Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 198/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ vào Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (sau đây gọi tắt là Vùng) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. VỊ TRÍ, VAI TRÒ

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (bao gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) là vùng trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước, với các cơ quan Trung ương, các trung tâm điều hành của nhiều tổ chức kinh tế lớn, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ của quốc gia, đang và sẽ tiếp tục giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của cả nước.

Là vùng hạt nhân phát triển, lãnh thổ động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng; là một trong những vùng dẫn đầu về phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của cả nước. Có tiềm năng lớn về du lịch với hệ thống các trung tâm y tế chuyên sâu, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ cao, giữ vai trò quyết định trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

II. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển kinh tế - xã hội của Vùng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực của cả nước. Tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ, tạo sức lan tỏa tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội các vùng và cả nước.

2. Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, là đầu tàu kinh tế, dẫn đầu khu vực miền Bắc và cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển nền kinh tế tri thức, đồng thời đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp xanh phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

3. Phát huy vai trò dẫn đầu cả nước về ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực có thế mạnh, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản để khoa học công nghệ thực sự là động lực cho phát triển của Vùng. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho các ngành, lĩnh vực phát triển chủ lực của Vùng trong quá trình hội nhập.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa và thiên nhiên, đầu tư phát triển thể dục, thể thao, các nhu cầu an sinh và trật tự an toàn xã hội.

5. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia trong quá trình hội nhập và phát triển.

III. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu đến năm 2020

a) Mục tiêu tổng quát:

Củng cố và nâng cao vị thế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước. Là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, địa bàn hội nhập và giao thương của cả nước với khu vực và quốc tế, thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN và trên trường quốc tế. Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Về kinh tế:

+ Tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt 7,5% và thời kỳ 2016 - 2020 đạt 9% (gấp 1,25 lần mức bình quân chung của cả nước); GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đến năm 2015 đạt 3.200 - 3.500 USD, đến năm 2020 đạt 5.500 USD;

+ Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2015 tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP là 7,7%, công nghiệp - xây dựng 48,3% và dịch vụ 44%; đến năm 2020 có tỷ trọng tương ứng là 5,5% - 49,1% - 45,4%;

+ Tỷ trọng giá trị xuất khẩu so với cả nước bằng 27 - 29% vào năm 2015 và bằng 32% vào năm 2020; tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20 - 25%/năm, tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt khoảng 45%.

- Về văn hóa - xã hội:

+ Tốc độ tăng dân số trung bình thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 1,2 - 1,3%, trong đó tăng dân số tự nhiên dưới 1%; thời kỳ 2016 - 2020 tăng dân số 1,1 - 1,2%, trong đó tăng dân số tự nhiên 0,85 - 0,9%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 40 - 45% vào năm 2015 và 50 - 57% vào năm 2020;

+ Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%, đào tạo nghề khoảng 30 - 40%; đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 80 - 85%, đào tạo nghề khoảng 40 - 50%. Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 200 - 250 ngàn lao động; kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở mức 4%;

+ Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 15% vào năm 2015 và 12,5% vào 2020;

+ Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 2%; nâng mức thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo gấp 2,5 - 3,5 lần sau mỗi thời kỳ 5 năm.

Phấn đấu đến năm 2020, có 100% số di sản văn hóa được tu bổ, tôn tạo, sưu tầm và phát huy giá trị; có 95 - 100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; có 85 - 95% số xã, thị trấn có nhà văn hóa.

- Về bảo vệ môi trường:

Tuân thủ các chỉ tiêu giám sát và đánh giá kết quả bảo vệ môi trường. Khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực thành thị và nông thôn, các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo yêu cầu xanh, hóa và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020 trên 98% chất thải rắn ở đô thị, trên 97% chất thải y tế được xử lý; trên 90% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Về an ninh, quốc phòng:

+ Tiếp tục tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp của Nhà nước, hạn chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, tai nạn lao động; xây dựng và củng cố nếp sống văn hóa mới tại các cộng đồng dân cư;

+ Kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng. Bảo đảm vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên mọi mặt trận. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng quốc phòng, an ninh đảm bảo yêu cầu tác chiến khi cần thiết.

2. Định hướng đến năm 2030:

a) Tầm nhìn tổng quát:

Tiếp tục phát huy vai trò là vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, tốc độ phát triển tăng trưởng cao và bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức và thực hiện các mũi đột phá trong phát triển kinh tế của cả nước. Là vùng kinh tế động lực đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, dịch vụ, du lịch tầm quốc tế; dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và thể dục thể thao, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Có cơ cấu phân bố, tổ chức không gian sản xuất và phát triển đô thị hợp lý, là chùm đô thị lớn với chức năng đô thị tổng hợp cấp quốc gia, trong đó thành phố Hà Nội là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, an ninh và trật tự xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân.

b) Các lĩnh vực cụ thể:

- Về kinh tế:

+ Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8,7% (gấp 1,3 lần mức bình quân chung của cả nước); GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 10.500 - 12.000 USD vào năm 2030;

+ Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2030 tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP là 2,2%, công nghiệp - xây dựng 47,8% và dịch vụ 50%;

+ Tỷ trọng giá trị xuất khẩu so với cả nước bằng 39% vào năm 2030; đi đầu trong tiến trình hiện đại hóa, tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20%/năm;

- Về phát triển các lĩnh vực xã hội:

+ Tốc độ tăng dân số trung bình thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 1 - 1,1%, trong đó tăng dân số tự nhiên khoảng 0,8 - 0,85%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 60 - 70%;

+ Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 90%, đào tạo nghề đạt khoảng 60 - 70%; hàng năm giải quyết việc làm cho 200 - 230 ngàn lao động; kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở mức 3%;

+ Đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến 2030 có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 7 - 8%;

+ Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 1,5 - 2%; nâng thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo gấp 1,5 - 2,5 lần sau mỗi giai đoạn 5 năm.

- Về kết cấu hạ tầng:

+ Có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại. Hệ thống vận tải hành khách công cộng đa dạng, văn minh và an toàn kết nối thành phố Hà Nội với các đô thị vệ tinh, các huyện và với các đô thị ngoài vùng;

+ Đảm bảo 100% người dân có nhà ở với tiện nghi sinh hoạt cần thiết phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong vùng với diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt từ 20 - 25 m2/người. Nhà ở, đất ở khu vực nông thôn được quy hoạch hợp lý, có môi trường sống tốt và điều kiện làm việc thuận tiện và phù hợp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới;

+ Hệ thống lưới điện được hiện đại hóa, đảm bảo vận hành hiệu quả, an toàn; quy hoạch xây dựng hệ thống công trình ngầm đồng bộ, hiện đại; bảo đảm 100% hệ thống cáp điện, cáp thông tin ở các thành phố, thị xã được ngầm hóa; hệ thống chiếu sáng tại các đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn. Trên 70% dân số sử dụng Internet. 100% hộ dân cư được cung cấp nước sạch sinh hoạt. Giải quyết cơ bản không để ngập úng ở khu vực đô thị.

- Về môi trường:

Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý rác thải, chất thải, nước thải đạt chuẩn môi trường. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và các không gian phát triển theo hướng bền vững.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1. Phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch:

- Tập trung phát triển du lịch văn hóa gắn với nền văn minh sông Hồng; du lịch lễ hội, tâm linh; du lịch biển - đảo, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng (MICE), sinh thái nông nghiệp nông thôn và vui chơi giải trí cao cấp; phát triển dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, ngân hàng - tài chính, các dịch vụ có sức cạnh tranh cao trong cộng đồng ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên thị trường nội địa, khu vực và quốc tế; đẩy mạnh khai thác tiềm năng và lợi thế của từng lĩnh vực dịch vụ, tăng cường sự hợp tác giữa các lĩnh vực dịch vụ để cùng cạnh tranh và phát triển.

- Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và dịch vụ thu ngoại tệ tại chỗ, tăng cường đầu tư, nâng cấu kết cấu hạ tầng thương mại kết hợp với xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh; mở rộng mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị ở các đô thị trong vùng; phát triển tốt các hệ thống kho bãi theo chuẩn quốc tế, gắn liền với các tuyến cao tốc, tuyến đường ven biển, tuyến cửa khẩu.

- Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển các dịch vụ văn hóa, giáo dục y tế, thể dục thể thao, dịch vụ việc làm .v.v. theo cơ chế thị trường.

- Mở rộng mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị ở các đô thị; củng cố, nâng cấp hạ tầng các chợ đầu mối nông sản, thủy sản tại các vùng sản xuất tập trung, các trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển lãm ở các đô thị quy mô lớn. Hoàn thiện hệ thống thương mại điện tử và hệ thống thông tin giao dịch thương mại đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

- Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng theo hướng hiện đại hóa và đa dạng hóa các tổ chức và dịch vụ. Phát triển Hà Nội trở thành trung tâm tài chính - ngân hàng có uy tín và đạt đẳng cấp quốc tế.

- Đầu tư xây dựng một số khu du lịch trọng điểm quốc gia đạt tiêu chuẩn tầm quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, thu hút 7-8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 3 tỷ USD; đến năm 2030, thu hút 10-12 triệu lượt khách du lịch quốc tế, doanh thu du lịch đạt 6 - 7 tỷ USD. Hoàn thành việc lập phê duyệt quy hoạch và triển khai xây dựng các khu du lịch quốc gia và các điểm du lịch quốc gia nhằm định hướng thu hút đầu tư đồng bộ và bền vững.

