng, đạt 91,3%; phường Nguyễn Trãi là 160/193 đối tượng, đạt 82,9%; xã Đức Xuân là 141/158 đối tượng, đạt 89,2%; thị trấn Việt Quang là 488/560 đối tượng, đạt 87,1%.
Sau khi thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, Sở Lao động - Thương binh xã hội đã phối hợp với Thành phố Hà Giang và huyện Bắc Quang tổ chức khảo sát lấy ý kiến của các đối tượng bảo trợ xã hội tại 04 địa bàn thí điểm chi trả tiền trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt. Kết quả cụ thể như sau:
Tổng số đối tượng tham gia khảo sát: 666 đối tượng, trong đó chia ra:
- Đối tượng cư trú tại khu vực nông thôn: 255 đối tượng;
- Đối tượng cư trú khu vực thành thị: 411 đối tượng;
- Đối tượng đã nhận tiền trợ cấp không dùng tiền mặt: 625 đối tượng;
- Đối tượng nhận tiền trợ cấp bằng tiền mặt: 41 đối tượng.
- Kết quả khảo sát tại khu vực nông thôn: 255 đối tượng
+ Đối tượng nhận tiền trợ cấp bằng tiền mặt: 07 người;
+ Đối tượng đã nhận tiền trợ cấp không dùng tiền mặt: 248 người;
+ Số đối tượng phải trả chi phí khi mở tài khoản, nhận tiền và sử dụng tiền trợ cấp (phí chuyển tiền, phí duy trì tài khoản, phí rút tiền qua Ngân hàng Agribank): 248 người;
+ Số đối tượng gặp khó khăn khi nhận tiền trợ cấp qua tài khoản: 131 người (khó khăn khi rút tiền mặt để phục vụ chi tiêu đời sống hàng ngày);
+ Sau thời gian thí điểm, đối tượng lựa chọn hình thức chi trả trợ cấp: Có 77 người (chiếm 33,76%) lựa chọn hình thức chi trả trợ cấp qua tài khoản; Có 159 người (chiếm 67,65%) lựa chọn hình thức nhận trợ cấp bằng tiền mặt.
- Kết quả khảo sát tại khu vực thành thị: 411 đối tượng
+ Đối tượng nhận tiền trợ cấp bằng tiền mặt: 34 người;
+ Đối tượng đã nhận tiền trợ cấp không dùng tiền mặt: 377 người;
+ Số đối tượng phải trả chi phí khi mở tài khoản, nhận tiền và sử dụng tiền trợ cấp (phí chuyển tiền, phí duy trì tài khoản, phí rút tiền qua Ngân hàng Agribank): 377 người;
+ Số đối tượng gặp khó khăn khi nhận tiền trợ cấp qua tài khoản 101 người (khó khăn khi rút tiền mặt để phục vụ chỉ tiêu đời sống hàng ngày);
+ Sau thời gian thí điểm, đối tượng lựa chọn hình thức chi trả trợ cấp: Có 291 đối tượng (chiếm 67,51%) lựa chọn hình thức chi trả trợ cấp qua tài khoản; Có 139 đối tượng (chiếm 32,25%) lựa chọn hình thức nhận trợ cấp bằng tiền mặt.
Qua khảo sát cho thấy, số đối tượng lựa chọn hình thức chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt ở khu vực thành thị cao hơn gấp 2 (hai) lần so với khu vực nông thôn, vì lý do: Khu vực thành thị có điều kiện thuận lợi hơn khi triển khai chi trả không dùng tiền mặt (có các điểm giao dịch của ngân hàng, cây ATM, dịch vụ thanh toán QR Pay...); Khu vực nông thôn có nguyện vọng nhận trợ cấp bằng tiền mặt chiếm tỷ lệ cao chủ yếu thuộc nhóm đối tượng có nơi cư trú gần khu vực thành thị, thuận lợi cho việc sử dụng tiền trợ cấp chi trả qua tài khoản (xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang).
