BỘ
CÔNG THƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1133/QĐ-BCT |
Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2009 |
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số
189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7869/VPCP-QHQT
ngày 17 tháng 11 năm 2008 về việc thực hiện Chương trình hành động Quốc gia
thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Châu Phi của Chính phủ giai đoạn 2008 – 2010;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chương trình hành động Quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Châu Phi của Chính phủ giai đoạn 2008 – 2010.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
QUỐC GIA THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT NAM – CHÂU PHI CỦA CHÍNH PHỦ GIAI ĐOẠN 2008 –
2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1133/QĐ-BCT ngày 05 tháng 03 năm 2009 của Bộ
trưởng Bộ Công Thương)
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ THỰC TRẠNG QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – CHÂU PHI
1. Sự cần thiết
Châu Phi nằm về phía tây nam đại lục Á – Âu, trên tuyến đường giao thông quốc tế từ đông sang tây, nối Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương, nối châu Á với châu Âu và Châu Mỹ, có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Châu Phi gồm 53 quốc gia với diện tích 30 triệu km2, dân số trên 967 triệu người (2008), là châu lục lớn thứ ba thế giới.
Châu Phi có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với trữ lượng lớn nhưng vẫn được coi là lục địa nghèo nhất thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt 1.318 USD, tuy nhiên, mức chênh lệch khá lớn giữa các nước, chỉ có 20 trong tổng số 53 quốc gia châu Phi có thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD/năm. Bốn nền kinh tế: Nam Phi, Angeria, Ni-giê-ri-a và Ai Cập chiếm tới 50% tổng GDP của châu Phi và đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả châu lục.
Theo nhận định của IMF gần đây, châu Phi đang ở giai đoạn tốt nhất của phát triển kinh tế. Trong khi các nước công nghiệp phát triển đang phải đối mặt với cơn bão suy thoái kinh tế trầm trọng nhất trong 30 năm qua, châu Phi vẫn có thể hy vọng đạt mức tăng trưởng GDP 4,9% trong năm 2009, so với mức tăng bình quân 6% trong những năm vừa qua, đang trở thành một thị trường đầy triển vọng đối với các nhà đầu tư.
Một trong những yếu tố quan trọng khiến kinh tế châu Phi tăng trưởng mạnh trong những năm qua là giá dầu và các tài nguyên khác như vàng, bạch kim, quặng sắt … tăng vọt. Trong khi kinh tế châu Á, châu Âu luôn gặp khó khăn vì khan hiếm và giá nguyên, nhiên liệu tăng cao thì châu Phi thu được nhiều lợi nhuận nhờ xuất khẩu nguyên liệu thô. Do có thu nhập lớn từ xuất khẩu nguyên liệu, các nước châu Phi đã có thêm vốn đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Châu lục này đã ổn định chính trị hơn trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều nước châu Phi theo đuổi chủ thuyết chấm dứt xung đột để đẩy mạnh phát triển kinh tế trong hòa bình. Trừ một vài điểm nóng ở Sô-ma-li, Su-đăng, xu hướng chủ đạo ở các nước châu Phi hiện nay là tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội. Đánh giá về triển vọng kinh tế châu Phi trong thời gian tới, nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế châu lục này vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh, do nhu cầu của thế giới đối với các mặt hàng nguyên liệu của châu lục này vẫn cao. Các dự án viện trợ, các chương trình cắt giảm nợ cho châu Phi tiếp tục được duy trì và góp phần tạo điều kiện để kinh tế châu Phi phát triển.
2. Thực trạng quan hệ thương mại Việt Nam – châu Phi thời gian gần đây
Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 48/53 nước Châu Phi, mở 07 cơ quan đại diện ngoại giao tại Ai Cập, An-giê-ri, Li-bi, Ăng-gô-la, Nam Phi, Tan-da-ni-a, Ma-rốc và Ni-giê-ri-a, và 05 thương vụ tại Ai Cập, An-giê-ri, Nam Phi, Ma-rốc và Ni-giê-ri-a. Việt Nam và Châu phi có nhiều điểm tương đồng, nhất là trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc. Công cuộc đổi mới và những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam được nhiều nước Châu Phi đánh giá cao và mong muốn học tập kinh nghiệm.
