THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1942/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2013 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Các quan điểm phát triển
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững. Phát triển kinh tế đi đôi với tái cơ cấu kinh tế một cách hợp lý để phát huy và khai thác, có hiệu quả các thế mạnh về đất, rừng, tiềm năng thủy điện, khoáng sản Bauxite và các lợi thế về du lịch sinh thái và tăng cường thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài.
- Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên đầu tư theo chiều sâu, phát triển những ngành sản xuất có lợi thế tạo đột phá cho phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
- Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Kết hợp đồng bộ giữa phát triển sản xuất với phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh phát triển giáo dục, nâng cao mặt bằng dân trí chung và tăng cường đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, dạy nghề cho nguồn lao động, nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân và lao động kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trước mắt là phải ưu tiên hình thành một đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trong các ngành nông, lâm nghiệp, chế biến công nghiệp và khai khoáng.
- Gắn tăng trưởng kinh tế với đảm bảo công bằng, an sinh xã hội, đoàn kết dân tộc. Quan tâm thỏa đáng về phúc lợi xã hội đối với vùng nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ phát triển đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nhằm tạo việc làm, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp dân cư, giảm nghèo và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy nền văn hóa truyền thống đa dạng của các dân tộc trong tỉnh.
- Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường. Giữ vững cân bằng sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững. Có định hướng phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai hạn hán, lũ lụt và các dịch bệnh.
- Gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên toàn tuyến biên giới quốc gia, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Phát triển kinh tế Đắk Nông với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động về chất lượng. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa sử dụng kỹ thuật tiên tiến đem lại hiệu quả cao và bền vững; Tập trung phát triển theo chiều sâu các ngành công nghiệp có lợi thế, từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại hình thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; Phát triển các loại hình dịch vụ theo hướng tăng cường chất lượng, đảm bảo phục vụ tốt cho thị trường, nhất là các loại hình dịch vụ du lịch mà tỉnh có lợi thế. Phát triển sự nghiệp văn hóa xã hội, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân đi đôi với giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
b) Mục tiêu cụ thể
- Mục tiêu kinh tế
+ Tăng trưởng kinh tế:
. Thời kỳ 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 15,5%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 25,8%/năm, nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,4%, dịch vụ tăng 18%/năm.
. Thời kỳ 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 16 - 17%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 22 - 23%/năm, nông, lâm ngư nghiệp tăng 4-5%/năm, dịch vụ tăng 15 - 16%/năm.
+ Cơ cấu kinh tế:
. Đến năm 2015, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 39,57%, dịch vụ đạt 26,7%, nông nghiệp giảm xuống còn khoảng 33,73%.
. Đến năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 45,7%, khu vực dịch vụ đạt 37,6%, khu vực nông nghiệp giảm xuống còn khoảng 16,5%.
+ GDP bình quân đầu người: Đến năm 2015 đạt 27 triệu đồng, năm 2020 đạt gần 66 triệu đồng. Rút ngắn dần khoảng cách so với cả nước về GDP/người, từ 66% so cả nước vào năm 2010 lên 76% vào năm 2020.
+ Kim ngạch xuất khẩu: Đến năm 2015 đạt 550 triệu USD tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16,17%/năm, năm 2020 đạt khoảng 1.500 triệu USD tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 22,2%/năm.
- Mục tiêu xã hội:
+ Dân số: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,3% giai đoạn 2011 - 2015, và đạt 1,1% giai đoạn 2016-2020. Dân số tỉnh đến năm 2015 là 670 ngàn người, năm 2020 là 830 ngàn người. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 20% năm 2015 và 30% năm 2020.
+ Nguồn nhân lực: Đào tạo nghề cho khoảng 24 ngàn người giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 16 ngàn người; giải quyết việc làm cho 17 - 18 ngàn lao động/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35% năm 2015, 45% năm 2020. Phấn đấu giảm bình quân hàng năm 5 - 7% số hộ nghèo để đến năm 2020 bằng mức bình quân cả nước.
+ Về y tế: Đến năm 2015 giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 20%; 90% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; có 6,2 bác sĩ trên một vạn dân. Đến năm 2020 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 10%; trên 95% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; có 8,5 bác sĩ trên một vạn dân.
+ Về giáo dục: Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục phổ thông; mở rộng quy mô giáo dục trung học phổ thông, phấn đấu 70% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương. Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đến năm 2020 có 80% giáo viên mầm non, 100% giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng trở lên, 100% giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt trình độ đại học trở lên,
+ Về văn hóa: Đến năm 2015 có 85% gia đình; 65% thôn bản; 95% cơ quan, đơn vị và 20% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa. Đến năm 2020 có 95% gia đình; 70% thôn, bản; 100% cơ quan, đơn vị và 40% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa.
+ Công tác Đảng: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Phấn đấu có trên 80% tổ chức cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh và trên 80% các tổ chức chính quyền, mặt trận, đoàn thể đạt tiêu chuẩn vững mạnh.
+ Quốc phòng - An ninh: Hoàn chỉnh hệ thống phòng thủ, tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, phòng chống biểu tình, bạo loạn và vượt biên trái phép.
c) Hai lĩnh vực tập trung và ba khâu đột phá
- Các lĩnh vực tập trung phát triển là:
+ Tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm yêu cầu nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lao động qua đào tạo đạt 35% vào năm 2015, 45% năm 2020. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trẻ từ 300 - 500 người sau đại học. Tập trung các nguồn lực xây dựng trường cao đẳng văn hóa cộng đồng, trường chuyên của tỉnh, trường Trung cấp nghề tỉnh Đắk Nông và trung tâm dạy nghề ở một số huyện. Phối hợp liên kết với một số trường đại học có uy tín cao trong nước, mở từ 1 - 2 phân hiệu đại học tại tỉnh. Xây dựng các cơ chế chính sách để khuyến khích thành lập các trung tâm dạy nghề ngoài công lập.
+ Tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu và đô thị hạt nhân, thu hút đầu tư, đặc biệt là giao thông và hạ tầng đô thị lớn: Phối hợp với Trung ương sớm hoàn thành các công trình lớn liên quan đến tỉnh như tuyến Đường sắt Đắk Nông - Bình Thuận phục vụ khai thác bô xít, các tuyến đường đối ngoại (Quốc lộ 14, 14C, 28...). Nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Gia Nghĩa (mạng lưới giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, chất thải rắn...), hạ tầng thiết yếu cho huyện mới Đức Xuyên, thị xã Đức Lập, Kiến Đức,... các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới...
- Ba khâu đột phá của tỉnh Đắk Nông:
+ Đột phá về kinh tế trong công nghiệp khai khoáng và năng lượng: Phát triển có chọn lọc công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, khai khoáng, luyện kim. Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạnh sản xuất vào chuỗi giá trị toàn cầu thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao... Phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ phục vụ cho khai thác bauxite sản xuất alumin - nhôm như: cơ khí chế tạo, cơ khí sửa chữa, bao bì, hóa chất, điện, nước, vận tải, phân bón, vật liệu xây dựng,... Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và vật liệu mới đi đôi với áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu.
+ Đột phá trong công nghiệp chế biến và nông nghiệp công nghệ cao: Công nghiệp chế biến hướng vào các sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu trong tỉnh (cà phê, cao su, hồ tiêu, gỗ, lâm sản...), thu hút phát triển các nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại, cho sản phẩm tinh chế phù hợp với quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại ứng dụng kỹ thuật cao, sản xuất hàng hóa, có khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Đến năm 2015, cả tỉnh có từ 1 - 2 khu nông nghiệp công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp; hình thành vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng kỹ thuật cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2020 mỗi huyện, thị xã có từ 1 - 3 khu nông nghiệp công nghệ cao.
+ Đột phá trong dịch vụ và du lịch: Ưu tiên phát triển và hiện đại hóa các loại hình dịch vụ chất lượng cao như: tài chính, ngân hàng, công nghệ - thông tin, viễn thông, bảo hiểm, y tế, tư vấn, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ. Phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tập trung vào xây dựng và phát triển một số khu vực trọng điểm du lịch trong tỉnh đó là: Khu du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử Nâm Nung (Đắk Song); Khu du lịch sinh thái - văn hóa - nghỉ dưỡng Tà Đùng (Đắk Giong). Điểm du lịch sinh thái văn hóa Liêng Nung (Gia Nghĩa); điểm du lịch sinh thái văn hóa - lịch sử hồ Ea Snô (Krông Nô). Mở các tuyến điểm du lịch mới, các tour du lịch trong Vùng Tây Nguyên, vùng lân cận và phát triển tuyến du lịch PhnomPênh - Đắk Nông - Tp. Hồ Chí Minh.
II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC
1. Ngành nông, lâm, thủy sản
a) Nông nghiệp:
- Phát huy tiềm năng, thế mạnh đất đai và các điều kiện tự nhiên nhằm đẩy mạnh phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, xuất khẩu, gắn sản xuất nông, lâm nghiệp với công nghiệp chế biến.
- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, thâm canh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Tập trung phát triển các cây trồng chịu được hạn, ít lệ thuộc vào nước. Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loại cây công nghiệp: Cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, ca cao, bông, mía, sắn, đậu nành, dâu tằm v.v. nhằm tạo khối lượng lớn hàng hóa xuất khẩu và đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
- Đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, lợn, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Hình thành tập quán chăn nuôi theo chuồng trại, từng bước phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, tập trung theo trang trại.
- Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, cải tạo giống cây trồng vật nuôi nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi để người dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khả năng đầu tư và trình độ canh tác của mình.
- Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn theo chương trình nông thôn mới, mở rộng các loại hình dịch vụ, phát triển các ngành nghề thủ công nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển dịch lao động nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo.
- Khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, kinh tế vườn đồi, vườn rừng, nông lâm kết hợp nhằm huy động mọi nguồn lực vào phát triển sản xuất.
- Mục tiêu chung ngành nông nghiệp:
+ Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp thời kỳ 2011 - 2015 bình quân 7,5%/năm, trong đó trồng trọt tăng 7%/năm, chăn nuôi tăng 11,5%/năm, khâu dịch vụ tăng 21%/năm. Thời kỳ 2016 - 2020 nhịp độ tăng chung đạt 6,8%/năm, trong đó các ngành tăng tương ứng là 6%, 12% và 19%.
+ Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp: Trồng trọt giảm xuống còn 89,57%, chăn nuôi tăng lên chiếm 8,12%, dịch vụ chiếm 2,31% vào năm 2015. Đến năm 2020 các ngành chiếm tỉ lệ tương ứng là 86,2%, 10,3%, 3,5%.
+ Hình thành một số khu nông nghiệp chất lượng cao đạt 1.000 ha năm 2015, đạt trên 5.000 ha năm 2020. Giá trị sản phẩm trung bình/ha năm 2015 đạt 100 triệu, năm 2020 đạt 200 triệu.
+ Tăng dần hệ số sử dụng đất và đạt 2 lần trở lên vào năm 2020, tăng nhanh khối lượng và chất lượng nông sản hàng hóa. Đến năm 2020 giá trị sản xuất/ha đất canh tác gấp 1,5 lần trở lên so với năm 2010.
+ Đóng góp của ngành trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh khoảng 20% (2015) và 12% (2020). Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản bằng các tỉnh trong khu vực trong vài năm tới.
+ Tỷ lệ giá trị hàng nông sản xuất khẩu đạt 20% vào năm 2015 và đạt khoảng 35% vào năm 2020.
+ Số lao động qua đào tạo tại khu vực nông nghiệp đạt tỷ lệ 35% năm 2015, đạt trên 50% năm 2020.
+ Đến năm 2015 thu nhập từ ngành nghề nông thôn và dịch vụ chiếm từ 15 - 20% tổng thu nhập của cư dân nông thôn, đưa thu nhập kinh tế hộ gấp 1,8 - 2 lần hiện nay, sản lượng lương thực có hạt đạt 360.000 tấn, bình quân đầu người 537 kg. Đến năm 2020, thu từ ngành nghề, dịch vụ chiếm 30% trở lên trong thu nhập của cư dân nông thôn, sản lượng lương thực 370.000 tấn, bình quân đầu người trên 500kg đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.
* Trồng trọt:
- Phát triển ngành trồng trọt theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm. Quy hoạch phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, mở rộng qui mô sản xuất, tăng diện tích chủ động tưới đến năm 2015 đạt trên 70% và năm 2020 đạt trên 90% diện tích có nhu cầu cần tưới.
- Tiếp tục đầu tư chiều sâu về giống, quy trình kỹ thuật đối với các loại cây trồng có lợi thế của tỉnh, song song với đó là triển khai các mô hình trồng trọt tiên tiến cho giá trị kinh tế cao trên mỗi đơn vị diện tích, bền vững về môi trường, từng bước nhân rộng mô hình trên các địa bàn có điều kiện thích hợp.
- Xây dựng thương hiệu các sản phẩm trồng trọt của Đắk Nông, tạo chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là thị trường tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.
- Phát triển trồng trọt theo hướng áp dụng công nghệ cao:
+ Giai đoạn 2011 - 2015: Tập trung vào các nhóm cây trồng, nhóm sản phẩm đã được khẳng định như: Sản xuất chanh dây (tại các huyện Đắk Rlấp, Tuy Đức, Đắk Song, ĐắK GLong), chanh không hạt (Đắk R’Lấp, Tuy Đức), rau an toàn và hoa cao cấp trong nhà kính, nhà lưới, tưới tiết kiệm (thị xã Gia Nghĩa, Đăk Mil, Cư Jút, Krông Nô, Đắk Giong); khoai tây Atlantic (Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil); khoai lang Nhật (Đắk Song, Tuy Đức). Xây dựng mô hình trồng xen canh ca cao trong vườn điều (Đắk R’lấp), cây cọ dầu (Đắk GLong), cây mắc ca (huyện Đắk Mil, Đắk Giong, Tuy Đức, Krông Nô), cây măng tây xanh (Tuy Đức), lúa chất lượng cao (Krông Nô), cây ăn quả (Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk Giong).
