THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2622/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tại tờ trình số 6158/TTr-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Xây dựng Quảng Ninh là cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế, là nguồn cung cấp nguyên liệu và năng lượng của quốc gia.
2. Phát triển kinh tế - xã hội bền vững phù hợp với các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Cơ cấu nền kinh tế từng bước dịch chuyển từ các hoạt động “nâu” sang “xanh”, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp phi khai khoáng, đồng thời đảm bảo hoạt động khai thác than được sạch hơn và bền vững hơn.
3. Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nội lực là chính kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài tạo nên bước đột phá trên cơ sở phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh, tiềm năng đặc biệt, cơ hội nổi trội như tài nguyên thiên nhiên, văn hóa độc đáo và đa dạng của Quảng Ninh. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
4. Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân, đảm bảo phát triển và công bằng xã hội giữa các tầng lớp nhân dân, giữa khu vực nông thôn với thành thị và giữa các địa phương trong tỉnh.
5. Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, nắm bắt các điều kiện thuận lợi, khắc phục các tác động tiêu cực của các xu thế kinh tế quốc tế và khu vực; bảo đảm đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với Trung Quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới trên bộ, trên biển; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
1. Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đảm bảo giữ gìn và bảo vệ môi trường bền vững. Giữ gìn và phát huy tốt bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và những khác biệt, đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long; phấn đấu trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 12% - 13%/năm, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 9,5% - 10,5%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14% - 15%/năm; giai đoạn 2020 - 2030 đạt khoảng 6,7%/năm.
- Cơ cấu GDP năm 2015, dịch vụ chiếm 45,0% - 45,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm 49,0% - 49,5%; nông nghiệp chiếm 5,0% - 5,5%. Năm 2020 dịch vụ chiếm 51% - 52%; công nghiệp và xây dựng chiếm 45% - 46%; nông nghiệp chiếm 3% - 4%. Đến năm 2030, dịch vụ chiếm khoảng 51%; công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 46%; nông nghiệp chiếm khoảng 3%.
- GDP bình quân đầu người (giá thực tế) năm 2015 đạt 3.600 - 4.000 USD; năm 2020 đạt 8.000 - 8.500 USD; năm 2030 đạt khoảng 20.000 USD.
- Phấn đấu đến năm 2020: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng từ 18 - 20%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11 - 12%/năm, nhập khẩu 10 - 11%/năm; tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân trên 10%/năm.
b) Về văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo:
- Tốc độ tăng dân số tự nhiên 1,11%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 0,96%/năm giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia mới) giảm 1,1%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 0,7%/năm giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ thất nghiệp thành thị duy trì ở mức dưới 4,3%.
- Đến năm 2015: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong lực lượng lao động đạt 73%; tỷ lệ số xã có đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đạt 100%; tỷ lệ người có bảo hiểm y tế đạt trên 80%; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 10,5; tỷ lệ dược sĩ đại học/vạn dân đạt 2,2; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95%.
- Đến năm 2020: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong lực lượng lao động đạt 89%; tỷ lệ người có bảo hiểm y tế đạt trên 90%; tỉ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 12,0; tỷ lệ dược sĩ đại học/vạn dân đạt 2,5; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 98%.
- Huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 100% trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, ở trung học cơ sở là 95%; 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề; 90% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98% và duy trì tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 là hơn 99,5%.
- Phấn đấu 100% giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông đạt chuẩn về trình độ đào tạo, 40% giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 70% giáo viên cao đẳng và 100% giáo viên đại học các trường trực thuộc tỉnh đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên.
Các cơ sở đào tạo nghề có đủ khả năng tiếp nhận 15% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào năm 2015 và 30% vào năm 2020. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, đặc biệt là chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học.
c) Về bảo vệ môi trường:
- Đến năm 2015: Thu gom 90% chất thải rắn ở đô thị; 100% các khu công nghiệp và các mỏ than, nhà máy, bệnh viện và các trung tâm du lịch có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ che phủ rừng tăng lên 53,5%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95%.
- Đến năm 2020: trên 90% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100%/năm; tỷ lệ che phủ rừng tăng lên 55%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 98%.
- Áp dụng hạn mức ô nhiễm không khí và nguồn nước đối với các khu du lịch và dân cư theo các tiêu chuẩn quốc tế (tiêu chuẩn châu Âu).
d) Về xây dựng nông thôn mới
Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản là tỉnh đạt các tiêu chí về nông thôn mới, 60% các xã cơ bản đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới theo quy định; đến năm 2020 là 80% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; những xã còn lại sẽ đạt tiêu chuẩn nông thôn mới cho tiêu chí phát triển cơ sở hạ tầng và tỷ lệ nghèo đói.
đ) Về đảm bảo an ninh - quốc phòng
Xây dựng quốc phòng vững mạnh, đảm bảo ổn định vững chắc an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tạo bước chuyển biến rõ rệt về trật tự, an toàn xã hội, nếp sống đô thị, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế một cách chủ động tích cực.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Phát triển thương mại dịch vụ và du lịch
- Phát triển nhanh thương mại, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế nhất là với Trung Quốc, là một trong những đầu tàu kinh tế thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh phía Bắc và cả nước.
- Du lịch: Phát triển du lịch một cách toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, trên cơ sở các tài sản vốn có như các di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới, văn hóa riêng của tỉnh; bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa của Quảng Ninh, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại Vịnh Hạ Long; khu di tích danh thắng tại Yên Tử... Phấn đấu đến năm 2020, du lịch là một trong những nguồn tăng trưởng kinh tế chính của Quảng Ninh với lượng du khách đến Quảng Ninh đạt khoảng 10,5 triệu lượt người.
- Thương mại: Phát triển trên cơ sở tận dụng thế mạnh hiện có của tỉnh, tạo ra tác động tích cực tới hoạt động sản xuất và cung cấp thêm nhiều dịch vụ cho xã hội; có sự tham gia của nhiều ngành kinh tế để các ngành phát huy và bổ trợ lẫn nhau; phát triển theo định hướng đô thị hóa bằng cách dần dần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các hoạt động thương mại, bảo vệ môi trường và củng cố hệ thống phúc lợi xã hội tổng thể.
Chú trọng phát triển hoạt động xuất khẩu kết hợp với phát triển thị trường nội địa tại các khu vực nông thôn, đô thị, miền núi và hải đảo. Đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại để nâng cao tính cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển dịch vụ kho vận; phấn đấu đến năm 2020, ngành vận tải và kho vận đóng góp vào GDP lên 11 - 12%.
Thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện và hiện đại hóa ngành dịch vụ tài chính, tín dụng theo đẳng cấp quốc tế, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ tài chính vào GDP tỉnh lên 6 - 7% đến năm 2020.
2. Phát triển công nghiệp, xây dựng:
- Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn tới; phấn đấu đến năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 14%/năm. Thu hút đầu tư nước ngoài đối với ngành công nghiệp lắp ráp và kiểm thử thiết bị điện tử (EMS), chế biến thực phẩm quy mô lớn kết hợp với phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành sản xuất chế biến thực phẩm.
- Khai thác than bền vững, đảm bảo hoạt động khai thác phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch và chất lượng sống. Tập trung nghiên cứu công nghệ khai thác tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, tận thu tối đa nguồn tài nguyên, cải thiện điều kiện cho người lao động; chú trọng giải quyết môi trường. Phấn đấu tăng trưởng giá trị gia tăng ngành than là 3,5%/năm trong giai đoạn đến năm 2015 và 3,1%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020.
- Đảm bảo cung cấp điện bền vững, ổn định và thân thiện với môi trường tới tất cả các hộ gia đình vào năm 2015 để giảm thiểu mức độ lãng phí điện. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành điện tăng trưởng với tốc độ 25,3%/năm trong giai đoạn đến năm 2015 và 22,1%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020.
- Tiếp tục duy trì phát triển các tiểu ngành như: Khai thác khoáng sản phi kim loại (vật liệu xây dựng); gốm sứ và hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt để hỗ trợ ngành du lịch; ngành sản xuất vật liệu xây dựng và ngành cơ khí. Tỷ lệ tăng trưởng ngành sản xuất vật liệu xây dựng ở mức 10%/năm tới năm 2020.
3. Phát triển nông nghiệp:
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng hóa sản phẩm nhằm phục vụ hỗ trợ cho ngành du lịch thông qua các mặt hàng nông sản, ẩm thực... đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông thôn.
- Từng bước hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao. Xây dựng các cơ sở cung cấp giống cây trồng, vật nuôi nhằm chủ động trong việc cung cấp các loại giống chất lượng tốt, tạo ra sản phẩm có giá trị cao trong ngành. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng các cây có giá trị kinh tế cao đồng thời duy trì một tỉ lệ thích hợp các cây lương thực, đặc biệt là cây lúa, để đảm bảo an ninh lương thực. Phấn đấu đến năm 2020 tăng trưởng ngành trồng trọt khoảng 8%/năm, duy trì từ 20.000 đến 25.000 ha đất trồng lúa (19.000 ha là đất lúa 2 vụ), tăng diện tích đất gieo trồng từ 70.400 ha lên 80.000 ha, chuẩn hóa kỹ thuật trồng lúa để tăng năng suất thêm 1,3 tấn/ha.
- Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa để đưa ngành chăn nuôi (lợn và gia cầm) trở thành một động lực tăng trưởng, chiếm tỷ trọng cao hơn trong ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, phát triển đàn lợn đạt 1,7 triệu con/năm trên cơ sở phát triển khu chăn nuôi tổng hợp tại Hải Hà.
- Hình thành 2 vùng sản xuất lâm nghiệp: Vùng cây nguyên liệu gỗ cho chế biến phục vụ xuất khẩu, cung cấp gỗ mỏ cho ngành than, gỗ xây dựng; vùng cây lâm nghiệp đặc sản phục vụ xuất khẩu (quế, hồi, thông nhựa). Phấn đấu đến năm 2020, độ che phủ rừng trên toàn tỉnh đạt khoảng 55%. Kết hợp giữa phát triển kinh tế rừng với mục tiêu giảm nghèo bền vững.
- Phát triển ngành thủy sản toàn diện và bền vững trên tất cả các lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng và chế biến, nhất là công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu đối với những mặt hàng chất lượng cao. Đảm bảo bảo vệ môi trường vùng biển và ven biển, đặc biệt là môi trường cho các hoạt động du lịch. Phấn đấu đến năm 2020, tăng sản lượng đánh bắt thêm 60.000 tấn, giá trị gia tăng từ nuôi trồng thủy sản gấp 4 lần, tiếp tục phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản ven bờ khoảng 18.400 ha.
4. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
a) Giáo dục và đào tạo:
- Tập trung ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao, kêu gọi đầu tư xây dựng trường đại học đa ngành Hạ Long thành trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài xây dựng trường đại học quốc tế tại khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái để đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu cho các khu vực lân cận. Hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo có uy tín trong và ngoài nước trong các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh như phát triển kinh tế xanh, kinh tế biển và dịch vụ để nâng cao chất lượng giáo viên và chương trình học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao phục vụ giảng dạy ở tất cả các cấp học, ngành học, nhất là học ngoại ngữ và tự học.
- Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu về nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dạy nghề theo nhu cầu thị trường; chú trọng dạy nghề cho lao động khu vực nông thôn. Tiếp tục hỗ trợ phát triển giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách để từng bước bảo đảm công bằng trong giáo dục.
b) Y tế
- Thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào y tế, nghiên cứu xây dựng bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế ở Hạ Long, Vân Đồn và Móng Cái, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất dược phẩm; thành lập các khu vực bảo tồn và sản xuất các loại cây thuốc có giá trị ở Ba Chẽ, Bình Liêu, Đông Triều, Hoành Bồ và vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử; xây dựng các bệnh viện chuyên khoa mới bao gồm một bệnh viện lão khoa kết hợp với một viện dưỡng lão ở Hạ Long, một bệnh viện mắt; xây dựng các bệnh viện mới cho các xã đảo; phấn đấu đến năm 2015, 100% các trạm y tế xã được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt tiêu chí Quốc gia.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực phòng bệnh, khám bệnh và sản xuất thuốc để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các cơ quan cứu trợ khác để nâng cao kết quả chăm sóc bà mẹ và trẻ em, chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu; tiếp tục nghiên cứu áp dụng các ý tưởng sáng tạo để thực hiện dịch vụ y tế trên quy mô lớn với chi phí thấp, đặc biệt là tại những vùng sâu, vùng xa.
- Phát triển mạng lưới y tế dự phòng và kiểm soát dịch, bệnh tật; tăng cường y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện để chăm sóc tốt sức khỏe của người dân nhất là người nghèo, dân tộc thiểu số....
c) Văn hóa, thể thao và thông tin truyền thông
- Về văn hóa: Nghiên cứu số hóa tất cả các văn bản có giá trị trong thư viện; phấn đấu hoàn thành các công trình văn hóa phục vụ phát triển du lịch gồm: Thư viện - Bảo tàng Quảng Ninh, Trung tâm tổ chức Hội chợ và Cung triển lãm quy hoạch tỉnh, Bảo tàng sinh thái Hạ Long, Cung văn hóa thiếu nhi, Công viên hoa Hạ Long, cụm công trình Văn hóa núi Bài Thơ....
Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, khai thác, phát huy có hiệu quả văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn; tăng cường quản lý nhà nước, tạo môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Coi trọng phát triển ngành công nghiệp giải trí trên cơ sở phát triển các sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc trưng, tiêu biểu nhằm phục vụ nhân dân nhất là khách du lịch.
- Về thể thao: Tiếp tục tập trung nguồn lực vào các môn thể thao thế mạnh của tỉnh. Đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cho những khu phức hợp thể thao lớn với hệ thống trang thiết bị thi đấu và luyện tập đồng bộ; trang bị cơ bản cho những huyện còn khó khăn; tiếp tục xây dựng Trung tâm Thể thao vùng Đông Bắc tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để phục vụ không chỉ nhu cầu của tỉnh mà cả vùng Đông Bắc Việt Nam. Xây dựng mới Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao để thực hiện mục tiêu đào tạo vận động viên thi đấu thể thao thành tích cao của tỉnh.
- Phấn đấu tỉnh đứng trong tốp 15 trong các Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc; đến năm 2015, 100% các trường trong tỉnh được triển khai chương trình giáo dục thể chất toàn diện.
d) Thông tin truyền thông:
- Phát triển hạ tầng truyền thông, đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ internet công cộng, rút ngắn khoảng cách về công nghệ số; tăng cường các dịch vụ chính quyền điện tử, thành lập các “trung tâm công nghệ” cung cấp dịch vụ internet cộng đồng với chi phí thấp; nghiên cứu áp dụng công nghệ không dây mới như WiMax, công nghệ truyền thông quang qua không gian; nâng cao nhận thức và năng lực của các cộng đồng địa phương trong việc sử dụng mạng internet.
- Phấn đấu đến năm 2014, hoàn thiện hạ tầng và các cấu phần lõi của dịch vụ chính quyền điện tử; xây dựng Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh và 6 trung tâm cấp huyện cho 4 thành phố là Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, huyện Vân Đồn và thị xã Quảng Yên; sau năm 2014 phấn đấu các thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, dần dần nâng tiêu chuẩn dịch vụ lên cấp 4.
- Xây dựng Đài phát thanh truyền hình tỉnh hiện đại, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ đồng bộ và tháp truyền hình để nơi này là trung tâm sản xuất phát thanh truyền hình. Trong giai đoạn từ 2015 - 2020 sẽ từng bước số hóa truyền hình trên toàn tỉnh theo quy hoạch về số hóa truyền hình toàn quốc; xây dựng tòa soạn Báo theo hướng báo điện tử, hội tụ công nghệ, tích hợp nhiều loại hình báo chí (truyền hình, phát thanh, báo in...); đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới toàn diện của Báo; tăng cường phát hành báo in đến các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
5. Phát triển kết cấu hạ tầng
a) Hạ tầng giao thông:
- Đường bộ: Đầu tư xây dựng các tuyến đường huyết mạch để kết nối nội tỉnh cũng như với các địa phương khác trong cả nước và quốc tế phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực trong từng giai đoạn gồm: Đường nối Hạ Long với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (còn gọi là đường Hạ Long - Hải Phòng); đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; nâng cấp Đường Quốc lộ 18; xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; nâng cấp đường quốc lộ 4B, xây dựng cầu Vân Tiên nối Vân Đồn với Tiên Yên, các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Vân Nam Trung Quốc.
Hoàn thành tuyến đường từ khu công nghiệp Việt Hưng đến cảng Cái Lân; nâng cấp mạng lưới tỉnh lộ để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, trong đó tập trung ưu tiên phát triển tuyến nối Hòn Gai, Bãi Cháy và Tuần Châu; tuyến nối Hạ Long với Yên Tử với Cửa Ông - Cẩm Phả, nối dài tới Đông Triều để trở thành “Tuyến đường lịch sử” nhằm khai thác hệ thống di tích lịch sử từ thời nhà Trần.
- Đường sắt: Trong giai đoạn đến năm 2020, ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Cái Lân, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các tuyến Hạ Long - Móng Cái, Uông Bí - Lạch Huyện và Lạng Sơn - Mũi Chùa vào giai đoạn đến năm 2030.
- Cảng: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng biển tại cảng Cái Lân đồng thời quản lý các tác động về mặt môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng hiện tại và nghiên cứu phát triển mở rộng đến năm 2020 phù hợp với yêu cầu thực tế; nghiên cứu đánh giá phương án chuyển đổi cảng Cẩm Phả thành cảng tổng hợp để tận dụng công suất dư thừa (do điều chỉnh hoạt động xuất khẩu than), nghiên cứu phát triển cảng nước sâu tại khu vực Hòn Nét, Con Ong; phát triển cảng Tiền Phong để kết nối khai thác hiệu quả cảng Lạch Huyện - Hải Phòng và phục vụ khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc khi có đủ điều kiện đồng thời tranh thủ cơ hội từ hoạt động thương mại và dịch vụ cảng biển của tổ hợp cảng Lạch Huyện - Tiền Phong; phát triển cảng Hải Hà khi các điều kiện về thị trường, quy mô sản xuất và các điều kiện kết nối thương mại được bảo đảm; phát triển cảng Hòn Gai thành cảng khách du lịch quốc tế.
- Đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn trong thời gian tới theo quy hoạch và được tiếp tục mở rộng đến trước năm 2030.
b) Hạ tầng cấp điện:
- Đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định cho những khu vực chiến lược, bao gồm các khu công nghiệp và các điểm du lịch lớn. Nâng cấp khả năng tiếp cận lưới điện quốc gia cho hầu hết các khu vực của tỉnh nhằm nâng cao dịch vụ công cộng, cải thiện mức sống cho người dân vùng nông thôn. Triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Kế hoạch phát triển lưới điện quốc gia với 55 dự án cấp điện cho các thôn; tiếp tục thực hiện các kế hoạch mở rộng lưới điện quốc gia đang được triển khai tại các làng xã nông thôn trên các đảo ở Vân Đồn và Hải Hà.
c) Hạ tầng cấp nước:
- Ưu tiên đầu tư các dự án cấp nước cho các khu vực: Khu vực phía Đông Hạ Long thành phố Cẩm Phả; phía Tây Hạ Long - Hoành Bồ - Uông Bí; khu vực Đông Triều - Mạo Khê; cấp nước khu vực Móng Cái và cấp nước cho các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh, đặc biệt khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, khu công nghiệp dịch vụ Đầm Nhà Mạc.
- Nghiên cứu lập kế hoạch đối với các dự án cấp nước sau đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng: Dự án nhà máy cấp nước gần sông Thái Bình; Dự án nhà máy cấp nước và làm hồ phía Đông thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông, Mông Dương và Vân Đồn; Dự án nhà máy cấp nước cho Hải Hà, Móng Cái và Trà Cổ; Dự án đập Lưỡng Kỳ để tăng công suất hiện tại của nhà máy nước Hoành Bồ hiện có; Dự án Nhà máy cấp nước thị xã Quảng Yên đặt tại phường Minh Thành; Dự án Nhà máy cấp nước khu vực đảo Hà Nam phục vụ 08 xã đảo Hà Nam và Khu công nghiệp dịch vụ tổng hợp - du lịch Đầm Nhà Mạc, dịch vụ thương mại cảng Tiền Phong.
6. Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế
a) Khu công nghiệp:
Tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển 6 khu công nghiệp sau, đảm bảo phát triển các khu công nghiệp này thành những trung tâm sản xuất.
- Khu công nghiệp Cái Lân: Duy trì tỷ lệ lắp đầy 100%, thường xuyên nâng cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo các nhà đầu tư thứ cấp tiếp tục thuê đất đầu tư tại khu công nghiệp này.
- Khu công nghiệp Việt Hưng: Xây dựng trở thành một khu công nghiệp sạch chuyên dụng với hạ tầng kỹ thuật, xã hội và nhà ở phát triển đồng bộ; tập trung phát triển các ngành công nghiệp đột phá như ngành dịch vụ sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử (EMS), ngành sản xuất chế biến thực phẩm và nước uống để thu hút các tập đoàn sản xuất chế biến lớn trong và ngoài nước; đồng thời đảm bảo hoàn thiện đường giao thông kết nối đến Cảng Cái Lân để tăng tính cạnh tranh.
- Khu công nghiệp Hoành Bồ: Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tiềm năng để phát triển cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp.
- Khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc: Phát triển nhằm cung cấp dịch vụ hậu cần và vận chuyển phục vụ nhu cầu dự kiến của tổ hợp cảng Tiền Phong - Lạch Huyện và khu công nghiệp Đình Vũ tại Hải Phòng; đồng thời góp phần khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long.
- Khu công nghiệp Hải Yên: Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là trong các lĩnh vực đang có thế mạnh như sản xuất dệt may và may mặc.
- Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà: Phát triển đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong ngành sản xuất công nghiệp nặng và sản xuất công nghệ cao.
