Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5721/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 07 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THỊ XÃ HOÀNG MAI ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 620/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 2456/TTr-SKHĐT ngày 30/11/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Hoàng Mai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển Thị xã Hoàng Mai đặt trong bối cảnh phát triển chung của đất nước, xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Định hướng phát triển của Hoàng Mai phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và đặt trong mối quan hệ tương hỗ và trao đổi lợi thế của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

2. Phát triển kinh tế Thị xã Hoàng Mai từng bước, có trọng tâm trọng điểm theo hướng trở thành đô thị biển - cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Nghệ An, một hạt nhân phát triển của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ theo hướng mở, hội nhập, khai thác các lợi thế để thu hút các nguồn lực và tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

3. Xây dựng hạ tầng xã hội - văn hóa song hành với hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của người dân, từng bước chuyển hóa nếp sống của người dân Hoàng Mai ngày càng văn minh - hiện đại, trình độ dân trí nâng lên.

4. Ưu tiên phát triển các kết cấu hạ tầng thiết yếu, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng các khu vực trung tâm, các khu vực hỗ trợ cho sản xuất, tạo bộ mặt và sức hút từ các nguồn lực đầu tư phát triển từ các thành phần kinh tế khác ngoài nhà nước.

5. Phát triển kinh tế nhanh đi đôi với bảo vệ môi trường, công bằng xã hội, hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững. Lấy con người là trung tâm, động lực quan trọng của sự phát triển.

6. Phát triển kinh tế Hoàng Mai phải kết hợp với bảo vệ quốc phòng, an ninh.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng thị xã Hoàng Mai trước năm 2025 được công nhận là đô thị loại III, hướng tới hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại II, với chức năng chủ đạo là đô thị công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch. Từng bước trở thành một trong những trung tâm văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Nghệ An, gắn kết chặt chẽ về không gian phát triển với Vùng phía Nam Thanh Hóa và Tây Nghệ An. Phấn đấu đưa thị xã Hoàng Mai xứng đáng trở thành một đầu tàu phát triển Công nghiệp - Dịch vụ phía Bắc của tỉnh gắn kết hài hòa với các vùng phát triển phía Đông Nghệ An, đặt trong tổng thể phát triển các đô thị ven biển Bắc Trung Bộ và hệ thống đô thị của tỉnh Nghệ An. Hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng tương đối đồng bộ, từng bước hiện đại đảm bảo phục vụ các mặt về sản xuất, kinh doanh và dân sinh. Các lĩnh vực xã hội được quan tâm đầu tư, trong đó ưu tiên trước mắt là nâng cao chất lượng Giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đến năm 2030, phát triển không gian đô thị Hoàng Mai định hình cấu trúc rõ nét, mang hình ảnh của một đô thị Xanh - Hiện Đại - Hài Hòa đặc trưng của đô thị ven biển. Các ngành kinh tế chủ đạo được phát triển dựa trên các định hướng có tính bền vững, nâng dần giá trị đóng góp của các ngành, sản phẩm có chất lượng, thân thiện môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Về phát triển kinh tế

a) Về tốc độ tăng trưởng:

- Tốc độ tăng trưởng GTTT bình quân hàng năm: Giai đoạn 2016-2020 đạt 15-17%, trong đó khu vực dịch vụ tăng 17-18%, công nghiệp xây dựng tăng 20-21%, nông nghiệp tăng 4-4,5%. Giai đoạn 2021-2025: đạt 16-18%, trong đó các khu vực lần lượt tăng 18-19%; 19-20%; 3,5-4%.

- Nâng dần quy mô GTSX của Hoàng Mai đóng góp trong tỉnh: năm 2020 chiếm 8-10%, năm 2025 chiếm 10-12% GTSX toàn tỉnh.

b) Về cơ cấu kinh tế (theo GTTT - giá HH): Đến năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm 26-27%, công nghiệp - xây dựng chiếm 57-58%, nông nghiệp giảm xuống còn 15-16%. Đến năm 2025, lần lượt chiếm 28-29%; 63-64%; 8-9%.

- Phấn đấu giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm trên 25% giai đoạn 2016-2020, tăng trên 30% giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn 2016 - 2020 tổng vốn đầu tư xã hội dự kiến huy động đạt 46-47% tổng GTTT; 2021-2025 khoảng 34-35%.

2.2. Về phát triển xã hội

- Tốc độ tăng trưởng dân số đô thị giai đoạn 2016-2020 đạt 3,3%/năm (nội thị khoảng 5%); giai đoạn 2021-2025 đạt 3,2%. Quy mô dân số đô thị năm 2020 đạt 11-12 vạn người, năm 2025 đạt khoảng 15 vạn người, năm 2030 đạt 17-18 vạn người. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 65%, đến năm 2025 đạt 70%;

- Nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm: hàng năm, giải quyết việc làm cho 1.500 lao động, trong đó, xuất khẩu lao động trên 180 người; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống 3,8 - 4,0% và tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn khoảng trên 90% vào năm 2025.

- Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt khoảng 60%, đến năm 2025 trên 73-75%, năm 2030 trên 78-80%. Đến năm 2025, có trên 80% lao động có việc làm sau khi đào tạo.

- Phấn đấu tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2020 đạt khoảng 80% (tương đương khoảng 33 trường); năm 2025 đạt 100%; đến năm 2030, 30% số trường đạt chuẩn mức độ 2.

- Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 1,5-2% theo chuẩn mới.

- Số bác sĩ/1vạn dân lên 6,5 bác sĩ năm 2020, năm 2025 đạt 10 bác sĩ và đạt 12,5 bác sĩ năm 2030. Tỷ lệ giường bệnh nội trú/vạn dân năm 2020 đạt 31 giường, năm 2025 đạt 38 giường, năm 2030 đạt 45 giường.

