Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1924/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 07 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN TÂY HÒA ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Hướng dẫn, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Trên cơ sở các văn bản của UBND tỉnh Phú Yên: Thông báo số 170/TB-UBND ngày 12/04/2013 của UBND tỉnh Phú Yên về việc cho phép lập dự án Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tây Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1041/QĐ-UBND ngày 21/06/2013 của UBND tỉnh Phú Yên về việc Phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí dự án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tây Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại Báo cáo số 549/BC-KHĐT-THQH ngày 29 tháng 9 năm 2015, kèm Biên bản họp của Hội đồng thẩm định dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội huyện Tây Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đề nghị của UBND huyện Tây Hòa (tại Tờ trình số 163/TTr-UBND ngày 21/9/2015),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Tây Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của tỉnh, phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của huyện gắn với việc bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa, di tích lịch sử.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và dịch vụ; từng bước chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng hiệu quả và phát triển bền vững.

- Phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong, tận dụng tốt các cơ hội từ bên ngoài để phát triển nhanh, ổn định và bền vững.

- Phát huy yếu tố con người, xem con người là trung tâm, là nguồn lực quan trọng của sự phát triển. Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ hiện đại.

- Liên kết phát triển giữa Tây Hoà với thành phố Tuy Hoà và các huyện lân cận, để tạo điều kiện khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng.

- Phát triển bền vững, tạo được sự hài hòa giữ tăng trưởng với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

- Phát triển gắn liền với củng cố quốc phòng - an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội, phát huy tính đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại địa phương, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, mở rộng dân chủ, phát triển các tổ chức xã hội hoạt động vì các nhu cầu thiết thực, tạo môi trường ổn định cho đời sống và thu hút đầu tư.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

- Đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới phát triển kinh tế, tập trung xây dựng huyện phát triển nhanh theo hướng bền vững với cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, dịch vụ, và nông nghiệp. Thu hút các nhà đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, khuyến khích phát triển mạnh các thành phần kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Phát triển kinh tế nông thôn gắn liền với xây dựng các xã nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt trong cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch các vùng, bãi để trồng cỏ và chăn nuôi bò; đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

- Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội, khoa học công nghệ, nhất là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm đáp ứng tốt nhu cầu lao động của Tỉnh và của Vùng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế

- Tốc độ tăng giá trị gia tăng giai đoạn 2016-2020 bình quân 11,0%/năm (giá cố định năm 2010).

- Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 50,1 triệu đồng/người/năm

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung khai thác các lợi thế so sánh của huyện. Đến năm 2020: công nghiệp chiếm 40,4%; dịch vụ chiếm 39,9% và nông nghiệp chiếm 19,7%.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 13%/năm. Đến năm 2020 đạt 100 tỷ đồng.

b) Về văn hóa - xã hội

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giai đoạn 2016-2020 bình quân 1,0%/năm.

- Giảm t lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016-2020: 2-2,5%/năm.

- Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 67% năm 2020.

- Đến năm 202075% số trường mầm non, 100% số trường tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia.

- Phấn đấu đến năm 2020 có 100% số trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ và đạt chuẩn quốc gia (theo chuẩn mới).

- Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn dưới 5% vào năm 2020.

- Đến năm 2020, trên 90% số thôn, khu phố đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa; 100% số cơ quan văn hóa, trên 95% số hộ được công nhận gia đình văn hóa và 50% số xã đạt danh hiệu văn hóa, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

- Tỷ lệ xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới đến năm 2020 đạt 100% xã.

- Tỷ lệ dân cư đóng bảo hiểm y tế năm 2020: 80%. Tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020: 15-20%.

c) Chỉ tiêu môi trường

- Cơ bản giải quyết đủ nước sạch cho dân cư nông thôn và đô thị vào năm 2020.

- Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020: 60%.

- Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt thị trấn Phú Thứ năm 2020: 99%.