- Phấn đấu tăng trưởng dịch vụ bình quân năm thời kỳ 2011 - 2015 đạt khoảng 8,2%, thời kỳ 2016 - 2020 đạt 8,9% và thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9,1%. Cân bằng cán cân xuất - nhập khẩu vào năm 2015, đến năm 2020 đạt mức xuất siêu trung bình 3 - 4% GDP.

2. Về phát triển công nghiệp:

- Tập trung phát triển, nâng cao năng lực và vị thế của các ngành công nghiệp có lợi thế và khả năng cạnh tranh, có giá trị nội địa hóa cao, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như: Điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, cơ khí chế tạo máy; sửa chữa, đóng tàu thủy và phương tiện hàng hải; thép chất lượng cao và vật liệu xây dựng mới; hóa - dược phẩm, công nghiệp chế biến thực phẩm và ngành dệt may, da - giày.

- Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, phát thải thấp và thân thiện với môi trường, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt. Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp chế tác có tiềm năng, có hàm lượng công nghệ cao, tạo bước nhảy vọt về chất lượng, nâng cao năng suất lao động, có khả năng cạnh tranh và hiệu quả cao trong chuỗi giá trị.

- Phát triển công nghiệp ở nông thôn gắn với sự phát triển nông nghiệp, với quá trình đô thị hóa theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường. Phát triển các ngành công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ tiên tiến, có khả năng giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

- Ưu tiên phát triển theo chiều sâu công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, sản xuất thép chất lượng cao, thép chuyên dụng. Mở rộng qui mô công nghiệp dược, công nghiệp chế biến thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu.

- Phát triển công nghiệp dệt may, da giày theo hướng xuất khẩu và phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh phát triển các ngành hỗ trợ như sợi, chỉ may, nhuộm, thiết kế mẫu sản phẩm để chuyển dần từ gia công sang sản xuất nội địa hóa sản phẩm vào năm 2020.

- Tập trung huy động, thu hút nhà đầu tư phát triển các khu kinh tế, các khu - cụm công nghiệp hiện có. Ưu tiên các dự án đầu tư có quy mô lớn, ít thâm dụng lao động, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.

- Tăng trưởng công nghiệp - xây dựng bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt khoảng 8,2%, thời kỳ 2016 - 2020 đạt 10%, thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9%.

3. Về phát triển nông lâm thủy sản:

- Phát triển nông nghiệp thâm canh cao nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, từng bước xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao nhằm cung cấp sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Chú trọng phát triển làng nghề truyền thống với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.

- Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ và viễn dương, chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang các hoạt động kinh tế khác. Hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Hải Phòng là Cát Bà và đảo Bạch Long Vĩ.

- Tập trung phát triển gia súc, gia cầm với quy mô công nghiệp; nuôi thủy sản nước lợ, nước ngọt và nuôi trồng hải sản gắn với cơ sở giết mổ, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, đầu tư hệ thống kho lạnh phục vụ xuất khẩu. Áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa công tác quản lý nhằm nâng cao giá trị sản xuất.

- Bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ sự đa dạng sinh học, phát triển rừng phòng hộ, khôi phục rừng ngập mặn. Phát triển trồng cây xanh ở các khu dân cư, khu đô thị, trồng cây phân tán tạo môi trường sống xanh sạch đẹp. Gắn việc bảo vệ phát triển rừng với các hoạt động du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường.

- Tăng trưởng nông lâm thủy sản bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt khoảng 3 - 3,2%, thời kỳ 2016 - 2020 đạt 2,8 - 3%, thời kỳ 2021 - 2030 đạt 2,5%.

4. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội:

- Về giáo dục và đào tạo: Phát triển đồng bộ giáo dục và đào tạo ở các bậc học, ngành học gắn với giáo dục nhân cách và lòng tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, nâng cao chất lượng dạy và học. Đầu tư xây dựng một số trường đại học chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế tại Hà Nội và các tỉnh trong Vùng. Ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của Vùng như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; cơ khí chế tạo, điện tử, vật liệu mới, chế biến dược phẩm và thực phẩm.v.v.; đào tạo nghề trình độ cao cho các ngành, công nghiệp điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật điện, sản xuất vật liệu, du lịch, viễn thông.v.v. Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân: Quy hoạch củng cố và xây dựng hệ thống cơ sở y tế đồng bộ và đạt chuẩn từ tuyến Trung ương tới các địa phương trong Vùng. Khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương. Củng cố, nâng cấp và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của hệ thống bệnh viện đa khoa khu vực, tuyến tỉnh, tuyến huyện và các cơ sở y tế dự phòng. Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe; bảo đảm mọi người dân tiếp cận được với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe; đa dạng các loại hình khám chữa bệnh. Ưu tiên nâng cấp các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội và các viện nghiên cứu về y tế trọng điểm trên địa bàn Vùng.

- Văn hóa và thể dục thể thao: Bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian. Xây dựng các công trình văn hóa, thể thao tầm cỡ quốc gia và châu lục mang đậm nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt Nam, đủ điều kiện tổ chức các giải thi đấu cấp khu vực, châu lục và quốc tế. Củng cố và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa truyền thống, làm nền tảng cho giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc trong vùng, cả nước và quốc tế. Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp và các khu vui chơi giải trí tại các khu đô thị, nơi tập trung đông dân cư trên địa bàn vùng.

- Giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội: Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, an sinh xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em, người có công. Chú trọng tạo việc làm gắn với nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người lao động. Thực hiện Chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt ở các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp.

5. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng:

a) Giao thông vận tải:

- Đường bộ: Hoàn thành xây dựng đúng tiến độ các tuyến đường bộ cao tốc nhằm liên kết các trung tâm kinh tế trong Vùng với cả nước và quốc tế, các trục liên kết vùng, các tuyến đường ven biển gắn với đê biển, cảng biển. Đầu tư cơ bản vào cấp theo quy mô được duyệt các tuyến quốc lộ trong vùng, các trục giao thông hướng tâm, tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; các nút giao thông tại các điểm giao nhau, các tuyến tránh đô thị và các đường vành đai. Củng cố đường tỉnh, đường huyện và giao thông nông thôn bảo đảm giao thông thông suốt.

- Hàng không: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Hoàn thành xây dựng nhà ga hành khách T2 trước năm 2015, đưa công suất lên 10 ÷ 15 triệu hành khách/năm và 260.000 tấn hàng hóa/năm; đến năm 2020, hoàn chỉnh nâng cấp đưa công suất lên 25 triệu hành khách/năm và 500.000 tấn hàng hóa/năm; sau năm 2020, xây dựng thêm nhà ga hành khách T3 (hoặc T3 và T4) để nâng công suất cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 50 triệu hành khách/năm và 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Hoàn thiện cảng hàng không quốc tế Cát Bi dự phòng cho Nội Bài, nâng cấp cảng hàng không Gia Lâm và nghiên cứu xây dựng cảng hàng không tại tỉnh Quảng Ninh.

- Vận tải thủy: Xây dựng hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế với trung tâm là cụm cảng Hải Phòng - Quảng Ninh; tập trung phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) đáp ứng nhu cầu vận tải biển khu vực và quốc tế; nâng cấp và xây dựng một số cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách trên tuyến sông Hồng, sông Thái Bình và các tuyến đường thủy nội địa khác phục vụ giao thông đường thủy nội địa phù hợp với các quy hoạch ngành đã được phê duyệt.

- Đường sắt: Cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống tuyến đường sắt hiện có để nâng cao năng lực phục vụ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân và ưu tiên triển khai các dự án đường sắt đô thị Hà Nội đúng quy hoạch và tiến độ, bảo đảm an toàn, hiệu quả và mỹ quan đô thị. Nghiên cứu đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao từ Hà Nội tỏa đi các vùng và các địa phương trong Vùng. Phấn đấu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đô thị Hà Nội đạt 35%, Hải Phòng và các đô thị tương đương khác đạt 15 - 20% số lượng hành khách công cộng.

b) Cơ sở hạ tầng cung cấp điện và bưu chính viễn thông:

- Tập trung triển khai xây dựng và hoàn thành các nhà máy điện, mạng lưới phân phối điện đồng bộ, phù hợp với Tổng sơ đồ phát triển Điện lực VII và tiến độ vận hành các nhà máy điện. Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại trong việc kết nối và điều tiết, hòa mạng đồng bộ với hệ thống lưới điện quốc gia và khu vực.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông đồng bộ và hiện đại, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn, các đô thị trong Vùng. Phát triển bưu chính viễn thông đạt trình độ hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, ứng dụng rộng rãi và hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, văn hóa và an ninh quốc phòng. Tăng cường đa dạng hóa dịch vụ bưu chính viễn thông, mở rộng phạm vi và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ.

c) Về thủy lợi và cấp, thoát nước:

- Củng cố và nâng cấp, bảo đảm đồng bộ và hiệu quả vận hành của hệ thống các công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng và thiết bị vận hành đáp ứng nhu cầu cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất và điều tiết lũ. Củng cố và nâng cấp hệ thống thủy lợi trọng điểm Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, Bắc sông Đuống.v.v., bảo đảm tưới, tiêu và cung cấp nước chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sản xuất và nhu cầu đời sống.

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp nước đảm bảo đáp ứng đủ nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân đô thị và nông thôn theo tiêu chuẩn và quy chuẩn. Áp dụng công nghệ tiên tiến và xây dựng các mô hình cấp nước hợp vệ sinh cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, khu vực biên giới và hải đảo, nơi khan hiếm và khó khăn về nguồn nước ngọt.