Những năm gần đây, Việt Nam và các nước Châu Phi đã trao đổi nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao. Các hoạt động xúc tiến hợp tác kinh tế, thương mại với các nước châu Phi diễn ra liên tục. Nhằm thúc đẩy quan hệ với Châu Phi, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Châu Phi (10/2004), Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Châu Phi và Viện Nghiên cứu Châu Phi - Trung Đông (11/2004) đã được thành lập.
Thị trường Châu Phi với dân số lớn, các quốc gia châu Phi đều là những nước đang hoặc chậm phát triển nên nhu cầu nhập khẩu của Châu Phi rất lớn, gần 200 tỷ USD/năm. Cơ cấu nhập khẩu đa dạng, nhìn chung phù hợp với cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam như máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, các sản phẩm điện, điện tử, cơ khí, các sản phẩm công nghệ cao đến các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân như hàng dệt may, thực phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng.
Kim ngạch buôn bán Việt Nam – Châu Phi tăng trưởng nhanh, năm 2007 đạt 684 triệu USD, tăng 12% so với năm 2006. Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu sang Châu Phi trị giá hơn 1,33 tỷ USD và nhập khẩu 756 triệu USD, tăng 95% so với năm 2007.
Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu sang châu Phi cũng được đa dạng hóa hơn: nếu như trong thập kỷ 90, mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của nước ta sang Châu Phi là gạo thì những năm gần đây, ta đã xuất khẩu thêm các sản phẩm điện – điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và linh kiện, phụ tùng xe máy, thuốc lá điếu, hàng rau quả, bột gia vị, bột ngọt, đồ chơi trẻ em, mỳ ăn liền, sữa và sản phẩm sữa, xe đạp … mặc dù giá trị xuất khẩu chưa cao. Nếu năm 1991, hàng Việt Nam mới chỉ được xuất sang 3 nước Châu Phi thì đến nay là 53 nước. Thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu gồm Nam Phi, Ai Cập, An-giê-ri, Ăng-gô-la, Bờ Biển Ngà, Ghana …
Về nhập khẩu, các mặt hàng nước ta nhập khẩu ổn định từ Châu Phi trong những năm qua với khối lượng đáng kể là sắt thép (chủ yếu là từ Nam Phi), hạt điều thô (từ Ni-giê-ri-a, Bờ Biển Ngà), bông (Ma-li, Tan-da-ni-a), gỗ nguyên liệu (Nam Phi, To-go), phân bón (Tuy-ni-di, Swaziland, Nam Phi), nguyên phụ liệu thuốc lá (từ Mô-dăm-bích, Dim-ba-bu-ê), và một số mặt hàng khác thay đổi từng năm như xăng dầu, hóa chất, nguyên phụ liệu thuốc lá, thức ăn gia súc và nguyên liệu, thuốc trừ sâu và nguyên liệu, thủy tinh thể nhân tạo …. Nhìn chung các mặt hàng nhập khẩu còn hạn chế cả về số lượng lẫn kim ngạch.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa Việt Nam và các nước Châu Phi cũng được mở rộng trên cả lĩnh vực hợp tác đầu tư, sản xuất công nghiệp. Việt Nam đang triển khai hợp tác đầu tư khai thác dầu khí ở An-giê-ri, đang xúc tiến các dự án hợp tác thăm dò dầu khí tại Tuy-ni-di, Madagasca, Ai Cập … Một số nước Châu Phi đang mở rộng hợp tác với EU, Trung Đông và Mỹ, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và tranh thủ ưu đãi về thuế của Mỹ và EU. Do vậy, đối với một số mặt hàng như dệt may, ta có thể xúc tiến hợp tác đầu tư với các nước Châu Phi để một mặt tận dụng nguồn nguyên liệu bông tại chỗ cũng như lao động chi phí thấp, mặt khác thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ và EU để được hưởng miễn hạn ngạch và miễn thuế nhập khẩu.