2. Đánh giá về phương thức chi trả không dùng tiền mặt
a) Ưu điểm:
- Thuận tiện cho cơ quan quản lý chính sách an sinh xã hội trong việc chi trả, thanh quyết toán đảm bảo nhanh chóng, đúng, đủ, kịp thời, công khai, minh bạch, hiện đại, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử;
- Rất tiện lợi và phù hợp với các đối tượng có khả năng, có năng lực và có nguyện vọng hiện đang cư trú tại các địa bàn thành thị, các xã khu vực nông thôn tiếp giáp với các trung tâm đô thị, gần cây ATM, nơi có các phòng giao dịch thường xuyên của các ngân hàng thương mại, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời có thể thực hiện các tiện ích khác như: Gửi tiết kiệm, thanh toán tiền điện, thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt.
b) Tồn tại hạn chế
Khó khăn cho các đối tượng khi sử dụng tiền trợ cấp để chi tiêu dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như mua lương thực, thực phẩm, đặc biệt là tại các khu vực hiện nay chưa có các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho các sản phẩm hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm...) của người dân, không có cây ATM, không có điểm giao dịch thường xuyên hàng ngày của các ngân hàng thương mại.
Thực tế đến thời điểm hiện nay, điều kiện về cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt tại các huyện chưa phổ biến, các dịch vụ thanh toán chưa đáp ứng nhu cầu trong thanh toán không dùng tiền mặt dẫn đến khó khăn cho đối tượng, đặc biệt là các đối tượng bảo trợ xã hội khi thanh toán trong mua bán các hàng hóa, dịch vụ thông thường; các cây ATM chỉ có ở trung tâm huyện, thành phố nên đối tượng đi rút tiền mặt để phục vụ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn và phát sinh chi phí đi lại, giao dịch ngân hàng.
IV. KẾT QUẢ ĐIỀU TRA CƠ BẢN THEO ĐẶC THÙ VÙNG MIỀN, PHỤC VỤ TRIỂN KHAI MÔ HÌNH CHI TRẢ KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
Căn cứ Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 16/6/2023 của UBND tỉnh Hà Giang về điều tra cơ bản theo đặc thù vùng miền, phục vụ triển khai mô hình chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội theo Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Hà Giang, các địa phương đã nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện nội dung nhiệm vụ được phân công.
Qua báo cáo kết quả thực hiện của 10/11 huyện, thành phố (riêng huyện Quản Bạ không thực hiện báo cáo), tổng số đối tượng đang hưởng chế độ an sinh xã hội được điều tra cơ bản thu thập thông tin: 50.928 đối tượng, cụ thể như sau:
- Về thông tin CCCD của đối tượng:
+ Số đối tượng đã có CCCD: 45.326/50.928 đối tượng (chiếm 89,1%);
+ Số đối tượng chưa có CCCD: 5.602/50.928 đối tượng (chiếm 10,1%);
+ Số đối tượng đã được xác thực, đồng bộ với CSDLQG về DC: 37.259/50.928 đối tượng (chiếm 78,58%);
+ Số đối tượng chưa đăng ký, kích hoạt ĐDĐT: 27.270/50.928 đối tượng (chiếm 53,5%).
- Về thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng:
+ Số đối tượng trực tiếp nhận trợ cấp xã hội hàng tháng: 10.671/50.928 đối tượng (chiếm 21%);
+ Số đối tượng ủy quyền cho người khác nhận thay trợ cấp xã hội hàng tháng: 37.639/50.928 đối tượng (chiếm 74%);
+ Số đối tượng hưởng trợ cấp hoặc ủy quyền đã có tài khoản: 10.116/50.928 đối tượng (chiếm 21,3%);
+ Số đối tượng, người giám hộ, hoặc người được ủy quyền có có điện thoại: 21.359/50.928 đối tượng (chiếm 42%).
- Về phủ sóng điện thoại, Internet:
+ Tỷ lệ phủ sóng di động, sóng internet, sóng 3G, 4G tại đạt 92%, riêng khu vực trung tâm xã, khu vực tập trung đông dân cư đạt 100%;
+ Số khu vực không có sóng điện thoại di động: 131 khu vực;
+ Số khu vực không có sóng Internet: 172 khu vực.
