BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG
NGHỆ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2005/TT-BKHCN |
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2005 |
Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 05 năm
2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm
2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 11/2005/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ quy
định chi tiết về chuyển giao công nghệ (sửa đổi),
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện một số nội dung như sau:
Trong Nghị định số 11/2005/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ (sửa đổi) (sau đây gọi là Nghị định số 11/2005/NĐ-CP) các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chứng thư đánh giá công nghệ là văn bản kết luận của Tổ chức đánh giá công nghệ xác định trình độ, giá trị và tác động của công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.
2. Chứng thư giám định công nghệ là văn bản kết luận của Tổ chức giám định công nghệ về mức độ phù hợp của công nghệ trong thực tế so với các nội dung Hợp đồng chuyển giao công nghệ, công nghệ trong Dự án đầu tư.
3. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp của công nghệ hoặc có quyền chuyển giao quyền sử dụng công nghệ là tổ chức, cá nhân đã đầu tư để tạo ra công nghệ hoặc có công nghệ và thực hiện chuyển giao công nghệ mà không vi phạm quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam về Quyền sở hữu công nghiệp đối với công nghệ.
4. Giá của công nghệ được chuyển giao là tổng số tiền Bên nhận phải trả cho Bên giao (và Bên thứ ba do Bên giao chỉ định để thực hiện Hợp đồng chuyển giao công nghệ) trong suốt thời gian hiệu lực của Hợp đồng chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận giữa Bên giao và Bên nhận, phù hợp với tính chất, nội dung, quy mô áp dụng công nghệ và hiệu quả kinh tế do công nghệ được chuyển giao mang lại (không bao gồm các chi phí thanh toán cho việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt của nhân viên Bên nhận khi được đào tạo, không bao gồm chi phí mua máy móc, thiết bị).
5. Cấp phép đặc quyền kinh doanh còn gọi là Nhượng quyền thương mại trong Luật Thương mại (franchise). Chuyển giao công nghệ trong Nhượng quyền thương mại thực hiện theo Nghị định số 11/2005/NĐ-CP ngày 02/02/2005 và Thông tư này.
NỘI DUNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
I. ĐỐI TƯỢNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
1. Các bí quyết về công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, phương án công nghệ, quy trình công nghệ, các tài liệu thiết kế (có chứa đựng các giải pháp kỹ thuật, bí quyết), phần mềm máy tính có chứa đựng các giải pháp kỹ thuật (việc chuyển giao phần mềm máy tính không kèm theo nội dung công nghệ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về Quyền tác giả), cấp phép đặc quyền kinh doanh.
2. Công nghệ là đối tượng Sở hữu công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ thì việc chuyển giao công nghệ phải thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng Sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ.
II. PHƯƠNG THỨC CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Phương thức chuyển giao công nghệ bao gồm:
1. Chuyển giao các tài liệu kỹ thuật có chứa đựng các giải pháp kỹ thuật, bí quyết, thiết kế, công thức, quy trình công nghệ. Trong Hợp đồng phải ghi cụ thể tên, nội dung các loại tài liệu sẽ được chuyển giao.
2. Thực hiện việc đào tạo nhằm giúp cho Bên nhận nắm vững và làm chủ công nghệ trong một thời hạn xác định. Trong chương trình đào tạo quy định cụ thể về số lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật, các ngành nghề, nội dung được đào tạo, thời hạn và nơi đào tạo, kết quả đào tạo.
Trong trường hợp Hợp đồng có nội dung đào tạo thì Hợp đồng phải quy định khi kết thúc chương trình đào tạo Bên giao phải cấp chứng chỉ cho người được đào tạo. Hợp đồng có thể quy định chi phí cho từng khoản mục đào tạo như: học phí, chi phí ăn ở, đi lại cho học viên và giảng viên và các chi phí liên quan khác.
3. Thực hiện hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật bằng cách Bên giao cử chuyên gia giúp Bên nhận đưa công nghệ vào sản xuất với chất lượng công nghệ và chất lượng sản phẩm đạt các chỉ tiêu và tiến độ xác định trong Hợp đồng, giải quyết các khó khăn trong quá trình áp dụng công nghệ được chuyển giao vào sản xuất.
