ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3358/QĐ-UBND |
Thanh Hóa, ngày 30 tháng 8 năm 2021 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 07/01/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về kiểm soát thủ tục hành chính năm 2021;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 819/TTr-SCT ngày 26 tháng 8 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 03 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực Hóa chất, Vật liệu nổ công nghiệp, Lưu thông hàng hóa trong nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa (có phụ lục đính kèm).
Điều 2. Giao Sở Công Thương dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của UBND tỉnh kèm theo phương án đơn giản hóa đã được thông qua tại Quyết định này, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt gửi Bộ Công Thương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA 03 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG CÁC
LĨNH VỰC HÓA CHẤT, VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, LƯU THÔNG HÀNG HÓA TRONG NƯỚC THUỘC
THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày
tháng năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh
Hóa)
a. Về thành phần hồ sơ
Đề nghị đơn giản hóa đối với thành phần hồ sơ: “Bản sao hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Nghị định này” thành: “Bản sao Quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất”.
Lý do: Tại Điểm h Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất quy định thành phần hồ sơ phải nộp gồm: “Bản sao hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại Khoản 4 Điều 34 của Nghị định này”. Theo đó, tại Khoản 4 Điều 34 của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất gồm:
a) Nội dung huấn luyện;
b) Danh sách người được huấn luyện với các thông tin: Họ tên, ngày tháng năm sinh, chức danh, vị trí làm việc, chữ ký xác nhận tham gia huấn luyện;
c) Thông tin về người huấn luyện bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, trình độ học vấn, chuyên ngành được đào tạo, kinh nghiệm công tác, kèm theo các tài liệu chứng minh;
d) Nội dung và kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất;
đ) Quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất của tổ chức, cá nhân.
Việc quy định như vậy là chưa phù hợp. Đây là thủ tục Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, vì vậy việc yêu cầu nộp các thành phần hồ sơ như: Giáo trình huấn luyện an toàn hóa chất cho từng nhóm đối tượng (03 nhóm); danh sách người được huấn luyện với các thông tin: Họ tên, ngày tháng năm sinh, chức danh, vị trí làm việc, chữ ký xác nhận tham gia huấn luyện; thông tin về người huấn luyện bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, trình độ học vấn, chuyên ngành được đào tạo, kinh nghiệm công tác, kèm theo các tài liệu chứng minh; nội dung và kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất là không cần thiết, làm tăng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của doanh nghiệp. Do đó chỉ cần thay các thành phần hồ sơ này thành “Bản sao Quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất” là được.
b. Về thời hạn giải quyết
Đề nghị cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 12 ngày làm việc xuống còn 08 ngày làm việc.
Lý do: Tại Điểm c Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định thời hạn giải quyết là 12 ngày làm việc. Tuy nhiên, qua thực tế giải quyết thủ tục hành chính thì đối với thủ tục hành chính này chỉ cần giải quyết trong thời hạn 08 ngày làm việc là đủ. Vì vậy, đề nghị giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính này xuống còn 08 ngày làm việc cho phù hợp với thực tế.
c. Về thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận
Đề nghị bổ sung quy định thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.
Lý do: Tại Điểm d Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ chưa có quy định về thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận. Tuy nhiên đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và tại Điểm e Khoản 5 Điều 7 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020 của Quốc hội quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải bao gồm cả nội dung sau: Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có). Do đó, đề nghị bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.
2.1. Về thành phần hồ sơ
Đề nghị Bộ Công Thương xem xét, tham mưu sửa đổi Điểm h Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ. Theo đó, Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ đề nghị sửa lại theo phương án như sau:
“a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp theo mẫu quy định tại khoản 7 Điều này;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
c) Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành;
d) Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và văn bản chấp thuận nghiệm thu hệ thống phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền đối với từng cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
đ) Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng nhà xưởng, kho chứa, nội dung bản vẽ phải đảm bảo các thông tin về vị trí nhà xưởng, kho tàng, khu vực chứa hóa chất, diện tích và đường vào nhà xưởng, khu vực sản xuất và kho hóa chất; Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng nhà xưởng, kho chứa hoặc Hợp đồng thuê nhà xưởng, kho chứa.
e) Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của cơ sở sản xuất hóa chất;
g) Bản sao bằng đại học trở lên chuyên ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất của cơ sở sản xuất;
h) Bản sao Quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất.
i) Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất theo quy định”.
