Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1002/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 22 tháng 6 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN XÂY DỰNG “MÔ HÌNH CHỢ THÍ ĐIỂM BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 4870/QĐ-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công Thương về việc giao nhiệm vụ và chỉ định đơn vị thực hiện hoạt động năm 2017 Dự án an toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Y tế và Dân số;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09 tháng 4 năm 2014 của liên Bộ Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 2166/QĐ-BKHCN ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia, ban hành TCVN 11856:2017 Chợ kinh doanh thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 845/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt Đề cương xây dựng Dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Cà Mau;

Căn cứ Công văn số 1325/BCT-TTTN ngày 13 tháng 02 năm 2018 và Công văn số 2145/BCT-TTTN ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 44/TTr-SCT 15/6/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Dự án xây dựng “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau triển khai thực hiện Dự án này; định kỳ báo cáo Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần điều chỉnh, bổ sung, yêu cầu các đơn vị phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
-
CVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng KT(T6/06);
- Lưu: VT, M.A65/6.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quân

 

DỰ ÁN

XÂY DỰNG “MÔ HÌNH CHỢ THÍ ĐIỂM BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Kèm theo Quyết định số 1002/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

A. TÓM TẮT DỰ ÁN

1. Căn cứ lập Dự án

Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020;

Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030;

Quyết định số 4870/QĐ-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công Thương về việc giao nhiệm vụ và chỉ định đơn vị thực hiện hoạt động năm 2017 Dự án an toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Y tế và Dân số;

Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09 tháng 4 năm 2014 của Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Quyết định số 2166/QĐ-BKHCN ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia, ban hành TCVN 11856:2017 Chợ kinh doanh thực phẩm;

Quyết định số 845/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt Đề cương xây dựng Dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Cà Mau;

Công văn số 1325/BCT-TTTN ngày 13 tháng 02 năm 2018 và Công văn số 2145/BCT-TTTN ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm.

2. Tên dự án: Xây dựng “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

3. Cơ quan quản lý dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.

4. Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.

5. Cơ quan phối hợp

Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau.

6. Chủ thể trong mô hình thí điểm

Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Ban quản lý chợ, Tổ quản lý được cơ quan có thẩm quyền giao kinh doanh, khai thác và quản lý chợ và thương nhân, tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ.

7. Mục tiêu của Dự án: Nghiên cứu, xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm.

8. Phạm vi thực hiện Dự án

- Chợ thuộc quy hoạch của địa phương, được lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm (chợ phường 5, thành phố Cà Mau).

- Các nhóm hàng: Thực phẩm, nông sản chủ yếu (tươi sống và đã qua chế biến), bao gồm: Thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả,...

9. Thời gian xây dựng và triển khai thực hiện Dự án

Năm 2018 xây dựng dự án, năm 2019 và những năm tiếp theo triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

10. Sản phẩm của Dự án

- Báo cáo tổng hợp và thuyết minh của dự án.

- Phụ lục hệ thống bảng biểu số liệu kèm theo.

- Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Dự án xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm do cấp thẩm quyền phê duyệt.

11. Đối tượng hưởng li Dự án

- Người tiêu dùng thực phẩm, nông sản chủ yếu thông qua chợ.

- Doanh nghiệp, Hợp tác xã, tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ.

12. Kinh phí thực hiện Dự án

Tổng kinh phí của dự án: 250 triu đồng (Hai trăm năm mươi triệu đồng chn), trong đó:

- Doanh nghiệp đầu tư: Không.

- Hộ Kinh doanh đầu tư: Theo thỏa thuận với Ban quản lý chợ.

- Nhà nước hỗ trợ: Bộ Công Thương hỗ trợ 250 triệu đồng (Bộ Công Thương phân bổ, ký hợp đồng giao cho Sở Công Thương tỉnh Cà Mau).

- Ngân sách địa phương: Gắn với giá trị đầu tư, sửa chữa nâng cấp chợ,...

13. Sự cần thiết xây dựng Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP)

Việc bảo đảm an toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết, được tiếp cận với những sản phẩm an toàn là nhu cầu cơ bản đối với mỗi người. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn gây thiệt hại về kinh tế - xã hội. Hiện nay, tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng chủ yếu từ các hệ thống phân phối truyền thống (chợ) và kênh phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại).

Đối với siêu thị, trung tâm thương mại việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như trang thiết bị bảo quản đáp ứng yêu cầu ATTP.

Đối với chợ là kênh phân phối thực phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Thời gian qua, công tác truyền thông về ATTP đã có tác dụng tích cực, nhận thức của người kinh doanh có chuyển biến, đa số các hộ kinh doanh đều có ý thức chấp hành các quy định về ATTP. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều bất cập và có khả năng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về mức độ lây nhiễm, nhất là những mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm,... Nguyên nhân chính là do hàng hóa chưa kiểm tra được về nguồn gốc, xuất xứ, chất bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,... Mặt khác những tiểu thương tại chợ chưa thật sự quan tâm, chưa thực hiện tốt các quy định về ATTP. Về cơ sở vật chất phục vụ cho kinh doanh hàng thực phẩm (như quầy, sạp, kệ...), ngoài các chợ được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, cải tạo có thiết kế, trang bị khá đáp ứng yêu cầu ATTP, còn lại thì đa số các chợ chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chí về chợ ATTP. Do đó, việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đthực hiện Dự án xây dựng “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP” trên địa bàn tỉnh Cà Mau là yêu cầu rất thiết thực, hết sức cần thiết và cấp bách.

B. NỘI DUNG DỰ ÁN: Gồm 4 phần

1. Đánh giá khái quát thực trạng an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2017.

2. Đề ra mục tiêu, phương án và tổ chức thực hiện xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm.

3. Đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ thực hiện dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm.

4. Tổ chức thực hiện và kiến nghị.

 

Phần 1

ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG CÔNG TÁC AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU TRONG GIAI ĐOẠN 2012-2017

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2012-2017

1. Tình hình kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2017

1.1. Số lượng chợ hoạt động kinh doanh hàng thực phẩm

Chợ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa nông, lâm sản, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Vị trí của các chợ thường nằm tại các khu dân cư tập trung và các trục giao thông, đáp ứng nhu cầu mua bán hàng ngày của dân cư và thuận tiện cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa. Phần lớn các chợ trên địa bàn tỉnh Cà Mau hình thành từ khá lâu, gắn liền với lịch sử ra đời của các phường, xã, khóm, ấp. Những năm gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc hình thành hệ thống chợ trên địa bàn cũng gắn liền với quá trình đô thị hóa, quá trình thực hiện quy hoạch các khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp, cụm thương mại dịch vụ và các trung tâm cụm xã.

Tính đến ngày 31/12/2017, trên địa bàn tỉnh có 72 chợ được xây dựng trên địa bàn 63 xã, phường, thị trấn (chiếm 62,4% tổng số xã, phường, thị trấn), còn lại 36 xã, 02 phường chưa có chợ (do đặc điểm gần chợ lân cận, chưa có nhu cầu hình thành chợ riêng). Trong đó chợ phân theo địa bàn như: Chợ thành thị là 24, chợ nông thôn là 48; phân theo hạng chợ thì chợ hạng 1 là 01, chợ hạng 2 là 07, chợ hạng 3 là 64; phân theo tính chất xây dựng thì chợ kiên cố là 22, chợ bán kiên cố là 18, chợ tạm là 32; phân theo chủ đầu tư thì chợ do doanh nghiệp tư nhân quản lý là 04 chợ, chợ do Nhà nước quản lý gồm 68 chợ (trong đó do UBND cấp huyện quản lý là 04 chợ, do UBND cấp xã quản lý là 64 chợ).

