Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA  
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-VP/017

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 1962 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH BIỆN PHÁP CHO VAY, SỬA CHỮA NHÀ Ở CỦA NHÂN DÂN TỰ QUẢN LÝ

Kính gửi:

- Các Chi nhánh Ngân hàng: Hà Nội - Hải Phòng - Hải Dương - Hồng Quảng – Nam Định – Hà Đông Thái Bình – Vĩnh Phúc – Ninh Bình - Hải Ninh - Lạng Sơn - Bắc Ninh - Bắc Giang và Kiến An

Thì hành chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng trung ương đã ra Quyết định số 223/QĐ-017 ngày 18-5-1962 ban hành “biện pháp tạm thời cho vay sửa chữa nhà ở của nhân dân tự quản lý”.

Để các Chi nhánh vận dụng tốt biện pháp đó, Ngân hàng trung ương ra chỉ thị này giải thích thêm một số điểm sau đây:

1. Cần nắm vững mục đích, ý nghĩa của việc cho vay sửa chữa nhà ở của nhân dân tự quản lý:

Hiện nay, ở các thành phố và thị xã lớn ở vùng tạm bị chiếm cũ, nhà cửa hư hỏng khá nhiều, có nơi đã xảy ra tai nạn. Sở dĩ như vậy là vì việc sửa chữa nhà không được chú ý; một số chủ nhà, nhất là chủ nhà cho thuê, tuy có khả năng nhưng cũng không chịu bỏ tiền ra để sửa chữa; ngoài ra cũng có những chủ nhà thực sự không đủ khả năng sửa chữa được.

Trước tình hình đó, một mặt cần phải giải thích chính sách của Chính phủ cho các chủ nhà hiểu rõ, xác định trách nhiệm của họ đối với việc bảo đảm tính mệnh, tài sản của người ở kể cả gia đình họ và động viên họ bỏ tiền ra sửa chữa, mặt khác, đối với những trường hợp không đủ khả năng thì Ngân hàng cần giúp đỡ một phần vốn. Vì vậy các Chi nhánh, Chi điếm cần nắm vững mục đích và nội dung của biện pháp cho vay này kết hợp với các ngành dưới sự lãnh đạo của Ủy ban để tích cực sửa chữa nhà ở, tránh để tai nạn đáng tiếc xảy ra, những chủ nhà không có hoặc thiếu khả năng thì Nhà nước sẽ cho vay.

2. Về đối tượng và diện cho vay:

- Những người được vay theo biện pháp này là những người có nhà tự quản lý (không thuộc diện cải tạo và quản lý nhà đất của Chính phủ), cụ thể là những người có nhà tự ở hoặc có cho thuê một phần hay toàn bộ. Đối với những tổ chức kinh tế như các Hợp tác xã hoặc Tổ hợp tác, nếu nhà xưởng hư hỏng cần sửa chữa thì sẽ xét cho vay theo biện pháp cho vay phương tiện cơ bản đã ban hành mà không áp dụng biện pháp này.

- Chỉ cho vay sửa chữa những ngôi nhà gạch, bê tông, lợp ngói hoặc tôn trong các thành phố và thị xã tập trung dân cư, phù hợp với quy hoạch kiến thiết thành thị ở những địa phương đó, không cho vay sửa chữa những ngôi nhà tranh lá, vách nứa, tường đất hoặc những ngôi nhà tuy bằng gạch ngói nhưng ở các khu vực huyện lỵ, thị trấn nhỏ, lẻ tẻ.

- Chỉ cho vay sửa chữa những nhà mà các bộ phận của nó bị hư hỏng có thể sập đổ gây tai nạn cho người ở và nếu sửa chữa lại, vẫn có thể ở một cách lâu dài (ví dụ: cầu phong li tô mối mọt, mái dột nát, trần nhà hư hỏng, cột, tường nứt rạn…), không cho vay để dập nhà cũ xây nhà mới, thiết bị hoặc tu sửa nặng về tính chất mỹ thuật, vệ sinh như thay cửa mới cho đẹp, lát nền nhà, sàn nhà cho sạch sẽ, đắp tường hoa, làm thêm hàng hiên, đặt ống nước, khơi cống rãnh, xây nhà vệ sinh mới, quét vôi v.v…

- Những chi phí sửa chữa nhà ở có thể cho vay là vật liệu kiến trúc và công thợ - Tùy theo hoàn cảnh, khả năng vốn tự có và khả năng trả nợ của từng người vay mà quyết định mức độ cho vay các chi phí đó. Nói chung, đối với những chủ nhà tự có, tự ở hoặc cho thuê, nếu có thu nhập khá thì không cho vay mà phải động viên khả năng vốn của họ vào việc sửa chữa. Ngân hàng chỉ cho vay những người thiếu vốn và trước hết là cho vay để mua vật liệu sửa chữa, còn tiền công thợ thì để họ tự túc, trường hợp thật cần thiết mới cho vay một phần công thợ. Đối với những chủ nhà tự có, tự ở là cán bộ, công nhân viên, nhân dân lao động, nếu hoàn cảnh thật túng thiếu không thể tự túc được một phần vốn, thì sau khi xét khả năng trả nợ của họ bảo đảm, có thể cho họ vay đủ số tiền cần thiết để chi phí sửa chữa nhà ở.