Trước mắt cần tập trung xây dựng trung tâm sản xuất giống cây trồng chất lượng cao tại các huyện Cư Jút (giống cây công nghiệp đậu đỗ, bông) huyện Krông Nô (giống cây thực phẩm lúa, ngô, rau).
Thực hiện sản xuất cà phê theo quy trình UTZ (cà phê bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản xuất); đầu tư sản xuất chè chất lượng cao tại Tuy Đức; phát triển ca cao, hồ tiêu theo hướng bền vững.
+ Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục đưa các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ vào sản xuất theo các mô hình trồng trọt công nghệ cao. Đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình trên các địa bàn có điều kiện phù hợp trong tỉnh.
* Chăn nuôi: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa tăng qui mô đàn, vừa đầu tư chiều sâu: lai tạo giống, áp dụng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp lên 8 - 9% vào năm 2015 và tăng lên 10-11% năm 2020.
* Dịch vụ nông nghiệp: Tốc độ tăng của ngành dịch vụ nông nghiệp đạt 17 - 18%/năm giai đoạn 2011 - 2015, 16 - 17%/năm giai đoạn 2016 - 2020.
Xây dựng mạng lưới các điểm cung cấp vật tư, kỹ thuật đến các vùng sản xuất nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các loại vật tư có chất lượng cao trên các lĩnh vực giống cây trồng, giống vật nuôi, các loại phân bón, thuốc phòng trừ dịch bệnh... dưới sự kiểm tra giám sát quản lý chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn.
Khai thác tốt hệ thống hạ tầng thủy nông đảm bảo các dịch vụ tưới tiêu cho các doanh nghiệp, hộ gia đình.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động dịch vụ nông nghiệp như chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, tư vấn các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao...
b) Phát triển thủy sản, lâm nghiệp
* Thủy sản: Tiếp tục đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Cùng với chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cải tạo ao hồ, diện tích mặt nước sông suối, hồ thủy điện chưa sử dụng để nuôi trồng thủy sản.
* Lâm nghiệp:
- Bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là các vùng rừng sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng phòng hộ xung yếu.
- Đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu, rừng phòng hộ nhằm phát triển vốn rừng, phủ xanh đất trống, tăng tỷ lệ che phủ toàn tỉnh.
- Khai thác hợp lý tài nguyên rừng đảm bảo tái sinh rừng, hạn chế khai thác gỗ rừng tự nhiên, đẩy mạnh khai thác rừng trồng, rừng nguyên liệu.
- Tiếp tục đẩy mạnh giao đất khoán rừng, xã hội hóa nghề rừng, làm rõ và phát huy vai trò của các chủ rừng, đảm bảo trên từng mảnh rừng đều có chủ thực sự.
2. Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tập trung vào các ngành chế biến nông, lâm sản, thủy điện, khai thác và chế biến bauxite và vật liệu xây dựng trên cơ sở sử dụng nguồn nguyên liệu và tài nguyên thiên nhiên tại chỗ, tạo thêm nhiều việc làm cho nguồn lao động.
- Có cơ chế, chính sách mở, thông thoáng nhằm huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài, các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp theo qui hoạch phát triển công nghiệp của địa phương.
- Tiếp tục đầu tư hạ tầng và xúc tiến, vận động doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các khu công nghiệp: Tâm Thắng, Nhân Cơ và các cụm công nghiệp: Đắk Ha, Thuận An. Thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp đã được quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng trong thu hút đầu tư.
- Chú trọng tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao trình độ công nghệ, mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh trong cả nước và với nước ngoài để huy động vốn, công nghệ tiên tiến nhằm sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
- Khuyến khích phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, hình thành các làng nghề truyền thống ở nông thôn nhằm tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn.
- Phát triển công nghiệp kết hợp chặt chẽ với các yếu tố kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, vệ sinh môi trường sống, giữ cân bằng sinh thái bền vững.
- Triển khai thực hiện dự án đầu tư khai thác bauxite luyện alumin để tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp, kinh tế - xã hội tỉnh, làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp để đến năm 2020 đạt cơ cấu: công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp.
- Phấn đấu đến năm 2015 đưa giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh đạt 5.067 tỷ đồng, tăng bình quân 24,23%/năm thời kỳ 2011 - 2015, đến năm 2020 đạt 11.490 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 20,9%/năm thời kỳ 2011 - 2020.
- Định hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu:
+ Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm: Hướng vào chế biến các sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu trong tỉnh đó là: chế biến cà phê, cao su, mía đường, điều, ca cao, hồ tiêu, dầu thực vật, bông, sợi, tơ tằm, tinh bột, xay xát lương thực, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc, gỗ và lâm sản.
+ Thủy điện: Phát triển thủy điện song hành với các chính sách bảo vệ môi trường. Đầu tư trồng rừng sinh thủy đảm bảo vận hành ổn định các nhà máy thủy điện ĐrayH'Linh II 16 MW ở Cư Jút, thủy điện Đắk R'Tih 141 MW, thủy điện Sêrêpok 3 có công suất phát điện 220 MW, sản lượng điện thương phẩm đạt khoảng 1.200 triệu KWh.
Thu hút đầu tư xây dựng dự án thủy điện vừa và nhỏ như: thủy điện Đắk Nông II có công suất 4-7 MW, Đắk Rung I: 8 MW, Đắk R'Keh I: 11,5 MW, Đắk R'Keh II: 10-11 MW, Đắk R'Keh III: 10-11 MW, Đắk N'Teng 13 MW, Đắk So 5 MW, Đắk Kar với tổng công suất 79 MW, Đắk Ru, Đắk Rlấp, Quảng Tín. Khi các dự án thủy điện đi vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể vào nguồn điện quốc gia.
+ Công nghiệp khai thác khoáng sản: Tập trung đầu tư xây dựng và sớm đưa vào vận hành nhà máy Alumin tại Nhân Cơ. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế, môi trường của dự án để triển khai quy hoạch tổng thể khai thác, chế biến quặng trên địa bàn phù hợp với định hướng chung của cả nước.
+ Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp vật liệu không nung sản xuất từ đá xay. Phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung với quy mô phù hợp với từng vùng, từng khu vực. Khuyến khích các công trình sử dụng vật liệu không nung.
+ Ngoài ra tập trung phát triển công nghiệp sửa chữa cơ khí, điện tử, điện dân dụng; tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nông thôn.
Xây dựng hạ tầng và tiếp tục lấp đầy 02 khu công nghiệp tập trung Tâm Thắng, Nhân Cơ và một số cụm công nghiệp như cụm công nghiệp Đắk Ha, Thuận An, Quảng Tâm, Krông Nô, Đắk Song. Quy hoạch khu công nghiệp Quảng Đức, cụm công nghiệp Đắk R’La, Trúc Sơn, Quảng Khê.
3. Phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch
Đến năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt khoảng 550 triệu USD, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1.500 triệu USD. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 16,17%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 là 22,2%/năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 18.405 tỷ đồng vào năm 2015, tăng bình quân 26,8%/năm giai đoạn 2011 - 2015; đạt 43.400 tỷ đồng vào năm 2020, tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 18,72%/năm.
Giá trị tăng thêm ngành thương mại - dịch vụ chiếm 26,31% năm 2015, chiếm tỷ trọng 26,4% năm 2020.
- Thương mại: Phát triển hệ thống chợ và hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu.
- Dịch vụ: Phát triển và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nhằm hỗ trợ đắc lực cho thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư. Chú ý hơn nữa các loại hình dịch vụ thông tin tới nông thôn vùng xa xôi hẻo lánh, phát triển các dịch vụ thông tin khoa học - kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp
Đẩy mạnh các loại hình dịch vụ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, lai tạo giống, cơ giới hóa nông nghiệp v.v. phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp.
Phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Mở rộng mạng lưới dịch vụ ở khu vực nông thôn nhằm giải quyết thêm việc làm cho lao động nông nhàn.
- Du lịch: Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành du lịch giai đoạn 2011 - 2020 là 15 - 20%/năm. Đến 2020 đạt khoảng 600 - 650 ngàn lượt khách, trong đó có 40 ngàn lượt khách quốc tế. Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc giàu tính nhân văn, độc đáo, đồng thời khai thác được lợi thế về cảnh quan thiên nhiên. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo hai loại hình chính là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Trong đó phải ưu tiên hình thành các sản phẩm du lịch có tính độc đáo, khác biệt so với các khu vực trong vùng Tây Nguyên và phụ cận. Gắn kết chặt chẽ du lịch tỉnh Đắk Nông với du lịch các tỉnh trong Vùng Tây Nguyên và vùng lân cận trong "Con đường xanh Tây Nguyên và chiến lược tăng tốc phát triển du lịch Tây Nguyên".
4. Phương hướng phát triển các lĩnh vực xã hội
a) Dân số, lao động, việc làm
- Dân số: Dự báo dân số cơ học tăng bình quân khoảng 3,5% thời kỳ 2011 - 2015 và giảm dần đến năm 2020 chỉ tăng khoảng 1,4%/năm. Như vậy quy mô dân số của tỉnh năm 2015 là 670 nghìn người và năm 2020 là 830 nghìn người. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2015 là 20% và năm 2020 là 30%.
- Lao động: Đến năm 2015 có 327,4 nghìn người, năm 2020 có 386,9 nghìn người trong độ tuổi lao động. Trong đó số lao động cần bố trí việc làm năm 2015 là 347 nghìn người, năm 2020 khoảng 413 nghìn người, bình quân mỗi năm cần tạo thêm việc làm mới cho khoảng 12.000-13.000 lao động.
Tỷ trọng lao động công nghiệp - xây dựng là 12,6% năm 2015 và lên 21,2% năm 2020, lao động nông, lâm nghiệp là 64,3% năm 2015 và còn 54,1% năm 2020, lao động khu vực dịch vụ là 23,1% năm 2015 và tăng lên 24,7% năm 2020.
b) Giáo dục - Đào tạo
- Giáo dục: Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục phổ thông; mở rộng quy mô giáo dục trung học phổ thông, phấn đấu 70% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương. Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để các trường học có đủ phòng học và các phòng chức năng thực hiện giáo dục toàn diện, phấn đấu 80% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, 100% trường phổ thông được nối mạng internet và có thư viện. Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đến năm 2020 có 80% giáo viên mầm non, 100% giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng trở lên, 100% giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt trình độ đại học trở lên.
- Công tác đào tạo: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là việc làm cấp bách trước mắt cũng như lâu dài. Tập trung đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, lao động ngành nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho các doanh nghiệp ở các khu cụm công nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp - ngành nghề, dịch vụ - du lịch và hướng nghiệp, dạy nghề trong nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2015, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 35%, trong đó đào tạo nghề là 30% và năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 45% trong đó đào tạo nghề đạt 40%.
c) Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số
Thực hiện tốt các chương trình quốc gia về phát triển dân số và kế hoạch hóa gia đình, giảm tỉ lệ sinh tự nhiên xuống còn 1,3%/năm giai đoạn 2011-2015 và 1,1%/năm giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu đến năm 2020 đạt tuổi thọ trung bình 75 tuổi, chiều cao trung bình của thanh niên lên 1,66 m (đối với nam), 1,55 m (đối với nữ).
Đến năm 2015, số bác sĩ đạt 6,2 người/1 vạn dân, số giường bệnh đạt 23 giường/1 vạn dân; năm 2020 nâng lên số bác sĩ đạt 8,5 người/1 vạn dân, số giường bệnh đạt 25 giường/1 vạn dân. Tiêm chủng mở rộng đạt 90% vào năm 2015, trên 95% năm 2020. Giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 10% vào năm 2020. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, giảm tỷ lệ mắc và chết do sốt rét hàng năm; 100% hộ gia đình sử dụng muối i ốt đúng tiêu chuẩn phòng bệnh. Tập trung truyền thông, giám sát trọng điểm HIV/AIDS, 100% cơ sở y tế thực hiện tốt quy trình phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Đến năm 2015 có 90% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và đến năm 2020 đạt 100% số xã.
Giai đoạn từ nay đến năm 2015: Tiếp tục đầu tư nâng cấp hoàn thiện bệnh viện đa khoa tỉnh giai đoạn II đạt quy mô 500 giường với trang bị các máy móc thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh. Đến năm 2020 hệ thống hạ tầng y tế về cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong tỉnh, chất lượng các hoạt động y tế cộng đồng luôn được duy trì tốt.
d) Văn hóa, thông tin tuyên truyền, thể dục thể thao
- Văn hóa
Củng cố, xây dựng, hoàn chỉnh từng bước các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bon. Khai thác, phát huy tác dụng các thiết chế này nhằm phục vụ đời sống văn hóa của nhân dân. Từng bước củng cố tổ chức bộ máy ngành văn hóa thông tin. Nâng cao chất lượng cán bộ văn hóa theo hướng chuyên nghiệp. Chú trọng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa và truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Giữ gìn và phát huy bản sắc riêng của từng dân tộc trên cơ sở tôn trọng tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống lành mạnh, tốt đẹp, xây dựng nền văn hóa đa dạng phong phú.
Phấn đấu đến năm 2015, tất cả các xã có bưu điện văn hóa xã, đội văn nghệ, sân bóng đá, bóng chuyền; 70% xã có nhà văn hóa. Các xã vùng 3, xã biên giới có đội thông tin lưu động.
