BỘ
TÀI CHÍNH-TỔNG CỤC LƯƠNG THỰC |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 01-TT-LB |
Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 1964 |
Trong thời gian qua, việc thanh toán tiền mua, bán thóc và các loại lương thực khác của thuế nông nghiệp, giữa cơ quan tài chính và lương thực ở các địa phương để nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, vẫn thi hành theo thông tư liên Bộ Tài chính – Nội thương số 44-TT-LB ngày 23-11-1959 và thông tư liên Bộ Tài chính – Ngân hàng – Tổng cục Lương thực số 03-TT-LB ngày 5-5-1961. Nhưng từ vụ mùa năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã quyết định số 164-CP ngày 31-10-1963 điều chỉnh giá cả thu mua lương thực, nên xét thấy giá cả và thể lệ thanh toán đã quy định trước đây cần được bổ sung và quy định cụ thể thêm cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Dưới đây liên Bộ Tài chính – Tổng cục Lương thực đề ra một số nguyên tắc chính cho việc thanh toán tiền mua, bán thóc và các loại lương thực khác của thuế nông nghiệp do ngành lương thực thu nhận từ vụ mùa năm 1963 như sau:
1. Về giá cả để thanh toán giữa Lương thực và Tài chính:
Thuế nông nghiệp chỉ thu những loại thóc tẻ tiêu chuẩn tốt nhất ở địa phương và phải bảo đảm tiêu chuẩn khô, già, sạch, tốt. Do đó, giá để thanh toán tiền mua, bán thóc thuế nông nghiệp giữa cơ quan Tài chính và Lương thực để nộp vào ngân sách, là giá thóc tẻ tiêu chuẩn cấp I của Tổng cục Lương thực đã quy định ở các địa phương. Ở những tỉnh có hai vùng giá, thì số thóc thu ở vùng nào sẽ thanh toán theo giá thóc tẻ tiêu chuẩn cấp I ở vùng đó.
Riêng một số trường hợp đặc biệt sẽ thanh toán như sau:
a) Đối với những nơi bị thiên tai nặng, làm cho phẩm chất thóc của cả một vùng hoặc cả một hợp tác xã quá kém như: thóc bị lửng, bị lấm bùn, lẫn nhiều hạt xấu… thì Ủy ban hành chính các cấp động viên hợp tác xã và nông dân tương trợ cho nhau vay hoặc đổi thóc tốt để nộp thuế. Trường hợp những nơi mà hợp tác xã và nông dân không thể vay hoặc đổi thóc tốt để nộp thuế, thì Ủy ban hành chính tỉnh phải kiểm tra lại những trường hợp này, nếu thực tế đúng như trên, mới quyết định cho nộp thuế bằng những loại thóc kém nói trên. Khi nhập kho, Phòng Tài chính, phòng Lương thực huyện và đại diện của xã (nơi có nộp thuế) phải lập biên bản ghi rõ số lượng, phẩm chất, đề nghị giá tiền và báo cáo về huyện và tỉnh. Giá để thanh toán số thóc này với ngân sách sẽ do Ty Tài chính và Ty Lương thực căn cứ vào ý kiến của Ủy ban hành chính huyện và thực tế phẩm chất thóc để đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh xét duyệt.
b) Những hợp tác xã và nông hộ cá thể chỉ sản xuất những loại thóc mố, lốc, di, bầu, cút… giá cả thấp hơn giá thóc tẻ tiêu chuẩn, ngoài ra không sản xuất một thứ thóc nào khác tốt hơn, thì được nộp thuế bằng những loại thóc này, nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn tốt nhất (cấp I) và phải do Ủy ban hành chính huyện kiểm tra xác nhận, Ủy ban hành chính tỉnh quyết định. Giá để thanh toán số thóc này với ngân sách là giá cấp I của từng loại thóc nói trên.
c) Riêng những loại thóc quý, giá cao (như thóc nếp cái, thóc làm thơm, thóc dự) và ngô… nếu hợp tác xã và nông hộ cá thể nộp thuế, thì cửa hàng lương thực thu đúng số lượng theo mức thuế đã giao, rồi căn cứ vào giá thóc tẻ tiêu chuẩn cấp I và giá các loại thóc, ngô nói trên, trả lại cho người nộp thuế số tiền chênh lệch ngay sau khi cân nhận. Khi Ty Tài chính và Ty Lương thực thanh toán với ngân sách thì theo giá thóc tẻ tiêu chuẩn cấp I. Do cách thanh toán như trên, từ nay, trên các thống kê, báo cáo thu thuế nông nghiệp, phải ghi đúng số lượng ngô, không quy ngô ra thóc nữa, và các đơn vị nộp thuế phải nhập kho đủ mức ngô đã tuyên bố ổn định theo đúng tinh thần giao mức của trung ương và tỉnh. Riêng một số tỉnh miền núi sản xuất thóc nếp phổ biến ở địa phương, thì thu thuế bằng thóc nếp và không thanh toán trả tiền chênh lệch.
d) Một số địa phương có thu thuế bằng khoai lát khô, sắn lát khô, thay cho tiền, thì cửa hàng lương thực căn cứ vào phẩm chất, giá cả của Tổng cục Lương thực đã quy định ở vùng đó, tính thành tiền, biên nhận cho người nộp thuế và báo cáo về Ty Tài chính và Ty Lương thực. Ty Tài chính và Ty Lương thực sẽ căn cứ vào chứng từ này thanh toán nộp tiền cho ngân sách. Số khoai, sắn này nằm ngoài mức thuế nộp bằng thóc và ngô đã tuyên bố ổn định.