Mặc dầu vậy, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với châu Phi hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của hai bên do còn tồn tại những khó khăn và thách thức cần phải vượt qua, đó là các cơ chế, chính sách thương mại giữa Việt Nam với châu Phi chưa đầy đủ, đồng bộ, các hoạt động xúc tiến thương mại tại châu Phi còn yếu, thông tin về thị trường thiếu và không được cập nhật, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế v.v. Về mặt khách quan, tình hình chính trị, an ninh tại một số nước tại châu Phi chưa thực sự ổn định, khả năng thanh toán của các nước châu Phi vẫn còn hạn chế, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh thương mại như hệ thống ngân hàng, tài chính, bảo hiểm chưa phát triển, tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp cao tại nhiều nước châu Phi…
Ngày 17 tháng 11 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 7869/VPCP-QHQT phê duyệt Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Châu Phi giai đoạn 2008 – 2010. Năm 2009 đã được Chính phủ xác định là năm trọng điểm trong quan hệ kinh tế với Châu Phi, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Chương trình hành động Quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Châu Phi giai đoạn 2006 – 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương xây dựng Chương trình hành động nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại với các nước châu Phi giai đoạn 2008 – 2010.
1. Mục tiêu tổng quát
a) Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với thị trường Châu Phi, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh vào các nước trong khu vực có nhu cầu cao như hàng nông sản, gạo, thực phẩm, hàng dân dụng …. Tăng cường các biện pháp trao đổi thương mại hai chiều để giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đa dạng hóa ngành hàng xuất khẩu và nhập khẩu, chú trọng việc nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi nhất là dầu khí và gỗ.
b) Tận dụng những ưu đãi mà nhiều quốc gia ở Châu Phi được hưởng từ Mỹ, EU … hoặc các nước trong khu vực dành cho nhau để tạo cầu nối mở rộng trao đổi thương mại với các quốc gia khác. Phấn đấu nâng tổng giá trị trao đổi thương mại với Châu Phi đạt 2,5 tỷ đô la Mỹ (USD) vào năm 2009, trong đó xuất khẩu đạt 1,6 tỷ đô la Mỹ (USD), và đạt 3 tỷ đô la Mỹ vào năm 2010, trong đó xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, mức tăng trưởng xuất khẩu đạt 20% mỗi năm.
c) Thúc đẩy việc triển khai các dự án dầu khí đã ký ở An-giê-ri, Ai Cập, Tuy-ni-di, Ca-mơ-run, CH Công gô, Ma-da-gas-ca, Ni-giê-ri-a và mở rộng các hoạt động dầu khí tại một số nước châu Phi khác có tiềm năng về dầu khí như Ăng-gô-la, Li-bi … bằng cách tận dụng các cơ hội thuận lợi để ký kết các hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu thô, khí LNG nhằm phục vụ chiến lược an ninh năng lượng của Việt Nam.
d) Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ, triển lãm, nghiên cứu và khảo sát thị trường; tăng cường phổ biến thông tin chính sách thị trường và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
đ) Nghiên cứu lập các trung tâm thương mại tại một số nước, lập kho ngoại quan tại các khu vực Bắc Phi, Tây Phi, Đông Nam Phi để tạo thuận lợi cho việc quảng bá thương hiệu và trao đổi thương mại.
e) Đa dạng hóa và mở rộng hợp tác với châu Phi trên các lĩnh vực như đầu tư, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp tại thị trường châu Phi.
2. Mục tiêu với các đối tác chính
a) Ai Cập
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập năm 2009 đạt 200 triệu đô la Mỹ và đến năm 2010 đạt 250 triệu đô la Mỹ, với mức tăng trưởng bình quân 25%/năm. Các mặt hàng chủ yếu là thủy hải sản, rau quả, cà phê, chè, than đá, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử, hàng dệt may, giày dép v.v….
Rà soát và tích cực triển khai các thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên tại Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp trong các lĩnh vực mà Bộ phụ trách. Tăng cường thúc đẩy hợp tác trong hoạt động dầu khí và dịch vụ dầu khí, đẩy mạnh triển khai các nội dung trong Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí giữa hai bên ngày 9 tháng 10 năm 2008. Đẩy mạnh hợp tác đầu tư với các đối tác Ai Cập trong các lĩnh vực như khai khoáng, năng lượng … tại Việt Nam.
b) Ăng-gô-la
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ăng-gô-la năm 2009 đạt 210 triệu USD và đạt 265 triệu USD vào năm 2010, với mức tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: gạo, sản phẩm dệt may, máy móc thiết bị và phụ tùng, săm lốp cao su, sản phẩm sắt thép, vật liệu xây dựng v.v…
Tăng cường thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm.