- Hình thành và từng bước chuyển đổi sang nếp sống văn hóa- văn minh đô thị: Đến năm 2020, tỷ lệ phường/xã có thiết chế VHTT-TT đạt chuẩn là 90%, đến năm 2025 là 100%. Số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá tăng lên 85-87% (năm 2020), 90% (năm 2025) & 92-95% (năm 2030).

2.3. Về kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường

- Phấn đấu đến năm 2020 hình thành các tuyến trục kết nối chính các khu chức năng trong đô thị. Giai đoạn 2021-2025 hoàn thiện 100% hệ thống hạ tầng khu trung tâm. Hiện đại hoá hạ tầng thông tin và truyền thông.

- Tỷ lệ đô thị được dùng nước sạch đến năm 2020 đạt 80%, năm 2025 đạt khoảng 95%; đến năm 2020 trên 80% nước thải sinh hoạt được xử lý, năm 2025 là 100%.

- Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản thu gom và xử lý 95% rác thải khu vực nội thị và 85-90% rác thải ở ngoại thị. Đến năm 2025 thu gom và xử lý 100% rác thải khu vực nội thị và 90-95% rác thải ở ngoại thị.

- Nâng diện tích nhà ở khu vực nội thị lên 15m2/người vào năm 2020, 18 m2 năm 2025 20m2/người năm 2030; nâng diện tích đất cây xanh đạt 10m2/người vào năm 2020, 13m2/người vào năm 2025 15 m2/người vào năm 2030.

- Bảo tồn và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và tôn tạo.

2.4. Về quốc phòng, an ninh

Kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng quốc phòng vững mạnh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bảo đảm ổn định vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tạo bước chuyển biến mới rõ rệt về trật tự, an toàn xã hội, nếp sống đô thị, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC CHỦ YẾU

1. Ngành thương mại, dịch vụ

- Xây dựng Hoàng Mai trở thành một trung tâm thương mại và dịch vụ của tỉnh và vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. Phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, trong đó trọng tâm là phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng.

- Tốc độ tăng trưởng GTSX ngành TMDV khoảng 17-18% giai đoạn 2016-2020, và 18-19% giai đoạn 2021-2025, quy mô đạt khoảng 1.813 tỷ đồng (giá 2010) vào năm 2020, và khoảng 4.210 tỷ đồng vào năm 2025. Nâng dần tỷ trọng GTTT ngành dịch vụ, thương mại trong tổng GTTT đạt 26,3% năm 2020, 28% năm 2025 và 31,5% năm 2030.

- Đổi mới hoạt động dịch vụ thương mại, giữ vai trò định hướng thông qua việc kinh doanh những mặt hàng quan trọng, thiết thực phục vụ cho sản xuất và đời sống. Gắn với thị trường các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và mở rộng ra các tỉnh phía Bắc, coi trọng mở rộng thị trường thành thị và nông thôn.

- Quy hoạch và xây dựng mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới chợ đạt chuẩn trên địa bàn thị xã, cụ thể: Xây dựng 8 chợ, 01 trung tâm thương mại hạng 3, 1 trung tâm bán buôn các mặt hàng vật liệu xây dựng và tư liệu sản xuất kết hợp logistic, 1 siêu thị hạng 2, 35 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

- Phấn đấu đến năm 2020, Thị xã đón trên 15-20 vạn lượt khách du lịch, năm 2025 đạt trên 50 vạn lượt khách. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dịch vụ du lịch, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch. Tổ chức tốt khách tham quan các điểm du lịch tâm linh như Đền Cờn, Đền Vưu, Biển Quỳnh Phương, Quỳnh Liên... Định hướng xây dựng Thị xã trở thành một trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan - rừng - biển - văn hóa tâm linh. Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư xây hệ thống nhà hàng, khách sạn và dịch vụ tổng hợp ở các khu trung tâm cụm du lịch.

- Định hướng Hoàng Mai trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của vùng: thu hút đầu tư hạ tầng vận tải lớn (hệ thống kho bãi, phương tiện bốc xếp, công nghệ thông tin logistic...), xây dựng hệ thống mạng lưới giao thông liên hoàn, kết hợp đa dạng các phương thức vận tải đường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt.

2. Ngành công nghiệp - xây dựng

2.1. Ngành công nghiệp

- Đến năm 2030, Hoàng Mai là một trọng điểm phát triển công nghiệp của Tỉnh trong mối quan hệ với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, vùng biển và ven biển Nghệ An. Duy trì phát triển các ngành công nghiệp hiện có đóng góp lớn gắn với các lợi thế về nguồn nguyên liệu và lao động của Thị xã cũng như các địa phương lân cận; chuyển các loại hình công nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường lên khu vực Tân Thắng; hình thành các ngành công nghiệp gắn với khai thác biển và cảng biển; các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động; các ngành công nghiệp theo định hướng xuất khẩu; các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất.

- Tốc độ tăng trưởng GTSX giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 20-21%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 19-20%/năm. Đến năm 2020, GTTT công nghiệp - xây dựng sẽ chiếm khoảng 58,1%; và năm 2025 chiếm 63,4% tổng GTTT.

- Tiếp tục phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng với vai trò ngành công nghiệp chủ lực của thị xã đến năm 2020. Sau năm 2020 giảm tỷ trọng của ngành trong tổng GTSX của thị xã nhằm đảm bảo phát triển bền vững, giảm bớt ô nhiễm môi trường.

- Tập trung phát triển ngành chế biến nông - lâm thủy sản phục vụ nhu cầu tại chỗ, nhu cầu nội địa cao cấp cho các thành phố lớn, các khu kinh tế, khu công nghiệp và hướng đến xuất khẩu. Nâng tỷ trọng GTSX của ngành công nghiệp chế biến trong tổng GTSX công nghiệp của Thị xã lên đạt 27% năm 2020 và giảm còn khoảng 20% năm 2030.

- Phát triển công nghiệp dệt may, da giày, điện tử, thiết bị điện, đồ điện… nhằm đáp ứng cho nhu cầu của thị xã, tỉnh và phục vụ xuất khẩu.