Tích cực mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thông qua các hình thức hội diễn, lễ hội, triển lãm, ngày văn hóa - thể thao nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, học hỏi kinh nghiệm lao động sản xuất, tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong toàn tỉnh. Đổi mới các hoạt động văn hóa, văn nghệ theo hướng xã hội hóa. Đưa phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao về các xã vùng sâu vùng xa nhằm giúp đồng bào tiếp cận được với những thông tin kinh tế, hiểu biết thêm về đời sống xã hội, cách làm ăn và nâng cao cuộc sống tinh thần của nhân dân.
Đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng làng văn hóa. Tích cực phòng ngừa, bài trừ các loại hình văn hóa độc hại. Phòng chống và ngăn chặn kịp thời các tệ nạn xã hội.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa thông tin, đặc biệt đối với các loại hình dịch vụ văn hóa. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Công tác thông tin - tuyên truyền
Phát triển mạng lưới thông tin, phát thanh, truyền hình, báo chí đến các xã, thị trấn, buôn làng. Tăng cường đầu tư hạ tầng cho ngành văn hóa thông tin, các đài phát thanh và truyền hình của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 có 100% số xã được phủ sóng truyền hình.
- Thể dục thể thao
Xây dựng và phát triển phong trào thể dục thể thao đến tận cơ sở. Đẩy mạnh phong trào thể dục - thể thao quần chúng, rèn luyện nâng cao thể chất và sức khỏe. Tiến hành quy hoạch và xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, sân vận động trên các địa bàn. Xây dựng trung tâm thể thao tỉnh tại Gia Nghĩa. Từng bước đầu tư xây dựng nhà thi đấu thể thao trung tâm các huyện.
đ) Công tác tôn giáo và dân tộc
- Công tác tôn giáo
Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác tôn giáo theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh, xử lý các hoạt động trái phép của các tôn giáo, vận động quần chúng đấu tranh với bọn phản động đội lốt tôn giáo. Xử lý nghiêm minh các hoạt động vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo để kích động quần chúng giáo dân, tín đồ hoạt động chống phá chế độ ta.
- Công tác dân tộc
Nâng cao dân trí và đời sống kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Từng bước đầu tư và thực hiện phủ sóng phát thanh - truyền hình bằng tiếng M'Nông. Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc tại chỗ có khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hoạt động văn hóa thông tin của địa phương
e) Vấn đề xóa đói giảm nghèo
Tiếp tục thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo. Nâng dần mức sống của các hộ đã thoát đói nghèo, chống tái nghèo. Phấn đấu giảm bình quân hàng năm 5 - 7% số hộ nghèo. Đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân của cả nước.
g) Quy hoạch dân cư nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới
Đến năm 2015, toàn tỉnh có 20% số xã (12 xã), đến năm 2020 có 50% số xã (30 xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2015, cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp và bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống vật chất, văn hóa tinh thần cho dân cư nông thôn và đảm bảo an ninh nông thôn.
Tiếp tục xây dựng các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế mới đã hình thành như khu kinh tế mới Đắk Sin, (Đắk R'Lấp), Đức An - Thuận Hạnh (Đắk Song), Đắk Rồ, Đức Xuyên, Quảng Phú (Krông Nô).
Tiếp tục thực hiện chương trình điện, đường, trường trạm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nâng cấp các công trình hạ tầng đã xuống cấp và các công trình phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa hoàn thành các công trình theo kế hoạch đặc biệt là các công trình trọng điểm.
5. Quốc phòng an ninh
Tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Tăng cường xây dựng các đồn biên phòng, củng cố và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng công an xã và các tổ an ninh nhân dân ở cơ sở. Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đấu tranh với mọi thủ đoạn chia rẽ dân tộc, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc.
Thường xuyên đấu tranh chống các loại tội phạm, nhất là buôn lậu, tội tham nhũng; phòng, chống ma túy và ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Chú trọng công tác phòng chống bão lụt, cứu hộ giúp nhân dân phòng chống và khắc phục thiên tai.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có kỷ luật nghiêm, được huấn luyện theo hướng chính qui, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào. Tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng vũ trang, các ngành khối nội chính trong công tác an ninh - quốc phòng, tạo sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, nền tảng cho sự nghiệp phát triển kinh tế.
6. Phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng
a) Mạng lưới giao thông
Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Hệ thống đường đối ngoại (Quốc lộ 14, 14C, 28): Xây dựng cải tạo nâng cấp Quốc lộ 14 quy mô 4 - 6 làn xe đoạn qua tỉnh Đắk Nông; xây dựng hoàn thành Quốc lộ 14C giai đoạn 2 (làm mặt đường nhựa); mở rộng Quốc lộ 28 đoạn qua thị trấn, thị tứ và hoàn thành xây dựng đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3,4; hoàn thành dự án nối Quốc lộ 14 tại thị trấn Kiến Đức đến cửa khẩu Bu Prăng và nối vào Quốc lộ 76 của Campuchia. Đến hết năm 2015 nhựa hóa đạt 100%.
- Hệ thống tỉnh lộ: Nhựa hóa các đoạn tỉnh lộ hiện có là đường đất, nâng cấp một số đoạn tỉnh lộ có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng mới 02 tuyến đường tỉnh, trục ngang số 3 (Đắk Song - Đắk Nang), trục ngang số 5 (Đạo Nghĩa - Quảng Khê); chuyển Quốc lộ 14C đoạn từ Km115 đến Km139, dài 24 km thành Tỉnh lộ, đoạn từ Km139 đến cửa khẩu Bu Prăng dài 29km thành Tỉnh lộ 1 nối dài; Nâng tổng số đường tỉnh sau năm 2015 lên 506 km và nhựa hóa 100%.
- Hệ thống đường huyện: Tổng chiều dài 497 km, phấn đấu đến năm 2015 xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường huyện theo đúng cấp kỹ thuật và tỷ lệ nhựa hóa là 80%.
- Đường xã, thôn, buôn, bon: Tổng chiều dài 2.173 km. Đến năm 2015 nhựa hóa 45%, 100% các buôn, bon có 1 - 2 km đường nhựa.
- Hệ thống đường đô thị: Xây dựng hoàn thành đường tránh đô thị Gia Nghĩa, các trục chính các liên khu vực và một số tuyến đường khu vực quan trọng của tất cả các đô thị. Trong đó ưu tiên cho thị xã Gia Nghĩa và thị trấn Đắk Mil.
- Hệ thống đường chuyên dùng: Xây dựng đường biên giới và đường vận hành khai thác khoáng sản.
- Các dự án nâng cấp mở mới: Xây dựng mở mới các dự án đường Đắk Song - Đắk Nang, đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê, đường tránh đô thị Gia Nghĩa, nâng cấp cải tạo đường từ Kiến Đức ra cửa khẩu Bu Prăng.
- Vận tải, bến bãi đậu xe:
+ Bến, bãi đậu xe: Xây dựng bến xe liên tỉnh đạt tiêu chuẩn loại II trở lên tại thị xã Gia Nghĩa; nâng cấp bến xe các huyện đạt tiêu chuẩn loại IV; Xây dựng mới thêm 01 bến xe tại thị trấn Đắk R’lấp, 01 bến xe tại Krông Nô, 01 bến tại Đắk Mil phục vụ chia tách huyện, xây dựng tại trung tâm mỗi huyện 1 - 2 bãi đậu xe, thị xã Gia Nghĩa từ 2 - 3 bãi đậu xe.
+ Mở rộng luồng tuyến vận tải đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, đến tất cả các trung tâm dân cư trong tỉnh; ưu tiên phát triển hình thức vận tải khách công cộng bằng xe buýt; phát triển phương tiện phù hợp với điều kiện, địa hình của địa phương nhưng phải đảm bảo theo hướng hiện đại, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nhiên liệu.
- Đường sắt: Khi có điều kiện thích hợp xem xét triển khai xây dựng tuyến đường sắt nối Gia Nghĩa - Quảng Khê - Lâm Đồng với cảng Kê Gà (tỉnh Bình Thuận)
- Sân bay: Đưa sân bay Nhân Cơ vào danh mục quy hoạch xây dựng sân bay Quốc gia.
b) Cấp điện
Tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới điện trên toàn tỉnh, đặc biệt là đến các vùng nông thôn. Đến năm 2015 duy trì tất cả các thôn, buôn có điện lưới quốc gia, 95% số hộ dùng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, năm 2020 100% số hộ được sử dụng điện. Đầu tư xây dựng các trạm biến áp trung gian ở các huyện. Phấn đấu đạt mục tiêu điện khí hóa nông thôn trên toàn tỉnh.
c) Thủy lợi
Dự kiến xây dựng mới 150 - 165 công trình trọng điểm, chủ yếu quy mô vừa và nhỏ gồm 150 hồ chứa, 10 đập dâng và 4 trạm bơm. Tiếp tục tập trung hoàn thiện các công trình dở dang, các công trình phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tu bổ và nâng cấp các công trình đã sử dụng lâu năm, xuống cấp. Đầu tư khai thác theo chiều sâu kết hợp bảo vệ nguồn lợi từ hệ thống sông Sê Rê Pôk và sông Đồng Nai.
d) Cấp nước
Tiếp tục thực hiện theo Chương trình quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo 100% dân số được dùng nước sạch hợp vệ sinh.
7. Định hướng phát triển theo không gian lãnh thổ
a) Định hướng phát triển theo tiểu vùng
- Tiểu vùng phía Bắc: Bao gồm thị xã Đức Lập, huyện Đắk Mil, Đức Xuyên, Cư Jút và Krông Nô có diện tích tự nhiên 2.215 km2. Đây là vùng có tiềm năng trồng lúa nước, phát triển cây lương thực, cây công nghiệp ngắn và dài ngày; Khu công nghiệp Tâm Thắng là địa bàn tập trung thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp; có các công trình thủy điện Đức Xuyên, vùng lòng hồ Thủy điện Buôn Kốp; có Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Per, có nhiều điểm du lịch hấp dẫn thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và phát triển du lịch, dịch vụ.
- Tiểu vùng trung tâm: Bao gồm thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk GLong và huyện Đắk Song có diện tích tự nhiên 2.541 km2. Đây là tiểu vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp, là các địa bàn có khả năng thu hút nhiều dự án phát triển công nghiệp từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là từ thành phố Hồ Chí Minh; có nhiều tiềm năng thủy điện khai thác bôxít, khoáng sản quí hiếm, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Đắk Ha; có tiềm năng đất đai trồng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều, tiêu, chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng nguyên liệu.
- Tiểu vùng phía Tây Nam: Bao gồm thị xã Kiến Đức và các huyện Đắk R’Lấp, Tuy Đức có diện tích tự nhiên 1.757 km2. Đây là địa bàn có mật độ dân cư thưa thớt. Kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, công nghiệp còn hạn chế, thương mại, dịch vụ chưa phát triển.
Định hướng phát triển kinh tế trong giai đoạn tới là đẩy mạnh khai thác và sử dụng hiệu quả đất, rừng. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Hình thành một số vùng tập trung cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều, tiêu, trồng rừng nguyên liệu, phát triển chăn nuôi đại gia súc, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Thu hút phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, chế biến thực phẩm, tinh bột sắn, ngô, sản xuất thức ăn gia súc, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và đông lạnh rau quả, thực phẩm; cơ khí sửa chữa máy móc, khai thác chế biến đá. Đầu tư xây dựng công trình thủy điện Đắk R'Tih và các công trình thủy lợi v.v.
Khuyến khích phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ. Xây dựng chợ Kiến Đức thành nơi trao đổi, mua bán hàng hóa giao dịch trung tâm thương mại của vùng, hình thành thêm một số chợ nông thôn, các cửa hàng mua bán cung ứng các mặt hàng thiết yếu và vật tư đời sống và sản xuất của dân cư trong vùng. Xây dựng chợ cửa khẩu Bu Prăng, thông thương và mở rộng giao lưu hàng hóa, hợp tác kinh tế với các tỉnh của Campuchia.
Nâng cấp và xây dựng mới các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, phúc lợi xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao cuộc sống tinh thần cho nhân dân trong vùng.
b) Định hướng phát triển hệ thống đô thị
Đến năm 2020, mạng lưới đô thị của tỉnh bao gồm 11 đô thị, trong đó có thị xã là trung tâm tỉnh lỵ, 02 thị xã trung tâm tiểu vùng và 08 thị trấn.
Trước mắt tập trung đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thị xã Gia Nghĩa tương xứng với tầm vóc một đô thị tỉnh lỵ - là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Đến năm 2015 sẽ nâng cấp thành đô thị loại III và trở thành thành phố thuộc tỉnh trước năm 2020. Xây dựng thị xã Gia Nghĩa có kiến trúc đô thị phù hợp với cảnh quan, văn hóa địa phương, theo mô hình đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh. Dự kiến dân số năm 2015 là 70.000 người, năm 2020 là 110.000 người.
Trên cơ sở phương án chia tách huyện đầu tư mở rộng các thị trấn huyện lỵ đã có là Đắk Mil và Kiến Đức. Phát triển đô thị trở thành các hạt nhân tăng trưởng của các tiểu vùng. Nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các đô thị đạt tiêu chuẩn loại IV và trở thành các thị xã trong giai đoạn 2015-2020 đó là: Đức Lập (trên cơ sở thị trấn Đắk Mil), Kiến Đức (trên cơ sở thị trấn Kiến Đức). Dự kiến đến năm 2020, qui mô dân số của các đô thị này khoảng 35 - 40 nghìn người.
Hình thành và xây dựng 02 thị trấn mới là Đắk R’la, Đạo Nghĩa là trung tâm huyện lỵ mới của 02 huyện mới được chia tách Đắk Mil và Đắk Rlấp. Hình thành thị trấn Đức Xuyên là huyện lỵ của huyện mới thành lập Đức Xuyên. Dự kiến đến năm 2020, quy mô dân số của các thị trấn này có khoảng 5-10 nghìn người và đạt các chỉ tiêu đô thị loại V.