c) Nam Phi
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi đạt 174 triệu USD vào năm 2009 và đạt 200 triệu USD vào năm 2010, với mức tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: sản phẩm dệt may, giày dép, gạo, cà phê, cao su, nguyên phụ liệu thuốc lá, gỗ và các sản phẩm gỗ, hàng thủy hải sản v.v…
Tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ, năng lượng, khai khoáng, xúc tiến hợp tác đầu tư trong lĩnh vực sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu tại Việt Nam.
d) An-giê-ri
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang An-giê-ri năm 2009 đạt 110 triệu đô la Mỹ và đến năm 2010 đạt 140 triệu USD, với mức tăng trưởng bình quân 25%/năm. Các mặt hàng chủ yếu là hạt tiêu, cà phê, gạo, thủy hải sản, cơm dừa, sản phẩm và linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, may mặc, giày dép …
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí theo chương trình hợp tác đã ký giữa Petrovietnam và đối tác của An-giê-ri. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các Hiệp định đã ký để phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư hai quốc gia nhằm thu hút đầu tư song phương và thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, kết hợp với việc xử lý nợ để chuyển một phần nợ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà Chính phủ An-giê-ri đang kêu gọi và khuyến khích đầu tư.
đ) Ni-giê-ri-a
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ni-giê-ri-a năm 2009 đạt 55 triệu USD với mức tăng trưởng đạt 20% và đạt 70 triệu USD vào năm 2010, mức tăng trưởng đạt 25%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: gạo, sản phẩm dệt may, săm lốp ôtô xe máy, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng, tân dược, rượu bia nước giải khát v.v…
Tăng cường thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, năng lượng, máy móc thiết bị, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng.
e) Ma – rốc
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc năm 2009 đạt 40 triệu USD và đạt 50 triệu USD vào năm 2010, với mức tăng trưởng bình quân 25%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cà phê, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử, hàng dệt may, giày dép, rau quả, săm lốp ô tô, xe máy v.v..
Tích cực triển khai dự án phân bón DAP do Petrovietnam làm chủ đầu tư. Đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực và ngành hàng tiềm năng mà các doanh nghiệp có thể kinh doanh và đầu tư tại thị trường Ma-rốc như sản xuất và chế biến sợi bông, đánh bắt và chế biến hải sản, sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp đóng tàu, đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng, du lịch, chế biến nông sản thực phẩm. Phấn đấu mục tiêu tìm kiếm những biện pháp phù hợp để sớm ký kết Hiệp định hợp tác Công nghiệp với Ma-rốc.
g) Tan-da-ni-a
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tan-da-ni-a đạt 28 triệu USD vào năm 2009 và đạt 35 triệu USD vào năm 2010, với mức tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: sản phẩm dệt may, giày dép, gạo, cao su, phân bón, hóa chất, dây cáp điện v.v.
Phối hợp với các đơn vị hữu quan giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp thương mại giữa Công ty Thanh Hòa và Công ty Mô-ha-mét, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư kinh doanh vào Tan-da-ni-a.
1. Tăng cường quan hệ giữa Bộ Công Thương với các cơ quan hữu quan của các quốc gia châu Phi thông qua các hoạt động:
a) Tổ chức các kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp.
b) Tổ chức các đoàn công tác, xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm ở châu Phi
2. Thiết lập các khuôn khổ pháp lý.
a) Đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác.
b) Xem xét khả năng đàm phán và ký kết các hiệp định FTA song phương và đa phương với các quốc gia trong khu vực.
3. Kiện toàn, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Thương vụ.
4. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại
a) Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia.
b) Hỗ trợ các Hiệp hội, doanh nghiệp tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại.
5. Tăng cường công tác thông tin thị trường, cập nhật thường xuyên trên các ấn phẩm báo chí, các cổng thông tin điện tử do Bộ quản lý, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về thị trường các nước châu Phi.
6. Đẩy mạnh việc hợp tác trong lĩnh vực dầu khí.
Mở rộng hoạt động hợp tác dầu khí với các nước Ai Cập, An-giê-ri, Ca-mơ-run, Ma-da-gas-ca, tích cực tham gia vào các hoạt động đầu tư tại các nước có tiềm năng về dầu khí trong khu vực.
7. Tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp
Xúc tiến thu hút đầu tư và hợp tác từ các nước Nam Phi, Ai Cập vào các dự án công nghiệp thuộc Bộ Công Thương phụ trách, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước An-giê-ri, Ni-giê-ri-a, Ăng-gô-la, Mô-zăm-bích …
Việc tổ chức triển khai và thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương được phân công như sau:
1. Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á
a) Chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức các đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ đi thăm và làm việc tại một số nước trọng điểm tại Châu Phi để thúc đẩy quan hệ hợp tác với các Bộ đối tác của các nước trong khu vực.
b) Chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế kiện toàn và đổi mới cách thức hoạt động của các Ủy ban hỗn hợp do Lãnh đạo Bộ Công Thương làm đồng chủ tịch.
c) Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Năng lượng hỗ trợ về mọi mặt cho các hoạt động đầu tư của Petrovietnam tại các nước Châu Phi, cụ thể là triển khai thỏa thuận đã ký với Ai Cập, Ma-rốc, mở rộng đầu tư tại An-giê-ri, các thỏa thuận hợp tác đầu tư tại các nước Ma-da-gas-ca, Ca-cơ-run, Tuy-ni-di.
d) Chủ trì và phối hợp với Vụ Xuất Nhập khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại và các đơn vị hữu quan xây dựng và triển khai ứng dụng đề tài Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Phi, quy định cụ thể các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
đ) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan đôn đốc, thúc đẩy việc đàm phán và ký kết các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, thuế, hải quan, ngân hàng, hàng hải, hàng không … với các nước châu Phi; xem xét, nghiên cứu khả năng ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) để có thể khởi động đàm phán với một số nước trọng điểm trong khu vực châu Phi khi điều kiện cho phép.
e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ tăng cường phổ biến rộng rãi thông tin, tuyên truyền về thị trường các nước châu Phi cho các doanh nghiệp đặc biệt là chính sách, tình hình thị trường và tập quán kinh doanh … trên các phương tiện truyền thông như trang tin điện tử, báo chí, xuất bản ấn phẩm giới thiệu thị trường.
g) Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các Thương vụ thuộc địa bàn trong khu vực tích cực tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, tổ chức đoàn doanh nghiệp khi khảo sát thị trường và tham gia vào các hội chợ triển lãm tại các nước trong khu vực.
h) Phối hợp với Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại châu Phi, Đại sứ quán và Thương vụ một số nước Châu Phi tại Việt Nam tổ chức các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp để giới thiệu thị trường Việt Nam tại một số nước châu Phi hoặc tổ chức các hội thảo giới thiệu thị trường châu Phi tại Việt Nam.
2. Vụ Hợp tác quốc tế
a) Chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á và các Vụ, Cục, đơn vị hữu quan khác của Bộ nghiên cứu khả năng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác công nghiệp với các đối tác thuộc khu vực châu Phi; nghiên cứu xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp cũng như xúc tiến các dự án liên quan giữa các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam với các đối tác từ châu Phi.
b) Chủ trì và phối hợp với Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á và Vụ Năng lượng hỗ trợ giúp đỡ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xúc tiến triển khai và mở rộng các hoạt động đầu tư, tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí tại châu Phi; phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bên liên quan tại Việt Nam nghiên cứu khả năng thúc đẩy hợp tác, kêu gọi đầu tư với các đối tác trong lĩnh vực năng lượng.
c) Chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á và các bên liên quan của Việt Nam nghiên cứu khả năng khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực dệt may, da giầy, cơ khí, sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm thực phẩm chế biến ở châu Phi.
3. Vụ Xuất nhập khẩu
Phối hợp với Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á phổ biến cơ chế, chính sách xuất khẩu cho các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu vào thị trường Châu Phi, đặc biệt là đối với các mặt hàng chủ lực và những mặt hàng mới mà ta có thế mạnh như: nhóm hàng nông sản (gạo, tiêu, chè, cà phê, hạt điều), nhóm hàng thực phẩm (hải sản, trái cây, rau quả, sữa), thủ công mỹ nghệ, nhóm hàng công nghiệp (dệt may, giày dép, đồ điện tử và linh kiện, máy vi tính, máy móc công cụ) và điều kiện cụ thể của từng sản phẩm và dịch vụ, để tăng nhanh kim ngạch và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.