Bảng 1. Thực trạng mạng lưới chợ tỉnh Cà Mau

Chỉ tiêu

Huyện/th

Số chợ/địa bàn xã

Tỷ lệ số chợ/xã

Số dân/chợ

(người /chợ)

1. TP. Cà Mau

20/17

1,17

224.345/20

2. Huyện Thới Bình

10/12

0,83

135.897/10

3. Huyện U Minh

4/8

0,50

102.028/4

4. Huyện Trần Văn Thời

9/13

0,69

190.012/9

5. Huyện Cái Nước

6/11

0,54

138.777/6

6. Huyện Phú Tân

6/9

0,66

104.124/6

7. Huyện Đầm Dơi

8/16

0,50

183.581/8

8. Huyện Năm Căn

3/8

0,37

65.846/3

9. Huyện Ngọc Hiển

6/7

0,85

77.965/6

Toàn tỉnh

72/101

0,71

1.222575/72

(Nguồn: Điều tra, thng kê số liệu của Sở Công Thương tỉnh Cà Mau)

Mật độ chợ trên địa bàn tỉnh Cà Mau thấp hơn so cả nước, số chợ trung bình tính theo đơn vị hành chính xã là 0,71 chợ/xã, thấp hơn mức chung của cả nước là 0,82 chợ/xã; trung bình một chợ phục vụ cho 16.980 người, trong khi đó mức chung của cả nước trung bình một chợ phục vụ 10.243 người/chợ. Hàng hóa đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân tại địa phương và du khách tham quan du lịch, thực hiện tốt 02 chức năng bán buôn và bán lẻ, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, ổn định giá cả thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

1.2. Nguồn hàng, mặt hàng thực phẩm cung ứng qua chợ

Theo báo cáo kết quả điều tra cho thấy nguồn hàng cung ứng cho chợ chủ yếu từ chợ bán buôn (vựa) - thường là các chợ trung tâm thành phố, thị trấn, người bán giao hàng tại chợ hoặc mua trực tiếp từ người sản xuất. Tỷ trọng nguồn cung tùy theo đặc tính sản phẩm, như mặt hàng rau, củ, quả thì nguồn từ các chợ bán buôn chiếm 26,66 %, người bán giao hàng tại chợ chiếm 50,47%, còn lại là mua trực tiếp từ người sản xuất; trái cây thì 43,5% là mua từ các chợ bán buôn, 51% người bán giao hàng tại chợ; thịt gia súc được giết mổ tại lò mổ tập trung và được đưa đi tiêu thụ thông qua từ lò mổ 83,65%, thịt gia cầm (gà, vịt) thông qua lò mổ là 74,39 % và còn lại bán khác..., cụ thể:

Bảng 2. Ngành hàng kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh

Đơn vị tính: %

TT

Ngành hàng

Nguồn cung hàng hóa tại chợ

Lò mổ

Chbán buôn, vựa

Người bán giao hàng tại chợ

Mua trực tiếp từ người sản xuất

Khác

1

Rau củ quả

 

26,66

50,47

19,61

3,25

2

Thịt gia cầm (gà, vịt)

74,39

 

 

20,56

5,05

3

Thịt gia súc (heo, bò...)

83,65

 

 

12,46

3,89

4

Trứng gia cầm

 

26,43

55,81

25,74

2,01

5

Thủy sản (cá, tôm,...)

 

18,09

53,14

26,80

1,98

6

Tạp hóa (kinh doanh tổng hp)

 

8,92

88,12

2,78

0,19

7

Thực phẩm khô

 

4,28

74,85

19,99

0,88

8

Ăn uống, giải khát

 

0,14

63,57

29,21

7,08

9

Trái cây

 

43,05

51,00

5,51

0,44

10

Gạo, nếp, ngũ cốc,...

 

54,93

40,24

3,81

1,02

(Nguồn: Điều tra, thống kê sliệu của Sở Công Thương tỉnh Cà Mau)

1.3. Số lượng và tình hình hoạt động của thương nhân (thuộc các thành phần kinh tế) kinh doanh thực phẩm tại các chợ

Tổng số tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 6.600 hộ (trong đó có hơn 4.800 hộ kinh doanh cố định, chiếm 72,73% tổng số hộ). Lực lượng tham gia kinh doanh thực phẩm tại chợ chủ yếu là hộ kinh doanh, người sản xuất nhỏ trực tiếp bán sản phẩm,... Trong đó, mặt hàng thịt gia súc, gia cầm chiếm khoảng có 14% trên tổng số hộ kinh doanh thực phẩm cố định.

1.4. Cách thức kiểm tra nguồn hàng thực phẩm vào chợ của thương nhân trong chợ

- Nguồn hàng rau, củ, quả cung ứng tại chợ chủ yếu do các thương nhân buôn chuyến cung ứng, việc quản lý chất lượng hàng thực phẩm gặp nhiều khó khăn, hầu hết không có chứng từ chứng minh được nguồn gốc hàng hóa.

- Đối với các sản phẩm gia súc, gia cầm như thịt heo, thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm trước khi đưa vào bày bán tại chợ, cơ quan thú y địa phương đều có kiểm tra và đóng dấu. Đơn vị kiểm tra thường sử dụng phương pháp test nhanh, lấy mẫu kiểm tra và kiểm tra thủ tục hành chính,... Vi phạm thường gặp là thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch thú y,...

1.5. Phương thức mua bán hàng thực phẩm trong chợ

Đa số các chợ trên địa bàn thực hiện hình thức bán lẻ; đối với chợ có quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng có cả hai hình thức bán lẻ và bán buôn. Phương thức giao dịch chủ yếu là bán lẻ thông qua giao dịch trực tiếp giữa người bán và người mua theo phương thức tiền - hàng, người mua hàng sau khi trả tiền cho người bán hàng sẽ nhận được hàng nếu hai bên đã thỏa thuận, đồng ý.

1.6. Trang thiết bị của thương nhân kinh doanh hàng thực phẩm tại chợ

- Khu vực kinh doanh thực phẩm gia súc, gia cầm như thịt heo, gà, vịt, trâu, bò: Các hộ kinh doanh thực phẩm tự trang bị mặt bàn gỗ, sạp gỗ lót bề mặt bằng nhôm, đựng trong thau nhôm và một số ít quầy, sạp trang bị bằng inox, ốp gạch men bóng. Một số quầy trang bị bằng gỗ sử dụng lâu ngày bị mục và hút ẩm không đảm bảo vệ sinh, ATTP.

- Khu vực kinh doanh hàng thủy, hải sản như cá, tôm, cua, ốc,... các hộ kinh doanh thường đựng trong thau nhựa, nhôm, thùng xốp, bày bán trệt dưới nền chợ, có một số hộ kê trên sạp gỗ, nhựa. Đối với hải sản tươi sống như tôm, cá, mực... các tiu thương kinh doanh sử dụng các chậu hoặc các thùng chứa nước, thiết bị sục oxy nhằm đảm bảo cho thực phẩm luôn tươi, sống. Việc buôn bán trệt dưới nền chợ cộng với việc nền chợ bị ứ đọng nước là điều kiện vi khuẩn dễ xâm nhập làm thực phẩm kém an toàn.

- Đối với mặt hàng thực phẩm đóng gói, hộp; các mặt hàng khô, mắm, gạo, trứng, các hộ kinh doanh sử dụng bàn, kệ bằng sắt, gỗ. Khu vực này thường khô ráo nhưng các bàn, kệ chưa được lau chùi, quét dọn, vệ sinh thường xuyên, một số thiết bị xuống cấp cũng là nơi trú ẩn của vi khuẩn.

- Mặt hàng rau, củ, quả hầu hết sử dụng kệ, quầy hàng bằng gỗ, đựng trong rkê trên ghế, thùng.... nhưng các kệ, quầy còn thấp, đôi khi các hộ trưng bày từ trên kệ kéo dài xuống đến nền chợ nên không ngăn cách được với khu vực ô nhiễm.

- Các điểm bán hàng ăn uống hầu hết sử dụng bàn ghế bằng nhựa, tủ kính đựng thức ăn. Tuy nhiên, trong khâu chế biến thức ăn người bán thường mắc phải các trường hợp nhiễm chéo như không trang bị bảo hộ, dụng cụ chia gp thức ăn, không bố trí khu vực riêng với các điểm bán ăn uống.

Nhìn chung, trang thiết bị của tiểu thương kinh doanh hàng thực phẩm tại chợ cơ bản đảm bảo cho mục đích kinh doanh nhưng chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn, tiêu chí ATTP.

1.7. Đối tượng tiêu dùng thực phẩm tại các chợ

Đối tượng tiêu dùng thực phẩm tại các chợ thuộc mọi tầng lớp nhân dân, phục vụ cho các bữa ăn hàng ngày của gia đình, khách vãng lai, du lịch. Qua kết quả 61 phiếu điều tra, đối tượng tiêu dùng thực phẩm ở các chợ chủ yếu là người tiêu dùng tại địa phương chiếm 62,65%, khách vãng lai chiếm 26,51%, cơ sở ăn uống chiếm 10,84 %.