- Xây dựng và củng cố hệ thống đê biển, đê sông, các công trình ngăn mặn, tiêu úng và thoát lũ nhằm ngăn ngừa sạt lở, xâm thực và bảo vệ đất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Có phương án bảo đảm an toàn về tài sản quốc gia và tính mạng của người dân trong vùng quy hoạch dự phòng xả lũ các hồ chứa thủy điện khi cần thiết để bảo đảm an toàn cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong Vùng.

6. Khoa học và công nghệ:

- Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ nhằm phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu dẫn dắt phát triển khoa học công nghệ của Vùng. Tăng cường đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ mới, công nghệ cao, hiện đại. Ưu tiên công nghệ sạch, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và công nghệ vật liệu mới, đẩy nhanh đầu tư phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển.

- Đổi mới cơ chế, chính sách quản lý và phát triển khoa học - công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khoa học - công nghệ; khuyến khích phát triển các viện nghiên cứu phát triển có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của các viện nghiên cứu nước ngoài tại Việt Nam. Phát triển hạ tầng thông tin và thống kê khoa học - công nghệ quốc gia hiện đại.

- Tăng cường đầu tư cho các viện nghiên cứu đầu ngành, trung tâm khoa học và công nghệ, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các cơ sở ứng dụng và chuyển giao công nghệ.v.v. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành thành phố khoa học công nghệ tầm cỡ quốc gia, nghiên cứu xây dựng thêm một số khu công nghệ cao tại các địa bàn có điều kiện.

7. Quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường:

- Khai thác và sử dụng quỹ đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững theo đúng tiêu chí, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đã được quy định, phù hợp với quy hoạch tổng thể, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ ở từng địa phương và trên toàn Vùng. Nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích, tăng nguồn thu từ đất, tạo ra nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quản lý, kiểm tra và giám sát nhằm khai thác hiệu quả và sử dụng tiết kiệm đất, hạn chế tới mức thấp nhất việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp. Củng cố và duy trì diện tích đất lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Bảo vệ diện tích đất rừng hiện có, tăng cường trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, ngăn chặn không để xảy ra nạn phá rừng, cháy rừng.

- Khuyến khích ưu tiên phát triển các ngành sản xuất và lĩnh vực áp dụng cơ chế sản xuất sạch, công nghệ tiên tiến, tiêu hao ít năng lượng, phát thải thấp. Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ bảo vệ môi trường, xã hội hóa trong kiểm tra giám sát bảo vệ môi trường, có biện pháp xử lý nghiêm minh những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường.

- Quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Trong quá trình triển khai các chương trình, dự án phát triển ngành nghề, cần có các giải pháp không làm ảnh hưởng đến các danh lam, thắng cảnh đã được UNESCO công nhận như Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các khu sinh quyển Cát Bà.v.v. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, tùng bước phát triển “năng lượng sạch”, “sản xuất sạch”, “tiêu dùng sạch”.

- Thu gom, xử lý và tái chế rác thải tập trung bằng công nghệ tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường. Xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (Hà Nội) giai đoạn II và khu xử lý chất thải rắn tại Hoành Bồ, Quảng Ninh. Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn, nhà máy xử lý nước thải ở các tỉnh, thành phố để xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả ra môi trường. Chú trọng bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn nông thôn.

- Thực hiện phân vùng môi trường, quản lý tổng hợp lưu vực sông, vùng bờ biển, nơi tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đề phòng sự cố gây ô nhiễm như tràn dầu, rò rỉ hóa chất độc hại và các nguy cơ gây ô nhiễm khác. Xây dựng và vận hành các khu bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học tại các vùng biển và vùng nước nội địa. Xử lý nghiêm ngặt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tăng cường thanh tra, giám sát việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất.

8. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh:

- Quy hoạch xây dựng các dự án phát triển kinh tế, các khu kinh tế quốc phòng cần kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường tiềm lực quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; bảo đảm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; sẵn sàng ứng phó, phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả đối với những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch.

- Chủ động nắm chắc tình hình và ứng phó kịp thời trong mọi tình huống; tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội và các loại tội phạm ma túy, buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định với nước láng giềng.

V. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN

1. Phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư nông thôn:

a) Phát triển hệ thống đô thị:

- Tạo sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trung tâm trong vùng, gồm hai thành phố trực thuộc Trung ương; hình thành cơ cấu đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh hợp lý nhằm tạo động lực để phát triển các khu vực xung quanh, đồng thời giảm áp lực cho khu vực trung tâm các thành phố Hà Nội và Hải Phòng.

- Phát triển các đô thị: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hạ Long, Hải Dương đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của Vùng.

- Phát triển các đô thị vệ tinh: Sơn Tây, Từ Sơn, Xuân Mai, Chí Linh, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái. Phát triển các hành lang đô thị từ thành phố Hà Nội tỏa đi các hướng và gắn kết với các tuyến hành lang, nhất là các trục cao tốc và các quốc lộ trong Vùng. Phát triển các thị trấn huyện lỵ nằm ngoài ranh giới 50 km từ trung tâm thành phố Hà Nội và các cực phát triển, tạo điều kiện để phát triển khu vực nông thôn.

b) Phát triển nông thôn:

- Tổ chức lại các điểm dân nông thôn bảo đảm mỹ quan, môi trường, an toàn giao thông. Quy hoạch cải tạo và xây dựng các làng nghề theo hướng phát triển bền vững.

- Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới gắn kết chặt chẽ với các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Huy động tổng hợp các nguồn lực, nhất là sự tham gia của nhân dân vào xây dựng nông thôn mới; phấn đấu tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến năm 2015 khoảng 20 - 25%, đến năm 2020 đạt 50 - 65%.

- Hình thành các trung tâm dịch vụ nông thôn; xây dựng các tuyến, cụm dân cư nông thôn có cơ sở hạ tầng đồng bộ đạt tiêu chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; củng cố và xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tầu cá và công trình kết cấu hạ tầng nông thôn.

2. Phát triển các tiểu vùng:

Không gian phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm hai tiểu vùng, tiểu vùng Thủ đô Hà Nội và tiểu vùng duyên hải.

a) Tiểu vùng Thủ đô Hà Nội: Bao gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Bố trí các trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng bao gồm các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế chất lượng cao, các trung tâm triển lãm, hội chợ, thể dục thể thao.v.v. Tập trung hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, khu nông nghiệp kỹ thuật cao, các trung tâm nghiên cứu - chuyển giao công nghệ. Xây dựng các vùng lúa, cây ăn quả (nhãn, vải, cam, chanh, chuối.v.v.) chất lượng cao.

b) Tiểu vùng duyên hải ven biển: Gồm thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh (kể cả khu vực biển, ven biển và hải đảo). Có triển vọng phát triển nhanh và năng động, với các trung tâm thương mại, dịch vụ tại các đô thị lớn trong tiểu vùng; xây dựng các khu du lịch mang tầm cỡ vùng và quốc gia gắn với du lịch sinh thái các vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng), Bái Tử Long, Hạ Long, Vân Đồn, Trà Cổ (Quảng Ninh); đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp, trồng và bảo vệ rừng. Nâng cao giá trị và chất lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản, phát triển công nghiệp chế biến thủy sản gắn với xuất khẩu.

3. Phát triển các lãnh thổ đặc biệt:

a) Phát triển kinh tế biển: Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phát triển mạnh kinh tế biển, nâng cao đóng góp của kinh tế biển vào phát triển kinh tế - xã hội của Vùng. Xây dựng khu vực ven biển trở thành “vùng kinh tế mở”, hướng ngoại được đẩy mạnh. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển trên cơ sở hợp tác cùng có lợi với bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

b) Các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu: Tiếp tục đầu tư phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định ưu tiên đầu tư trở thành một trong những khu vực trọng điểm kinh tế, gắn với củng cố an ninh, quốc phòng trên địa bàn Vùng. Nghiên cứu xây dựng và phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và khu kinh tế Vân Đồn trở thành trung tâm liên kết Vùng và đầu mối quan trọng trên tuyến hành lang ven biển thông thương với Trung Quốc.

VI. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ (có Phụ lục kèm theo).

VII. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển:

Phát huy thế mạnh đặc biệt của Vùng có Thủ đô Hà Nội, đầu mối giao thương đường bộ, đường sắt, đường hàng không chủ yếu trong nước và quốc tế để mở rộng hợp tác liên vùng, sử dụng chung kết cấu hạ tầng, giao lưu thương mại, văn hóa, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, phát triển du lịch và hợp tác quốc tế.

- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển kinh tế của Vùng; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính.

- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông để tạo sự kết nối giữa các địa phương trong vùng và vùng lân cận; mạng lưới thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản và các công trình ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

- Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, dạy nghề, phát triển nhanh nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển của Vùng và hỗ trợ, thúc đẩy các vùng khác. Gắn kết giữa phát triển nguồn nhân lực với ứng dụng khoa học - công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

- Tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài.

2. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư:

- Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đầu tư từ ngân sách cho các công trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng khó thu hút nhà đầu tư bên ngoài; tăng cường thu hút kêu gọi đầu tư theo các hình thức BOT, BTO, PPP... đặc biệt trong lĩnh vực giao thông.

- Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt công tác thu hút, kêu gọi và định hướng đầu tư. Ban hành chính sách ưu đãi theo các nhóm ngành ưu tiên phát triển trên mỗi địa bàn dựa vào lợi thế, tiềm năng của từng địa phương. Đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thu hút tối đa các nguồn lực tài chính từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI phù hợp với quá trình hội nhập. Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài theo hướng cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có lợi thế; hướng vào các đối tác giàu tiềm năng, nhất là các nước phát triển, đồng thời tiếp tục mở rộng đối với các đối tác đã đầu tư nhiều vào Vùng.