III. LỰA CHỌN CÁC KHÂU PHÁT TRIỂN ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

Một là: Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng, nhất là các tuyến đường giao thông kết nối, làm nền tảng phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư: Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 29; cầu vượt sông Đà Rằng nối 2 thị trấn Phú Thứ và Phú Hòa, tuyến đường và kè bờ Nam Sông Đà Rằng, các tuyến đường huyện, Trung tâm y tế huyện, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp;… Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Phú Thứ, đồng thời phát triển chuỗi các trung tâm xã. Xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp – TTCN, hạ tầng các làng nghề; cụm thương mại, bến xe... Tạo thuận lợi để Công ty mía đường II sớm xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy đường ăn kiêng, chế biến tinh bột sắn, nhà máy sản xuất cồn rượu…

Hai là: Đầu tư xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Cải thiện mạnh mẽ đời sống, thực hiện các chương trình an sinh xã hội cho các xã, nhất là các xã miền núi. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện gắn kết với toàn tỉnh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Ba là: Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và thuận lợi trong giải quyết việc làm.

Bốn là: Tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, nhằm khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1.   Công nghiệp – TTCN

Phát triển theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, có giá trị gia tăng cao, tạo tăng trưởng đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 17 -18%/năm.

a) Phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu

- Công nghiệp chế biến: Tạo thuận lợi để phát huy hết công suất nhà máy đường Tuy Hòa và Tổng công ty mía đường II xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy theo kế hoạch (nhà máy sản xuất đường ăn kiêng, sản xuất cồn, sản xuất bánh kẹo, các sản phẩm từ bã mía, sản phẩm có sử dụng cồn). Đầu tư chiều sâu nhà máy sản xuất phân vi sinh nhằm nâng cao chất lượng phân bón đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Gọi vốn đầu tư nhà máy sản xuất nước khoáng công suất 15 triệu lít/năm tại mỏ nước khoáng Lạc Sanh xã Sơn Thành Đông. Hỗ trợ các cơ sở chế biến mây – tre – lá và gỗ mỹ nghệ mở rộng quy mô sản xuất, tiếp tục đầu tư theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

- Công nghiệp dệt may: Sắp xếp và tạo điều kiện để các cơ sở may công nghiệp đầu tư hiện đại dây chuyền máy móc thiết bị, chuyển dần hình thức may gia công sang may hoàn chỉnh, nâng cao năng lực xuất khẩu.

- Khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng: Khai thác, chế biến, và sử dụng hiệu quả các tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; Khuyến khích và gọi vốn đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường: nhà máy sản xuất VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung, nhà máy sản xuất vật liệu lợp, vật liệu trang trí trong xây dựng, các khối bêtông đúc sẵn, các nhà máy tận dụng các chất thải công nghiệp, chất thải dân dụng để làm nhiên liệu, nguyên liệu sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường: nhà máy sử dụng bã mía, vỏ trấu để sản xuất ván khuôn, panel trần nhà,...

- Cơ khí sửa chữa và lắp ráp: Củng cố các cơ sở cơ khí hiện có, khuyến khích các cơ sở đẩy nhanh việc đổi mới thiết bị công nghệ, tăng cường khả năng sản xuất chế tạo, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại sản phẩm, nhằm đáp ứng tốt các nhu cầu gia công lắp ráp. Khuyến khích nhân dân đầu tư kinh doanh một số dịch vụ sửa chữa cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Tiểu thủ công nghiệp: Hỗ trợ làng nghề Vinh Ba đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại. Tạo điều kiện củng cố và phát triển làng nghề trồng dâu nuôi tằm Hòa Phong. Phát triển một số ngành nghề phù hợp với điều kiện của huyện và có triển vọng đầu ra như: mộc điêu khắc, kỹ thuật cắt tỉa cây cảnh,…

- Phát triển một số ngành công nghiệp khác: Xay xát lương thực, chế biến thủy sản, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước...

b) Tổ chức không gian sản xuất công nghiệp – TTCN

- Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư mới cụm công nghiệp Hòa Phú (xã Hòa Phú), cụm công nghiệp Nông Nghiệp (xã Hòa Bình 1), cụm công nghiệp Đá Mài (xã Sơn Thành Tây).

- Giai đoạn 2021-2030: Đầu tư giai đoạn 2 cụm công nghiệp Hòa Phú để lấp đầy toàn bộ 74 ha. Đầu tư giai đoạn 2 cụm công nghiệp Đá Mài (xã Sơn Thành Tây) để mở rộng quy mô tổng cộng 45 ha.

2. Nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn

Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành để nâng cao hiệu quả, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân giai đoạn giai đoạn 2016 – 2020: 5-5,5%/năm.

a) Nông nghiệp

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp: giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi. Đến năm 2020: trồng trọt chiếm: 60%, chăn nuôi 40%.

- Trồng trọt: Hướng phát triển chủ yếu tập trung vào các cây chủ lực: lúa, rau, mía, sắn, tiêu, bắp, trồng cỏ và hoa cây cảnh. Phấn đấu đến năm 2020 nâng giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác lên trên 100 triệu đồng. Xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm trồng trọt có ưu thế của huyện: “Tiêu Sơn Thành” và “lúa gạo chất lượng cao Tây Hòa”.

+ Cây lúa: Diện tích gieo trồng lúa 2 vụ năm 2020: 12.600 ha (lúa chất lượng cao chiếm 80%). Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, lúa chất lượng cao, tăng cường cơ giới vào sản xuất.

+ Cây rau đậu và các loại cây dược liệu: Diện tích gieo trồng (4 – 5 vụ rau/năm) đến năm 2020 từ 1.000-1.100 ha (diện tích gieo trồng vùng sản xuất rau an toàn tập trung đến năm 2020 là 323 ha).

+ Cây mía: Phát triển diện tích đến năm 2020 từ 1.900-2.000 ha. Đầu tư xây dựng hoàn thành hệ thống tưới cho vùng nguyên liệu mía tập trung phía Tây - Nam huyện, đến năm 2020 có trên 80% diện tích trồng mía chủ động được nước tưới.

+ Cây sắn: Diện tích đến năm 2020: 1.800-1.900 ha.

+ Cây tiêu: Phát triển thành cây trồng chủ lực của huyện, diện tích tăng lên khoảng 700 ha vào năm 2020. Xây dựng thương hiệu sản phẩm “Tiêu Sơn Thành”.

+ Cây bắp: Phát triển diện tích trồng bắp lên khoảng 600 ha vào năm 2015 và mở rộng lên 1.200 ha vào năm 2020. Bố trí đất phù hợp để sản xuất bắp cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến đường ăn kiêng, thức ăn gia súc gia cầm,…

+ Hoa và cây cảnh: Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hoa và cây cảnh tại thị trấn Phú Thứ với diện tích canh tác 20-30 ha vừa tạo một vành đai xanh vừa phục vụ phát triển du lịch.

- Chăn nuôi: Hình thành và phát triển các vùng chăn nuôi tập trung gắn với các cơ sở chế biến. Đến năm 2020 có ít nhất 9 vùng chăn nuôi tập trung với diện tích 320 ha tại các xã: Hòa Đồng, Hòa Tân Tây, Hòa Phong, Hòa Phú, Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây, Hòa Bình 1, Hòa Mỹ Đông và thị trấn Phú Thứ. Hình thành 4 khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Khu phố Mỹ Lệ Tây – thị trấn Phú Thứ; Thôn Phú Thuận - Hòa Mỹ Đông; thôn Lạc Điền - Sơn Thành Đông; chợ Mỹ Thạnh Đông - Hòa Phong.

Hướng phát triển tập trung vào một số con sau: Con bò: Năm 2020 quy mô 32 nghìn con (tỷ lệ bò lai Sind chiếm trên >78% tổng đàn). Con heo: Năm 2020 quy mô 30.000 con. Đàn gia cầm: Năm 2020 quy mô 800.000 con.

Nhân rộng các mô hình trồng cỏ, nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, heo công nghiệp; khuyến khích phát triển đa dạng các vật nuôi như: dê, nai, heo rừng, nhím, chồn, trùn quế…

b) Lâm nghiệp: Đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích rừng trồng hiện có, hàng năm phấn đấu trồng mới 250-270 ha rừng tập trung và 750-800 nghìn cây phân tán, đến năm 2020 là 60%. Xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép.

c) Thủy sản: Khuyến khích nhân dân tận dụng đất vườn nơi có điều kiện đào ao thả cá. Dự kiến diện tích thả nuôi đến năm 2015 khoảng 50 ha và đến năm 2020: 60-70 ha.

d) Phát triển nông thôn: Đến năm 2020 có 100% số xã đạt 19/19 tiêu chí.

e) Phát triển kinh tế hợp tác xã và kinh tế trang trại: Tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác xã. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, xem phát triển kinh tế trang trại là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có khoảng 30 - 40 trang trại, quy mô bình quân từ 2 - 5 ha/trang trại, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm.