Qua số liệu điều tra cơ bản cho thấy, việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội cần phải có thời gian nhất định để các cơ quan chức năng, đặc biệt là hệ thống ngân hàng từng bước củng cố, bổ sung đầy đủ các điều kiện phù hợp cho việc áp dụng phương thức chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt theo lộ trình của cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất của người dân.
Phần thứ hai
NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế, góp phần triển khai có hiệu quả các mô hình của Đề án 06;
b) Góp phần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực trợ giúp xã hội;
c) Từng bước cải cách thủ tục hành chính trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân, bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính;
d) Nâng cao năng lực cho các cán bộ, hiểu biết của người dân về Chính phủ điện tử, quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách và chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt;
e) Tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
2. Yêu cầu
a) Việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng không phát sinh thủ tục hành chính, không làm thay đổi quy trình xử lý đối với các công tác liên quan đến chi trả cho đối tượng an sinh xã hội;
b) Quy trình chi trả phải đảm bảo đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, sử dụng và phù hợp với các nhóm đối tượng chính sách và điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa;
c) Đảm bảo chế độ trợ cấp của đối tượng được chi trả đầy đủ, kịp thời và an toàn tuyệt đối;
d) Đối tượng chính sách có quyền lựa chọn hình thức chi trả phù hợp, khuyến khích đối tượng nhận chế độ trợ cấp qua tài khoản ngân hàng để đảm bảo mục tiêu chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, không phát sinh chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng hưởng lợi;
đ) Đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ cho việc chi trả không dùng tiền mặt.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐƠN VỊ THAM GIA THỰC HIỆN
1. Phạm vi
Triển khai thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng; trợ cấp tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
2. Đối tượng
- Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội; đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Giang được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
- Gia đình thuộc hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 và Quyết định số 60/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Các đơn vị tham gia thực hiện
1. Cơ quan hướng dẫn thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang và các đơn vị chức năng của tỉnh.
2. Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ chi trả thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chi trả chính sách trợ giúp xã hội và trợ cấp tiền điện cho đối tượng trên địa bàn quản lý.
3. Cơ quan thực hiện: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang; các cơ quan cung cấp dịch vụ chi trả qua tài khoản số, tài khoản ngân hàng; Bưu điện tỉnh Hà Giang.
4. Thời gian thực hiện
Phương án thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang từ tháng 10 năm 2023.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN CHI TRẢ TRỢ CẤP
1. Chi trả không dùng tiền mặt
Tổ chức triển khai thực hiện chi trả trợ cấp trợ giúp xã hội thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng và trợ cấp tiền điện cho các đối tượng hoặc người được ủy quyền nhận tiền trợ cấp trên địa bàn tỉnh đã có tài khoản số, tài khoản ngân hàng và có nhu cầu chuyển tiền trợ cấp qua tài khoản:
- Đối với địa bàn khu vực thành thị, các xã có điểm giao dịch thường xuyên hàng ngày của các ngân hàng:
Đối với địa bàn Thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang, huyện Quang Bình: Thực hiện đảm bảo tối thiểu có 80% đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng và trợ cấp tiền điện được chuyển tiền chi trả trợ cấp vào tài khoản ngân hàng của cơ quan cung cấp dịch vụ chi trả (Bưu điện) để chi trả trợ cấp qua tài khoản cho các đối tượng đã có tài khoản hoặc tài khoản của người được ủy quyền nhận trợ cấp thay đối tượng.
Đối với địa bàn các huyện còn lại: Thực hiện đảm bảo tối thiểu có 50% đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng và trợ cấp tiền điện được chuyển tiền chi trả trợ cấp vào tài khoản ngân hàng của cơ quan cung cấp dịch vụ chi trả (Bưu điện) để chi trả trợ cấp qua tài khoản cho các đối tượng đã có tài khoản hoặc tài khoản của người được ủy quyền nhận trợ cấp thay đối tượng.
- Đối với địa bàn khu vực nông thôn, các xã không có điểm giao dịch thường xuyên hàng ngày của các ngân hàng: Thực hiện đảm bảo đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng và trợ cấp tiền điện được chuyển tiền chi trả trợ cấp vào tài khoản ngân hàng của cơ quan cung cấp dịch vụ chi trả (Bưu điện) để trực tiếp chi trả qua tài khoản cho các đối tượng đã có tài khoản hoặc tài khoản của người được ủy quyền nhận trợ cấp thay đối tượng.