1.8. Cơ sở vật chất của chợ phục vụ quá trình kinh doanh hàng thực phẩm như: Trang thiết bị, hệ thống cấp thoát nước phục vụ cho quá trình kinh doanh hàng thực phẩm,...

Qua tổng hợp kết quả khảo sát, điều tra cơ sở vật chất của các chợ trên địa bàn các huyện, thành phố Cà Mau phục vụ kinh doanh hàng thực phẩm như sau:

- Nguồn nước sử dụng cho hoạt động mua bán thực phẩm tại chợ: Có 48 chợ sử dụng nước máy chiếm 75%, có 16 chợ sử dụng nước giếng khoan được kiểm tra chất lượng nguồn nước, nguồn nước phục vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu của các hộ kinh doanh thực phẩm.

- Hệ thống cống thoát nước khu vực chợ mặc dù được quan tâm đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp nhưng vẫn còn 20% số chợ có hệ thống thoát nước xuống cấp nên vào mùa mưa thường xảy ra tình trạng bị ngập úng, nước không thoát kịp, riêng các chợ tạm đất trng không có hệ thng thoát nước thì đthoát ra môi trường tự nhiên.

- Thu gom và xử lý rác thải: Có 41 chợ (chiếm khoảng 64,06%) có khu tập kết rác thải, rác thải đều được tổ chức thu gom và làm vệ sinh chợ bình quân 01 lần/ngày; có 26 chợ có nhà vệ sinh trong tình trạng hoạt động bình thường.

- Về phòng chống cháy nổ: Các chợ có bảng nội quy phòng cháy chữa cháy, phương án phòng cháy chữa cháy, thành lập đội phòng cháy chữa cháy tại chỗ; trang thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy như bình CO2. Các thiết bị, phương tiện này chủ yếu ở các chợ qui mô lớn. Đa số đường giao thông trong khu vực chợ rất chật hẹp và ngày càng xuống cấp. Đây là lý do làm hạn chế rất lớn đến khả năng lưu thông của người và hàng hóa qua chợ, hạn chế khả năng ứng cứu khi xảy ra sự cố cháy nổ.

2. Tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2017

2.1. Nhận thức của thương nhân, người tiêu dùng và cán bộ quản lý chợ về việc bảo đảm ATTP trong các chợ

- Vấn đề ATTP ngày càng được quan tâm. Các văn bản pháp luật về ATTP ngày càng hoàn thiện. Các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn, từng bước tác động đến nhận thức, cũng như hành động của người sản xuất, người kinh doanh. Qua 61 phiếu điều tra tại các chợ, các tiu thương (hộ kinh doanh) thực phẩm tại chợ đã được nghe, đọc về ATTP thông qua Đài Phát thanh - Truyền hình chiếm khoảng 86,88%; nghe thông qua Đài Phát thanh, loa phát thanh chiếm khoảng 68,85%; biết thông tin qua báo chí, tờ rơi, internet chiếm khoảng 29,51%.

- Người tiêu dùng, đặc biệt người tiêu dùng ở thành thị đã có nhận thức sâu và xác định tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATTP. Một bộ phận người tiêu dùng ở nông thôn còn nhận thức chưa cao, chưa phân biệt được hàng đảm bảo ATTP, hàng giả, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc rõ ràng,...

- Các sở, ngành: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương,...) tổ chức tập huấn về đảm bảo ATTP cho cán bộ Ủy ban nhân dân cấp xã kiêm nhiệm công tác quản lý ATTP và tổ chức nhiều lớp tập huấn ATTP cho cán bộ quản lý chợ, doanh nghiệp, kinh doanh thực phẩm,...

2.2. Tình hình thực hiện quy định của pháp luật và nội quy chợ về ATTP của tiểu thương kinh doanh trong chợ

Các tiểu thương kinh doanh trong chợ tuy có chấp hành quy định của pháp luật về ATTP nhưng vẫn chưa tuân thủ triệt để, nhất là việc sắp xếp, bày bán thực phẩm chín cnh hàng thực phẩm tươi sống, còn kinh doanh hàng hóa không đúng quy định về ghi nhãn, bán thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm tra thú y; hàng thực phẩm chín không có tủ kính che đậy, nơi chế biến, các bàn ăn và người chế biến thực phẩm chưa quan tâm thực hiện đúng các tiêu chí bảo đảm ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như không sử dụng tạp dề, khẩu trang khi chế biến thực phẩm,...

Một số hộ kinh doanh còn bày thịt gia súc, gia cầm trên bàn bằng gỗ, có bìa carton đặt ngay dưới bàn, không quan tâm tới vấn đề ô nhiễm thực phẩm,... Bên cạnh đó, vệ sinh môi trường ở các chợ cũng là tác nhân làm hạn chế việc bảo đảm ATTP, do phần lớn cơ sở vật chất của chợ đã xuống cấp, hệ thống xử lý nước thải và chất thải không đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường.

2.3. Số vụ vi phạm quy định của pháp luật về ATTP trong đó có chợ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua do cơ quan chức năng phát hiện và xử lý

Hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai từ tỉnh đến huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với sự tham gia, phối hợp của các ngành chức năng như: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an,... Kết quả thực hiện từ năm 2012-2017 cụ thể như sau:

- Toàn tỉnh đã tổ chức 4.085 cuộc thanh kiểm tra về ATTP, trong đó: Có 3.152 cuộc thanh kiểm tra liên ngành, 933 cuộc thanh kiểm tra chuyên ngành từng lĩnh vực; đã tiến hành kiểm tra 64.409 lượt cơ sở, có 81,32 % cơ sở đạt điều kiện ATTP (52.830/64.409) và 19,37 % cơ sở vi phạm (12.477/64.409).

- Trong 12.477 cơ sở vi phạm ATTP được xử lý như sau:

+ Xử lý phạt hành chính 1.486 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 3,85 tỷ đồng.

+ Xử lý nhắc nhở 10.991 cơ sở, lập biên bản sai phạm cảnh cáo, khắc phục.

+ Các nội dung vi phạm: Vệ sinh khu vực chế biến chưa đảm bảo ATTP; cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; thực phẩm đã quá hạn sử dụng; không có nguồn gốc rõ ràng,...

(Nguồn: Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016 của UBND tỉnh Cà Mau, Báo cáo công tác quản lý an toàn thực phẩm của Sở Công Thương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản & Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2017).

3. Đánh giá chung về an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2017

3.1. Kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm

- Công tác quản lý nhà nước về ATTP trong thời gian qua đã có hiệu ứng tích cực, các ngành các cấp quan tâm và chỉ đạo sâu sát, có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả.

- Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP được các ngành, các cấp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, thời gian qua công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo nguy cơ về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thường xuyên, đã góp phần nâng cao được nhận thức, ý thức của người dân đối với việc đảm bảo ATTP đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng.

- Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng được tăng cường. Tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tại các địa phương. Qua kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi không bảo đảm ATTP, góp phần giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

3.2. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

- Việc nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng làm tăng việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất thực phẩm. Đây là nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất trong sản phẩm thực phẩm.

- Việc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” chưa được thực hiện tốt, còn nhiều bất cập.

- Hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa trang bị các thiết bị dùng để kiểm tra nhanh nhằm phát hiện các chất bảo quản và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định.

- Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện nhưng chưa liên tục, tập trung chủ yếu vào các đợt cao điểm như Tháng hành động vì ATTP và dịp Tết Nguyên đán hàng năm, Tết Trung thu.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chợ chưa đáp ứng yêu cầu, cần được tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo để đáp ứng theo yêu cầu công việc.

- Ý thức trách nhiệm của một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn chưa cao.

II. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Chủ trương, quy định của UBND tỉnh về việc bảo đảm ATTP

1.1. Các văn bản chỉ đạo và quy định của tỉnh về ATTP đã ban hành:

- Công văn số 299-CV/TU ngày 08/3/2012 của Tỉnh ủy về việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

- Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 12/01/2015 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

- Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 08/05/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

- Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 01/04/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân công trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Công văn số 2847/UBND-KT ngày 06/5/2016 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm và chống gian lận thương mại.

- Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 24/6/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

- Quyết định số 1220/QĐ-UBND ngày 16/7/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh Cà Mau do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

- Quyết định số 544/QĐ-BCĐ ngày 19/8/2016 của Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh Cà Mau về ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Kế hoạch số 57-KH/TU ngày 17/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 11-KL/TU ngày 19-01-2017 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 20-10-2001 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

- Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 25/10/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Kế hoạch số 57-KH/TU ngày 17/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau.

- Kế hoạch số 116/KH-UBND-UBMTTQ ngày 27/11/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau thực hiện Chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau giai đoạn 2017-2020.

- Công văn số 9538/UBND-KG-VX ngày 04/12/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 03/11/2017 của Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020.

Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp được giao thực hiện, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau, các đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Ngoài ra các Sở: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai và thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh.

1.2. Tác động của hệ thống văn bản pháp luật (của Trung ương, của tỉnh) đối với công tác an toàn thực phẩm tại các chợ

Công tác quản lý ATTP được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành trong tỉnh. Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2011. Hệ thống văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh là hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm tại các chợ được hưởng quyền lợi, người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua thực phẩm tại chợ.

Cơ sở hạ tầng, quy mô các chợ trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện; các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu được tăng cường kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào thị trường lưu thông; đội ngũ cán bộ Ban quản lý các chợ, các tiểu thương kinh doanh thực phẩm trong chợ được đào tạo kiến thức cơ bản về ATTP để từ đó lựa chọn được thực phẩm an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng cũng như công tác đảm bảo vệ sinh chung trong các chợ.

2. Cơ chế, chính sách và biện pháp của tỉnh về ATTP

2.1. Cơ chế, chính sách và biện pháp của tỉnh đã ban hành nhằm khuyến khích tạo điều kiện để các chủ thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các quy định về ATTP

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, quản lý ATTP được thực hiện theo các quy định hiện hành như: Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm; Nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế; Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương về việc hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP và một số Thông tư hướng dẫn chuyên ngành của 03 Bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý bảo đảm ATTP ngày càng hoàn thiện, là điều kiện rt quan trọng nhằm nâng cao chất lượng bảo đảm ATTP. Các văn bản pháp lý hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện bảo đảm ATTP được rõ ràng, minh bạch và nghiêm minh, thuận lợi cho việc triển khai thực hiện ở cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiu thương, người tiêu dùng và thực sự đã đi vào cuộc sống.

2.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cơ chế, chính sách ATTP đối với các chợ trên địa bàn tỉnh

- Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng hiểu đúng và thực hành đúng về ATTP.

- Tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì ATTP” hàng năm tại các khu vực đông dân cư được 139 buổi trên địa bàn toàn tỉnh với 18.777 người tham dự.

- Tổ chức 350 buổi tập huấn và kiểm tra xác nhận kiến thức ATTP cho 17.388 người tham gia là cán bộ quản lý, các tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm và được cấp Giấy xác nhận kiến thức ATTP.

- Tổ chức 1.541 buổi nói chuyện chuyên đề về ATTP cho người dân trên địa bàn tỉnh với 73.860 lượt người tham dự.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện 358 lượt bản tin, 39 phóng sự, cuộc phỏng vấn; 05 buổi tọa đàm để tuyên truyền về ATTP, trong đó thực hiện chuyên đề Công Thương Cà Mau với chủ đề “An toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thuộc ngành Công Thương” và phát 02 buổi. Tổng thời lượng phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau là 16 giờ 22 phút.

- Thực hiện 6.525 lượt tuyên truyền về ATTP trên loa phát thanh của huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn.

- Báo Cà Mau, Báo Đất Mũi, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Trang Thông tin điện tử các Sở thực hiện đăng 274 bài viết về ATTP.

- Thực hiện in và phân phối 109.420 tờ gấp tuyên truyền về ATTP; sản xuất và sao được 158 băng đĩa (băng đĩa hình và âm); làm mới 15.685 áp phích, treo 1.527 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền các nội dung, thông điệp liên quan đến ATTP.

2.3. Tác động của cơ chế, chính sách đối với việc bảo đảm ATTP tại các chợ trên địa bàn tỉnh

Trên cơ sở triển khai thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết; thanh tra, kiểm tra,... qua đó ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của cơ sở sản xuất, tiểu thương kinh doanh thực phẩm trong chợ được nâng cao, chủ động đầu tư các trang thiết bị cn thiết phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm; từng bước các loại thực phẩm tươi sống được kiểm tra nguồn gốc.

2.4. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, cơ chế chính sách về ATTP tại các chợ trên địa bàn tỉnh

Việc thanh tra, kiểm tra về ATTP được tăng cường. Trong đó, chú trọng kiểm tra tại các chợ, các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, các sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể,... Kết quả, cơ sở thực phẩm thực hiện ATTP đúng quy định qua từng năm như sau:

Bảng 3. Tỷ lệ (%) cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP qua từng năm trên địa bàn tỉnh Cà Mau

STT

Loại hình

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

1

Cơ sở sản xuất

78,96

78,24

79,82

74,14

74,45

80,05

2

Kinh doanh thực phẩm

83,95

84,89

86,80

79,13

83,32

83,26

3

Dịch vụ ăn uống

78,64

78,10

80,14

80,61

81,21

89,32

(Nguồn: Báo cáo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh)

Bảng 4. Tỷ lệ (%) số mẫu xét nghiệm trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Tổng số mẫu

Chỉ tiêu vi sinh

Chỉ tiêu lý hóa

Ghi chú

Kết quả xét nghiệm

Đạt

Không đạt

Đạt

Không đạt

 

981

851

86,74%

130

13,26 %

 

 

 

 

 

976

 

 

 

 

907

92,93%

69

7,07%

 

(Nguồn: Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016 của UBND tỉnh Cà Mau và Báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh năm 2017)

Nhìn chung, công tác kiểm tra ATTP đã có nhiều tiến bộ. Số lượt kiểm tra, số mu kim nghiệm định kỳ và s mu test nhanh được thực hiện nhiu hơn và kết quả đảm bảo ATTP ngày càng cao.

2.5. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm ATTP trong các chợ

Thời gian qua, sự phối hợp giữa các ngành Công Thương (Thanh tra Sở, Chi cục Quản lý thị trường, phòng chuyên môn), Y tế (Thanh tra Sở, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Thanh tra Sở), UBND các huyện, thành phố (Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố), cùng các đơn vị liên quan trong việc triển khai công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh nói chung và ở các chợ nói riêng đạt được nhiều kết quả.

3. Đánh giá chung công tác quản lý nhà nước về việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ

3.1. Kết quả đạt được

- Nhìn chung, công tác bảo đảm ATTP tại các chợ trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã được các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm và phối hợp tổ chức triển khai đạt hiệu quả, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP cơ bản đã được hạn chế. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo ATTP, nhận thức về ATTP trong các hộ kinh doanh, người quản lý và một bộ phận người tiêu dùng đã được nâng lên rõ nét.

- Mạng lưới chợ của tỉnh Cà Mau ngày càng hoàn thiện, nhiều chợ được xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa khang trang, trong đó khu bán hàng thực phẩm cơ bản là đáp ứng yêu cầu ATTP, thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa.

- Công tác quản lý, chỉ đạo về ATTP của tỉnh nói chung và tại các chợ nói riêng đã được các ngành, các cấp quan tâm và đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn xã hội, đặc biệt vào những đợt cao điểm như ngày lễ, tết,...

3.2. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý ATTP vẫn còn một số hạn chế, nguyên nhân như sau:

- Một số chợ quá tải, đặc biệt là các chợ trung tâm huyện, thành phố. Một số chợ xuống cấp nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và làm ảnh hưởng đến bảo quản, chế biến hàng hóa, thực phẩm.

- Các tiểu thương kinh doanh thực phẩm trong chợ chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, mang tính nhỏ lẻ, chưa có điều kiện đầu tư, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ đảm bảo ATTP.

- Thực trạng về tồn dư hóa chất, ô nhiễm hóa chất bảo quản trong một số thực phẩm chưa được cải thiện, trách nhiệm của người sản xuất quy mô nhỏ lẻ đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao,...

Phần 2

MỤC TIÊU, PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG “MÔ HÌNH CHỢ THÍ ĐIỂM BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

I. MỤC TIÊU XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

1. Nghiên cứu xây dựng “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP” trên địa bàn tỉnh Cà Mau thành công. Triển khai mô hình trên thc tiễn sau khi được UBND tỉnh phê duyệt; từ đó nhân rộng mô hình chợ đảm bảo ATTP ra các chợ khác trên địa bàn tỉnh theo lộ trình.