Việc hỗ trợ kỹ thuật phải được quy định chi tiết trong Hợp đồng hoặc Phụ lục Hợp đồng trong đó quy định nội dung, chi phí cho từng khoản mục hỗ trợ kỹ thuật như số lượng chuyên gia, thời gian làm việc, lương, phụ cấp của chuyên gia, các chi phí đi lại, ăn ở và các chi phí khác.
Trong khi thực hiện dịch vụ hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, Bên giao không trực tiếp quản lý công nghệ hay trực tiếp quản lý kinh doanh thay Bên nhận. Việc tư vấn quản lý kinh doanh thuần tuý không thuộc phạm vi của chuyển giao công nghệ.
III. KẾT QUẢ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Các Bên tham gia Hợp đồng chuyển giao công nghệ cần xác định kết quả của việc chuyển giao công nghệ; kết quả này được xác định bằng các chỉ tiêu chất lượng của công nghệ và chỉ tiêu chất lượng sản phẩm đã được quy định trong Hợp đồng chuyển giao công nghệ.
IV. NỘI DUNG HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Nội dung Hợp đồng chuyển giao công nghệ được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ là Hợp đồng chuyển giao các đối tượng quy định tại Mục I, Phần II Thông tư này. Các Hợp đồng chuyển giao các đối tượng nêu tại Mục 1, Phần II mang các tên khác như Hợp đồng li xăng công nghệ và trợ giúp kỹ thuật, Hợp đồng li xăng bí quyết kỹ thuật, Hợp đồng trợ giúp kỹ thuật cũng được hiểu là Hợp đồng chuyển giao công nghệ (sau đây gọi tắt là Hợp đồng).
Các Hợp đồng mang tên Hợp đồng li xăng công nghệ, Hợp đồng li xăng bí quyết kỹ thuật (li xăng có nghĩa là giấy phép) bao hàm nội dung cho phép Bên nhận sử dụng công nghệ với những điều kiện nhất định như sử dụng công nghệ trong một thời hạn nhất định hoặc trong một giới hạn nhất định.
2. Tuỳ theo thoả thuận giữa các Bên về nội dung chuyển giao công nghệ mà trong Hợp đồng có thể bao gồm toàn bộ hoặc chỉ một phần nội dung đã quy định tại Mục I, Phần II Thông tư này.
3. Các dạng Hợp đồng đặc thù:
a) Trường hợp mua bán thiết bị có kèm theo chuyển giao công nghệ thì nội dung chuyển giao công nghệ và chi phí chuyển giao công nghệ cần lập thành một phần riêng của Hợp đồng mua bán thiết bị.
b) Việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ trong nước, chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài được hai Bên thoả thuận miễn phí nhưng có ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ thì các Bên cũng phải lập thành văn bản Hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 11/2005/NĐ-CP.
4. Phương thức thanh toán cho chuyển giao công nghệ.
Các Bên tham gia Hợp đồng có thể thoả thuận thanh toán cho chuyển giao công nghệ theo các phương thức sau:
a) Trả theo hình thức góp vốn bằng công nghệ.
Nếu Bên giao và Bên nhận công nghệ thoả thuận góp vốn bằng giá trị của công nghệ thì hai Bên phải lập Hợp đồng chuyển giao công nghệ trong đó toàn bộ giá trị của công nghệ của Bên giao được tính thành một số tiền nhất định trong tổng vốn của Bên nhận. Sau khi Bên giao đã thực hiện đầy đủ nội dung chuyển giao công nghệ quy định trong Hợp đồng thì hai Bên phải lập Biên bản nghiệm thu để xác nhận Bên giao hoàn thành chuyển giao công nghệ và hoàn thành việc góp vốn bằng công nghệ.
b) Trả kỳ vụ theo phần trăm (%)Giá bán tịnh. G
Đối với các bán thành phẩm, bộ phận, chi tiết, linh kiện do Bên thứ ba sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ của Bên giao (thông qua Bên nhận) mà Bên giao không nhận phí chuyển giao công nghệ của Bên thứ ba thì Bên giao và Bên nhận có thể thoả thuận không trừ chi phí mua các bán thành phẩm, bộ phận, chi tiết, linh kiện này khi tính Giá bán tịnh.
c) Trả kỳ vụ bằng một khoản tiền cho một đơn vị sản phẩm (có áp dụng công nghệ được chuyển giao) được Bên nhận sản xuất và bán.
d) Trả theo phần trăm (%)doanh thu thuần. d
đ) Trả theo phần trăm (%)lợi nhuận trước thuế của Bên nhận. l
e) Trả gọn một lần hay nhiều lần.
