VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 95/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2023 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HÒA BÌNH
Trong các ngày 25 và 26 tháng 02 năm 2023, tại tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ và kiểm tra công tác thi công dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chố tại xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình; thăm, khảo sát khu nhà ở xã hội tại phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình; dự lễ khởi công tuyến đường kết nối vùng Hòa Bình, Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); dự Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Hòa Bình và chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp năm 2023. Cùng dự các hoạt động và buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của Tỉnh ủy Hòa Bình, phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ; là tỉnh đất rộng, người thưa với diện tích tự nhiên gần 4,6 nghìn km2 (đứng thứ 33/63 địa phương trên cả nước), dân số trên 900 nghìn người (thứ 50/63) với 07 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 3/4 dân số (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, chiếm trên 63%). Với vị trí tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, Hòa Bình có mạng lưới giao thông tương đối thuận lợi (đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 6, 12B, 21, 15A, 70B...) và đang tiếp tục được hoàn thiện theo hướng hình thành trục vành đai kết nối qua địa phận tỉnh Hòa Bình; có hệ thống sông ngòi phân bố tương đối dày và đồng đều với nhiều sông lớn (sông Đà, sông Mã...). Hòa Bình có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phong phú, đa dạng, đất đai có độ màu mỡ cao; diện tích đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và đất chưa sử dụng lớn, độ che phủ rừng (51,5%) cao hơn trung bình cả nước; có nhiều địa điểm du lịch giàu tiềm năng như suối khoáng Kim Bôi, Thung Nai, động thác Bờ, thung lũng Mai Châu, rừng nhiệt đới nguyên sinh Pù Noọc... Đặc biệt, Hòa Bình là nơi xây dựng một trong những “công trình thế kỷ” là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, biểu tượng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá của đất nước; có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản...; có tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, nhất là đất sét, đá vôi, than đá... Bên cạnh đó, Hòa Bình có nền văn hóa dân tộc đặc sắc với 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18 nghìn hiện vật có giá trị của nền “Văn hóa Hòa Bình”, tiêu biểu nhất là văn hóa Mường với các di sản nổi tiếng như Mo Mường, Sử thi Đẻ đất đẻ nước...; văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, nhiều sản vật địa phương nổi tiếng như cơm lam Hòa Bình, lợn mán, cá sông Đà, rượu cần Mường, cam Cao Phong, quýt Ôn Châu, mía tím... Con người Hòa Bình giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách với khát vọng vươn lên mạnh mẽ làm giàu cho quê hương, đất nước.
Với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực phong phú, đa dạng, tỉnh Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh, bền vững, văn minh và giàu đẹp như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình ngày 22 tháng 3 năm 2022.
Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã thể hiện quyết tâm cao, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 9,03% (cao hơn mức tăng chung của cả nước là 8,02%, đứng thứ 24/63 cả nước); GRDP bình quân đầu người tăng 12,01%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân năm 2022 tăng 3,32%. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2%. Nông nghiệp phát triển khá; nông dân được mùa, được giá; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 51,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,1%; trong đó, chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,73%, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 7,5%; tổng lượng khách du lịch tăng 98,5%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 18,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3%. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động gấp gần 1,9 lần số DN rủi lui khỏi thị trường. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, 55% xã đạt nông thôn mới; có 123 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Công tác quy hoạch được chú trọng, công tác cải cách hành chính được tăng cường. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm, triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân được cải thiện. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh trong 02 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực: Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,65% so với cùng kỳ; nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,21% so với tháng 12 năm 2022; doanh thu bán lẻ tăng 45,4% so với cùng kỳ. Tỉnh đã làm tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn, an dân trong dịp Tết Nguyên đán; triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; chú trọng các hoạt động tri ân, nghĩa tình đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Hòa Bình còn một số tồn tại, hạn chế như: Xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng chưa cao và thiếu bền vững; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế chưa rõ nét; thu ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, thu chưa đủ chi. Công nghiệp chế biến chế tạo chưa phát huy được vai trò là động lực tăng trưởng, còn phụ thuộc nhiều vào ngành sản xuất và phân phối điện. Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao chưa phát triển mạnh, chưa gắn với công nghiệp chế biến; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Mặc dù tốc độ phát triển du lịch khá cao, nhưng chưa thực sự bền vững, hiệu quả kinh tế chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Tỉnh, số doanh nghiệp hoạt động còn ít (hiện có khoảng trên 2,3 nghìn doanh nghiệp). Môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm được cải thiện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, tốc độ đô thị hóa chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là đối với 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác quy hoạch, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; chậm hình thành các khu, cụm công nghiệp mới, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đầu tư hạ tầng còn thấp. Công tác quản lý đất đai, quản lý khoáng sản còn bất cập, công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải tại một số địa bàn còn hạn chế. Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Một số di sản văn hóa phi vật thể, nét đẹp truyền thống có nguy cơ mai một. Đời sống nhân dân một số nơi còn khó khăn. An ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội tại một số địa bàn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, nhất là việc buôn bán và trung chuyển ma túy...
