ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2004/CT-UB |
Vũng Tàu, ngày 25 tháng 5 năm 2004 |
CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
VỀ CỦNG CỐ CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm qua, hoạt động Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Các Ngân hàng và TCTD đã hoạt động đúng định hướng của ngành, gắn liền với định hướng phát triển kinh tế-xã hội Tỉnh, đã phát huy được vai trò trung gian tài chính của kinh tế địa phương, làm nguồn vốn xã hội vận động có hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. các NHTM đều có định hướng mở rộng quy mô hoạt động, ngoài trụ sở chính còn mở các chi nhánh hoặc phòng giao dịch ở các huyện, thị xã nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng dịch vụ ngân hàng cho các thành phần kinh tế trên địa bàn, phục vụ đắc lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, hoạt động tín dụng ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi ngành Ngân hàng phải đưa ra các giải pháp không ngừng nâng cao tính an toàn-hiệu quả-bền vững trong hoạt động kinh doanh; đồng hành với các hoạt động đó của hệ thống Ngân hàng tỉnh cần có sự hỗ trợ tích cựa của các cấp, các ngành có liên quan của Tỉnh như: UBND các cấp, các Sở: Tài nguyên&Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Toà án, Công an để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Ngân hàng phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Để khắc phục dần những khó khăn, tồn tại, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Ngân hàng trên địa bàn, UBND tỉnh chỉ thị các cấp, các ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung sau:
1. Đối với các chi nhánh Ngân hàng thương mại quốc doanh, chi nhánh NHTM cổ phần, QTDND cơ sở (gọi chung là TCTD):
a, Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định của pháp luật về cho vay, bảo lãnh và cho thuê tài chính. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tại Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định 1626/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động của các TCTD một mặt phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn của doanh nghiệp, thầnh phần kinh tế trên nguyên tắc thương mại, theo cơ chế thị trường; mặt khác phải quán triệt phương châm an toàn-hiệu quả-bền vững. các TCTD xem xét cho vay theo nguyên tắc chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của mình nhưng phải đảm bảo an toàn và đủ căn cứ pháp lý để xử lý khi có tranh chấp.
b, Chủ động tiếp cận, nghiên cứu quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đã được phê duyệt để phân tích, đánh giá và xác định nhu cầu vốn, trong đó có vốn tín dụng ngân hàng để xác định định hướng cho hoạt động cấp tín dụng. Trên cơ sở đó, các TCTD cần phối hợp để lựa chọn các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đặc biệt đối với các dự án lớn cần phối hợp để cho vay đồng tài trợ.
c, Các TCTD cần chủ động xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng vốn nhằm vừa đảm bảo an toàn cho hoạt động chung, vừa đảm bảo cơ cấu nguồn vốn -sử dụng vốn hợp lý về kỳ hạn trong hoạt động tín dụng; chấp hành nghiêm túc quy định về bảo đảm tiền vay của TCTD theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN; chấp hành nghiêm chỉnh quy định về giới hạn cho vay, bảo lãnh tốt đa đối với một khách hàng, chủ động đề xuất các giải pháp nhằm vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng, vừa đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả của hoạt động tín dụng.
d, Tiếp tục ổn định về tổ chức hệ thống Ngân hàng trên địa bàn nhằm tạo nên một mạng lưới hoạt động Ngân hàng đa dạng, rộng khắp, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn và các dịch vụ tiện ích Ngân hàng đến mọi người dân trong tỉnh.
e, Tham gia góp vốn theo tỷ lệ cho phép để Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh sớm đi vào hoạt động.
f, Thực hiện cho vay các đối tượng đựơc Nhà nước khuyến khích phát triển như cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, nuôi trồng giống thuỷ sản; kinh tế trang trại, kinh tế tư nhân; cho vay vốn đối với nông lâm trường quốc doanh… góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong nông nghiệp và nông thôn.
2. Đối với Ngân hàng chính sách xã hội:
- Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng để thống kê, rà soát các đối tượng chính sách cần hỗ trợ; phát huy tốt vai trò tín dụng chính sách xã hội là chiếc cầu giúp những người nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp đi sang sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường, vượt qua đói nghèo, đi đến làm giàu chính đáng.
- Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm phối hợp với các ngành nghiên cứu và đề xuất UBND tỉnh bố trí một phần vốn ngân sách địa phương từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi trong kế hoạch hàng năm để tăng nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
- Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, các phòng giao dịch huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp chặt chẽ hoạt động tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách với việc tổ chức lại sản xuất gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến công và chuyển giao công nghệ; hướng dẫn khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích và đôn đốc trả nợ. Đối với những trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ, không chịu trả, NHCSXH cần kịp thời báo cáo cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương nơi hộ vay cư trú để có biện pháp thích hợp hỗ trợ, kể cả biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ, kiên quyết không để bất cứ người nào, tổ chức nào lợi dụng chiếm đọat nguồn vốn của NHCSXH, không để nguồn vốn xoá đói giảm nghèo bị mất mát, lãng phí.
3. Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh:
a, Với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng và Ngân hàng trên địa bàn phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy định của pháp luật về cho vay và cơ chế bảo đảm tiền vay, về bảo lãnh và cho thuê tài chính của TCTD.
b, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thường xuyên theo dõi và phối hợp với các TCTD trên địa bàn để có biện pháp kịp thời, cụ thể nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh của các TCTD và ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD.
c, Khảo sát tình hình thực tế và nhu cầu thành lập mới QTDND cơ sở tại một số huyện; đồng thời cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn cơ sở lập hồ sơ xin thành lập mới QTDND khi có nhu cầu để sớm giải quyết nạn cho vay nặng lãi đối với hộ nông dân nghèo.
d, Phối hợp cùng Sở Tài chính, các đơn vị hữu quan nghiên cứu việc hình thành thị trường vốn trên địa bàn tỉnh.
4. Đối với các Sở, ban, ngành, UBND các cấp:
a, UBND các cấp, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên&Môi trường nghiên cứu tổ chức thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch 03/2003/TTLT/BTP-BTNMT ngày 04/7/2003 về hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; có biện pháp cải cách các thủ tục hành chính hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân khi đăng ký giao dịch đảm bảo được nhanh chóng, thuận tiện. Riêng đối với những hồ sơ thế chấp trước khi thực hiện thông tư liên tịch 03 về đăng ký giao dịch đảm bảo, các TCTD cần phối hợp cùng các cấp, các ngành liên quan co biện pháp tối ưu, nhanh chóng, thuận lợi để hoàn tất theo thủ tục quy định.
b, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Tài nguyên&Môi trường, Sở Xây dựng cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ), quyền sở hữu nhà (bìa hồng) cho các hộ dân, cơ quan để hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuận lợi, nhanh chóng hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng Ngân hàng.
c, Các sở, ngành liên quan cần có biện pháp hỗ trợ các đơn vị Ngân hàng về cung cấp thông tin cho công tác thẩm định các dự án có nhu cầu vốn tín dụng, phát mãi tài sản của các đối tượng trong thu hồi nợ vay, nhất là đối với các nguồn vốn cho vay theo chính sách của Nhà nước như cho vay khắc phục hậu quả cơn bão số 5/97, cho vay đánh bắt xa bờ…; Công an, Toà án, thi hành án cần tích cực hỗ trợ Ngân hàng xử lý nhanh, dứt điểm trong công tác xử lý thu hồi nợ.
d, Sở Tài nguyên&Môi trường, Sở Tư pháp phối hợp cùng các TCTD trên địa bàn để đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nhất đối với việc đăng ký giao dịch đảm bảo những hồ sơ thế chấp trước khi thực hiện Thông tư liên tịch 03.
Ủy ban nhân dân Tỉnh yêu cầu ngành Ngân hàng cùng các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị nếu phát sinh những khó khăn vướng mắc kịp thời phản ánh về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
|
T/M. UBND
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU |
Chỉ thị 28/2004/CT-UB về củng cố chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu: | 28/2004/CT-UB |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Người ký: | Hồ Văn Niên |
Ngày ban hành: | 25/05/2004 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 28/2004/CT-UB về củng cố chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Chưa có Video