- Từ nay đến năm 2030, hình thành các điều kiện nền tảng để thu hút các ngành công nghiệp có tính chiến lược như: Ngành công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; Ngành công nghiệp sau hóa dầu; công nghiệp điện tử, tin học, viễn thông, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ sinh học…

- Kêu gọi các dự án đầu tư nhằm lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã có; hình thành thêm một số khu công nghiệp hiện đại trong đó chú trọng phát triển các cụm công nghiệp, các loại hình công nghiệp vừa và nhỏ làm vệ tinh cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp công nghiệp lớn của thị xã trong vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

+ KCN Đông Hồi: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án các công trình trọng điểm có tính động lực như nhà máy nhiệt điện, tổ hợp công nghiệp sản xuất từ các phế liệu của công nghiệp.

+ KCN tập trung Hoàng Mai 1: Nằm ở phía Bắc đường tỉnh 537 và phía Đông Quốc lộ 1A, thuộc đất phường Quỳnh Thiện, diện tích 290,0 - 300,0ha; tập trung thu hút các ngành: Công nghiệp sau hóa dầu (sau khi khu lọc dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa đi vào hoạt động); cơ khí lắp ráp; điện tử; sản xuất phụ tùng phục vụ; vật liệu xây dựng; cơ khí chính xác; chế biến lâm sản xuất khẩu; chế biến nước giải khát; khoáng sản; nông sản thực phẩm;

+ KCN Hoàng Mai 2: Nằm ở phía Tây xã Quỳnh Vinh, phía Bắc hồ Đồi Tương; có diện tích 340,0 - 360,0 ha; tập trung thu hút các ngành: Công nghiệp cơ khí; chế biến khoáng sản; chế biến nông lâm sản; vật liệu xây dựng; sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu.

+ KCN đóng tàu và sửa chữa tàu thuyền: Tại phía Bắc Lạch Cờn (thuộc các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập) là KCN đóng tàu phà sông biển; xí nghiệp cơ khí sửa chữa; công nghiệp bện thừng, cáp, chão và sản xuất ngư c.

+ KCN sạch công nghệ cao: Tại xã Quỳnh Lộc, nằm ở phía Tây dãy núi Xước, tiếp giáp TL537 (đường Đông Hồi - Thái Hòa) về phía Bắc; Diện tích khoảng 90,0 ha.

+ Xây dựng thêm các cụm công nghiệp tập trung tại xã Quỳnh Dị.

2.2. Phát triển ngành xây dựng

Giá trị sản xuất ngành xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 tăng nhanh đạt tốc độ khoảng 20%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 17%/năm chiếm khoảng 37% tổng GTSX ngành CN-XD. Đẩy mạnh hoàn thành các dự án hạ tầng chuyển tiếp của giai đoạn trước. Đôn đốc các dự án đã được thuê đất thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ cam kết.

3. Phát triển nông, lâm, thuỷ sản

- Phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng hàng hóa, công nghệ cao, nông nghiệp đô thị và theo hướng liên kết mở, khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư sản xuất theo quy mô lớn tập trung.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển sản xuất các loại cây rau màu, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Coi trọng trồng rừng, nhất là rừng trồng cho thu nhập cao. Gắn khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 4-5% và giai đoạn 2021-2025 là 3-4%/năm. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm quy mô ngành lâm nghiệp, nâng dần GTGT ngành nông nghiệp. Đến năm 2020 đạt tỷ trọng lần lượt là 34,5%-2%-63,5%, năm 2025 đạt 35,4%-1,4%-63,2%.

3.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt: Tiếp tục phát triển các cây lương thực (lúa, ngô, lạc) theo hướng thâm canh cao, đưa nhanh các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất để tăng hiệu quả sản xuất. Dành 70-80% diện tích trồng cây thực phẩm tập trung ở khu vực các xã đồng bằng ven biển, vùng bãi ngang để trồng rau sạch, rau cao cấp, phục vụ cho khu đô thị mới và các KCN, du lịch. Đầu tư chiều sâu, áp dụng công nghệ cao để sản xuất hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu tiêu thụ của khu vực nội thị.

* Chăn nuôi: Phát triển vùng chăn nuôi trâu bò hàng hóa tại các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang, Quỳnh Xuân, Mai Hùng. Đẩy mạnh chăn nuôi lợn, gia cầm (chủ yếu chăn nuôi gà) theo hướng chăn nuôi tập trung và mô hình công nghiệp, hình thành các vùng chăn nuôi hàng hóa lớn. Tiếp tục áp dụng các giống lơn nạc, bò sind.

3.2. Lâm nghiệp

Tiếp tục quan tâm chăm sóc, bảo vệ rừng, không ngừng làm giàu vốn rừng. Ưu tiên trồng, bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng phòng hộ các tuyến đê biển xung yếu. Khuyến khích xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản - lâm nghiệp kết hợp trên đất ngập mặt ven biển. Phát triển trồng cây phân tán ở các phường, xã, các khu dân cư, KCN, khu du lịch, công viên, trồng cây dọc đường giao thông….

3.3. Thủy sản

- Đối với nuôi trồng: Sản lượng nuôi trồng đạt khoảng 3.000-3.100 tấn năm 2020. Đưa thêm diện tích ven biển, bãi triều vào nuôi các loại nhuyễn thể (ngao, vẹm, hàu…). Chuyển vùng làm muối đang bị ngọt hóa sang nuôi trồng thủy sản. Ổn định nuôi trồng mặn lợ trên cơ sở tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa vào nuôi vụ 2 trên ao tôm các loài phù hợp như cua, cá rô phi, cá vược… Tiếp tục triển khai các mô hình nuôi trồng hiệu quả như nuôi cá rô phi xuất khẩu tại các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Phương, Quỳnh Dị. Chuyển một số diện tích ao nuôi tôm năng suất thấp, kém hiệu quả sang nuôi các loài có giá trị cao. Nhân rộng mô hình nuôi tôm he chân trắng năng suất cao; xây dựng vùng nuôi tôm sạch, vùng nuôi an toàn tại các vùng nuôi tập trung ở Quỳnh Xuân. Phát triển các khu sản xuất giống tập trung tại Quỳnh Liên, Quỳnh Lương để cơ bản nhằm chủ động về giống trên địa bàn thị xã. Sản lượng nuôi giống đạt 1.200 - 1.300 triệu con vào năm 2020.