3. Các ngành dịch vụ

Phát triển theo hướng phục vụ tốt thị trường trong huyện, cung ứng đầy đủ, kịp thời các sản phẩm, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân giai đoạn 2016-2020: 9,2%/năm.

a) Thương mại: Đa dạng hóa các hoạt động thương mại, phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng bình quân 32,5-33%/năm. Chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các hàng hóa sản xuất trên địa bàn như: lúa gạo, tiêu, mía, đường, các sản phẩm mây – tre – lá, thủ công mỹ nghệ,… Khuyến khích đầu tư xây dựng siêu thị tại khu vực trung tâm huyện, các điểm kinh doanh thương mại – dịch vụ ở khu vực các trung tâm xã.

b) Các ngành dịch vụ: Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu tại chỗ vừa đáp ứng nhu cầu cho các vùng lân cận, đặc biệt là thành phố Tuy Hòa. Trong đó, ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ mới có giá trị cao như: tài chính - ngân hàng, vận tải, bưu chính - viễn thông, bảo hiểm, tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ, các dịch vụ y dược, giáo dục…

c) Du lịch: Phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng gắn với tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, phát triển du lịch làng nghề. Gọi vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư các điểm du lịch: Danh thắng Núi Hương – Chùa Hương – Bàu Hương, Vực Phun, suối nước nóng Lạc Sanh, Suối Lạnh, suối Phướng, suối Mua… Phát triển loại hình du lịch làng nghề truyền thống tại Vinh Ba. Phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện.

Bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử: Đường số 5 lịch sử, Di tích lịch sử đồng khởi Hoà Thịnh, bia ghi chiến công lịch sử di tích trận đánh Át Lăng (Sơn Thành Tây)..

4. Các lĩnh vực xã hội

a) Dân số, nguồn nhân lực, việc làm: Thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, nhằm đạt đến mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số, góp phần làm giảm mất cân bằng về giới tính. Giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp xuống còn 29% năm 2020. Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị < 3,5% năm 2020. Tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên >90% vào năm 2020. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm 1.500-1.800 lao động.

b) Đời sống dân cư, xóa đói giảm nghèo: Cải thiện đời sống nhóm hộ nghèo, hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa hộ giàu và hộ nghèo. Từng bước nâng cao đời sống dân cư, ngăn chặn và hạn chế tái nghèo. Giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm hộ nghèo giảm 2 – 2,5%.

c) Giáo dục - đào tạo: Phát triển giáo dục phổ thông theo hướng nâng cao chất lượng ở các bậc học, giảm dần chênh lệch giữa các xã, thị trấn trong huyện, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển. Tăng cường năng lực cho đào tạo nghề để nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển các ngành kinh tế và thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.

d) Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Đẩy mạnh công tác Y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, Chương trình Quốc gia thanh toán một số bệnh xã hội, dịch bệnh nguy hiểm và hạ thấp tỷ lệ người mắc bệnh sốt rét, bướu cổ,... Ngăn chặn tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Đảm bảo 100% số trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin. Kết hợp có hiệu quả giữa y học cổ truyền và y học hiện đại; phát triển dịch vụ y tế tư nhân có kiểm soát bên cạnh hệ thống y tế nhà nước. Nghiên cứu bảo tồn phát triển các loài cây thuốc, bài thuốc dân gian tại địa phương.

Khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lí các cơ sở y tế hiện có, từng bước đầu tư nâng cấp, xây dựng bổ sung các cơ sở mới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh bệnh viện đa khoa huyện quy mô 150 giường bệnh năm 2020. Đầu tư mới Trung tâm y tế huyện và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị Trung tâm dân số - KHHGĐ lên hạng 2 vào năm 2020.

e) Văn hóa, thông tin, thể dục thể thao

- Đầu tư cơ sở vật chất và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa – thể thao trên địa bàn huyện. Xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm văn hóa - thể dục thể thao huyện, xây dựng mỗi xã một trung tâm văn hóa - thể thao, 100% số thôn có điểm sinh hoạt văn hóa gắn với trụ sở thôn đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí nông thôn mới. Phát triển hệ thống truyền hình cáp và các dịch vụ truyền hình khác phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Đầu tư cơ sở vật chất cho đài truyền thanh huyện Tây Hòa đảm bảo 100% hộ gia đình có thể thu được sóng đài truyền hình Việt Nam tại Phú Yên.

- Bảo tồn và phát triển các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh: Di tích lịch sử Đồng Khởi Hoà Thịnh, Tỉnh lộ 5 (QL29), trận đánh Giò Gà Trường Lạc – Sông Ba, danh lam thắng cảnh Núi Hương – Chùa Hương – Bàu Hương, di tích tiền sử ở Eo Bồng, Núi Một, tháp Chăm ở Núi Bà, Gò Thành, trống đồng Heger được phát hiện ở Gò Dưa, di tích cấp quốc gia - đường số 5, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống: Đan đát Vinh Ba, chằm nón Phú Diễn.

- Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể dục thể thao trường học. Phấn đấu đến năm 2020, có trên 35% dân số tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên.

5. Phát triển khoa học và công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới để phục vụ sản xuất và đời sống. ng dụng rộng rãi công nghệ sinh học và ứng dụng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao từ dự án Khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao Phú Yên.

6. Phát triển kết cấu hạ tầng

a) Giao thông – vận tải

- Đường bộ: Kiến nghị Trương ương đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 29. Kiến nghị tỉnh đầu tư mới tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố: Tây Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa và Tuy An; Đường và kè bờ Nam Sông Ba đoạn từ cầu Đà Rằng cũ đến Gành Bà xã Hòa Phong; Đường ĐT.645B (Tuyến đường cơ động quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn Đông Hòa – Tây Hòa)... Chủ động huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyện, xã, đường đô thị, bê tông giao thông nông thôn.

- Bến xe: Giai đoạn 2016-2020 đầu tư mới bến xe huyện, vị trí theo quy hoạch xây dựng thị trấn Phú Thứ. Quy mô đạt chuẩn loại 3.

- Đường sắt: Tạo điều kiện để ngành đường sắt đầu tư xây dựng tuyến đường sắt lên Tây Nguyên từ Phú Yên.

b) Hệ thống thủy lợi

Kiến nghị trung ương đầu tư Hồ chứa nước Mỹ Lâm và đầu tư Kè sông Ba chống sạt lở và đảm bảo an toàn những đoạn xung yếu bờ sông; Đầu tư mới Trạm bơm Đá Mài (Sơn Thành Tây), Trạm bơm chống hạn Bầu Quay (Hòa Mỹ Tây), Trạm bơm chống hạn thôn Mỹ Thuận Trong (Hòa Đồng), cải tạo Trạm bơm Vực Lộn (Hòa Mỹ Đông)... Chỉnh trị sông Trong và mở rộng khẩu độ cầu Nhỏ (Hòa Thịnh) để thoát nước nhanh trong mùa mưa lũ, tránh ngập úng dài ngày trong khu vực thượng lưu.

Kiến nghị tỉnh đầu tư hoàn thành Kênh mương sau thủy điện Đá đen, Kênh chính Đông của đập dâng nước sau thủy điện Sông Hinh. Tiếp tục đầu tư kiên cố hệ thống kênh mương, đến năm 2020 có 100% kênh mương từ kênh chính đến cấp 2 và trên 70% kênh mương nội đồng được đầu tư kiên cố.

c) Hệ thống thông tin và truyền thông

- Bưu chính: Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bưu điện hiện tại. Mở rộng mạng lưới điểm cung cấp dịch vụ bưu chính đến tất cả các thôn, khu phố, cụm công nghip, điểm du lịch, điểm dân cư,... giảm bán kính phục vụ bình quân của 01 điểm cung cấp.