- Quy trình thực hiện chi trả
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ký hợp đồng với Cơ quan cung cấp dịch vụ (Bưu điện) tổ chức triển khai thực hiện chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng và trợ cấp tiền điện cho các đối tượng hoặc người được ủy quyền trên địa bàn đã có tài khoản số, tài khoản ngân hàng và có nhu cầu chuyển tiền trợ cấp qua tài khoản:
+ Hàng tháng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội lập danh sách các đối tượng đã đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản số, tài khoản ngân hàng, tài khoản của cá nhân được ủy quyền (danh sách chi trả trong tháng tăng, giảm, điều chỉnh nếu có) gửi cho cơ quan Bưu điện cùng cấp; Đồng thời làm thủ tục chuyển kinh phí chi trả trợ cấp (cùng kinh phí chi trả trợ cấp bằng tiền mặt) vào tài khoản của cơ quan cung cấp dịch vụ chi trả (Bưu điện) theo thời hạn hợp đồng ký kết.
+ Cơ quan Bưu điện căn cứ vào danh sách và kinh phí do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển vào tài khoản tại Ngân hàng, thực hiện các thủ tục chi trả trợ cấp cho các đối tượng vào tài khoản ngân hàng, tài khoản của cá nhân được ủy quyền theo yêu cầu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Hoàn tất các thủ tục thanh quyết toán với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội theo hợp đồng.
2. Chi trả bằng tiền mặt qua cơ quan cung cấp dịch vụ Bưu điện theo quy định hiện hành
Các đối tượng cư trú trên địa bàn khu vực thành thị, xã có điểm giao dịch thường xuyên hàng ngày của các ngân hàng, không có khả năng và nguyện vọng thực hiện phương thức chi trả trợ cấp qua tài khoản số, tài khoản ngân hàng; các đối tượng hiện đang cư trú trên địa bàn khu vực nông thôn, các xã không có điểm giao dịch thường xuyên hàng ngày của các ngân hàng; các trường hợp đối tượng đặc biệt (đau ốm, khuyết tật không thể đi lại được và không có người nhận thay hoặc trường hợp đặc biệt khác như trợ cấp trong thời gian ngắn không quá 6 tháng) có nguyện vọng nhận trợ cấp bằng tiền mặt: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện theo Phương án chi trả các chính sách trợ cấp bằng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội, tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội qua đơn vị cung cấp dịch vụ Bưu điện trên địa bàn toàn tỉnh theo Quyết định 601/QĐ-UBND ngày 25/3/2021 của UBND tỉnh đến khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có phương án thống nhất phương thức chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt áp dụng chung trên địa bàn cả nước.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với UBND các xã, các tổ chức chính trị-xã hội và Bưu điện trên địa bàn thực hiện tuyên truyền để giúp người dân hiểu rõ lợi ích lâu dài của việc chi trả bằng phương thức chi trả không dùng tiền mặt, vận động đối tượng hưởng trợ cấp mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về phương thức chi trả không sử dụng tiền mặt
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, đối tượng, gia đình đối tượng và cộng đồng về việc chuyển đổi hình thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng tiền mặt sang hình thức chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội;
- Tổ chức ngày hội tuyên truyền đến đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền về phương thức chi trả không dùng tiền mặt;
- Xây dựng tài liệu và tập huấn hướng dẫn về quy trình chi trả không dùng tiền mặt cho cán bộ xã, thôn/tổ; các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị cho việc mở tài khoản thanh toán cho đối tượng.
2. Cập nhật thông tin đối tượng hưởng chế độ trợ giúp xã hội vào hệ thống phần mềm quản lý đối tượng
Hàng tháng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố phối hợp với UBND các xã, phường thị trấn rà soát, chuẩn hóa thông tin đối tượng và thực hiện cập nhật đối tượng hưởng chế độ trợ giúp xã hội vào hệ thống phần mềm quản lý đối tượng, nhằm phục vụ cho công tác quản lý, chi trả chế độ trợ giúp xã hội không sử dụng tiền mặt.