Theo phương thức này hai Bên xác định thanh toán bằng một khoản tiền hoặc một lượng hàng hoá nhất định, được chia ra để trả gọn một lần hay một số lần vào các thời điểm kết thúc từng giai đoạn của quá trình chuyển giao công nghệ trong thời hạn Hợp đồng. Ví dụ, sau ngày Hợp đồng có hiệu lực, ngày nhận được các tài liệu kỹ thuật, ngày hoàn thành chạy thử, ngày nghiệm thu, ngày bắt đầu sản xuất thương mại, ngày bán lô sản phẩm đầu tiên.
g) Thoả thuận nhiều phương thức thanh toán khác nhau.
Hai Bên có thể thoả thuận nhiều phương thức thanh toán khác nhau cho công nghệ được chuyển giao. Trong trường hợp này, giá trị thanh toán trong Đơn đề nghị xác nhận đăng ký Hợp đồng cần được tính toán quy về tỷ lệ phần trăm Giá bán tịnh (đối với chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm có sử dụng các bán thành phẩm, bộ phận, chi tiết, linh kiện, từ các nhà cung cấp khác) hoặc quy về tỷ lệ phần trăm Doanh thu thuần (đối với chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm còn lại) và dự kiến tổng giá trị thanh toán cho việc chuyển giao công nghệ trong suốt thời hạn Hợp đồng.
5. Các cam kết về bảo đảm và bảo hành.
Trong Hợp đồng cần có các cam kết sau:
a) Cam kết của Bên giao:
- Trong trường hợp mục tiêu của Hợp đồng chuyển giao công nghệ là áp dụng một quy trình công nghệ mới hoặc tạo ra Sản phẩm mới, thì Bên giao phải cam kết: nội dung chuyển giao công nghệ là cần thiết và đủ để Bên nhận có công nghệ với chất lượng công nghệ và chất lượng Sản phẩm sản xuất ra đạt các chỉ tiêu đề ra trong Hợp đồng
- Trách nhiệm đối với các vi phạm Quyền sở hữu công nghiệp của Bên thứ ba.
- Các nội dung công nghệ được bảo hành và thời hạn bảo hành.
- Các cam kết khác trong trường hợp công nghệ, sản phẩm dịch vụ không đạt các chỉ tiêu đã xác định trong Hợp đồng, không bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh, môi trường.
b) Cam kết của Bên nhận :
Bên nhận cam kết thực hiện đúng các chỉ dẫn của Bên giao, đảm bảo giữ bí mật về công nghệ và thanh toán theo quy định của Hợp đồng.
6. Các Bên có thể tham khảo mẫu Hợp đồng quy định tại Phụ lục 5 Thông tư này.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
I. ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ.
1. Văn bản xác nhận đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ là Văn bản xác nhận tính hợp pháp của Hợp đồng, tính hợp lệ của Hồ sơ đăng ký.
2. Văn bản xác nhận đăng ký Hợp đồng không phải là giấy phép sản xuất sản phẩm, cũng không phải là giấy phép để nhập khẩu, xuất khẩu các nguyên vật liệu, vật tư, hoá chất, bán thành phẩm cho việc sản xuất các sản phẩm của Hợp đồng.
3. Văn bản xác nhận đăng ký Hợp đồng là căn cứ để hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về chuyển giao công nghệ, là căn cứ cho việc chuyển ngoại tệ thanh toán cho việc mua, bán công nghệ và là cơ sở pháp lý cho việc hạch toán các chi phí chuyển giao công nghệ.
II. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Hồ sơ đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ được quy định cụ thể như sau:
1. Đơn đề nghị xác nhận đăng ký Hợp đồng (theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này).
Trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc chuyển giao công nghệ trong nước thì Bên nhận phải ký vào Đơn đề nghị xác nhận đăng ký Hợp đồng. Trường hợp Bên nhận muốn uỷ quyền đại diện pháp lý cho cơ quan tư vấn tiến hành đăng ký Hợp đồng thì trong Đơn đề nghị xác nhận đăng ký Hợp đồng, Bên nhận phải ghi rõ việc uỷ quyền này.
Trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài thì Bên giao công nghệ phải ký vào Đơn.