- Các khu công nghiệp còn lại sẽ được phát triển theo thời gian và lộ trình thực tiễn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
b) Phát triển các khu kinh tế:
- Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái: Phát triển thành khu vực kinh tế cửa ngõ giữa Trung Quốc - ASEAN cho các hoạt động về thương mại, du lịch và sản xuất.
- Khu kinh tế Vân Đồn: Xây dựng phát triển trở thành khu kinh tế đặc biệt với bộ máy tổ chức hành chính phù hợp; là khu vực phát triển năng động, văn minh, hiện đại; là trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp cao cấp về tài chính, ngân hàng, viễn thông; là một cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo thế đan xen lợi ích góp phần bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
7. Bảo vệ môi trường
a) Phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia về giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính và tăng cường sử dụng năng lượng sạch và xanh. Thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát và điều chỉnh các quy hoạch ngành hiện tại, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi các hoạt động kinh tế theo hướng từ “nâu” sang “xanh” và giảm nhẹ các tác động đến môi trường.
- Tăng cường phòng tránh ô nhiễm, trước mắt tập trung giảm ô nhiễm không khí, nước và đất mà không giảm sản lượng công nghiệp, đầu tư phát triển hệ thống quan trắc tự động nhằm cải thiện công tác quan trắc, đánh giá số liệu và có biện pháp khắc phục khi cần thiết. Đến năm 2015, đảm bảo đạt tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam về chất lượng không khí và chất lượng nước.
- Giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường các biện pháp khắc phục, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Thay đổi phương pháp tưới tiêu kết hợp với hệ thống phân phối nước hiệu quả hơn để đảm bảo giảm thiểu thất thoát nước trong quá trình phân phối; điều chỉnh phương pháp canh tác để đạt hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp; áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả cấp nước sinh hoạt và công nghiệp nhằm giảm áp lực về nhu cầu sử dụng nước và bảo vệ môi trường nước.
b) Bảo tồn đa dạng sinh học: Thực hiện đầy đủ các nội dung của kế hoạch hành động đa dạng sinh học đã được phê duyệt;
c) Bảo vệ môi trường xuyên biên giới:
- Đầu tư xây dựng năng lực thể chế, chính sách và trang thiết bị tiên tiến trong cảnh báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Tập trung vào các biện pháp ngăn ngừa việc vận chuyển trái phép chất thải, du nhập sinh vật ngoại lai; thực hiện nghiêm các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
- Tăng cường công tác quan trắc với công nghệ cao, đánh giá các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới tại các khu vực cửa sông ven biển biên giới với Trung Quốc.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường xuyên biên giới.
- Xây dựng các thỏa thuận hợp tác và trao đổi khoa học, công nghệ về các vấn đề môi trường biên giới với Trung Quốc. Hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế trong việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu.
8. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng
Xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững mạnh của vùng Đông Bắc tổ quốc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Tiếp tục tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn của địa phương. Phát triển kinh tế xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng an ninh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
IV. TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KINH TẾ - XÃ HỘI
Tổ chức không gian lãnh thổ Quảng Ninh theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh Tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Theo định hướng này, Hạ Long là tâm, hai tuyến đa chiều là tuyến hành lang phía Tây và tuyến hành lang phía Đông, hai mũi đột phá là khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái.
1. Vùng trung tâm (thành phố Hạ Long):
Phát triển thành phố Hạ Long thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh để xứng tầm là một trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế trong tương lai; trở thành một thành phố đô thị hiện đại trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Phát triển thành phố Hạ Long gắn liền với công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa của Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Không gian thành phố sẽ được phát triển mở rộng về phía Tây và phía Bắc, trong phía Tây là khu Bãi Cháy sẽ tập trung phát triển du lịch; phía Đông là khu Hòn Gai là trung tâm hành chính và thương mại.
2. Tuyến hành lang phía Tây: Phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến đường từ Hạ Long đi Hà Nội, Hải Phòng; phát triển các ngành công nghiệp xanh và du lịch tâm linh trên cơ sở truyền thống văn hóa và lịch sử của vùng, theo định hướng:
- Hiện đại hóa ngành khai thác than và sản xuất điện theo hướng sản xuất xanh, sạch nhằm đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ khai thác than như cơ khí, sửa chữa phương tiện vận tải.
- Đa dạng hóa ngành vật liệu xây dựng ở Đông Triều để sản xuất các sản phẩm có giá trị cạnh tranh như gạch lát, kính xây dựng; phát triển du lịch văn hóa và lịch sử ở Uông Bí, Quảng Yên và Đông Triều.
- Phát triển cụm công nghiệp ở Quảng Yên, tập trung vào sản xuất, sửa chữa tàu, các dịch vụ thương mại và kho vận cũng như chế biến hải sản gắn với các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Nghiên cứu xây dựng “Thành phố thông minh” tại Quảng Yên gồm các khu chức năng: Khu đô thị, khu công nghiệp công nghệ cao và thân thiện với môi trường, khu mậu dịch tự do, các cơ sở nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao,... được triển khai theo lộ trình phát triển khu công nghiệp hiện đại - khu đô thị thông minh.
- Phát triển kinh tế lâm nghiệp tại Hoành Bồ và Ba Chẽ kết hợp du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, khai thác môi trường rừng, bản sắc văn hóa dân tộc và lợi thế gần các trung tâm du lịch Hạ Long và Vân Đồn. Hình thành vùng cung cấp thực phẩm tại Hoành Bồ, tham gia vào dây chuyền cung cấp rau, hoa cao cấp và các loại thị gia súc gia cầm. Nghiên cứu chuyển các hoạt động công nghiệp từ Hạ Long và Cẩm Phả đến Hoành Bồ và Ba Chẽ để tạo thêm không gian phát triển đô thị cho Hạ Long và Cẩm Phả.
3. Tuyến hành lang phía Đông: Tập trung phát triển hai Khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái theo định hướng sau:
a) Khu kinh tế Vân Đồn:
- Dịch vụ, du lịch: Phát triển du lịch biển - đảo cao cấp gắn với công nghiệp giải trí tiên tiến, hiện đại có casino để tạo điều kiện thúc đẩy các ngành nghề và dịch vụ khác phát triển như: Mua sắm, thời trang, biểu diễn nghệ thuật, phim trường, mỹ thuật, thể thao và các khu vực giải trí hiện đại đặc thù khác; phát triển Trung tâm du thuyền và dịch vụ cảng du lịch. Phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao, trung tâm dịch vụ cao cấp về tài chính, ngân hàng, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông quốc tế.
- Công nghiệp: Phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, truyền thông, điện tử,...) hướng vào phục vụ phát triển du lịch, công nghiệp giải trí và xuất khẩu.
- Nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao hướng vào phục vụ nhu cầu dịch vụ du lịch; đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thủy sản, phát triển tài nguyên rừng bền vững gắn với du lịch; xây dựng và phát triển đội tàu đánh bắt phù hợp, kết hợp phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh bảo vệ quyền và chủ quyền trên biển.
b) Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái:
- Dịch vụ du lịch: Phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ đối tượng du khách qua cửa khẩu với Trung Quốc như khu vui chơi giải trí, ẩm thực, trung tâm mua bán...; đầu tư các điểm du lịch đáp ứng nhu cầu của gia đình để khai thác du khách Trung Quốc từ các khu vực gần biên giới.
- Dịch vụ thương mại: Phát triển theo hướng dịch vụ vận tải và kho vận để phấn đấu trở thành một trong những trung tâm thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc.
- Công nghiệp, sản xuất: Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có quy mô lớn trong ngành dệt may thời trang để lấp đầy khu công nghiệp Hải Yên; nghiên cứu phát triển khu nuôi lợn và chế biến thịt lợn tổng hợp có quy mô lớn.
c) Các huyện thị khác:
- Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường của ngành khai thác khoáng sản, đảm bảo cho phát triển bền vững.
- Phát triển lâm nghiệp bền vững, chế biến gỗ theo phương thức tạo giá trị gia tăng, chuyển đổi cây trồng ngắn ngày giá trị thấp sang các cây lâu năm giá trị cao hơn; nghiên cứu phương án chuyển sang sản xuất các mặt hàng giá trị cao như sản xuất đồ gia dụng từ nguồn nguyên liệu lâm nghiệp phục vụ xuất khẩu và phục vụ cho du khách.
- Nông nghiệp: ứng dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại trong sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm hữu cơ và đặc sản có chứng chỉ, thương hiệu; phát triển trồng trọt và chăn nuôi gắn với chế biến sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn tại Hải Hà.
- Thương mại, dịch vụ du lịch: Phát triển hoạt động biên mậu, đặc biệt với hàng tiêu dùng và nông sản tại các khu vực cửa khẩu Bình Liêu và Hải Hà; phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại Bình Liêu trên cơ sở khai thác cảnh quan độc đáo của Bình Liêu với khí hậu ôn hòa, địa hình rừng đồi để phát triển nhiều loại sản phẩm du lịch và khu nghỉ dưỡng độc đáo; xem xét phát triển hình thức du lịch văn hóa với những giai điệu dân gian, các lễ hội truyền thống.
- Phát triển kinh tế biển bền vững; tập trung tại các vùng biển đảo của tỉnh, đặc biệt tại huyện đảo Cô Tô theo hướng tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm: Đánh bắt cá chất lượng cao, xa bờ; dịch vụ hậu cần, cung cấp nhiên liệu và nhu yếu phẩm, khai thác các đảo và vùng nước nguyên sơ để phát triển du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
4. Phát triển mạng lưới đô thị:
- Giai đoạn đến năm 2015: Nâng cấp thành phố Móng Cái lên đô thị loại II; phát triển mở rộng và kết nối đô thị Mạo Khê và Đông Triều của huyện Đông Triều đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; nâng cấp thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên) nâng cấp lên đô thị loại IV, xây dựng Tiên Yên trở thành đô thị trung tâm tiểu vùng có chức năng tổng hợp, liên kết, hỗ trợ với các trung tâm vùng và là khu vực trung chuyển hàng hóa qua biên giới, dịch vụ hậu cần cho các khu kinh tế Móng Cái, Vân Đồn.
- Giai đoạn đến năm 2020: Nâng cấp thành phố Cẩm Phả lên đô thị loại II; các thị trấn Trới (Hoành Bồ), Cô Tô (huyện Cô Tô) nâng cấp lên đô thị loại IV.
Nghiên cứu nâng cấp thị trấn Quảng Hà (Hải Hà), thị trấn Đầm Hà, thị trấn Bình Liêu lên đô thị loại IV, đô thị Quảng Yên lên đô thị loại III, thành lập mới đô thị Hoành Mô (Bình Liêu) khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
V. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
Danh mục các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm được trình bày trong Phụ lục kèm theo.
VI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về nguồn lực
a) Huy động các nguồn vốn đầu tư
Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn đến năm 2020 dự kiến từ 580 - 600 nghìn tỷ đồng; để thu hút đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu này, cần tập trung vào các giải pháp cụ thể sau đây:
- Triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp nhằm huy động các nguồn vốn, trong đó nguồn nội lực là chủ yếu, các nguồn đầu tư trong nước đóng vai trò làm đòn bẩy tăng trưởng chính của tỉnh.
- Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn ODA) dự kiến sẽ đáp ứng được 16,6% tổng nhu cầu vốn đầu tư chủ yếu dành cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội. Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch, phân kỳ đầu tư phù hợp để đảm bảo vốn cho các công trình, các dự án trọng điểm. Tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương thông qua các chương trình phát triển và các cơ chế chính sách ưu đãi.
- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng hơn. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình v.v. tham gia đầu tư phát triển kinh tế. Nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư, chú trọng huy động nguồn vốn từ khai thác quỹ đất. Phấn đấu các thành phần kinh tế trong nước đáp ứng 46,8% tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội.
- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đáp ứng 36,6% tổng nhu cầu còn lại thông qua các biện pháp cải thiện năng lực các cơ quan xúc tiến đầu đầu tư; chủ động tìm hiểu, tiếp cận và giới thiệu các dự án đến nhà đầu tư tiềm năng, tích cực tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Cải thiện môi trường đầu tư trước và sau khi cấp giấy phép; phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư FDI lên tối thiểu 60%.
b) Phát triển nguồn nhân lực:
- Phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực cho việc chuyển dịch cơ cấu việc làm từ các hoạt động nông nghiệp và khai thác khoáng sản sang các ngành dịch vụ và công nghiệp; trong giai đoạn đến năm 2020, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp và khai thác khoáng sản sẽ giảm từ khoảng 60% xuống còn xấp xỉ 40%, tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp tăng từ 15% lên khoảng 25% và tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ sẽ tăng từ 5% lên khoảng 20% trong tổng lực lượng lao động.
- Phát triển nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế đang tăng trưởng, thực hiện thông qua thu hút lao động nhập cư và tăng cường đào tạo cho người lao động. Cụ thể:
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện. Nghiên cứu xây dựng các giải pháp để thu hút lao động có tay nghề cho các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất lắp ráp thiết bị điện tử, các ngành cần có tay nghề cao; thu hút lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu phát triển các dịch vụ du lịch, thương mại và các ngành nghề không đòi hỏi tay nghề cao.
Đào tạo sinh viên mới ra trường và người lao động có kinh nghiệm thông qua các chương trình đào tạo nghề được hình thành từ các vị trí việc làm mới; đảm bảo sinh viên mới ra trường được trang bị những kỹ năng phù hợp để có thể làm việc ngay mà không cần đào tạo thêm nhiều; nâng cao tay nghề của đội ngũ lao động cho các công việc hiện tại thông qua tăng năng suất lao động và năng lực.
c) Về sử dụng đất:
Triển khai thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) trên nguyên tắc ưu tiên triển khai đất hiệu quả hơn theo mục đích sử dụng nhằm đảm bảo những dự án ưu tiên sẽ không bị chậm trễ. Coi trọng đánh giá hiệu quả sử dụng đất một cách thường xuyên, liên tục và kịp thời.
2. Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ, môi trường:
- Thu hút các ngành công nghiệp và công đoạn sản xuất sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ sạch, năng suất cao như: Đầu tư vào các nhà máy lắp ráp và đóng gói hàng điện tử quy mô lớn, mở rộng ngành chế biến thực phẩm, sản xuất nhiệt điện và khai thác than bằng công nghệ sạch.
- Tăng năng suất và hiệu quả của các hoạt động kinh tế xã hội hiện tại theo hướng phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng và cải tiến khoa học công nghệ thay vì tăng lao động cơ học, vốn và tài nguyên thiên nhiên; áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại có thể tăng sản lượng nông nghiệp thay vì tăng lực lượng lao động hay diện tích canh tác; công nghệ internet có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và kết nối hiệu quả với khách hàng; giải pháp chính quyền điện tử sẽ nâng cao hiệu quả của chính quyền nhờ giảm bớt thời gian trình nộp và xử lý hồ sơ.
- Cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục và nâng cao mức sống với chi phí thấp: Áp dụng giải pháp dựa trên công nghệ như các trạm y tế di động, tổng đài y tế và các lớp học điện tử để cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục cho người dân với chi phí hoạt động thấp hơn, đồng thời phục vụ được nhiều nhóm dân cư, kể cả tại vùng sâu vùng xa, chỉ cần nơi đó có internet hay điện thoại với sự hỗ trợ bằng các dịch vụ y tế giáo dục trực tiếp chất lượng cao.
- Bảo vệ môi trường hiệu quả hơn: ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong các quá trình sản xuất kinh doanh nhằm giảm thiểu được tác động tiêu cực lên môi trường như: Vận tải than bằng băng chuyền kín để ngăn chặn bụi, áp dụng kỹ thuật đốt than hiệu quả cao trong các nhà máy nhiệt điện để cắt giảm lượng khí thải...
3. Giải pháp về hợp tác vùng, quốc gia và quốc tế:
Tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng, trong cả nước và quốc tế là một ưu tiên quan trọng để khai thác các lợi thế cạnh tranh của tỉnh và mở rộng thị trường cũng như thu hút đầu tư, nguồn nhân lực.
a) Hợp tác vùng và quốc gia:
- Hợp tác với Hải Phòng: ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng như: Nâng cấp đường bộ từ Hạ Long đi trung tâm Hải Phòng và sân bay Cát Bi; phát triển khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc ở thị xã Quảng Yên gắn với cảng Lạch Huyện và khu công nghiệp Đình Vũ của Hải Phòng; liên kết phát triển cảng Tiền Phong và cảng Lạch Huyện trong các lĩnh vực cung cấp phương tiện vận tải, kho vận, đóng gói và lưu giữ hàng hóa. Phát triển các tour du lịch kết hợp quần thể Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, đảo Cát Bà.
- Hợp tác với Hà Nội: Để thu hút đầu tư và lao động tay nghề cao; phát triển giáo dục, đào tạo, kinh tế, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường; nâng cấp quốc lộ 18 đi Hà Nội và sân bay Nội Bài để thu hút du lịch, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch; nâng cấp đường sắt từ Cái Lân đi Yên Viên. Phát triển các sản phẩm du lịch hỗ trợ bao gồm Hà Nội, Nhà Trần (Đông Triều), Yên Tử, Vịnh Hạ Long, Cửa Ông (Cẩm Phả) và Vịnh Bái Tử Long.
- Hợp tác với các địa phương lân cận và các vùng trong cả nước trong lĩnh vực: Tạo việc làm và cung cấp dịch vụ đào tạo nhân lực cho lao động; cung cấp dịch vụ cảng biển cho các tỉnh lân cận ở vùng đông bắc Việt Nam như Lạng Sơn, Bắc Giang; đảm bảo, cung cấp dịch vụ thương mại quốc tế kết nối các địa phương khác trong cả nước với Trung Quốc qua Móng Cái.
b) Hợp tác quốc tế:
Phát huy các quan hệ vốn có giữa tỉnh Quảng Ninh với Trung Quốc, Hàn Quốc; mở rộng hợp tác với những đối tác khác như: Hong Kong, Macau, Trùng Khánh (Trung Quốc), các địa phương thuộc diễn đàn Du lịch Đông Bắc Á; các đối tác truyền thống thuộc Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Quảng Ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á; các tỉnh, thành phố ở châu Âu, châu Mỹ có điều kiện tương đồng với tỉnh Quảng Ninh.
VII. TỔ CHỨC VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt, Tỉnh cần tổ chức công bố, phổ biến đến các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh. Căn cứ nội dung của Quy hoạch, tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện và giám sát, kiểm tra đạt kết quả.
2. Cụ thể hóa các mục tiêu Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện và có đánh giá kết quả đạt được. Trên cơ sở đó tiến hành rà soát lại Quy hoạch và trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung kịp thời đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ. Nghiên cứu, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; các địa phương và các quy hoạch chi tiết, xây dựng các kế hoạch để thực hiện quy hoạch đạt kết quả và hiệu quả cao. Các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Quy hoạch.
3. Công tác tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch cần được đổi mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và thông lệ quốc tế. Bố trí bộ máy lãnh đạo tâm huyết, cán bộ đủ năng lực với cơ chế quản lý mạnh và độc lập để triển khai thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là định hướng cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác), các dự án đầu tư trên địa bàn của Tỉnh theo quy định.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh căn cứ những mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong quy hoạch này, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực Hiện theo quy định các nội dung sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị xã, quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực trong Tỉnh để đảm bảo sự phát triển toàn diện và đồng bộ.
2. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và luật pháp của nhà nước trong từng thời kỳ nhằm thu hút, huy động các nguồn lực thực hiện Quy hoạch.
3. Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể ưu tiên để có kế hoạch bố trí vốn đầu tư phù hợp.