2.2. Về thời hạn giải quyết
Đề nghị Bộ Công Thương xem xét, tham mưu sửa đổi Điểm c Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ theo phương án như sau:
“Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cơ quan cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho tổ chức, cá nhân, đồng thời gửi 01 bản cho Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký trụ sở chính. Mẫu Giấy chứng nhận được quy định tại Phụ lục VI của Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do”.
2.3. Về thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận
Đề nghị Bộ Công Thương xem xét, tham mưu bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận tại Điểm d Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của của Chính phủ theo phương án như sau: “Giấy chứng nhận có thời hạn hiệu lực là 05 năm”.
3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 1.847.027 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 1.442.018 đồng/năm
- Chi phí tiết kiệm: 405.009 đồng/năm
- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 21,92%.
II. Thủ tục: Cấp lại Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Đề nghị đơn giản hóa đối với các thành phần hồ sơ sau:
- Thiết kế, bản vẽ thi công các hạng mục công trình xây dựng, thiết kế khai thác mỏ có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với công trình quy mô công nghiệp; phương án thi công, khai thác đối với hoạt động xây dựng, khai thác thủ công. Thiết kế hoặc phương án do chủ đầu tư phê duyệt phải bảo đảm điều kiện về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ.
Lý do: Tại Khoản 2 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định “Đối với tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp lại Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhưng không thay đổi về địa điểm, quy mô hoạt động, hồ sơ đề nghị bao gồm: báo cáo hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn hiệu lực của giấy phép đã cấp và giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này”. Theo đó tại Điểm đ, Điểm k Khoản 1 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định thành phần hồ sơ có:
- Thiết kế, bản vẽ thi công các hạng mục công trình xây dựng, thiết kế khai thác mỏ có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với công trình quy mô công nghiệp; phương án thi công, khai thác đối với hoạt động xây dựng, khai thác thủ công. Thiết kế hoặc phương án do chủ đầu tư phê duyệt phải bảo đảm điều kiện về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ.
Tuy nhiên, thiết kế, bản vẽ thi công các hạng mục công trình; thiết kế khai thác mỏ; phương án thi công được lập cho cả một đời dự án và đã được lưu tại cơ quan cấp phép theo hồ sơ cấp mới Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Do đó khi đề nghị cấp lại Giấy phép không cần thiết phải nộp lại thành phần hồ sơ này. Mặt khác, tại Phiếu bàn giao hồ sơ đã có đầy đủ các thông tin về người nộp, chủ hồ sơ, do đó cũng không cần thiết phải yêu cầu tổ chức, cá nhân phải nộp lại Giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân.
Đề nghị Bộ Công Thương xem xét, tham mưu sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 theo phương án như sau:
“a) Báo cáo hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn hiệu lực của Giấy phép đã cấp;
b) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
c) Bản sao quyết định thành lập hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc bản sao giấy phép thầu do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật;
d) Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
đ) Bản sao giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí đối với doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, dầu khí; bản sao quyết định trúng thầu thi công công trình, bản sao hợp đồng nhận thầu hoặc văn bản ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện hợp đồng thi công công trình của tổ chức quản lý doanh nghiệp;
e) Phương án nổ mìn được lãnh đạo doanh nghiệp ký duyệt. Trường hợp nổ mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình an ninh, quốc phòng hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định của pháp luật thì phương án nổ mìn phải được cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm d khoản 2 Điều 41 của Luật này đồng ý bằng văn bản;
g) Bản sao văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với kho vật liệu nổ công nghiệp và điều kiện bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
h) Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không có kho hoặc không có phương tiện vận chuyển, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có bản sao hợp đồng nguyên tắc thuê kho, phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp với tổ chức, doanh nghiệp có kho, phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm điều kiện về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phòng cháy và chữa cháy hoặc bản sao hợp đồng nguyên tắc với tổ chức được phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp để cung ứng vật liệu nổ công nghiệp đến công trình theo hộ chiếu nổ mìn;
i) Quyết định bổ nhiệm người chỉ huy nổ mìn của lãnh đạo doanh nghiệp và danh sách thợ mìn, người có liên quan trực tiếp đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; giấy phép lao động của người nước ngoài làm việc có liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (nếu có); bản sao chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp của người chỉ huy nổ mìn và đội ngũ thợ mìn”
3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 107.929.080 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 83.768.720 đồng/năm
- Chi phí tiết kiệm: 24.160.360 đồng/năm
- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 22,4%.