Tiếp tục nâng cấp các thị trấn huyện lỵ hiện có đạt chỉ tiêu đô thị loại V đó là Đức An (Đắk Song), Đắk Mâm (Krông Nô), Quảng Khê (Đắk G’Long), Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp), Đắk Buk So (Tuy Đức). Dân số các đô thị khoảng 10 - 15 nghìn người.
III. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Phụ lục kèm theo)
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp huy động vốn đầu tư
Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2020 khoảng 202 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 60 nghìn tỷ đồng, 2016 - 2020 khoảng 142 nghìn tỷ đồng; trong đó cơ cấu đầu tư cho công nghiệp và xây dựng khoảng 53,2%, nông, lâm nghiệp 9%, dịch vụ 37,8%. Để huy động được nguồn vốn trên cần triển khai đồng bộ các biện pháp:
- Đối với nguồn vốn từ ngân sách: Tiếp tục khai thác các nguồn vốn từ Trung ương thông qua các chương trình phát triển và các cơ chế chính sách ưu đãi của Chính phủ, các Bộ, ngành để đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Sử dụng có hiệu quả và tăng tỉ lệ tích lũy.
- Đối với khu vực doanh nghiệp, doanh nhân và đầu tư tư nhân và dân cư: Xây dựng cơ chế, chính sách rõ ràng minh bạch để kêu gọi đầu tư. Áp dụng các hình thức đầu tư như: đầu tư - kinh doanh - chuyển giao (BT, BOT), hợp tác Công - Tư (PPP) trong đầu tư phát triển đảm bảo huy động hiệu quả các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, tăng cường khả năng hợp tác và tính hiệu quả của các dự án. Có chính sách ưu tiên về thuế để khuyến khích tối đa những doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn đặc biệt là nông thôn vùng sâu, vùng xa.
- Đối với các nguồn vốn vay: Xây dựng các dự án khả thi, chi tiết, phù hợp để phát triển sản xuất, trên cơ sở tính toán hiệu quả để thu hút các nguồn vốn vay tín dụng. Ưu tiên nguồn vốn này cho các dự án phát triển các ngành mũi nhọn, tạo sản phẩm hàng hóa. Tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay.
- Đối với các nguồn vốn bên ngoài (từ Trung ương, tỉnh ngoài và nước ngoài). Quy hoạch phát triển các ngành, các vùng lãnh thổ, lập các dự án khả thi, tạo sự hấp dẫn để thu hút đầu tư bằng các nguồn hỗ trợ Trung ương, từ tỉnh ngoài và đầu tư nước ngoài cùng liên doanh, liên kết phát triển sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Chú trọng nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển kết cấu hạ tầng ở các dự lớn thuộc khu vực đô thị, khu dân cư tập trung
2. Giải pháp về quy hoạch
- Đưa công tác quy hoạch vào nề nếp, trở thành công cụ đắc lực trong quản lý nền kinh tế theo hướng thị trường. Các cấp, các ngành cần nhận thức một cách đầy đủ về công tác quy hoạch và xây dựng kế hoạch.
- Củng cố bổ sung đội ngũ làm công tác quy hoạch ở một số sở, ngành. Triển khai phân cấp công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và giám sát quy hoạch. Hàng năm, bố trí kinh phí đảm bảo cho nhiệm vụ, lựa chọn những đơn vị tư vấn có đủ năng lực thực hiện các dự án quy hoạch. Thực hiện công tác đầu tư theo quy hoạch, toàn bộ công trình đầu tư xây dựng cơ bản phải được đưa vào quy hoạch, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn.
3. Đổi mới, sắp xếp và phát triển các thành phần kinh tế
- Ban hành một số chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế như thuê đất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, những quy định cụ thể về đầu tư - kinh doanh - chuyển giao (BT và BOT), chính sách đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, vay vốn đầu tư, đào tạo lao động, tìm kiếm thị trường, cung cấp thông tin và các loại công nghệ.
- Giảm hoặc miễn tiền thuê đất đai, thuế hoặc các lệ phí sản xuất, kinh doanh trong những năm hoạt động ban đầu đối với các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư phát triển ngành mũi nhọn như công nghiệp chế biến nông, lâm sản, trồng các cây công nghiệp, chăn nuôi bò, mở rộng du lịch, thương mại, dịch vụ. Đặc biệt khuyến khích các dự án đầu tư vào các xã nghèo, các vùng khó khăn.
- Khuyến khích các doanh nghiệp dân doanh phát triển cả về số lượng, chất lượng và sức cạnh tranh, nhất là các hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động. Có cơ chế linh hoạt trong cấp giấy phép cho một số công trình, dự án đầu tư xây dựng, đơn giản hóa một số thủ tục trong việc cấp giấy phép đầu tư, có chính sách phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh phù hợp với khả năng đầu tư, quản lý, sử dụng lao động, tổ chức sản xuất kinh doanh và phân phối lợi ích.
- Tạo hành lang pháp lý và cơ chế thuận lợi, môi trường đầu tư thông thoáng mở đường cho phát triển đa dạng các loại hình kinh tế, huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, làm tăng GRDP và tăng nguồn thu đóng góp cho ngân sách, tạo thêm việc làm và thu nhập, cải thiện đời sống người lao động.
4. Chính sách khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường
- Xây dựng chính sách ưu tiên cho ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, chuyển giao công nghệ, đưa các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sinh học, các giống cây trồng vật nuôi mới tới các hộ nông dân, đồng bào dân tộc, thực nghiệm áp dụng trực tiếp vào sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt hàng ngày.
- Khuyến khích phát triển tài năng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, bồi dưỡng kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển mới.
- Gắn phát triển khoa học công nghệ với bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
5. Chính sách phát triển nguồn nhân lực
- Phát triển cơ sở hạ tầng cho đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng quy chế ưu đãi trong lĩnh vực đào tạo, khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư cho các hoạt động đào tạo, mở các trung tâm đào tạo công nhân kỹ thuật, dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
- Đào tạo lực lượng lao động một cách thiết thực phù hợp với định hướng phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết hợp đào tạo ngành nghề, đào tạo chuyên môn kỹ thuật, kiến thức quản lý kinh tế với bồi dưỡng nhận thức pháp luật, phẩm chất lao động, đạo đức xã hội để chính những người lao động và những sản phẩm mà họ làm ra có thể hội nhập được với nền kinh tế chung của cả nước, khu vực và thế giới.
- Khuyến khích phát hiện bồi dưỡng tài năng trẻ và nhân tài trong hàng ngũ cán bộ, nhân viên công tác quản lý nhà nước và quản lý kỹ thuật. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những người nắm trọng trách điều hành quản lý kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh.
- Thực hiện dân chủ, công khai, công bằng gắn với lợi ích kinh tế, tạo động lực để mọi người lao động phát huy sức lực, trí tuệ cho công việc nhằm đem lại hiệu quả cao cho xã hội, cho cộng đồng và cho mỗi người. Xây dựng cơ chế thu hút nhân lực bên ngoài đóng góp trí tuệ, đầu tư, hợp tác cùng Đắk Nông đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh.
6. Tăng cường hợp tác với các tỉnh và mở rộng thị trường
Tăng cường hợp tác và phối hợp phát triển với các tỉnh, thành phố khác như Đắk Lắk, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, với các tỉnh Duyên hải theo lưu vực sông Ba, với các tỉnh Đông Bắc Campuchia trong Quy hoạch Tam giác phát triển 3 nước nhằm đảm bảo lựa chọn hướng thích hợp với từng ngành, từng tỉnh, tránh được đầu tư tràn lan, chồng chéo, trùng lặp, xác lập sự cân đối giữa cung và cầu, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tăng cường sự phối hợp giữa tỉnh với các Bộ, ngành Trung ương từ khâu nghiên cứu, hình thành dự án, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, tỉnh và đảm bảo nguồn vốn, phương án cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo môi trường sinh thái và tái định cư là giải pháp cần thiết trong thực hiện quy hoạch thời gian tới.
Quan tâm thị trường nội địa, thị trường nông thôn nhằm kích thích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh, tăng sức mua của dân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Tăng cường công tác tiếp thị, triển lãm, quảng cáo các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh. Tiếp xúc, tìm hiểu những yêu cầu về chủng loại, về số lượng, chất lượng, giá cả các mặt hàng xuất khẩu để có kế hoạch phát triển phù hợp.
7. Tổ chức và lộ trình thực hiện
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 được phê duyệt sẽ là phương hướng cơ bản, là căn cứ quan trọng để các ngành, các cấp thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình và các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tiến hành sản xuất kinh doanh góp phần thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh thời kỳ 2011 - 2020.
Cần thông báo công khai, quán triệt nội dung quy hoạch này đến tất cả các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, các tổ chức kinh tế - xã hội và toàn dân nhằm tạo sự nhận thức thống nhất, tập trung trí tuệ, năng lực, vận động toàn dân hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện theo các định hướng và mục tiêu quy hoạch đề ra.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội được duyệt sẽ làm cơ sở rà soát kế hoạch 5 năm, hàng năm, các chương trình, dự án cụ thể để đưa vào thực hiện trong các kế hoạch. Trong kế hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các cơ quan cần vận dụng tốt các nội dung quy hoạch này vào nhiệm vụ của mình, cần xác định các mục tiêu phát triển phù hợp với quy hoạch tổng thể chung, đồng thời thường xuyên quan tâm rà soát, cập nhật để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thực tế trên cơ sở phân tích toàn diện, khoa học làm cho quy hoạch ngày càng hoàn thiện và có tính hiện thực cao.
Điều 2. Nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 là cơ sở cho việc triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành khác), các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong Quy hoạch sau khi đã được phê duyệt, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:
1. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu để bảo đảm sự phát triển đồng bộ.
2. Lập các kế hoạch 5 năm, hàng năm; các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm; các dự án cụ thể để tập trung đầu tư, bố trí ưu tiên đầu tư một cách hợp lý.
3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.
Điều 4. Giao các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông nghiên cứu lập các quy hoạch nói trên; nghiên cứu xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông trong từng giai đoạn nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích đầu tư thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong Quy hoạch. Đẩy nhanh đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất Vùng và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Đắk Nông đã được quyết định đầu tư. Nghiên cứu xem xét điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan dự kiến sẽ được đầu tư nêu trong Quy hoạch.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; bãi bỏ Quyết định số 161/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 07 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020.
Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ
TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN
2013 - 2020 CỦA TỈNH ĐẮK NÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)
A |
CÁC DỰ ÁN DO CÁC BỘ, NGÀNH TW ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH |
1 |
Dự án nâng cấp hạ tầng Đô thị Gia Nghĩa đạt tiêu chuẩn đô thị loại III. |
2 |
Dự án xây dựng đường sắt Đắk Nông - Bình Thuận. |
3 |
Dự án xây dựng sân bay Nhân Cơ thành sân bay Quốc gia. |
4 |
Dự án xây dựng đường sắt Đắk Nông - Bình Phước - Đồng Nai - Vũng Tàu. |
5 |
Dự án nâng cấp Quốc lộ 14 (đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đắk Nông). |
6 |
Dự án nâng cấp Quốc lộ 14C (đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đắk Nông) |
7 |
Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 28 (đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đắk Nông). |
8 |
Dự án xây dựng lưới điện nông thôn giai đoạn II. |
9 |
Các dự án đường điện trung, hạ thế và trạm biến áp phân phối điện. |
10 |
Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. |
11 |
Dự án khai thác Bô xít luyện Alumin giai đoạn 2011-2020. |
12 |
Dự án đi dời đường dây 500 KV ra ngoài đô thị Gia Nghĩa. |
B |
CÁC DỰ ÁN DO TỈNH LÀM CHỦ ĐẦU TƯ |
B1 |
Nông nghiệp |
1 |
Dự án xây dựng hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao. |
B2 |
Công nghiệp |
1 |
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ. |
2 |
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện 220/110KV. |
3 |
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Quảng Đức (huyện Đắk R’Lấp). |
B3 |
Thương mại - Dịch vụ - Du lịch |
1 |
Dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tỉnh Đắk Nông. |
2 |
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Per. |
3 |
Dự án đầu tư xây dựng công viên văn hóa giải trí Liêng Nung. |
4 |
Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái - văn hóa Nâm Nung. |
5 |
Dự án đầu tư xây dựng đường ven sông Sêrêpốc từ xã Tâm Thắng đến Cồn Dầu xã Eapô |
6 |
Dự án đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bu Prăng. |
B4 |
Các dự án hạ tầng kỹ thuật (giao thông, đô thị, cấp điện, cấp nước, thủy lợi) |
1 |
Dự án đầu tư xây dựng đường Đắk Song - Đắk Nang. |
2 |
Dự án đầu tư xây dựng đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê. |
3 |
Dự án nâng cấp nhựa hóa các tuyến đường huyện. |
4 |
Dự án đầu tư xây dựng đường tránh thị xã Gia Nghĩa. |
5 |
Dự án đầu tư xây dựng đường vận hành khai thác khoáng sản. |
6 |
Dự án đầu tư xây dựng bến xe liên tỉnh. |
7 |
Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các đô thị: Cư Jút, Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk Rlấp |
8 |
Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các thị trấn mới: Đắk Rla, Đạo Nghĩa, Đức Xuyên. |
9 |
Dự án nâng cấp các thị trấn huyện lỵ: Đức An, Đắk Mâm, Quảng Khê, Đắk Buk So đạt chỉ tiêu đô thị loại V. |
10 |
Dự án nâng cấp hạ tầng thủy lợi các huyện. |
11 |
Dự án đầu tư xây dựng cụm công trình thủy lợi Gia Nghĩa. |
12 |
Các dự án đầu tư xây dựng xử lý nước thải đối với các đô thị loại 4 trở lên (Gia Nghĩa, Đắk Mil, Kiến Đức). |
13 |
Dự án đầu tư xây dựng đường giao thông Quảng Tâm - Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. |
14 |
Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, ổn định chỗ ở cán bộ công chức tại Đắk Nông. |
15 |
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai biên giới phục vụ an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội Đắk Lao - Đức Mạnh huyện Đắk Mil. |
16 |
Dự án đầu tư xây dựng đường đi cửa khẩu Bu Prăng (đoạn từ quốc lộ 14 - Tỉnh lộ 1 đến quốc lộ 14 C). |
17 |
Các dự án xây dựng trụ sở các cơ quan hành chính, sự nghiệp của tỉnh, huyện. |
18 |
Các dự án xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa thể thao tỉnh, huyện. |
19 |
Các dự án về quân sự, an ninh, quốc phòng. |
20 |
Các dự án ổn định dân di cư tự do. |
21 |
Các dự án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên. |
22 |
Các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. |
23 |
Dự án đầu tư xây dựng ổn định dân cư giai đoạn II tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. |
B5 |
Các dự án hạ tầng xã hội (Y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao) |
|
Y tế |
1 |
Dự án nâng cấp bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn II (quy mô 500 giường). |
2 |
Dự án hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn II. |
3 |
Dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp các Trung tâm y tế tuyến tỉnh. |
4 |
Dự án đầu tư xây dựng hoàn thành các bệnh viện đa khoa tuyến huyện. |
5 |
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện y học cổ truyền. |
6 |
Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm kỹ thuật phát thanh và truyền hình tỉnh Đắk Nông. |
|
Giáo dục |
1 |
Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp trường trung cấp nghề Đắk Nông lên Cao đẳng. |
2 |
Dự án đầu tư xây dựng thành lập trường Cao đẳng Cộng đồng. |
3 |
Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm đào tạo ngoại ngữ. |
|
Văn hóa, thể thao |
1 |
Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thể thao tỉnh Đắk Nông. |
2 |
Dự án xây dựng hoàn thiện Cụm tượng đài danh nhân lịch sử Nơ Trang Lơng tỉnh Đắk Nông. |
3 |
Dự án xây dựng hoàn thiện Trung tâm văn hóa tỉnh. |
4 |
Dự án xây dựng hoàn thiện Khu liên hợp thể thao tỉnh Đắk Nông. |
C |
CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI THU HÚT ĐẦU TƯ |
C1 |
Kết cấu hạ tầng |
1 |
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Đắk Song. |
2 |
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư tập trung tổ dân phố 3, thị trấn Eatlinh, huyện Cư Jút. |
3 |
Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư số 6, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. |
4 |
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị khu dân cư tổ dân phố 5, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. |
5 |
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Krông Nô. |
6 |
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Đắk R’La. |
7 |
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Quảng Khê. |
8 |
Các dự án về hỗ trợ hạ tầng nhà ở xã hội. |
9 |
Các dự án xã hội hóa các lĩnh vực Văn hóa - Thể dục thể thao - Y tế - Giáo dục. |
C2 |
Nông, lâm nghiệp |
1 |
Thu hút vào Khu nông nghiệp công nghệ cao: Dự án đầu tư xây dựng thành lập mới, mở rộng nâng cấp cơ sở sản xuất giống cây trồng ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo, lai ghép, nuôi cấy, nhân giống để tạo ra những vườn cây đầu dòng và giống có chất lượng tốt phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp. |
2 |
Thu hút vào Khu nông nghiệp công nghệ cao: Dự án đầu tư xây dựng sản xuất giống vật nuôi, giống thủy hải sản có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. |
3 |
Dự án đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn (sản xuất và chế biến lương thực chất lượng cao) tại huyện Krông Nô. |
4 |
Dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc và gia cầm tại các huyện và thị xã trên địa bàn toàn tỉnh. |
5 |
Chương trình tái canh cây cà phê. |
6 |
Các dự án quản lý, phát triển và bảo vệ rừng bền vững. |
C3 |
Công nghiệp |
1 |
Các dự án chế biến thức ăn gia súc. |
2 |
Các dự án sản xuất phân bón hóa học, phân vi sinh. |
3 |
Các dự án cơ khí chế tạo, sửa chữa thiết bị công nông nghiệp. |
4 |
Các dự án chế biến cà phê thành phẩm (cà phê bột, cà phê hòa tan). |
5 |
Các nhà máy giết mổ, chế biến súc sản. |
6 |
Các dự án khai thác và chế biến đá Bazan cây, cột. |
7 |
Các dự án cơ khí phục vụ ngành công nghiệp khai thác bauxite. |
8 |
Các dự án công nghiệp phụ trợ bauxite. |
9 |
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện nhôm. |
10 |
Các dự án về sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp. |
C4 |
Các dự án về thương mại dịch vụ, du lịch |
|
Thương mại |
1 |
Dự án Trung tâm thương mại thị trấn Kiến Đức. |
2 |
Dự án Trung tâm thương mại thị trấn EaTlinh. |
3 |
Dự án Trung tâm thương mại tại thị xã Gia Nghĩa. |
|
Dịch vụ |
1 |
Các dự án phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng. |
|
Du lịch |
1 |
Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa núi Nâm Nung (gồm nhiều hạng mục). |
2 |
Dự án Khu du lịch sinh thái dọc bờ sông Sêrêpôk (gồm nhiều hạng mục). |
3 |
Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng (gồm nhiều hạng mục). |
4 |
Dự án Khu du lịch sinh thái Đắk Glun. |
5 |
Dự án Tôn tạo di tích kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV. |
6 |
Dự án Điểm du lịch hồ Đắk R’Tih. |
7 |
Dự án Điểm du lịch hồ Đồng Nai 3-4. |
8 |
Dự án khai thác cảnh quan sinh thái (hồ, thác, rừng...) kết hợp kinh doanh du lịch, dịch vụ. |
* Ghi chú: Vị trí, quy mô, diện tích chiếm đất, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên, sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực của từng giai đoạn.
THE PRIME
MINISTER |
SOCIALIST
REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 1942/QD-TTg |
Hanoi, October 22, 2013 |
APPROVING THE MASTER PLAN ON SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT OF DAK NONG PROVINCE THROUGH 2020
THE PRIME MINISTER
Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the Government’s Decree No. 92/2006/ND-CP of September 7, 2006, on formulation, approval and management of socio-economic development master plans; and the Government’s Decree No. 04/2008/ ND-CP of January 11, 2008, amending and supplementing a number of articles of Government 's Decree No. 92/2006/ND-CP of September 7, 2006;
At the proposal of the chairperson of the People's Committee ofDakNongprovince,
DECIDES:
Article 1. To approve the master plan on socio-economic development of Dak Nong province through 2020 (below referred to as the master plan) with the following principal contents:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. Development viewpoints
- To step up economic development in a rapid and sustainable manner. To rationally associate economic development with economic restructuring for promoting and effectively tapping land, forest, hydropower, bauxite and eco-tourist advantages, and intensify the attraction of external sources of capital.
- To step by step restructure the economy through prioritizing in-depth investment and developing advantageous production industries to create breakthroughs for development, making great contributions to the overall growth of the economy.
- To synchronously develop infrastructure. To harmoniously combine production development with economic and social infrastructure development.
- To raise the quality of human resources. To step up education development, raise people’s intellectual standards and enhance professional, technical and vocational training for employees, especially managers and technical workers, to meet the province’s development needs in the context of international economic integration.
In the immediate future, to prioritize the formation of a contingent of highly qualified technicians in agriculture, forestry, processing and mining industries.
- To associate economic growth with social equity and security and solidarity among ethnicities. To pay due attention to social welfare in rural areas in connection with hunger elimination, poverty reduction and development assistance for deep-lying, remote and ethnic minority areas with a view to creating jobs, improving material and spiritual lives of people of all strata, and reducing poverty and social evils. To protect and promote diversified traditional cultures of different ethnic minorities in the province.
- To associate socio-economic development with environmental protection. To maintain the ecological balance and ensure sustainable development. To adopt orientations for prevention, control and mitigation of natural disasters, drought, flood and epidemics.
- To associate socio-economic development with maintenance of security and national defense, firm protection of sovereignty and security along the entire national borderline, and preservation of political stability and security and social order and safety.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
a/ General objectives
To ensure rapid and sustainable economic development for Dak Nong province, creating drastic qualitative changes in the economic and labor structures. To accelerate the process of industrialization and modernization and develop the commodity production agriculture using advanced techniques to ensure high efficiency and sustainability. To concentrate on intensive development of advantageous industries, step by step apply modern technologies for turning out products with high added value and competitiveness in the market. To develop services in different forms toward improving their quality to better meet market demands, especially tourist services in which the province has advantages. To develop cultural and social activities and step up socialization in education and training, health care, culture, physical training and sports. To improve the quality of people’s lives in parallel with poverty reduction, job creation and social security assurance. To maintain political stability and ensure national defense, security and social order and safety.
b/ Specific targets
- Economic targets
+ Economic growth:
· During 2011-2015, the average economic growth rate will be around 15.5%/year, specifically the proportion of industry-construction will rise 25.8%/year, that of agriculture, forestry and fishery, 5.4%/year, and that of services, 18%/year.
· During 2016-2020, the average economic growth rate will be around 16-17%/year, specifically the proportion of industry-construction will rise 22-23%/year, that of agriculture, forestry and fishery, 4-5%/year, and that of services, 15-16%/year.
+ Economic structure:
· By 2015, the proportion of industry-construction will reach 39.57%, that of services will reach 26.7% and that of agriculture will be around 33.73%.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Per-capita GDP will reach VND 27 million by 2015 and approximately VND 66 million by 2020. To gradually narrow the gap in per capita GDP between the province and the whole country, from 66% in 2010 to 76% by 2020.
+ Export value will reach USD 550 million by 2015 with an average growth rate of 16.17%/ year during 2011-2015, and around USD 1,500 million with an average growth rate of 22.2%/ year during 2016-2020.
- Social targets:
+ Population: The natural population growth rate will drop to 1.3% during 2011-2015 and 1.1% during 2016-2020. The population will be 670,000 by 2015 and 830,000 by 2020. The urbanization rate will reach 20% by 2015 and 30% by 2020.
+ Human resources: To provide vocational training for around 24,000 people during 2011-2015 and around 16,000 people during 2016-2020. To create 17,000-18,000 jobs a year. The rate of trained labor will reach 35% by 2015 and 45% by 2020. To strive to reduce 5-7% of poor households on average to equal the average rate of the whole country.
+ Health: By 2015, to reduce the malnutrition rate among under-5 children to 20%; 90% of the population will have access to hygienic water; there will be 6.2 medical doctors per 10,000 people. By 2020, these figures will be 10%, 95% and 8.5 medical doctors, respectively.
+ Education: To complete preschool education universalization for 5-year children by 2015; to maintain and improve the quality of general education universalization; to expand the scale of upper secondary education so that 70% of young people in prescribed age will reach the upper secondary level or equivalent. To standardize the contingent of teachers so that by 2020, 80% of preschool teachers and 100% of primary school teachers will possess a collegial or higher degree and 100% of lower and upper secondary school teachers will obtain a university or higher degree.
+ Culture: By 2015,85% of families, 65% of hamlets and villages, 95% of agencies and units and 20% of communes, wards and townships will satisfy cultural standards. By 2020, these figures will be 95%, 70%, 100% and 40%, respectively.
+ Party work: To improve the leading and combating capacity of Party organizations. To strive that over 80% of grassroots Party organizations will be clean and strong and over 80% of local administrations, fatherland front committees and mass organizations will be strong.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
c/ Two focuses and three breakthroughs
- The focuses of development include:
+ To focus on rapid development of human resources, especially high-quality human resources, closely combining human resources development with science and technology development and application to meet socio-economic development requirements, ensuring human resources for socio-economic development tasks, of which trained labor will represent 35% by 2015 and 45% by 2020. To build a contingent of cadres and civil servants with sufficient qualities and capacities to meet the province’s development needs. At the same time, to train between 300 and 500 young cadres to obtain postgraduate degrees. To concentrate resources on building a community culture college, a gifted pupils school and a vocational secondary school of Dak Nong province and vocational training centers in some districts. To associate with some prestigious universities in the country to open 1-2 university branches in the province. To formulate mechanisms and policies to promote the establishment of non-public vocational training centers.
+ To focus on building essential infrastructure facilities and core urban centers and attract investment especially in transport and infrastructure in major urban centers: To coordinate with central agencies in early completing large works related to the province, such as the Dak Nong-Binh Thuan railway line to serve bauxite exploitation, and external roads (national highways 14, 14C and 28, etc.). To upgrade and improve infrastructure of Gia Nghia urban center (transport, electricity and water supply, wastewater and solid water treatment networks), and essential infrastructure facilities for newly established Due Xuyen district, Due Lap town, Kien Due, etc., and industrial parks and complexes and new urban centers.
- Three breakthroughs of Dak Nong province:
+ Economic breakthrough in mining and energy industries: To selectively develop processing industries, hi-tech industries and energy, mining and metallurgy industries. To prioritize the development of products which have competitive advantages and products which can participate in global value chains in hi-tech industries. To drastically develop supporting industries to serve bauxite exploitation and alumina and aluminum production, like mechanical manufacturing, mechanical repair, packing, chemicals, electricity, water, transport, fertilizers, construction materials, etc. To attach importance to developing industries serving agriculture and rural areas, clean energies, renewable energies and new materials in parallel with the application of energy and material-conserving technologies.
+ Breakthrough in processing industries and hi-tech agriculture: Processing industries will focus on products in which the province has material potential (coffee, rubber, pepper, timber, forest products, etc.); to focus on development of processing plants with modern technologies that turn out refined products that conform with the master plan on stabilization of material zones and are competitive in the export markets.