Điều 4. Giao các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
2. Phối hợp với tỉnh Quảng Ninh trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch; trong việc nghiên cứu xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng giai đoạn; hỗ trợ Tỉnh trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch. Đẩy nhanh đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất Vùng và có vai trò quan trọng, động lực đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh đã được quyết định đầu tư.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 269/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG
NINH GIAI ĐOẠN 2013 - 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT |
TÊN DỰ ÁN |
A |
CÁC DỰ ÁN DO TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN |
1 |
Đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long |
2 |
Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái |
3 |
Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân |
4 |
Mở rộng Quốc lộ 4B |
5 |
Cầu Vân Tiên |
6 |
Sân bay Vân Đồn |
7 |
Hệ thống cảng biển: Tiền Phong, Cái Lân, Hải Hà, Hòn Gai |
8 |
Kè sông, suối biên giới; hệ thống đê biển; hồ chứa nước trên các xã đảo |
9 |
Hạ tầng các Khu kinh tế cửa khẩu; khu kinh tế ven biển |
10 |
Trung tâm thể thao Vùng Đông Bắc tại Thành phố Hạ Long |
11 |
Dự án di đời, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long |
B |
CÁC DỰ ÁN DO TỈNH QUẢN LÝ |
1 |
Các tuyến đường nối từ đường cao tốc đến Trung tâm các huyện, thị xã, thành phố |
2 |
Các tuyến đường nối từ đường cao tốc đến các Khu kinh tế, Khu công nghiệp và hệ thống cảng biển |
3 |
Các tuyến đường giao thông liên huyện; hệ thống cảng sông và các bến cập tàu tại các các xã ven biển |
4 |
Các dự án ODA về môi trường, phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; y tế, giáo dục và môi trường |
5 |
Xây dựng bệnh viện Quốc tế Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái; nâng cấp hệ thống Bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh; bệnh viện tuyến huyện và xây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế xã, phường |
6 |
Các dự án: Trường đại học đa ngành Hạ Long; các trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở đào tạo cao đẳng, trung cấp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh |
7 |
Các dự án về lĩnh vực văn hóa, thể thao như: Bảo tàng, thư viện, Cung triển lãm các quy hoạch: Trung tâm thể thao của tỉnh |
8 |
Các dự án hệ thống kênh mương, hồ đập thủy lợi |
9 |
Hệ thống cấp, thoát nước các khu đô thị, các khu kinh tế |
10 |
Các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các Khu công nghiệp, khu kinh tế và hệ thống đường cao tốc |
11 |
Các dự án thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh |
C |
CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ |
I |
HẠ TẦNG |
1 |
Đường Hạ Long - Hải Phòng có quy mô tương đương đường cao tốc |
2 |
Nâng cấp Quốc lộ 18 từ Đông Triều đi thành phố Cẩm Phả (các đoạn còn lại) |
3 |
Đường nối khu công nghiệp Việt Hưng với cảng Cái Lân |
4 |
Cảng Cái Lân - mở rộng cảng |
5 |
Khu phi thuế quan, khu công nghiệp sạch tại khu kinh tế Vân Đồn |
6 |
Đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp: Việt Hưng, Hải Hà, Quán Triều, Đầm Nhà Mạc |
7 |
Đầu tư xây dựng các sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại các địa bàn: Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái, Cô Tô |
II |
DU LỊCH |
1 |
Xây dựng hệ thống khách sạn 4-5 sao chuẩn quốc tế (7.500 phòng) và dự án tàu ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long (2.500 phòng) |
2 |
Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, trong đó có hạng mục casino |
3 |
Xây dựng một khu đi bộ ven biển tại Bãi Cháy |
4 |
Dự án phát triển sản phẩm du lịch nâng cấp trải nghiệm tại làng chài trên Vịnh Hạ Long |
5 |
Dự án xây dựng các khu du lịch hạng sang khép kín tại Vịnh Bái Tử Long (du thuyền; leo núi đá; nghỉ dưỡng; hội nghị, hội thảo...) |
6 |
Khôi phục các mỏ than đã đóng cửa trở thành các địa điểm du lịch hấp dẫn (có thể biến thành bảo tàng ngành than, vườn bách thảo hay hồ nước) |
7 |
Khu nghỉ dưỡng tổng hợp và hệ thống giải trí gia đình |
8 |
Thành lập trường đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn |
9 |
Xây dựng các dự án phát triển phi trường, thời trang, biểu diễn nghệ thuật trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long |
III |
MÔI TRƯỜNG |
1 |
Xây dựng các nhà máy thu gom/xử lý nước thải, rác thải, chất thải rắn tại các địa phương |
2 |
Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường |
3 |
Xây dựng hệ thống thu gom xử lý chất thải và nước thải tại các mỏ than |
4 |
Dự án xử lý nước thải, chất thải tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế |
5 |
Các dự án cải tạo và phục hồi môi trường tại bãi thải và các khu khai thác than |
6 |
Các dự án xử lý ô nhiễm môi trường trên Vịnh Hạ Long |
IV |
THƯƠNG MẠI |
1 |
Xây dựng các Trung tâm thương mại lớn tại các thành phố và thị xã |
2 |
Khu thương mại ở Móng Cái, bao gồm một Trung tâm thương mại quốc tế |
V |
CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO |
1 |
Đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp: Việt Hưng, Hoành Bồ, Hải Yên, Cái Lân, Đầm Nhà Mạc và khu công nghiệp cảng biển Hải Hà |
2 |
Sản xuất, lắp ráp và kiểm thử thiết bị điện tử (EMS) |
3 |
Xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm, đóng gói đối với các sản phẩm từ: Hải sản; thịt lợn... gắn với các khu nuôi trồng và chăn nuôi có quy mô công nghiệp |
4 |
Các dự án phát triển công nghiệp phụ trợ |
VI |
NÔNG NGHIỆP |
1 |
Dự án phát triển các khu chăn nuôi lợn xuất khẩu quy mô công nghiệp và chăn nuôi gia cầm tập trung |
2 |
Dự án chuyển dịch mục đích sử dụng đất sang trồng các loại cây nông nghiệp gắn với chế biến sản phẩm |
3 |
Dự án trồng các loại cây lâm nghiệp có giá trị tăng thêm cao như tếch, cây năng lượng,... |
4 |
Dự án mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đảm bảo cung cấp sản phẩm cho các nhà máy chế biến đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững |
5 |
Xây dựng các dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại: Đông Triều, Quảng Yên, Đầm Hà, Hải Hà |
6 |
Xây dựng trung tâm sản xuất và cung cấp giống thủy sản chất lượng cao tại Đầm Hà |
7 |
Xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ |
VII |
GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÀ Y TẾ |
1 |
Xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo quốc tế tại địa phương |
2 |
Bệnh viện tư (theo tiêu chuẩn quốc tế) tại thành phố Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn. |
Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.
THE PRIME
MINISTER |
SOCIALIST
REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 2622/QD-TTg |
Hanoi, December 31, 2013 |
THE PRIME MINISTER
Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the Government’s Decree No. 92/2006/ND-CP dated September 07, 2006, on formulation, approval and management of master plans on socio-economic development; and the Government s Decree No. 04/2008/ND-CP dated January 11, 2008, amending and supplementing a number of articles of Government’s Decree No. 92/2006/ND-CP dated September 07, 2006;
At the proposal of the People s Committee of Quang Ninh province in Report No. 6158/TTr-UBND dated November 12, 2013,
DECIDES:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. The master plan on socio-economic development of Quang Ninh province till 2020, with a vision toward 2030 must comply with the national socio-economic development strategy, the master plan on socio-economic development in the Red River delta region and the northern key economic region, and must be consistent with sectoral master plans. To build Quang Ninh into a growth pole, a gateway for international economic cooperation and a national origin for material and energy supply.
2. To ensure sustainable socio-economic development in line with the objectives of Vietnam’s green growth strategy. To gradually restructure the economy from “brown” to “green” activities, prioritizing the development of service and non-mining industries while ensuring cleaner and more sustainable coal mining activities.
3. To conducting socio-economic development based mainly on internal resources combined with external resources to create breakthroughs on the basis of effectively promoting comparative advantages, special potential and striking opportunities such as natural resources and original and diverse culture of Quang Ninh. To attach importance to the development of human resources, especially high-quality ones, and push up the application of scientific and technological advances to meet development needs and motivate socio-economic development.
4. To combine economic development with social welfare assurance, narrow the rich-poor gap, increase people’s living standards and ensure development and social justice among people of different strata, between rural and urban areas and among localities within the province.
5. To take the initiative in international integration and cooperation, grasp favorable conditions and remedy the adverse impacts of international and regional economic trends; to ensure a borderline of stability, peace, friendship, cooperation and development with China. To closely combine socio-economic development with steady assurance of national defense and security and firm protection of land and sea border sovereignty; to firmly maintain political stability and social order and safety, contributing to enhancement of Vietnam’s status in the region and the world.
1. General objectives
By 2020, to build Quang Ninh into a modem service and industrial province, an international tourist hub and a leading economic locomotive of the northern region and the whole country with a synchronous and modem system of socio-economic and urban technical infrastructure facilities, sustainable poverty reduction, constant improvement of the people’s material and spiritual lives, and assured sustainable environmental preservation and protection. To maintain and promote well the national identity, conserve and develop in a sustainable manner Ha Long Bay, the world heritage and natural wonder, and the peculiar characteristics of Bai Tu Long Bay; to strive to become a firm defensive zone in terms of national defense and security and a defense line of international economic cooperation and competition, and maintain political stability and social order and safety.
2. Specific targets
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Period of 2011-2020, the average growth rate will reach 12%-13%/year, specifically 9.5%-10.5%/year in period of 2011 -2015, 14%-15%/year in period of 2016-2020, and about 6.7%/ year in period of 2020-2030.
- GDP structure by 2015: Services will account for 45.0%-45.5%; industry and construction, 49.0%-49.5%; and agriculture, 5.0%-5.5%. By 2020, services will account for 51%- 52%; industry and construction, 45%-46%; and agriculture, 3%-4%. By 2030, services will account for about 51%; industry and construction, about 46%; and agriculture, about 3%.
- Per-capita average GDP (at actual prices) will reach USD 3,600-4,000 by 2015, USD 8,000-8,500 by 2020 and about USD 20,000 by 2030.
- To strive for target that by 2020, the total turnover from retail sale of goods and services will increase 18-20%/year; the export turnover will increase 11-12%/year on average; the import value, 10-11 %/year; and the state budget revenues will increase over 10%/year on average.
b) Regarding socio-cultural affairs, education and training:
- The natural population growth rate will be 1.11 %/year in period of 2011-2015 and 0.96%/ year in period of 2016-2020; the rate of poor households (according to the new national poverty line) will decrease 1.1%/year in period of 2011-2015 and 0.7%/year in period of 2016-2020; the rate of urban unemployment will be kept at below 4.3%.
- By 2015, the rate of trained laborers will reach 73% of the workforce; 100% of communes will have sufficient medical physical foundations and equipment; over 80% of people will be covered by health insurance; there will be 10.5 medical doctors and 2.2 pharmacists with university qualifications per ten thousand people; over 95% of children will receive full vaccination.
- By 2020, the rate of trained laborers will reach 89% of the workforce; over 90% of people will be covered by health insurance; there will be 12.0 medical doctors and 2.5 pharmacists with university qualifications per ten thousand people; over 98% of children will receive full vaccination
- To mobilize 100% of 6-year-old children to enter grade 1; 100% of children who complete primary school programs to enter grade 6; 99% and 95% of children of prescribed age will go to primary schools and lower secondary schools, respectively; 30% of pupils after graduating from lower secondary school will attend vocational training courses; 90% of young people of prescribed age will complete upper secondary education or equivalent; 98% of people aged 15 years or older will be literate; to maintain the literacy rate at over 99.5% among people aged 15-35 years.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Vocational training institutions will be capable of receiving 15% of lower secondary school graduates by 2015 and 30% by 2020. To improve the quality of comprehensive education, especially the quality of education about culture, ethics, life skills, law, foreign languages and information technology.
c) Environmental protection:
- By 2015, 90% of solid waste in urban areas will be collected; 100% of industrial parks and coal mines, factories, hospitals and tourist centers will have sewage collection and treatment systems up to environmental standards; the forest coverage rate will increase to 53.5%; over 95% of rural population will have access to hygienic daily-life water.
- By 2020, over 90% of solid waste from households will be collected and treated; 100% of operating industrial parks will have centralized sewage treatment systems up to environmental standards; 100% of newly-built production establishments will treat waste up to environmental standards; 100% of medical solid waste will be treated every year; the forest coverage rate will increase to 55%; over 98% of rural population will have access to hygienic daily-life water.
- To apply air and water source pollution limits to tourist and residential areas according to international standards (European standards).
d) Building a new countryside:
To strive for target that by 2015, the province will basically satisfy the new-countryside criteria; 60% of communes will basically satisfy the new-countryside commune criteria under regulations; by 2020, 80% of communes will satisfy the new-countryside criteria; while the remaining communes will satisfy the new-countryside criteria in term of infrastructure development and poverty rate.
e) Security and national defense assurance:
To build firm national defense and ensure security, political stability and social order and safety in all circumstances. To create substantial changes in social order and safety and urban lifestyle; to prevent and fight crimes and social evils. To build Quang Ninh into a firm defensive zone of national defense and security and a defense line of proactive and active international economic cooperation and competition.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. Development of trade, service and tourism
- To rapidly develop trade and services, especially tourist services, turn Quang Ninh into a gateway for international economic cooperation, especially with China, and one of leading economic locomotives for driving up the development of Northern provinces and the whole country.
