VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2015 |
Ngày 29 tháng 01 năm 2015, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban thường trực; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng Phó Trưởng Ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Phó Trưởng Ban; các Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng các Thành viên Ban Chỉ đạo 389 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng Ban thường trực báo cáo công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có ý kiến kết luận như sau:
Năm 2014, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được nâng cao và chuyển biến mạnh; vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, nhất là Hải quan, Thuế, Bộ đội Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường... được đề cao và đặc biệt kết quả đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý đạt hiệu quả cao hơn những năm trước (xử lý trên 206 nghìn vụ vi phạm, tăng 12,1% so với năm 2013; nộp ngân sách tiền xử phạt, bán hàng tịch thu và truy thu thuế hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2013; khởi tố 2.081 vụ với 2.275 đối tượng liên quan).
Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn “tinh vi”, quy mô ngày càng lớn, diễn ra trên phạm vi rộng.
II. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2015:
Đồng ý các mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp đã nêu trong báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Để đấu tranh có hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau đây:
1. Các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quán triệt cán bộ, đảng viên, hội viên về nguy hại của nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thực sự vào cuộc cùng các cơ quan chức năng lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể, kịp thời, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa thường xuyên mà toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị phải triển khai làm liên tục và lâu dài.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải:
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật phải đảm bảo đồng bộ, phù hợp thực tiễn, chế tài xử lý đủ sức răn đe, phòng ngừa; rà soát lại mô hình tổ chức của các cơ quan chức năng, hoàn thiện quy chế, quy trình, thủ tục với tinh thần cải cách hành chính nhưng phải chặt chẽ, cụ thể hóa trách nhiệm của đơn vị, cá nhân, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lựa chọn, sắp xếp cán bộ bảo đảm đủ năng lực, phẩm chất đạo đức; đầu tư trang bị phương tiện, điều kiện làm việc để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc; phê bình, chấn chỉnh, xử lý đối với những tập thể và cá nhân chưa làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động người dân “nói không với hàng lậu” và hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Từng bước xã hội hóa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ của các hiệp hội, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
- Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, trọng tâm là việc phối hợp giữa các nước trong khu vực và các nước có liên quan trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng đường biên giới đoàn kết, hợp tác, hữu nghị với các nước láng giềng, tuân thủ các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết; tích cực phối hợp với các tổ chức, thương hiệu toàn cầu hợp tác chống hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ.
3. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chủ động rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành, nhất là các chính sách về thương mại biên giới, kinh doanh tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan... tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả.
4. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình hiện nay, trình Chính phủ trong tháng 2 năm 2015.
5. Các lực lượng chức năng chuyên trách về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải:
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ để ngăn chặn và phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, dung túng, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.
- Làm tốt công tác dự báo tình hình, nắm chắc đối tượng, tuyến, địa bàn nhất là tuyến, địa bàn trọng điểm, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại mới để có biện pháp ngăn chặn, xử lý, đặc biệt là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đồng thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý để đề xuất sửa đổi, bổ sung.
- Chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, điều chuyển, bố trí người khác thay thế nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả nghiêm trọng hoặc kéo dài trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách; xử lý, chỉ đạo xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
- Có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên nhằm chia sẻ thông tin để nắm chắc tình hình, đảm bảo công tác này thiết thực, hiệu quả, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, nhất là trong đấu tranh, triệt phá các “đường dây, ổ nhóm” buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả nghiêm trọng, có tổ chức.
6. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia củng cố tổ chức; tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban; phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Trang tin điện tử của Ban Chỉ đạo; cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí về tình hình, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
7. Các Bộ, ngành liên quan và các địa phương có phương án cụ thể để ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian trước, sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
III. Về kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương:
1. Về sử dụng một phần nguồn thu từ xử lý vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính soạn thảo, trình Thủ tướng ban hành Quyết định về cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Văn bản số 9450/VPCP-V.I ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ); yêu cầu Bộ Tài chính trình Thủ tướng trong quý I năm 2015.
2. Về việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu: Bộ trưởng Bộ Tài chính khẩn trương có hướng dẫn cơ chế huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả theo Quyết định số 2371/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.
3. Về tạm nhập, tái xuất đối với các mặt hàng rượu, bia, xì gà, thuốc lá điếu, xe ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi và gỗ nguyên liệu gửi kho ngoại quan: Chỉ được tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, không được tái xuất qua cửa khẩu phụ, lối mở theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 7415/VPCP-KTTH ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ.
4. Về sửa đổi Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường: Các Bộ có liên quan đã ký, Bộ Công an khẩn trương ký để ban hành.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Thông báo 42/TB-VPCP năm 2015 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 42/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Kiều Đình Thụ |
Ngày ban hành: | 06/02/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 42/TB-VPCP năm 2015 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video