III. Thủ tục: Cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu
a. Về thành phần hồ sơ:
Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ: Bản gốc Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã được cấp.
Lý do: Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 quy định: “Trường hợp có thay đổi các nội dung của Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Sở Công Thương đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 3 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;
- Bản gốc Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã được cấp;
- Các tài liệu chứng minh yêu cầu bổ sung, sửa đổi.
Tuy nhiên đối với thành phần hồ sơ: “Bản gốc Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã được cấp” thì tài liệu này đã được lưu tại Sở Công Thương khi tổ chức, cá nhân đề nghị Cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Mặt khác, Giấy chứng nhận cấp bổ sung, sửa đổi sẽ thay thế cho Giấy chứng nhận cũ đã được cấp, nên sau khi cấp bổ sung, sửa đổi thì Giấy chứng nhận cũ không còn giá trị nữa. Do đó, không cần thiết phải yêu cầu nộp lại thành phần hồ sơ này.
b. Về Phí, Lệ phí:
- Theo Khoản 5 Điều 25 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định: “Thương nhân được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu phải nộp phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính”.
Theo đó, tại Điều 4 Thông tư số 168/2016/TT-BTC ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; phí thẩm định kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại; lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; lệ phí cấp Giấy phép kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại và lệ phí cấp Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa quy định mức thu phí thẩm định kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện như sau:
+ Đối với chủ thể kinh doanh là tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn thành phố và thị xã: Mức thu phí thẩm định: 1.200.000đồng/điểm kinh doanh/lần thẩm định.
+ Đối với chủ thể kinh doanh là tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn các huyện còn lại: Mức thu phí thẩm định: 600.000đồng/điểm kinh doanh/lần thẩm định.
Tuy nhiên, việc quy định có thu phí trong trường hợp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận là không hợp lý, làm tăng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Vì đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận không cần đi thẩm định tại cơ sở như trường hợp cấp mới Giấy chứng nhận. Do đó, đề nghị xem xét bỏ quy định thu phí đối với trường hợp này.
2.1. Về thành phần hồ sơ:
Đề nghị Bộ Công Thương xem xét, tham mưu bãi bỏ Điểm b Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ, đồng thời sửa đổi Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ theo phương án như sau:
“b) Đối với trường hợp cấp bổ sung, sửa đổi
Trường hợp có thay đổi các nội dung của Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Sở Công Thương đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 3 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;
- Các tài liệu chứng minh yêu cầu bổ sung, sửa đổi”.
2.2. Về Phí, Lệ phí:
Đề nghị Bộ Công Thương xem xét, tham mưu sửa đổi Khoản 5 Điều 25 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ theo phương án như sau:
“Thương nhân được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu phải nộp phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận, thương nhân không phải nộp phí, lệ phí”.
3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 93.922.148 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 30.316.644 đồng/năm
- Chi phí tiết kiệm: 63.605.504 đồng/năm
- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 67,72%.
Quyết định 3358/QĐ-UBND năm 2021 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực Hóa chất, Vật liệu nổ công nghiệp, Lưu thông hàng hóa trong nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu: | 3358/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký: | Nguyễn Văn Thi |
Ngày ban hành: | 30/08/2021 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 3358/QĐ-UBND năm 2021 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực Hóa chất, Vật liệu nổ công nghiệp, Lưu thông hàng hóa trong nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa
Chưa có Video