VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2022 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 02, 02 THÁNG NĂM 2022 VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Ngày 28 tháng 02 năm 2022, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02, 02 tháng năm 2022 và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách Xã hội. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:
1. Đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị tài liệu phục vụ cuộc họp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để hoàn thiện các Tờ trình, Báo cáo phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2022, trong đó làm rõ các vấn đề cần xin ý kiến Chính phủ và lưu ý một số nội dung sau:
a) Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng năm 2022:
- Đánh giá kỹ diễn biến tình hình trong 02 tháng đầu năm để làm rõ tác động đến kinh tế Việt Nam nhất là những vấn đề mới như căng thẳng chính trị, cạnh tranh chiến lược khu vực và quốc tế, các nước phát triển thắt chặt chính sách và tăng lãi suất; áp lực lạm phát do giá nguyên, nhiên liệu, năng lượng thế giới tăng cao; dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp...
- Nhấn mạnh hơn các kết quả đạt được về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, cơ bản kiểm soát dịch bệnh nhất là về số ca bệnh chuyển nặng và tỷ lệ tử vong; giải ngân vốn đầu tư công tăng so với cùng kỳ năm trước; thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; kịp thời tổ chức, tích cực triển khai ngay các công việc ngay sau dịp nghỉ lễ... qua đó tạo khí thế, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Phân tích cụ thể các khó khăn, hạn chế như diễn biến phức tạp của dịch bệnh; còn nhiều cơ quan, địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công; công tác quản lý, giám sát và điều hành giá và bảo đảm cung ứng năng lượng (điện, xăng dầu...) có lúc, có nơi chưa chủ động, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Làm rõ các nguyên nhân của các kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, đặc biệt là các nguyên nhân khách quan, chủ quan trong chỉ đạo, điều hành gắn với trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, địa phương.
- Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình, nhất là tình hình quốc tế gần đây, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xử lý công việc theo thẩm quyền, kịp thời đề xuất, tham mưu các vấn đề chiến lược, có kịch bản điều hành và giải pháp ứng phó hiệu quả đối với các vấn đề phát sinh, bảo đảm không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, trong đó:
+ Quán triệt yêu cầu điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để vừa giữ vững ổn định vĩ mô, vừa góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để chủ động điều tiết lượng tiền cung ứng vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, vừa tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
+ Phát huy vai trò của Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định việc đẩy mạnh giải ngân là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công và giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong tháng 3 năm 2022. Nơi nào chưa phân bổ xong theo quy định của pháp luật thì điều chỉnh sang bộ, ngành, địa phương khác, ngay sau tháng 3 năm 2022.
+ Ưu tiên nguồn lực để tập trung thực hiện các tuyến đường cao tốc, hạ tầng chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
+ Các Bộ, cơ quan khẩn trương rà soát, đánh giá, trình Chính phủ ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành mình trong tháng 3 năm 2022.
+ Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để cung cấp thông tin bảo đảm phản ánh trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời đối với các vấn đề được dư luận quan tâm, không để thông tin sai lệch ảnh hưởng công tác điều hành ở các cấp. Tập trung nội dung, thời lượng hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19, nhất là việc mở cửa trường học và du lịch.
b) Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao:
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 và Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2022.
- Tập trung xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay trong tháng 3 năm 2022 các cơ chế, chính sách để thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ đặt ra tại Chương trình. Bộ, ngành nào không làm xong trong tháng 3 năm 2022 sẽ kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo quy định.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023).
3. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có giải pháp bảo đảm cung ứng năng lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế; rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 02 năm 2022 về công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31, đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm chất lượng, tiến độ và tổ chức thành công sự kiện này.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Thông báo 68/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02, 02 tháng năm 2022 và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 68/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Mai Thị Thu Vân |
Ngày ban hành: | 08/03/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 68/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02, 02 tháng năm 2022 và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video