To build a comprehensively developed agriculture toward modernization, application of high technologies, commodity production and high competitiveness. At the same time, to associate agricultural development with processing industries and outlets. By 2015, the province will have 1-2 hi-tech agricultural zones in agricultural eco-zones; to form centralized animal-husbandry zones applying high technologies to ensure food safety and hygiene. By 2020, each district or town will have 1-3 hi-tech agricultural zones.
+ Breakthrough in services and tourism: To prioritize the development and modernization of high-quality services such as finance, banking, information technology, telecommunications, insurance, health care, consultancy, education and training, and science and technology. To promote to the utmost the province’s potential and advantages, drastically attract domestic and foreign resources for tourist development, making tourism an important industry of the province. To focus on building and developing a number of key tourist areas, namely Nam Nung eco-cultural-historical tourist zone (Dak Sons); Ta Dung eco-cultural-convalescence tourist zone (Dak Glong); Lieng Nung eco-cultural tourist site (Gia Nghia); and Ea Sno reservoir eco-cultural-historical tourist zone (Krong No). To open new tourist routes and sites and tours in the Central Highlands region and adjacent regions, and develop the Phnom Penh-Dak Nong-Ho Chi Minh City tourist route.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. Agriculture, forestry, fisheries
a/ Agriculture:
- To promote the potential and advantages in land and natural conditions for stepping up the development of an export-oriented commodity agriculture, associating agricultural and forestry production with processing industries.
- To further step up the restructuring of plants and animals toward diversification of products and intensive cultivation for raising productivity and product quality. To focus on the development of drought-resistant plants which are less reliant on water. To plan a concentrated production zone specialized in industrial trees like coffee, pepper, cashew, rubber, cocoa, cotton, sugarcane, cassava, soybean, mulberry, etc., in order to have large volumes of goods for export and ensure materials for processing industries.
- To step up the rearing of cattle, pigs and poultry, and aquaculture. To form the habit of farm-based animal rearing and step by step develop industrial-scale farm-based animal rearing.
- To intensify the application of scientific and technical advances and biotechnology, improve plant varieties and animal breeds for raising productivity and product quality. To increase agricultural extension, guide and transfer cultivation and rearing techniques for people to select plant varieties and animal breeds suitable to soil conditions and their financial capacity and cultivation level.
- To increase investment in rural infrastructure facilities under the program on building a new countryside, increase various forms of services and develop handicraft trades with a view to stepping up rural economic restructuring, agricultural labor shifting, hunger elimination and poverty reduction.
- To promote the development of household, farm, garden-hill and garden-forest economies, and combined agriculture and forestry, for mobilizing all resources for production development.
- General targets of agriculture:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
+ Agricultural production value structure: The proportion of cultivation will drop to 89.57%, that of animal rearing will rise to 8.12% and that of services will reach 2.31% by 2015. By 2020, these figures will be 86.2%, 10.3% and 3.5%, respectively.
+ To form a number of high-quality agricultural zones with an area of 1,000 ha by 2015 and over 5,000 ha by 2020. The per- hectare average product value will reach VND 100 million by 2015 and VND 200 million by 2020.
+ To gradually increase the land use coefficient to two times or more by 2020 and quickly increase the quantity and quality of agricultural commodities. By 2020, the production value per hectare of cultivation land will be 1.5 times or more the 2010 figure.
+ The contribution of agriculture to the province’s total products will be around 20% by 2015 and 12% by 2020. The economic targets will be basically the same as those of regional provinces in the several coming years.
+ The rate of the value of agricultural exports will reach 20% by 2015 and around 35% by 2020.
+ The rate of trained agricultural labor will reach 35% by 2015 and over 50% by 2020.
+ By 2015, income from rural trades and services will account for 15-20% of total incomes of rural inhabitants, bringing the income of household economy to be 1.8-2 times the current level; the output of seeded crops will reach 360,000 tons, or 537 kg per capita on average. By 2020, these figures will be 30% or more, 370,000 tons and over 500 kg, respectively, ensuring on-spot food security.
* Cultivation:
- To develop cultivation toward higher product quality. To plan cultivation development through restructuring plants and raising product quality and production efficiency, expanding production and increasing the proactively irrigated areas to over 70% by 2015 and over 90% by 2020, of irrigated areas.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To build brands for cultivation products of Dak Nong to carve out a niche in the market, especially in major provinces and cities nationwide.
- To develop cultivation toward hi-tech application:
+ During 2011 -2015: To focus on existing well-known plants and products such as passion fruit (in Dak Rlap, Tuy Due, Dak Song and Dak Glong districts), seedless lemon (in Dak Rlap and Tuy Due), safety vegetables and high-grade flowers in green houses and net houses (in Gia Nghia town, Dak Mil, Cu Jut, Krong No and Dak Glong), Atlantic potato (in Dak Song, Tuy Due and Dak Mil), and Japanese sweet potato (in Dak Song and Tuy Due). To build a model of interwoven cultivation of cocoa and cashew trees (in Dak Rlap), palm-tree (in Dak Glong), macadamia (in Dak Mil, Dak Glong, Tuy Due and Krong No), asparagus (in Tuy Due), high-quality rice (in Krong No), and fruit trees (in Gia Nghia, Dak Mil and Dak Glong).
In the immediate future, to focus on building high-quality plant variety production centers in Cu Jut district (bean and cotton varieties) and Krong No district (rice, maize and vegetable varieties).
To produce coffee according to Universal Trade Zone (UTZ) process (sustainable coffee, environment-friendly, and increase of production value); to produce high-quality tea in Tuy Due; to develop cocoa and pepper in a sustainable manner.
+ During 2016-2020: To further produce plant varieties which bring about high economic benefits and have outlets according to hi-tech cultivation models. To assess the benefits of these models and expand them in areas with appropriate conditions in the province.
* Animal husbandry: To develop animal husbandry toward commodity production while increasing animal herds and making intensive investment: To hybridize animal breeds and apply advanced rearing techniques for higher productivity and product quality. To bring the proportion of animal husbandry in agriculture to 8-9% by 2015 and 10-11% by 2020.
* Agricultural services: To increase the growth rate of agricultural services to 17-18% during 2011-2015 and 16-17% during 2016- 2020.
To build networks of supplies and techniques points in production zones for sufficiently and timely providing high-quality supplies related to plant varieties, animal breeds, fertilizers, pesticides, etc., under close examination and supervision by professional agencies.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To encourage all economic sectors to engage in agricultural services such as transfer of agricultural technical advances, counseling on hi-tech agricultural development models, etc.
b/ Fishery and forestry development
* Fisheries: To further step up freshwater aquaculture. Together with the program on restructuring of plant varieties and animal breeds in agriculture, it is necessary to encourage all economic sectors to invest in renovating unused ponds, lakes and river, stream and hydropower reservoir surface areas for aquaculture.
* Forestry:
- To properly protect and develop existing forest areas, especially production forests, nature conservation zones and important protection forests.
- To step up the planting of material forests and protection forests for developing forests, covering bare land areas with green trees and increase the coverage rate in the whole province.
- To rationally exploit forest resources to ensure forest regeneration, limit the exploitation of natural forest timber and step up the exploitation of forest plantations and material forests.
- To further step up the contractual allocation of land and forests, socialize forestry, and clearly define and promote the role of forest owners to ensure that each forest lot has its real owner.
2. Development of industries and cottage industries
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To adopt favorable mechanisms and policies to mobilize resources at home and abroad and encourage organizations and individuals to invest in industrial production under the local industrial development master plan.
- To further invest in infrastructure facilities and mobilize enterprises to invest in production and business activities in Tam Thang and Nhan Co industrial parks and Dak Ha and Thuan An industrial complexes. To attract investment in the commercial operation of planned industrial complexes and through creating favorable conditions in terms of ground clearance.
- To attach importance to intensive investment, improve the technological level and expand cooperation relations with other provinces throughout the country and with foreign countries in order to raise capital and receive advanced technologies for turning out higher-quality and more competitive products.
- To promote the development of medium and small industries and cottage-industry establishments, and form traditional craft villages in rural areas to create many jobs and increase incomes for laborers, contributing to rural economic restructuring.
- To develop industries in close combination with socio-economic elements, protecting natural resources, ensuring environmental sanitation and maintaining sustainable ecological balance.
- To implement investment projects on bauxite exploitation and alumina refining for creating breakthroughs in the province’s industrial and socio-economic development, restructuring the province’s economy toward increasing the proportion of industries so that by 2020 the province will have an industry-services-agriculture-forestry structure.
- To strive to bring the production value of the province’s industries and cottage industries to VND 5,067 billion by 2015, an average year-on-year rise of 24.23% during 2011 -2015, and VND 11,490 billion by 2020, an average year-on-year rise of 20.9% during 2016-2020.
- Orientations for development of major industries:
+ Agricultural product and food processing: To focus on processing products with material advantages in the province, including coffee, rubber, sugarcane, cashew, cocoa, pepper, vegetable oil, cotton, fiber, silk, starch, food grinding, foodstuff processing, animal feed processing, timber and forest products.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To attract investment in building medium-and small-sized hydropower plants such as Dak Nong II hydropower plant of a capacity of 4-7 MW, Dak Rung I hydropower plant, 8 MW, Dak R’Keh I, 11.5 MW, Dak R’Keh II, 10-11 MW, Dak R’Keh III, 10-11 MW, Dak N’Teng, 13 MW, Dak So, 5 MW, Dak Kar, 79 MW, and Dak Ru, Dak Rlap and Quang Tin hydropower plants. The operation of these hydropower plants will significantly contribute to the national power source.
+ Mining: To build and early operate an alumina plant in Nhan Co and, on the basis of assessing its economic and environmental impacts, to implement the master plan on ore exploitation and processing in the locality in conformity with the country’ development orientations.
+ Construction material production: To step up the development of non-baked materials produced from ground stone. To develop non-baked material production establishments with sizes suitable to each area and region. To encourage the building of works with non-baked materials,
+ In addition, to focus on developing mechanical repair, electronics and civil electricity industries as well as cottage industries and rural industries.
To build infrastructure in and continue to fill up Tam Thang and Nhan Co industrial parks and some industrial complexes such as Dak Ha, Thuan An, Quang Tam, Krong No and Dak Song. To plan Quang Due industrial park, and Dak R’La, True Son and Quang Khe industrial complexes.
3. Development of trade, services and tourism
The total export value in the province will reach around USD 550 million by 2015 and around USD 1.5 billion by 2020. The export value growth rate in the province will increase 16.17%/year on average during 2011-2015 and 22.2%/year during 2016-2020.
The total turnover from retail sales and social services will reach VND 18,405 billion by 2015, an average year-on-year rise of 26.8% during 2011-2015, and VND 43,400 billion by 2020, an average year-on-year rise of around 18.72% during 2016-2020.
The added value of trade-services will account for 26.31% by 2015 and 26.4% by 2020.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Services: To develop and diversify types of services for efficiently supporting production development and improving the quality of people’s life. To pay more attention to information services in remote and isolated rural areas, and develop agricultural, forestry and fishery scientific and technical information services.
To increase the services of transfer of techniques and technologies, agricultural and forestry extension, variety and breed hybridization and agricultural mechanization, etc., to serve agricultural and forestry development.
To develop cultural, tourist, recreation and entertainment and convalescence services. To expand service networks in rural areas for creating more jobs for underemployed rural laborers.
- Tourism: The average growth rate of tourism will be 15-20%/year during 2011-2020. By 2020, there will be 600,000-650,000 tourist arrivals, including 40,000 international tourist arrivals. To develop tourist products imbued with special and humane traditional cultural values while exploiting natural landscape advantages. To focus on developing tourist products, mainly eco-tourism and cultural tourism, giving priority to tourist products which are special and typical as compared with those in the Central Highlands and adjacent regions. To closely combine tourism in Dak Nong province with tourism in the provinces in the Central Highlands region and adjacent regions along “the Central Highlands green path under the strategy for accelerating development of Central Highlands tourism”.
4. Orientations for social development
a/ Population, labor, employment
- Population: The mechanical population growth rate is anticipated at around 3.5% during 2011-2015 and will gradually decrease to around 1.4%/year by 2020. So, the province’s population will be 670,000 by 2015 and 830,000 by 2020. The urbanization rate will be 20% by 2015 and 30% by 2020.
- Labor: There will be 327,400 people in working age by 2015 and 386,900 people in working age by 2020, of which 347,000 people will need jobs by 2015 and around 413,000 people will need jobs by 2020; it is necessary to create 12,000-13,000 jobs a year on average.
The industry-construction labor will represent 12.6% by 2015 and 21.2% by 2020; agricultural and forestry labor, 64.3% by 2015 and 54.1% by 2020; and service labor, 23.1% by 2015 and 24.7% by 2020.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Education: To complete preschool education universalization for 5-year children by 2015; to maintain and improve the quality of general education universalization; to expand the scale of upper secondary education, striving that 70% of young people of eligible age groups will finish upper secondary education or equivalent. To invest in physical and technical foundations of schools with sufficient classrooms and functional rooms for comprehensive education, striving that 80% of educational institutions will reach national standards, 100% of general education schools will have access to internet and libraries. To standardize the qualifications of teachers so that by 2020, 80% of preschool teachers and 100% of primary school teachers will possess a collegial or higher degree and 100% of lower and upper secondary school teachers will possess a university or higher degree.