3. Nhóm giải pháp tổng thể về chuyển dịch cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành kinh tế, các sản phẩm chủ lực:

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng khai thác tài nguyên, sơ chế và gia công. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có chất lượng và mức độ chuyên môn hóa cao, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập như: Tài chính - ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, du lịch, thương mại, logistics.

- Phát triển nguồn nhân lực: Gắn phát triển nhân lực với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thị trường lao động. Nâng cao chất lượng lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động làm việc trong các ngành tạo ra sản phẩm xuất khẩu và lĩnh vực công nghệ cao. Tạo cơ chế khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham vấn về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả Vùng.

- Thúc đẩy, nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ: Xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt cần tập trung đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực có khả năng làm chủ các công nghệ mới để ứng dụng vào thực tiễn, đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài để ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ tiên tiến.

- Phát triển các thành phần kinh tế: Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, thâm nhập và mở rộng thị trường. Tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở, nước ngoài về thông tin thị trường và giới thiệu đối tác nước ngoài trong quá trình liên doanh liên kết; cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình hội nhập. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; khuyến khích doanh nghiệp trong nước xây dựng và phát triển thương hiệu.

- Cải cách hành chính và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công; công khai quy trình thủ tục, thời gian giải quyết... dưới các hình thức để người dân và doanh nghiệp theo dõi và đánh giá. Tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết công việc của tổ chức và công dân. Mở rộng thực hiện cơ chế một cửa liên thông giữa các Sở - ngành, giữa Sở - ngành với Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã trong giải quyết thủ tục hành chính. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính.

4. Đẩy mạnh sự phối hợp gắn kết giữa các địa phương trong và ngoài vùng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội cho vùng phục vụ cho công tác dự báo và phối hợp phát triển bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

5. Hoàn thiện các cơ chế thực hiện:

- Củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm để nâng cao chất lượng của hoạt động điều phối; đặc biệt là tăng cường hiệu quả hoạt động của Tổ thường trực Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.

- Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong Vùng; xây dựng chương trình hành động cụ thể và phân công trách nhiệm rõ ràng đi kèm với đánh giá mức độ phối hợp của các cơ quan trong quá trình phối hợp thực hiện Quy hoạch.

- Tổ chức định kỳ hàng năm diễn đàn doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nhằm tăng cường giao lưu và đối thoại trực tiếp giữa các nhà đầu tư với chính quyền các tỉnh, thành phố trong Vùng.

- Nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, tạo nguồn lực để Thủ đô Hà Nội đầu tư phát triển hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và toàn Vùng.

Điều 2. Tổ chức, giám sát thực hiện Quy hoạch

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sau khi được phê duyệt là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; rà soát Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng.

2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong Vùng có trách nhiệm:

- Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện Quy hoạch;

- Chủ trì theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch Vùng, Quy hoạch của các Bộ, ngành và các địa phương trong Vùng; giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm có quy mô, tính chất Vùng.

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong Vùng và với các Vùng khác. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kêu gọi đầu tư đối với các dự án trọng điểm của Vùng.

3. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm lập, trình phê duyệt các quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn vùng phù hợp với những mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển được phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này.

- Nghiên cứu, xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù tại khoản VII, Điều 1, Quyết định này nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ đề ra trong Quy hoạch;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc triển khai và giám sát thực hiện quy hoạch, giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm có quy mô, tính chất Vùng theo thứ tự ưu tiên thuộc lĩnh vực quản lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng.

Nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ, ngành như sau:

a) Bộ Giao thông vận tải:

- Chỉ đạo xây dựng, hoàn thành đúng tiến độ các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn Vùng. Đề xuất cơ chế huy động vốn cho các dự án phát triển giao thông vận tải quy mô lớn trên địa bàn Vùng.

- Giám sát thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp quy hoạch được phê duyệt.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn; quy hoạch xây dựng và phát triển công trình kết cấu hạ tầng nông thôn và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực được giao; đầu tư và thu hút đầu tư các dự án khai thác tiềm năng, lợi thế của Vùng; quản lý chỉ đạo ưu tiên các dự án đầu tư phát triển công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

- Hoàn thành xây dựng và củng cố hệ thống thủy lợi, đê điều; chỉ đạo tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chủ yếu trên địa bàn Vùng. Đề xuất cơ chế, chính sách và hỗ trợ các địa phương trong Vùng xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao.

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Hướng dẫn, tạo cơ chế phù hợp cho một số trường đại học hiện đại hóa cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và thành phố Hà Nội trong việc xây dựng thành phố Hà Nội là trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

d) Bộ Công Thương:

- Chỉ đạo xây dựng đúng tiến độ và quy hoạch các trung tâm điện lực và mạng lưới cấp điện trên địa bàn vùng. Chỉ đạo, phối hợp với các địa phương liên quan trong việc xây dựng mạng lưới cho đầu mối, các trung tâm thương mại quy mô vùng.

- Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam phục vụ cho phát triển kinh tế, đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu để hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì và phối hợp với các địa phương liên quan trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chỉ đạo, phối hợp trong bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, khoáng sản, nguồn nước tại các địa phương trong Vùng; chỉ đạo, phối hợp với các địa phương trong việc bảo vệ các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

e) Bộ Xây dựng

Chủ trì, lập quy hoạch, kiểm tra, giám sát xây dựng các khu xử lý chất thải nguy hại, nghĩa trang, hệ thống cấp nước quy mô Vùng; phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các đô thị.

g) Bộ Khoa học và Công nghệ

Chỉ đạo, phối hợp trong việc phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ trên địa bàn Vùng; xây dựng, nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ tại các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo trên địa bàn Vùng; phối hợp xây dựng các khu công nghệ cao trên địa bàn Vùng.

h) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Chỉ đạo, phối hợp với các địa phương liên quan trong việc xây dựng hệ thống trung tâm đào tạo nghề, đặc biệt là các trung tâm đào tạo trình độ cao quy mô Vùng.

i) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì và phối hợp với địa phương, Bộ, ngành có liên quan hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; các quy hoạch tổng thể phát triển khu và điểm du lịch quốc gia.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng:

- Phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước và các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch.

- Các tỉnh, thành phố trong Vùng chủ động rà soát quy hoạch chi tiết, các chương trình, dự án đầu tư; có kế hoạch lồng ghép quy hoạch vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ được phê duyệt tại Quyết định này.

- Tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn theo chức năng được phân công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng
TTĐT; các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu Văn thư, Vụ KTTH (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

TÊN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

 

I

Hạ tầng giao thông

 

1

Đường bộ:

 

 

- Đường cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Hải Phòng - Hạ Long; Hạ Long - Móng Cái;

- Hệ thống đường vành đai 3 (Hà Nội); đầu tư một số đoạn trên tuyến vành đai 4 (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) và vành đai 5 (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương);

- Đầu tư, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A lên 4 làn xe;

- Xây dựng tuyến đường ven biển gắn với đê biển (Hải Phòng, Quảng Ninh); nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc ven biển kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với vùng Nam Đồng bằng sông Hồng;

- Xây dựng các trục hướng tâm Hà Nội: Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 5, Quốc lộ 6, Quốc lộ 18, Quốc lộ 32.

 

2

Hàng không:

 

 

- Xây dựng cảng hàng không quốc tế nhà ga T2 Nội Bài;

- Cảng hàng không quốc tế Cát Bi;

- Nghiên cứu xây dựng cảng hàng không tại Quảng Ninh;

- Nâng cấp và xây dựng cảng hàng không Gia Lâm.

 

3

Cảng biển:

 

 

Xây dựng cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng.

 

4

Đường thủy nội địa

 

 

Nâng cấp và xây dựng mới một số cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách.

 

5

Đường sắt:

 

 

- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân;

- Nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp I;

- Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng;

- Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội; đường sắt Hải Phòng - Lạch Huyện.

 

II

Hạ tầng cung cấp điện

 

 

- Hoàn thành xây dựng các nhà máy điện theo Tổng sơ đồ Phát triển Điện lực 7;

- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống lưới điện quốc gia; phát triển hệ thống lưới điện thông minh tại các đô thị lớn thuộc Hà Nội, Hải Phòng.

 

III

Hạ tầng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

 

 

- Tiếp tục củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, đê sông đảm bảo chủ động phòng, chống lụt, bão, nước biển dâng và phòng ngừa biến đổi khí hậu; kết hợp hệ thống đê với đường giao thông;

- Nâng cấp, hiện đại hóa và nâng cao năng lực vận hành hệ thống thủy lợi trọng điểm Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, Bắc sông Đuống và hệ thống kênh mương, các công trình thủy lợi đầu mối;

- Chương trình nâng cấp các hồ, đập chứa nước;

- Các dự án hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tại các địa phương giáp biển trong Vùng.

 

IV

Văn hóa và giáo dục - đào tạo

 

 

- Xây dựng một số trường đại học chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế tại Hà Nội. Di dời một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành thành phố Hà Nội đến các đô thị vệ tinh, các tỉnh trong Vùng;

- Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề theo quy hoạch; ưu tiên, tập trung đầu tư cho 11 trường dạy nghề chất lượng cao với các nghề trọng điểm cấp độ khu vực, quốc tế.

 

V

Y tế, thể dục thể thao

 

 

- Chương trình phát triển hệ thống cơ sở y tế dự phòng; nâng cấp hệ thống bệnh viện cấp tỉnh; phát triển trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội;

- Xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao quy mô lớn, hiện đại tại Hà Nội và một số thành phố lớn của Vùng.