3. Về mức độ cho vay và việc thu nợ:

- Ngân hàng trung ương giao cho Chi nhánh, Chi điếm quyền giải quyết, quy định mức cho vay với các trường hợp cụ thể. Các Chi nhánh, Chi điếm cần nắm vững và vận dụng đúng đắn 3 điều kiện đã đề ra trong biện pháp về việc quy định mức cho vay. Ba điều kiện đó có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng điều kiện chủ yếu nhất quyết định mức cho vay nhiều hay ít vẫn là “khả năng thu nhập và trả nợ của chủ nhà có thể bảo đảm thanh toán xong tiền vay trong thời hạn tối đa đã quy định”. Gặp trường hợp khả năng trả nợ của chủ nhà thì ít, mà nhu cầu sửa chữa nhà lại nhiều thì chỉ có cách là trích xem bộ phận nào nguy hiểm nhất cần sửa chữa trước, còn các bộ phận khác thì chủ nhà tự lo liệu sửa chữa dần về sau, cố gắng chi phí đến mức tiết kiệm nhất.

- Việc tính toán quy định mức thu nợ phải sát với tình hình thu nhập và khả năng thực tế của người vay, do đó cần phải có sự tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của họ. Đối với chủ nhà có nhà cho thuê thì ngoài phần thu nhập bằng lao động của gia đình họ, có thể dành ra trả nợ một phần, còn có phần thu nhập do cho thuê nhà mà có, cần phải được tính toán để thu cho đúng khả năng. Ngân hàng cần nói rõ cho những người ở thuê biết tình hình chủ nhà vay tiền của Chính phủ để họ thấy trách nhiệm phải thanh toán sòng phẳng tiền thuê nhà hàng tháng cho chủ.

4. Biện pháp tổ chức thực hiện việc cho vay sửa chữa nhà ở:

a) Cần triệu tập một cuộc họp các ngành có liên quan:

Chi nhánh trung tâm cần trình bày chủ trương biện pháp cho vay với Ủy ban hành chính địa phương và đề nghị Ủy ban hành chính triệu tập một cuộc họp gồm có các cơ quan như: cơ quan quản lý nhà đất (các Sở, Ty, phòng Quản lý nhà đất), cơ quan Kiến trúc, cơ quan cung cấp vật liệu (Công ty, Trạm vật liệu xây dựng, Ty, Phòng Lâm sản…), để nghiên cứu thông tư số 365/TTg ngày 12-09-1961 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa chữa nhà ở (đã đăng trong Công Báo số 38 ngày 27-09-1961), phổ biến nội dung chủ trương biện pháp cho vay của Ngân hàng rồi bàn cách phân công phối hợp thực hiện, cụ thể là mỗi cơ quan sẽ góp phần của mình vào việc giúp đỡ chủ nhà sửa chữa nhà ở, có thể phân công như sau:

- Cơ quan quản lý nhà đất: chịu trách nhiệm điều tra phát hiện các ngôi nhà hư hỏng cần sửa chữa, tổng hợp nhu cầu vốn và vật liệu sửa chữa (để Ngân hàng và cơ quan cung cấp chuẩn bị vốn và vật tư). Giới thiệu từng chủ nhà vay tiền Ngân hàng và mua vật liệu, Giúp đỡ chủ nhà dự trù chi phí sửa chữa (trừ trường hợp thiết kế, tính toán phức tạp, cần phải chuyển cho Sở, Ty Kiến trúc), giúp đỡ chủ nhà trong việc thi công, bằng cách giới thiệu các Công ty hoặc Ban sửa chữa nhà cửa đến nhận bao thầu sửa chữa hoặc tổ chức lãnh đạo các thợ sửa chữa ở ngoài đến nhận làm cho các chủ nhà với giá công đúng mức và bảo đảm kỹ thuật.

- Cơ quan Kiến trúc: Chịu trách nhiệm thiết kế và lập dự trù tính toán chi phí cho những chủ sửa nhà yêu cầu, nếu cơ quan quản lý nhà đất không đủ khả năng thiết kế và tính toán (tiền tệ phí chỉ nên tính với mức tối thiểu hoặc không tính để góp phần giúp đỡ chủ nhà giảm bớt chi phí).