- Đối với khai thác: Sản lượng thủy sản khai thác đạt khoảng 38.000 - 40.000 tấn năm 2020. Tập trung phát triển ngành khai thác nhằm tạo nguyên liệu xuất khẩu, đồng thời gắn phát triển khai thác thủy sản với xây dựng các làng nghề chế biến, dịch vụ thủy sản ở các cụm xã Quỳnh Dị, Quỳnh Lập, Quỳnh Phương. Từng bước xây dựng, quy hoạch khu bảo tồn sinh thái, vùng cấm đánh bắt, vùng đánh bắt có thời vụ, có kế hoạch thả giống xuống biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tăng dần lượng tàu thuyền có CS>90CV, phấn đấu đạt 480 - 500 chiếc vào năm 2020, nâng công suất và hiện đại hóa đội tài khai thác hải sản xa bờ, giảm dần số tàu thuyền có CS<20CV xuống còn 350 chiếc vào năm 2020.

4. Phát triển các lĩnh vực xã hội

4.1. Dự báo quy mô, cơ cấu lao động

Quy mô lao động năm 2020 đạt 56,4 nghìn người, chiếm 49,0% so với dân số và khoảng 83% dân số trong độ tuổi; năm 2025 đạt 67 nghìn người, chiếm 47% tổng dân số và khoảng 80% lao động trong độ tuổi; Giai đoạn 2016-2020: mỗi năm trung bình Thị xã phải tạo thêm khoảng 1,8 nghìn việc làm mới, giai đoạn 2021-2030 là 1,5 nghìn.

Ưu tiên sử dụng và chuyển đổi việc làm tại chỗ sang các ngành công nghiệp, dịch vụ. Đến năm 2020 dự báo quy mô lao động các ngành công nghiệp - xây dựng tăng lên đáng kể gấp 1,5 lần so năm 2015 (tạo 750 việc làm/năm); ngành dịch vụ tăng nhanh gấp 2,4 lần so năm 2015 (tạo 2.300 việc làm/năm); ngành nông nghiệp giảm dần bằng 0,8 lần so với năm 2015 (rút khoảng 850 lao động/năm). Cơ cấu lao động theo các ngành CN, XD - NLTS - DVTM lần lượt năm 2020 là 19,6% - 50,9% - 29,5%. Đến năm 2025 là 25,1% - 22,9% - 52%.

4.2. Giáo dục, đào tạo

- Đảm bảo quy mô phát triển của giáo dục - đào tạo phù hợp với tốc độ và chất lượng kinh tế. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Đưa giáo dục mầm non và phổ thông Thị xã đạt mức tiên tiến của cả nước; đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục bậc THPT vùng Bắc Trung bộ vào năm 2020. Năm 2020 có 85% giáo viên được đào tạo trên chuẩn; đến năm 2030, đạt tỷ lệ 100% giáo viên trên chuẩn.

- Đảm bảo đến năm 2020 có trên 80% số trường đạt chuẩn quốc gia, đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100%. Xây dựng mới hệ thống trường học ở khu đô thị mới, các khu công nghiệp,...Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thành lập hoặc liên kết với các cơ sở dạy nghề, đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động của doanh nghiệp trên địa bàn, chú trọng đào tạo lao động kỹ thuật (cơ khí sửa chữa, chế tạo, cơ khí tàu thuyền, xây dựng, du lịch, dịch vụ cảng và vận tải biển,...) phù hợp với hướng phát triển của một Thị xã công nghiệp và dịch vụ. Đảm bảo năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt khoảng 60%, đến năm 2025 trên 73-75%, năm 2030 trên 78-80%.

- Tăng cường xã hội hóa giáo dục, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục, đào tạo.

4.3. Y tế

Gắn hoạt động chữa bệnh với du lịch nghỉ dưỡng. Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất mạng lưới y tế tuyến cơ sở. Tăng cường đội ngũ cán bộ y tế cả về số lượng và nâng cao trình độ. Gắn hoạt động y tế với hoạt động cứu hộ, cứu trợ trên biển. Kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đến năm 2020: 100% xã phường duy trì đạt tiêu chí quốc gia về y tế, Số bác sĩ/1vạn dân lên 8 bác sĩ năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 10%. Đến năm 2025 đạt 10 bác sĩ/vạn dân, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 7%.

4.4. Văn hoá thông tin

Xây dựng môi trường và đời sống văn hoá, phát triển các giá trị văn hoá truyền thống- tiên tiến, rèn tập lối sống theo hướng văn hóa đô thị. Xây dựng mạng lưới thiết chế văn hóa đô thị từ thị xã đến khối xóm, ưu tiên giành quỹ đất cho việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ thiết chế. Tỉ lệ cụm dân cư/thôn văn hóa đạt 65% vào năm 2020, 70-72% vào năm 2025 và 77-80% vào năm 2030; số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá tăng lên 85-87% (năm 2020), 90% (năm 2025) và 92-95% (năm 2030). Đến năm 2020, tỷ lệ xã phường có thiết chế VHTT-TT đạt chuẩn là 90%, đến năm 2025 là 100%. Năm 2020, 100% xã, phường, cơ quan, trường học... có thư viện hoặc tủ sách. Năm 2025, các thư viện, tủ sách ở các đơn vị cơ sở được tăng cường về số lượng và đa dạng về chủng loại ấn phẩm.