- Tourism: To comprehensively develop tourism with focuses and priorities on the basis of available assets such as world natural heritages and wonders and cultural relics of the province; to conserve the natural and cultural heritages of Quang Ninh and step up environmental protection activities, especially at Ha Long Bay and the scenic relic area of Yen Tu, etc. To strive for target that by 2020, tourism will turn into one of major sources of economic growth of Quang Ninh with the number of tourist arrivals reaching about 10.5 million tourists.
- Trade: To develop trade on the basis of taking the current advantages of the province to create positive impacts on production activities and provide more services for the society, with the involvement of many economic industries to promote their advantages and support one another; to develop in the orientation of urbanization through gradually raising the efficiency and competitiveness of trade activities, protecting the environment and consolidating the overall social welfare system.
To attach importance to export development in combination with the development of domestic markets in rural, urban and mountainous areas and on islands. To invest in trade infrastructure facilities to increase competitiveness; to step up the development of warehousing and forwarding services; to strive for target that by 2020, the transportation and warehousing and forwarding sector will contribute 11-12% to GDP.
To apply many solutions for improving and modernizing financial and credit services up to international standards and increase the contribution rate of financial services to GDP of province up to 6-7% by 2020.
2. Development of industry and construction
- To develop the processing and manufacturing industry into a major driving force for growth in the coming period; to strive for target that by 2020, the added value of the processing and manufacturing industry will reach 14%/year on average. To attract foreign investment in electronic manufacturing services (EMS) and large-scale food processing industry in combination with strong development of medium- and small-sized enterprises in the food production and processing industry.
- To mine coal in a sustainable manner, ensure activities of mining in line with objectives of tourist development and life quality. To focus on research into advanced mining technologies with the aim to minimize impacts on the environment, and on salvage exploitation of natural resources and improvement of working conditions, attaching importance to settlement of environmental concerns. To strive for the growth of the added value of the coal industry at 3.5%/year by 2015 and 3.1 %/year in period of 2015-2020.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To maintain and develop such small industries as mining of non-metal minerals (construction materials); porcelain, handicraft goods and fine-art articles, especially for tourism, construction material production and mechanical engineering. The growth rate of the construction material production industry will be 10%/year by 2020.
3. Agricultural development
To develop agriculture toward centralized production of commodities and diversification of products with the aim to support the tourism industry with farm products, food and beverages, etc., and diversification of the rural economic structure.
- To form gradually hi-tech agricultural zones so as to create high-quality and competitive products. To build establishments to supply plant varieties and animal breeds for proactive supply of high-quality plant varieties and animal breeds, creating high-value products in industry. To restructure crops toward increasing the area for crops of high economic value while maintaining an appropriate rate of food crops, especially paddy, to ensure food security. To strive for target that by 2020, the growth rate of cultivation will be about 8%/year while retaining 20,000-25,000 ha of land for paddy cultivation (including 19,000 ha of land under 2-crop paddy), to increase the land area for cultivation from 70,400 ha to 80,000 and standardize paddy cultivation techniques for increasing additional yield by 1.3 tons/ha.
- To develop animal breeding toward industrialization for developing the animal breeding (pig and poultry breeding) into a driving force for growth and account for a higher proportion in agriculture. To strive for target that by 2020, to develop the pig herd to 1.7 million /year on the basis of developing an animal husbandry complex in Hai Ha.
- To set up 2 forestry production zones, including one of timber material trees for export processing, supply of mining timber for the coal industry and construction timber; and another of specialty forest trees for export (cinnamon, anise and pine). To strive for target that by 2020, the forest coverage rate in the whole province will reach about 55%. To combine development of the forest economy with objective of sustainable poverty reduction.
- To develop fisheries in a comprehensive and sustainable manner in all fields of fishing, rearing and processing, especially export processing industry of high-quality commodities. To protect the marine and coastal environment, especially environment for tourist activities. To strive for target that by 2020, increase additionally the fishing yield by 60,000 tons and the added value from aquaculture by 4 times, and further expand the coastal aquaculture area to about 18,400 ha.
4. Socio-cultural affairs
a) Education and training:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To push up the building of a learning society and raise the quality of continuing education and vocational training to meet the needs of human resources in serve of socio-economic development, to provide vocational training based on market demands; to attach importance to vocational training for rural residents. To continue supporting the development of education in difficulty-stricken and ethnic minority areas and for policy beneficiaries in order to step by step ensure fairness in education.
b) Health:
- To attract investment of all economic sectors in the health sector, to study the construction of international-standard hospitals in Ha Long, Van Don and Mong Cai, to invest in pharmaceutical production; to establish zones for conservation and production of valuable medicinal plants in Ba Che, Binh Lieu, Dong Trieu and Hoanh Bo, and a national medicinal plant garden in Yen Tu; to build new specialized hospitals, including a geriatric hospital in combination with a nursing home in Ha Long, and an eye hospital; to build new hospitals for islands in communes; to strive for target that by 2015, all commune health stations will have physical foundations and equipment up to national standards.
- To enhance international cooperation in disease prevention, medical examination and medicine manufacture for raising the quality of health services; to closely coordinate with international organizations and other aid agencies in improving the result of mother and child care, attaching importance to primary health care; to further study and apply creative ideas for providing low-cost health services on a large scale, especially in deep-lying and remote areas.
- To develop preventive medicine and epidemic and disease control networks; to intensify grassroots health care and raise the quality of services at commune health stations and district health centers in order to provide good health care for people, especially poor and ethnic minority people, etc.
c) Culture, sports and information and communication:
- Culture: To study the digitalization of all valuable documents in libraries; to strive to complete cultural works serving tourist development including Quang Ninh Library - Museum, the Provincial Fair Center and planning Exhibition Palace, Ha Long Ecological Museum, the Children’s Cultural Palace, Ha Long Flower Park, Bai Tho Mountain Complex of Cultural Works, etc.
To push up the conservation of, use and promote effectively, tangible and intangible cultures in the province; to enhance the state management, create a healthy cultural environment for socio-economic development. To attach importance to development of the entertainment industry on the basis of developing specific and typical cultural products and cuisine for people, especially tourists.
- Sports: To further concentrate resources on the sports being strengths of the province. To invest in infrastructure facilities, especially for large sport complexes, with synchronous competition and exercise equipment system; to equip basically for difficulty-stricken districts; to continue building the Northeastern Sports Center in Ha Long city, Quang Ninh province to meet the demands of not only the province but also the northeastern region of Vietnam. To build a new physical training and sports training and competition center for training high-achievement athletes of the province.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
d) Information and communication:
- To develop communication infrastructure, ensure the sufficient provision of public internet services and narrowing the gap in digital technology; to increase e-government services and establish “technology centers” for providing low-cost community internet services; to study the application of new wireless technologies such as WiMax and space optical communication technologies; to raise awareness and capacity of local communities in internet use.
- To strive for target that by 2014, to complete infrastructure and core components of e-government services; to build the provincial public administrative service center and 6 district-level centers for 4 cities including Ha Long, Uong Bi, Cam Pha and Mong Cai cities, Van Don district and Quang Yen town; after 2014, to strive to process administrative procedures online and upgrade service standards to grade 4.
- To build the provincial radio and television station to be modem with synchronous technical and technological equipment and a television tower to become a radio and television production center. In period of 2015-2020, to step by step achieve television digitalization in the whole province under the national master plan on television digitalization; to develop Quang Ninh Newspaper office to be an e-newspaper with technology convergence and multimedia (television, radio, print newspaper, etc.); to invest in physical foundations and modem equipment to meet the requirements and tasks of comprehensive renewal of the Newspaper; to increase the issuance of print newspapers in difficulty-stricken, deep-lying, remote and ethnic minority areas.
5. Infrastructure development
a) Transport infrastructure:
- Roads: To invest in construction of arterial roads for linking areas within the province with other localities nationwide and internationally in line with the province’s resource-balancing capacity in each period, including a road linking Ha Long with the Hanoi-Hai Phong highway (also known as Ha Long-Hai Phong road); the Ha Long-Van Don-Mong Cai highway; upgrading national highway 18; building the Noi Bai-Ha Long highway; upgrading national highway 4B; and building Van Tien bridge linking Van Don with Tien Yen, Lang Son and Cao Bang provinces, and Yunnan province of China.
To complete a road from Viet Hung industrial park to Cai Lan port; to upgrade the provincial road network for synchronously developing the mass transport system, prioritizing the development of a route linking Hon Gai, Bai Chay and Tuan Chau; a route linking Ha Long with Yen Tu and Cua Ong-Cam Pha, extended to Dong Trieu, to become a “historical route” aiming to exploit the system of historical relics of the Tran dynasty.
- Railways: By 2020, to prioritize investment in the Hanoi-Cai Lan railway; to prepare conditions for construction of the Ha Long-Mong Cai, Uong Bi-Lach Huyen and Lang Son-Mui Chua railways by 2030.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To invest in construction of Van Don airport in the future under planning and expand further it up to 2030.
b) Electricity supply infrastructure:
- To ensure continuous and stable electricity supply for strategic areas, including industrial parks and large tourist sites. To upgrade the accessibility to the national power grid for almost the province’s areas aiming to improve the quality of public services and living standards for rural people. To implement the second phase of the Plan on development of the national power grid with 55 projects on electricity supply for villages; to further implement plans on expansion of the national power grid being carried out in rural communes and villages on islands of Van Don and Hai Ha.
c) Water supply infrastructure:
- To prioritize investment in projects on water supply for the eastern Ha Long area-Cam Pha city, the western Ha Long area-Hoanh Bo-Uong Bi; and the Dong Trieu-Mao Khe area; water supply for Mong Cai area as well as economic zones and industrial parks in the province, especially Hai Ha seaport industrial park and Dam Nha Mac service industrial park.
- To study and plan the following water supply projects to meet increasing water use demands: the project on a water supply plant near Thai Binh river; the project on a water supply plant and reservoirs at the east of Ha Long city, Cam Pha, Cua Ong, Mong Duong and Van Don; the project on a water supply plant for Hai Ha, Mong Cai and Tra Co; the project on Luong Ky dam to increase the current capacity of existing Hoanh Bo water plant; the project on a water supply plant of Quang Yen town, which will be located in Minh Thanh ward; the project on a water supply plant of Ha Nam island to serve 8 communes on the Ha Nam island and Dam Nha Mac industrial-service-tourist zone and Tien Phong port commercial services.
6. Development of industrial parks and economic zones
a) Industrial parks:
To concentrate resources on developing the following 6 industrial parks, with the aim to ensure development of these industrial zones into manufacture centers.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Viet Hung industrial park: To build it to become a special-use clean industrial park with synchronously-developed technical, social and housing infrastructure; to focus on the development of breakthrough industries such as EMS, and food and beverage production and processing industry, for attracting large domestic and foreign production and processing groups; concurrently improve roads linking with Cai Lan port for increasing competitiveness.
- Hoanh Bo industrial park: To further attract potential investors for infrastructure development in the park.
- Dam Nha Mac industrial park: To develop this park for providing logistics and transportation services to satisfy the expected demands of the Tien Phong-Lach Huyen port complex and Dinh Vu industrial park in Hai Phong; concurrently contribute in effective operation and use of the Hanoi-Hai Phong-Ha Long highway.