 

VI

Khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường

 

 

- Xây dựng Khu công nghệ thông tin trọng điểm Quốc gia;

- Chương trình Chính phủ điện tử tại các tỉnh, thành phố trong Vùng;

- Xây dựng khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (Hà Nội) giai đoạn II và khu xử lý chất thải rắn tại Hoành Bồ (Quảng Ninh);

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các đô thị;

- Chương trình cấp nước cho thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Dương, Hà Nội - Chí Linh - Phả Lại và khu vực ven biển;

- Xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II đạt 600.000 m3/ngày đêm;

- Chương trình thoát nước thải và xử lý nước thải cho các đô thị;

- Chương trình tiêu, thoát nước phòng chống ngập úng cho các đô thị.

 

VII

Về phát triển các ngành, lĩnh vực khác

 

- Chương trình phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng nhà máy sản xuất thép liên hợp, thép chất lượng cao, thép chuyên dụng cung cấp cho công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ ở Hải Phòng, Quảng Ninh;

- Chương trình phát triển logistics;

- Hoàn thành việc xây dựng các khu du lịch trọng điểm của Vùng;

- Xây dựng nhà ở xã hội ở Hà Nội và các đô thị lớn trong Vùng;

- Chương trình phát triển kinh tế biển, đảo;

- Chương trình nghiên cứu khai thác than nâu;

- Khu kinh tế quốc phòng cụm đảo Đông Bắc (Quảng Ninh).

Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ.

THE PRIME MINISTER
---------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 198/QD-TTg

Hanoi, January 25, 2014

 

DECISION

APPROVING THE MASTER PLAN ON SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT OF THE NORTHERN KEY ECONOMIC REGION THROUGH 2020, WITH A VISION TOWARD 2030 (*)

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the Government s Decree No. 92/2006/ND-CP of September 7, 2006, on the formulation, approval and management of socio-economic development master plans; and Decree No. 04/2008/ND-CP of January 11, 2008, amending and supplementing a number of articles of Decree No. 92/2006/ND-CP;

At the proposal of the Ministry of Planning and Investment,

DECIDES:

Article 1. To approve the master plan on socio-economic development of the northern key economic region (below referred to as the region) through 2020, with a vision toward 2030, with the following principal contents:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The northern key economic region (embracing 7 provinces and cities, namely Hanoi, Hai Phong, Quang Ninh, Hai Duong, Hung Yen, Vinh Phuc and Bac Ninh) is a major political, economic, cultural and scientific-technological center of the country. Accommodating central agencies, executive centers of many major economic organizations and national scientific and technological training, research and application institutions, the region has been and will continue playing a particularly important role and position in the cause of national development.

It is a core development region and a driving-force territory of the Red River delta and one of the leading regions in fast and sustainable socio-economic development in the whole country. It has great tourism potential with a system of specialized medical centers and a pool of highly qualified scientific researchers who play a pivotal role in training human resources for the national industrialization and modernization.

II. DEVELOPMENT VIEWPOINTS

1. To boost the region’s socio-economic development in conformity with the national socio-economic development strategy and the master plan on socio-economic development in the Red River delta through 2020 and the country’s sectoral development master plans for deeper and wider international integration, closer and more harmonious connection to create a spillover effect to drive up the socio-economic development of the region and the country.

2. To strive for fast and sustainable socio-economic development with a view to becoming the country’s locomotive of economic development, leading the northern region and the country in industrialization and modernization. To develop a knowledge-based economy together with the renewal of the growth model and economic restructuring toward green industry in response to climate change and sea level rise.

3. To uphold its role in leading the country in the application of cutting-edge science and technology in production and management. To step up scientific and technological research and application in sectors with advantages, particularly basic researches to make science and technology a driving force for the regional development. To develop high- quality human resources to meet human resource demand of the region’s key development sectors during the integration process.

4. To closely combine economic development and socio-cultural development together with realizing social justice and progress in order to gradually improve the people’s living standards. To ensure the harmony between the economic development and the conservation, embellishment and promotion of traditional cultural values and cultural and natural heritages, and develop sports and physical training.

5. To closely combine economic development with defense and security maintenance and national sovereignty safeguarding in the process of integration and development.

III. DEVELOPMENT OBJECTIVES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Overall objectives:

To consolidate and enhance the position of the northern key economic region as a political, economic, cultural and scientific and technological center of the country; a center of convergence of resources and national vitality, a location for the country’s integration and trade exchange with the Southeast Asian region and the world to become a development nucleus of the Red River delta and the country, playing a pivotal role in raising Vietnam’s position in the ASEAN community and in the international arena. To develop the northern key economic region into one of the country’s leading regions in economic development and a leading force in making strategic breakthroughs, economic restructuring, renewing the growth model and realizing industrialization and modernization. To ensure the close combination of economic development, environmental protection, social welfare, social order and safety and firmly maintain all-people defense and people’s security.

b/ Specific objectives:

- Economic objectives:

+ The average GDP growth rate will be 7.5% in the 2011-2020 period and 9% in the 2016-2020 period (1.25 times the national average). The average per-capita GDP (according to actual prices) will reach USD 3,200-3,500 by 2015, and USD 5,500 by 2020;

+ Economic restructuring: By 2015, the proportion of agriculture-forestry-fisheries will make up 7.7% of the region’s GDP, industry-construction, 48.3%, services, 44%; and by 2020, the proportions will be 5.5%, 49.1%; and 45.5%, respectively;

+ The region’s export value will account for 27-29% of the country’s total by 2015 and 32% by 2020; the technology renewal rate will be 20-25% per year and the rate of advanced technologies will be around 45%.

b/ Socio-cultural objectives:

+ The region’s average population growth rate will be around 1.2-l3%, including natural population growth of below 1%, in the 2011-2015 period; 1.1-1.2%, including natural population growth of 0.85-0.9%, in the 2016-2020 period. The urbanization rate will be 40-45% by 2015 and 50-57% by 2020;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ To improve people’s healthcare quality; the rate of communes meeting national health standards will be 60% by 2015 and 80% by 2020; the rate of under-five underweight malnourished children will be 15% by 2015 and 125% by 2020;

+ To cut the rate of poor households by 2% per year and raise the poor household’s average per capita income by 2.5-3.5 folds every five years.

By 2020, to restore, embellish and bring into play value of 100% of cultural heritages by 2020; 95%-100% of districts and towns will have cultural houses and libraries; 85-95% of communes and townships will have cultural houses.

- Environmental protection:

To comply with the criteria for supervision and evaluation of the environmental protection results. To basically remedy environmental pollution in both rural and urban areas, socio-economic activities will meet green and sustainable development requirements. By 2020, more than 98% of urban solid waste and more than 97% of hospital waste will be treated; more than 90% operating industrial parks and export processing zones will have centralized wastewater treatment systems up to environmental standards.

- Security and defense objectives:

+ To further intensify the propaganda and mobilization of people to strictly abide by the State’s laws to control and reduce traffic accidents and labor accidents; to build and consolidate new cultured lifestyles in residential communities;

+ To combine socio-economic development with national defense consolidation. To firmly ensure the all-people defense posture and people’s security in all fronts. To complete national defense and security infrastructure to meet the battle requirements in all circumstances.

2. Orientations toward 2030:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To continue bringing into play the role of an active development region with a modem economic structure and a high and stable growth rate, leading the country in the development of the knowledge-based economy and the creation of breakthroughs in the national economic development; to act as a locomotive economic region and an international economic, trade, finance, service and tourism center, leading the country in education and training, science and technology, culture, sports and framing, health and people’s healthcare. To have an arrangement and organization of spaces for production and rational urban development in a large urban cluster, and functions as a national complex urban area in which Hanoi will be a multi­functional integrated economic center with a modern and uniform technical infrastructure system. To ensure the close combination of economic development with environmental protection and social security and order, firmly consolidating all-people defense.

b/ Specific fields:

- Economically:

+ The average GDP growth will be 8.7% in the 2021-2030 period (1.3 times the national average); the average per-capita GDP (according to actual prices) will reach USD 10,500-12,000 by 2030;

+ Economic restructuring: By 2030, the proportion of agriculture-forestry-fisheries will make up 2.2% of the region’s GDP, industry-construction, 47.8%, and services, 50%;

+ The region’s export value will account for 39% of the country’s total by 2030; the region will lead the country in the modernization process with the technological renewal rate will be 20% per year on average;

- Socially:

+ The region’s average population growth rate will be around 1-11%, including natural population growth rate of around 0.8-0.85%, in the 2021-2030 period. The urbanization rate will be 60-70% by 2030;

+ The rate of trained workers will be more than 90% and workers receiving vocational training will be around 60-70% by 2030; to generate jobs for around 200,000-230,000 people per year; to control unemployment rate among people of working age at 3%;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ To cut the rate of poor households by 1.5-2% per year and raise the poor household’s average per-capita income by 1.5- 2.5 folds every five years.

- Infrastructure:

+ To have a synchronous and modem transport infrastructure system, a diverse, civilized and safe mass transit system linking Hanoi and satellite urban centers, districts and suburban urban areas;

+ All people will have houses with necessary house equipment suitable to the socio­economic development level of the Capital as well as provinces and centrally run cities in the region with the housing area per person in urban areas reaching 20-25 square meters. Housing and residential land in rural areas will be rationally zoned off with good living environment and convenient working conditions and in line with criteria for building a new countryside;

+ To modernize the power grid to ensure efficient and safe operation; to zone off the construction of synchronous and modem underground works with 100% of electric and information cables in cities and communes laid underground; lighting systems in urban centers will be built up to standards. More than 70% of the population will have access to the Internet. All households will have access to clean water. To basically remedy inundation in urban centers.