- Training: To improve the quality of human resources is an urgent task in the immediate future and long term as well. To focus on training technical and skilled workers for enterprises in industrial parks and complexes; to develop cottage industries-trades, services-tourism and vocational orientation and training in rural areas, contributing to labor restructuring in the province. To bring the rate of trained labor to around 35% by 2015, 30% of whom will receive vocational training; these figures will be around 45% and 40%, respectively, by 2020.
c/ People’s health care, population work
To properly implement the national programs on population development and family planning; to reduce the natural birth rate to 1.3%/year during 2011-2015 and to 1.1%/ year during 2016-2020. To strive that by 2020, the average life expectancy will reach 75 years and the average height of young people will be 1.66 m (for males) and 1.55 m (for females).
By 2015 and 2020, there will be 6.2 and 8.5 medical doctors and 23 and 25 patient beds per 10,000 people, respectively. The expanded vaccination coverage rate will reach 90% by 2015 and over 95% by 2020. To reduce the child malnutrition rate to below 10% by 2020. To effectively implement national health target programs and reduce the annual malaria morbidity and mortality rates. All households will use iodine salt according to disease prevention standards. To focus on HIV/ AIDS communication and surveillance; 100% of health establishments will properly follow the HIV/AIDS infection prevention and control process. By 2015 and 2020, 90% and 100% of communes will reach national health standards, respectively.
From now to 2015: To further upgrade and complete the provincial general hospital, phase II, to have 500 patient beds with modem machines and equipment meeting medical examination and treatment demands of people in the province. By 2020, the health infrastructure system will basically meet demands in the province and the quality of community health activities will be constantly maintained.
d/ Culture, information-communication, physical training and sports
- Culture
To consolidate, build and step by step complete cultural institutions from provincial to district, commune and village levels. To operate and promote these institutions to serve people’s cultural life. To step by step consolidate the organizational apparatus of the culture and information sector. To improve the quality of culture workers to be professional. To attach importance to the conservation and development of traditional cultural values of Central Highlands ethnic minorities. To preserve and promote the identities of each ethnic minority on the basis of respecting their spoken and written languages, customs and habits and healthy and fine traditional festivals; to build a diversified and rich culture.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To actively expand cultural exchanges among ethnic minority people through art performances, festivals, exhibitions and cultural-sports days for increasing mutual understanding, learning production experiences, strengthening solidarity among ethnic minority groups and improving the cultural and spiritual lives of people in the whole province. To renew cultural and art performance activities along the line of socialization. To launch cultural, art performance and sports movements in deep-lying and remote communes to help people have access to economic information and better understand social life, ways of earning a living, and improve their spiritual life.
To step up the movement “All people build a civilized lifestyle, cultured families and cultured villages”. To actively prevent and eliminate baneful cultural practices. To promptly prevent and combat social evils.
To enhance the state management of culture and information, especially cultural services. To pay attention to building a contingent of cultural workers from provincial to grassroots level and improve their capacity and qualifications to meet task requirements.
- Information-communication
To develop information, radio and television broadcasting and press networks in communes, townships and villages. To further invest in infrastructure facilities for the culture and information sector and radio and television stations of the province. To strive that by 2015, 100% of communes will have television coverage.
- Physical training and sports
To build and develop physical training and sports movements at the grassroots level. To step up mass physical training and sports movements and improve physical strength and health. To plan and build points for cultural and sports activities and stadiums in various areas. To build a provincial sports center in Gia Nghia town. To step by step build central sports competition halls in districts.
dd/ Religious and ethnic affairs
- Religious affairs
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Ethnic affairs
To improve people’s intellectual standards and economic, cultural and spiritual lives; to conserve and promote traditional cultural values of ethnic minority groups. To step by step invest in and provide radio and television coverage in M’Nong language. To build a contingent of local ethnic cadres who are capable of meeting the requirements of culture and information activities in the locality.
e/ Hunger elimination and poverty reduction
To continue implementing hunger elimination and poverty reduction programs. To gradually improve living standards of households that have got rid of hunger and poverty and prevent relapse into poverty. To strive to annually reduce 5-7% of poor households on average. By 2020, the rate of poor households will equal the national average rate.
g/ Planning on rural population to meet new countryside criteria
By 2015 and 2020, 20% and 50% of communes (12 and 30 communes), respectively, in the whole province will satisfy new countryside criteria. By 2015, to basically complete the population arrangement in the province in association with agricultural and rural development, job creation, improvement of material, cultural and spiritual lives for rural inhabitants, and ensure rural security.
To continue formulating investment projects on infrastructure construction for new economic zones such as Dak Sin (Dak R’Lap), Due An- Thuan Hanh (Dak Song), Dak Ro, Due Xuyen, and Quang Phu (Krong No).
To further implement programs on electricity, roads, schools, stations, clean water and environmental sanitation in rural areas. To upgrade degraded infrastructure works and works serving people in ethnic minority, deep-lying and remote areas under plans, especially key works.
5. National defense and security
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To constantly fight crimes, especially smuggling and corruption; to prevent and fight drug-related crimes and prevent and drive back social evils. To attach importance to storm and flood prevention and control and rescue, and help people prevent and control natural disasters and remedy their consequences.
To build a contingent of officers and soldiers who have firm political stance; show absolute loyalty to the Party, the Fatherland and people; keep strict discipline and are trained to be a regular and modem force ready to combat and fulfill all tasks in all circumstances. To create synchronous coordination among armed forces and internal affairs sectors in security and national defense work, create political stability, maintain social order and safety as a foundation for economic development
6. Infrastructure development orientations
a/ Transport networks
Transport constitutes an important part in socio-economic infrastructure and should be given priority in development investment one step ahead in a rapid and sustainable manner to create a prerequisite for socio-economic development and national defense and security assurance to serve industrialization and modernization.
- External roads (national highways 14,14C and 28): To renovate and upgrade the section of national highway 14 with 4-6 lanes crossing Dak Nong province; to complete the construction of national highway 14C, phase 2 (asphalting the road surface); to expand the section of national highway 28 crossing townships and townlets, and complete the construction of inundation diversion sections for Dong Nai hydropower plants 3 and 4; to complete the project to link national highway 14 in Kien Due township to Bu Prang border gate and to national highway 76 of Cambodia. By 2015, the road asphalting rate will be 100%.
- Provincial roads: To asphalt the existing provincial roads’ earth sections and upgrade provincial roads’ sections which directly affect socio-economic development; to build 2 new provincial roads, traverse axis 3 (Dak Song-Dak Nang) and traverse axis 5 (Dao Nghia-Quang Khe); to upgrade national highway 14C, the 24 km-long section from km 115 to km 139, into a provincial road, and the 29 km-long section from km 139 to Bu Prang border gate into an extension of provincial road 1; to increase the total length of provincial roads to 506 km and the road asphalting rate to 100% after 2015.
- District roads: The total length of district roads will reach 497 km; to strive to complete the construction of district roads up to technical grades with an asphalting rate of 80%.
- Commune and village roads: The total length of commune and village roads will be 2,173 km. By 2015, the road asphalting rate will be 45% and all villages will have 1-2 km of asphalted roads each.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Specialized roads: To build border roads and roads serving mineral exploitation.
- Upgrading and new projects: To build new Dak Song-Dak Nang road, Dao Nghia-Quang Khe road and Gia Nghia urban center bypass road, and upgrade and renovate the road from Kien Due to Bu Prang border gate.
- Transportation, car stations and parking lots:
+ Car stations and parking lots: To build an inter-provincial car station to reach grade II or higher grade in Gia Nghia town; to upgrade grade-IV car stations in districts; to build one more car station in Dak R’Lap township, one in Krong No and one in Dak Mil to serve the separation and split of districts; to build 1-2 parking lots in each district center and 2-3 parking lots in Gia Nghia town.
+ To expand routes to all provinces and cities nationwide and all residential centers in the province; to prioritize the development of mass transit by bus; to develop vehicles suitable to local conditions and terrain, which must be modem, less polluting and fuel-saving.
- Railways: When conditions permit, to consider the construction of a railway linking Gia Nghia-Quang Khe-Lam Dong with Ke Ga port (Binh Thuan province).
- Airports: To include Nhan Co airport in the list of national airports planned to be built.
b/ Power supply
To further expand the power networks in the whole province, especially in rural areas. By 2015, all villages will have access to the national power grid, 95% of households will have electricity for production and daily-life activities; by 2020, 100% of households will have access to electricity. To build intermediary transformer stations in districts. To strive to attain the objective of rural electrification throughout the province.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To plan to build 150-165 new key irrigation works, mainly medium-and small-sized ones, including 150 reservoirs, 10 dams and 4 pump stations. To complete works under construction and works serving ethnic minority, deep-lying and remote areas. To renovate and upgrade old and degraded works. To intensively operate and protect resources from Serepok and Dong Nai rivers.
d/ Water supply
To further implement the national program on rural clean water and environmental sanitation. To strive that by 2015, 100% of population will have access to hygienic clean water.
7. Territorial space-based development orientations
a/ Development orientations for sub-areas
- The northern sub-area embraces Due Lap town and Dak Mil, Due Xuyen, Cu Jut and Krong No districts, with a natural land area of 2,215 km2. This sub-area has potential for wet rice cultivation and development of food crops and short-term and perennial industrial trees. This sub-area accommodates Tam Thang industrial park to attract investment for drastic industrial development; Due Xuyen hydropower plant and Buon Kop hydropower reservoir; Dak Per border-gate economic zone; and many tourist attractions which are favorable for expanding trade and developing tourism and services.
- The central sub-area embraces Gia Nghia town, Dak Glong district and Dak Song district, with a natural land areaof2,514 km2. This sub- area has potential and advantages for industrial development. This sub-area is capable of attracting many industrial development projects from the southeastern provinces, especially Ho Chi Minh City. It has potential for hydropower and exploitation of bauxite and rare and precious minerals; and attraction of investment in Dak Ha industrial-cottage industry complex. This sub-area also has land potential for planting perennial industrial trees such as coffee, rubber, cashew and pepper, and for cattle rearing and planting material forests.
- The southwestern sub-area covers Kien Due town and Dak R’Lap and Tuy Due districts, with a natural land area of 1,757 km2. This sub- area is sparsely populated where agriculture and forestry are main economic activities, industry is limited and trade and services are not yet developed.
The economic development orientations in the coming period are to step up the exploitation and effective use of land and forests; to develop agriculture toward commodity production; to form a number of large areas under perennial industrial trees such as coffee, rubber, cashew and pepper, and material forests, develop cattle rearing and create material areas for processing industries.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
To promote the development of trade and services. To build Kien Due marketplace into a place for center for goods exchange and trade of the region; to form more rural marketplaces and shops for trading and supplying essential commodities as well as supplies for production activities of inhabitants in the region. To build Bu Prang border-gate marketplace; to promote trade and expand goods exchange and economic cooperation with Cambodian provinces.
To upgrade and build health care, educational, cultural and social welfare works to improve the spiritual life for local people.
b/ Urban development orientations
By 2020, the province will have 11 urban centers, including one town being the provincial center, 2 towns being centers of the sub-areas, and 8 townships.
In the immediate future, to complete the construction of infrastructure for Gia Nghia town to deserve its position of a provincial urban center, a political, economic, cultural and scientific-technical center of the province. To upgrade Gia Nghia town to a grade-III urban center by 2015 and a provincial city before 2020. To build Gia Nghia town with urban architecture suitable to local landscapes and culture after the model of a green, clean, beautiful and civilized urban center. Its population is expected to reach 70,000 by 2015 and 110,000 by 2020.
On the basis of the plan on separation and split-up of districts, to expand existing Dak Mil and Kien Due townships. To develop urban centers into the growth cores of the sub-areas. To upgrade and complete infrastructure for urban centers to reach grade IV and become towns during 2015-2020, namely Due Lap (on the basis of Dak Mil township) and Kien Due (on the basis of Kien Due township). By 2020, the population in these urban centers is expected to reach 35,000-40,000.
To build 2 new townships of Dak R’la and Dao Nghia, which are the centers of 2 newly separated and split Dak Mil and Dak R’lap districts. To form Due Xuyen township to be the center of newly established Due Xuyen district. By 2020, the population of these townships is expected to reach 5,000-10,000 and they will meet grade-V urban center criteria.
To further upgrade existing townships to meet grade-V urban center criteria, namely Due An (Dak Song), Dak Mam (Krong No), Quang Khe (Dak G’Long), Dao Nghia (Dak R’lap), and Dak Buk So (Tuy Due). The population of these urban centers is expected to reach 10,000-15,000.
III. LIST OF PROGRAMS AND PROJECTS PRIORITIZED FOR INVESTMENT (See attached Appendix).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. Raising investment capital
The total demand for investment capital is estimated at VND 202 trillion during 2011- 2020, including VND 60 trillion for the 2011- 2015 period and VND 142 trillion for the 2016-2020 period, of which around 53.2% will be used for industry and construction, 9% for agriculture and forestry, and 37.8% for services. To meet this capital demand, it is necessary to synchronously take the following measures:
- For state budget funds: To further exploit central budget funds through development programs as well as incentive mechanisms and policies of the Government, ministries and sectors for building essential and key works in the province. To effectively use these funds and increase the rate of accumulation.
- For enterprises, businesspeople and private and people’s investment: To elaborate clear and transparent mechanisms and policies to attract investment. To apply such investment forms as build-transfer (BT), build-operate-transfer (BOT) and public-private partnership (PPP) in development investment to ensure effective mobilization of different sources of capital from the private sector and enhance cooperation and effectiveness of projects. To adopt maximum tax incentives for encouraging enterprises and individuals to invest in developing production and business activities in rural areas, especially in deep-lying and remote areas.
- For loan sources: To formulate feasible, detailed and appropriate production development projects which are effective in order to attract credit loan sources. To prioritize these sources for the development of spearhead industries and production of commodity products. To use loan sources more effectively.
- For external sources of capital (from the central level, other provinces and foreign countries): To plan the development of sectors and territorial areas, formulate feasible and attractive projects to attract investment from the central level, other provinces and foreign countries for production development with a view to stepping up the province’s economic, cultural and social development. To attach importance to revenues from the auction of land use rights for developing infrastructure under large projects in urban centers and centralized residential areas.