4.5. Thể dục thể thao

Đẩy mạnh xã hội hoá thể dục thể thao. Quy hoạch đất đai cho các công trình TDTT tại thị xã. Xây dựng khu trung tâm TDTT phục vụ các hoạt động thi đấu cấp tỉnh và các giải thi đấu giao lưu các địa phương lân cận. Thực hiện công tác xã hội hoá thể dục thể thao, tranh thủ sự đóng góp của các tổ chức xã hội, đoàn thể... Số người luyện tập thể dục thường xuyên đạt 40-50% (năm 2020), 55-60% (năm 2025) và trên 65% (năm 2030). Số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn thể thao là 23-25% ( năm 2020), 27-30% năm 2025 và 32-35% năm 2030. 100% xã phường dành đất cho hoạt động thể dục thể thao và có ít nhất một công trình thể thao.

4.6. Phát triển khoa học và công nghệ

Phát huy có hiệu quả các nhân tố động lực mới (tin học hoá, công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới và công nghệ sạch, bảo vệ môi trường) và các nhân tố động lực truyền thống của KHCN (điện khí hoá, cơ giới hoá) phát huy tiềm lực nội sinh, khai thác kịp thời các thời cơ và xu thế thị trường nhằm góp phần thích đáng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng được một tiềm lực về KHCN có đủ năng lực nội sinh đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương. Một số trung tâm nghiên cứu ứng dụng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Đầu tư chiều sâu, thay dần công nghệ cũ bằng công nghệ mới tiên tiến hiện đại vào các ngành, các cơ sở sản xuất quan trọng như chế biến chất lượng cao, sản xuất vật liệu xây dựng, bưu chính viễn thông, thi công xây dựng cầu đường.

Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHCN, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến vào các ngành sản xuất như kinh doanh dịch vụ, thương mại và du lịch, nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp và kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phổ cập tin học, kết nối rộng rãi mạng internet và các mạng nội bộ khác.

Xây dựng và quảng bá các thương hiệu cho các sản phẩm sản xuất trên địa bàn thị xã.

Áp dụng rộng rãi các thành tựu KHCN quốc gia và quốc tế trong các lĩnh vực điện khí hoá, tin học hoá, cơ giới hoá, hoá học hoá, công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới nhằm xây dựng và khai thác tối đa cơ sở hạ tầng kĩ thuật trên địa bàn thị xã.

Từng bước xây dựng Thị xã trong giai đoạn 2021 - 2025 đảm nhiệm chức năng trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

5. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng

5.1. Hệ thống giao thông

- Đường bộ: Phối hợp với Tỉnh thực hiện xây dựng các tuyến đi qua địa bàn thị xã như đường cao tốc Bắc Nam; Quốc lộ 1; Đường bộ ven biển; Đường tỉnh 537. Xây dựng các 06 tuyến trục chính đô thị, các tuyến đường phố khu vực với chỉ giới đường đỏ từ 15,0 - 56,0m. Xây dựng hệ thống cầu đồng bộ với các tuyến giao thông đô thị: cầu qua sông Hoàng Mai, cầu nối Quỳnh Lập - Quỳnh Phương; nâng cấp cầu Cờn. Hoàn chỉnh các tuyến đường khu hành chính thị xã. Nhựa hóa (bê tông) các đường vành đai, đường xương cá kết nối với các trục giao thông khu vực. Hệ thống giao thông kết nối Nghĩa Đàn, Thái Hòa khu kinh tế Nghi Sơn; các tuyến đường kết nối trong quy hoạch vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, cảng Đông Hồi và các cảng Cửa Lò và các cảng khác ở các tỉnh. Xây dựng hoàn thành Bến xe khách thị xã và các bãi đỗ xe phù hợp quy hoạch xây dựng.

- Xây dựng nút giao khác mức tại các điểm như: Nút giao thông liên thông (Giao lộ giữa đường cao tốc Bắc Nam và ĐT537; ĐT537 và QL1); Nút giao thông trực thông: Giao lộ giữa các đường giao thông đối ngoại, các đường trục chính đô thị, đường bộ cao tốc, đường sắt và giao lộ giữa các đường trục chính.

- Đường sắt: Bố trí tuyến đường sắt tốc độ cao nằm phía Tây đường sắt Bắc Nam hiện nay. Trước mắt duy trì nhà ga đường sắt hiện hữu. Khi nhu cầu vận chuyển tiến hành xây dựng ga tại vị trí quy hoạch mới.

- Đường thủy. Xây dựng cảng nước sâu Đông: tiếp nhận được tàu 30.000- 50.000 tấn hàng vào năm 2020. Cảng Cờn: Quy mô cảng hàng hóa cấp III kết hợp cảng cá. Cải tạo chỉnh trang, nạo vét các tuyến đường thuỷ nội địa quan trọng, các sông nối với các cửa biển, như: Tuyến sông Hoàng Mai, sông Mai Giang, kênh nhà Lê.

- Xây dựng bến xe số 1, theo định hướng quy hoạch xây dựng bến xe toàn tỉnh đến năm 2020. Sau năm 2020, tiếp tục xây dựng bến xe số 2. Bố trí các bãi đậu xe ở các trung tâm hành chính, khu công nghiệp, khu du lịch, trung tâm thương mại, chợ của thị xã. Xây dựng Tuyến xe buýt kết nối thị xã Hoàng Mai tới khu vực phụ cận và các đô thị chính trên cả nước. Bố trí tuyến xe buýt trục chính trong nội thị kết nối khu trung tâm Thị xã với các khu vực trọng điểm như: Khu công nghiệp, khu du lịch, trường học, bệnh viện,… và tuyến xe buýt mạng vòng liên kết trực tiếp các trọng điểm xung quanh.

5.2. Hệ thống cấp điện

Xây dựng trạm 110 KV Đông Hồi (xã Quỳnh Lộc); xây dựng trạm 110 KV Hoàng Mai 2 (phường Quỳnh Xuân). Ngoài ra còn có các trạm 110KV KCN Hoàng Mai 1, 110KV KCN Hoàng Mai 2, 110KV KCN Hoàng Mai 3, cấp điện cho các phụ tải công nghiệp Hoàng Mai. Dự báo tổng nhu cầu phụ tải điện năm 2020 khoảng 150 nghìn KW, năm 2030 khoảng 365 nghìn KW. Hoàn thành 100% điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh trên trục đường giao thông tuyến.