2. Xây dựng mô hình chợ ATTP với hệ thống tiêu chí đáp ứng các yêu cầu về ATTP theo Tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm (TCVN 11856:2017) và các quy định hiện hành của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu văn minh thương mại, thuận tiện cho quá trình mua, bán góp phần tăng cường hiệu quả kinh tế, xã hội của chợ.

3. Nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về ATTP cho lãnh đạo, nhân viên Ban quản lý chợ, các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi chợ.

4. Nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh ATTP của các hộ kinh doanh tại chợ, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

5. Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý và bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh nói chung, ATTP tại chợ nói riêng, nhất là tăng cường công tác kiểm soát truy xuất nguồn gốc, chất lượng ATTP tại chợ.

II. PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

1. Căn cứ để lựa chọn chợ đưa vào mô hình thí điểm

1.1. Chợ xây dựng mới, chợ mới được đầu tư, nâng cấp, cải tạo hoặc chợ được phê duyệt phương án cải tạo, xây mới.

1.2. Chợ nằm trong quy hoạch chợ của địa phương, đang hoạt động có hiệu quả (ưu tiên chợ cơ sở vật chất kỹ thuật tốt, có nguồn hàng bảo đảm,...).

1.3. Có khu kinh doanh hàng thc phẩm riêng biệt.

1.4. Chủ thể kinh doanh hàng thực phẩm cố định phải có đăng ký kinh doanh.

1.5. Xác định được nguồn gốc các mặt hàng thc phẩm chủ yếu đang mua bán trong chợ.

1.6. Có tổ chức quản lý chợ (Ban quản lý, doanh nghiệp, Hợp tác xã,...) được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập; ưu tiên chợ do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý.

1.7. Chợ có Nội quy được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Những tiêu chí chủ yếu của mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP

Căn cứ theo Tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm (TCVN 11856:2017) để áp dụng thực hiện phù hợp với thực tin tại địa phương.

3. Quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể tham gia mô hình (lãnh đạo của Ban/Tổ quản lý chợ, Hợp tác xã, doanh nghiệp quản lý, kinh doanh chợ; tiểu thương kinh doanh thực phẩm trong chợ).

3.1. Quyền lợi

- Được phổ biến, tuyên truyền và phát miễn phí một số văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu về vệ sinh ATTP.

- Được dự các lớp bồi dưỡng kiến thức về ATTP.

- Được hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe.

- Tùy theo điều kiện nguồn ngân sách, xã hội hóa,... được hỗ trợ miễn phí một số trang thiết bị bảo đảm ATTP như: Bàn, mặt bàn, quầy, kệ, sạp bán thực phẩm tươi sống, tủ kính đựng thực phẩm chế biến,... (chủng loại và số lượng tùy theo điều kiện cụ thể của từng chợ và từng địa phương).

- Lãnh đạo quản lý chợ và một số đại diện tiểu thương kinh doanh thực phẩm trong chợ được đi tham quan, học kinh nghiệm của các chợ (trong và ngoài tỉnh) đã xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP.

- Lãnh đạo chuyên trách kiểm tra chất lượng thực phẩm kinh doanh trong chợ của đơn vị quản lý chợ được tập huấn miễn phí về nghiệp vụ kiểm tra và được cấp một số thiết bị kiểm tra.

3.2. Trách nhiệm

a) Trách nhiệm chung

- Tham dự đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức về ATTP.

- Không chứa chấp, lưu giữ trong phạm vi chợ những đồ vật gây ô nhiễm, mất vệ sinh, là mầm bệnh... Từng hộ kinh doanh (hoặc khu vực kinh doanh) phải tự trang bị dụng cụ đựng rác riêng, hàng ngày trước khi nghỉ bán hàng hay dọn hàng về phải quét dọn sạch sẽ điểm kinh doanh, việc đổ rác, chất thải, đi vệ sinh cá nhân phải đúng nơi quy định.

- Cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và thực hiện đúng Nội quy quy định của chợ về ATTP.

b) Trách nhiệm cụ thể đối với Ban quản lý chợ, Hợp tác xã, doanh nghiệp quản lý, khai thác chợ

- Hướng dẫn tiểu thương kinh doanh thực phẩm trong chợ thực hiện đúng quy định về ATTP.

- Bố trí, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp theo ngành hàng, nhóm hàng, theo tính chất và yêu cầu phòng chống hỏa hoạn, thiên tai; không bố trí gần nhau các loại hàng hóa có ảnh hưởng xấu lẫn nhau,... Bảo đảm yêu cầu về trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại và phù hợp với tính chất của mặt hàng thực phẩm. Bố trí, sắp xếp ngành hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, hải sản, rau, củ, quả) cách xa nơi kinh doanh ngành hàng chế biến thực phẩm ăn ngay, các món ăn đã nấu chín.

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về ATTP của tiểu thương; công tác tuyên truyền kiến thức, pháp luật về ATTP tới các hộ kinh doanh và người lao động giúp việc tại các hộ kinh doanh đmọi người hiểu và chấp hành tốt các quy định về ATTP. Định kỳ thông báo, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng, số lượng, nguồn gốc, ATTP đối với hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi chợ do mình quản lý.

- Xây dựng Nội quy chợ theo quy định của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nội quy mẫu theo Quyết định số 773/2003/QĐ-BTM ngày 24/6/2003 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) và các quy định đã ban hành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý chợ, trong đó quy định rõ về công tác ATTP; tổ chức điều hành và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

- Ngoài ra, thực hiện những trách nhiệm có liên quan khác được quy định tại Điều 9 của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Thông tư số 06/2003/TT-BTM ngày 15/8/2003 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của ban quản lý chợ.

- Sử dụng hệ thống loa truyền thanh tuyên truyền, vận động tiểu thương trong chợ chấp hành tốt công tác bảo đảm ATTP.

c) Trách nhiệm của tiểu thương kinh doanh thực phẩm trong chợ

- Cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và Nội quy của chợ về ATTP.

- Chấp hành theo sự bố trí, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp theo ngành hàng, nhóm hàng,... Bảo đảm yêu cầu về ATTP, trật tự, vệ sinh, văn minh thương mi và phù hợp với tính chất của mặt hàng thực phẩm.

- Bảo quản tốt, sửa chữa để duy trì các trang thiết bị, dng cụ (như bàn, mặt bàn, quy, kệ, sạp, tủ kính...) do Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã trang bị; phải bi thường khi ctình làm hư hỏng.

- Không bán hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng ATTP theo quy định của pháp luật.

- Giữ gìn vệ sinh tại địa điểm kinh doanh.

- Thực hiện đúng các tiêu chí của chợ bảo đảm ATTP.

4. Chợ được chọn xây dựng Mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP: Chợ phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Chợ phường 5, thành phố Cà Mau, là chợ hạng 3, Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Ủy ban nhân dân phường 5 trực tiếp quản lý. Chợ phường 5 có khu nhà lồng chợ bách hóa và khu nhà chợ nông sản thực phẩm. Riêng khu chợ nông sản thực phẩm phường 5 xây dựng vào năm 2005, với diện tích 426 m2, trong đó có nhà của Ban quản lý chợ là 25,2 m2, nhà vệ sinh 9 m2, diện tích các quầy kinh doanh và đường đi nội bộ là 391,8 m2, thời gian họp chợ cả ngày. Khu chợ này Công đoàn cơ sở phường 5 đầu tư, khai thác và mới nâng cấp đưa vào sử dụng cuối năm 2017 với tổng kinh phí hơn 240 triệu (phần nâng cấp nền chợ do dự án LIA tài trợ). Ban quản lý chợ có 07 người, do một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 5 làm Trưởng ban. Chợ có bảng Nội quy do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Chợ có Nội quy, tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy; có phương án phòng cháy chữa cháy; có thành lập đội phòng cháy chữa cháy tại chỗ. Chợ được trang bị 04 bình CO2 8kg, 04 bình MFZ8, 01 máy bơm nước cố định có ống dẫn đến 02 hộp đầu bố trí quanh chợ, hầm chứa nước 30 m3, 04 vòi.