- Environmentally:

To build complete waste and wastewater treatment systems up to the environmental standards. To rationally and efficiently use natural resources, landscapes and development space towards sustainability.

IV. ORIENTATIONS FOR SECTORAL DEVELOPMENT

1. Development of services, trade and tourism:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To increase service quality and raise the competitiveness of service providers in the domestic, regional and international markets; to further tap potential and advantages of each service sector, to promote cooperation among service sectors for higher competitiveness and development.

- To promote export of services and on-the-spot services for foreign exchange collection, intensify investment and upgrade trade infrastructure associated with developing a healthy competitive business environment; to expand the network of trade centers and supermarkets in the region’s urban centers; to well develop warehouses meeting international standards connected with expressways, coastal roads and border-gate routes.

- To step up the socialization to develop cultural, educational, healthcare, sports and physical training and job placement services, under the market mechanism.

- To expand the network of trade centers and supermarkets in urban centers; to reinforce and upgrade infrastructure of farm produce and aquatic product wholesale markets in centralized production zones, trade centers and exhibition and fair centers in large urban centers. To complete the e-commerce system and the system of information on trade transactions to serve international integration.

- To develop banking-finance services and service providers toward modernity and diversity. To develop Hanoi into a prestigious finance-banking center up to international standards.

- To invest in building a number of key national tourist zones meeting international standards. To strive to attract around 7-8 million foreign tourists and earn a tourism turnover of USD 3 billion by 2020; 10-12 million foreign tourists and a tourism turnover of USD 6-7 billion by 2030. To complete the formulation and approval of master plans on and build national tourist zones and spots to attract investment in a uniform and sustainable manner.

- The average service growth rate will be around 8.2% in the 2011-2015 period, 8.9% in the 2016-2020 period, and 9.1% in the 2021-2030 period. To balance imports and exports by 2015 and achieve an average trade surplus of 3-4% of GDP by 2020.

2. Industrial development:

- To focus on developing and raising the capacity and position of industries with competitive edges, comparative advantages, a high localization rate and possibility of deeply integrating into the global value chain such as electronics, information technology, telecommunications, mechanical engineering; ship repair and building; high-quality steel and new construction materials; chemicals and pharmaceuticals; food processing; garments, textiles and footwear.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To combine industrial development in rural areas with agricultural development and urbanization process towards sustainability and environmental protection. To develop hi-tech small- and medium-sized industries that generate more jobs for workers.

- To prioritize the intensive development of electronics industry and information technology, and high-quality and special-use steel manufacture. To expand the scale of pharmaceutical industry and food processing industry associated with material zones.

- To develop garment-textile and footwear industries for export and domestic consumption and promote the development of supporting industries such as fiber, sewing yam, dyeing and product design for shifting from processing to localization of products by 2020.

- To focus on mobilizing and attracting investors to develop existing economic zones, industrial parks and clusters. To prioritize large-scale and less labor-intensive investment projects that manufacture hi-tech, clean-tech, high-added value and environmentally friendly products.

- To attain an average industry-construction growth rate of around 8.2% in the 2011- 2015 period, 10% in the 2016-2020 period, and 9% in the 2021-2030 period.

3. Agriculture, forestry and fisheries development:

- To develop intensive farming so as to raise the value of income per cultivation area, step-by-step build hi-tech agriculture so as to supply quality products, ensure food hygiene and safety, and meet people’s consumption demand. To attach importance to the development of traditional craft villages producing export handicraft products.

- To promote offshore and high-sea fishing, shift from coastal fishing to other economic activities. To set up fishing logistics service centers in Cat Ba and Bach Long Vi islands in Hai Phong.

- To concentrate on developing poultry and cattle farming on an industrial scale; freshwater, brackish water and marine aquaculture associated with slaughtering and processing establishments, ensuring food hygiene and safety and environmental protection, to invest in the system of frigerated warehouses to serve export. To apply technical standards and advanced technologies and modernize the management work in order to raise the production value.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The agriculture-forestry-fisheries sector will grow at an average rate of around 3-3.2% in the 2011-2015 period, 2.8-3% in the 2016-2020 period and 2.5% in the 2021- 2030 period.

4. Socio-cultural development:

- Education and training: To synchronously develop education and training at all levels and disciplines associated with education of personality and national pride of Vietnamese and cultural traditions; to improve the quality of teaching and learning. To build a number of high-quality universities up to international standards in Hanoi and provinces in the region. To prioritize high-quality human resource training, meeting the demand for quantity and quality for the region’s spearhead sectors such as finance, banking, insurance, tourism, hotels, restaurants, transport, high-quality human resource training and healthcare; mechanical engineering, electronics, new materials, pharmaceutical and food processing; high-quality vocational training for electronics, mechanical engineering, power technology, material production, tourism and telecommunications, etc. To promote vocational training for rural laborers.

- Health and people’s healthcare: To strengthen and build the system of synchronous and standard health establishments from central to local levels in the region. To curb the overload at central hospitals. To consolidate, upgrade and improve the quality of medical examination and treatment of the system of regional, provincial and district general hospitals and preventive medicine establishments. To step up the socialization of medical and healthcare services to ensure all people will have access to medical and healthcare services, diversify medical examination and treatment services. To prioritize the upgrading of the Hanoi Medical University, the Hanoi University of Pharmacy and major medical research institutes in the region.

- Culture, sports and physical training: To preserve and develop genres of tangible and intangible cultures and traditional and folk arts. To build cultural and sports facilities of national and continental scale imbued with Vietnamese culture, thus meeting the conditions for the organization of regional, continental and international tournaments. To consolidate and further promote traditional cultural values to lay foundations for cultural exchange among ethnic communities in the region, the country and worldwide. To build a system of cultural and sports institutions at all levels and entertainment sites in urban areas and populous areas in the region.

- Poverty reduction, job generation and social welfare: To synchronously, comprehensively and effectively implement programs and projects on poverty reduction, social welfare and protection and care of children and people who rendered great service to the country. To attach importance to generating jobs, increasing incomes and stabilizing laborers’ life. To implement social housing programs for low- and middle-income earners, especially in urban areas, economic zones and industrial parks.

5. Development of synchronous infrastructure systems:

a/ Transport:

- Roads: To complete on schedule the construction of expressways so as to connect economic centers in the region with the whole country and foreign countries; axes linking regions and coastal roads linking sea dikes and seaports. To make basic investment in, under approved scale, national highways in the region, radial roads, the Hanoi-Hai Phong- Quang Ninh development triangle; intersections, bypasses and belt roads. To consolidate provincial, district roads and rural traffic to ensure smooth flow.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Waterways: To build a synchronous and modern regional and international seaport system with the Hai Phong and Quang Ninh port cluster being the center. To focus on developing the Hai Phong international gateway seaport (Lach Huyen) to satisfy international and regional shipping demands; to upgrade and build a number of major ports and passenger and cargo wharves along the Red River and Thai Binh river and other inland waterway routes serving the inland waterway transportation in line with the approved sectoral master plans.

- Railways: To restore, upgrade and modernize the existing railway system to raise its capacity. To speed up the pace of the Yen Vien-Pha Lai-Ha Long-Cai Lan railway construction project and prioritize the implementation of Hanoi’s urban railway projects in line with master plans and schedule, ensure safety, effectiveness and urban beauty. To study the investment in express railways from Hanoi to other areas and localities in the region. By 2020, Hanoi’s mass transit is expected to serve 35% of passengers, while Hai Phong and other urban areas, 15-20%.

b/ Power supply and post and telecommunications infrastructure:

- To concentrate on building and completing power plants and a synchronous power distribution network in conformity with the electricity generation diagram VII and the scheduled operation of power plants. To study the application of a smart power grid with modem technologies in regulating and connecting with national and regional countries’ power grids.

- To build a synchronous and modem post and telecommunications infrastructure, particularly in Hanoi capital and big cities and urban centers in the region. To develop modem post and telecommunications sector equaling to that of advanced countries in the Southeast Asian region and the world. To widely and effectively apply information technology in state management, economic sectors, socio-cultural fields, security and national defense. To diversify post and telecom services, expand the scale and constantly improve service quality.

c/ Irrigation, water supply and drainage:

- To reinforce, upgrade and ensure the uniform and efficient operation of the system of irrigation works, reservoirs, dams and equipment to supply sufficient water for production and flood management. To reinforce and upgrade key irrigation systems like Bac Hung Hai, Nhue river and northern Duong river, etc., to serve irrigation, drainage and water supply for economic restructuring of the agricultural sector, production and daily life.

- To invest in building and upgrading the water supply system to supply enough clean water to serve urban and rural people’s daily needs according to standards and regulations. To apply advanced technologies and develop hygienic water supply models for people in rural, deep-lying, border and island areas that face scarcity of fresh water sources.

- To build and reinforce the river and sea dike system, salinity prevention and flood water discharge projects in order to prevent landslides and erosions, protect land and adapt to climate change. To adopt schemes to ensure the safety of people’s lives and property in areas zoned off for hydropower reservoirs ’ flood water discharge when necessary for the safety of Hanoi capital and other provinces and cities in the region.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To make the best use of scientific and technological potential so as to bring into play the region’s leading role in scientific and technological development. To promote technology renewal toward modem and high technologies. To prioritize clean technology, information technology, bio-technology, automatic technology and new-material technology, and intensify investment in science and technology to serve the development of marine economy.

