Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 06/2008/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 24  tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2007 - 2010 VÀ NHỮNG NĂM KẾ TIẾP

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch tại Tờ trình số 52/TTr-SDL ngày 14 tháng 01 năm 2008 về chương trình phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2007 - 2010 và những năm kế tiếp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2007 - 2010 và những năm kế tiếp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành: Sở Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông - Công chính, Sở Thương mại, Sở Văn hóa và Thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện: quận 1, quận 2, quận 3, quận 5, quận 6, quận 9, quận 10, quận Bình Thạnh, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPHĐ-UB: các PVP;
- Các phòng CV; TTCB;
 - Lưu: VT, (TM-Q)MH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 



 
Nguyễn Thị Hồng

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2007 - 2010 VÀ NHỮNG NĂM KẾ TIẾP
(Ban hành kèm theo Quyết định số  06/2008/QĐ-UBND ngày 24 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần 1:

MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu

- Phát triển du lịch gắn liền với phát triển thương mại và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc làm cho “Du lịch thật sự ngành kinh tế mũi nhọn” để đóng góp cho sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố và phát triển bền vững.

- Phát triển du lịch thành phố gắn liền với việc xã hội hóa để người dân và các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động và xây dựng môi trường du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, tăng cường hội nhập và chủ động phát triển quan hệ quốc tế.

- Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, chọn lọc xây dựng một số sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh. Nâng cấp và xây dựng các điểm du lịch, khu du lịch, tuyến du lịch trọng điểm, có ý nghĩa quốc tế.

- Chú trọng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để từng bước đưa du lịch Thành Phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm du lịch có tầm cỡ khu vực.

2.  Các chỉ tiêu cụ thể

- Tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Thành Phố Hồ Chí Minh từ 2.350.000 lượt trong năm 2007 tăng lên 3.642.000 lượt vào năm 2010 (tốc độ tăng trưởng bình quân 12,3%/năm).

- Tiếp tục phát triển khách du lịch nội địa tăng từ 3.600.000 lượt năm 2007 lên đến 6.000.000 lượt vào năm 2010 (tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm)

- Nâng cao nguồn thu nhập du lịch, tăng khả năng đóng góp ngày càng nhiều của ngành du lịch vào ngân sách thành phố. Từ doanh thu 16.500 tỷ đồng vào năm 2006 lên đến 46.000 tỷ đồng vào năm 2010 (tốc độ tăng trưởng bình quân 28%/năm)

Phần 2:

CHƯƠNG TRÌNH CỤ THỂ

I. CHƯƠNG TRÌNH 1: ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT DU LỊCH

1.  Nội dung chương trình

1.1. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng

Trung ương và Thành phố tiếp tục đầu tư và hoàn thiện các công trình hỗ trợ cho du lịch phát triển như: tuyến đường Rừng Sác, tuyến đường vành đai Tân Sơn Nhất, xây dựng cầu Phú Mỹ, đường hầm Thủ Thiêm.

1.2. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

- Tập trung xây dựng và hoàn thành các khách sạn cao cấp, các khu phức hợp thương mại, mua sắm và các điểm vui chơi giải trí.

- Tập trung đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp từ 4 đến 5 sao, phấn đấu đến năm 2010 có thêm 4.368 phòng đưa vào sử dụng (phụ lục đính kèm).

- Hoàn thành việc xây dựng khu Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn tại khu Đô thị Phú Mỹ Hưng 801 Đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7.

- Hoàn thành trung tâm mua sắm Parkson Plaza 126 Hùng Vương, quận 5.

- Hoàn thành khu phức hợp thương mại Khách sạn Sài Gòn Happiness Square 235 Nguyễn Văn Cừ, quận 1.

- Hoàn thành khu phức hợp thương mại Khách sạn Times Square 22 - 36 Nguyễn Huệ, quận 1.

- Hoàn thành khu phức hợp thương mại Khách sạn Asiana Plaza 39 Lê Duẩn, quận 1.

- Cải tạo và xây mới Thương xá TAX thành trung tâm thương mại Quốc tế 35 Nguyễn Huệ, quận 1.

- Hoàn thành giai đoạn 1 Công viên Văn hóa Lịch sử Dân tộc, quận 9 theo hướng công viên chuyên đề về lịch sử văn hóa 54 dân tộc.

- Tích cực triển khai dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử thiên nhiên tại quận 9.

- Khởi công xây dựng giai đoạn 1 khu Sài Gòn Safary tại xã An Nhơn,  huyện Củ Chi.

- Triển khai thực hiện giai đoạn 1 Khu đô thị du lịch sinh thái lấn biển Cần Giờ.