Hiện tại, Chợ Nông sản phường 5, thành phố Cà Mau có 61 tiểu thương thuê 87 quầy hàng kinh doanh các ngành hàng thực phẩm chủ yếu như: Thịt gia súc, gia cầm, thức ăn chín, rau, củ quả, thủy hải sản (cá, tôm, mực, cua,..).

Trang thiết bị của tiểu thương kinh doanh hàng thực phẩm tại chợ chưa đảm bảo cho hoạt động kinh doanh, cũng như các tiêu chí về ATTP. Các quầy rau, củ quả, trái cây được trang bị bằng gỗ, một số kê bằng thùng xốp, thùng nhựa; một số quầy thịt heo được trang bị bằng gỗ và mặt quầy ốp bằng inox, riêng 02 quầy cung cấp thịt heo của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Cà Mau được trang bị toàn bộ bằng inox; các quầy thủy, hải sản, thịt gà, vịt sử dụng thùng xốp, thùng nhựa, thau nhựa,... để chứa đựng và kê sản phẩm.

Đối tượng tiêu dùng thực phẩm tại chợ chủ yếu là người tiêu dùng địa phương, cán bộ hưu trí..., phục vụ cho các bữa ăn hàng ngày của gia đình. Nguồn hàng cung ứng tại chợ chủ yếu từ Chợ phường 7, thành phố Cà Mau, các lò giết mổ, người bán giao hàng tại chợ, hoặc mua trực tiếp từ người sản xuất. Các tiểu thương thường đặt hàng bán trong ngày (đối với hàng thực phẩm tươi sống), hoặc đảm bảo lượng hàng phù hợp với nguồn vốn kinh doanh. Cũng giống như hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh, việc quản lý chất lượng hàng thực phẩm gặp nhiều khó khăn, do tập quán mua bán trao tay nên gần như không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, nhất là mặt hàng rau củ quả.

Từ khi có chỉ đạo của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương nghiên cứu và đã phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau thống nhất chọn Chợ phường 5 đăng ký với Bộ Công Thương làm mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP.

III. LỘ TRÌNH NHÂN RỘNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

1. Tổng kết nhân rộng mô hình thí điểm

Sau khi dự án xây dựng “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Cà Mau hoàn thành, Sở Công Thương sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của mô hình để nhân rộng cho các chợ còn lại trên địa bàn tỉnh.

2. Kế hoạch nhân rộng hàng năm theo mô hình thí điểm như sau

Giai đoạn 2019 - 2020, dự kiến nhân rộng mô hình mỗi năm từ 02 chợ bảo đảm ATTP, nhất là tại trung tâm huyện, thành phố, khu vực đông dân cư.

Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo tình hình, điều kiện thực tế cần có giải pháp, cơ chế ưu tiên đẩy nhanh xây dựng các chợ, các điểm kinh doanh thực phẩm trên từng địa bàn bảo đảm ATTP nhằm sớm đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

3. Kinh phí thực hiện

- Nguồn Trung ương (hỗ trợ theo chương trình mục tiêu hàng năm).

- Nguồn ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã - bố trí phân bổ nguồn thu từ chợ và các nguồn có liên quan).

- Nguồn doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Nguồn xã hội hóa.

Phần 3

GIẢI PHÁP HỖ TRỢ THỰC HIỆN DỰ ÁN “MÔ HÌNH CHỢ THÍ ĐIỂM BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM”

I. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

1. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi

- Tận dụng tối đa hệ thống thông tin, tuyên truyền sẵn có ở địa phương, bổ sung chức năng và nhân viên chuyên trách về truyền thông, giáo dục ATTP.

- Xây dựng chuyên mục ATTP trên các kênh truyền thông tại các địa phương trong tỉnh.

- Phân công cụ thể trách nhiệm thực hiện công tác thông tin, giáo dục và truyền thông cho địa phương, Ban quản lý chợ.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông tập trung các khu vực trọng điểm về ATTP.

- Tổ chức các chiến dịch truyền thông, đưa công tác giáo dục truyền thông về ATTP vào các ngày lễ, các sự kiện lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội hàng năm của địa phương.

2. Xây dựng và phát triển các kỹ năng truyền thông về ATTP

- Sử dụng cách tiếp cận phù hợp với từng đối tượng cụ thể để tuyên truyền, vận động, chú trọng hình thức truyền thông trực tiếp, truyền thông theo nhóm nhỏ.

- Xây dựng đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền ATTP.

- Đào tạo kiến thức chuyên ngành, nội dung tuyên truyền ATTP cho người tham gia công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục ATTP.

3. Nâng cao số lượng, chất lượng các tài liệu và thông điệp truyền thông

- Hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các ban, ngành liên quan trong việc biên tập mới, sửa đổi, bổ sung, cập nhật thông tin, kiến thức mới về ATTP.

- Các tài liệu, thông điệp truyền thông cần tập trung vào các nội dung mang tính hướng dẫn, định hướng thay đổi hành vi và các biện pháp thực hiện hành vi bảo đảm ATTP, phù hợp với từng đối tượng, từng ngành hàng.

- Đa dạng hóa các loại hình truyền thông: Bản tin, tờ rơi, tờ gấp, poster... để giáo dục, tuyên truyền về ATTP.

II. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ QUY HOẠCH KHU VỰC NUÔI, TRỒNG VÀ SẢN XUẤT CÁC SẢN PHẨM THỰC PHẨM BẢO ĐẢM VỆ SINH

1. Xây dựng các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản theo hướng an toàn sinh học đcung cấp cho chợ

- Tổ chức sản xuất theo hướng gắn kết các khâu từ sản xuất chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; phát huy vai trò của các tổ, nhóm, hợp tác xã, hộ trang trại.

- Tổ chức sản xuất, chăn nuôi cho phù hợp đặc điểm sinh thái và lợi thế từng vùng nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các loại vật nuôi, đảm bảo phát triển ổn định, lâu dài, bền vững, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường:

+ Đối với chăn nuôi gia súc: Tập trung tổ chức sản xuất giống chất lượng cao; phát triển chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp theo hướng an toàn sinh học gắn với phòng chống dịch bệnh.

+ Đối với chăn nuôi gia cầm: Chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp an toàn sinh học có kiểm soát chặt chẽ, phòng chống dịch bệnh.

+ Đối với nuôi thủy sản: Tập trung vào vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường, không sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh độc hại cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật vào sản xuất, kiểm soát tốt quá trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

+ Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt quy trình chăn nuôi đảm bảo ATTP để có nguồn thịt sạch cung cấp vào các hệ thống phân phối, trong đó có chợ.

2. Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn để cung cấp cho chợ

Khuyến khích các cơ sở sản xuất rau an toàn theo VietGAP, GLOBAL GAP, tạo ra nhiều sản phẩm rau an toàn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và cộng đồng. Cần chú ý đến công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng giá trị thương phẩm, đảm bảo chất lượng sạch. Bên cạnh đó, phải có sự kết nối cung ứng - tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với các chợ bán buôn, các vựa nơi tập trung cung cấp sản phẩm cho các chợ trên địa bàn.

3. Quy hoạch các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm ATTP

Trên cơ sở quy hoạch các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, cần rà soát lại quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo đủ lượng gia súc, gia cầm giết mổ phục vụ nhu cầu về thực phẩm an toàn cho nhân dân trong vùng.

III. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ KẾT NỐI CUNG CẦU NGUỒN THỰC PHẨM AN TOÀN

1. Về sản xuất

- Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất. Đặc biệt, xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, sản xuất theo hướng hữu cơ,... cụ thể như Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Trần Hợi được cấp Giấy chứng nhận sản xuất rau VietGAP, các cơ sở đã được cấp Giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (sản phẩm nông, lâm, thủy sản).

- Đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra là sản phẩm an toàn, đáp ứng được các quy định về ATTP, truy xuất được nguồn gốc; nâng cao tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc hàng năm.

- Tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa 6 nhà: Nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà băng (ngân hàng) - nhà phân phối.

- Tuyên truyền làm thay đổi tư duy, thói quen của người sản xuất trong việc sản xuất phải gắn với thị trường. Sản xuất các sản phẩm an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của ATTP để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.