3. Thực hiện cập nhật thông tin hồ sơ mở tài khoản hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt
a) Chuẩn bị hồ sơ mở tài khoản thanh toán cho đối tượng đủ điều kiện:
- Việc mở tài khoản cho công dân tại các địa bàn thuộc các huyện, thành phố, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp với UBND các xã và các cơ quan Ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài khoản sổ trực tiếp hướng dẫn mở tài khoản, tài khoản số để tiếp nhận tiền trợ cấp an sinh xã hội cho công dân tại trụ sở UBND cấp xã;
- Đối với những đối tượng công dân đảm bảo sức khỏe, năng lực hành vi dân sự và pháp luật dân sự mở tài khoản chính chủ;
- Đối với các trường hợp đối tượng đặc biệt (đau ốm, khuyết tật, trẻ em không thể đi lại được và không có người nhận thay hoặc trường hợp đặc biệt khác), đơn vị cung cấp dịch vụ chi trả không dùng tiền mặt có trách nhiệm thực hiện hướng dẫn mở tài khoản thông qua người giám hộ, người được ủy quyền theo pháp luật;
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bưu điện, UBND cấp xã tổng hợp danh sách đối tượng có nhu cầu mở tài khoản để mở tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, người giám hộ, người được ủy quyền. Các đơn vị cung cấp dịch vụ tài khoản số trực tiếp hướng dẫn mở tài khoản, tài khoản số để tiếp nhận tiền trợ cấp an sinh xã hội cho công dân tại trụ sở UBND cấp xã.
b) Nội dung thực hiện theo hướng dẫn tại Mục 1 (Hướng dẫn thực hiện thu thập, cập nhật thông tin tài khoản hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt) Công văn số 5234/LĐTBXH-TTTT ngày 23/12/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng an sinh xã hội.
c) Tổ chức rà soát/cập nhật bổ sung thông tin về CCCD, số điện thoại...
- Tổ chức cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền đăng ký thông tin cá nhân, số điện thoại di động, cung cấp căn cước công dân và số định danh cá nhân để mở tài khoản... bảo đảm đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn, người giám hộ, người được ủy quyền có đầy đủ thông tin liên quan để mở tài khoản;
- Trường hợp số điện thoại di động có thông tin không đúng quy định cần yêu cầu người dân đến điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để đăng ký lại đứng thông tin; kịp thời gửi danh sách các số điện thoại di động có thông tin không đúng quy định cho Sở Thông tin và truyền thông để chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông liên hệ chủ thuê bao đăng ký lại đúng thông tin;
- Rà soát, đối chiếu, phân loại danh sách đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền đảm bảo đủ điều kiện mở tài khoản hoặc thiếu giấy tờ liên quan để hướng dẫn bổ sung;
- Cấp căn cước công dân cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền chưa có căn cước công dân, đảm bảo 100% đối tượng đủ năng lực hành vi dân sự, đủ điều kiện được cung cấp căn cước công dân kịp thời.
4. Giám sát thực hiện và đánh giá
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị, các cơ quan liên quan thường xuyên giám sát, đôn đốc thực hiện; tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không sử dụng tiền mặt tại huyện, thành phố.
- Các đơn vị chức năng triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật; phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán; chia sẻ thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong hoạt động thanh toán để kịp thời cảnh báo, khuyến nghị với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và người sử dụng dịch vụ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro phát sinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện trợ cấp của đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội; đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Giang được hưởng chính sách trợ giúp xã hội; Kinh phí hỗ trợ tiền điện theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 và Quyết định số 60/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Phí dịch vụ chi trả:
2.1. Ngân sách thanh toán các khoản phí cho cơ quan Bưu điện để thanh toán các khoản phí cho các Ngân hàng Thương mại thực hiện chuyển tiền từ tài khoản trung gian đến tài khoản của cá nhân đối tượng nhận trợ cấp và phí quản lý tài khoản theo đúng quy định hiện hành.