- Cải tạo và nâng cấp Công viên bến Bạch Đằng để trở thành điểm tham quan văn minh, lịch sự và sắp xếp hợp lý xây dựng bến tàu du lịch để
phát huy việc khai thác tuyến du lịch trên sông.

2.  Một số giải pháp trọng tâm

Tăng cường việc xã hội hóa và đa dạng hơn việc đầu tư nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án, công trình để tạo thêm nhiều sản phầm mới.

* Giải pháp đối với đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp

-  Tập trung công tác giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù đối với các dự án mở rộng và xây mới các khách sạn của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn.

-  Thông báo rộng rãi qua nhiều kênh thông tin về yêu cầu cấp bách phát triển khách sạn cao cấp 3 đến 5 sao tại thành phố từ nay đến 2010 để kêu gọi các thành phần kinh tế, kể cả vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.

-  Khuyến khích, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các khách sạn có điều kiện mở rộng, nâng cấp thành các khách sạn 3 đến 5 sao song song phát triển các dự án xây dựng mới.

-  Thành phố ưu tiên dành quỹ đất ở các khu vực có vị trí thuận lợi để xây dựng khách sạn 3 - 4 - 5 sao hoặc khu phức hợp có chức năng kinh doanh khách sạn, khẩn trương quy hoạch xác định cụ thể địa điểm để kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhanh chóng quyết định đầu tư và tiến hành các thủ tục xây dựng để sớm đưa công trình vào sử dụng.

- Vận động các nhà khách của các Bộ, ngành Trung ương chuyển sang kinh doanh khách sạn theo Quyết định số 317/TTg ngày 29 tháng 6 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, thành phố còn một số nhà khách có mặt bằng rộng, vị trí tốt có thể chuyển sang kinh doanh khách sạn như: Nhà khách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở đường Cách Mạng Tháng 8, nhà khách Chính phủ ở đường Lý Thái Tổ, nhà khách Quốc hội ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

* Giải pháp đối với đầu tư xây dựng các trung tâm triển lãm, hội chợ, trung tâm mua sắm, khu phức hợp thương mại, vui chơi giải trí

-  Theo dõi chặt chẽ tiến độ xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn tại khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 để sớm đưa vào khai thác kinh doanh phục vụ yêu cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của Thành phố.

-  Khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhiều loại hình tham quan, vui chơi giải trí mới như đầu tư xây dựng bể cá biển tại Thành phố.

-  Sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết khu đô thị Thủ Thiêm và xác định địa điểm cụ thể xây dựng khu phức hợp thương mại cao cấp để kêu gọi đầu tư.

-  Tổng Công ty Nông nghiệp xác định các phân khu chức năng dự án hồ Vĩnh Lộc tại huyện Bình Chánh để đa dạng hơn các thành phần tham gia đầu tư.

-  Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng khu phức hợp thương mại Eden.

* Giải pháp đối với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

-  Thống nhất một đầu mối quản lý bến Bạch Đằng và giao cho Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư trong việc cải tạo nâng cấp bến Bạch Đằng.

-  Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn phối  hợp với Cảng Sài Gòn xây dựng lộ trình trong việc chuyển một phần Cảng Sài Gòn thành cảng du lịch tàu biển.

-  Khuyến khích các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng bến tàu khách, canô tại huyện Cần Giờ.

-  Công ty Công ích Thanh niên xung phong có kế hoạch nâng cấp bến phà Bình Khánh đạt yêu cầu văn minh lịch sự.

-  Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển loại hình xe bus chất lượng cao từ Chợ Bến Thành đến thị trấn Cần Thạnh và từ trung tâm thành phố đến cửa khẩu Mộc Bài.

II. CHƯƠNG TRÌNH 2: PHÁT TRIỂN VÀ ĐA DẠNG HÓA SẢN PHẨM DU LỊCH

1.  Nội dung chương trình

1.1. Tăng cường củng cố và cải thiện chất lượng các sản phẩm du lịch đã có.

-  Tiếp tục nâng cao chất lượng các điểm tham quan có sức thu hút cao như: Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử Thành Phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Thành Phố Hồ Chí Minh; các công trình kiến trúc có niên đại 100 năm về trước như: Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà. Hệ thống các chùa Việt - Hoa như Chùa Giác Lâm, Lăng Ông - Bà Chiểu, Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa bà Thiên Hậu…

-  Nâng cao chất lượng và đa dạng hơn nữa ngành hàng và hình thức hoạt động chợ đêm. Tiếp tục mở rộng mạng lưới hệ thống siêu thị như thương xá Tax, chuỗi Co.opmart.

-  Đẩy mạnh hình thức xuất khẩu tại chỗ thông qua việc gắn liền tham quan các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi…  

-  Tăng cường và cải thiện chất lượng dịch vụ, phục vụ xích lô tour, cho phép một lộ trình cố định và quy định thời gian hoạt động cho loại hình này.