2. Planning solutions
- To put planning work in order to become an effective tool in market-orientated economic management. All levels and sectors should be fully aware of planning work.
- To strengthen and supplement planning officers in a number of provincial-level departments and sectors. To decentralize the formulation, appraisal, approval, implementation and supervision of master plans. Annually, to allocate funds for planning work and select fully capable consultancy units to implement planning projects. To make investment under planning; to plan all capital construction investment works in conformity with the province’s capital- balancing capacity.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To issue incentive policies for economic sectors, such as land lease incentives and infrastructure investment support, specific regulations on investments the forms of build-transfer (BT) and build-operate-transfer (BOT), foreign direct investment policies, easier access to loans for investment, labor training, market development and provision of information and technologies.
- To exempt from or reduce land rents, taxes or fees for production and business activities in the initial years of operation for enterprises and individuals that invest in developing spearhead industries, such as agricultural and forest product processing, industrial tree planting, cow rearing, and tourism, trade and service expansion. To give special incentives for investment projects in poor communes and disadvantaged areas.
- To encourage the development of people-founded enterprises in quantity, quality and competitiveness, especially labor-intensive cooperatives and medium-and small-sized enterprises. To apply flexible licensing mechanisms for a number of construction investment works and projects; to simplify investment licensing procedures; to adopt policies to coordinate with and assist investors in production and business development suitable to their capacity to make investment, manage and use labor, organize production and business and distribute benefits.
- To create a favorable legal corridor and open investment environment for the development of diversified economic activities; to mobilize all human, material and financial resources and capital for production and business activities to increase gross regional domestic product (GRDP) and budget revenues, creating jobs, generating incomes and improving laborers’ lives.
4. Scientific-technological and environmental protection policies
- To formulate priority policies for the application of scientific-technical advances to industrial production, agriculture, construction and service sectors. To raise the quality of training and transfer of technologies; to help farmer households and ethnic minority people apply technical advances, biotechnology and new plant varieties and animal breeds in production and business and daily-life activities.
- To encourage the development of talents and effectively employ scientific-technical workers; to equip new knowledge and improve professional qualifications for them to meet new development requirements.
- To associate science and technology development with environmental protection and ecological balance, ensuring sustainable socio-economic development.
5. Human resource development policies
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- To train the workforce in a practical manner in line with production and business development orientations in the province. To combine vocational, technical and economic management training with legal, working qualities and social morality training so that laborers and their products can integrate into the national, regional and global economies.
- To encourage the discovery and fostering of talented state management and technical management officials. To formulate training master plans and plans for step by step improving the quality of officials, especially those who hold key positions in the province’s economic, political and social administration.
- To exercise democracy and ensure transparency and equality in association with economic benefits, creating a motive force for all laborers to bring into play their physical strength and intellect in their work to bring high efficiency for the society, community and each person. To formulate mechanisms to attract human resources from outside the province to contribute their intellect, invest in and cooperate with Dak Nong province in accelerating the province’s socio-economic development.
6. Enhancing cooperation with other provinces and expanding markets
To enhance cooperation and coordination with other provinces and cities like Dak Lak, Lam Dong, Ho Chi Minh City and southeastern provinces, coastal provinces in the Ba river basin, and Cambodian northeastern provinces under the master plan on the development triangle of three countries in order to choose appropriate orientations for each sector and province, avoid thinned-out and overlapping investment, establish supply-demand balance and raise investment efficiency.
To enhance coordination between the province and ministries and central sectors in research and project formulation in conformity with the provincial and sectoral development master plans, and ensure capital sources and material supply and product sale plans, and ensure that eco-environmental protection and resettlement are necessary solutions for the master plan implementation in the coming time.
To pay attention to the domestic and rural markets with a view to stimulating production and sale of products in the province and increase the people’s purchasing power to meet the demands for supplies and commodities for production and consumption. To intensify marketing, exhibition and advertising of the province’s commodities with export potential. To learn about requirements on kinds, quantities, quality and prices of exports in order to devise appropriate development plans.
7. Organization of and roadmap for implementation
The master plan, together with its adjustments and supplements, provides fundamental orientations and important bases for all sectors and levels to perform their functions and tasks and enterprises and economic sectors to conduct production and business, contributing to the attainment of the province’s general socio-economic development objectives and orientations during 2011-2020.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
This master plan, together with its adjustments and supplements, are bases for reviewing five-year and annual plans and specific programs and projects in order to include this master plan for implementation. In plans on development of sectors and socioeconomic fields, agencies should properly incorporate the contents of this master plan into their tasks and identify development objectives in line with the master plan, and concurrently pay attention to reviewing and updating information so as to make adjustments and supplements to suit practical conditions on the basis of comprehensive and scientific analysis so as to make this master plan more complete and feasible.
Article 2. This master plan serves as a basis for the review, adjustment and supplementation of sectoral master plans (construction master plans, land use master plans and plans, and master plans on other sectors), and investment projects in Dak Nong province.
Article 3. Based on the province’s socioeconomic development objectives, tasks and orientations set out in this master plan, the People’s Committee of Dak Nong province shall coordinate with related ministries and sectors in:
1. Reviewing and adjusting district-level socio-economic development master plans; master plans on development of urban and residential areas; construction master plans; land use master plans and plans; and master plans on development of sectors, fields and major products to ensure synchronous development.
2. Formulating five-year and annual plans, key economic, cultural and social development programs and specific projects for concentrated and prioritized investment in a rational manner.
3. Studying, elaborating and promulgating according to their competence or submitting to competent state agencies for promulgation (for issues falling beyond its competence) mechanisms and policies to meet the province’s development requirements in each period with a view to attracting and mobilizing resources for the master plan implementation .
Article 4. Within the ambit of their functions and tasks, related ministries and sectors shall assist the People’s Committee of Dak Nong province in formulating the above master plans; elaborate and submit to competent state agencies for promulgation mechanisms and policies to meet the province’s socioeconomic development requirements in each period for mobilizing and effectively using resources; promote investment according to the socio-economic development objectives, tasks and orientations set out in the master plan. Accelerate investment in the approved large regional works and projects which are important to the development of Dak Nong province. Study, adjust and add relevant works and projects to be invested under the master plan to sectoral development master plans and investment plans.
Article 5. This Decision takes effect on the date of its signing; to annul the Prime Minister’s Decision No. 161/2006/QD-TTg of July 10, 2006, approving the master plan on socioeconomic development of Dak Nong province through 2020.
Article 6. The chairperson of the People’s Committee of Dak Nong province, ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of government-attached agencies shall implement this Decision.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
PRIME MINISTER
Nguyen Tan Dung
LIST OF PROJECTS
PRIORITIZED FOR INVESTMENT STUDY IN DAK NONG PROVINCE DURING 2013-2020
(To the Prime Minister’s Decision No. 1942/QD-TTg of October 22, 2013)
A
PROJECTS INVESTED BY MINISTRIES OR CENTRAL SECTORS IN THE PROVINCE
1
Project to upgrade infrastructure of Gia Nghia urban center to grade-III urban center standards
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project to build Dak Nong-Binh Thuan railway
3
Project to build Nhan Co airport into a national airport
4
Project to build Dak Nong-Binh Phuoc-Dong Nai-VuníỊ Tau railway
5
Project to upgrade national highway 14 (the section crossing Dak Nong province)
6
Project to upgrade national highway 14C (the section crossing Dak Nong province)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project to expand national highway 28 (the section crossing Dak Nong province)
8
Project to build rural power grids, phase II
9
Projects on medium-and low-voltage electricity lines and transformer stations for electricity distribution
10
Project on technical assistance for hi-tech agricultural development
11
Project on bauxite exploitation and alumina refining during 2011-2020
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project to relocate the 500-kV electricity line out of Gia Nghia urban center
B
PROJECTS INVESTED BY THE PROVINCE
B1
Agriculture
1
Project to build infrastructure of a hi-tech agricultural zone
B2
Industry
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project to build infrastructure of Nhan Co industrial park
2
Project to build 220/110 kV power transmission systems
3
Project to build infrastructure of Quang Due industrial park (Dak R’Lap district)
B3
Trade - services - tourism
1
Project to build Dak Nong province’s trade center
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project to build trade infrastructure of Dak Per border-gate economic zone
3
Project to build Lieng Nung culture and entertainment park
4
Project to build infrastructure of Nam Nung eco-cultural tourist zone
5
Project to build Serepok riverside roads from Tam Thang commune to Con Dau in Eapo commune
6
Project to develop Bu Prang international border-gate economic zone
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Technical infrastructure projects (transport, urban, electricity supply, water supply and irrigation)
1
Project to build Dak Song-Dak Nang road
2
Project to build Dao Nghia-Quang Khe road
3
Project to upgrade and asphalt district roads
4
Project to build Gia Nghia town’s bypass road
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project to build roads serving mineral exploitation
6
Project to build an inter-provincial car station
7
Project to build infrastructure of Cu Jut, Gia Nghia, Dak Mil and Dak Rlap urban centers
8
Project to build infrastructure of Dak Rla, Dao Nghia and Due Xuyen new urban centers
9
Project to upgrade Due An, Dak Mam, Quang Khe and Dak Buk So district townships to grade-V urban center standards
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project to upgrade irrigation infrastructure in districts
11
Project to build Gia Nghia complex of irrigation works
12
Projects to build wastewater treatment systems for urban centers of grade IV or higher grade (Gia Nghia, Dak Mil and Kien Due)
13
Project to build Quang Tam-Dak Ngo road, Tuy Due district, Dak Nong province
14
Project to support infrastructure construction and housing for cadres and civil servants in Dak Nong
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project to build border belt roads serving security, national defense and socio-economic development in Dak Lao-Duc Manh, Dak Mil district
16
Project to build a road to Bu Prang border gate (the section from national highway 14- provincial road 1 to national highway 14C)
17
Projects to build offices of administrative and non-business agencies of the province and districts
18
Projects to build complete cultural-sports institutions of the province and districts
19
Projects on military, security and national defense
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Projects on stabilization of free migrants
21
Projects to build permanent schools and classrooms, and public-duty houses for teachers
22
Projects on climate change response
23
Project on construction to stabilize population, phase II, in Quang True commune, Tuy Due district
B5
Social infrastructure projects (health care, education, culture and sports)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Health care
1
Project to upgrade the provincial general hospital, phase II (with 500 patient beds)
2
Project to improve grassroots health networks, phase II
3
Project to build and upgrade provincial-level health centers
4
Project to complete the construction of district-level general hospitals
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project to build a traditional medicine hospital
6
Project to build Dak Nong province’s radio and television technical center
Education
1
Project to upgrade Dak Nong vocational secondary school to a college
2
Project to build and establish a Community College
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project to build a foreign language training center Culture, sports
1
Project to build Dak Nong province’s sports center
2
Project to complete the construction of No Trang Long complex of monuments of famous historical figures, Dak Nong province
3
Project to complete the construction of the provincial cultural center
4
Project to complete the construction of Dak Nong province’s sports complex
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
PROJECTS CALLING FOR INVESTMENT
C1
Infrastructure
1
Project to build infrastructure of Dak Song industrial complex
2
Project to build infrastructure of residential quarter 3, Ea Tlinh township, Cu Jut district
3
Project to build residential quarter 6, Nghia Tan ward, Gia Nghia town, Dak Nong province
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project to build urban infrastructure of residential quarter 5, Nghia Phu ward, Gia Nghia town, Dak Nong province
5
Project to build infrastructure of Krong No industrial complex
6
Project to build infrastructure of Dak R’La industrial complex
7
Project to build infrastructure of Quang Khe industrial complex
8
Projects on social housing infrastructure support
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Projects on socialization of cultural, physical training and sports, health care and education activities
C2
Agriculture, forestry
1
In hi-tech agricultural zones: Project to establish, expand and upgrade establishments for hi-tech production of plant varieties in creation, hybridization, breeding and multiplication to create leading variety gardens and quality varieties to serve agricultural and forestry production
2
In hi-tech agricultural zones: Project to produce animal and aquatic breeds of high yield, quality and economic benefits
3
Project to build large model fields (production and processing of high-quality food) in Krong No district
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project to build cattle and poultry slaughter-houses in districts and towns in the whole province
5
Program on coffee re-cultivation
6
Projects on sustainable management, development and protection of forests
C3
Industry
1
Projects on animal breed processing
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Projects on production of chemical fertilizers and micro-organic fertilizers
3
Projects on mechanical manufacturing and repair of industrial and agricultural equipment
4
Projects on processing of finished coffee products (powder coffee, instant coffee)
5
Projects of animal slaughtering and animal product processing
6
Projects on exploitation and processing of basalt stone columns
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Mechanical projects serving the bauxite exploitation industry
8
Project on bauxite supporting industries
9
Project to build an aluminum refinery
10
Projects on production and processing of agricultural and forest products
C4
Trade, services and tourism
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Trade
1
Project on Kien Due township trade center
2
Project on Ea Tlinh township trade center
3
Project on Gia Nghia town trade center
Services
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Projects on development of financial and banking services
Tourism
1
Project on Nam Nung mountain cultural eco-tourist zone (with different items)
2
Project on an eco-tourist zone along Serepok river bank (with different items)
3
Project on Ta Dung cultural eco-tourist zone (with different items)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Project on Dak Glun eco-tourist zone
5
Project on embellishment of the B4 resistance war relic, inter-provincial IV
6
Project on Dak R’Tih reservoir tourist site
7
Project on Dong Nai reservoir 3 and 4 tourist sites
8
Project to exploit ecological landscapes (lakes, reservoirs, falls, forest, etc.) in combination with tourist and service activities
...
...
...
;Quyết định 1942/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 1942/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 22/10/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1942/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video