- Viễn thông: Tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới viễn thông theo hướng hiện đại. Đến năm 2020, 100% số xã có cáp quang đến trung tâm xã; 100% số xã có điểm truy cập Internet công cộng cung cấp dịch vụ Internet băng rộng, đáp ứng 100% nhu cầu dịch vụ viễn thông. Triển khai lộ trình số hóa mạng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình.

d) Cấp điện: Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành điện tiếp tục đầu tư nâng cấp và mở rộng mạng lưới điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục với chất lượng cao.

e) Cấp nước: Kiến nghị Tỉnh đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt để đảm bảo cung cấp nước cho đô thị thị trấn Phú Thứ và các xã lân cận.

7. Đảm bảo quốc phòng an ninh

- Quốc phòng: Tập trung xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Giữ vững số xã, thị trấn vững mạnh về quốc phòng an ninh.

- An ninh trật tự: Thực hiện tốt chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, chương trình hành động phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm buôn bán người… Không để xảy ra “điểm nóng” phức tạp về an ninh trật tự. Đến năm 2020 phấn đấu có 100% số xã, thị trấn và cơ quan, đơn vị, trường học an toàn.

V. ĐỊNH HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN

1. Định hướng sử dụng đất

Sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật. Dành quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; cụm công nghiệp, điểm du lịch, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư. Bố trí đủ đất cho xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, giáo dục, y tế, thể thao văn hóa... Khai thác quỹ đất chưa sử dụng đi đôi với bảo vệ môi trường đất. Duy trì ổn định quỹ đất sản xuất lúa nước, hạn chế tối đa việc chuyển đất lúa nước chất lượng tốt sang mục đích phi nông nghiệp.

2. Phát triển hệ thống đô thị và các trung tâm cụm xã

- Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng thị trấn Phú Thứ: Hệ thống giao thông đô thị, mạng lưới cấp điện, cấp nước sinh hoạt, xây dựng các công trình công cộng, các khu vui chơi, thương mại,… Đến năm 2020 phát triển hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V.

- Phát triển trung tâm xã Thân Bình thuộc xã Sơn Thành Đông, từng bước nâng cấp xã Sơn Thành Đông thành thị trấn, đô thị loại V trên cơ sở trung tâm xã Thân Bình và các thôn còn lại của xã.

3. Định hướng điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn

Tách xã Hòa Thịnh và xã Hòa Đồng thành 2 xã mới trong giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020 toàn huyện có 2 thị trấn và 11 xã.

VI. TẦM NHÌN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN TÂY HÒA ĐẾN NĂM 2030

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,5%/năm. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng vào năm 2030: 46,7% - 43,0% - 10,3%.

- Đầu tư hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn, đảm bảo đến năm 2025 thị trấn Phú Thứ đạt các tiêu chí của đô thị loại V ở mức cao (Thị trấn – Trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện) và thị trấn Sơn Thành Đông được hình thành và phát triển theo các tiêu chí của đô thị loại V (Thị trấn thuộc huyện). Đến năm 2030 thị trấn Phú Thứ đạt các tiêu chí của đô thị loại IV.

VII. CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN, CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

1. Các chương trình ưu tiên phát triển

Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình: Đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng; Đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát triển nguồn nhân lực; Giải quyết việc làm, giảm nghèo; Phát triển thị trấn và các trung tâm xã vệ tinh; Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ - du lịch; Đầu tư phát triển công nghiệp –TTCN; Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

2. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư vào huyện: (có phụ lục kèm theo).

VIII. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về vốn đầu tư

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội Tây Hòa giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng 11.650 tỷ đồng, bình quân mỗi năm đầu tư 2.330 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách nhà nước: 17 - 20% và vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, vốn trong dân: 80 - 83% tổng vốn đầu tư.

Các giải pháp huy động vốn như sau: Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo nghề. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các đầu mối xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư, khuyến khích các dự án đang hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất. Thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động từ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội.

Triển khai nhanh các chính sách phát triển của Nhà nước một cách cụ thể và phù hợp với đặc điểm của huyện. Tạo thuận lợi để có thể huy động tối đa các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển, nhất là vốn ODA và FDI.

Khai thác tốt nguồn vốn ngân sách đầu tư tập trung, tranh thủ các nguồn đầu tư của tỉnh, các Bộ, ngành, Trung ương; vốn tín dụng Nhà nước và vốn Chương trình mục tiêu.

