Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/BC-UBND

Bắc Giang, ngày 21 tháng 06 năm 2013

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 157/2007/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VÀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHO GIAI ĐOẠN 2012 - 2017

Phần thứ nhất.

KẾT QUẢ 5 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. KHÁI QUÁT MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG

Bắc Giang là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc, gồm 9 huyện và thành phố Bắc Giang, trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao, với 230 xã, phường, thị trấn; diện tích tự nhiên trên 3.800 km2; dân số gần 1,6 triệu người, gồm 20 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi chiếm 70,7%. Bắc Giang là tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn đáng kể so với bình quân chung của cả nước, đầu giai đoạn 2006-2010 là 30,67%, bước sang giai đoạn 2011-2015 là 19,61%; GDP bình quân đầu người năm 2012 mới đạt trên 19 triệu đồng.

Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống hiếu học, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với công tác giáo dục, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt khá, chiếm khoảng 35-45% số học sinh tốt nghiệp THPT, tương ứng với khoảng 11.000 cháu, còn lại số học sinh học trung cấp, học nghề khoảng 10.000 cháu. Tuy nhiên, do đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, thu nhập lao động phổ thông nên việc cho con em tiếp tục theo học là vấn đề nan giải, chưa kể đến các hộ có từ 2 đến 3 con đi học. Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên (HSSV) thay thế cho Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg đã mở ra cơ hội mới cho việc học tập và đào tạo nghề, đặc biệt là đối với thanh niên nông thôn và các vùng sâu, vùng xa; giảm tỷ lệ HSSV bỏ học vì không có khả năng trang trải chi phí học tập, đã có tác động tích cực đến toàn xã hội, đặc biệt đối với tỉnh còn nhiều khó khăn như Bắc Giang.

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành có liên quan sớm vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy vai trò cùa cả hệ thống chính trị tập trung triển khai Quyết định 157/2007/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những thành công lớn, được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân hoan nghênh, đón nhận.

II. KẾT QUẢ 5 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 157/2007/QĐ-TTG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Chỉ đạo thực hiện và các giải pháp của UBND, Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp, các sở, ban, ngành và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng, ý nghĩa xã hội, nhân văn và kinh tế của Chương trình tín dụng đối với HSSV đối với công tác xóa đói, giảm nghèo; với sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh, UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chỉ đạo triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Trước hết, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được thực hiện sâu, rộng từ tỉnh, huyện đến tận xã, phường, thôn, bản và người dân trong toàn tỉnh; tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân, của các đối tượng thụ hưởng chính sách; từ đó huy động được sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; sự ủng hộ, tham gia, phối hợp của các ngành có liên quan, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác.

NHCSXH tỉnh đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT; tích cực phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội địa phương để nắm bắt số lượng HSSV có nhu cầu vay vốn; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ cho vay; điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu kế hoạch, phân bổ vốn, cân đối chuyển vốn, giải ngân kịp thời đến đối tượng thụ hưởng. Tạo điều kiện thuận lợi, không gây phiền hà trong quá trình triển khai cho vay; đồng thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp giải quyết kịp thời. Đặc biệt là việc bình xét đối tượng được thực hiện dân chủ, công khai từ cơ sở, có sự tham gia của người dân, của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), đại diện của các tổ chức chính trị-xã hội, nên vốn vay nhanh chóng đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tổ chức tốt việc đánh giá sơ kết, tổng kết công tác thực hiện cho vay HSSV từ cấp xã trở lên; kết quả đã có 230 xã, phường, thị trấn (bằng 100%) thực hiện sơ kết, tổng kết.

Cùng với tăng trưởng tín dụng, BĐD HĐQT NHCSXH các cấp và NHCSXH tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, hoạt động ủy thác với các tổ chức Chính trị-xã hội, các Tổ giao dịch lưu động và điểm giao dịch tại xã. Đến nay, với mạng lưới 4.589 Tổ TK&VV phủ kín trên các thôn, ấp, bản, làng trong toàn tỉnh cùng với 223 điểm giao dịch tại xã của NHCSXH là những nhân tố quan trọng có tính quyết định đến kết quả thực hiện Chương trình 5 năm qua, góp phần thực hiện dân chủ, công khai từ cơ sở, xã hội hóa hoạt động của tín dụng chính sách. Thực hiện tốt công tác quản lý và thu hồi nợ đến hạn, hộ vay vốn có ý thức trong việc trả nợ ngân hàng, đặc biệt kể từ khi NHCSXH chuyển phương thức cho vay trực tiếp HSSV sang cho vay thông qua hộ gia đình của HSSV.