-  Đẩy mạnh việc phát triển tour tham quan du lịch đường sông (River tour).

1.2- Xây dựng các sản phẩm mới và mang tính đặc thù của du lịch Thành phố

- Triển khai đề án khu phố đi bộ ở quận 1 tại đường Đồng Khởi – Nguyễn Huệ.

-  Khuyến khích việc đầu tư xây dựng các nhà hàng có sức chứa từ 1.000 đến 5.000 chỗ kết hợp với các chương trình nghệ thuật phục vụ khách bằng nguồn vốn xã hội.

-  Khuyến khích và phục hồi nếp sống và phong cách kinh doanh khu vực China Town gắn kết với các lễ hội, tập quán của người Hoa như Tết Trung thu, Tết Nguyên tiêu với các chương trình tham quan các di tích văn hóa lịch sử dân tộc Việt - Hoa. Xây dựng tour du lịch tham quan khu phố Đông y Quận 5 kết hợp với nhà hàng thực dưỡng.

-  Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng tour tham quan Bảo tàng Y học dân tộc cổ truyền ở quận 10.

-  Khuyến khích việc đầu tư các loại hình giải trí, nghệ thuật, trò chơi mới trong Công viên văn hóa Đầm Sen, đầu tư mở rộng diện tích và đầu tư các loại hình du lịch văn hóa và vui chơi giải trí công nghệ mới tại Công viên văn hóa Suối Tiên.

-  Hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp Rạp Kim Châu và chương trình nghệ thuật phục vụ du khách với thời lượng từ 45 phút đến 60 phút mang bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp tục nghiên cứu và lựa chọn địa điểm để xây dựng một nhà hát có quy mô lớn với 4.000 chỗ ngồi và sân khấu hiện đại để biểu diễn các chương trình nghệ thuật đặc sắc.

-  Khuyến khích việc phát triển xây dựng mô hình khách sạn - bệnh viện 4 đến 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế như Bệnh viện Pháp - Việt, Bệnh viện phụ sản Quốc tế, các bệnh viện có khu khám chữa bệnh chất lượng cao, phát triển dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ, Spa kết hợp với điều trị y học dân tộc.

1.3. Chú trọng các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng

-  Tăng cường chất lượng sản phẩm tuyến du lịch liên kết Thành Phố Hồ Chí Minh - Phan Thiết - Đà Lạt (trong chương trình Tam giác phát triển du lịch), tuyến du lịch Tây Nguyên gắn liền với cửa khẩu quốc tế Bờ Y,  tuyến du lịch sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến du lịch ven biển Nam Trung bộ…

-  Tiếp tục phát triển tuyến du lịch đường bộ và đường sông từ Thành Phố Hồ Chí Minh đến Phnompênh, SiemRiep và Poipet.

-  Thiết kế tuyến du lịch đường bộ dọc theo vịnh Thái Lan: từ Thành Phố Hồ Chí Minh đến Rạch Giá - Kép - Kampot - KongPongSom - KoKong (Campuchia) - Chanthaburi (Thái Lan).

-  Tiếp tục phát triển tuyến du lịch xuyên Á đến Myanmar (Dự án Tiểu vùng sông Mêkông).

2.  Một số giải pháp trọng tâm

-  Trên cơ sở những lợi thế Thành phố là trung tâm kinh tế, đô thị lớn nhất của cả nước và đồng thời là trung tâm du lịch của vùng và khu vực. Sản phẩm du lịch chủ lực của Thành phố là loại hình du lịch đô thị (Urban tourism). Do đó Thành phố cần tập trung vào các loại hình du lịch tham quan - mua sắm, loại hình du lịch MICE, loại hình du lịch chữa bệnh và tiếp tục củng cố và phát triển loại hình du lịch sinh thái đường sông và du lịch sinh thái biển Cần Giờ.

-  Để đa dạng hóa sản phẩm và tăng tính hấp dẫn đối với các mặt hàng lưu niệm cần tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu mã để sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, gắn sản xuất với thương mại và du lịch. Đặc biệt phối hợp với các quận - huyện trong việc phát triển các làng nghề.

-  Tiếp tục mở rộng chương trình mua sắm đạt chuẩn du lịch gắn liền với việc tổ chức tốt công tác quảng bá xúc tiến trong các tour du lịch đến Thành phố.

-  Tổ chức có hiệu quả chương trình Tháng bán hàng khuyến mãi để kích cầu nhằm phát huy thế mạnh của Thành phố là đầu mối thương mại lớn nhất cả nước, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước.