4. Cục Xúc tiến thương mại
a) Chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, các Thương vụ tại một số nước châu Phi tăng cường công tác tuyên truyền, đối ngoại tại khu vực nhằm nâng cao hình ảnh về đất nước, con người, nền kinh tế, môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam để quảng bá với cộng đồng doanh nghiệp châu Phi, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thu thập và phổ biến thông tin thị trường cho các doanh nghiệp của ta … thông qua xuất bản các ấn phẩm, catalogue, sách báo, đĩa CD giới thiệu thị trường và đưa tin trên các website của Bộ và Cục.
b) Phối hợp với Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các cơ quan liên quan xây dựng và tổ chức tốt các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại thị trường châu Phi theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và Hiệp hộp ngành hàng lập văn phòng, phòng trưng bày, kho ngoại quan hoặc chi nhánh công ty, tham gia hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường … tại các nước châu Phi.
5. Vụ Pháp chế
a) Phối hợp với Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á đề xuất với Lãnh đạo Bộ về việc đàm phán, ký kết, gia nhập, phê chuẩn, sửa đổi, bổ sung các điều ước quốc tế với các nước châu Phi và các thỏa thuận quốc tế với các Bộ đối tác của các nước châu Phi trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong và ngoài Bộ giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh với các đối tác thuộc thị trường châu Phi. Trước mắt, cần giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp thương mại giữa công ty Thanh Hòa và công ty Mô-ha-mét, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam yên tâm đầu tư kinh doanh tại Tan-da-ni-a.
6. Vụ Năng lượng
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dầu khí với các nước châu Phi.
b) Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí triển khai có hiệu quả các dự án thăm dò và khai thác đã ký tại An-giê-ri, Ai Cập, Tuy-ni-di, dự án phân bón DAP tại Ma-rốc.
7. Vụ tổ chức cán bộ
Phối hợp với Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á nghiên cứu khả năng mở một số cơ quan Thương vụ tại các địa bàn trong khu vực khi điều kiện cho phép.
8. Các Thương vụ tại các nước Châu Phi
a) Tích cực đổi mới, phát huy vai trò hoạt động để là cầu nối về hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa các doanh nghiệp của ta với thị trường sở tại.
b) Chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á nghiên cứu, thu thập thông tin về cơ chế chính sách kinh tế, tập quán buôn bán, nhu cầu mặt hàng mà thị trường sở tại có nhu cầu, các đối tác nhập khẩu và các quy định về pháp luật thương mại của các nước châu Phi như TBT, SPS, chính sách thuế, chính sách cạnh tranh, chống bán phá giá, quy tắc xuất xứ, chính sách nhập khẩu và các chính sách khác có liên quan đến việc nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường sở tại, v.v. để thông tin cho các doanh nghiệp.
c) Cung cấp thông tin về hội chợ, triển lãm thương mại hoặc chuyên ngành quốc tế tại thị trường sở tại cũng như tư vấn cho doanh nghiệp cách thức thâm nhập vào các kênh phân phối hoặc cách thức để đưa hàng hóa nhập khẩu vào thị trường khu vực một cách hiệu quả nhất.
9. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
a) Tích cực đàm phán và tham gia các hoạt động hợp tác đầu tư trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác với các nước có tiềm năng về dầu khí ở châu Phi như Ai Cập, Ma-rốc, Li-bi, Ca-mơ-run, Ni-giê-ri-a … để tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới.
b) Mở rộng các hoạt động dầu khí thông qua việc tăng cường các hoạt động tiếp xúc, thăm dò với các đối tác tại các nước ta đã có thỏa thuận hợp tác và tích cực triển khai các dự án đã ký kết.
Các Vụ, Cục, Thương vụ tại khu vực châu Phi và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện chương trình hành động này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc nảy sinh các vấn đề mới, các đơn vị cần phản ánh về Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á làm đầu mối để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ có hướng xử lý kịp thời.
Quyết định 1133/QĐ-BCT năm 2009 ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chương trình hành động Quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Châu Phi của Chính phủ giai đoạn 2008 – 2010 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Số hiệu: | 1133/QĐ-BCT |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Công thương |
Người ký: | Lê Dương Quang |
Ngày ban hành: | 05/03/2009 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1133/QĐ-BCT năm 2009 ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chương trình hành động Quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Châu Phi của Chính phủ giai đoạn 2008 – 2010 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Chưa có Video