2. Kết quả thực hiện cho vay

2.1. Kết quả thực hiện cho vay vốn

Khi chưa có Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, nguồn vốn ban đầu chỉ có 7 tỷ đồng; sau 5 năm triển khai, tính đến thời điểm 31/12/2012, dư nợ của Chương trình đạt 1.013 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng trên 200 tỷ đồng, mỗi năm có khoảng 15 nghìn HSSV vay vốn, toàn tỉnh hiện có trên 49 nghìn hộ gia đình và trên 60 nghìn HSSV đang còn vay vốn. Trong tổng số 11 chương trình tín dụng của NHCSXH, dư nợ Chương trình tín dụng HSSV hiện chiếm tỷ trọng đến 40%, tương đương với dư nợ của Chương trình cho vay hộ nghèo và trở thành một trong những Chương trình cho vay chủ đạo. Kết quả thực hiện cho vay trong 5 năm qua như sau:

- Doanh số cho vay vốn đạt 1.209 tỷ đồng (năm học 2007-2008 là 151 tỷ đồng, năm học 2008-2009 là 246 tỷ đồng, năm học 2009-2010 là 309 tỷ đồng, năm học 2010-2011 là 230 tỷ đồng, năm học 2011-2012 là 273 tỷ đồng).

- Doanh số thu nợ đạt 215 tỷ đồng (trong đó năm 2010: 22 tỷ đồng, năm 2011: 63 tỷ đồng, năm 2012: 130 tỷ đồng).

- Nợ quá hạn: 1,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,14% so với tổng dư nợ, thấp hơn đáng kể so với bình quân toàn quốc (mức bình quân chung toàn quốc là 0,64%).

Trong tổng dư nợ trên đây, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức Chính trị-xã hội xã hội là chủ yếu, chỉ có 350 triệu đồng là dư nợ trực tiếp do mới nhận bàn giao từ các tỉnh khác chuyển về trong tháng 9/2012. Tỷ trọng dư nợ ủy thác qua các tổ chức Hội, đoàn thể như sau: Hội Nông dân 30,4%, Hội LH Phụ nữ 59,4%, Hội Cựu chiến binh 7,2%, Đoàn thanh niên 3%.

Các huyện có dư nợ cao là huyện Hiệp Hòa dư nợ 170 tỷ đồng, tỷ trọng 16,8%; Yên Dũng 133 tỷ đồng, tỷ trọng 13,1%; Lục Nam 123 tỷ đồng, tỷ trọng 12,1%.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng hàng năm ở mức cao, áp lực giải ngân lớn và tập trung chủ yếu vào thời điểm đầu năm, đầu kỳ học, hàng năm NHCSXH luôn chủ động có kế hoạch sớm, phối hợp tốt với các cấp, các ngành liên quan, tập trung nguồn vốn, cơ sở vật chất, con người đảm bảo tiến độ giải ngân, nên đã kịp thời đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn.

2.2. Cơ cấu cho vay theo đối tượng thụ hưởng

a) Đối tượng hộ nghèo dư nợ là 263 tỷ đồng với 12.893 hộ, chiếm 25,7% tổng số hộ đang vay vốn (tỷ lệ này năm 2007: 41,2%; năm 2008: 35,2%; năm 2009: 36,6%; năm 2010: 32,8%; năm 2011: 25,7%).

Tại các huyện thuộc khu vực miền núi: Sơn Động 49%, Lục Ngạn: 46%, Lục Nam 29%; một số huyện khác như: Hiệp Hòa 21%, Yên Dũng 29%, Lạng Giang 2%.

b) Đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo dư nợ là 295 tỷ đồng với 12.624 hộ, chiếm 25,1% tổng số hộ đang vay vốn (tỷ lệ này năm 2007: 18,7%; năm 2008: 19,2%; năm 2009: 19,4%; năm 2010: 20,8%; năm 2011: 29,2%).