-  Quy định lại các bến bãi đỗ xe cho phù hợp và thuận tiện cho khách du lịch đi tham quan mua sắm.

-  Tổ chức đoàn liên ngành khảo sát và đề xuất nâng cấp trùng tu một số di tích lịch sử văn hóa xuống cấp và cải tạo lại hệ thống giao thông dẫn đến các điểm di tích lịch sử văn hóa.

-  Tiếp tục củng cố và cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng văn minh, lịch sự tại các Chợ Bến Thành, Bình Tây, Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông đang có sức thu hút khách du lịch quốc tế vì đây là sản phẩm chợ đặc thù khác với hệ thống siêu thị đã quá quen thuộc với khách du lịch quốc tế.

-  Có sự chỉ đạo tập trung đối với các dự án đầu tư xây dựng khu phố đi bộ tại quận 1, thực hiện giai đoạn 1 Công viên Văn hóa Lịch sử Dân tộc ở quận 9, Sài Gòn Safary Park ở huyện Củ Chi.

-  Phối hợp với các tỉnh - thành phố mà Ủy ban nhân dân thành phố đã ký kết hợp tác để liên kết cùng khai thác sản phẩm du lịch và đầu tư các sản phẩm du lịch.

-  Tăng cường việc hợp tác với các trung tâm du lịch của khu vực như Bangkok - Pattaya, Phnompênh - Siem Riep, Nam Ninh - Quảng Châu - Thượng Hải để thúc đẩy việc thu hút nguồn khách từ 2 phía.

III. CHƯƠNG TRÌNH 3: HOẠT ĐỘNG QUẢNG BÁ XÚC TIẾN DU LỊCH

1.  Nội dung chương trình

- Tăng cường nội dung và hình thức hoạt động quảng bá phát triển du lịch thông qua việc xác định rõ những lễ hội du lịch trên địa bàn thành phố: Lễ hội Tết Nguyên đán với hoạt động đường hoa phố hoa, Tết Nguyên tiêu, lễ hội Kỳ Yên Lăng Ông - Bà Chiểu, Ngày hội Hội du lịch thành phố, Lễ hội trái cây nhiệt đới, Lễ hội Nghinh ông Cần Giờ, Lễ hội 30/4, Liên hoan ẩm thực “Món ngon các nước”, Hội chợ ITE. Đăng cai tổ chức liên hoan phim quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Liên hoan các giọng ca vàng Châu Á - Thái Bình Dương, Tháng Văn hóa Châu Á 2 năm 1 lần.

- Tham gia các sự kiện và hội chợ du lịch thương mại với các địa phương trong nước để quảng bá sản phẩm du lịch và hình ảnh của Thành phố.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến ra nước ngoài như tổ chức các Road show và tham gia các các hội chợ quốc tế ở những thị trường trọng điểm.

- Mở rộng mối quan hệ hợp tác và hội nhập du lịch quốc tế thông qua việc tham gia các diễn đàn, hội thảo về du lịch của các tổ chức TPO, PATA, Tiểu vùng sông Mêkông…

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông như hệ thống truyền hình, phát thanh và báo chí. Tổ chức các Famtrip, Press tour cho các hãng lữ hành, các hãng truyền hình và nhà báo du lịch quốc tế đến tham quan Thành Phố Hồ Chí Minh để tuyên truyền quảng bá về sản phẩm và hình ảnh của Thành phố đến với thị trường du lịch thế giới được sâu rộng hơn.

- Tiếp tục việc xuất bản các ấn phẩm thông tin văn hóa - du lịch với nhiều ngoại ngữ phổ biến và phát hành rộng rãi các phim ảnh tư liệu về các di tích lịch sử - văn hóa, các công trình kiến trúc nghệ thuật, các danh lam thắng cảnh, các làng nghề, lễ hội….

- Tăng cường nội dung và hình thức Website du lịch thành phố, từng bước xây dựng các Website du lịch bằng những ngoại ngữ thông dụng.

- Khuyến khích các doanh nghiệp triển khai thương mại điện tử trong kinh doanh du lịch và khuyến khích các doanh nghiệp mở văn phòng đại diện du lịch tại một số thành phố và thị trường trọng điểm như: Tokyo, Singapore, SiemRiep…

2. Một số biện pháp trọng tâm

- Đẩy mạnh việc xã hội hóa trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch để khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí ngân sách và đóng góp của các doanh nghiệp nhằm nâng chất lượng các chương trình ngang tầm với các nước trong khu vực.

- Có kế hoạch gắn chặt hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch với hoạt động quảng bá văn hóa, xúc tiến đầu tư thương mại theo hướng phát triển đồng bộ và toàn diện với những hình thức linh hoạt đạt hiệu quả cao.

