HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/NQ-HĐND |
Lào Cai, ngày 08 tháng 12 năm 2023 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024 TỈNH LÀO CAI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
KHÓA XVI - KỲ HỌP THỨ 16
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết 103/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 10 tháng 11 năm 2023 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023;
Xét Báo cáo số 472/BC-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tỉnh Lào Cai; Báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tỉnh Lào Cai như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các lĩnh vực đột phá, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của từng ngành, từng lĩnh vực. Tăng cường ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố an ninh – quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tích cực, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu:
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP): Trên 10%.
(2) Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 12,1%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 42,3%; Dịch vụ chiếm 35,6%; Thuế sản phẩm 10%.
(3) GRDP bình quân đầu người: 104 triệu đồng/năm.
(4) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 60.000 tỷ đồng.
(5) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 12.800 tỷ đồng. (6) Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất canh tác: 98 triệu đồng. (7) Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 2010): 52.200 tỷ đồng.
(8) Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn: Trên 8 triệu lượt; Doanh thu du lịch trên địa bàn: 25.700 tỷ đồng.
(9) Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ: 39.000 tỷ đồng; Giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu: 4.500 triệu USD.
(10) Tỷ lệ đô thị hóa: 33,5%.
(11) Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia: 97,8%.
(12) Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia: 68%; Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương: 80%.
(13) Số giường bệnh trên 1 vạn dân: 45,7 giường bệnh; Số bác sỹ trên một vạn dân: 14,5 bác sỹ; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể chiều cao: Dưới 24,9%; thể cân nặng: Dưới 13,7%.
(14) Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: Dưới 1,2%.
(15) Tỷ lệ giảm hộ nghèo đa chiều bình quân hàng năm: Trên 4%/năm.
(16) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,8%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%; Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp: Dưới 51,7%; Tỷ lệ thất nghiệp dưới 1,2%.
(17) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 97%.
(18) Tỷ lệ hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá: Đạt từ 86% trở lên; Tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hoá: Đạt từ 80% trở lên. (19) Số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới: 72 xã.
(20) Tỷ lệ che phủ rừng: 59,2%.
(21) Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các đô thị: 96%; Tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, xử lý: 80%.
(22) Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch: 94%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 96,8%.
(23) Tỷ lệ thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình: 100%; Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ phát sinh của các dịch vụ công trực tuyến: 50%.
(24) Tỷ lệ các xã phường, thị trấn đạt xuất sắc trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Trên 80%.
(25) Tỷ lệ giải quyết các vụ án: Trên 90%.
3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
a) Đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế:
- Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, tăng tỷ trọng chế biến tinh, chế biến sâu, kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn;
- Chủ động rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, thuỷ điện và những vấn đề phát sinh liên quan; Ưu tiên kêu gọi nguồn lực đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp đang triển khai; đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.
- Quyết liệt đổi mới công tác xúc tiến thương mại, gắn sản xuất với lưu thông hàng hóa; bảo đảm bình ổn thị trường các hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại. Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc; tăng cường xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong công tác quản lý cửa khẩu; thúc đẩy hoạt hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Chủ động phối hợp các cơ quan có liên quan để đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm duy trì liên tục, thông suốt hoạt động xuất nhập khẩu; xây dựng chính sách nhằm ưu tiên thu hút đầu tư, hình thành một số doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh.
- Khai thác các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tăng thu ngân sách trên địa bàn: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả trong giải ngân vốn đầu tư công; rà soát tiến độ thực hiện các dự án để điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp. Huy động tối đa nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, tạo thuận lợi thực hiện đầu tư các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm tốt công tác bồi thường, thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hiệu quả, tiết kiệm, cân đối, lồng ghép nguồn lực hợp lý. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác.
- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Triển khai các quy hoạch chung xây dựng. Tập trung nguồn lực nhà nước và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư đô thị hành chính, du lịch các huyện, thị xã. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bảo đảm nguồn cung và kiểm soát giá nguyên vật liệu.
- Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quản lý chặt chẽ sản lượng khai thác. Bảo đảm thực hiện nghiêm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, rà soát và quản lý tốt chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn; nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kịp thời ứng phó, khắc phục hiệu quả các sự cố, thiên tai.
b) Về phát triển văn hóa - xã hội:
- Tiếp tục rà soát, sắp xếp trường, lớp gắn với thực hiện tinh, giản biên chế, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo hướng toàn diện, chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đổi mới mạnh mẽ đồng bộ về nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng hiện đại và tiếp cận chuẩn quốc tế. Triển khai toàn diện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; chú trọng phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; đẩy mạnh thực hiện tốt phân luồng sau trung học cơ sở và hướng nghiệp học sinh trung học phổ thông. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đặc biệt là huy động nguồn xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học; từng bước đầu tư xây dựng trường học hiện đại, thông minh, chất lượng cao.
- Chủ động các phương án ứng phó các dịch bệnh mới có thể xảy ra; bảo đảm nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; huy động nguồn lực đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh chuyên sâu, chất lượng cao. Nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, quản lý và hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ ý tế; duy trì hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế - dân số.
- Ưu tiên cân đối nguồn lực cho nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hoá, góp phần quảng bá hình ảnh văn hoá, con người Lào Cai. Đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể; đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử, danh thắng cơ sở vật chất văn hoá phục vụ phát triển du lịch và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Chú trọng nâng cao chất lượng thể thao thành tích cao, tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh và tham gia các giải thể thao thành tích cao toàn quốc.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu về thị trường lao động và việc làm tại các địa phương và tỉnh. Triển khai thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện hiệu quả chính sách bảo trợ xã hội; chính sách hỗ trợ tạo việc làm, quan tâm đến lao động là người dân tộc thiểu số, lao động trong vùng quy hoạch; làm tốt công tác thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh hình thức đào tạo tại chỗ và tăng cường liên kết đào tạo để có nguồn lao động có chất lượng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, các dự án đầu tư tại tỉnh.
c) Hoạt động chuyển đổi số, phát triển thông tin và truyền thông:
Phát triển hạ tầng số, nền tảng số; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, mạng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng kết nối internet băng rộng đến hộ gia đình, thôn, các cơ sở y tế, giáo dục, địa bàn các xã nghèo; xóa vùng trắng mạng di động. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; Hỗ trợ đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số. Thúc đẩy thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt. Phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số.
d) Về quốc phòng - an ninh, hoạt động đối ngoại:
- Bảo đảm giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; chỉ đạo kịp thời xử lý, giải quyết hiệu quả các vấn đề, vụ việc phát sinh; giải quyết tốt các vấn đề khiếu kiện, mâu thuẫn, phức tạp trong nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; Siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ.
- Tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương, vùng lãnh thổ nước ngoài, các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), giữ mối quan hệ tốt, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch; duy trì quan hệ hợp tác với các đại sứ quán các nước, các viện nghiên cứu, trường đại học, các đơn vị, địa phương, trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế.
e) Tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính:
Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Chương trình, Đề án về cải cách hành chính của Trung ương và của tỉnh. Tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và Nhân dân; Thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ cấu tổ chức, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định; triển khai Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị gắn với chức danh nghề nghiệp, chức vụ, quản lý tương đương. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo quy định của Chính phủ; Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
1. Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
3. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XVI, Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2023./.
|
CHỦ TỊCH |
Nghị quyết 58/NQ-HĐND năm 2023 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tỉnh Lào Cai
Số hiệu: | 58/NQ-HĐND |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lào Cai |
Người ký: | Vũ Xuân Cường |
Ngày ban hành: | 08/12/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị quyết 58/NQ-HĐND năm 2023 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tỉnh Lào Cai
Chưa có Video