Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2151/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN DU LỊCH QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2013 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu của Chương trình

a) Góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

b) Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến quốc gia, điểm đến địa phương và các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc của du lịch Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy lượng khách quốc tế, gia tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách quốc tế.

Đến năm 2020, đối với mỗi thị trường du lịch quốc tế trọng điểm (Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Âu), tổ chức triển khai được từ 03 - 04 hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; với mỗi thị trường tiềm năng (Nam Á và Trung Đông), tổ chức triển khai được ít nhất 01 hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Đảm bảo ít nhất 50% hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được mở rộng về phạm vi, quy mô và đa dạng về hình thức, nội dung so với giai đoạn trước.

c) Đẩy mạnh hoạt động tuyên tuyền, quảng bá và xúc tiến du lịch ở trong nước nhằm nâng cao ý thức về gìn giữ và bảo vệ môi trường du lịch, văn hóa ứng xử với khách du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch nội địa.

Đến năm 2020, hằng năm tổ chức và tham gia từ 03 - 05 sự kiện du lịch (hoặc có liên quan) tại các địa phương có tiềm năng du lịch; phối hợp với 15-20 đơn vị báo chí truyền thông lớn trong nước tuyên truyền quảng bá du lịch; xây dựng, thuê duy trì và bảo dưỡng từ 15 - 20 biển quảng cáo tấm lớn, biển điện tử để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ở các thành phố lớn.

d) Đến năm 2020, xây dựng, vận hành và duy trì 01 cổng thông tin xúc tiến và giao dịch du lịch chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển một số hình thức marketing điện tử khác phục vụ mục đích quảng bá, xúc tiến du lịch.

2. Các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình

a) Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài

- Tổ chức các chương trình xúc tiến điểm đến du lịch Việt Nam ở nước ngoài:

+ Tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch, giới thiệu điểm đến Việt Nam với quy mô lớn tại các thị trường trọng điểm ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Âu.

+ Tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch, giới thiệu điểm đến Việt Nam tại một số nước nhân dịp các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao quan trọng giữa Việt Nam và nước bạn.

- Tổ chức tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở các thị trường trọng điểm và tiềm năng với quy mô mở rộng, hình thức và nội dung đa dạng hóa, phong phú.

- Quảng bá du lịch Việt Nam trên một số phương tiện truyền thông quốc tế, bao gồm các kênh truyền hình, tạp chí du lịch và giải trí, quảng cáo tấm lớn, quảng cáo trực tuyến v.v...

- Tổ chức cho các hãng lữ hành và đơn vị truyền thông, báo chí nước ngoài vào Việt Nam khảo sát điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch.

- Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo ở nước ngoài nhằm xúc tiến du lịch Việt Nam:

+ Tổ chức hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng.

+ Tham gia hội thảo, hội nghị quốc tế về xúc tiến du lịch trong khu vực và trên thế giới; tranh thủ các diễn đàn du lịch, kinh tế quốc tế nhằm tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá cho du lịch Việt Nam.

- Liên kết các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch giữa các cơ quan Trung ương và địa phương tại các chương trình, sự kiện xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài.

b) Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước

- Tổ chức các sự kiện du lịch lớn trong nước như Năm du lịch quốc gia, các sự kiện văn hóa, thể thao lớn.

- Tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các loại hình báo chí trong nước.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về xúc tiến du lịch nhằm tăng cường sự liên kết giữa các Bộ, ngành, địa phương, vùng miền; liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch, xúc tiến du lịch của các tổ chức quốc tế và khu vực nhằm tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Việt Nam.

- Xây dựng, thuê, duy trì và bảo dưỡng các biển quảng cáo tấm lớn để quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia tại các khu, điểm du lịch quốc gia, cửa khẩu quốc tế, tại một số sân ga có lưu lượng khách du lịch lớn, các nút giao thông chính trong các thành phố lớn.

- Phối hợp tổ chức các hội chợ, sự kiện du lịch quốc tế ở trong nước; đón các đoàn lữ hành, báo chí quốc tế.

c) Tập trung phát triển marketing điện tử phục vụ xúc tiến quảng bá du lịch

- Xây dựng và duy trì cổng thông tin xúc tiến và giao dịch du lịch.

- Xây dựng các ấn phẩm điện tử.

- Quảng bá trên các trang mạng xã hội và các hình thức quảng bá khác qua mạng internet.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quảng bá xúc tiến du lịch qua mạng internet.

- Phát triển các tiện ích quảng bá du lịch cho các thiết bị cầm tay (điện thoại di động thông minh, máy tính bảng v.v...)

- Phát triển các hình thức khác của marketing điện tử phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch.

d) Tổ chức sản xuất ấn phẩm, vật phẩm phục vụ xúc tiến du lịch

- Lựa chọn, thiết kế mẫu vật phẩm xúc tiến du lịch.

- Sản xuất các ấn phẩm, vật phẩm xúc tiến du lịch với nhiều hình thức, chất liệu và ngôn ngữ khác nhau.

- Sản xuất phim tư liệu, quảng cáo và các thể loại khác về du lịch Việt Nam dưới dạng băng hình, đĩa hình, thẻ nhớ di động v.v...

đ) Đa dạng hóa các nguồn kinh phí thực hiện Chương trình

- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, tập thể và cá nhân trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá thuộc Chương trình.

- Xây dựng cơ chế tham gia và huy động vốn đối với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia thuộc Chương trình.

3. Kinh phí thực hiện Chương trình

- Kinh phí thực hiện Chương trình được huy động từ các nguồn: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, đóng góp của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác.

- Kinh phí Chương trình hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và được hỗ trợ cho các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước; phát triển marketing điện tử và sản xuất các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá, xúc tiến du lịch và được áp dụng theo tỷ lệ sau:

+ Bảo đảm 100% kinh phí cho các hoạt động do các cơ quan Trung ương chủ trì;

+ Hỗ trợ không quá 70% kinh phí đối với các hoạt động do các cơ quan Trung ương chủ trì có sự tham gia của địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch và các đối tác khác;

+ Hỗ trợ không quá 50% kinh phí đối với các hoạt động do địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch và các đối tác khác chủ trì.

4. Tổ chức thực hiện

b) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình.

- Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện Chương trình; xây dựng cơ chế tài chính huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung của Chương trình.

- Hằng năm, lập dự toán kinh phí thực hiện Chương trình đối với các nội dung do ngân sách trung ương bảo đảm, gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2013 - 2020 và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chủ nhiệm Chương trình.

- Ban Chủ nhiệm Chương trình có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đánh giá, thẩm định nội dung các đề án tham gia Chương trình của các đơn vị, chương trình và điều chỉnh, tổng hợp thành Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia hàng năm, trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt.

- Định kỳ hằng năm, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình, đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

b) Bộ Tài chính

- Căn cứ dự toán kinh phí thực hiện Chương trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng hợp, bố trí và cấp dự toán ngân sách cùng ngân sách chi thường xuyên hàng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

- Xây dựng quy chế quản lý, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, ban hành cơ chế huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung của Chương trình.

d) Các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan khác

Trong phạm vi trách nhiệm, chức năng, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các hoạt động trong nội dung Chương trình.

đ) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Trên cơ sở Chương trình, xây dựng, lập kế hoạch, bố trí kinh phí hằng năm để triển khai các hoạt động liên quan trên địa bàn.

- Chủ động huy động thêm nguồn lực và lồng ghép với các hoạt động liên quan để đạt được mục tiêu của Chương trình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL);
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 2151/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2013 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 2151/QĐ-TTg
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
Ngày ban hành: 11/11/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 2151/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2013 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [1]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…