- To renew mechanisms and policies to manage and develop science and technology. To boost international cooperation in science and technology. To encourage and support the development of science and technology enterprises; to encourage and develop foreign- invested research and development institutes and branches of foreign research institutes in Vietnam. To develop a modem national information and statistics infrastructure for science and technology.

- To increase investment in leading research institutes, science and technology centers, major laboratories, and technology application and transfer establishments, etc. To promote investment in developing the Hoa Lac hi-tech park into a national science and technology city, study the construction of a number of hi-tech parks in areas where conditions permit.

7. Management of natural resource exploitation and use and environmental protection:

- To exploit and use land fund in a reasonable, economical, effective and sustainable manner under the prescribed criteria to meet economic and technical targets and in conformity with land use master plans and plans for each period in each locality and the whole region. To raise the economic value and efficiency per unit of land area, increase revenues from land, create sources for socio-economic development. To enhance the management, inspection and supervision for efficient and economical use of land to minimize the conversion of farm land into non-agricultural land. To consolidate and maintain rice-growing areas to ensure food security. To protect existing forest land areas, increase the greening of barren land and bare hills, and prevent deforestation and forest fire.

- To encourage and prioritize the development of production sectors and fields applying the clean production mechanism and advanced technologies with low-energy consumption and low emission. To promote the socialization of environmental protection services and environmental protection inspection and supervision, and apply strict measures to handle acts that cause adverse impacts on the environment.

- To efficiently manage and tap natural resources, sustainably protect and use water resources, protect the environment and ecological balance. To attach importance to green, environment-friendly economic development. In the course of implementing programs and projects to develop sectors and professions, it is necessary to take solutions to prevent impacts on UNESCO-recognized landscapes such as the world natural heritage Ha Long Bay, the Cat Ba Biosphere Reserve. To follow sustainable production and consumption, gradually develop “clean energy”, “clean production” and “clean consumption”.

- To apply advanced technologies in centralized waste collection, treatment and recycling to ensure environmental hygiene. To build Soc Son waste treatment complex, phase II (Hanoi) and a solid waste treatment zone in Hoanh Bo (Quang Ninh). To build solid waste treatment zones and wastewater treatment plants in provinces and cities to treat waste and wastewater up to the prescribed standards before being discharged into the environment. To pay attention to protection the environment of craft villages in rural areas.

- To implement environmental zoning and the integrated management of river basins and coastal areas that face high risks of environmental pollution to prevent pollution incidents such as oil spill, toxic chemical leaks and other pollution risks. To build and put into use marine reserves and biodiversity reserves in marine and inland waters. To strictly handle environmental polluters; to enhance inspection and supervision of producers in implementing their environmental protection commitments.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To build economic development projects, defense economic zones, closely combine the two strategic tasks of socio-economic development and defense-security consolidation, to strengthen all-people defense potential and people’s security posture; to maintain political stability and social order and safety; and to be ready to effectively face, prevent and frustrate hostile forces’ plots and schemes.

- To thoroughly grasp the situation and promptly handle in any circumstances; to actively prevent and fight social evils and drug crimes, smuggling and trade frauds, firmly safeguard national border sovereignty and build a border of peace and stability with the neighboring countries.

V. ORIENTATIONS FOR ORGANIZATION OF DEVELOPMENT SPACES

1. Development of urban systems and rural residential areas:

a/ Development of urban systems:

-To establish systematic linkage among central urban areas in the region, including two centrally run cities; to set up a rational structure of core and satellite urban centers to create a driving force for the development of adjacent areas and concurrently reduce pressure on central parts of Hanoi and Hai Phong cities.

- To develop urban centers of Bac Ninh, Vinh Phuc, Ha Long and Hai Duong to play the role of development poles in the region’s urban system.

- To develop satellite urban centers, namely Son Tay, Tu Son, Xuan Mai, Chi Linh, Cam Pha, Uong Bi and Mong Cai. To develop urban coưidors from Hanoi to different directions and connect corridors, especially expressways and national highways in the region. To develop district townships lying 50 kilometers from the heart of Hanoi and development poles to facilitate rural development.

b/ Rural development:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To effectively implement the new countryside building program associated with national target programs on socio-economic development in the region. To mobilize all resources, especially the participation of people in building a new countryside with the rate of communes meeting the new countryside criteria being 20-25% by 2015 and 50- 65% by 2020.

- To set up rural service centers; to build rural residential clusters with synchronous infrastructure facilities meeting standards according to the set of national criteria for new countryside; to reinforce and build aquaculture infrastructure, fishing ports and storm shelters for vessels and rural infrastructure works.

2. Development of sub-regions:

The region’s development space embraces two sub-regions, namely the Hanoi capital sub-region and the coastal sub-region.

a/ The Hanoi capital sub-region embraces Hanoi capital and Vinh Phuc, Bac Ninh, Hung Yen and Hai Duong provinces. To arrange regional-scale trade and service centers, including training, scientific research, and high-quality medical establishments, and exhibition and fair, sports and physical training centers, etc. To concentrate on the establishment of hi-tech industrial parks, hi-tech agricultural zones and technology research and transfer centers. To develop high-quality paddy and fruit tree zones (longan, litchi, orange, lemon, banana, etc.).

b/ The coastal sub-region embraces Hai Phong city and Quang Ninh province (including even marine, coastal and island areas) with fast and active development potential, trade and service centers in large urban centers; to build regional and national tourist zones associated with ecological tourism in the Cat Ba National Park (Hai Phong), and Bai Tu Long, Ha Long, Van Don, Tra Co (Quang Ninh); to step up agriculture and forestry development, afforestation and forest protection. To raise the value and quality of aquaculture and fishing, combine the development of seafood processing industry and export.

3. Development of special territories:

a/ Development of the marine economy: To effectively implement Vietnam’s marine strategy up to 2020, strongly develop the marine economy, raise the contributions of marine economy to the region’s socio-economic development. To build coastal areas into “open economic zones” with export promotion. To strictly combine the development of the marine economy based on mutual beneficial cooperation and ensuring defense and security and safeguarding the nation’s marine sovereignty.

b/ Economic zones and border-gate economic zones: To continue investing in developing economic zones and border-gate economic zones decided by the Prime Minister to be prioritized for investment to become one of major economic areas associated with the consolidation of security and defense in the region. To study die construction and development of Mong Cai border-gate economic zone and Van Don economic zone into a center linking the region and an important hub in the coastal corridor in trading with China.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

VII. SOLUTIONS TO IMPLEMENT THE MASTER PLAN

1. Fields prioritized for development:

To bring into play the special strengths of the region that accommodates Hanoi capital, a hub of domestic and international-route trunk roads, railways and airways to expand inter­regional cooperation in sharing infrastructure, trade, cultural exchange, scientific research and technology transfer, human resource training and utilization, tourism development and international cooperation.

- To complete an appropriate policy and mechanism system to promote the regional economic development; to create a transparent and fair competitive environment for businesses; and to reform administrative procedures.

- To build a synchronous infrastructure system with focus on transport network to create linkages among localities in the region and adjacent areas, the irrigation network to serve paddy cultivation and aquaculture as well as works to prevent and mitigate the impacts of global climate change.

- To raise the quality of education-training and vocational training and quickly develop highly skilled human resources to meet the region’s development demands and drive up other regions. To combine human resource development and the application of science and high technology to production to increase productivity and products’ quality and value.

- To continue the administrative reform, create an equal competitive environment for economic sectors and build an open investment environment to attract foreign investment.

2. Mobilization and effectively use of investment capital:

- To effectively mobilize and use state capital to develop socio-economic infrastructure, human resources, science and technology, protect the environment and implement national target programs. To earmark budgets for important infrastructure development works, projects that are difficult to attract foreign investors; to increase the mobilization of investment capital in BOT, BTO and PPP forms, especially in the transport sector.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To continue promoting FDI attraction in line with integration process. To renew foreign investment promotion activities with focus on sectors with the region’s advantages and potential partners, especially developed nations, and concurrently expand cooperation with partners that have invested in the region.

3. Comprehensive solution groups on restructuring and raising the competitiveness of economic sectors and major products:

- Accelerating the economic restructuring: To focus on developing industries with comparative advantages and high added value, gradually reduce the proportion of mining, preliminary processing and processing. To prioritize the development of quality and highly specialized services that create more jobs and raise income such as finance-banking, telecommunications, information technology, tourism, trade and logistics.

- Developing human resources: To combine human resources development and orientations for socio-economic development and labor market requirements. To improve labor quality and raise the rate of trained workers and workers in sectors manufacturing exports and fields of hi-tech industries. To adopt mechanisms to encourage foreign experts and scientists and overseas Vietnamese to consult socio-economic development issues in each locality and the whole region.

- Stepping up and improving the quality of science and technology research and application: To combine science and technology tasks and socio-economic development targets with immediate focus on training human resources that can master new technologies for practical application, and concurrently attract high-quality foreign human resources for scientific application and advanced technology development.

- Developing economic sectors: To continue improving business environment toward openness and equal competitiveness among economic sectors. To support businesses in information access, market integration and expansion. To take advantage of the assistance of Vietnamese representative offices overseas in market information and seeking foreign partners during the cooperation process; to provide information and assist businesses so as to minimize emerging negative impacts during the integration process. To promote market research and trade promotion work; to encourage domestic enterprises to build and develop trademarks.

- Administrative reform and improving the quality of cadres and civil servants: To improve the quality of public administrative services; to publicize procedures and time of handling in various forms for people and enterprises to monitor and assess. To continue improving the quality of one-stop-shop mechanism in handling organizations and citizens’ affairs. To widely apply the one-stop shop mechanism among departments-sectors, among departments-sectors and the People’s Committees of districts, wards and communes in settling administrative procedures. To widely apply information technology and modernize administration.

