THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1797/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2019 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài;
Căn cứ Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 5 tháng 4 năm 2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Thông báo số 264-TB/TW ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Ban Chấp hành Trung ương về Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài” với những nội dung chính sau:
1. Quan điểm:
a) Bảo đảm phù hợp với các quan điểm, định hướng, mục tiêu và giải pháp liên quan đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), đặc biệt là các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ liên quan đến công tác về NVNONN và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
b) Bảo đảm phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, phối hợp hài hòa với các giải pháp liên quan đến việc phát triển hàng Việt Nam trong hệ thống phân phối ở nước ngoài tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”.
c) Làm cho người tiêu dùng Việt Nam ở nước ngoài và người tiêu dùng nước ngoài hiểu hơn về thương hiệu và chất lượng của hàng hóa của Việt Nam, từ đó tăng cường sử dụng hàng Việt Nam.
d) Góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại của đất nước, thông qua việc tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và hỗ trợ đưa doanh nghiệp trong nước tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu.
2. Mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát:
Thông tin, tuyên truyền sâu rộng về sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam trong cộng đồng NVNONN, huy động ngày càng đông bà con người Việt tiêu thụ các sản phẩm thương hiệu Việt, tích cực tham gia giới thiệu hàng Việt Nam và trực tiếp hoặc gián tiếp phát triển các kênh phân phối hàng hóa Việt Nam ở nước sở tại, góp phần tăng quy mô kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các hệ thống phân phối hàng hóa ở nước ngoài, góp phần kết nối các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước tham gia hiệu quả hơn vào các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong cộng đồng NVNONN thông qua các hình thức đa dạng; phấn đấu trong vòng 2 - 3 năm tới, 80 - 90% cộng đồng NVNONN biết, hiểu ý nghĩa và hưởng ứng Cuộc vận động ở nước sở tại.
- Đẩy mạnh công tác thông tin về hàng hóa sản phẩm của Việt Nam nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của kiều bào và tỷ lệ sử dụng hàng Việt trong tiêu dùng của cộng đồng kiều bào.
- Vận động các doanh nghiệp, hội đoàn, cá nhân, trong đó ít nhất 80% các hiệp hội doanh nghiệp NVNONN tham gia việc giới thiệu và thiết lập các kênh phân phối hàng hóa Việt ở nước sở tại; lập các liên hiệp hội doanh nghiệp NVNONN, phấn đấu tăng số doanh nghiệp tham gia phân phối hàng Việt Nam ở nước sở tại.
- Vận động tăng hơn 2 lần lượt kiều bào về nước tham gia chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa trong nước (hiện hàng năm có khoảng 300 lượt kiều bào về nước tham gia các hoạt động khoa học công nghệ dài hạn tại Việt Nam và hàng nghìn lượt chuyên gia về nước dự hoạt động hội thảo, hội nghị, chương trình ngắn hạn).
- Đến năm 2021, hoàn tất việc lập cơ sở dữ liệu về cộng đồng NVNONN và các hội đoàn doanh nghiệp kiều bào ở các nước và cơ sở dữ liệu, thông tin cơ bản về doanh nghiệp, hàng hóa, sản phẩm trong nước theo ngành hàng hoặc địa phương, kêu gọi sự hưởng ứng, tham gia của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Các cơ sở dữ liệu này được cập nhật hàng năm.
- Củng cố và phát huy hơn nữa vai trò của các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, siêu thị của người Việt, nhất là ở các thị trường có đông người Việt Nam sinh sống nhằm tăng cường hơn nữa việc đưa hàng hóa Việt Nam vào các cơ sở này; tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt trong và ngoài nước.
- Vận động Doanh nghiệp NVNONN hỗ trợ nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, mẫu mã, quy cách hàng hóa; quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng; cơ chế và thủ tục giải quyết khi xảy ra tranh chấp và hỗ trợ kịp thời thông tin về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của nước sở tại.
1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và xây dựng cơ sở dữ liệu:
a) Tích cực phổ biến, tuyên truyền ý nghĩa, mục đích và các hoạt động của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tới đông đảo bà con kiều bào ta ở nước ngoài, nhất là trên các kênh thông tin cho kiều bào và trong dịp Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đi thăm, làm việc ở nước ngoài, trong tiếp xúc của Cơ quan đại diện, Thương vụ với cộng đồng người Việt hoặc tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa đối ngoại, hội chợ, triển lãm...
b) Thông tin, tuyên truyền để cộng đồng NVNONN biết và hiểu về chất lượng, tính ưu việt của sản phẩm, hàng hóa Việt, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, phù hợp với từng địa bàn và ưu tiên những sản phẩm, thương hiệu quốc gia được đảm bảo chất lượng.
c) Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về cộng đồng NVNONN, nhất là tại các nước có đông người Việt, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam nắm vững, khai thác xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường trên, đồng thời chú trọng các thị trường là các nước, khu vực có quan hệ đối tác quan trọng, chiến lược của Việt Nam.
2. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp Việt trong và ngoài nước:
a) Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, trước mắt có thể tập trung vào các địa bàn trọng điểm bao gồm: Mỹ, Úc, Nga và các nước Đông Âu.
b) Phối hợp với cộng đồng NVNONN, chính quyền sở tại tổ chức các chương trình Ngày/Tuần hàng Việt Nam, Hội chợ, Triển lãm hàng hóa, diễn đàn - hội thảo hoặc các hoạt động xúc tiến thương mại khác, các sự kiện lớn như Tết cộng đồng, Quốc khánh, các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao, các buổi gặp gỡ doanh nghiệp với cộng đồng để giới thiệu, quảng bá hàng hóa Việt Nam ở nước sở tại cũng như kết nối các doanh nghiệp người Việt và nước ngoài.
c) Nghiên cứu, đề xuất, đàm phán với các hệ thống phân phối nước sở tại các thỏa thuận, cam kết về số lượng, chủng loại sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam được phân phối trong các mạng lưới của hệ thống phân phối nước sở tại.
a) Vận động các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp, cá nhân NVNONN trở thành đầu mối nhập khẩu trực tiếp hàng hóa Việt Nam hoặc trung gian đưa hàng hóa Việt Nam vào các hệ thống phân phối hàng hóa ở nước sở tại; chú ý các thị trường truyền thống có đông người Việt sinh sống.
b) Vận động Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), các hiệp hội doanh nhân người Việt Nam tại các nước tổ chức các hội nghị, hội thảo, kết hợp trưng bày giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam ở nước sở tại.
c) Hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường sở tại tới các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam;
d) Hỗ trợ tư vấn hoặc tham gia vận động hành lang, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước nhằm giảm bớt các rào cản thương mại, giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường sở tại.
e) Vận động các chuyên gia, trí thức, doanh nhân NVNONN tích cực chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến về nước để áp dụng vào sản xuất, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng hàng hóa Việt.
a) Nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi riêng đối với các doanh nghiệp kiều bào có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Các ưu đãi này có thể được thể hiện qua các cam kết cụ thể tại các Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Cơ quan quản lý của Việt Nam và hệ thống phân phối của kiều bào ở nước ngoài.
b) Huy động từ các nguồn tài trợ, nguồn của các tổ chức, doanh nghiệp để xem xét, tài trợ một số hội đoàn người VNONN khi cần thiết trong quá trình giới thiệu và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.
c) Có hình thức khen thưởng, khuyến khích kịp thời NVNONN có thành tích trong việc giới thiệu, hỗ trợ thiết lập các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước sở tại; phát hiện, thông báo cho các Cơ quan đại diện Việt Nam về những mặt hàng giả, nhái hàng Việt Nam tại nước sở tại để có biện pháp bảo vệ thương hiệu và hàng xuất xứ Việt Nam.
1. Phân công thực hiện:
a) Bộ Ngoại giao:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ về:
+ Công tác thông tin, tuyên truyền trong cộng đồng NVNONN và xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về NVNONN;
+ Vận động các hiệp hội, hội đoàn, tổ chức, cá nhân, nhất là Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) tham gia giới thiệu, tiêu thụ và phát triển các kênh phân phối hàng hóa với các nội dung nêu trong Đề án;
+ Vận động chính quyền sở tại, doanh nhân, doanh nghiệp NVNONN, tổ chức trong và ngoài nước khác hỗ trợ củng cố các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị đã có của người Việt ở sở tại và/hoặc thành lập mới các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị của người Việt, đặc biệt là tại những nước có đông người Việt sinh sống;
+ Nghiên cứu các hình thức hỗ trợ và khen thưởng cho các hội đoàn NVNONN.
- Đôn đốc, giám sát và xây dựng kế hoạch sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án.
b) Bộ Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:
- Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại theo Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ; thúc đẩy đưa hàng Việt Nam vào các hệ thống phân phối ở nước ngoài, tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp NVNONN; tranh thủ cộng đồng NVNONN để mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt Nam sang thị trường nước ngoài, tập trung vào những nơi có đông người Việt sinh sống;
- Tranh thủ vai trò của các hội đoàn, hiệp hội doanh nhân NVNONN trong việc giới thiệu, tiêu thụ và phát triển các kênh phân phối hàng hóa ở nước ngoài với các nội dung nêu trong Đề án;
- Cập nhật và cung cấp thường xuyên thông tin về doanh nghiệp xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam cho các Hiệp hội doanh nhân NVNONN;
- Nghiên cứu việc xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu đãi riêng đối với doanh nghiệp kiều bào có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và doanh nghiệp kiều bào tiêu thụ, phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại các thị trường có đông người Việt sinh sống như Hoa Kỳ, Úc, Nga, Đông Âu.
c) Bộ Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại và tuyên truyền nhằm quảng bá về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và về các sản phẩm, hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam trên các phương tiện truyền thông, các kênh thông tin hướng vào NVNONN; các chương trình tuyên truyền gắn với nội dung của Đề án trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các kênh thông tin cho kiều bào.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan định hướng các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch tuyên truyền về quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia của Việt Nam thông qua các thương hiệu hàng hóa, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại.
d) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tập hợp thông tin, dữ liệu về các doanh nghiệp và sản phẩm trong nước có thể đẩy mạnh xuất khẩu và các thông tin về nhu cầu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, nhu cầu tiếp nhận đầu tư nước ngoài...
- Phối hợp với các hội, hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) tổ chức các hoạt động quảng bá về doanh nghiệp, doanh nhân, hàng hóa Việt Nam; đồng thời thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
2. Kế hoạch triển khai:
- Các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được phân công trong Đề án; hàng năm tổng kết kết quả thực hiện, gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp.
- Cuối năm 2024, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết việc triển khai Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Kinh phí thực hiện Đề án:
Các Bộ, cơ quan có liên quan chủ động lồng ghép với các hoạt động thường xuyên, các chương trình, đề án đang thực hiện hoặc sử dụng trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước hàng năm được giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động trong Đề án.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT.
THỦ TƯỚNG |
Quyết định 1797/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 1797/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Phạm Bình Minh |
Ngày ban hành: | 12/12/2019 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1797/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video