THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1089/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2018 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình và Báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn 2050, với những nội dung chủ yếu sau:
Phạm vi quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình có diện tích 30.583 ha, bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển như sau:
- Huyện Thái Thụy gồm 14 xã và 01 thị trấn: Thị trấn Diêm Điền, các xã: Thụy Hải, Thụy Lương, Thụy Hà, Thụy Tân, Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Liên, Thái Nguyên, Thái Thượng, Thái Hòa, Thái Đô, Thái Thọ, Thái Xuyên, Mỹ Lộc.
- Huyện Tiền Hải gồm 16 xã: Đông Trà, Đông Hải, Đông Long, Đông Xuyên, Đông Hoàng, Đông Minh, Đông Cơ, Đông Lâm, Tây Giang, Tây Sơn, Nam Cường, Nam Thắng, Nam Thịnh, Nam Thanh, Nam Hưng, Nam Phú.
Ranh giới:
- Phía Bắc giáp với thành phố Hải Phòng qua sông Hóa, điểm cực Bắc (thuộc xã Thụy Tân).
- Phía Nam và Tây Nam giáp với tỉnh Nam Định qua sông Hồng, điểm cực Nam (thuộc xã Nam Phú).
- Phía Đông giáp biển Đông với hơn 50 km bờ biển, điểm cực Đông (đảo Cồn Đen).
- Phía Tây giáp các xã còn lại của huyện Thái Thụy và Tiền Hải, điểm cực Tây (thuộc xã Thái Thọ).
- Khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực.
- Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí thiên nhiên và nguồn nguyên liệu, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp phát triển các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú; phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực.
- Làm cơ sở pháp lý để triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng trong Khu kinh tế.
- Là khu kinh tế tổng hợp được đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình và vùng duyên hải Bắc Bộ.
- Là một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của vùng duyên hải Bắc Bộ và của cả nước, bao gồm: Kinh tế hàng hải, trung tâm công nghiệp, năng lượng, thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản.
- Là khu kinh tế có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng.
- Về dân số:
+ Đến năm 2025: Khoảng 227.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 35 - 40%.
+ Đến năm 2040: Khoảng 300.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 - 70%.
- Về đất đai:
+ Chỉ tiêu đất dân dụng khoảng 100 - 140 m2/người;
+ Quy mô đất ngoài dân dụng xác định theo nhu cầu phát triển.
(Dự báo quy mô đất đai và dân số sẽ được cụ thể hóa trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch).
5. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật dự kiến áp dụng:
Các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật áp dụng theo yêu cầu của Quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành đối với đô thị loại II cho khu vực phát triển đô thị và Quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành đối với các khu chức năng khác.
6. Nội dung nghiên cứu quy hoạch:
a) Đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quy hoạch, các dự án đã có, đang còn hiệu lực; xác định, làm rõ các định hướng trong quy hoạch ngành có liên quan; đánh giá các tiềm năng phát triển của khu đất xây dựng đô thị: Đánh giá mức độ thuận lợi, không thuận lợi của đất đai cho phát triển đô thị của các khu vực trong khu quy hoạch trên cơ sở địa hình, vị trí, đặc điểm tự nhiên... của từng khu vực; xác định định hướng liên kết Khu kinh tế Thái Bình với các đô thị và khu vực khác trong tỉnh Thái Bình; mạng lưới các đô thị trong Khu kinh tế Thái Bình.
b) Đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng:
- Điều kiện tự nhiên: Đánh giá, phân tích về vị trí, mối liên hệ vùng kinh tế trọng điểm, vùng liên tỉnh, vùng nội tỉnh; đánh giá về điều kiện địa hình, địa mạo, địa chất, thủy văn, địa chấn, khí hậu, các hiện tượng thời tiết đặc thù,...;
- Đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội, dân cư, lao động, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng xây dựng, hiện trạng kiến trúc, cảnh quan, các chương trình, dự án đang triển khai có liên quan đến Khu kinh tế Thái Bình.
c) Phân tích, đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng và động lực phát triển:
- Xác định các tiềm năng và động lực chính phát triển Khu kinh tế Thái Bình trên cơ sở nghiên cứu các dự báo, định hướng của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành liên quan đến sự phát triển của Khu kinh tế.
- Dự báo phát triển về kinh tế, xã hội, dân số, lao động và đất đai. Dự báo sự thay đổi của môi trường tự nhiên do sự tác động của đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội; dự báo nhu cầu sử dụng đất, quy mô các khu chức năng của Khu kinh tế theo từng giai đoạn; dự báo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng cho khu vực.
d) Tổ chức không gian và phân khu chức năng:
- Xác định tầm nhìn của Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2050.