4. To promote the coordination among localities in and outside the region in investment promotion, resources mobilization and distribution and socio-economic infrastructure construction; training and job generation; scientific research and technology transfer; building inter-provincial and -regional tourism programs and routes; information provision and building socio-economic database to serve forecast work and coordination in environmental protection and response to climate change.

5. Completion of implementation mechanisms:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To raise the quality of coordination among ministries, sectors and localities in the region; to formulate specific action programs and assign responsibilities together with the assessment of coordination among agencies in implementing the master plan.

- To annually organize the region’s business forum to boost direct exchange and dialogues between investors and provincial-level authorities in the region.

- To study, formulate financial mechanisms and specific budgets for the Hanoi Capital to create resources for Hanoi to invest in infrastructure development so as to promote socio-economic development in the Capital and the whole region.

Article 2. Organization and supervision of the master plan implementation

1. After approved, the master plan on socio-economic development of the northern key economic region will be the foundation for formulating, submitting for approval and implementing the region’s sectoral master plans; and reviewing master plans on socio­economic development of localities in the region.

2. To assign the Ministry of Planning and Investment to assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, sectors and localities in the region in:

- Making public the master plan and organizing investment promotion activities and conducting public information work to attract the participation of domestic and foreign investors and all economic sectors in the master plan;

- Monitoring, urging, supervising and examining the implementation of master plans of the region and of ministries, sectors and localities in the region; supervising the implementation of the region’s major investment programs and projects.

- Studying and proposing mechanisms and policies for coordination among localities in the region and with other regions. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and sectors, in calling for investment in the region’s key projects.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Study, formulate and submit to competent state agencies for promulgation a number of specific mechanisms and policies as mentioned in Clause VII, Article 1 of this Decision so as to successfully implement the targets and tasks set in the master plan.

- Coordinate with the Ministry of Planning and Investment in implementing and supervising the implementation of the master plan, and supervising the implementation of regional key investment programs and projects in priority order under their respective management so as to promote the region’s socio-economic development.

Below are specific tasks of ministries and sectors:

a/ The Ministry of Transport:

- To direct the construction and on-schedule completion of important transport works in the region; to propose a mechanism for raising capital for large-scale transport development projects in the region.

- To supervise the implementation of transport infrastructure development in conformity with the approved master plan.

b/ The Ministry of Agriculture and Rural Development:

- To formulate, submit for approval and organize the implementation of master plans on rural and agricultural development; master plans on building and developing rural infrastructure facilities and assigned sectoral development master plans; to invest and attract investment in projects to tap regional potential and advantages; to manage and prioritize hi-tech and environmentally friendly development projects in order to increase productivity, quality and efficiency.

- To complete the construction and reinforce irrigation and dike systems; to guide the production of agricultural and seafood products in the region. To propose mechanisms and policies to be applied to, and support localities in the region in building, hi-tech agricultural zones.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To guide and create appropriate mechanisms for a number of universities in modernizing their physical foundations and developing their lecturing staffs and training programs up to advanced countries in the region.

- To assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and sectors and Hanoi city in, building Hanoi city into a key high-quality human resource education-training center for the whole country.

d/ The Ministry of Industry and Trade:

- To direct on-schedule construction and zone off electricity centers and power grids in the region. To direct and coordinate with related localities in building networks of regional-level wholesale marketplaces and trade centers.

- To coordinate with ministries and sectors in formulating a strategy to develop trademarks of Vietnamese goods to serve economic development, especially to expand export outlets for Vietnamese goods to compete and integrate into international economy.

dd/ The Ministry of Natural Resources and Environment: To assume the prime responsibility for, and coordinate with related localities in, responding to climate change and sea level rise; to direct and coordinate the protection and reasonable use of natural resources, minerals and water sources in localities in the region; to direct and coordinate with localities in protecting national parks and nature reserves and biodiversity conservation.

e/ The Ministry of Construction: To assume the prime responsibility for formulating, examining and supervising the construction of regional-level hazardous waste treatment zones, cemeteries and water supply systems; to coordinate with localities in building water drainage and wastewater treatment systems so as to gradually deal with inundation in urban centers.

g/ The Ministry of Science and Technology: To direct and coordinate in science- technology development and application in the region; to build and raise scientific- technological capacity of scientific research institutes and training establishments in the region; to coordinate in building hi-tech parks in the region.

h/ The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs: To direct and coordinate with related localities in building the system of vocational training centers, especially regional-level high-qualification training centers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The People’s Committees of the provinces and centrally-run cities in the region:

- To coordinate with ministries and sectors in organizing investment promotion activities and conducting public information work to attract domestic and foreign investors as well as different economic sectors to participate in the master plan implementation.

- Provinces and cities in the region shall actively review detailed master plans, investment programs and projects; to include this master plan in their five-year and annual socio-economic development plans in conformity with targets and tasks as mentioned in this Decision.

- To supervise and examine the implementation of development investment projects in their localities according to their assigned functions and report implementation results to the Prime Minister.

Article 3. This Decision takes effect on the date of its signing.

Article 4. The chairpersons of the People’s Committees of the provinces and centrally run cities in the northern key economic region, ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of government-attached agencies shall implement this Decision.

 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

APPENDIX

LIST OF PROGRAMS AND PROJECTS PRIORITIZED FOR INVESTMENT STUDY IN THE NORTHERN KEY ECONOMIC REGION THROUGH 2020
(To the Prime Minister's Decision No. 198/QD-TTg of January 25, 2014)

No.

NAME OF PROGRAM OR PROJECT

I

Transport infrastructure

1

Roads:

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The system of belt road 3 (Hanoi); to invest in a number of sections on belt road 4 (Hanoi, Bac Ninh and Hung Yen) and belt road 5 (Hanoi, Bac Ninh, Hung Yen and Hai Duong);

- To invest in, upgrade and expand national highway 1A to have 4 lanes;

- To build the coastal roads along sea dikes (Hai Phong and Quang Ninh); to study the construction of coastal highways linking the northern key economic region and the southern Red River delta;

- To build Hanoi radial axes: national highways 2, 3, 5, 6, 18 and 32.

2

Airways:

 

- To build terminal T2 of Noi Bai international airport;

- Cat Bi international airport;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To upgrade and build Gia Lam airport.

3

Seaports:

 

To build Lach Huyen international gateway seaport, Hai Phong city.

4

Inland waterways:

 

To upgrade and build a number of major ports and cargo and passenger wharves.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Railways:

 

- To speed up the progress of the Yen Vien - Pha Lai - Ha Long - Cai Lan railway project;

- To upgrade and modernize the north-south railway to reach grade-I national railway standards;

- To upgrade the Hanoi - Hai Phong railway;

- To build Hanoi urban railway system; and the Hai Phong - Lach Huyen railway.

II

Electricity supply infrastructure

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To apply information technology to the management and operation of the national power grid; to develop smart power grids in large urban centers of Hanoi and Hai Phong.

III

Agricultural and rural development infrastructure

 

- To further consolidate, protect and upgrade sea dikes and river dikes in order to proactively prevent and control floods, storms, sea level rise and climate change; to combine dike systems with roads.

- To upgrade and modernize the capacity of key irrigation systems for Bac Hung Hai, Nhue river, and northern Duong river, and the system of canals, ditches and key irrigation works;

- A program to upgrade reservoirs and dams.

- Projects on fishery infrastructure, fishing ports and storm shelters in coastal localities in the region.

IV

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

- To build a number of high-quality universities up to international standards in Hanoi. To relocate a number of universities and colleges from the inner city area of Hanoi to satellite urban areas and provinces in the region;

- To develop networks of vocational training establishments under planning; to prioritize investment in 11 high-quality vocational training schools with regional- and international-level occupations.

V

Health, sports and physical training

 

- A program to develop a system of preventive health establishments; to upgrade the provincial hospital system; to develop the Medical University of Hanoi and Hanoi University of Pharmacy.

- To build a number of large and modem cultural and sports facilities in Hanoi and some major cities of the region.

VI

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

- To build a national key information technology zone;

- E-government programs in the provinces and centrally ran cities in the region;

- To build the Soc Son waste treatment complex, phase II (Hanoi) and the solid waste treatment zone in Hoanh Bo (Quang Ninh);

- To build and complete daily-life solid waste collection and treatment systems for urban centers;

- Programs to supply water for Hanoi, Hai Phong, Quang Ninh, the Hanoi-Hai Duong and Hanoi-Chi Linh-Pha Lai economic corridors, and coastal areas;

- To build Da river surface-water plant, phase II, to reach a capacity of 600,000 m3/ day and night;

- A program on wastewater drainage and treatment for urban centers;

- A program on water drainage to prevent and control inundation for urban centers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Other sectors

 

- A program to develop spearhead industries and supporting industries; to build plants producing combined steel, high-quality steel and special-use steel for supply to mechanical-manufacturing industries and supporting industries in Hai Phong and Quang Ninh;

- A logistics development program;

- To complete the construction of key tourist zones of the region;

- A program to build social houses in Hanoi and major cities in the region;

- A marine and island economic development program;

- A program to study the exploitation of brown coal;

- The Northeastern islands’ defense economic zone (Quang Ninh).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(*) Công Báo Nos 163-164 (01/02/2014)

;

Quyết định 198/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 198/QĐ-TTg
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 25/01/2014
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]

Văn bản đang xem

Quyết định 198/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [11]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…