Tỷ lệ này ở các huyện thuộc khu vực miền núi, như: Sơn Động 50%, Lục Ngạn: 18%, Lục Nam 28%; một số huyện khác như: Hiệp Hòa 24%, Yên Dũng 59%, Lạng Giang 37%.

c) Đối tượng hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh dư nợ là 455 tỷ đồng với 24.472 hộ, chiếm 49,2% tổng số hộ đang vay vốn (tỷ lệ này năm 2007: 40,1%; năm 2008: 40,8%; năm 2009: 44%; năm 2010: 46,4%; năm 2011: 49,7%).

Tại các huyện thuộc khu vực miền núi: Sơn Động 1%, Lục Ngạn: 36%, Lục Nam 43%; một số huyện khác như: Hiệp Hòa 55%, Yên Dũng 12%, Lạng Giang 61%.

d) Đối tượng là HSSV mồ côi có 3 hộ, dư nợ 27 triệu đồng.

2.3. Cơ cấu cho vay theo trình độ đào tạo

- Đối với sinh viên học Đại học: dư nợ là 453 tỷ đồng, với 23.295 HSSV, chiếm 39,1% tổng số HSSV vay vốn của Chương trình.

- Đối với sinh viên học Cao đẳng: dư nợ là 380 tỷ đồng, với 23.321 HSSV, chiếm 38,3% tổng số HSSV vay vốn của Chương trình.

- Đối với HSSV học Trung cấp: dư nợ là 151 tỷ đồng, với 11.521 ngàn HSSV, chiếm 19,2% tổng số HSSV vay vốn của Chương trình.

- Đối với HSSV học nghề: dư nợ là 29 tỷ đồng, với 2.210 ngàn HSSV, chiếm 3,4% tổng số HSSV vay vốn của Chương trình.

Với những kết quả qua 5 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định rằng, Chương trình tín dụng đối với HSSV là Chương trình thực sự có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao từ lúc tạo lập, quản lý, phân bổ nguồn vốn đến việc cho vay, kiểm tra giám sát, sử dụng vốn vay, trả nợ khi đến hạn. Chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, cùng với các chính sách khác, Chương trình tín dụng ưu đãi đối với HSSV đã có đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh: từ năm 2007 đến nay, số hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 14 nghìn hộ, tỷ lệ giảm 4,18%; cao hơn tỷ lệ giảm nghèo bình quân chung của toàn quốc. Chương trình cũng mang lại sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước, địa phương, là Chương trình có hiệu quả cao, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN.

III. NHỮNG VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN, TỒN TẠI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Những vấn đề khó khăn, tồn tại

Bên cạnh những thành quả quan trọng sau 5 năm triển khai thực hiện, quá trình triển khai thực hiện Chương trình còn có một số vấn đề khó khăn, tồn tại, vướng mắc cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới:

- Nguồn vốn để triển khai cho vay của Chương trình mặc dù đã được Chính phủ ưu tiên quan tâm, có sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành và của NHCSXH, tuy nhiên vẫn có những thời điểm không đáp ứng được đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của HSSV, có tác động nhất định đến việc học tập của HSSV.

- Mức cho vay đã được Chính phủ quan tâm và thường xuyên có sự điều chỉnh, tuy nhiên so với giá cả thị trường và chi phí học tập như hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần chi phí học tập, sinh hoạt, nhất là đối với những hộ gia đình có nhiều con đi học lại càng khó khăn. Bên cạnh đó, đối với nhiều hộ gia đình khi có điều kiện sống tạm đủ chi phí cho 1 con theo học, tuy nhiên nếu có từ 2 đến 3 con đi học thì hết sức khó khăn, nhưng không thuộc đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn này.

- UBND cấp xã một số nơi chưa thực hiện việc khảo sát điều tra bổ sung kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn đột xuất về tài chính; còn lúng túng trong việc xác định đối tượng theo Thông tư số 27/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông báo số 231/TB-VPCP ngày 31/8/2010 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về chương trình tín dụng đối với HSSV để làm căn cứ phê duyệt cho vay. Việc xác nhận đối tượng này vay vốn triển khai còn khác nhau có nơi thì quá chặt, ngược lại có nơi thì lỏng lẻo; cá biệt có trường hợp khi hộ có nhu cầu vay vốn không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo thì đều xác nhận là hộ khó khăn về tài chính để được vay vốn, tạo áp lực lớn về nguồn vốn cho vay, đặc biệt là giai đoạn đầu thực hiện Chương trình.