- Định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị đến năm 2040.
+ Nghiên cứu, rà soát, kế thừa hợp lý các kết quả nghiên cứu Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành liên quan với Khu kinh tế Thái Bình đã được phê duyệt.
+ Đề xuất cấu trúc phát triển, tổ chức không gian các khu chức năng phù hợp với yêu cầu phát triển mới.
+ Nghiên cứu giải pháp cải tạo các khu vực dân cư hiện hữu, các khu chức năng vùng đệm hỗ trợ phát triển, các khu đô thị và khu vực nông thôn trong Khu kinh tế.
+ Đề xuất bố trí cụ thể không gian kiến trúc cảnh quan, phân vùng kiến trúc cảnh quan, xác định các trục không gian chính, các không gian trọng tâm và các khu chức năng hỗ trợ. Tạo dựng và nhấn mạnh các nét đặc trưng của Khu kinh tế Thái Bình; khai thác tối đa yếu tố tự nhiên, địa hình, không gian biển.
+ Định hướng phát triển kiến trúc, cảnh quan theo hướng hiện đại, tiên tiến và văn minh.
đ) Quy hoạch sử dụng đất các khu chức năng thuộc Khu kinh tế Thái Bình:
- Xác định ranh giới các khu chức năng thuộc Khu kinh tế Thái Bình, đề xuất quy hoạch sử dụng đất cho các khu chức năng, các hạng mục công trình theo cấu trúc phân khu đã lựa chọn.
- Điều chỉnh quỹ đất phù hợp cho các chức năng; xác định quỹ đất xây dựng các khu tái định cư, nhà ở cho công nhân và chuyên gia, hệ thống cây xanh hành lang cách ly phòng hộ đối với các tuyến hạ tầng và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
- Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật có liên quan đến xây dựng và sử dụng đất từng khu vực. Xác định các khu vực sử dụng không gian ngầm. Xác định kế hoạch sử dụng đất theo các giai đoạn phát triển.
e) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật:
- Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội:
+ Tổ chức mạng lưới trung tâm gồm hệ thống trung tâm điều hành, quản lý toàn bộ Khu kinh tế, khu trung tâm điện lực Thái Bình; các khu, cụm công nghiệp; khu phi thuế quan; khu cảng, công trình logistic; khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; khu vực cây xanh - thể dục thể thao; khu vực nông nghiệp; khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ ven biển; khu dân cư, đô thị, dịch vụ; khu hành chính; khu vực dự trữ phát triển; khu vực bảo tồn tự nhiên...
+ Phân bố cơ sở đào tạo - dạy nghề, y tế của khu vực và cả vùng. Xác định vị trí và quy mô các chợ, chợ đầu mối, trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm du lịch, công nghiệp, trung tâm sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nghề cá v.v...
- Về hệ thống giao thông:
+ Định hướng các loại phương tiện giao thông trong tương lai, hướng tới mục tiêu giao thông thông suốt, giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu giao thông trong tương lai.
+ Nghiên cứu định hướng xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông liên vùng. Xác định vị trí, phương thức đấu nối giữa hệ thống giao thông của Khu kinh tế với các tuyến đường giao thông đối ngoại, đường thủy trong khu vực. Phân tích mô hình phát triển mạng lưới giao thông, tổ chức phân loại, phân cấp các tuyến giao thông, đảm bảo kết nối với các tuyến giao thông đối ngoại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể:
. Quy hoạch giao thông đường bộ: Nghiên cứu mạng lưới đường bộ trong khu quy hoạch, phân loại đường, mặt cắt đường, vị trí và hình dạng của các nút giao chính. Xây dựng giải pháp quy hoạch, đầu tư để đảm bảo giao thông đối ngoại và đối nội; bổ sung quy hoạch các tuyến kết nối mới.
. Quy hoạch giao thông hàng hải và đường thủy nội địa: Nghiên cứu quy hoạch cảng biển Diêm Điền trở thành cảng loại II; bố trí các luồng lạch ra vào cho tàu thuyền vận tải, tàu thuyền nghề cá, du lịch và các hoạt động khác; nghiên cứu đề xuất phương án bố trí cảng cạn kết hợp với trung tâm logistics, các tuyến giao thông đường thủy phục vụ vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách và phục vụ du lịch.
. Quy hoạch giao thông công cộng theo hướng tiên tiến và hiệu quả; Nghiên cứu hệ thống giao thông công cộng kết nối trong khu vực Khu kinh tế Thái Bình, kết nối trong vùng tỉnh Thái Bình và với Thủ đô Hà Nội, về loại hình, vị trí, quy mô của các tuyến giao thông công cộng.