- Hai Yen industrial park: To push up the attraction of secondary investors, especially in advantageous fields such as textile and garment production.
- Hai Ha seaport industrial park: To develop this park to meet investors’ needs in heavy industry and hi-tech manufacture.
- To develop other industrial parks gradually according to the roadmap to meet socio-economic development needs of the province.
b) Development of economic zones:
- Mong Cai border-gate economic zone: To develop it to become an economic gateway for trade, tourist and production activities between China and ASEAN.
- Van Don economic zone: To build and develop it to become a special economic zone with an appropriate administrative apparatus; a dynamic, civilized and modem area; an entertainment-industry center with casino, high-grade marine-island tourist services and financial, banking and telecommunications high-grade general services; and an international trade gateway, creating status of interlaced benefits contributing to ensuring firmly national defense and security and maintaining independence, sovereignty, unity and territorial integrity.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
a) To strive to successfully realize the objectives of the national green growth strategy regarding reduction of greenhouse gas emissions and increase in use of clean and green energies. To implement the “clean industrialization” strategy through reviewing and adjusting the existing sectoral master plans and effectively using natural resources.
- To restructure the economy in tendency of stepping up the transformation of “brown” economic activities into “green” ones and mitigating environmental impacts.
- To enhance pollution prevention and control, first of all focusing on mitigating air, water and soil pollution without reducing industrial output; to invest in development of the automatic observation system for improving observation and data assessment activities and take remedies when necessary. By 2015, to ensure the satisfaction of Vietnam’s current standards on air and water quality.
- To reduce greenhouse gas emissions and intensify measures to remedy and respond to climate change and sea level rise.
- To change irrigation methods in combination with more effective water distribution systems for minimizing water loss during distribution; to change cultivation methods to reach the efficiency of water use in agriculture; to apply measures to raise the quality and efficiency of daily-life and industrial water supply for reducing pressure on water use needs and protecting the water environment.
b) Biodiversity conservation: To fully implement contents of the approved plan of action on biodiversity;
c) Cross-border environmental protection:
- To invest in forming institutional capacity, formulating policies and advanced equipment in cross-border environmental pollution warning and control. To focus on measures to prevent the illegal transport of wastes or import of alien organisms; to strictly implement international conventions to which Vietnam has acceded.
- To enhance the hi-tech observation and assess cross-border environmental pollution issues in coastal river mouth areas along the border with China.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To formulate agreements with China on scientific and technological cooperation and exchange involving border environmental issues. To cooperate with countries in region and world, and international organizations in environmental pollution prevention and control, natural and biodiversity conservation, and climate change response.
8. Combination of socio-economic development with national defense and security assurance
To build Quang Ninh to become a firm defensive zone of Vietnam’s northeastern region in terms of national defense and security, and a defense line of international economic cooperation and competition. To further strengthen national defense and maintain national security and social order and safety, to build all-people national defense and firm people’s security posture in line with the local practical conditions. To combine socio-economic development with strengthening national defense and security strength and closely combine economic development with national defense and security assurance in each socio-economic development strategy, master plan, plan and policy of the province.
IV. SOCIO-ECONOMIC SPATIAL ORGANIZATION
To organize the territorial space of Quang Ninh into “one center, two multi-direction lines and two breakthroughs” in order to ensure the objective of linkage and synchrony for bringing into play the strengths of each locality in the province as well as the strengths of the province in the Red River delta and the northern key economic region. Accordingly, Ha Long is the center, the two multi-direction lines are the western and eastern corridors, and the two breakthroughs are Van Don and Mong Cai economic zones.
1. The central area (Ha Long city):
To develop Ha Long city into an economic, cultural and political center of the province, deserving to be a major tourist center in the country and the world in the future, and become a modem urban city within the Tonkin Gulf economic belt. To develop Ha Long city in association with conservation, restoration and promotion of the cultural values of Ha Long Bay and Bai Tu Long Bay. To expand the city’s space to the west and the north; at the west of city, Bai Chay zone will focus on tourism development; at the east of city, Hon Gai zone will become an administrative and trade center.
2. The western corridor line: To develop a chain of urban centers along the roads from Ha Long to Hanoi and Hai Phong; to develop green industries and spiritual tourism on the basis of cultural and historical traditions of the region, in orientation:
- To modernize coal mining and power industries toward green and clean production to ensure sustainable development and environmental protection; to develop coal mining support industries such as mechanical engineering and vehicle repair service.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To develop an industrial complex in Quang Yen, focusing on ship building and repair, commercial and warehousing services as well as aquatic product processing in association with aquaculture activities in the localities. To study the construction of a “smart city” in Quang Yen, embracing functional areas such as urban area, hi-tech and environment-friendly industrial park, free trade area, establishments for research and development of products with high added value, etc., being carried out according to the roadmap for development of modem industrial parks and smart urban centers.
- To develop forestry economy in Hoanh Bo and Ba Che in combination with eco- tourism and community tourism; to exploit the forest environment, the ethnic cultural identities and the advantage of proximity to Ha Long and Van Don tourist centers. To form a food supply area in Hoanh Bo to participate in the chain of supplying high-grade vegetables and flowers and cattle and poultry meat. To study the relocation of industrial operations from Ha Long and Cam Pha to Hoanh Bo and Ba Che so as to have more space for urban development of Ha Long and Cam Pha.
3. The eastern corridor line: To focus on the development of Van Don and Mong Cai economic zones in orientation as follows:
a) Van Don economic zone:
- Services and tourism: To develop high-class marine-island tourism associated with the advanced and modem entertainment industry with casino to facilitate the development of other trades and services such as shopping, fashion, art performances, film studios, fine arts and sports, and other specific modern entertainment areas; to develop a yacht center and tourist port services. To develop high-quality medical and educational services and high-class financial, banking, information technology and international communication service centers.
- Industries: To develop green, clean industries and high technologies (biotechnology, information technology, communication, electronics, etc.) to serve tourism development, entertainment industry and export.
- Agriculture: To develop eco-agriculture and hi-tech agriculture to serve tourist service demands; to push up fishing and aquaculture and develop forest resources in a sustainable manner in association with tourism; to build and develop an appropriate fishing fleet, and combine economic development with national defense, security, protection of sovereign rights and sovereignty at sea.
b) Mong Cai border-gate economic zone:
- Tourist services: To develop tourist services for tourists crossing the border gate with China, such as recreation and entertainment centers, cuisine areas, shopping centers, etc; to invest in tourist sites to meet families’ needs for attracting Chinese tourists from border-adjacent areas.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Industries and production: To prioritize the attraction of large-scale investors in the fashionable textile and garment industry to fill up Hai Yen industrial park; to study the development of a large general zone for pig raising and pork processing.
c) Other districts and towns:
- To coordinate with Vietnam Coal and Mineral Industries Group in implementing solutions for mitigating environmental impacts of the mining industry, ensuring sustainable development.
- To develop forestry in a sustainable manner, process timber with mode of creating added value, change low-value short-term crops into high-value perennial crops; to study the plan to turn into production of high-value commodities such as home furniture from forest materials for export and tourists.
- Agriculture: To apply modem cultivation techniques in agricultural production; to produce organic and specialty products with certificates and trade names; to develop centralized and large-scale cultivation and animal husbandry in association with processing and production in Hai Ha.
- Trade and tourist services: To develop border trade activities, especially for consumer goods and farm produce in Binh Lieu and Hai Ha border-gate areas; to develop eco-tourism and community tourism in Binh Lieu on the basis of exploiting the special landscapes of Binh Lieu with temperate climate and forest-hill terrain for the development of various specific tourist products and resorts; to consider the development of cultural tourism with folk melodies and traditional festivals.
- To ensure sustainable marine economic development, concentrate on the sea and island areas of the province, especially on Co To island district, focusing on such key fields as high-quality offshore fishing; logistic services, supply of fuel and essentials of life; exploitation of primitive islands and water areas for the development of tourism and high-class resorts.
4. Development of urban network
- By 2015: To upgrade Mong Cai city to a grade-II urban center; to expand and link Mao Khe and Dong Trieu urban centers of Dong Trieu district to reach grade-IV urban center standards; to upgrade Tien Yen township (Tien Yen district) to a grade-IV urban center and build Tien Yen to become a sub-region urban center with function of summing up, linking with, supporting regional centers, and an area for cross-border goods transshipment and logistic services for Mong Cai and Van Don economic zones.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To study the upgrading of Quang Ha township (Hai Ha) and Dam Ha and Binh Lieu townships to grade-IV urban centers, and Quang Yen urban center to a grade-III urban center; to establish Hoanh Mo new urban center (Binh Lieu) when the prescribed conditions are fully met.
V. LIST OF PROJECTS PRIORITIZED FOR INVESTMENT
The list of key investment programs and projects is provided in the enclosed Annex.
VI. SOLUTIONS FOR IMPLEMENTATION OF THE MASTER PLAN
1. Solutions related to resources
a) Raising investment capital sources:
The total demand for investment capital from the whole society is estimated at VND 580-600 trillion by 2020, to attract full capital sources for such demand, it is necessary to focus on the following specific solutions:
- To actively and synchronously implement measures to raise different resources, with internal resources as an essential source and domestic investment capital as a main growth lever of the province.
- State budget funds (including ODA capital) are expected to meet 16.6% of the total demand for investment capital which is spent essentially for social and economic infrastructure development. Based on the annual state budget-balancing capacity, the province should take the initiative in drawing up plans and appropriate investment phases appropriately to ensure capital for key works and projects. To make use of central budget funds through development programs and incentive mechanisms and policies.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To attract foreign direct investment (FDI) capital to meet 36.6% of the total remaining demand through measures to improve the capacity of investment promotion agencies; to take the initiative in studying, accessing and introducing projects to potential investors and actively seek strategic investors. To improve the investment environment before and after licensing; to strive to increase the disbursement rate of FDI capital up to at least 60%.
b) Development of human resource:
- To strive to satisfy sufficient human resources for labor restructuring from agricultural and mining activities to service and industrial activities; by 2020, the rate of agricultural and mining workers will decrease from about 60% to approximately 40%; the rate of industrial workers will increase from 15% to about 25%; and the rate of service workers will increase from 5% to about 20%, of the total workforce.
- To develop human resources to meet the demands of growing economic industries through attracting migrant workers and intensifying the training for workers. Specifically as follows:
To raise the quality of provincial- and district-level officials. To study the formulation of solutions for attracting skilled workers for processing and electronic equipment manufacturing and assembly industries and industries requiring skilled workers; to attract unskilled workers for development of tourist and trade services and industries that do not require skilled workers.
To train new graduates and experienced workers through programs on training in occupations created from new working positions; to ensure that new graduates are equipped with appropriate skills to be able to work immediately without much further training; to improve skills of workers for current jobs through increase of working productivity and capacity.
c) Regarding land use:
To properly implement the master plan on land use of Quang Ninh province by 2020 and the 5-year (2011 -2015) land use plan in the principle of prioritizing effective use of land over use purposes to ensure no delay for priority projects. Assessment of land use efficiency in a regular, continuous and timely manner is important.