2. Về hỗ tr tiêu th

- Phối hợp với các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cung cấp, dự báo thông tin tình hình thị trường, giá cả nông sản trên các phương tiện thông tin,... để các đơn vị, người sản xuất nắm bắt, chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định giá cả, thị trường.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc. Thí điểm xây dựng Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn tỉnh bằng tem điện tử mã QRcode.

- Tổ chức có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, tiêu thụ nông sản, góp phần nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, phát triển sản xuất ổn định, bền vững. Đẩy mạnh xây dựng mô hình doanh nghiệp, Hợp tác xã làm đầu mối bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân và thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Giới thiệu các cơ sở được cấp các Giấy chứng nhận sản xuất rau VietGAP, các cơ sở đã được cấp Giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các vùng nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, vùng nuôi theo hướng an toàn sinh học, các trại chăn nuôi heo tham gia Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, các khu giết mổ tập trung để các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ ký hợp đồng như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Trần Hợi, các cơ sở đã được cấp Giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn) hoặc các sản phẩm tham gia đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

- Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại (siêu thị, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn,...) trên địa bàn tỉnh, tạo địa điểm cố định giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.

IV. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI

1. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước khi sản phẩm lưu thông tại chợ

- Đơn vị quản lý chợ thực hiện giám sát hàng ngày hàng hóa đưa vào kinh doanh tại chợ đkịp thời thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm theo quy định; đồng thời, tích cực thực hiện phối hợp kiểm tra, giám sát ngoài khu vực chợ về nguồn gốc sản phẩm, về các thông tin liên quan đến sản phẩm.

- Khi phát hiện ra các sản phẩm không đảm bảo ATTP, cần thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng biết, lựa chọn. Những sản phẩm vi phạm phải được thu hồi, tiêu hủy theo quy định hiện hành của pháp luật.

2. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học trong phòng chống dch, bệnh cây trồng, vật nuôi trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ

2.1. Đối với cây trồng

- Xây dựng mô hình sản xuất cây giống rau đảm bảo chất lượng: Nhằm mục đích cung cấp cây giống rau sạch bệnh, có chất lượng cao trên địa bàn các vùng quy hoạch; từ đó giúp giảm chi phí trong sản xuất, đặc biệt là lượng thuốc bảo vệ thực vật/vụ rau, rút ngắn được thời gian sản xuất trên đồng ruộng và tăng độ đồng đều về chất lượng sản phẩm khi thu hoạch để đưa vào tiêu thụ.

- Xây dựng mô hình sản xuất các loại rau ăn lá, rau ăn củ, quả và rau gia vị với cơ cấu hợp lý trong điều kiện nhà lưới và ngoài tự nhiên có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất rau an toàn.

- Các mô hình này sẽ được đầu tư thường xuyên, hàng năm thông qua việc hỗ trợ xây dựng các chương trình nghiên cứu, thử nghiệm và mô hình khuyến nông trên địa bàn. Mục tiêu nhằm tạo ra các mô hình điểm thực sự hiệu quả kinh tế để cho người dân học tập và làm theo, từ đó nhân rộng diện tích ra toàn vùng.

2.2. Đối với vật nuôi

- Tăng cường kiểm soát các chất độc hại, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

- Tăng cường các biện pháp thú y tại các cơ sở chăn nuôi tập trung và nuôi phân tán tại các xã, phường, thị trấn. Kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông tiêu thụ thực phẩm, các chợ bán buôn trước khi đưa sản phẩm bán lẻ đến người tiêu dùng.

V. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH, HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁC CHỦ THỂ THAM GIA MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

1. Đmô hình đi vào cuộc sống, cần huy động nhiều nguồn vốn tham gia đầu tư cho mô hình

- Ngân sách Trung ương: Tiếp tục tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư chợ ATTP.

- Ngân sách tỉnh, huyện, xã hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo chợ; xây dựng khu tập trung mua bán thực phẩm tại chợ. Xem xét bố trí phân bổ từ nguồn thu từ chợ và các nguồn có liên quan.

- Vốn huy động xã hội: Các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý kinh doanh chợ phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp khu vực chợ đảm bảo ATTP; vận động các hộ kinh doanh tại chợ thể hiện trách nhiệm của người kinh doanh phải tự nâng cấp quầy, sạp và dụng cụ kinh doanh đảm bảo ATTP nhằm tăng khả năng, hiệu quả kinh doanh.

- Tất cả các tổ chức, cá nhân khi lập dự án đầu tư kinh doanh chợ nếu có kinh doanh ngành hàng thực phẩm phải thiết kế và đầu tư, tổ chức quản lý, kinh doanh mua, bán thực phẩm phải đảm bảo quy định của tiêu chuẩn chợ, điểm kinh doanh ATTP.

2. Hỗ trợ thông qua vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi

Đề nghị các ngân hàng, tổ chức tài chính cần có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất vay ưu đãi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư xây dựng chợ, xây dựng điểm kinh doanh ATTP,...

3. Khen thưởng

Khen thưởng kịp thời nhằm động viên các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng chợ đảm bảo các yêu cầu ATTP.

VI. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỰ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CÓ LIÊN QUAN VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM ATTP TẠI CÁC CHỢ

1. Tăng cường công tác thông tin về ATTP giữa các cấp, các ngành

- Huy động các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và các địa phương tham gia vào công tác tuyên truyền về đảm bảo ATTP thường xuyên và tăng cường trong các đợt định kỳ như lễ, tết dưới nhiều hình thức như phát thanh, truyền hình, băng rôn, pano, áp phích, tờ rơi,...

- Tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật, kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về ATTP.

2. Tổ chức tốt các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ATTP tại các chợ trên địa bàn

- Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, các kế hoạch thanh, kiểm tra của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP của Trung ương, của tỉnh.

- Các ngành chức năng như: Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu cho tỉnh ra các quyết định thanh tra, kiểm tra đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.

3. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo về ATTP của chính quyền các cấp tại địa phương

- Bên cạnh thực hiện công tác ATTP theo quy định chung của Trung ương, của tỉnh. Các ngành, các cấp trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo hướng dẫn công tác ATTP theo chức năng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP.

- Đẩy mạnh việc phân cấp, nâng cao vai trò trách nhiệm của các địa phương, các Ban quản lý chợ trong công tác đảm bảo ATTP tại các chợ, tăng cường kiểm tra các tiểu thương hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại các chợ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về ATTP.

VII. NHÓM GIẢI PHÁP BỒI DƯỠNG, ĐÀO TẠO NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA CÁC CHỦ THỂ THAM GIA MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

1. Lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng, mở các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các chủ thể tham gia mô hình thí điểm

- Tăng cường công tác tập huấn hướng dẫn, kiến thức ATTP cho các tiểu thương tại chợ, coi đây là điều kiện quan trọng để nâng cao nhận thức của mọi người kinh doanh tại chợ mô hình.

- Xác định đối tượng và thời gian tổ chức lớp tập huấn, trong đó lưu ý về độ tuổi, trình độ tiếp thu để xây dựng nội dung và phương thức truyền đạt phù hợp, và nhất là không làm ảnh hưởng đến thời gian bán hàng của tiểu thương.

2. Quan tâm tổ chức cho đơn vị quản lý chợ và các hộ kinh doanh đi khảo sát thực tế công tác ATTP tại một số chợ trong, ngoài tỉnh

Luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đơn vị quản lý chợ và các hộ kinh doanh đi tham quan học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế công tác ATTP tại một số chợ trong và ngoài tỉnh.

VIII. NHÓM GIẢI PHÁP XỬ LÝ CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ATTP

1. Xử lý các vi phạm pháp luật về ATTP theo quy định

- Xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về ATTP là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tăng cường công tác đảm bảo ATTP tại các chợ trên địa bàn tỉnh hiện nay.

- Các vi phạm về ATTP có nhiều loại hành vi và rất phức tạp, để xử lý những vi phạm này, cần tăng cường đội ngũ cán bộ thanh kiểm tra có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp để tăng cường cho lĩnh vực này.