Để đơn giản những thủ tục giấy tờ không cần thiết và để cho việc nộp tiền vào ngân sách được nhanh, phục vụ kịp thời nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, việc thanh toán cần tiến hành như sau:
a) Ty Tài chính và Ty Lương thực phải trực tiếp phụ trách việc thanh toán, nhận được báo cáo nhập kho đến đâu thanh toán đến đó, căn cứ vào số thóc, ngô đã nhập kho mà tạm trả tiền cho ngân sách. Thời gian thanh toán chậm nhất là năm ngày một lần. Trường hợp số liệu nhập kho của hai Ty chênh lệch nhau thì hai Ty sẽ cùng nhau xác nhận số liệu nào chính xác nhất thì thanh toán theo số liệu đó. Ty Tài chính căn cứ vào số tiền đã thanh toán và cùng với cơ quan Ngân hàng phân chia cho ngân sách trung ương, ngân sách xã và ngân sách tỉnh theo tỷ lệ điều tiết đã quy định.
b) Để cho việc theo dõi thu và thanh toán được tốt, các Phòng Tài Chính và Lương thực huyện có nhiệm vụ báo cáo nhanh, chính sách số liệu nhập kho cho ngành dọc ở tỉnh, mở sổ sách theo dõi đầy đủ kết quả thu; bảo quản đầy đủ các chứng từ biên lai thu nhập kho để làm quyết toán với tỉnh sau mỗi vụ thu thuế.
c) Sau khi kết thúc mỗi vụ thu thuế, Ty Tài chính và Ty Lương thực căn cứ vào các chứng từ và quyết toán của các huyện, làm quyết toán thu và thanh toán chính thức số tiền mua, bán thóc và các loại lương thực khác của thuế nông nghiệp, nộp đủ cho ngân sách, quyết toán báo cáo về Bộ Tài chính và Tổng cục Lương thực, chậm nhất là hai tháng sau khi thu xong.
Để thực hiện thu thuế nông nghiệp đúng chính sách, bảo đảm sự đóng góp công bằng, hợp lý trong nhân dân và để tăng cường lực lượng lương thực cho Nhà nước, đồng thời tránh thất thu về thuế nông nghiệp và bảo đảm thực hiện thanh toán nói trên được tốt, liên Bộ Tài chính – Tổng cục Lương thực đề nghị Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố cần chú ý tăng cường lãnh đạo chặt chẽ hơn nữa trong công tác thu thuế nông nghiệp, cụ thể xin đề nghị:
- Tăng cường giáo dục chính trị, động viên quần chúng làm nghĩa vụ đầy đủ đóng góp cho Nhà nước, nhất là về mặt phẩm chất phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn như điều lệ thuế nông nhghiệp đã quy định. Đi đôi với việc giáo dục và tuyên bố ổn định nghĩa vụ lương thực, cần giao nhiệm vụ rõ ràng cho các hợp tác xã và nông hộ cá thể phải nộp thuế bằng những loại thóc và ngô sản xuất chủ yếu ở địa phương và phải là loại tốt nhất. Những loại thóc, ngô xấu so với thóc, ngô tẻ tiêu chuẩn sẽ không thu thuế nông nghiệp. Những hiện tượng dành thóc, ngô tốt để ăn hoặc bán, nộp thuế bằng thóc, ngô xấu cần được kiên quyết khắc phục.
- Đề cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa cho cấp lãnh đạo và cán bộ các huyện, xã trong công tác thu thuế; kiên quyết khắc phục tư tưởng nặng về bảo đảm số lượng, coi nhẹ tiêu chuẩn phẩm chất.
- Lãnh đạo chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra đôn đốc ngành Tài chính và Lương thực ở địa phương thu nhanh, thu đủ, thanh toán nhanh và chấp hành nghiêm chỉnh thông tư này.
Thông tư này thi hành từ vụ mùa năm 1963 và thay thế cho Thông tư liên Bộ Tài chính – Nội thương số 44-TT-LB ngày 23-11-1959. Thông tư liên Bộ Tài chính – Ngân hàng – Tổng cục lương thực số 03-TT-LB ngày 05-5-1961 vẫn tiếp tục thi hành.
TỔNG CỤC TRƯỞNG |
K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH |
Thông tư liên bộ 01-TT-LB năm 1964 thanh toán tiền mua, bán thóc và các loại lương thực khác của thuế nông nghiệp với ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính - Tổng cục lương thực ban hành
Số hiệu: | 01-TT-LB |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư liên tịch |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính, Tổng Cục lương thực |
Người ký: | Trần Văn Hiển, Nguyễn Thanh Sơn |
Ngày ban hành: | 03/01/1964 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư liên bộ 01-TT-LB năm 1964 thanh toán tiền mua, bán thóc và các loại lương thực khác của thuế nông nghiệp với ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính - Tổng cục lương thực ban hành
Chưa có Video