. Đường sắt, đường hàng không: Nghiên cứu trên cơ sở quy hoạch giao thông cấp vùng.
. Xác định vị trí và quy mô các công trình giao thông: Tổ chức hệ thống giao thông công cộng và hệ thống bến, bãi đỗ xe, công trình logistic,...; xác định chỉ giới đường đỏ các trục chính và hệ thống hào, tuynel kỹ thuật.
- Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
+ Nghiên cứu các kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập để xác định mực nước biển dâng có thể xảy ra đối với Khu kinh tế Thái Bình để có định hướng quy hoạch cho phù hợp với các kịch bản.
+ Xác định lưu vực, hướng thoát nước chính. Đề xuất các giải pháp về nền đất xây dựng. Xác định cao độ khống chế xây dựng. Các giải pháp về đê, kè, đập bảo vệ chống xói, lở.
+ Xác định chỉ tiêu, đề xuất các giải pháp nguồn, cân đối nhu cầu, đề xuất giải pháp, dự kiến các công trình đầu mối, tổ chức mạng lưới đường dây, đường ống, xác định và bảo vệ các công trình đầu mối về cấp điện, cấp nước và viễn thông. Đề xuất khai thác sử dụng các nguồn năng lượng khác.
+ Quy hoạch, đầu tư, sắp xếp lại các nghĩa trang nhân dân nhằm đảm bảo về môi trường và hiệu quả sử dụng đất.
+ Định hướng quy hoạch các khu xử lý chất thải, rác thải tập trung và các khu xử lý nước thải cho các khu chức năng.
g) Đánh giá môi trường chiến lược:
- Xác định các vấn đề môi trường chính, những bất cập trong và ngoài khu vực lập quy hoạch; hiện trạng các nguồn ô nhiễm có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường; dự báo diễn biến môi trường trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế.
- Đề xuất các biện pháp phòng ngừa và thứ tự ưu tiên thực hiện; đề xuất các khu vực cách ly, bảo vệ môi trường; đề xuất giải pháp kiểm soát môi trường trong Khu kinh tế Thái Bình đối với từng khu vực phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị.
- Xây dựng phương án tổng thể về thoát nước và xử lý nước thải, kiểm soát tốt các hoạt động bảo vệ môi trường theo hướng không xả trực tiếp ra biển (kể cả đã qua xử lý).
- Nhận dạng và dự báo các tác động đến môi trường do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gây ra. Khoanh, định các vùng bảo vệ thiên nhiên, các vùng cảnh quan, khu vực cấm xây dựng, khu vực bảo tồn,...khu vực bảo vệ nguồn nước sạch, xử lý nước thải, bãi thải, vùng ảnh hưởng khói bụi, khí độc hại, tiếng ồn,... Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường.
h) Đề xuất các hạng mục ưu tiên đầu tư, sơ bộ nhu cầu vốn và nguồn lực thực hiện:
- Xác định danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư theo các giai đoạn quy hoạch: Ngắn hạn đến năm 2025, dài hạn đến năm 2040.
- Đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư có ý nghĩa tạo động lực phát triển trong giai đoạn đến 2025 và các giai đoạn tiếp theo phù hợp với nguồn lực và khả năng cân đối của ngân sách địa phương.
- Khái toán kinh phí xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình.
- Đề xuất, kiến nghị nguồn lực thực hiện quy hoạch (cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, nguồn nhân lực,...) và phân tích tính khả thi của từng nguồn vốn.
i) Các yêu cầu khác:
- Nghiên cứu để kết nối kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình với các khu vực xung quanh.
- Các kết quả đồ án dự kiến đạt được; các vướng mắc chưa thể giải quyết trong khuôn khổ đồ án và kiến nghị hướng giải quyết.
- Các kiến nghị khác với trung ương và địa phương.
- Dự thảo quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch. Đề xuất cơ chế chính sách kiểm soát phát triển Khu kinh tế gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng.
- Nghiên cứu mô hình quản lý và thực hiện quy hoạch, phân định rõ vai trò của từng cơ quan, tổ chức trong việc quản lý quy hoạch và quản lý hành chính trên địa bàn trong phạm vi Khu kinh tế Thái Bình.
Thành phần hồ sơ và nội dung đồ án thực hiện theo Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật hiện hành.
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.
- Cơ quan thẩm định: Bộ Xây dựng.
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch và trình duyệt: Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.
- Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình được phê duyệt.
- Bộ Xây dựng hướng dẫn địa phương trong quá trình lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thẩm định Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |
Quyết định 1089/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 1089/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Trịnh Đình Dũng |
Ngày ban hành: | 31/08/2018 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1089/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video