5.3. Hệ thống cấp nước

Đến năm 2020: Xây dựng Nhà máy nước thị xã Hoàng Mai công suất 60.000 m3/ng-đêm, diện tích 5,0ha.

Giai đoạn 2021- 2025: Đầu tư xây dựng nhà máy nước Hoàng Mai 2 công suất 10.000 m3/ng-đêm. Phấn đấu đến năm 2025, 95% dân số nội thị được cấp nước sạch, đến năm 2030 là 100%.

5.4. Bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin

Cải tạo và mở rộng thêm các trạm BTS trong toàn khu đô thị. Nâng cao chất lượng phục và mở rộng các dịch vụ bưu chính sẵn có. Xây dựng ngân hàng Bưu điện tại trung tâm khu đô thị. Phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền qua vệ tinh. Truyền thanh cơ sở cơ bản được hiện đại hóa bằng công nghệ FM không dây. Đến năm 2025, hình thành lõi mạng chuyển mạch quang tốc độ cao. Hội tụ thuê bao di động, cố định và truyền hình.

6. Phương hướng bảo vệ môi trường và các giải pháp giảm thiểu các nguy cơ suy giảm môi trường

- Định hướng thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải: Toàn bộ CTR sau khi được phân loại, không tái sử dụng và được vận chuyển về khu xử lý rác tập trung của thị xã Hoàng Mai tại xã Quỳnh Lập, diện tích 15,0ha.

- Định hướng xây dựng và cải tạo nghĩa trang. Quy hoạch khu nghĩa trang tập trung của thị xã tại 2 vị trí: vị trí 1 tại núi Cháy thuộc xã Quỳnh Lập, diện tích 16,0ha phục vụ GPMB khu công nghiệp Đông Hồi và phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân xã Quỳnh Lập; vị trí 2 tại bãi đất trống phía Tây mỏ đá đang khai thác (phía Đông đập Khe Dụ) thuộc phường Quỳnh Thiện với diện tích khoảng 23,0ha. Các nghĩa trang hiện trạng có vị trí không phù hợp sẽ chuyển về nghĩa trang quy hoạch (tại vị trí 2), còn lại sẽ đóng cửa, không cho phát triển.

- Định hướng bảo vệ rừng và các nguồn lợi thủy, hải sản...

Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển. Khuyến khích và ưu tiên các dự án phát triển rừng từ các dự án phát triển môi trường tại khu vực thị xã Hoàng Mai. Nâng tỷ lệ che phủ rừng của thị xã đảm bảo trên 37-38%.

Quản lý chặt chẽ diện tích nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác quỹ đất tại các khu vực rừng phòng hộ ven biển. Khoanh vùng các khu vực có trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản, tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật để đưa thủy sản phát triển theo hướng công nghệ cao, hiện đại.

Giữ cân bằng giữa đánh bắt và khả năng phục hồi của nguồn lợi thủy sản ven bờ, nghiêm cấm các hoạt động khai thác cát tại các vùng cửa sông. Khuyến khích và mở rộng ngư trường đánh bắt xa bờ bằng các phương tiện đánh bắt hiện đại công suất lớn.

7. Bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội

Xây dựng Thị xã trở thành khu vực phòng thủ vững chắc. Tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm, vùng miền núi và ven biển.

IV. ĐỊNH HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN

1. Điều chỉnh địa giới hành chính

Đến năm 2020, sau khi một số tuyến giao thông nội thị được hình thành, tiến hành chia tách và điều chỉnh địa giới các xã, phường đảm bảo theo hướng hình thành các các đơn vị ở theo ranh giới không gian đô thị đảm bảo thuận lợi trong quá trình quản lý.

2. Cơ cấu tổ chức không gian thị xã Hoàng Mai chia ra theo các trung tâm chính, trục không gian chủ đạo

- Trục động lực đô thị theo trục Bắc - Nam, Đông - Tây; kết nối Đông Hồi - Nghi Sơn: Gồm các khu vực kết nối Quốc lộ 1A, đường Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Đông Hồi. Tập trung phát triển 3 khu công nghiệp với các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo điện lực, xi măng, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ…gắn với dịch vụ Cảng nước sâu, dịch vụ vận tải, lưu thông hàng hóa từ miền Tây Nghệ An với các nước và vùng kinh tế trọng điểm. Tập trung phát triển dịch vụ phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt dân cư đô thị.

- Khu vực trung tâm hành chính thị xã, sông Mai đến Hồ Vực Mấu: tại khu vực phường Quỳnh Dị với quy mô diện tích 140 ha; Phát triển thương mại, dịch vụ; du lịch sinh thái, du lịch, thể thao mặt nước, công viên nước, các công trình nghỉ dưỡngkinh tế vườn, rừng.

- Các khu vực khác gồm khu vực ven biển, khu vực nội thị (các phường), khu vực ngoại vi (các xã).

3. Phân khu chức năng chủ yếu

- Phát triển các chức năng đô thị: Hình thành hệ thống trung tâm theo phân cấp từ cấp thị xuống các xã, phường. Trung tâm toàn đô thị, trung tâm khu vực và trung tâm khu ở có các chức năng chính là Trung tâm thương mại - dịch vụ (tại khu vực phường Quỳnh Thiện và một phần trên đất phường Quỳnh Dị); Trung tâm hành chính, chính trị thị xã: (tại khu vực phường Quỳnh Dị dọc trục đường từ QL1A ra biển); Trung tâm thể thao văn hóa (tại đồng Bông, đồng Đập, đồng Làng Hàng thuộc phường Mai Hùng); Trung tâm giáo dục đào tạo; Trung tâm y tế:

- Định hướng phát triển theo các trục, vanh đai chính của thị xã: Hình thành các trục phát triển chủ đạo từ nay đến 2020: Trục hành chính - dịch vụ; Trục khai thác du lịch biển; Trục công nghiệp: Bám theo vành đai phía Bắc khai thác lợi thế gắn với giao thông (quốc lộ 1A, cảng biển Đông Hồi...), quỹ đất có điều kiện mở rộng và đảm bảo về môi trường. Đến năm 2020, hoàn thành toàn tuyến đồng bộ với cảng biển Đông Hồi.