- Ở một số trường, việc xác nhận thông túi HSSV còn chưa đầy đủ, thiếu nội dung. Bên cạnh đó, các trường khối dạy nghề thiếu mã trường, mã HSSV nên việc cung cấp thông tin chưa đầy đủ, chính xác; còn có cơ sở dạy nghề công tác tuyên truyền chính sách tín dụng đối với HSSV còn hạn chế.

- Cơ bản hộ vay và HSSV đều có ý thức và trách nhiệm trả nợ khi đến hạn. Tuy nhiên những trường hợp HSSV khi ra trường không có việc làm, không có thu nhập, trong khi gia đình vẫn thuộc điện hộ nghèo, hộ khó khăn thì việc thu hồi nợ đến hạn đối với những hộ này gặp rất nhiều khó khăn.

- Tỷ trọng số HSSV phân theo trình độ đào tạo chủ yếu tập trung ở loại hình đào tạo đại học, cao đẳng; số HSSV đi học trung cấp, học nghề, nhất là học nghề ngắn hạn chiếm tỷ trọng còn thấp.

- Về công tác kiểm tra, giám sát, công tác thông tin tuyên truyền của các tổ chức Chính trị-xã hội nhận ủy thác, Tổ TK&VV một số nơi chưa tốt, chưa thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu mới chi tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi, đối tượng thụ hưởng, chưa quan tâm nhiều đến việc quản lý, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, đặc biệt là trách nhiệm trả nợ tiền vay khi đến hạn.

2. Bài học kinh nghiệm

- Kết quả đạt được 5 năm qua cho thấy, Chương trình tín dụng đối với HSSV thể hiện ý nghĩa xã hội sâu sắc, khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Là Chương trình tín dụng chính sách có tính xã hội hóa cao, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương cùng tham gia thực hiện.

- Để Chương trình triển khai thực hiện tốt, nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cần có sự chỉ đạo kiên quyết, thường xuyên của Chính phủ, của UBND, BĐD HĐQT các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, sự phối hợp của các tổ chức Chính trị-xã hội, đặc biệt là các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác, các cơ quan thông tin đại chúng và tập thể NHCSXH.

- Phương thức cho vay trực tiếp hộ gia đình HSSV thông qua việc ủy thác một số nhiệm vụ đối với các tổ chức Chính trị - xã hội là phương thức cho vay hiệu quả, kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người vay và ngân hàng. Đồng thời tranh thủ được sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, sự tham gia của Tổ TK&VV, huy động được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức Chính trị-xã hội cùng triển khai thực hiện Chương trình từ bình xét, xác nhận đối tượng, làm thủ tục để vay vốn đến việc sử dụng vốn vay và trả nợ tiền vay khi đến hạn.

- Việc xã hội hóa Chương trình tín dụng đối với HSSV đã tạo được sự minh bạch trong thực hiện chính sách, giảm thiểu rủi ro, phát huy được vai trò, trách nhiệm của cả xã hội, của gia đình, dòng tộc và của HSSV người trực tiếp sử dụng vốn vay. Vì vậy, hộ vay vốn có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn thu nhập từ gia đình để trả nợ khi đến hạn.

- Thời hạn cho vay dài, vốn vay quay vòng chậm, bình quân từ 7-8 năm mới quay vòng được vốn vay. Do đó, đòi hỏi người vay và ngân hàng phải thực hiện tốt việc trả nợ, trả lãi theo phân kỳ để tránh dồn nợ đến kỳ hạn cuối cùng, trong khi hộ nghèo, hộ khó khăn nguồn thu nhập thường rất hạn chế, sẽ rất khó khăn trong chi trả.

- Việc NHCSXH thực hiện chính sách ưu đãi đối với các trường hợp hộ vay trả nợ trước hạn đã động viên, khuyến khích được trách nhiệm trả nợ của người vay. Do vậy, nhiều trường hợp người vay đã chủ động và tự nguyện trả tiền gốc, lãi hàng tháng cho ngân hàng trước hạn để được hưởng chính sách giảm lãi suất tiền vay, giảm gánh nặng cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, trong khi NHCSXH có thêm nguồn vốn để tiếp tục thực hiện Chương trình.

Phần thứ hai.