- Chủ động trong công tác nghiên cứu thị trường để xác định các thị trường tiềm năng, thị trường trọng điểm và thị trường mục tiêu để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với sở thích, tâm lý và nhu cầu của từng đối tượng khách và xây dựng các chương trình xúc tiến phù hợp với từng thị trường.

- Đẩy mạnh việc khai thác thị trường nội địa với 84 triệu dân có sức mua đang tăng do đời sống được cải thiện. Triển khai các biện pháp khuyến mãi, kích cầu du lịch nội địa.

- Triển khai kế hoạch khai thác nguồn khách nước thứ 3 nối tour đến Thành Phố Hồ Chí Minh từ các thị trường Hong Kong, Singapore, Mỹ, Thái Lan và khai thác nguồn khách quốc tế qua các cửa khẩu biên giới phía Tây và Tây Nam thành phố. Quan tâm đến tổ chức đón tiếp và phục vụ Việt kiều về thăm quê hương.

- Đẩy mạnh việc khai thác thị trường khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Canada, Úc; các nước ASEAN, các nước Tây Âu (Pháp, Anh, Đức, Ý…), các nước Bắc Âu, khôi phục thị trường Liên bang Nga và các nước Đông Âu…

- Tăng cường chất lượng chuyên mục du lịch và tần suất phát sóng trên truyền hình, tiếp tục mở rộng các chuyên trang về du lịch trên các báo và tạp chí.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của các Tổng Lãnh sự tại thành phố và sự hỗ trợ của các Đại sứ quán Việt Nam và Hàng không Việt Nam tại các thị trường trọng điểm trong việc quảng bá hình ảnh du lịch của Thành phố ra nước ngoài.

IV. CHƯƠNG TRÌNH 4: PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

1.  Nội dung chương trình

1.1. Công tác bồi dưỡng và đào tạo ngắn hạn của cơ quan quản lý du lịch

- Tổ chức các hội thảo, báo cáo chuyên đề về Hội nhập kinh tế thế giới, kinh doanh du lịch trong tiến trình tham gia WTO.

- Tổ chức các lớp đào tạo Giám đốc lữ hành, Giám đốc quản lý khách sạn vừa và nhỏ, các khóa đào tạo điều hành tour và Trưởng đoàn Outbound, các khóa bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ để cấp thẻ Hướng dẫn viên tạm thời cho các ngoại ngữ hiếm như: Nhật, Hàn, Đức, Tây Ban Nha, Thái…

- Phối hợp với Lãnh sự quán một số nước tại Thành phố để tổ chức các buổi chuyên đề về đặc điểm tâm lý, thị hiếu và nhu cầu của khách du lịch.

- Tranh thủ sự giúp đỡ tài trợ của các tổ chức quốc tế như JICA, PATA, WTO trong việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và báo cáo chuyên đề về du lịch.

- Đẩy mạnh việc hợp tác đào tạo du lịch với các trường và các Học viện du lịch nổi tiếng trên thế giới.

1.2. Công tác đào tạo và bồi dưỡng của các doanh nghiệp du lịch

- Khuyến khích các doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ cho nhân viên nhằm phục vụ theo yêu cầu của từng thị trường khách du lịch.

- Các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đối với các trường để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của mình, đồng thời các trường cũng nắm bắt được nhu cầu thực tiễn để cải tiến chương trình cho phù hợp với thực tế.

- Cần có chế độ khuyến khích các hình thức tự học đối với cán bộ, nhân viên nhằm phát huy hơn nữa tinh thần tự bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đơn vị.

2. Một số giải pháp trọng tâm

- Đẩy mạnh việc bồi dưỡng, đào tạo lại chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng do Thành phố tổ chức và cử cán bộ chuyên viên tham gia các khóa học về du lịch ở nước ngoài.

- Sở Du lịch chủ trì phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp để tổ chức các chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và cán bộ, nhân viên trong các đơn vị kinh doanh du lịch nhằm nâng cao khả năng lãnh đạo, điều hành, kiến thức nghiệp vụ theo kịp tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và phù hợp với nhu cầu thực tế.

- Xây dựng Website về nguồn nhân lực du lịch để cung cấp những thông tin lao động trong ngành.

- Tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ du khách, nghiệp đoàn xích-lô quận 1 và đội ngũ tài xế xe du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức hội thi kiểm tra, nâng cao tay nghề.

V. CHƯƠNG TRÌNH 5: CẢI CÁCH VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH

1.  Nội dung chương trình

- Thực hiện tốt vai trò và chức năng là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch thành phố trong việc tham mưu, đề xuất để Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối những hoạt động phối hợp các Sở, ngành, quận - huyện với Sở Du lịch.