Trong trường hợp nội dung Hợp đồng có liên quan đến bí mật thương mại của các Bên tham gia Hợp đồng thì trong Đơn đề nghị xác nhận đăng ký Hợp đồng cần nêu yêu cầu bảo mật đối với Hợp đồng.
2. Hợp đồng (bản gốc) đã được các Bên ký và đóng dấu (nếu đối tượng tham gia là pháp nhân), tên người ký và tên cơ quan trên con dấu phải phù hợp với tên người đại diện và tên cơ quan quy định trong Hợp đồng.
Các Bên phải ký tắt (hoặc đóng dấu giáp lai nếu đối tượng tham gia là pháp nhân) vào tất cả các trang của Hợp đồng và Phụ lục.
3. Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các Bên tham gia Hợp đồng (bản sao Giấy phép đầu tư hoặc Đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép hoạt động). Giấy xác nhận tư cách pháp lý đối với người đại diện, ký tên trong Hợp đồng (trường hợp chữ ký của người đại diện không có dấu đóng kèm theo). Đối với các Văn bản bằng tiếng nước ngoài, yêu cầu có bản dịch được công chứng.
4. Bản giải trình tóm tắt về nội dung công nghệ được chuyển giao (bao gồm sơ đồ các bước công nghệ, kết quả đạt được sau khi sử dụng bí quyết công nghệ) có chữ ký, đóng dấu của Bên Việt Nam. Nếu có sẵn Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Bản giải trình kinh tế - kỹ thuật có trình bày về công nghệ thì chỉ cần gửi kèm Hồ sơ 1 bản sao Báo cáo nghiên cứu khả thi (hoặc bản sao Bản giải trình kinh tế - kỹ thuật).
5. Văn bằng bảo hộ Quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam trong trường hợp có chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng Sở hữu công nghiệp đã được cấp Văn bằng bảo hộ (bản sao có dấu sao y bản chính của Bên Việt Nam tham gia Hợp đồng) .
6. Quyết định của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư (quy định tại Quy chế quản lý đầu tư do Chính phủ ban hành) quyết định chấp thuận đối với Hợp đồng chuyển giao công nghệ của Dự án có sử dụng Vốn Ngân sách Nhà nước, Vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, Vốn đầu tư phát triển của Nhà nước (đối với cả 3 trường hợp: chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ trong nước và chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài) (bản chính hoặc bản sao có công chứng).
7. Biên bản của Hội đồng quản trị Bên nhận nhất trí chấp thuận Hợp đồng chuyển giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước mà Bên nhận có sử dụng Vốn Ngân sách Nhà nước, Vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, Vốn đầu tư phát triển của Nhà nước và Điều lệ của Bên nhận quy định Hội đồng quản trị phải nhất trí thông qua đối với kế hoạch thu, chi ngân sách hàng năm của Bên nhận (Hội đồng quản trị Bên nhận nhất trí chấp thuận Hợp đồng trước khi Hợp đồng đươc ký kết), (bản chính hoặc bản sao có công chứng).
Trong trường hợp Doanh nghiệp Bên nhận có sử dụng Vốn Ngân sách Nhà nước, Vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, Vốn đầu tư phát triển của Nhà nước mà không có Hội đồng quản trị thì đại diện Chủ sở hữu phải chấp thuận Hợp đồng trước khi Hợp đồng được ký kết (bản chính hoặc bản sao có công chứng).
8. Chứng thư đánh giá, giám định công nghệ (đối với công nghệ thuộc Danh mục các lĩnh vực công nghệ bắt buộc phải có Chứng thư đánh giá, giám định công nghệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành), (bản chính hoặc bản sao có công chứng).
9. Giấy phép sản xuất sản phẩm, bản sao có chữ ký và đóng dấu của Bên Việt Nam tham gia Hợp đồng (đối với loại sản phẩm pháp luật quy định phải có Giấy phép sản xuất).
Khi nộp Hồ sơ tại Cơ quan xác nhận đăng ký, yêu cầu nộp 3 bộ (ít nhất 1 bộ có các bản chính như đã nêu ở Mục II Phần này), riêng Báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ cần 1 bản sao như quy định tại khoản 4 Mục II Phần này.
III. PHÂN CẤP XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
1. Đăng ký tại Bộ Khoa học và Công nghệ
Các Hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam có giá trị trên 1.000 000.000 đồng và Hợp đồng chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài nộp Hồ sơ tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.