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN 5 NĂM TỚI (2012-2017)

I. CHỈ TIÊU TÍN DỤNG

Trong giai đoạn tiếp theo, UBND tỉnh và BĐD HĐQT NHCSXH sẽ tiếp tục chỉ đạo NHCSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức hội nhận ủy thác và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng HSSV với những mục tiêu cụ thể như sau:

1. Tập trung tranh thủ nguồn vốn cân đối từ Trung ương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV hàng năm.

2. Giải ngân kịp thời cho đối tượng vay vốn theo quy định.

3. Thu hồi và xử lý tốt nợ đến hạn, phấn đấu nợ quá hạn tỷ lệ tối đa không quá 1% trên tổng dư nợ, thấp hơn chỉ tiêu toàn quốc đề ra là 3%.

Với mức tăng trưởng bình quân hàng năm như hiện nay thì doanh số cho vay bình quân hàng năm trong 5 năm tới là khoảng 200 tỷ đồng, doanh số thu nợ 150 tỷ đồng/năm và từ nay đến năm 2017 doanh số cho vay sẽ là 1.000 tỷ đồng, doanh số thu nợ sẽ là 750 tỷ đồng. Như vậy, đến năm 2017 dư nợ của Chương trình sẽ đạt 1.260 tỷ đồng, khi đó nếu không mở rộng thêm đối tượng vay vốn, không tăng mức cho vay thì doanh số thu nợ sẽ đủ để tạo lập vốn cho vay quay vòng.

II. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của BĐD HĐQT NHCSXH các cấp, đặc biệt là cấp huyện. Thực hiện nghiêm Kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm, gắn trách nhiệm cá nhân của thành viên BĐD HĐQT cấp tỉnh theo dõi địa bàn và Trưởng ban cấp huyện với chất lượng hoạt động của các BĐD cấp huyện; thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia BĐD HĐQT cấp huyện.

2. Tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành, với các tổ chức hội nhận ủy thác, NHCSXH và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Phát huy vai trò của các tổ chức hội thông qua việc quản lý và giám sát hoạt động của các Tổ TK&VV ở thôn, bản trong việc bình xét đối tượng vay vốn; đảm bảo công khai, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình triển khai. Hạn chế tiêu cực và sự lợi dụng chính sách, gây thất thoát vốn của Chương trình.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách cho vay đối tượng HSSV của Chính phủ; chính sách giảm lãi tiền vay đối với trường hợp hộ vay có điều kiện và tự nguyện trả nợ trước hạn. Tuyên truyền để người vay vốn hiểu và thực hiện đúng chính sách, sử dụng vốn đúng mục đích, nhận thức được trách nhiệm trả nợ đầy đủ khi đến hạn. Phối hợp, quản lý và khai thác sử dụng hiệu quả trang Web vay vốn đi học (Website: vayvondihọc.moet.gov.vn) để các cơ quan, đơn vị có liên quan và đông đảo nhân dân biết để nắm bắt thông tin và tích cực hỗ trợ công tác quản lý, giám sát việc thực hiện Chương trình, đảm bảo đúng chính sách theo quy định của Chính phủ.

4. Đề cao tính chủ động, tích cực trong tham mưu, đề xuất của NHCSXH và các ngành thành viên BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh; bám sát định hướng chung của giai đoạn và hàng năm, đề ra kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp chỉ đạo thực hiện cụ thể phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và mạng lưới hoạt động của NHCSXH từ tỉnh đến huyện và điểm giao dịch xã; duy trì nghiêm lịch và nâng cao chất lượng giao dịch xã; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo và đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với vốn tín dụng ưu đãi; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ tiêu chuẩn, kiên quyết bố trí lại những cán bộ yếu kém về năng lực, xử lý nghiêm những cán bộ có sai phạm, tiêu cực, tham nhũng; có chế độ ưu đãi phù hợp, nhất là cán bộ làm việc tại vùng sâu, vùng xa; thường xuyên phát động các đợt thi đua, khen thưởng, sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp phù hợp thực hiện hoàn thành các mục tiêu kế hoạch.