- Nâng cao năng lực quản lý về du lịch, công tác quy hoạch, kế hoạch thanh kiểm tra; xây dựng và xác lập các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về du lịch được chính xác đồng bộ và đề ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng du lịch.

- Tiến hành quy hoạch các cơ sở lưu trú theo hướng hạn chế phát triển các cơ sở lưu trú nhỏ (nhà nghỉ kinh doanh du lịch, nhà có phòng cho thuê). Khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, đặc biệt các khách sạn 4 - 5 sao có khả năng phục vụ tốt loại hình du lịch MICE. Tăng cường công tác hậu kiểm cơ sở lưu trú sau khi xếp hạng để giữ vững được chất lượng và quản lý toàn diện.

- Triển khai thực hiện việc chuẩn hóa các hoạt động dịch vụ du lịch như hoạt động vận chuyển, hướng dẫn viên, các điểm mua sắm…Xây dựng tiêu chí bình chọn Topten và trao giải cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam và nước ngoài đưa nhiều khách du lịch quốc tế đến Thành Phố Hồ Chí Minh.

- Củng cố vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội Du lịch để tập hợp nhiều hội viên, là đầu mối tin cậy của doanh nghiệp trong tham gia hội nhập thị trường quốc tế, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp du lịch.

2. Một số giải pháp trọng tâm

- Tiếp tục phát huy vai trò của các thành phần kinh tế, trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đóng góp tích cực vào sự phát triển du lịch thành phố như: đầu tư xây dựng các khách sạn, các điểm kinh doanh ẩm thực, sản xuất và bán hàng lưu niệm đạt chuẩn du lịch, đầu tư phát triển nhiều loại hình vui chơi giải trí trong các công viên văn hoá du lịch, xây dựng Bảo tàng chuyên đề và đặc biệt là sự đầu tư phát triển hệ thống các trường đào tạo trung học, cao đẳng và đại học du lịch tư thục.

- Phát huy trách nhiệm, vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch trong công tác phối hợp, cộng đồng trách nhiệm góp phần phát triển du lịch thành phố.

- Thúc đẩy cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, cương quyết loại trừ những khâu trung gian, thủ tục giấy tờ không cần thiết tạo thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp. Duy trì thường xuyên công tác giáo dục, chấn chỉnh, nâng cao tinh thần thái độ, ý thức phục vụ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

- Thực hiện quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000, thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, độc lập, khách quan trong nội bộ, khắc phục tình trạng khép kín, thiếu công khai dễ phát sinh tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp.

- Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cơ quan khoa học trong và ngoài nước để tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm tiếp cận với những thành tựu mới, tiên tiến về khoa học công nghệ du lịch. Xác lập các kênh thông tin thường xuyên giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cơ quan quản lý thông qua trang Web, đường dây nóng.

- Tăng cường kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch như hoạt động sai chức năng, kinh doanh trái phép, núp bóng, kê khai không đúng số lượng khách từng bước đưa hoạt động của các tổ chức kinh doanh du lịch vào trật tự, tạo môi trường kinh doanh phát triển ổn định, bền vững, có tính chuyên nghiệp cao.

VI. CHƯƠNG TRÌNH 6: ĐẢM BẢO MÔI TRƯỜNG DU LỊCH

1.  Nội dung chương trình

- Tăng cường giáo dục và nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư về gìn giữ bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao trách nhiệm của cá nhân, các tổ chức kinh doanh du lịch trong việc xử lý các loại chất thải phát sinh, khắc phục tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn, phòng chống các tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh du lịch.

- Tăng cường công tác quản lý môi trường các hoạt động du lịch bao gồm hành vi du khách, địa điểm lưu trú, phương tiện vận chuyển, khu vui chơi giải trí.

- Tăng cường công tác quản lý việc thực hiện quy hoạch công viên cây xanh thành phố. Tạo mỹ quan và đảm bảo vệ sinh môi trường ở khu vực trung tâm, các vùng đô thị mới.

- Khuyến khích các công ty du lịch tổ chức các tour du lịch sinh thái, du lịch xanh, có các chương trình đưa khách tham gia trồng cây và chăm sóc cây xanh. Nâng cao sự hiểu biết về môi trường tự nhiên qua đó tạo ý thức tham gia vào các nỗ lực bảo tồn.

2. Một số giải pháp trọng tâm

- Phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, Luật Du lịch. Xây dựng chương trình phong cách nếp sống người dân Thành phố văn minh, lịch sự.

- Tổ chức biên tập, in ấn những tập gấp, tờ bướm tuyên truyền về hành vi ứng xử trong du lịch. Xây dựng những chương trình, những đoạn phim ngắn, lồng ghép vào các tiết mục quảng cáo trên Đài Truyền hình để nâng cao nhận thức và giữ gìn bảo vệ các điểm di tích văn hóa lịch sử.

- Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, tổ chức ngày chủ nhật xanh, tuần lễ môi trường tuyên truyền vận động người dân trồng cây xanh.

- Tổ chức các khóa bồi dưỡng về quản lý tài nguyên và môi trường du lịch cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

- Tổ chức thu gom các đối tượng quấy nhiễu du khách. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của lực lượng bảo vệ khách du lịch cả về số lượng để đảm bảo môi trường an toàn, tạo sự thân thiện đối với du khách.

Phần 3:

CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI VÀ PHỐI HỢP THỰC HIỆN

1. Giao cho Sở Du lịch chủ trì và có kế hoạch:

- Theo dõi tiến độ xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm đúng với tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2008 để sớm đưa vào khai thác kinh doanh phục vụ cho yêu cầu phát triển thương mại dịch vụ du lịch của Thành phố và tiến độ đầu tư giai đoạn 1 Công viên Văn hóa Lịch sử Dân tộc, quận 9 và Khu đô thị du lịch sinh thái lấn biển Cần Giờ (2007 - 2010), các dự án mở rộng và xây mới các khách sạn của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn.

- Chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và các doanh nghiệp trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, du lịch Thành phố ra nước ngoài.

- Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện tăng cường công tác thanh kiểm tra, công tác hậu kiểm để môi trường kinh doanh phát triển ổn định, có tính chuyên nghiệp cao.

- Chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, các tỉnh thúc đẩy nhanh các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch, các tuyến du lịch liên vùng và khu vực.

2. Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì:

- Theo dõi, hỗ trợ giải quyết theo thẩm quyền những khó khăn vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn ngân sách.

- Xây dựng các chính sách xã hội hóa về đầu tư và đề xuất các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các công trình phục vụ du lịch thành phố.

3. Giao cho Sở Giao thông - Công chính chủ trì:

- Phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Cảng Sài Gòn trong việc đẩy nhanh tiến độ và xây dựng lộ trình trong việc chuyển giao một phần Cảng Sài Gòn thành cảng du lịch tàu biển trước năm 2010.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng giai đoạn 1 khu Sài Gòn Safary Park, có kế hoạch bố trí tần suất xe buýt Chợ Bến Thành - Thị trấn Cần Thạnh đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của du khách. Chỉ đạo Công ty du lịch Sapaco tiếp tục kéo dài tuyến xe du lịch Thành Phố Hồ Chí Minh - Phnompênh - SiemRiep hiện có đến PoiPet biên giới Campuchia và Thái Lan để đón khách du lịch quốc tế đi bằng đường bộ đến Thành phố. Chủ trì phối hợp với Công ty công ích Lực lượng Thanh niên xung phong có kế hoạch nâng cấp bến phà Bình Khánh, phối hợp với Công an quận - huyện quy định lại bến bãi đỗ xe cho phù hợp và thuận tiện cho khách du lịch tham qua, mua sắm.

4. Giao cho Sở Thương mại chủ trì:

Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Sở Du lịch có kế hoạch triển khai chương trình kích cầu mua sắm và các tháng khuyến mãi trong năm. Phối hợp với Sở Du lịch tiếp tục mở rộng chương trình mua sắm đạt chuẩn du lịch đối với khách nội địa và khách du lịch quốc tế.

5. Giao cho Sở Văn hóa và Thông tin chủ trì:

- Hoàn thành việc xây dựng Rạp Kim Châu và chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ khách du lịch, tiếp tục nghiên cứu và lựa chọn địa điểm để xây dựng một nhà hát có quy mô 4.000 chỗ ngồi và sân khấu hiện đại để biểu diễn các chương trình nghệ thuật đặc sắc. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận 1, Ủy ban nhân dân quận 5, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ có kế hoạch đầu tư tôn tạo các điểm di tích lịch sử văn hóa, tổ chức các các lễ hội định kỳ hàng năm như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Lễ hội Nghinh ông Cần Giờ, Lễ hội Kỳ Yên - Lăng Ông - Bà Chiểu, Liên hoan phim quốc tế và Liên hoan giọng ca vàng khu vực
Châu Á - Thái Bình Dương.

- Phối hợp với Sở Ngoại vụ tổ chức Tháng văn hóa Châu Á (2 năm 1 lần).

- Xây dựng chương trình phong cách nếp sống người dân Thành phố văn minh lịch sự và bảo vệ giữ gìn các điểm di tích văn hóa lịch sử.

- Phối hợp với Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, các báo, tạp chí đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá du lịch, xây dựng và phát hành rộng rãi các phim ảnh về các di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc, danh thắng, các làng nghề, lễ hội của thành phố.

6. Giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì:

- Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Du lịch và Sở Giáo dục và Đào tạo phổ biến Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Du lịch, biên tập in ấn các tập gấp, tờ bướm tuyên truyền trong cộng đồng về việc bảo vệ môi trường.

- Hỗ trợ các nhà đầu tư các thủ tục về quy hoạch sử dụng đất.

7. Giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì:

Phối hợp với Sở Du lịch, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các quận - huyện đề xuất các địa điểm phù hợp với quy hoạch để xây dựng các khách sạn cao cấp, các khu vui chơi giải trí trên địa bàn Thành phố.

8. Giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì:

Phối hợp với Công an thành phố và Ủy ban nhân dân quận - huyện: thường xuyên tổ chức thu gom các thành phần tệ nạn, mua bán hàng rong, ăn xin quấy nhiễu du khách.

9. Giao cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư chủ trì:

Kêu gọi thu hút đầu tư đối với các dự án cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Chủ trì phối hợp chặt chẽ hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại với hoạt động quảng bá văn hóa - du lịch theo hướng phát triển đồng bộ và toàn diện với những hình thức linh hoạt đạt hiệu quả cao.

10. Giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm chủ trì:

Thúc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thủ Thiêm và địa điểm xây dựng khách sạn cao cấp của khu vực này chuẩn bị cho nhu cầu phát triển của du lịch thành phố sau năm 2010.

11. Giao cho Ủy ban nhân dân quận 1 chủ trì:

Chủ trì phối hợp với Sở Du lịch, Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thông tin, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng triển khai kế hoạch xây dựng khu phố đi bộ và làm chủ đầu mối quản lý và là chủ đầu tư cải tạo nâng cấp Công viên bến Bạch Đằng. Phối hợp với Sở Thương mại để nâng cao chất lượng và đa dạng hơn nữa các ngành hàng và hình thức hoạt động Chợ đêm Bến Thành, Lưu Văn Lang.

12. Giao cho Ủy ban nhân dân quận 5 chủ trì:

Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận 6, Ban Công tác người Hoa, Sở Du lịch, Sở Thương mại, Sở Văn hóa và Thông tin trong việc khuyến khích và phục hồi nếp sống và phong cách kinh doanh khu China Town gắn liền với khai thác lễ hội và tham quan các di tích văn hóa lịch sử Việt - Hoa.

13. Giao cho Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chủ trì:

Có kế hoạch xây dựng Đề án chi tiết các địa điểm xây dựng các bến tàu khách du lịch tại huyện Cần Giờ và phối hợp với Tổng Công ty Du lịch
Sài Gòn trong việc hoàn thành san lắp mặt bằng để xây dựng khu đô thị sinh thái biển Cần Giờ giai đoạn 1.

14. Giao cho Ủy ban nhân dân các quận - huyện: quận 2, quận 3, quận 6, quận 7, quận 9, quận 10, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi chủ trì:

Phối hợp với các Sở - ngành triển khai thực hiện các dự án du lịch trên địa bàn. Tập trung giải quyết những vướng mắc đền bù, giải tỏa đối với các công trình, dự án có liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Phần 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao cho Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch thành phố giai đoạn 2007 - 2010 và những năm kế tiếp.

2. Căn cứ vào nội dung và giải pháp của các Chương trình phát triển du lịch thành phố giai đoạn 2007 - 2010 và những năm kế tiếp, Thủ trưởng các Sở - ban - ngành, quận - huyện và các Tổng Công ty có liên quan tổ chức quán triệt trong nội bộ. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng chương trình đã được phân công chủ trì như xác định rõ lộ trình và kinh phí thực hiện từng chương trình gửi đến Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp xây dựng kế hoạch trong ngân sách hàng năm của ban - ngành, quận - huyện.

3. Định kỳ hàng quý, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch thành phố tổ chức giao ban để đánh giá kết quả đạt được, xác định công tác tập trung cho quý sau. Ủy ban nhân dân thành phố giao cho thành viên của Ban Chỉ đạo, các Sở - ngành, quận - huyện có liên quan báo cáo kết quả hoạt động hàng quý và giao cho Sở Du lịch làm Thường trực chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và báo cáo tổng hợp tình hình và tiến độ thực hiện các đề án, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những tháo gỡ cho Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch và Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 06/2008/QĐ-UBND về Chương trình phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2007 - 2010 và những năm kế tiếp do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu: 06/2008/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký: Nguyễn Thị Hồng
Ngày ban hành: 24/01/2008
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [3]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 06/2008/QĐ-UBND về Chương trình phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2007 - 2010 và những năm kế tiếp do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…