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Về quan điểm chỉ đạo, điều hành:
a) Quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo Tỉnh vào ngày 22 tháng 3 năm 2022.
b) Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá, đúc rút bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa. Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
c) Phát huy mạnh mẽ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phấn đấu trong thời gian ngắn nhất cải thiện cho được các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, coi đây là nhiệm vụ chính trị cần được tập trung ưu tiên thực hiện.
d) Là địa phương còn nhiều dư địa phát triển, nhất là về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch văn hóa lịch sử - sinh thái, tỉnh Hòa Bình phải hết sức chú trọng bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
đ) Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi phân bổ nguồn lực, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi và kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; thúc đẩy và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả công việc đã triển khai của từng cấp.
e) Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, liêm chính, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ. Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm.
2. Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:
a) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên với quan điểm quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược và tư duy đổi mới, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa hóa giải được các điểm nghẽn, nút thắt, các khó khăn, thách thức; khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước tháng 5 năm 2023.
b) Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi, phòng chống thiên tai; bảo đảm kết nối liên hoàn trong nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực để phấn đấu hoàn thành 03 dự án trọng điểm (tuyến đường kết nối vùng Hòa Bình, Hà Nội và cao tốc Sơn La; tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La) trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.
c) Tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh (thành phố Hòa Bình, khu vực giáp ranh thành phố Hà Nội,...); điều chỉnh hợp lý chiến lược các ngành kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiền năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Thực hiện tốt công tác xây dựng cơ ché, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, chú trọng phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
d) Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh gắn kết với công nghiệp chế biến, du lịch, nhất là những nông sản có thể mạnh; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Triển khai hiệu quả chương trình "mỗi xã một sản phẩm - OCOP", trong đó chú trọng 05 yếu tố: xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, vốn tín dụng, ứng dụng khoa học - công nghệ và phát triển thị trường. Tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu, phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu; đổi mới tư duy, không chờ khách hàng tìm đến mà chủ động đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng tiềm năng.
đ) Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là chế biến nông sản. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Hòa Bình.
e) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn. Tổ chức triển khai hiệu quả 03 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
g) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh và đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với đồng bào dân tộc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Rà soát, sắp xếp các trường cao đẳng trên địa bàn; nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập cơ sở giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
h) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thường xuyên lắng nghe, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và làm giàu chính đáng; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vườn ươm phát triển doanh nghiệp.
i) Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Tập trung xóa những vùng lõm về điện và sóng di động.
k) Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; nghiên cứu tổ chức thực hiện hiệu quả dịch vụ các - bon rừng trên địa bàn.
l) Giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là phòng chống tội phạm buôn bán và trung chuyển ma túy. Tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH HÒA BÌNH
1. Về lập hồ sơ 02 di chỉ: Hang Xóm Trại, Mái đá Làng Vành (huyện Lạc Sơn) là di tích quốc gia đặc biệt và lập hồ sơ công nhận nền Văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới:
a) Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hướng dẫn tỉnh Hòa Bình thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Hang Xóm Trại, Mái đá Làng Vành trong Quý II năm 2023.
b) Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức nghiên cứu, xác định giá trị của di sản các di chỉ khảo cổ thuộc nền Văn hóa Hòa Bình theo quy định của Hướng dẫn thực hiện Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO và Luật di sản văn hóa, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp với các cơ quan liên quan và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong năm 2023 về chủ trương lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới trước khi thực hiện các bước tiếp theo theo quy định tại Công ước 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.
2. Về hỗ trợ kinh phí xây dựng không gian Văn hóa Hòa Bình là nơi để lưu trữ các giá trị văn hóa, lịch sử của người Việt cổ:
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình nghiên cứu xây dựng dự án theo quy định của pháp luật; chủ động cân đối, sử dụng ngân sách địa phương, huy động tài trợ và thực hiện hình thức xã hội hóa để triển khai thực hiện. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án ngân sách trung ương hỗ trợ Tỉnh thực hiện dự án khi có nguồn vốn.