- Cơ quan cung cấp: Chịu trách nhiệm chuẩn bị vật liệu, cung cấp theo kế hoạch của cơ quan quản lý nhà đất tập hợp: bán theo giá cung cấp cho những chủ nhà được cơ quan quản lý nhà đất giới thiệu (thông tư số 363/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định vấn đề này).

b) Tổ chức phổ biến chủ trương, biện pháp cho vay cho các chủ cần sửa chữa nhà:

Sau cuộc hội nghị nói trên, Chi nhánh Ngân hàng và các cơ quan hữu quan cần phổ biến kế hoạch cho các cấp dưới trực thuộc để cùng phối hợp thực hiện, trước hết là các cơ quan quản lý nhà đất địa phương cần tiến hành điều tra phát hiện nhu cầu sửa chữa nhà (vốn và vật liệu), sau đó cùng với Ngân hàng địa phương (Chi nhánh nghiệp vụ hoặc Chi điếm) triệu tập các chủ nhà có nhà hư hỏng đến để giải thích chính sách cho họ, động viên họ bỏ tiền ra sửa chữa, sau đó, phổ biến chủ trương, biện pháp cho vay của Ngân hàng (cần chú ý chống tâm lý ỷ lại tất cả vào vốn Nhà nước).

c) Thủ tục xét và phát tiền cho vay:

- Mỗi người chủ nhà có nhà cần sửa chữa và cần vay Ngân hàng phải đến khai báo tình hình nhà hư hỏng cho cơ quan quản lý nhà đất địa phương mình ở. Cơ quan quản lý nhà đất và Ngân hàng địa phương phối hợp đến tại chỗ xem nên sửa đến mức độ nào, nên cho vay hay không, rồi cơ quan quản lý nhà đất sẽ tính toán dự trù số tiền chi phí để chủ nhà làm đơn xin vay Ngân hàng (có sự nhận thực giới thiệu của cơ quan quản lý nhà đất). Sau khi Ngân hàng địa phương điều tra khả năng và quyết định mức vốn cho vay; người vay sẽ tới yêu cầu cơ quan quản lý nhà đất cấp giấy giới thiệu mua vật liệu tại các cửa hàng hoặc trạm cung cấp vật liệu của Công ty Vật liệu xây dựng và Lâm sản địa phương.

- Việc phát tiền vay sẽ tiến hành dần theo mức thực hiện thi công và chủ yếu là bằng chuyển khoản:

+ Trường hợp đơn vị thi công là cơ quan của Nhà nước nhận bao thầu, thì tùy theo mức độ yêu cầu ứng trước của các cơ quan này, người chủ nhà đến xin vay và làm giấy nhận nợ từng lần rồi Ngân hàng chuyển khoản thẳng số tiền vay vào tài khoản thanh toán của cơ quan đó.

+ Trường hợp đơn vị thi công là một tổ chức hợp tác độc lập (chỉ chịu sự lãnh đạo về tổ chức kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà đất) thì việc phát tiền vay tiến hành bằng cách chuyển khoản thẳng cho cơ quan cung cấp mỗi khi mua vật liệu và phát tiền mặt để trả công từng kỳ theo bảng kê cụ thể. Dĩ nhiên là việc phát tiền vay cũng làm từng lần và người chủ nhà làm giấy nhận nợ với Ngân hàng từng lần.

Tóm lại, việc phát tiền vay phải tiến hành theo mức độ thực hiện thi công và tình hình mức độ mua vật liệu và trả công. Chỉ phát tiền mặt để trả công, còn là chuyển khoản thẳng cho các cơ quan cung cấp vật liệu.

5. Về việc lập kế hoạch cho vay và hành tự kế toán, thống kê loại cho vay sửa chữa nhà ở.

- Căn cứ vào nhu cầu vốn mà cơ quan quản lý nhà đất dự trù, hàng quý, các Chi nhánh lập kế hoạch cho vay, thu nợ thành một loại riêng, gửi lên Ngân hàng Trung ương (Cục Tín dụng Công nghiệp - Vận tải) duyệt và phân phối chỉ tiêu.

- Loại cho vay này xác định là loại cho vay dài hạn, hành tự kế toán vào tài khoản số 11-16 (đã quy định trong Biểu đồ Kế toán 1962) và thống kê riêng thành một loại “cho vay sửa chữa nhà ở”.

Trên đây là một số điểm giải thích thêm để giúp các Chi nhánh vận dụng biện pháp cho vay sửa chữa nhà ở.

Nhận được Chỉ thị này, các Chi nhánh cần nghiên cứu kỹ và trình bày với Ủy ban hành chính địa phương, đề nghị triệu tập hội nghị các cơ quan hữu quan như đã nói trên để bàn việc phân công phối hợp thực hiện ngay.

Trong quá trình tiến hành cho vay, gặp khó khăn hoặc có kinh nghiệm gì, mong các Chi nhánh phản ảnh ngay cho Ngân hàng Trung ương (Cục Tín dụng Công nghiệp - Vận tải) biết để kịp thời giải quyết.

 

 

 

K.T.TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC

 
 

Trần Dương

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 19-VP/017 năm 1962 hướng dẫn biện pháp cho vay, sửa chữa nhà ở của nhân dân tự quản lý do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu: 19-VP/017
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
Người ký: Trần Dương
Ngày ban hành: 18/05/1962
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 19-VP/017 năm 1962 hướng dẫn biện pháp cho vay, sửa chữa nhà ở của nhân dân tự quản lý do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [1]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…