2. Đăng ký tại Sở Khoa học và Công nghệ
Đối với Hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam có tổng giá trị thanh toán từ 1.000.000.000 đồng trở xuống và chuyển giao công nghệ trong nước có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên (hoặc Hợp đồng có tổng giá trị thanh toán thấp hơn giá trị này nhưng các Bên tham gia Hợp đồng có nhu cầu xác nhận đăng ký) nộp Hồ sơ xác nhận đăng ký Hợp đồng tại Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Bên nhận đăng ký kinh doanh. Phòng quản lý Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị giúp Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.
3. Cơ quan xác nhận đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ có quyền hạn thu hồi, huỷ bỏ xác nhận đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ đã đăng ký tại cơ quan này trong trường hợp phát hiện có sự vi phạm pháp luật.
4. Xác nhận đăng ký Hợp đồng
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ Hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Văn bản xác nhận đăng ký cho các Bên tham gia Hợp đồng chuyển giao công nghệ (mẫu Văn bản xác nhận đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này).
IV. CÁC HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ KHÔNG ĐƯỢC XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ
Các Hợp đồng không được cấp Văn bản xác nhận đăng ký bao gồm:
1. Hợp đồng không có nội dung chuyển giao công nghệ (nội dung Hợp đồng thuần tuý là nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, thí nghiệm, mua bán các sản phẩm, thuê lao động, thuê quản lý, sản xuất, thăm dò, xây dựng, sử dụng, bảo hành, sửa chữa trang, thiết bị).
2. Nội dung và Hồ sơ Hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Đối với những Hợp đồng chưa được xác nhận đăng ký, sau khi Hợp đồng được các Bên sửa đổi, bổ sung khắc phục các tồn tại như nêu tại khoản 1, 2 trên đây, Hợp đồng sẽ được tiếp tục xem xét, xác nhận đăng ký.
V. BÁO CÁO THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Bên nhận công nghệ (trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước), Bên giao (trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài) phải gửi báo cáo hàng năm về tình hình thực hiện chuyển giao công nghệ cho Cơ quan đã cấp Văn bản xác nhận đăng ký Hợp đồng (mẫu Báo cáo hàng năm quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này).
VI. BIÊN BẢN NGHIỆM THU KẾT QUẢ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Kết quả thực hiện Hợp đồng phải được các Bên tham gia Hợp đồng đánh giá, xác nhận bằng Biên bản nghiệm thu và gửi cho Cơ quan đã cấp Văn bản xác nhận đăng ký Hợp đồng (mẫu Biên bản nghiệm thu quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này).
VII. KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Cơ quan cấp Văn bản xác nhận đăng ký có trách nhiệm kiểm tra hoạt động chuyển giao công nghệ và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền được phân cấp và theo quy định của pháp luật.
1. Thông tư này thay thế Thông tư số 1254/1999/TT-BKHCNMT ngày 12 tháng 07 năm 1999 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 45/1998/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ và Thông tư số 11/2002/TT-BKHCN ngày 29 tháng 11 năm 2002 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định số 59/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 06 năm 2002 của Chính phủ về việc bãi bỏ một số giấy phép và thay thế một số giấy phép bằng phương thức quản lý khác.
2. Các Hợp đồng đã được đăng ký, phê duyệt trước ngày Nghị định số 11/2005/NĐ-CP có hiệu lực, thì vẫn có giá trị thi hành đến hết thời hạn Hợp đồng đã được đăng ký, phê duyệt.
Nếu các Bên tham gia Hợp đồng có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Hợp đồng đã được đăng ký, phê duyệt (trước ngày Nghị định số 11/2005/NĐ-CP có hiệu lực) thì phải nộp bản Hợp đồng điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi tại Cơ quan đã cấp Văn bản xác nhận đăng ký, phê duyệt trước đó để xem xét, quyết định. Nội dung của Hợp đồng điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi tuân theo các quy định của Nghị định số 11/2005/NĐ-CP.
3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vấn đề vướng mắc, đề nghị các cá nhân, tổ chức kịp thời phản ánh để Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xử lý.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Thông tư 30/2005/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 11/2005/NĐ-CP quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Số hiệu: | 30/2005/TT-BKHCN |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ |
Người ký: | Trần Quốc Thắng |
Ngày ban hành: | 30/12/2005 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 30/2005/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 11/2005/NĐ-CP quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Chưa có Video