- Định hướng mở rộng không gian đô thị:

Định hướng đến năm 2025, thị xã Hoàng Mai trở thành đô thị loại III trực thuộc Tỉnh, trở thành đô thị Công nghiệp - thương mại và Dịch vụ - du lịch.

Định hướng không gian quy hoạch mềm dẻo, linh hoạt có tầm nhìn dài hạn. Lấy Trung tâm hành chính Hoàng Mai làm hạt nhân phát triển hệ thống các khu đô thị mới, ổn định hệ thống dân cư nông thôn... Tập trung xây dựng hệ thống các khu công nghiệp ở phía Bắc Thị xã (phía Bắc TL537) trên địa bàn các phường/xã như: Quỳnh Thiện, Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc, Quỳnh Vinh và hệ thống tuyến điểm du lịch.

Các khu vực ngoại vi hình thành các vành đai sản xuất nông nghiệp, chỉnh trang ổn định khu vực dân cư nông thôn kết nối hạ tầng với khu vực đô thị.

4. Định hướng xây dựng nông thôn mới

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Thực hiện có hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa. Tích cực tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh vận động nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020, 60% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, đến năm 2025, đạt tỷ lệ 100%.

V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

1. Các chương trình phát triển

- Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng: Giao thông; cấp điện; cấp nước, thoát nước và VSMT; bưu chính viễn thông;

- Chương trình phát triển quỹ nhà ở đô thị;

- Chương trình giáo dục và đào tạo;

- Chương trình xây dựng văn hóa đô thị;

- Chương trình xúc tiến đầu tư;

- Chương trình hiện đại hóa hệ thống hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

2. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo ngành và lĩnh vực đến năm 2025 (có phụ lục kèm theo).

VI. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp huy động vốn đầu tư

- Nhu cầu phát triển theo định hướng tổng thể thị xã Hoàng Mai 17,4 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương ứng khoảng 750 triệu USD) thời kỳ 2016-2020 và khoảng 37,5 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế thời kỳ 2021-2025 (tương đương khoảng 1,0 tỷ USD).

- Đối với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (kể cả vốn vay) cần chủ yếu tập trung vào đầu tư cho hạ tầng lớn có tính đòn bẩy, hỗ trợ doanh nghiệp địa tập trung vào đầu tư cho hạ tầng lớn có tính đòn bẩy, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất, vốn từ các hoạt động xã hội hóa để phát triển hạ tầng đô thị, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhằm động viên và khuyến khích các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hoá - thể thao...

- Đối với các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải đảm bảo môi trường đầu tư có tính cạnh tranh, minh bạch, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, tiếp cận thông tin, đất đai...

2. Giải pháp về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

- Tăng cường đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước cấp thị xã và cấp xã, phường.

- Thực hiện liên kết đào tạo với các trường chuyên nghiệp của Tỉnh; kết hợp với các dự án, tổ chức các lớp tại thị xã.

- Thực hiện chính sách cử, gửi người địa phương đi học, có tài trợ học phí, học bổng và các điều kiện khác khuyến khích học tập.

- Thực hiện cơ chế tuyển dụng linh hoạt thông qua chính sách ưu tiên những người có trình độ cao về địa phương làm việc;

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

3. Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ

- Rà soát, lựa chọn để đầu tư mở rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ đã có hiệu quả trên địa bàn, tạo ra sản phẩm hàng hoá.

- Chủ động phối hợp với các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan quản lý ở Trung ương và Tỉnh để nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, tập trung trước hết vào một số lĩnh vực như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh tập trung lớn, phát triển du lịch…

- Có chính sách ưu tiên cho các cơ sở và hộ nông dân tiếp thu các thành tựu khoa học, công nghệ mới trong việc phát triển kinh tế. Các giải pháp ưu tiên bao gồm: cho vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, ưu tiên xét duyệt đầu tư, tăng công nghệ sinh học v.v...

- Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp về thị trường để phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương tạo ra các sản phẩm hàng hoá có khối lượng lớn, chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin vào công tác quản lý trên địa bàn.

- Khuyến khích người lao động thuộc các thành phần kinh tế tham gia đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và quản lý sản xuất kinh doanh.

4. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Phổ biến kịp thời các thông tin kinh tế, nhất là về cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế tín dụng đầu tư, hoàn thiện cơ chế một cửa, thực hiện có hiệu quả Chương trình cải tiến, đổi mới thủ tục hành chính của Nhà nước.

- Xây dựng một số mô hình liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở: sản xuất, nghiên cứu ứng dụng, chế biến, thương mại tiêu thụ.

- Hỗ trợ tín dụng cho phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ưu tiên; xã hội hóa xây dựng kết cấu hạ tầng, các cơ sở dịch vụ và các cụm điểm công nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến trên địa bàn. Đề nghị miễn giảm thuế đối với các dự án sử dụng công nghệ cao, chế biến sâu, hướng tới xuất khẩu, trong sản xuất, kinh doanh, đầu tiên là trong ngành nông nghiệp.

- Tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển một số lĩnh vực then chốt, chính sách phát triển các khu vực động lực về kinh tế, phát triển dịch vụ, du lịch, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực…

5. Phối hợp phát triển giữa thị xã Hoàng Mai với các huyện, thị xã trong trình và các địa phương khác

- Phối hợp trong phát triển kết cấu hạ tầng: Nâng cấp tuyến đường kết nối Hoàng Mai với Thành phố Vinh; Nối Hoàng Mai với huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, và các huyện lân cận.