2. Solutions related to science and technology development and environment
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To raise the productivity and efficiency of current socio-economic activities in direction of sustainable development; to push up science and technology application and innovation instead of increasing mechanical labor, capital and natural resources; to apply modern cultivation techniques which can increase agricultural yield, instead of increasing labor force or cultivation area; to develop internet which can assist enterprises to raise productivity and effectively link with customers; to implement e-government solutions which will raise the operation efficiency of the local administration through reducing the time of dossier submission and processing.
- To provide health and education services and raise living standards with low costs: applying technology-based solutions such as mobile health stations, health switchboards and e-learning classes for providing low-cost health and education services for people, and concurrently serving different groups of residents, even in deep-lying and remote areas provided that internet or telephone services are available, with the support of high-quality direct health and education services.
- To protect environment more effectively: applying environment-friendly technologies in production and business for mitigating adverse impacts on the environment such as closed-conveyor belt coal transportation to prevent dust; application of high-effectiveness coal firing techniques in thermo-power plants to reduce gas emissions, etc.
3. Solutions related to regional, national and international cooperation
Enhancing cooperation with localities in the region, the country and the world is an important priority for tapping the comparative advantages of the province, expanding markets as well as attracting investment and human resources.
a) Regional and national cooperation:
- Cooperation with Hai Phong: To prioritize cooperation in infrastructure investment such as upgrading a road from Ha Long to Hai Phong center and Cat Bi airport; develop Dam Nha Mac industrial park in Quang Yen town in association with Lach Huyen port and Dinh Vu industrial park of Hai Phong; jointly developing Tien Phong and Lach Huyen ports in fields such as supply of means of transport, warehousing and transportation, and goods packaging and storage. To develop package tours to the Ha Long Bay, Bai Tu Long Bay and Cat Ba island.
- Cooperation with Hanoi: aiming to attract investment and skilled workers, develop education, training, economy, science and technology, and environmental protection; upgrading national highway 18 to Hanoi and Noi Bai airport to attract tourists, conduct the trade promotion and tourism development; to upgrade a railway from Cai Lan to Yen Vien. To develop the support tourist products, including ones in Hanoi, Tran dynasty relic (Dong Trieu), Yen Tu, Ha Long Bay, Cua Ong (Cam Pha) and Bai Tu Long Bay.
- To cooperate with adjacent localities and regions in the whole country in creating jobs and providing human resource training services for laborers; providing seaport services for adjacent provinces in the northeastern region of Vietnam such as Lang Son and Bac Giang; to provide international commercial services linking other localities nationwide with China via Mong Cai.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To bring into play the existing relations between Quang Ninh province and China and the Republic of Korea; to expand cooperation with other partners such as Hong Kong, Macau, Chongqing (China), and localities within the Northeast Asia Tourism Forum; and traditional partners of the People’s Democratic Republic of Laos. To raise level of the cooperation relationship between Quang Ninh and Japan, the Republic of Korea and Southeast Asian countries; European and American provinces and cities which have conditions similar to those of Quang Ninh province.
VII. ORGANIZATION AND SUPERVISION OF THE MASTER PLAN IMPLEMENTATION
1. After the master plan on socio-economic development of Quang Ninh province till 2020, with a vision toward 2030 is approved, the province should publicize and disseminate it to Party committees and local administrations at all levels, sectors, mass organizations, enterprises and people in the province. Based on the contents of this master plan, the province shall formulate specific action programs for implementation and supervision and inspection on obtained results.
2. To concretize this master plan’s objectives into 5-year and annual plans for implementation and assess the obtained results. On that basis, to review this master plan and submit to competent authorities for prompt adjustment or supplementation to ensure the conformity with local socio-economic development tasks in each period. To study and implement master plans on development of sectors, localities, and detailed master plans; to set up plans for implementation of this master plan so as to reach high result and efficiency. All levels, sectors, localities, socio-political organizations and people shall examine and supervise the implementation of this master plan.
3. The organization of implementation of this master plan should be innovated to be suitable with practical requirements and international practices. To arrange enthusiastic leaders and capable officers with strong and independent managerial mechanisms for successfully realizing the transformation process in Quang Ninh province.
Article 3. Based on the province’s socio-economic development objectives, tasks and orientations mentioned in this master plan, the People’s Committee of Quang Ninh province shall coordinate with related ministries and sectors in directing the formulation, submission for approval and implementation of the following contents:
1. Master plans on socio-economic development of districts and towns; master plans on development of urban and residential area system; the general construction master plan; the land use master plan and plan; and master plans on development of the sectors and fields in the province to ensure comprehensive and synchronous development.
2. Studying to formulate, promulgate according to their competence or submit to competent state agencies for promulgation (for cases falling beyond its competence) mechanisms and policies to meet socio-economic development requirements of the province in each period and in accordance with law with the aim to attract and raise resources for implementation of this master plan.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. Guide and assist the People’s Committee of Quang Ninh province in the process of implementation of this master plan.
2. Coordinate with Quang Ninh province in reviewing, adjusting or supplementing sectoral master plans to ensure adequacy and consistency of this master plan; and in studying to formulate and submit to competent state agencies for promulgation of mechanisms and policies in line with socio-economic development requirements of the province in each period; assist the province in mobilizing domestic and foreign investment capital sources for implementation of this master plan. Accelerate investment in and implement of works and projects with regional scale and nature which have important role and serve as a driving force for the development of Quang Ninh province and of which investment have been decided.
Article 5. This Decision takes effect on the date of its signing and replaces Decision No. 269/2006/QD-TTg dated November 24, 2006, of the Prime Minister, approving the adjusted and supplemented master plan on socio-economic development of Quang Ninh province till 2010 and orientations toward 2020.
THE PRIME
MINISTER
Nguyen Tan Dung
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
LIST OF PROJECTS
PRIORITIZED FOR INVESTMENT IN QUANG NINH PROVINCE IN PERIOD OF 2013-2030
(Attached to the Prime Minister's Decision No. 2622/QD-TTg of
December 31, 2013)
No.
PROJECT NAME
A
PROJECTS INVESTED BY CENTRAL LEVEL LOCATED IN THE PROVINCE AREA
1
Noi Bai-Ha Long highway
2
Ha Long-Van Don-Mong Cai highway
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Yen Vien-Pha Lai-Ha Long-Cai Lan railway
4
Expanding national highway 4B
5
Van Tien bridge
6
Van Don airport
7
System of Tien Phong, Cai Lan, Hai Ha and Hon Gai seaports
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Embankments for rivers and streams in border areas; system of sea dikes; reservoirs on island communes
9
Infrastructure of border-gate economic zones and coastal economic zones
10
The northeastern region’s sports center located in Ha Long city
11
Project on relocation, ground clearance and resettlement for the Hai Phong-Ha Long highway
B
PROJECTS MANAGED BY THE PROVINCE
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Roads linking the highway with the centers of districts, towns and cities
2
Roads linking the highway with economic zones, industrial parks and seaport system
3
Inter-district roads; system of river ports and wharves in coastal communes
4
ODA projects on environment, agricultural, forestry and fisheries development; health, education and environment
5
Building Ha Long, Van Don and Mong Cai international hospitals; upgrading the system of provincial general hospital and specialized hospitals and district-level hospitals; building and upgrading health establishments in communes and wards
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Projects on Ha Long multi-disciplinary university; international-standard universities; colleges, secondary schools and vocational training schools in the province
7
Projects on culture and sports such as museum, library, exhibition palace of master plans; the province’s sports center
8
Projects on system of canals, ditches, reservoirs and dams
9
Water supply and drainage systems in urban areas and economic zones
10
Projects on ground clearance and resettlement for industrial parks, economic zones and system of highways
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Projects under program on building new countryside of the province
C
PROJECTS CALLING FOR INVESTMENT
I
INFRASTRUCTURE
1
Ha Long-Hai Phong road with scale equivalent to an highway
2
Upgrading national highway 18 from Dong Trieu to Cam Pha city (remaining sections)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
A road linking Viet Hung industrial park with Cai Lan port
4
Cai Lan port – port expansion
5
Non-tariff zone and clean industrial park in Van Don economic zone
6
Investment in infrastructure of Viet Hung, Hai Ha, Quan Trieu and Dam Nha Mac industrial parks
7
Investment in building golf courts, 5-star hotels and high-class resorts in Van Don, Ha Long, Mong Cai and Co To
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
TOURISM
1
Building system of 4-star and 5-star hotels up to international standards (7,500 bedrooms) and a project on ships with overnight stops at Ha Long Bay (2,500 bedrooms)
2
A high-grade tourist service complex, including casino items
3
Building a coastal pedestrian mall in Bai Chay
4
Project on development of upgraded tourist products for experiencing in the fishing villages at Ha Long Bay
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project on building self-contained luxurious tourist zones at Bai Tu Long Bay (yacht; rock mountain climbing; convalescence; conferences, workshops, etc.)
6
Restoring the closed coal mines to become attractive tourist sites (those may turn into coal museums, botanical gardens or reservoirs)
7
A resort complex and a family entertainment system
8
Establishment of a school for training in restaurant and hotel operations
9
Setting up projects on airport development, fashion and art performances at Ha Long Bay and Bai Tu Long Bay
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
ENVIRONMENT
1
Building plants for sewage, garbage and solid waste collection/treatment in localities
2
Building an environmental observation system
3
Building systems for wastes and sewage collection and treatment in coal mines
4
Project on treatment of sewage and wastes in urban areas, industrial parks and economic zones
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Projects on environmental rehabilitation and restoration in landfills and coal mining places
6
Projects on treatment of environmental pollution at Ha Long Bay
IV
TRADE
1
Building large trade centers in cities and towns
2
A trade zone in Mong Cai, including an international trade center
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
PROCESSING AND MANUFACTURING INDUSTRIES
1
Investing in infrastructure in Viet Hung, Hoanh Bo, Hai Yen, Cai Lan and Dam Nha Mac industrial parks and Hai Ha seaport industrial park
2
Electronic manufacturing services (EMS)
3
Building factories for food processing and packaging of products made of aquatic products and pork, etc in association with industrial-scale aquaculture and animal husbandry areas
4
Projects on development of auxiliary industries
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
AGRICULTURE
1
Project on development of industrial-scale areas for breeding pigs for export and centralized poultry husbandry
2
Project on the change of the land use purpose to grow agricultural crops in association with product processing
3
Project on growing forest trees with high added value such as teak, energy crops, etc.
4
Project on expanding the aquaculture area, applying scientific and technological advances in production to supply products for processing factories to meet sustainable development requirements
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Setting up projects on hi-tech agricultural zones in Dong Trieu, Quang Yen, Dam Ha and Hai Ha
6
Building a center of high-quality aquatic breed production and supply in Dam Ha
7
Building a factory for timber product production and processing
VII
EDUCATION, TRAINING AND HEALTH
1
Building international education and training institutions in the province
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Having private hospitals (up to international standards) in Ha Long city, Mong Cai and Van Don.
Note: The locations, sizes, land areas and total investment amounts for the works and projects on the mentioned-above list will be calculated, selected and specified in each investment project’ s stage of elaboration and submission for approval, depending on the demand for and capacity of balancing and raising investment capital in each period.
;Quyết định 2622/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 2622/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 31/12/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 2622/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video