2.2. Chi trả trợ cấp bằng tiền mặt: Mức phí 2%/tổng số tiền chi trả bằng tiền mặt (quy định tại Quyết định 601/QĐ-UBND ngày 25/3/2021 của UBND tỉnh Hà Giang về chi trả một số chính sách an sinh xã hội thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang).
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và đơn vị cung ứng dịch vụ triển khai Phương án bảo đảm các yêu cầu đề ra. Hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc quản lý, chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và trợ cấp tiền điện;
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Phương án chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Phương án.
3. Kho bạc Nhà nước tỉnh
Phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo Kho bạc Nhà nước huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai phương thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội và tiền điện không sử dụng tiền mặt.
4. Công an tỉnh
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các huyện, thành phố phối hợp với các lực lượng liên quan thường xuyên rà soát, cấp CCCD và đăng ký tài khoản Định danh điện tử (VNeID) cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người nhận ủy quyền; thực hiện tốt vai trò là Cơ quan Thường trực của Tổ công tác triển khai Đề án 06 phối hợp, theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai Phương án chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tổ chức thực hiện thanh toán qua tài khoản số an toàn, hiệu quả;
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về phương thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội không sử dụng tiền mặt.
6. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh
Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, các đơn vị trung gian thanh toán trên địa bàn tỉnh: (i) Căn cứ các quy định nội bộ của từng đơn vị, tiếp tục tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; (ii) Tiếp tục đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thanh toán.
7. Các đơn vị cung cấp dịch chi trả không dùng tiền mặt
Các chi nhánh ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, các đơn vị trung gian thanh toán trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động mở tài khoản cho đối tượng được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội để nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, tài khoản số hoặc ví điện tử...
8. Bưu điện tỉnh Hà Giang
- Tiếp nhận và triển khai thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt qua tài khoản của các cá nhân đối tượng có tài khoản hoặc tài khoản ủy quyền theo danh sách của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu;
- Tiếp tục tổ chức triển khai phương án chi trả trợ cấp tiền mặt cho nhóm các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng phần mềm quản lý, chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và trợ cấp tiền điện; đảm bảo các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, nhân lực, kỹ thuật để thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng;
- Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn quản lý tuyên truyền, vận động đối tượng mở tài khoản tại ngân hàng thương mại.
9. UBND các huyện, thành phố
- Tuyên truyền vận động các đối tượng về lợi ích của việc không dùng tiền mặt, tạo sự đồng thuận, tăng dần tỷ lệ người dân mở tài khoản tiếp nhận trợ cấp không dùng tiền mặt trên địa bàn quản lý; Triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Phương án này;
- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị chức năng và Bưu điện cung ứng dịch vụ chi trả ký hợp đồng chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và trợ cấp tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo phương án được phê duyệt; Chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội và Bưu điện thực hiện tuyên truyền, vận động đối tượng mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại;
- Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch và Kho bạc Nhà nước cấp huyện thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý và chi trả các khoản chi ngân sách nhà nước về chính sách trợ giúp xã hội và trợ cấp tiền điện trên địa bàn;
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện xác nhận ủy quyền nhằm đảm bảo thủ tục mở tài khoản; phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ tổ chức tuyên truyền, thu thập thông tin hồ sơ mở tài khoản cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền; thường xuyên rà soát tình hình biến động đối tượng bảo trợ xã hội, trợ cấp tiền điện để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách cho đối tượng;
- Chủ động cân đối ngân sách, bố trí kinh phí đảm bảo xã hội để thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng, hàng quý cho các đối tượng theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành;
- Báo cáo kết quả thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng chính sách an sinh xã hội về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - TBXH) trước ngày 25 hằng tháng, kể từ tháng bắt đầu thực hiện chi trả không dùng tiền mặt.
Trên đây là Phương án chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị tổng hợp báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - TBXH tổng hợp) để xem xét, quyết định./.
Quyết định 1829/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt phương án thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Số hiệu: | 1829/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Giang |
Người ký: | Nguyễn Văn Sơn |
Ngày ban hành: | 20/09/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1829/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt phương án thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Chưa có Video