- Hợp tác xây dựng các tour du lịch: Liên kết phát triển các tuyến du lịch kết nối các điểm du lịch của Hoàng Mai với các điểm du lịch trong và ngoài vùng: Cửa Lò, Đảo Ngư, Nghi Xuân, Khu di tích Kim Liên, Bãi Lữ, Tĩnh Gia (Thanh Hóa)...

- Hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá - xã hội: Liên kết đào tạo đại học, cao đẳng và trung học nghề. Đẩy mạnh giao lưu văn hoá, thể thao giữa các dân tộc tạo mối quan hệ, đoàn kết và phát triển của vùng.

- Hợp tác trong lĩnh vực thương mại: xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại chung cho cả vùng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao UBND thị xã Hoàng Mai:

- Tổ chức công bố, phổ biến quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Hoàng Mai đến năm 2025 tầm nhìn 2030 được phê duyệt đến các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn thị xã để tổ chức triển khai thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan của tỉnh nghiên cứu xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực đồng bộ và phù hợp; lựa chọn các chương trình dự án ưu tiên để đưa vào kế hoạch 5 năm và hàng năm; đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện quy hoạch.

2. Các Sở, Ban, ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Uỷ ban nhân dân thị xã Hoàng Mai trong việc thực hiện quy hoạch đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Hoàng Mai với quy hoạch, định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Xuân Đường

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2025 CỦA THỊ XÃ HOÀNG MAI
(Kèm theo Quyết định số 5721/QĐ-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh Nghệ An)

TT

Tên công trình, dự án

I

CÁC DỰ ÁN DO TỈNH VÀ THỊ XÃ QUẢN LÝ, THỰC HIỆN

1

Hạ tầng đô thị thị xã Hoàng Mai

2

Cống ngăn mặn giữ ngọt sông Hoàng Mai

3

Hồ chứa nước Khe Lại - Vực Mấu

4

Trung tâm y tế thị xã Hoàng Mai

5

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thị xã Hoàng Mai

6

Trung tâm hội nghị thị xã Hoàng Mai

7

Đài Truyền hình thị xã

8

Trung tâm bồi dưỡng chính trị thị xã Hoàng Mai

9

Trung tâm văn hóa thể thao thị xã Hoàng Mai

10

Sân vận động thị xã Hoàng Mai

11

Công viên trung tâm thị xã Hoàng Mai

12

Tượng, bức tranh hoành tráng thị xã Hoàng Mai

13

Bảo tàng, thư viện thị xã Hoàng Mai

14

Trường hướng nghiệp dạy nghề thị xã Hoàng Mai

15

Trường THPT Hoàng Mai 2

16

Nạo vét, cải tạo sông Hoàng Mai, kênh Hói Bãi thị xã Hoàng Mai

17

Nạo vét, cải tạo kênh La man

18

Xây dựng khu neo đậu tàu thuyền và bến cá nhân dân xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai

19

Xây dựng khu chế biến thủy sản tập trung và hậu cần nghề cá Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai

20

Mở rộng và nâng cấp đường du lịch ven biển Quỳnh Phương - Quỳnh Liên

21

Xây dựng cầu Đền Cờn

22

Khu tái định cư phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai

23

Nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối Quốc lộ 1 A đi hồ Vực Mấu

24

Cổng chào điện tử tại phường Quỳnh Xuân

25

Quảng trường thị xã Hoàng Mai

26

Khu tái định cư Quốc lộ 1A

27

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Quỳnh Vinh

28

Hệ thống xử lý nước thải đô thị Hoàng Mai

II

CÁC DỰ ÁN SẢN XUẤT KINH DOANH

1

Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập

2

Xây dựng và kinh doanh Cảng Đông Hồi (cảng chuyên dùng, tàu 1-3 vạn DWT)

3

Nhà máy Gạch không nung

4

Nhà máy sản xuất sắt xốp theo công nghệ Itmk (01 tỷ USD)

5

Dây chuyền II Xi măng Hoàng Mai

6

Nhà máy Dệt May xuất khẩu

7

Bến xe Thị xã

8

Trung tâm Thương mại Thị xã

9

Nhà máy sản xuất vật liệu nhựa xây dựng

10

Nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử, vi điện tử và điện dân dụng

11

Nhà máy xút cho sản xuất nhựa PVC và các dự án sản xuất giấy (gđ 1)

12

Nhà máy nhựa công nghiệp

13

Nhà máy chế biến nhựa thông

14

Nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô

15

Dự án công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô, máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu thuyền..

16

Nhà máy lắp ráp đồ điện dân dụng

17

Nhà máy chế biến sản phẩm cao su kỹ thuật (dây curoa, vòng đệm. ...)

18

Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng và vật liệu chịu lửa

19

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống đê chắn sóng và luồng tàu khu cảng Đông Hồi

20

Nhà máy sản xuất vật liệu nhựa xây dựng

21

Dự án nhà máy chế biến Sữa và các sản phẩm từ sữa

22

Nhà máy sản xuất rượu bia nước giải khát

23

Nhà máy Bê tông đúc sẵn tại Đông Hồi

24

Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Đông Hồi

25

Đầu tư xây dựng kinh doanh KCN Hoàng Mai

26

Nhà máy sản xuất ván nhân tạo

27

Nhà máy chế biến sợi cách nhiệt từ đá Bazan

28

Nhà máy chế biến thủy sản chất lượng cao

29

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất vật liệu mới, vật liệu xây dựng siêu nhẹ, vật liệu cao cấp, vật liệu chống cháy

30

Trung tâm bán buôn vật liệu xây dựng và tư liệu sản xuất kết hợp logistics

31

Khách sạn cao cấp biển Quỳnh Phương

32

Khách sạn cao cấp biển Quỳnh Liên

* Ghi chú: Về vị trí, quy mô cụ thể, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 5721/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Hoàng Mai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu: 5721/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
Người ký: Nguyễn Xuân Đường
Ngày ban hành: 07/12/2015
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 5721/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Hoàng Mai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Nghệ An ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [9]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…