2. Xử lý các hành vi vi phạm quy định về ATTP theo nội quy chợ đã được phê duyệt

Cần quan tâm xây dựng đội ngũ những người làm công tác quản lý chợ có trình độ hiểu biết pháp luật và hiểu biết về công tác quản lý chợ nói chung, công tác ATTP nói riêng; có chế độ đãi ngộ hợp lý đgiúp đội ngũ này yên tâm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phần 4

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ KIẾN NGHỊ

I. KẾ HOẠCH VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

STT

NI DUNG

THỜI ĐIM HOÀN THÀNH

I

Giai đoạn I

 

1

Khảo sát thực tế, nghiên cứu lựa chọn chợ đưa vào mô hình thí điểm an toàn thực phẩm, xây dựng Đcương, dự toán kinh phí thực hiện Dự án

Tháng 3 - 4/2018

2

Tổ chức hội thảo, góp ý xây dựng Dự án

Tháng 5/2018

3

Chỉnh sửa, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án

Tháng 6/2018

II

Giai đoạn II

 

1

Triển khai thực hiện Dự án trên thực tiễn

Tháng 7-10/2018

2

Tổng kết, đánh giá; báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương; xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình.

Tháng 11-12/2018

II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau triển khai thực hiện Dự án này; chủ trì phối hợp UBND thành phố Cà Mau thực hiện xây dựng mô hình tại Chợ phường 5 đảm bảo theo Dự án đã được Bộ Công Thương giao.

- Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Cà Mau triển khai xây dựng các chợ, điểm kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đảm bảo ATTP.

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động trong cộng đồng và tại chợ được lựa chọn xây dựng mô hình để có nhận thức đúng đắn nhất về xây dựng chợ bảo đảm ATTP.

- Chủ trì, phối hợp tập huấn công tác quản lý, phát triển chợ và các quy định về ATTP cho Ban quản lý chợ, hộ kinh doanh.

- Chủ trì tổ chức đi khảo sát công tác ATTP tại một số chợ trong và ngoài tỉnh; tổng kết, rút kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế; nghiên cứu thiết kế các trang thiết bị mẫu phục vụ kinh doanh hàng thực phẩm đảm bảo ATTP.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thanh, kiểm tra ATTP theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất tại các chợ,...

- Tổng kết rút kinh nghiệm, lập kế hoạch nhân rộng, xây dựng chợ ATTP của từng giai đoạn. Sau khi triển khai áp dụng mô hình, Sở Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu điều chỉnh các điểm chưa phù hợp để hoàn thiện mô hình thí điểm.

- Tổng hợp kết quả đầu tư chợ ATTP định kỳ và đột xuất báo cáo về Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành khác

2.1. Sở Y tế

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức thanh, kiểm tra ATTP theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất tại các chợ trên địa bàn tỉnh vào các đợt cao điểm như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Tháng hành động, Tết Trung thu,...

- Tham gia hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về lĩnh vực ATTP cho Ban quản lý chợ, hộ kinh doanh tại chợ trong quá trình thực hiện dự án.

- Định kỳ, đột xuất lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong chợ; cảnh báo sự cố ngộ độc thực phẩm trong chợ.

- Hướng dẫn khám sức khỏe cho các tiểu thương trong chợ theo quy định.

2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Công bố, hướng dẫn thực hiện các quy hoạch nuôi trồng, sản xuất đã được duyệt đến từng địa phương, từng vùng nuôi và người sản xuất; gắn vùng nuôi tập trung với cơ sở sơ chế, chế biến. Thông tin cho Sở Công Thương và đơn vị quản lý chợ về quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, vùng nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, vùng nuôi theo hướng an toàn sinh học, các khu giết mổ tập trung và đã được cấp các giấy chứng nhận, các cơ sở vi phạm ATTP thuộc ngành mình quản lý để tổ chức chọn lọc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn với các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn của người dân.

- Phổ biến kiến thức, thông tin các kinh nghiệm trong phòng ngừa, chữa trị các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho các đối tượng là nông dân biết để chủ động trong sản xuất.

- Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về lĩnh vực an toàn nông sản, thực phẩm lĩnh vực do ngành quản lý cho Ban quản lý chợ; hộ kinh doanh tại chợ trong quá trình thực hiện dự án.

2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí cân đối nguồn vốn để hỗ trợ kinh phí cho các địa phương xây dựng, nhân rộng mô hình chợ đảm bảo ATTP từ nguồn ngân sách tỉnh.

- Phối hợp cùng Sở Công Thương làm việc với các Bộ, ngành Trung ương tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu hàng năm.

2.4. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện mô hình dự án theo quy định.

2.5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau

- Chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để xây dựng các chợ, điểm kinh doanh đảm bảo ATTP trên địa bàn thuộc trách nhiệm và thẩm quyền quản lý.

- Huy động các nguồn vốn xã hội hóa ngoài ngân sách từ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác, quản lý chợ để thực hiện đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chợ.

- Hàng năm bố trí từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách địa phương hoặc từ nguồn thu phí khai thác chợ được để lại để nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chợ đảm bảo phù hợp các tiêu chí ATTP.

- Gắn các dự án xây dựng mô hình chợ bảo đảm ATTP với việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ.

- Chủ động công tác thanh, kiểm tra các chợ theo mô hình ATTP trên địa bàn, xử lý kịp thời các vi phạm.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện xây dựng chợ bảo đảm ATTP. Theo dõi, đôn đốc các Ban quản lý chợ thực hiện tốt Nội quy, quy định về ATTP tại chợ trên địa bàn.

2.6. Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau:

Ngoài trách nhiệm tại mục 2.5 nêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương tổ chức chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường 5 thực hiện xây dựng Chợ phường 5 đảm bảo theo mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP của Dự án do Bộ Công Thương giao Sở Công Thương chủ trì.

2.7. Ban quản lý chợ, doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh khai thác và quản lý chợ (bao gồm Chợ phường 5, thành phố Cà Mau - đơn vị được chọn xây dựng mô hình thí điểm của Dự án do Bộ Công Thương giao):

- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tiêu chí mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP theo hướng dẫn của Sở Công Thương.

- Tổ chức các dịch vụ phục vụ tại chợ nhằm bảo đảm ATTP trong chợ. Hướng dẫn tiểu thương kinh doanh thực phẩm trong chợ thực hiện đúng quy định về ATTP

- Bố trí, sắp xếp các điểm kinh doanh thực phẩm trong chợ bảo đảm các yêu cầu về trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại và phù hợp với tính chất của mặt hàng thực phẩm, không để kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống gần kề với thực phẩm chín, ăn ngay nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.

- Xây dựng Nội quy chợ theo quy định, trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý chợ, trong đó quy định rõ yêu cầu về an toàn thực phẩm; tổ chức điều hành và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

- Có trách nhiệm giám sát hàng ngày hàng hóa đưa vào kinh doanh tại chợ để kịp thời thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

- Thường xuyên duy trì, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường kinh doanh, mỹ quan đô thị theo Tiêu chuẩn quốc gia - TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm do Bộ Công Thương quy định.

III. KIẾN NGHỊ ĐỂ HOÀN THIỆN VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

1. Đối với Bộ Công Thương

Tiếp tục hỗ trợ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia ATTP cho tỉnh Cà Mau nhân rộng mô hình chợ bảo đảm ATTP trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

2. Đối với Bộ Y tế

- Đẩy mạnh công tác thông tin và giáo dục, truyền thông về ATTP tại cộng đồng.

- Đầu tư trang bị các trang thiết bị xét nghiệm nhanh cho các tuyến phường, xã, thị trấn.

3. Đối với BKế hoạch và Đầu tư

Trong kế hoạch phân bổ vốn hàng năm có bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các chợ thực hiện theo mô hình chợ thí điểm ATTP.

4. Đối với B Tài chính

Tiếp tục bố trí kinh phí cho tỉnh Cà Mau nhân rộng mô hình chợ bảo đảm ATTP trong Chương trình mục tiêu quốc gia ATTP hàng năm theo kế hoạch của Bộ Công Thương và của tỉnh Cà Mau.

5. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện các Chương trình, đề án, dự án sản xuất thủy hải sản, nông sản theo vùng, chuỗi liên kết bảo đảm ATTP.

- Hướng dẫn chuyên ngành đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các giải pháp sản xuất, nuôi trồng và sản xuất các sản phẩm thực phẩm bảo đảm ATTP để cung ứng nguồn hàng cho các chợ./.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 1002/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Dự án xây dựng “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu: 1002/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
Người ký: Trần Hồng Quân
Ngày ban hành: 22/06/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [11]
Văn bản được căn cứ - [7]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 1002/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Dự án xây dựng “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Văn bản liên quan cùng nội dung - [10]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…