3. Về hỗ trợ kinh phí để di dời và xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh tại vị trí mới:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phối hợp với các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật, trong đó cần rà soát, đánh giá kỹ về sự phù hợp với quy hoạch, nhu cầu đầu tư, quy mô đầu tư hợp lý, hiệu quả; xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công tại cơ sở bệnh viện ở vị trí cũ và rà soát, cân đối trong tổng nguồn vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện.
b) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án ngân sách trung ương hỗ trợ Tỉnh thực hiện dự án khi có nguồn vốn.
4. Về hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng đường tránh dốc Cun - Quốc lộ 6:
Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải kiểm tra rà soát các điểm trơn trượt, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên Quốc lộ 6 (địa phận tỉnh Hòa Bình), thực hiện công tác duy tu, bảo trì để nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm an toàn giao thông nhất là đối với Quốc lộ 6 đoạn dốc Cun; đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình nghiên cứu, xác định thời điểm đầu tư xây dựng đường tránh dốc Cun - Quốc lộ 6 hợp lý, hiệu quả.
5. Về bổ sung quy hoạch 07 khu công nghiệp:
Trước mắt, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tập trung chỉ đạo việc đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đầu tư; đồng thời rà soát, cập nhật việc bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp mới vào Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định.
6. Về hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án kè chống sạt lở cấp bách 2 bờ sông Đà tại phường Tân Hòa, xã Yên Mông, phường Kỳ Sơn, xã Hợp Thành và xã Thịnh Minh thành phố Hòa Bình; Dự án tăng cường khả năng thoát lũ, giảm ngập lụt cho lưu vực sông Lạng tại xã Đoàn Kết, xã Ngọc Lương huyện Yên Thủy:
Trước mắt, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chủ động cân đối, sử dụng ngân sách địa phương (bao gồm cả dự phòng ngân sách địa phương) và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý các khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân; đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan nghiên cứu lập dự án đầu tư để triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở các dự án được lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án ngân sách trung ương hỗ trợ Tỉnh khi có nguồn vốn.
7. Về cơ chế, chính sách đối với Công ty Thủy điện Hòa Bình:
a) Về chuyển Công ty Thủy điện Hòa Bình từ hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập và được mua, bán điện theo cơ chế thị trường, giá mua ngang bằng với giá mua của các nhà máy thủy điện khác: Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tổng thể, đề xuất phương án xử lý bảo đảm hài hòa lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước (trong đó có tỉnh Hòa Bình), doanh nghiệp, người tiêu dùng, báo cáo cấp có thẩm quyền trong Quý III năm 2023.
b) Về đảm bảo chi cho nhiệm vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng sông, lòng hồ, lòng suối và sử dụng phí dịch vụ môi trường rừng của 03 nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý kiến nghị của tỉnh Hòa Bình trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018, bảo đảm khả thi, hiệu quả; trình Chính phủ xem xét ban hành trong Quý II năm 2023.
8. Về Đề án phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng CT229 tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021 -2025:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và Ủy ban nhân dân các tỉnh có vùng CT229 nghiên cứu, rà soát, trình cấp có thẩm quyền Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng CT229 tại các địa phương, bảo đảm đầu tư tập trung, hiệu quả, tránh dàn trải, trùng lặp; đồng thời khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại văn bản số 4594/VPCP-NC ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ.
9. Về giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình và dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình (dự án giai đoạn I theo hình thức BOT):
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại văn bản số 8220/VPCP-CN ngày 10 tháng 11 năm 2021 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại văn bản số 1309/VPCP-CN ngày 02 tháng 3 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2023.
10. Về hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương để thực hiện dự án tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ km0 - Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) theo quy mô 04 làn xe:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án ngân sách trung ương hỗ trợ Tỉnh thực hiện dự án trong Quý III năm 2023.
11. Về hỗ trợ, bố trí vốn từ ngân sách Trung ương để đầu tư nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn Km0 - Km20 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình:
Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh; rà soát, xem xét khả năng cân đối, bố trí vốn khi có điều kiện để sớm triển khai, thực hiện nâng cấp tuyến đường nêu trên; báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.
12. Về bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp trên địa bàn:
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh và khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại văn bản số 1354/VPCP-NN ngày 03 tháng 3 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ; đồng thời tổng hợp, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để phân tích, đánh giá và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
13. Giao Văn phòng Chính phủ thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy việc thực hiện và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện định kỳ hàng năm.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 95/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 95/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Ngày ban hành: | 25/03/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 95/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video