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư và thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút vốn từ các thành phần kinh tế, giúp nhà đầu tư sớm triển khai dự án.

Hỗ trợ các nhà đầu tư hiện có triển khai tốt các dự án đã đăng ký đầu tư, giải quyết kịp thời những khó khăn để các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, hiệu quả; biểu dương, khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp có thành tích trong kinh doanh, đóng góp thiết thực vào xây dựng huyện.

2. Giải pháp đối với phát triển sản xuất

Đối với sản xuất nông lâm nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ về giống có năng suất chất lượng phù hợp với từng mô hình sản xuất và điều kiện cụ thể của từng tiểu vùng. Đối với công nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ về giống có năng suất chất lượng cao. Ưu tiên các nguồn vốn dành cho đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp. Giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào của sản phẩm..., nhằm thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện đầu tư vào các cụm công nghiệp.

3. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

Tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề để nâng cao trình độ chuyên môn tạo điều kiện để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài. Xây dựng đội ngũ cán bộ xã, thị trấn, cán bộ huyện bảo đảm về số lượng và chất lượng, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ khoa học kỹ thuật đối với những ngành nghề địa phương có nhu cầu.

4. Giải pháp về khoa học công nghệ

Đầu tư cho khoa học và công nghệ, nhất là khâu giống trong nông, ngư nghiệp. Đào tạo đội ngũ lao động làm công tác ứng dụng khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất, quản lý, kinh doanh, bảo vệ môi trường… Đầu tư thích đáng vào việc khai thác có hiệu quả mạng lưới thông tin khoa học công nghệ trên cơ sở nắm vững ngoại ngữ và khai thác việc áp dụng tin học. Phát triển mạnh khoa học, công nghệ và nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, dịch vụ, tin học hóa trong nông nghiệp; tập trung đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, đổi mới công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến nông lâm sản.

5. Phát triển các loại thị trường kết hợp với chính sách quản lý Nhà nước để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực

- Phát triển thị trường: Quan tâm đến việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, vấn đề lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Phát triển lành mạnh các loại thị trường bao gồm thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường lao động, thị trường công nghệ, thị trường bất động sản và thị trường tài chính. Tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh để thúc đẩy kinh doanh, phát triển sản xuất và mở rộng các ngành nghề mới, khai thác tối đa tiềm năng, nguồn lực phát triển trong xã hội.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước: Bằng các biện pháp cụ thể, trong đó có công tác quản lý quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và chế biến các nhà máy.

6. Giải pháp về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại và kinh tế tư nhân để tạo nhiều việc làm, cải thiện đời sống và thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. Đồng thời chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào địa phương.

7. Giải pháp hợp tác liên huyện, liên tỉnh, liên vùng và hội nhập quốc tế

Mở rộng hợp tác toàn diện giữa Tây Hòa với thành phố Tuy Hòa và các huyện lân cận, tạo nên mối liên kết vùng. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ngoài tỉnh hợp tác các hoạt động thương mại và đầu tư đạt hiệu quả tốt. Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác, hoạt động hợp tác đầu tư, hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực,... nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, phát huy tối đa các lợi thế của huyện.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. UBND huyện Tây Hòa: Chịu trách nhiệm tổ chức công bố Quy hoạch sau khi phê duyệt và vận động nhân dân tham gia thực hiện Quy hoạch; Chủ trì phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu UBND Tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể để tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch; cụ thể hóa quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, thường xuyên cập nhật, hiệu chỉnh bổ sung quy hoạch phù hợp với thực tế của địa phương.

2. Các Sở, Ban, ngành liên quan: Theo từng chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với UBND huyện Tây Hòa triển thực hiện hiệu quả Quy hoạch này.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Thủ trưởng các cơ quan liên quan và UBND huyện Tây Hòa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Lưu
: VT, TH (Thg.01)

TM. UBND TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Đình Cự

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 1924/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Tây Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu: 1924/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
Người ký: Phạm Đình Cự
Ngày ban hành: 07/10/2015
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 1924/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Tây Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Phú Yên ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…