5. Tranh thủ nguồn vốn cân đối từ Trung ương, từ ngân sách địa phương, điều hành linh hoạt nguồn vốn thu hồi, kịp thời phục vụ nhu cầu vay vốn HSSV, đảm bảo mức cho vay hợp lý theo quy định, phù hợp với nhu cầu thực tế, tiếp tục tập trung huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình,

6. Tăng cường phát huy hiệu quả hoạt động ủy thác và Tổ TK&VV, duy trì Tổ TK&VV theo tổ chức hội và địa bàn dân cư; thường xuyến tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tổ chức hội, Ban quản lý Tổ TK&VV trong công tác bình xét cho vay; hướng dẫn thủ tục vay vốn, kiểm tra, giám sát, tư vấn sử dụng vốn vay, quản lý tín dụng; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chất lượng tín dụng, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ rủi ro; xử lý dứt điểm nợ tồn đọng nhận bàn giao.

7. Tiếp tục đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác, triển khai công tác hiện đại hóa hoạt động NHCSXH.

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ VỚI CHÍNH PHỦ VÀ CÁC BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG

1. Đề nghị Chính phủ:

- Có chính sách huy động, đa dạng hóa nguồn vốn từ nguồn ngân sách, nguồn xã hội hóa và các nguồn lực khác để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của Chương trình.

Lồng ghép một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo và HSSV thông qua kênh của NH CSXH để tạo ra một nguồn lực tập trung, đủ mạnh nhằm đạt được hiệu quả cao hơn. Cho phép phát hành Trái phiếu giáo dục do Chính phủ bảo lãnh, tạo thêm nguồn vốn thực hiện Chương trình. Tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng vi mô phát triển hoạt động tại khu vực nông thôn.

- Nghiên cứu bổ sung đối tượng cho vay đối với gia đình có từ 02 HSSV trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo chưa thuộc đối tượng vay vốn theo quy định hiện nay, với mức cho vay bằng mức cho vay theo quy định chung đối với tín dụng HSSV. Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà các đối tượng hiện đang thụ hưởng nhằm giảm thiểu cấp bù lãi suất từ Ngân sách Nhà nước.

- Nghiên cứu, điều chỉnh tăng mức cho vay phù hợp với mức tăng của giá cả thị trường trong từng thời kỳ, vì thực tế với mức cho vay như hiện nay mới chỉ đáp ứng một phần trong tổng chi phí của HSSV.

2. Đề nghị các bộ, ngành Trung ương:

- Các bộ, các ngành Trung ương, tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp có chính sách ưu tiên tạo việc làm, tiếp nhận và sử dụng lao động là HSSV thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để HSSV sau khi ra trường sớm có việc làm, có thu nhập, hoàn trả nợ cho ngân hàng. Quan tâm nghiên cứu, đầu tư các dự án xây dựng nhà ở cho HSSV thuê, trước hết là đối với các HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

- Các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại địa phương, tích cực tham gia, phối hợp, quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; thực hiện tốt việc bình xét, xác nhận đối tượng, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay; làm tốt công tác tuyên truyền, đôn đốc hộ vay vốn thực hiện nghiêm nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn; có biện pháp thu nợ quá hạn, tạo nguồn vốn thu hồi, luân chuyển cho vay.

- NHCSXH Việt Nam đáp ứng đủ, kịp thời vốn theo nhu cầu vay vốn tại địa bàn tỉnh; có cơ chế phối hợp với các trường, cơ sở giáo dục, đào tạo để nắm bắt sát nhu cầu vay vốn trong HSSV; có chế độ thông tin đa chiều tin cậy trong việc xác nhận, tổng hợp, thống kê đối tượng có nhu cầu và được cho vay vốn nhằm đánh giá đúng hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn cho vay HSSV./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- TT TU, HĐND, UBND tỉnh;
- UB MTTQ tỉnh, Ban Tuyên giáo TU;
- Các Đại biểu dự kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa XVII;
- Các ngành thành viên BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh;
- Sở GD&ĐT, Cục TK tỉnh;
- VP: LĐVP, TH, VX, TTCB;
- Lưu: VT, TPKT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hạnh

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Báo cáo 24/BC-UBND tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Kế hoạch triển khai thực hiện cho giai đoạn 2012 - 2017

Số hiệu: 24/BC-UBND
Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
Người ký: Bùi Văn Hạnh
Ngày ban hành: 21/06/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [4]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Báo cáo 24/BC-UBND tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Kế hoạch triển khai thực hiện cho giai đoạn 2012 - 2017

Văn bản liên quan cùng nội dung - [2]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…